Ngành cà phê lao đao vì biến đổi khí hậu

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, biến đối khí hậu (BĐKH) đã làm tăng nhiệt độ ở Tây Nguyên, nơi canh tác phần lớn cà phê của Việt Nam, nguồn tài nguyên nước suy giảm, quy luật phân bố mưa thay đổi, mưa trái mùa xuất hiện nhiều gây trở ngại quá trình ra hoa, kết trái cà phê…

Thiếu nước tưới trầm trọng, thời tiết thay đổi thất thường đang đe dọa đến sự phát triển của ngành cà phê.

Liên Hợp Quốc dự báo, BĐKH sẽ làm cho nhiệt độ tăng thêm khoảng 2,39 độ C vào năm 2100. Số ngày nóng ở Tây Nguyên dự báo sẽ tăng lên 134 ngày vào năm 2050 và 230 ngày vào năm 2100. Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng ở vùng Tây Nguyên có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Lưu vực các sông Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và Đồng Nai đã kiệt dần từ lưu lượng 173.863l/s của những năm 2004-2005 xuống còn trên dưới 125.000l/s hiện nay. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng, giảm từ 3-5m so với trước đây; lượng nước trên các sông ở khu vực này cũng chỉ đạt từ 60-70%.

Tại Đăk Lăk, trong 770 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, chỉ có 250 hồ tích được từ 60-80%, còn lại đều dưới 60% dung tích. Ngoài yếu tố nhiệt độ có xu hướng tăng, nguồn nước giảm, diễn biến thời tiết ở Tây Nguyên đang ngày càng có xu thế cực đoan hơn, thiên tai xảy ra thường xuyên và bất thường hơn. Sự gia tăng của biên độ nhiệt, ẩm ngày đêm khiến một số nơi đang mất dần tính ổn định, tính quy luật về thời tiết khí hậu vốn có của vùng.

BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê, đơn cử năm 2016, từ tháng 1- 6, tình trạng khô hạn khốc liệt lại diễn ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm trên 100.000ha cà phê vùng Tây Nguyên, nhiều diện tích cà phê bị chết không thể phục hồi được. Riêng ở Đăk Lăk, đã xảy ra 2 đợt hạn, làm cho 109.461ha cây trồng bị hạn, trong đó có 71.890ha cà phê (diện tích cà phê bị mất trắng là 5.570ha); 193 hồ chứa bị khô cạn nước. Tổng thiệt hại ước tính 3.299,7 tỷ đồng.

Sự thay đổi về thời tiết, nhất là phân bố mưa, lượng mưa ở Tây Nguyên trong Thời tiết có xu hướng nóng lên cũng làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và khó dự báo.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, BĐKH khiến cho ngành cà phê Việt Nam không thể sản xuất theo kiểu truyền thống như trước (tưới lãng phí nước, lạm dụng phân bón…) mà cần có giải pháp thay đổi, ứng phó kịp thời.

Theo đó, diện tích cà phê đến năm 2020 cần giữ ổn định ở mức khoảng 600.000 ha, không tăng thêm diện tích, tập trung thâm canh; chuyển một phần diện tích cà phê Robusta sang trồng cà phê Arabica; đặc biệt đẩy mạnh thực hiện giải pháp tưới tiết kiệm nước. Các nhà khoa học nông nghiệp cũng cần tham gia nghiên cứu, xác định loại cây trồng xen với cà phê phù hợp, có hiệu quả kinh tế, thích ứng với BĐKH.

Tổng hợp và duyệt bới Farmtech Việt Nam

Giá Cà phê xuống quá thấp ngay trước khi vào niên vụ mới

Liên tục giảm xuống trong thời gian qua, đến đầu tuần này, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên chỉ còn trên dưới 32.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2016 đến nay.

Theo ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia về thị trường cà phê, so với đầu niên vụ 2017/2018, giá cà phê nhân xô hiện tại đã giảm tới khoảng 10 triệu đồng/tấn. Giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London giảm 518 USD/tấn so với phiên giao dịch đầu vụ 2017/2018 (ngày 2/10/2017), và cà phê Arabica trên sàn giao dịch New York giảm 602 USD/tấn.

Giá cà phê đã xuống rất thấp và niên vụ mới đã cận kề, nhưng hoạt động mua bán ở Tây Nguyên vẫn đang rất ảm đạm. Các DN XK cà phê vẫn đang tập trung giao hết hàng tồn kho để chuẩn bị nhận cà phê vụ mới. Giá xuống quá thấp cũng khiến cho nhiều nông dân không mặn mà bán ra cà phê vụ cũ mặc dù vụ thu hoạch mới đã cận kề.

Không chỉ ở Việt Nam, giá cà phê trên toàn cầu cũng liên tục giảm mạnh trong nhiều tháng qua và hiện đã xuống rất thấp. Vào đầu tháng 9, giá cà phê Arabica giao tương lai từng xuống chỉ còn 98,65 UScent/pound (mức thấp nhất 12 năm trở lại đây). Đến thời điểm này, giá cà phê Arabica vẫn đang quanh quẩn ở mức thấp nói trên.

Trước sự lao dốc của giá cà phê toàn cầu, mới đây, các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới và những khách hàng lớn của ngành cà phê đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm cách thúc đẩy giá cà phê tăng trở lại. Thông tin tại cuộc họp cho thấy, nguồn cung đạt mức kỷ lục từ vụ thu hoạch mới ở Brazil là nguyên nhân chính đang gây sức ép lớn về giá trên thị trường cà phê toàn cầu.

Công ty Cung ứng Quốc gia (CONAB), trực thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil, vừa công bố khảo sát lần thứ ba về sản lượng cà phê nước này trong năm nay. Kết quả cho thấy sản lượng cà phê của Brazil năm 2018 sẽ đạt mức kỷ lục 59,9 triệu bao (bao 60kg), tương ứng với mức tăng 33,2% so với sản lượng năm 2017 (44,97 triệu bao). Với sản lượng đạt mức kỷ lục ở Brazil, Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/2019 sẽ vào khoảng 171,2 triệu bao, tăng 7,1% so với niên vụ 2017/2018.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng ít nhiều tác động tới giá cà phê thế giới. Mới đây, chính quyền Mỹ đã quyết định áp thêm 10% thuế lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa NK từ Trung Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng đã tuyên bố có hành động trả đũa lên 60 tỷ USD giá trị hàng hóa NK từ Mỹ. Cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến cho nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang những sản phẩm có độ an toàn cao hơn, khiến cho giá dầu mỏ, cà phê… bị suy giảm.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số những nước cung cấp cà phê cho Mỹ, khi chiếm 15,6% trong tổng lượng cà phê NK vào Mỹ 7 tháng đầu năm nay (147 ngàn tấn). Tuy nhiên, giá cà phê Việt Nam khá thấp so với các nguồn cung khác. Cụ thể: giá cà phê Việt Nam XK vào Mỹ bình quân 1,9 USDkg; Brazil 2,8 USD/kg; Colombia 3,5 USD/kg; Guatemala 4 USD/kg. Nguyên nhân chính là do Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta, trong khi người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng cà phê Arabica chất lượng cao hơn. Hiện quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao của Việt Nam còn thấp nên chưa tạo được thương hiệu cũng như sự ảnh hưởng tại thị trường Mỹ.

                                                Nguồn: Báo Nông Nghiệp, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.