Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ bóc trứng

Nuôi chim trĩ khá đơn giản và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với nuôi gà thông thường. Nhưng nuôi trĩ cần có kỹ thuật nuôi và kiến thức về chăm sóc chim con sẽ giúp bà con đi đến thành công nhanh hơn!

Khó khăn nhất trong việc nuôi chim trĩ chính là chăm sóc chim trĩ bóc trứng đến 30 ngày tuổi. Trong 30 ngày đầu, nếu không có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc có thể gây thiệt hại rất lớn, nhẹ thì chết 30 – 50% nặng thì chết cả đàn. Nguyên nhân phần lớn do chưa có kinh nghiệm nuôi hoặc sơ ý thiếu cẩn thận đã gây tổn thất rất đáng tiếc với bà con và những người mới vào nghề nuôi.

7 Nguyên tắc khi úm chim trĩ non cần ghi nhớ:

1. Luôn luôn phải đảm bảo nhiệt độ 37 – 38 độ C (24/24) trong lồng úm để giữ nhiệt ấm cho chim: Trong trường hợp mất điện cần có phương án thay thế kịp thời (Ví dụ: Máy phát điện, Ăc quy,… để thắp bóng điện sưởi, hoặc tăng thêm độ dày của sàn lót, thu nhỏ quây lồng úm,….). Đây là phần khó nhất và cũng là phần quan trọng nhất trong kỹ thuật úm chim non.

2. Định kỳ kiểm tra tình hình chim thường xuyên: Người nuôi cần chú ý định kỳ tối thiểu 1 – 2 tiếng/lần phải kiểm tra chim 01 lần tránh tình trạng lồng úm quá nóng, thiếu bóng điện hoặc quá nhiều bóng để có thể điều chỉnh bóng đèn sưởi, thiếu không khí, bị gió lùa, hết nước, chim dẫm đạp lên nhau, cắn mổ nhau…

3. Luôn luôn phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ thức ăn, nước uống: Hệ tiêu hóa của chim trĩ non rất yếu (yếu hơn rất nhiều so với gà) do vậy rất nhạy cảm với môi trường thiếu vệ sinh dẫn đến chim đau bụng và chết không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu của hiện tượng này là chim bị đi ỉa, ướt đít,.. Do vậy thức ăn cho chim mới nở cần ăn có hàm lượng đạm thấp (nên trộn thêm cám ngô, cám gạo, đậu tương rang chín nghiền sẵn cho chim ăn), nước uống đun sôi để nguội, tìm cách không cho chim dẫm đạp vào máng uống bằng cách bỏ những viên sỏi (tuyệt trùng) vào khe máng uống.

4. Phải giữ môi trường không khí sạch và tránh tiếp xúc với khuẩn lạ: Khuẩn lạ thường đi theo khách xem chim, từ những vật nuôi gia cầm xung quanh, hoặc từ chim tự nhiên bay tới… Do vậy, cần hạn chế tối đa người ra và xem chim non, với người chăm sóc chim non cần cắt cử 01 người chuyên biệt và phải có trang phục riêng mỗi khi vào chăm chim non, không để người chăm chim ở chuồng khác vào khu vực úm chim non,…

5. Làm thuốc phòng đúng lịch và đúng cách: Việc làm thuốc đúng lịch cho chim là rất cần thiết. Tuy nhiên, chỉ làm làm thuốc phòng khi chim khỏe mạnh và nhanh nhẹn thì mới có tác dụng và hiệu quả, ngược lại nếu không chim sẽ chết sau khi làm thuốc. Nếu tình trạng sức khỏe của chim không tốt cần tìm cách cải thiện sức khỏe cho chim, hoặc những con chim có bệnh cần chữa bệnh cho chim trước rồi làm thuôc phòng dịch. Trong trường hợp nguy cấp cần kết hợp vừa chữa bệnh và phòng dịch. Cần tham khảo thêm từ các Bác sỹ thú y có kinh nghiệp về gia cầm tại địa phương.

6. Hạn chế vận chuyển, di chuyển chim non từ 2 ngày đến 30 ngày tuổi, đặc biệt là tránh mang chim ở giai đoạn này đi quá xa: Việc vận chuyển chim non đi xa chỉ nên làm đối với chim mới bóc trứng (kỹ thuật khá phức tạp, chỉ những người chuyên chim con gà con mới giảm thiểu được chết và hao hụt khi vận chuyển đi xa đối với chim bóc trứng), còn nếu chim con đã cho ăn và cho uống không nên vận chuyển vì chim sẽ bị sóc bụng và ảnh hưởng tới tiêu hóa. Với chim sau 1 tháng tuổi trước khi chuyển phải cho uống thuốc trước khi đem đi, sau khi về tới trại mới cũng cần bộ trợ thêm thuốc để chim không bị ngã nước hoặc sinh bệnh.

7. Tách riêng và phần chia dàn: Những con nhiễm bệnh nhốt riêng để tránh lây lan từ những con bị bệnh san con không bị, và nới rộng lồng úm hoặc tách đàm theo thời gian chim lớn dần để tránh mổ nhau, cắn nhau. Đồng thời những con bị bệnh cần xác định các bệnh và điều trị kịp thời.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ sinh sản làm giàu cho gia đình

Kỹ thuật nuôi chim Trĩ dường như vẫn rất xa lạ với nhiều người bởi đây là loài chim đẹp, hiếm vì nguồn cung cấp giống chưa được mở rộng.

Chim trĩ đỏ trông giống gà chọi, nhưng thấp và nhỏ hơn, nhìn rất đẹp. Con trống màu sắc sặc sỡ, đuôi dài hấp dẫn. Chính bởi vẻ đẹp và giá trị kinh tế cao nên thời gian gần đây đã được rất nhiều người tìm mua và nuôi, nhưng chủ yếu là chim cảnh. Vậy còn nuôi chim trĩ đỏ sinh sản thì sao? Sự thật kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ không phải đơn giản nhưng nếu quyết tâm cao độ thì chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận khủng cho gia đình.

Cách chọn giống chim trĩ sinh sản

Để thuận lợi trong việc nuôi và chăm sóc, đối với những người mới nuôi hoặc chưa có kinh nghiệm nuôi trĩ đỏ nên hạn chế việc đầu tư mua con giống nhỏ quá. Người mua nên chọn mua những cá thể chim ở thời kỳ 3 – 5 tháng tuổi hoặc chim hậu bị.

Để kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ sinh sản hiệu quả cao cần nắm vững các bước nuôi và chăm sóc cơ bản. Ảnh minh họa

Trọn chim trống có ngoại hình to, cao, đuôi dài, lông mượt, trường chim, dáng khỏe mạnh, lanh lợi. Nếu ở thời kỳ trưởng thành chim trống luôn trong tư thế nghiêng mình xung trận. Còn đối với chim mái không dị hình, dị tật. Để đảm bảo giống nên mua chim ở những cơ sở gây nuôi uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm để lựa được những cá thể chim khỏe mạnh, không bị đồng huyết, cũng như được tư vẫn về kỹ thuật gây nuôi cụ thể.

Chuồng

Nếu nuôi chim trĩ cảnh chắc chắn không cần quá cầu kỳ trong khâu làm chuồng nhưng nếu là chim trĩ đỏ sinh sản thì công đoạn làm chuồng cũng mất nhiều thời gian. Trước tiên phải chọn ở vị trí chuồng nuôi cao ráo, thoáng mát, cách xa các trại nuôi gia súc, gia cầm khác để hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh. Chuồng trại phải đảm bảo giữ ấm về mùa Đông, mát về mùa Hè. Nền chuồng phải bằng phẳng, tiện cho công tác dọn vệ sinh.

Kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ sinh sản

Trong kỹ thuật nuôi chim trĩ đỏ sinh sản trước tiên cần phải tiến hành ấp trứng. Thường có 2 cách cơ bản để ấp trứng trĩ. Đầu tiên dùng vật nuôi khác có thân nhiệt và điều kiện ấp nở tương tự như gà mái hoa mơ, gà tre .. . Thứ 2 là dùng máy ấp gia cầm thông thường. Thời gian ấp nở khoảng 22 -23 ngày . Hiệu chỉnh nhiệt độ , độ ẩm tùy theo giai đoạn.

Điều kiện nhiệt độ ấp trong tuần đầu là 37,5 độ C , Độ ẩm 55 %. Tuần thứ 2 Nhiệt độ 37,3 độ C , Độ ẩm 60 %. Tuần thứ 3 trở đi nhiệt độ 37 độ , Độ ẩm 75 %.

Chim trĩ giống bình quân sau khi nuôi đến 8 tháng tuổi có thể đẻ trứng. Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch. Sau đó chim trĩ ngừng đẻ khoảng 1 tháng rồi tiếp tục đẻ lứa thứ 2 đến khoảng tháng 8 âm lịch thì nghỉ. Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 68 -80 trứng .

Dinh dưỡng

Chim trĩ không kén thức ăn chủ yếu là ngô, thóc, cám, gạo. Ngoài ra kết hợp cho ăn thêm rau muống, bèo tây, thân cây chuối thái nhỏ… Hạn chế cho các loại thức ăn tôm, cua, cá có thể dẫn đến tình trạng chim bị tiêu chảy. Mỗi ngày nên cho ăn 3 lần. Bên cạnh máng thức ăn có máng cát sỏi cho chim đào bới. Nước cho chim uống phải sạch. Chim trĩ không kén thức ăn, tiêu tốn thức ăn chỉ bằng 1/2 so với gà.

Kỹ thuật nuôi chim trĩ thuận lợi ở chỗ chúng không quá kén thức ăn.

Theo kinh nghiệm của anh Thể, đầu tư nuôi chim trĩ và gà không khác nhiều về chuồng trại, thức ăn. Tuy nhiên nuôi chim trĩ tỷ lệ thành công cao hơn vì đây là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt hơn. Thức ăn cho chim cũng đơn giản, dễ kiếm chủ yếu là cám gạo, ngô, cám tổng hợp cho gà, rau xanh, cỏ…

Vệ sinh chuồng trại

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại định kỳ 2- 3 lần / tuần. Phun thuốc khủ trùng định kỳ. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ các vật sắc, nhọn, sợi ninong trong khu vực nuôi đề phòng chim ăn phải sẽ dẫn đến tủng diều, chết.

Các bệnh thường gặp

Trong quá trình nuôi chim trĩ đỏ cần chú ý tới bệnh tiêu chảy, Ecoli. Để phòng bệnh nên dùng vaccin đặc trị Ecoli cho gia cầm tiêm hoặc cho uống. Ngoài ra chúng cũng thường mắc bệnh về đường hô hấp như thở khò khè, chảy nước mũi, thở ngáp rồi chết. Do đó, để đảm bảo tỉ lệ nuôi thành công thì khâu vệ sinh chuồng trại là 1 yếu tố rất quan trọng.

Giá trị kinh tế

Vốn là giống hoang dã lại được chăn nuôi sạch nên chim trĩ đỏ thịt chắc, mềm, ngọt. Thịt và trứng chim trĩ đỏ có giá trị dinh dưỡng cao nên dễ tiêu thụ. Giá chim trĩ thương phẩm hiện nay dao động từ 200.000 – 250.000 đ/kg. Tính ra lợi nhuận từ nuôi chim trĩ cao gấp nhiều lần so với nuôi gà.

Lưu ý: Hiện nay chim trĩ đỏ vẫn nằm trong danh mục động vật hoang dã nên việc gây nuôi tại nhà vẫn phải có khai báo với chi cục kiểm lâm sở tại. Không nên tự ý nuôi chim vì nếu phát hiện sẽ vô cùng bất lợi về kinh tế cũng như công chăm sóc.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phòng và trị một số bệnh phổ biến ở Dúi

Con dúi ít khi bị bệnh, nếu vệ sinh chuồng trại tốt, tránh ẩm ướt, quá nóng hoặc quá lạnh đều không tốt cho con Dúi.

Các bệnh thường gặp ở Dúi nuôi, gồm:

– Bệnh tiêu chảy:

Nguyên nhân do Dúi ăn lại thức ăn cũ, bị lên men (nhất là mía, vì trong mía có hàm lượng đường, để lâu dễ lên men) hoặc uống nước bẩn, lẫn tạp chất.

Bà con nên thường xuyên dọn thức ăn thừa mỗi ngày, căn lượng thức ăn vừa đủ để Dúi ăn hết. Nên cho thức ăn đêm nhiều hơn ngày vì thói quen của dúi là ăn đêm.

Khi phát hiện dúi bị bệnh tiêu chảy, sử dụng thuốc trị tiêu chảy dùng cho người nhưng với lượng thuốc bằng ¼- 1/5 so với người, trộn vào thức ăn cho dúi ăn.

– Bệnh đau mắt:

Dúi thường chỉ quen ánh sáng tán xạ, nên với điều kiện ánh sáng trực diện hoặc chuồng trại quá nhiều ánh sáng sẽ khiến dúi dễ bị đau mắt. Vì thế bà con nên che chắn chuồng trại tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp vào chuồng.

Khi phát hiện dúi bị đau mắt, sử dụng ống tiêm bơm nước muối loãng hoặc thuốc nhỏ mắt của người xịt vào mắt dúi sẽ khỏi bệnh.

– Bệnh ký sinh:

Giống như các loại gia súc khác như chó, mèo… dúi cũng dễ bị các giống ký sinh tấn công như bọ chét, rận, rệp… vì thế khi nuôi cần lưu ý khử trùng chuồng trại bằng thuốc xịt thông dụng.

Thức ăn của loài Dúi

Do đặc tính sinh học của loài Dúi là bộ răng của nó thường xuyên dài ra nếu không được mài đi thì chúng sẽ chết nên trong tự nhiên, Dúi ăn chủ yếu rễ tre và măng tre. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía…

Thức ăn chủ yếu của Dúi là:

+ Cây họ nhà tre (măng bát độ, tre, trúc, bương…) không ăn lá.
+ Cây họ nhà mía (cỏ voi, các loại mía… )
+ Ngũ cốc: Ngô, Thóc, sắn, khoai lang, …
+ Một số loại quả: Ổi, Dưa, Bí…

Tuy nhiên khi nghiên cứu thuần hoá gây nuôi Dúi chúng tôi nhận thấy có loại thưc ăn rất tốt nhưng có loại thức ăn không tốt như một số loại rau quả nó làm Dúi rẽ bị bệnh đi ỉa và đồng thời làm chuồng hy bị bẩn. Vì vây theo kinh nghiệm của tôi thấy rằng khi nuôi nên dùng các loại thức ăn như: cây họ nhà tre, cây họ nhà mía, ngũ cốc cụ thể như sau:
Cây họ nhà tre (măng bát độ, tre, trúc, bương…) không ăn lá, cây họ nhà mía (cỏ voi, các loại mía… ) nó chỉ ăn phần thân cứng không ăn lá (đây là hai loại thức ăn hàng ngày bắt buộc phải có khi nuôi Dúi), ngũ cốc: củ khoai lang, củ sắn, ngô… (đây là phần thức ăn bổ sung cho Dúi trong quá trình mang thai và nuôi con, và trong quá trình nuôi thương phẩm).

Khẩu phần ăn cụ thể như sau:

– Giai đoạn 1- 3 tháng tuổi:

+Nuôi sinh sản :Cây họ Tre 4 – 5 cm ; Cây họ Mía 5cm ;Ngô khoai sắn(chỉ dung 1 trong 3 loại): củ nhỏ,Một lát,10-15 hạt ngô

+Nuôi thương phẩm :Cây họ Tre -Hết lại cho ;Cây họ Mía -7cm ;Ngô khoai sắn(chỉ dung 1 trong 3 loại): thêm 50% so với nuôi sinh sản

Chú ý: tre bằng ngón tay cái đặc 5cm, với loại tre khác thi quy đổi ra.

– Giai đoạn 3 – 5 tháng tuổi:

+Nuôi sinh sản :Cây họ Tre 6 – 7cm ; Cây họ Mía 6-8 cm ;Ngô khoai sắn(chỉ dung 1 trong 3 loại): củ nhỏ,Một lát,20-25 hạt ngô.

+Nuôi thương phẩm :Cây họ Tre -Hết lại cho ;Cây họ Mía -10cm; Ngô khoai sắn(chỉ dung 1 trong 3 loại): thêm 50% so với nuôi sinh sản

Chú ý: tre bằng ngón tay cái đặc 6-7 cm, với loại tre khác thi quy đổi ra.

– Giai đoạn trưởng thành

+Nuôi sinh sản :Cây họ Tre 7-8cm ; Cây họ Mía 8-10cm;Ngô khoai sắn(chỉ dung 1 trong 3 loại): củ nhỏ,Một lát,25-30 hạt ngô.

+Nuôi thương phẩm :Cây họ Tre -Hết lại cho ;Cây họ Mía-12cm;Ngô khoai sắn(chỉ dung 1 trong 3 loại): thêm 50% so với nuôi sinh sản

Chú ý: tre bằng ngón tay cái đặc 7-8cm, với loại tre khác thi quy đổi ra.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi dúi – dễ kỹ thuật, khó đầu ra

Những năm gần đây, người dân ở các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân bắt đầu thực hiện mô hình nuôi dúi. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, vật nuôi này tỏ ra dễ thích nghi, phát triển tốt nhưng người nuôi lại gặp khó khăn trong việc tìm được thị trường đầu ra ổn định.

Kỹ thuật đơn giản

“Nếu muốn tiêu thụ dúi một cách chủ động, quan trọng nhất là người nuôi dúi tìm được đầu ra cho sản phẩm. Muốn vậy, người dân phải tự mình đi giới thiệu sản phẩm, chủ động sử dụng nhiều kênh thông tin để tìm đến những người có nhu cầu. Chỉ khi nào thị trường có nhu cầu ổn định mới thúc đẩy việc nuôi dúi phát triển lâu dài”, ông Trần Hưng Phú, chuyên viên Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đồng Xuân, nói.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết, hiện nay dúi vẫn là vật nuôi mới và không nằm trong danh mục ưu tiên phát triển của tỉnh nên chưa được tỉnh đầu tư. Tuy nhiên, một số phòng Kinh tế – Hạ tầng, NN-PTNT các huyện đã có chủ trương cho người dân nuôi dúi thử nghiệm. Dúi là một vật nuôi hoang dã nên ban đầu, người dân gặp nhiều khó khăn nhưng qua một thời gian rút kinh nghiệm, một số mô hình nuôi dúi đã cho kết quả đáng khích lệ. Người dân qua quá trình nắm bắt kỹ thuật chẳng những có thể nuôi dúi đẻ bán giống, nuôi dúi thịt thương phẩm mà còn rút ra được quy trình nuôi hiệu quả.

Tại huyện Đồng Xuân, bốn mô hình nuôi dúi đều tập trung tại xã Xuân Sơn Bắc để cán bộ thú y xã dễ quản lý và chăm sóc. Ông Trần Hưng Phú, chuyên viên Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đồng Xuân, cho biết: “Huyện Đồng Xuân là nơi con dúi sống trong tự nhiên, sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, qua thời gian, loài vật này bị con người săn lùng ráo riết nên cạn kiệt dần. Nhận thấy con dúi có thể phát triển trên vùng đất này nên chúng tôi đã cung cấp con giống cho các hộ dân ở xã Xuân Sơn Bắc nuôi thử nghiệm và có những hướng dẫn ban đầu về việc làm chuồng trại, cho ăn uống. Tuy nhiên, để hoàn thiện quy trình, những người nuôi dúi trong quá trình nuôi thực tế phải tự mình rút ra kinh nghiệm”.

Ông Nguyễn Văn Minh, một trong bốn hộ tham gia mô hình nuôi dúi ở xã Xuân Sơn Bắc, cho biết: “Dúi trong tự nhiên thì tôi đã thấy nhiều nhưng khi mua về nuôi do không nắm bắt được thói quen sống của loài này nên tôi phải mất hai năm đầu chịu nhiều tổn thất. Đến năm thứ ba, nhờ nắm vững kỹ thuật, biết cách chăm sóc, điều trị bệnh nên dúi nuôi phát triển tốt, tăng cân đều và hao hụt rất thấp”.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, dúi sinh sản mỗi năm bốn lứa và dúi con rất dễ thích nghi với mọi điều kiện chăn nuôi. Thức ăn của chúng phong phú, đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, bắp, mò o, lá tre… Để kiểm tra lượng thức ăn cung cấp cho dúi có đủ hay không, người nuôi dúi chỉ cần quan sát lượng thức ăn của dúi trong vòng 12 giờ. Sau thời gian này, nếu thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Đặc biệt, khi cho dúi ăn đủ rau, củ, quả tươi thì không cần bổ sung nước.

Địa điểm nuôi dúi lý tưởng là một khu vực yên tĩnh, tránh ánh sáng trực tiếp. Chuồng nuôi dúi sinh sản mỗi ô rộng khoảng 50cm, dài từ 0,8 đến 1m, xây tường cao 70cm bên trong tô xi măng hoặc lát gạch. Mỗi ô chuồng dùng cho một con. Đối với chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2,2m trở lên, xây tường cao 70cm trở lên. Trong chuồng đặt các ống cống nhỏ hoặc các gốc cây làm nơi trú ẩn cho dúi. Để phòng bệnh cho dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và ánh sáng gắt.

Tìm thị thường cho con Dúi

Hiện nay, mô hình nuôi các loài động vật hoang dã như nai, nhím, rắn, dông, heo rừng… cung cấp cho các quán ăn đặc sản đang thu hút nhiều người dân tham gia. Tuy nhiên, dù địa phương đã có nhiều cách làm hay để mở rộng các mô hình nuôi nhưng người dân cũng không duy trì được lâu dài. Lý giải về điều này, ông Lê Trung Hiền, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tây Hòa, cho biết: “Những vật nuôi mới muốn duy trì và phát triển thì quan trọng nhất là phải đảm bảo được đầu ra. Tuy nhiên, nhiều vật nuôi ban đầu đầu ra rất rộng mở nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là bão hòa, không tìm được thị trường tiêu thụ”.

Theo ông Trần Hưng Phú, các mô hình nuôi dúi ở huyện Sông Hinh và Phú Hòa tuy đã được đầu tư để người dân nuôi thử nghiệm nhưng chưa mở rộng mô hình. Riêng ở huyện Đồng Xuân, kỹ thuật nuôi được người dân nắm vững, sản phẩm từ con dúi cũng được một người tham gia mô hình nhận thu mua để cung cấp con giống cho các bạn hàng trong và ngoài tỉnh; còn dúi thương phẩm là món ăn ngon nên thị trường tiêu thụ khá rộng mở. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà con dúi mang lại, nhiều hộ dân ở huyện Đồng Xuân cũng tự đầu tư xây chuồng nuôi dúi.

Hiện dúi giống có trọng lượng từ 300 đến 400g được bán với giá 600.000 đồng/cặp; còn dúi thương phẩm có giá 320.000 đến 350.000 đồng/kg. Với đàn dúi 30 con đang trong thời kỳ sinh sản, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, ưu điểm của loài vật này là sinh sản rất tốt, mỗi năm 4 lứa, mỗi lứa 2 đến 3 con. Dúi con sau khi nuôi 5 tháng có trọng lượng 400 đến 500g. Sau khoảng 8 tháng, dúi đã thành thục và có thể đạt trọng lượng 1,5kg, đủ điều kiện để xuất bán. Dúi con thường dễ thích nghi với môi trường sống, thức ăn cho dúi đơn giản, dễ kiếm và nhu cầu thị trường về dúi lấy thịt vẫn đang khá cao. Tuy nhiên, hiện việc tiêu thụ sản phẩm của tất cả những người nuôi dúi ở huyện Đồng Xuân đều dựa vào một đầu nậu thu mua chính nên giá cả không chủ động được.

Nguồn: Báo Phú Yên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi dúi sinh sản. Cách nuôi dúi sinh sản năng suất cao

Dúi là vật nuôi còn khá mới mẻ với đa số vùng nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, mô hình nuôi dúi đang phát triển rất mạnh mẽ, trở thành hướng đi tiềm năng mới cho bà con nông dân.

Kiến thức quan trọng nhất khi phát triển số lượng đàn dúi là kỹ thuật nuôi dúi sinh sản, tuy không khó nhưng có nhiều điểm cần phải lưu ý. Bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ tới bà con cách chọn dúi giống, chế biến thức ăn và cách chăm sóc dúi sinh sản.

Chuồng nuôi dúi

Với tính thích đào bới và sống ở những chỗ hẹp, kín đáo thì làm nơi trú ẩn cho dúi không quá quy mô, chỉ cần 50-60 cm.

Vật liệu xây chuồng nên sử dụng gạch (để lát nền, hình vuông khoảng 50cm, 30cm và xây tường), cát, xi măng, lưới. Xây ô phối giống kích thước 50x60x24cm. Kích thước ô nhỏ 30x60x24cm, ngăn làm 2 ngăn để làm tổ đẻ, đối với dúi sinh sản làm 2 ô, ô bên trong để sinh sản, ô bên ngoài để thức ăn và là sân chơi thông qua một lỗ 16x11cm.

Dùng lưới để làm cửa, có thể làm 1 cánh cửa cho 6 ô, 4 ô hoặc 2 ô, cắt một đoạn ở phần dưới đáy ô để bỏ thức ăn vào và cũng là lối thoát phân cho dúi mỗi khi chúng đùn phân ra ngoài, yêu cầu ô lưới phải đạt 2 ly trở lên, không được nhỏ quá phân sẽ không thoát ra ngoài được.

Chuồng có thể làm nhiều tầng, mỗi tầng có nhiều ô, mỗi ô có thể thả từ 2-3 con dúi.

Xung quanh chuồng nên xây bờ bao, phòng khi con dúi xổng chuồng không thể thoát ra ngoài được, chiều cao bờ bao khoảng 50cm. Phải có mái che để dúi tránh bị nắng trực tiếp và nước mưa dính vào người. Nếu ở miền Bắc, mùa đông có thể dùng miếng vải hoặc rèm che chuồng để giữ ấm cho dúi.

Lựa chọn dúi giống

*Cách phân phân biệt dúi đực và dúi cái:

Dúi đực: quan sát bộ phận sinh dục của dúi, nếu là con đực dúi sẽ có 2 tinh hoàn tương tự như của chó, và không có vú.

Dúi cái: nhìn phần bụng sẽ thấy 2 hàng vú ở hai bên bê sườn như lợn.

Chọn con dúi đực khỏe mạnh, không dị tật, tương đương hoặc to hơn dúi cái. Một con dúi đực có thể cho phối giống với 4- con dúi cái. Dúi cái nếu có thể biết nguồn gốc bố mẹ thì tốt, lựa chọn nguồn theo bố mẹ khỏe mạnh, nuôi con mau lớn. Nếu không biết nguồn gốc thì ngoại hình phải to vừa, không quá nhỏ, có hàng vú đều hai bên, lông mượt, chạy khỏe. Chu kỳ sinh sản của dúi cái là khoảng 8 tháng, trọng lượng để sẵn sàng động dục là 0,5-0,6kg/con.

Thức ăn cho dúi

Dúi có nhiều đặc điểm giống chuột, nên cho chúng ăn những loại cứng, khô, có tinh bột như mía, ngô, tre bánh tẻ, khoai, sắn … Những loại thức ăn cứng sẽ giúp cho dúi mài răng vì chúng rất hay bị ngứa răng (do chúng dài ra mỗi ngày). Nên chú ý, không cho dúi ăn các loại cỏ, đặc biệt là cỏ voi vì có thể chết vì không đi ngoài được. Thức ăn có tinh bột nhưng mềm cũng nên cho chúng ăn ít vì không tốt cho tiêu hóa của dúi.

Cách chăm sóc dúi mẹ và dúi con

Đặc điểm sinh học của dúi: dúi có tuổi đời trung bình khoảng 6 năm. Số lần để trong năm khoảng 3-4 lần, 3-5con/lần đẻ.

Dấu hiệu nhận biết dúi cái đến thời kỳ động dục: Từ lúc sinh ra cho tới khi đến thời điểm động dục là khoảng 6 tháng (dúi cái thường mang thai trong vòng 45 ngày).

Biểu hiện muốn động dục: dúi cái thường bỏ ăn hoặc ăn ít, sục sạo tìm gì đó như tìm đực, bộ phận sinh dục chuyển sang màu đỏ hồng.

Thời điểm này, nếu cho dúi cái sang ô dúi đực, chúng sẽ phát ra tiếng kêu đặc trưng, và chủ động cho dúi cái phối giống.

Cách ghép đôi: Bắt dúi cái cho vào ô dúi đực, đừng thả gần dúi đực tránh trường hợp cắn nhau, nếu cho chúng ở chung một ô mà không cắn nhau là được.

Giao phối: Thời gian giao phối giữa dúi cái và dúi đực khoảng 1,5-2 phút. Sau khi phối xong, quan sát thấy cả dúi đực và dúi cái cùng liếm bộ phận sinh dục tức là dấu hiệu giao phối thành công, nếu dúi cái không thực hiện hành động này tức là giao phối không thành công. Chu kỳ giao phối của dúi đực là từ 7-10 ngày.

Dúi cái sau 2-3 ngày giao phối đưa đến tổ đẻ để chuẩn bị cho sinh sản. Cho rơm, hoặc rác mềm vào để dúi bện tổ nuôi con.

Dúi con mới đẻ ra không có lông, mắt chưa mở, chỉ mở mắt khi đã đủ 14 ngày tuổi, lúc này lông cũng bắt đầu mọc. Sau 20 ngày tuổi, dúi con có thể tập ăn các loại thức ăn như mía, tre. Cho dúi con lẻ mẹ khi được 1,5 tháng. Khi dúi được khoảng 2-3kg thì có thể xuất bán.

* Lưu ý: Dúi cái có đặc điểm, sau khi sinh con, nếu có người xem thường xuyên chúng sẽ tha con ra ngoài tổ, vì thế không nên thăm tổ đẻ nhiều, để dúi mẹ tự chăm sóc cho dúi con đến khi dúi con được 2 tuần tuổi.

Nguồn: Triệu phú nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vươn lên từ nuôi tằm trứng

Người nông dân không chỉ nuôi tằm bán kén, mà còn nuôi tằm trứng cung cấp giống. Bà Đỗ Thị Hoa, thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, Lâm Hà là người chuyên nuôi tằm trứng để bán lấy con.

Bà Đỗ Thị Hoa vốn là người gắn bó với nghề tằm tang từ lâu. Trước đây, người nuôi tằm phải tự mua trứng về cho nở tằm con, rồi nuôi trưởng thành, thời gian lâu và tỷ lệ hao hụt khá lớn. Nghề tằm phát triển, việc ấp nở, nuôi tằm con được chia ra thành từng khâu riêng biệt so với nuôi tằm lớn.

Bà Hoa chính là nông hộ được các đại lý thu mua kén và cung cấp giống “đặt hàng” chuyên nuôi tằm trứng cung cấp giống cho hàng trăm nông hộ trong vùng lân cận. Bà Hoa bảo: “Nuôi tằm trứng cũng như nuôi trẻ, cần kỹ lưỡng, sạch sẽ và cẩn thận, đảm bảo tằm khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, đến tay người nuôi với tỷ lệ sống cao, cho kén có sản lượng ổn định”.

Bà Hoa nuôi tằm trứng theo hình thức gối đầu, mỗi tuần nuôi một lứa, mỗi lứa 30-40 hộp trứng. Vậy là mỗi tháng bà nuôi trung bình 140-150 hộp trứng, số lượng tằm con đủ cung cấp cho hàng trăm hộ trong vùng.

Bà Hoa kiểm tra nong tằm con.

Nuôi tằm ăn cơm đứng, nuôi tằm trứng càng vất vả, thời gian rất khắt khe. Bà Hoa chọn nuôi tằm trên nong lớn có trải miếng nilon để giữ ấm tằm và giữ dâu tươi lâu. Mỗi ngày, tằm được cho ăn 4 lần, kích thước lá dâu phụ thuộc vào tuổi tằm, tằm càng nhỏ tuổi lá dâu càng thái nhỏ hơn. Hàng ngày, người nuôi dọn phân, san tằm để đảm bảo sạch, khỏe và phát triển đều. Xử lý tằm ngủ cũng là khâu quan trọng vì đảm bảo tằm ăn, ngủ đều ở các tuổi, sẽ dễ nuôi, chín tập trung, ít bệnh tật.

Khi chuẩn bị ngủ, tằm bóng vàng, đầu ngẩng, ít vận động, ăn ít dần, ngủ rồi lột xác chuyển sang tuổi sau, phải chú ý hạn chế ánh sáng, gió lùa, tiếng ồn để tằm ngủ. Mỗi lứa tằm nuôi từ trứng tới ngủ tuổi ba là 12 ngày. Sau khi tằm ngủ tuổi ba thì giao cho đại lý kén, họ giao lại cho người nuôi tằm.

Người nuôi tằm nhập tằm con về là tằm vào tuổi ăn tư, dễ nuôi, ít chết, 17 ngày sau sẽ kéo kén. Bà Hoa bảo, mình nuôi ra tằm con cho bà con nuôi tằm lấy kén, làm sao để con tằm khỏe, bà con “thắng” là trách nhiệm, đồng thời cũng là mong mỏi của mình.

Hơn 20 năm, bà Đỗ Thị Hoa gắn bó với nghề nuôi tằm trứng. Cùng thời gian, kinh nghiệm ngày càng nhiều, bà Hoa cũng áp dụng thêm nhiều công cụ để công việc bớt vất vả. Vườn dâu nhà bà gồm 7 sào trồng giống S7-CB và VA 201, giống dâu siêu cao sản phục vụ đủ cho nhu cầu của gia đình. Để giảm bớt công lao động, bà Hoa sử dụng máy thái dâu cho tằm ăn. Loại máy này có điểm hay là có thể điều chỉnh lưỡi để dâu được thái to, nhỏ theo ý của người nuôi tằm. Một hộp trứng giống có giá 250.000 đồng, sau 12 ngày tằm ngủ tuổi ba, giao lại cho đại lý với giá 320.000 đồng/hộp.

Mỗi tháng, thu nhập từ nuôi tằm trứng của gia đình bà Hoa cũng đạt mức trên 10 triệu đồng, cao điểm thu trên 20 triệu. Anh Nguyễn Bá Hà, khuyến nông viên của xã Hoài Đức nhận xét, hộ bà Đỗ Thị Hoa là nông hộ có kinh nghiệm nuôi tằm trứng, tằm con đạt sản lượng cao, được đại lý và bà con nghề tằm tín nhiệm. Gia đình bà Hoa cũng tận dụng rất tốt sức lao động trong mùa nông nhàn, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cung cấp tằm giống có chất lượng cho bà con vùng tằm Hoài Đức.

Nguồn: Zing.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghệ nhân điều khiển để tằm tự nhả tơ, dệt lụa

Gắn bó với nghề tơ tằm hơn 40 năm, trải qua bao thăng trầm, nghệ nhân Phan Thị Thuận – xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội – đã luôn miệt mài tìm tòi, sáng tạo và ý tưởng bắt những con tằm tự nhả tơ dệt chăn “độc nhất vô nhị” đã giúp sản phẩm của bà được thế giới biết đến.

Trái với xưởng dệt lụa thông thường với những tiếng lạch cạch rộn vang của những chiếc máy, xưởng dệt rộng 500m2 của bà Thuận khá yên tĩnh. Bởi tại đây, trong số nghìn “người thợ” miệt mài làm việc chỉ có 20 con người.

Bán đất, bán xưởng vẫn phải giữ nghề

Sinh ra trong gia đình với nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa, nghề tơ tằm đã “thấm vào máu, ươm vào thịt” nghệ nhân Phan Thị Thuận. Chả thế mà sau bao thăng trầm của nghề, khi nhiều người trong làng chuyển sang làm nghề khác thì bà vẫn miệt mài với nghiệp dâu tằm.

Nhớ lại thời kỳ khi Xí nghiệp ươm tơ Mỹ Đức chuẩn bị phá sản, bà không khỏi bồi hồi: Ở Phùng Xá khi đó không còn ai trồng dâu nuôi tằm, ngày nào tôi cũng một mình đạp xe gần 30km lên Nông trường Thanh Hà (Kim Bôi, Hòa Bình) thu mua lá dâu về cho tằm ăn. “Tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu tỉnh, thành, đến bao nhiêu nhà máy, xí nghiệp ươm tơ, ở đâu có nghề trồng dâu nuôi tằm là tôi tìm đến học hỏi, cốt sao giữ được nghề”.

Những tưởng đã vực dậy được nghề khi những năm 1987-1988, cả huyện Mỹ Đức có khoảng 200 máy ươm tơ mini, bà được tỉnh Vĩnh Phúc mời lên để phát triển nghề tơ tằm. Bà cười buồn nhớ lại: “Bao tiền dành dụm, tiền bán đất tôi đầu tư nhà xưởng, vùng nguyên liệu nhưng không phát triển được”.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đang cần mẫn điều khiển tằm tự dệt. 

Quyết định bán nhà xưởng ở Vĩnh Phúc, quay trở về quê hương, gần như bắt đầu lại từ đầu khi tuổi đã gần 60. “Tôi phải đến từng hộ nuôi tằm, thuyết phục họ làm cho mình và phải đảm bảo giá mua tằm ổn định trong 10-20 năm. Nhà nào cần lúa ăn trong một năm, tính ra bao tiền tôi ứng trước để họ yên tâm làm. Có như thế họ mới làm cho mình”.

Từ ý tưởng “gàn dở”…

Quay trở về cũng là lúc nghề tơ tằm bắt đầu đi xuống, hoạt động cầm chừng. Bà nghĩ chỉ có tạo ra được sản phẩm có thể xuất khẩu thì ngành tơ tằm mới tồn tại được. “Nhiều lần ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, tôi nghĩ tại sao mình không cho con tằm tự dệt, biến nó thành người thợ cho mình” – bà Thuận nói về ý tưởng “tằm tự đan”.

Lúc bà đưa ra ý tưởng này, không ai nghĩ có thể làm được bởi tập tính của con tằm là làm kén, bây giờ bắt nó tự nhả tơ đan trên một mặt phẳng là điều không tưởng.

“Khi bắt đầu làm, chồng tôi có nói rằng thôi đừng làm nữa. Bây giờ mình già rồi, còn quãng thời gian cuối đời chỉ làm mà ăn chứ không vực nổi nghề tờ tằm đâu” – bà nhớ lại và cho biết đã bỏ ngoài tai mọi điều can ngăn, gạt tất cả mọi người sang bên và vẫn quyết tâm làm.

“Tôi lăn lộn một mình dưới xưởng. Tất cả máy dệt xếp gọn một chỗ. Ai cũng bảo tôi điên, tôi hâm, gàn dở. Chồng giận, con bỏ đi làm nghề khác vì cho rằng tôi đâm đầu vào ngõ cụt; nhưng tôi nghĩ mình không bao giờ đi vào ngõ cụt. Bởi khi tôi làm điều gì tôi phải biết chắc mình sẽ làm được, biết chắc cách đi đến thành công” – ánh mắt bà Thuận bừng sáng khi nhớ lại tháng ngày vượt lên khó khăn của mình.

… Đến sản phẩm độc nhất vô nhị

Trong 2 năm thử nghiệm đầu tiên, gần như mỗi ngày bà chỉ ngủ 1 tiếng vì phải túc trực 24/24h điều chỉnh để tằm nhả tơ tự do mà không tìm tổ để cuộn kén. Cái khó là làm sao để con tằm vẫn nhả tơ trên một mặt phẳng và có thể sắp xếp chúng đúng vị trí vì vốn dĩ tằm sẽ bò lung tung trên mặt phẳng theo bản năng.

“Tôi kiên trì ngồi bắt từng con sao cho khi nhả, tơ con nọ đan vào tơ con kia thành lớp nang dày như những chiếc kén được cán phẳng mà không cần đan, không cần dệt như các phương pháp truyền thống trước đây” – bà nói. Sau nhiều thất bại, tấm nang do con tằm tự đan đã hoàn thành.

Nếu như trước đây khi là con kén thì dùng phương pháp ươm để tách hồ, nhưng khi thành tấm nang vàng thì thật sự là bài toán khó. Bà mất thêm một năm để nghĩ cách làm sao biến tấm nang đó thành sản phẩm tiêu dùng. Bà dùng phương pháp tẩy chuỗi với một công thức bí truyền. Tuy nhiên, với những ai tâm huyết muốn học nghề, bà sẽ truyền dạy.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đang giới thiệu sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt.

Tấm kén sau khi được đun trong 3-4 giờ để tan hết keo tơ vàng sẽ thành một tấm bông tơ tơi xốp, có độ liên kết bền chắc mà không có máy móc hay bàn tay con người nào có thể làm ra được.

Bà Thuận cho biết, trung bình tằm khỏe mạnh có thể nhả sợi tơ dài 400-500m/con, con yếu hơn thì khoảng 300m/con. Thời gian hoàn thành tấm nang tơ là 4-6 ngày.

“Cứ 30kg tằm sẽ cho ra một tấm mền bông hoàn chỉnh nặng 1kg. Để thu được sản phẩm ruột bông nặng 2kg, chỉ cần 6 nhân công và thời gian tính từ lúc tằm chín đến khi ra sản phẩm chỉ mất 6 ngày, giá trị kinh tế hơn hẳn so với phương pháp truyền thống. Phương pháp này giúp tiết kiệm lượng lớn chi phí thuê nhân công và không mất vốn đầu tư máy móc, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt” – bà Thuận nói.

Hiện sản phẩm chăn bông tơ tằm tự đan đã được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến như Đức, Bỉ, Australia, Anh, Mỹ… Điều mà nữ nghệ nhân này vẫn đau đáu là nhận được sự ủng hộ của địa phương để có thể mở rộng thêm diện tích và truyền nghề được cho nhiều thế hệ kế tiếp.

Nguồn: Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tằm ăn lá sắn làm thực phẩm

Hiện nay, trên địa bàn các huyện Tân kỳ,Anh sơn việc nuôi tằm ăn lá sắn (tằm thầu dầu) làm thực phẩm rất phổ biến. Ngoài việc cung cấp thức ăn, cải thiện điều kiện dinh dưỡng hằng ngày thì việc nuôi tằm còn tận dụng thời gian nông nhàn, không phải đầu tư trồng cây làm thức ăn như tằm dâu mà tận dụng nguồn lá sắn sẵn có để làm thức ăn cho tằm. Vì vậy đầu tư cho nuôi tằm sắn thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên việc nuôi tằm của bà con chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả thu được còn thấp.Sau đây tôi xin chia sẻ với bà con một số kỹ thuật nuôi tằm thầu dầu như sau:

1.Yêu cầu ngoại cảnh

– Nhiệt độ và ẩm độ : Nhiệt và ẩm độ là hai yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của tằm. Nhiệt độ và ẩm độ quá cao sẽ làm giảm sức đề kháng và tằm dễ bị nhiễm bệnh

-Ánh sáng : ánh sáng buồng tằm tốt nhất là ánh sáng mờ đều. Tằm con yêu cầu ánh sáng yếu do vậy phòng nuôi tằm con cần tối hơn phòng nuôi tằm lớn.

-Không khí : Tằm con không yêu cầu thoáng khí cao, do vậy có thể đậy nilon hoặc giấy báo khi nuôi. Ngược lại, tằm lớn phải đặc biệt chú ý điều kiện thông thoáng, nếu không tằm rất dễ bị các bệnh về đường ruột và bệnh bủng mủ.

2. Các giống tằm sắn và thời vụ nuôi:

Giống tằm sắn ở Việt Nam, hai giống tằm sắn được nuôi phổ biến là giống mình trơn và giống mình có chấm đen.Giống có chấm phù hợp với điều kiện khí hậu của các tỉnh phía Bắc, đang được nuôi phổ biến ở Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa,… và Nghệ an,Giống trơn phù hợp với điều kiện khí hậu các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

3. Kỹ thuật nuôi tằm sắn

– Chuẩn bị trước khi nuôi : Xây dựng nhà nuôi tằm phụ thuộc vào hoàn cảnh và nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi hộ mà có thể xây dựng một nhà mới hoặc tận dụng nhà sẵn có, nhưng phải đảm bảo một không gian thích hợp cho tằm sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản lượng kén cao và ổn định. Nhà nuôi tằm phải đáp ứng được một số yêu cầu chính sau :

– Đảm bảo sự đồng đều về nhiệt độ, ẩm độ trong nhà nuôi tằm và thích hợp cho tằm sinh trưởng, phát dục.

– Đảm bảo đầy đủ ánh sáng và ánh sáng đồng đều trong phòng nuôi, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào phòng tằm.

– Che được mưa, gió và sương mù.

– Đảm bảo độ thông thoáng.

– Tránh được sự lây lan bệnh và dễ sát trùng tiêu độc nhà tằm.

– Nhà nuôi tằm phải chống được nhặng, chuột, kiến và các động vật khác xân nhập.

Vệ sinh sát trùng nhà tằm : Để ngăn ngừa và phòng trừ các bệnh hại tằm, cần phải đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh và sát trùng môi trường trước và sau mỗi lứa nuôi. Xung quanh nhà phải thường xuyên quét dọn vệ sinh sạch sẽ, sát trùng nhà và dụng cụ nuôi Sát trùng bằng Clorua vôi ( CaOCl2 ) dùng ở dạng dung dịch với nồng độ 2 – 5%.

Chú ý :Trước khi xông hơi, phun nước lên tường, sàn nhà và dụng cụ, dán kín tất cả các khe hở, giữ nhiệt độ trong phòng trên 25oC. Sau khi xông hơi 24 giờ mới được mở cửa phòng, sau 7 – 10 ngày mới tiến hành nuôi tằm.

– Chuẩn bị trứng giống : Chọn trứng nuôi ở những cơ sở đáng tin cậy

– Băng tằm : Thời gian băng tằm :

                              + Mùa hè, tằm nở sớm, băng vào 8 – 9 giờ sáng.

                              + Mùa thu, băng vào 9 – 11 giờ sáng.

Nếu băng tằm quá muộn, tằm sẽ bị đói ảnh hưởng đến sức sống và sau này tằm thức, ngủ không đều.

+ Phương pháp băng tằm :

Băng tằm đối với trứng bìa : Nếu trứng nở rộ và tập trung, thái nhỏ lá sắn ( hoặc lá thầu dầu ) rắc đều một lớp mỏng lên tờ trứng, sau 30 – 60 phút nghiêng tờ trứng và dùng lông gà quét nhẹ tằm kiến ( cả lớp thức ăn ) sang nong đã lót giấy, dùng đũa san đều tằm và rắc một lớp thức ăn khác lên trên

Nếu tằm nở không tập trung, kéo dài trong 2 – 3 ngày thì phải băng riêng cho từng ngày. Các tờ trứng sau khi đã băng phải rắc đều lên nong để hôm sau băng tiếp. Điều chỉnh cho tằm con phát triển đồng đều giữa các ngày băng bằng cách tăng số lượng và chất lượng bữa ăn đối với các lô tằm nở sau. Tuyệt đối không được giảm số bữa ăn của lô nở ngày hôm trước. Đến tuổi nào mà hai lô đã phát triển đều nhau thì mới nhập lại nuôi chung.

Băng tằm đối với trứng rời :

Băng bằng giấy : Trứng sau khi ghim, được rải đều trên hộp bằng giấy. Khi tằm nở, đặt tờ giấy bản lên trên, rắc một lớp mỏng thức ăn thái nhỏ lên trên tờ giấy bản ( để nhử tằm bám vào mặt dưới tờ giấy bản) . Sau 30 – 45 phút, bỏ lớp thức ăn ra và nhẹ nhàng cầm tờ giấy lên, lật ngược đặt vào nong và cho tằm ăn bữa đầu tiên. Sau đó lại tiến hành lặp lại như trước cho đến khi trứng nở hết.

Băng tằm bằng lưới : Dùng lưới mắt nhỏ hoặc giấy có đục lỗ ( đường kính 0,5cm ) đặt lên trên hộp trứng. Rắc thức ăn thái nhỏ lên tờ giấy, tằm chui qua lỗ lên để ăn. Sau 30 – 45 phút, nhấc tờ giấy đặt sang nong khác và cho tằm ăn. Nếu trứng nở chưa hết thí lại tiếp tục làm như trước.

– Kỹ thuật cho tằm ăn:

Thức ăn cho tằm :Thu hái lá sắn ( lá thầu dầu,… ) phải theo tuổi tằm, về nguyên tắc tằm tuổi nhỏ ăn lá non, tằm lớn ăn lá già dần.

Tằm mới nở : cho ăn lá thứ 3 ( từ búp xuống ), lá có màu xanh lá mạ.
Tằm tuổi 1,2 : cho ăn lá thứ 3, 4.
Tằm tuổi 3 : cho ăn lá thứ 4, 5, 6.
Tằm tuổi 4 : cho ăn lá thứ 6, 7, 8.
Tằm tuổi 5 : cho ăn lá già (trừ lá vàng, lá có nhiều đốm khô)

– Cách cho tằm ăn:

Trước khi cho tằm ăn, quan sát xem lượng thức ăn lần trước còn nhiều hay ít. Nếu mật độ tằm quá dày, cần san đều trong nong hoặc san sang nong khác, nhặt bỏ tằm kẹ, tằm bệnh.

Tuỳ theo tuổi tằm mà thức ăn được thái to, nhỏ khác nhau :
Tằm tuổi 1 có thể thái thức ăn thành sợi, hoặc thái thành hình vuông cạnh dài 1cm.
Tằm tuổi 2, 3 cũng thái dài hoặc thái vuông, nhưng kích thước tăng dần theo độ lớn của tằm.
Tằm tuổi 4, 5 để nguyên cả lá cho tằm ăn ( nếu lá thầu dầu thì phải cắt ba, bốn ).
Khi cho tằm ăn, rắc đều thức ăn thành lớp mỏng trên nong tằm, sau đó lại rắc thêm lần thứ 2. Rắc thức ăn từ xung quanh vào giữa nong, kiểm tra lại và rắc bổ sung những nơi thức ăn còn quá ít.

Khoảng thời gian giữa hai lần cho ăn thường là 3 giờ đối với tằm con và 4 giờ đối với tằm lớn. Đối với nuôi tằm con bằng phương pháp đậy polyetylen thì 5 giờ cho ăn một lần.

– Thay phân, san tằm : Phân tằm và thức ăn thừa trong nong có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ và sự bốc hơi nước của cơ thể tằm. Thay phân tằm có tác dụng vệ sinh nong tằm sạch sẽ, loại bỏ tằm kẹ, tằm bệnh và tạo môi trường ( nhiệt độ, ẩm độ ) phù hợp cho tằm sinh trưởng phát triển tốt hơn.Có hai cách thay phân là :

Thay phân bằng lưới : rắc vôi bột hoặc than trấu lên nong tằm. Đặt lưới và rắc lá lên trên cho tằm ăn, sau 2 lần cho ăn thì nhấc lưới tằm sang nong khác để thay phân. Mắt lưới thay phân có kích thước :

Tằm tuổi 1 – 3 : mắt lưới 0,5cm x 0,5cm.
Tằm tuổi 4 – 5 : mắt lưới 2,0cm x 2,0cm.

Ưu điểm của việc thay phân bằng lưới là nhanh, tiết kiệm lao động, lọc được tằm yếu, tằm kẹ, không gây sát thương mình tằm, không bị sót tằm.

Thay phân bằng tay: Thay phân cho tằm con : rắc vôi bột hoặc than trấu lên nong tằm. Rắc lá sắn thái thành sợi dài cho tằm ăn, sau 2 lần cho ăn nhẹ nhàng nhấc từng mảng thức ăn ( có tằm bám ở đó ) sang nong khác, đồng thời san đều tằm ra nong.Thay phân cho tằm lớn : rắc vôi bột hoặc than trấu lên nong tằm. Rắc lá sắn hoặc lá thầu dầu ( còn nguyên cả lá ) lên cho tằm ăn, sau 2 lần cho ăn nhấc từng mảng thức ăn sang nong khác và san đều tằm.Thay phân bằng tay tốn nhiều thời gian, dễ gây sát thương cho tằm, có thể bỏ sót tằm.

– Thời gian thay phân : tốt nhất là vào buổi sáng, trời râm mát, không thay phân vào buổi trưa hoặc vào ban đêm.

– San tằm: tốc độ sinh trưởng của tằm rất nhanh và có quan hệ mật thiết với mật độ nuôi. Mật độ dày, tằm thường bị ăn đói và dễ phát sinh bệnh. Mật độ thưa, tằm ăn không hết gây lãng phí thức ăn. Mật độ thích hợp là cần một diện tích gấp đôi cơ thể của tằm để đảm bảo cho tằm hô hấp, di chuyển thuận tiện.Khi san tằm, nên để mật độ vừa phải như đã nêu ở trên, đồng thời lưu ý san đều tằm và cách cạp nong khoảng 10cm để trong ngày hôm đó tằm lớn lên, dần đầy nong là vừa

– Tằm chín: khi tằm chín sẽ ngừng ăn và bò lên nong nia, bà con cần chuẩn bị xô hoặc chậu, bỏ ít nước lạnh vào dụng cụ rồi bắt tằm chín vào, nên bắt ngay tránh để tằm nhả tơ sẽ làm giảm dinh dưỡng và giảm khối lượng.

Nguồn: Sonnptnt.nghean.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tằm công nghệ mới thu 20 triệu đồng/tháng

Người dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đang chuyển đổi từ nuôi tằm truyền thống (đũi, nong, né bằng tre) sang nuôi trên khay trượt, cho tằm làm tổ tạo kén trên né gỗ, dùng máy thu kén… giúp gia tăng sản lượng, chất lượng và thu nhập cao.

Chị Nguyễn Thị Ry nuôi tằm trên khay trượt

Hiệu quả vượt trội

Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh cho biết: “Quê tôi ở tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội, năm 1985 vào huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Lúc đầu trồng mía, bắp, cà phê, đến năm 1994 chuyển qua nuôi tằm theo cách truyền thống: đóng cũi, nong, né bằng tre. Mỗi lần cho tằm ăn là phải bê nong lên xuống, vệ sinh hàng ngày (phân tằm), chưa kể những ngày cho tằm ăn rỗi, cả nhà tập trung nhân lực chạy đôn chạy đáo đi hái dâu, cho tằm ăn, vất vả nhiều nhưng năng suất kén chỉ đạt 30 – 35kg kén/hộp tằm”.

Năm 2013, anh Nghĩa mạnh dạn chuyển qua nuôi tằm bằng khay sắt (khay trượt) cấu tạo gồm 1 khung sắt cao 1,35 – 1,45m, có 4 bánh xe di chuyển. Trong khung có 4 khay trượt đẩy ra đẩy vô, có hàn lưới B40, ngang 1,5m, dài 3m. Trong khay trải 1 lớp lưới, sau đó thả tằm vào và cho dâu để tằm ăn. Khi tằm chín, anh bắt tằm lên né gỗ, sau 3 ngày tạo kén, chỉ việc dùng máy thu kén rồi bán cho các nhà máy.

Nuôi tằm bằng khay trượt hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống: Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn, cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn và sau một lứa mới phải vệ sinh (thay phân).

Nuôi tằm trên khay trượt còn tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, phát triển tốt. Hiện gia đình anh Nghĩa trồng 5 sào dâu, mỗi lứa nuôi được 7 hộp tằm giống (nuôi gối đầu) năng suất bình quân đạt từ 45 – 55kg kén/hộp tằm. Với giá bán 195.000 đồng/kg kén như hiện nay, anh Nghĩa thu về 50 – 60 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Ry ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh cũng cho biết: “Trước đây tôi cũng nuôi tằm theo cách truyền thống, nuôi được một lứa mất cả tháng trời. Bởi vì phải nuôi từ giai đoạn trứng, bây giờ có dịch vụ chuyên nuôi tằm con, mình mua về cho ăn 4 ngày, tằm ngủ 2 ngày, dậy ăn rỗi 7 ngày, tằm chín cho lên né gỗ 3 ngày là thu hoạch kén bán được. Như vậy thời gian nuôi một lứa rút ngắn còn 15 ngày. Từ khi chuyển qua nuôi tằm công nghệ mới nhàn lắm, gia đình nuôi 3 hộp tằm năng suất đạt từ 50 – 60kg kén/hộp. Nếu giá bán 195.000 đồng/kg kén, trừ chi phí cũng thu được trên 20 triệu đồng/tháng”.

Liên kết với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thế Nhiệm, PGĐ Cty CP Eco green life chia sẻ: “Cty đã thuê đất xây dựng nhà máy ươm tơ trên địa bàn xã Đông Thanh, với diện tích 7.800m2 nhà xưởng, bước đầu đặt 3 máy ươm tơ dài 24m, 3 máy guồng dài 14m, công suất trung bình từ 500 – 600kg kén/máy/ngày. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 7/2017, thu hút 120 công nhân với mức lương gần 6 triệu đồng/người/tháng. Cty ký kết thu mua toàn bộ số kén của nông dân, các tổ hợp tác nuôi tằm trong địa bàn huyện”.

Tằm làm tổ kén trên khay gỗ theo công nghệ Nhật

Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh hồ hởi cho biết, nếu giá kén giữ vững và ổn định như hiện nay thì nông dân chẳng mấy chốc khá lên. Năm 2015, Hội Nông dân xã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi tằm theo công nghệ mới, là tổ làng nghề và tổ phụ nữ, mỗi tổ có 100 hội viên, với tổng diện tích dâu của cả xã trên 300ha. Mới đây do nhu cầu nuôi tằm phát triển mạnh, Hội thành lập thêm 1 tổ chuyên nuôi tằm giống do đoàn thanh niên đảm trách để cung cấp giống trong toàn xã…

“Nông dân thay đổi cách sản xuất kén theo công nghệ mới đã giảm nhiều công lao động, chất lượng kén tăng rõ rệt, không có kén đôi. Đặc biệt độ dài của tơ đơn cũng dài hơn. Nếu như loại kén trên né tre dài khoảng 600 – 700m/kén, thì kén trên né gỗ dài 800 – 1.000m/kén. Giá kén thời điểm này bán ra khoảng 195.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, ông Thọ chia sẻ.

Ngoài khay trượt, nông dân còn sử dụng né gỗ công nghệ Nhật để tăng năng suất, chất lượng kén. Ông Ngô Ngọc Toàn ở phường 2, TP Bảo Lộc là người đầu tiên đưa né gỗ công nghệ Nhật về nuôi. “Sau một lần đi tham quan mô hình ở Nhật, tôi thấy họ nuôi tằm tạo kén trên né bằng gỗ rất hiệu quả. Tôi chụp ảnh mẫu mang về, liên kết một xưởng mộc ở Nha Trang sản xuất rồi mang về giới thiệu cho các hộ nuôi tằm sử dụng. Qua quá trình chuyển đổi sang né gỗ, người dân thấy hiệu quả hơn, chất lượng kén tốt hơn, tơ dài hơn. Tới nay nhiều hộ sử dụng khay trượt và né gỗ công nghệ Nhật để nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Toàn chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.