Hiện nay, trên địa bàn các huyện Tân kỳ,Anh sơn việc nuôi tằm ăn lá sắn (tằm thầu dầu) làm thực phẩm rất phổ biến. Ngoài việc cung cấp thức ăn, cải thiện điều kiện dinh dưỡng hằng ngày thì việc nuôi tằm còn tận dụng thời gian nông nhàn, không phải đầu tư trồng cây làm thức ăn như tằm dâu mà tận dụng nguồn lá sắn sẵn có để làm thức ăn cho tằm. Vì vậy đầu tư cho nuôi tằm sắn thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên việc nuôi tằm của bà con chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả thu được còn thấp.Sau đây tôi xin chia sẻ với bà con một số kỹ thuật nuôi tằm thầu dầu như sau:
1.Yêu cầu ngoại cảnh
– Nhiệt độ và ẩm độ : Nhiệt và ẩm độ là hai yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của tằm. Nhiệt độ và ẩm độ quá cao sẽ làm giảm sức đề kháng và tằm dễ bị nhiễm bệnh
-Ánh sáng : ánh sáng buồng tằm tốt nhất là ánh sáng mờ đều. Tằm con yêu cầu ánh sáng yếu do vậy phòng nuôi tằm con cần tối hơn phòng nuôi tằm lớn.
-Không khí : Tằm con không yêu cầu thoáng khí cao, do vậy có thể đậy nilon hoặc giấy báo khi nuôi. Ngược lại, tằm lớn phải đặc biệt chú ý điều kiện thông thoáng, nếu không tằm rất dễ bị các bệnh về đường ruột và bệnh bủng mủ.
2. Các giống tằm sắn và thời vụ nuôi:
Giống tằm sắn ở Việt Nam, hai giống tằm sắn được nuôi phổ biến là giống mình trơn và giống mình có chấm đen.Giống có chấm phù hợp với điều kiện khí hậu của các tỉnh phía Bắc, đang được nuôi phổ biến ở Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa,… và Nghệ an,Giống trơn phù hợp với điều kiện khí hậu các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.
3. Kỹ thuật nuôi tằm sắn
– Chuẩn bị trước khi nuôi : Xây dựng nhà nuôi tằm phụ thuộc vào hoàn cảnh và nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi hộ mà có thể xây dựng một nhà mới hoặc tận dụng nhà sẵn có, nhưng phải đảm bảo một không gian thích hợp cho tằm sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản lượng kén cao và ổn định. Nhà nuôi tằm phải đáp ứng được một số yêu cầu chính sau :
– Đảm bảo sự đồng đều về nhiệt độ, ẩm độ trong nhà nuôi tằm và thích hợp cho tằm sinh trưởng, phát dục.
– Đảm bảo đầy đủ ánh sáng và ánh sáng đồng đều trong phòng nuôi, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào phòng tằm.
– Che được mưa, gió và sương mù.
– Đảm bảo độ thông thoáng.
– Tránh được sự lây lan bệnh và dễ sát trùng tiêu độc nhà tằm.
– Nhà nuôi tằm phải chống được nhặng, chuột, kiến và các động vật khác xân nhập.
Vệ sinh sát trùng nhà tằm : Để ngăn ngừa và phòng trừ các bệnh hại tằm, cần phải đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh và sát trùng môi trường trước và sau mỗi lứa nuôi. Xung quanh nhà phải thường xuyên quét dọn vệ sinh sạch sẽ, sát trùng nhà và dụng cụ nuôi Sát trùng bằng Clorua vôi ( CaOCl2 ) dùng ở dạng dung dịch với nồng độ 2 – 5%.
Chú ý :Trước khi xông hơi, phun nước lên tường, sàn nhà và dụng cụ, dán kín tất cả các khe hở, giữ nhiệt độ trong phòng trên 25oC. Sau khi xông hơi 24 giờ mới được mở cửa phòng, sau 7 – 10 ngày mới tiến hành nuôi tằm.
– Chuẩn bị trứng giống : Chọn trứng nuôi ở những cơ sở đáng tin cậy
– Băng tằm : Thời gian băng tằm :
+ Mùa hè, tằm nở sớm, băng vào 8 – 9 giờ sáng.
+ Mùa thu, băng vào 9 – 11 giờ sáng.
Nếu băng tằm quá muộn, tằm sẽ bị đói ảnh hưởng đến sức sống và sau này tằm thức, ngủ không đều.
+ Phương pháp băng tằm :
Băng tằm đối với trứng bìa : Nếu trứng nở rộ và tập trung, thái nhỏ lá sắn ( hoặc lá thầu dầu ) rắc đều một lớp mỏng lên tờ trứng, sau 30 – 60 phút nghiêng tờ trứng và dùng lông gà quét nhẹ tằm kiến ( cả lớp thức ăn ) sang nong đã lót giấy, dùng đũa san đều tằm và rắc một lớp thức ăn khác lên trên
Nếu tằm nở không tập trung, kéo dài trong 2 – 3 ngày thì phải băng riêng cho từng ngày. Các tờ trứng sau khi đã băng phải rắc đều lên nong để hôm sau băng tiếp. Điều chỉnh cho tằm con phát triển đồng đều giữa các ngày băng bằng cách tăng số lượng và chất lượng bữa ăn đối với các lô tằm nở sau. Tuyệt đối không được giảm số bữa ăn của lô nở ngày hôm trước. Đến tuổi nào mà hai lô đã phát triển đều nhau thì mới nhập lại nuôi chung.
Băng tằm đối với trứng rời :
Băng bằng giấy : Trứng sau khi ghim, được rải đều trên hộp bằng giấy. Khi tằm nở, đặt tờ giấy bản lên trên, rắc một lớp mỏng thức ăn thái nhỏ lên trên tờ giấy bản ( để nhử tằm bám vào mặt dưới tờ giấy bản) . Sau 30 – 45 phút, bỏ lớp thức ăn ra và nhẹ nhàng cầm tờ giấy lên, lật ngược đặt vào nong và cho tằm ăn bữa đầu tiên. Sau đó lại tiến hành lặp lại như trước cho đến khi trứng nở hết.
Băng tằm bằng lưới : Dùng lưới mắt nhỏ hoặc giấy có đục lỗ ( đường kính 0,5cm ) đặt lên trên hộp trứng. Rắc thức ăn thái nhỏ lên tờ giấy, tằm chui qua lỗ lên để ăn. Sau 30 – 45 phút, nhấc tờ giấy đặt sang nong khác và cho tằm ăn. Nếu trứng nở chưa hết thí lại tiếp tục làm như trước.
– Kỹ thuật cho tằm ăn:
Thức ăn cho tằm :Thu hái lá sắn ( lá thầu dầu,… ) phải theo tuổi tằm, về nguyên tắc tằm tuổi nhỏ ăn lá non, tằm lớn ăn lá già dần.
Tằm mới nở : cho ăn lá thứ 3 ( từ búp xuống ), lá có màu xanh lá mạ.
Tằm tuổi 1,2 : cho ăn lá thứ 3, 4.
Tằm tuổi 3 : cho ăn lá thứ 4, 5, 6.
Tằm tuổi 4 : cho ăn lá thứ 6, 7, 8.
Tằm tuổi 5 : cho ăn lá già (trừ lá vàng, lá có nhiều đốm khô)
– Cách cho tằm ăn:
Trước khi cho tằm ăn, quan sát xem lượng thức ăn lần trước còn nhiều hay ít. Nếu mật độ tằm quá dày, cần san đều trong nong hoặc san sang nong khác, nhặt bỏ tằm kẹ, tằm bệnh.
Tuỳ theo tuổi tằm mà thức ăn được thái to, nhỏ khác nhau :
Tằm tuổi 1 có thể thái thức ăn thành sợi, hoặc thái thành hình vuông cạnh dài 1cm.
Tằm tuổi 2, 3 cũng thái dài hoặc thái vuông, nhưng kích thước tăng dần theo độ lớn của tằm.
Tằm tuổi 4, 5 để nguyên cả lá cho tằm ăn ( nếu lá thầu dầu thì phải cắt ba, bốn ).
Khi cho tằm ăn, rắc đều thức ăn thành lớp mỏng trên nong tằm, sau đó lại rắc thêm lần thứ 2. Rắc thức ăn từ xung quanh vào giữa nong, kiểm tra lại và rắc bổ sung những nơi thức ăn còn quá ít.
Khoảng thời gian giữa hai lần cho ăn thường là 3 giờ đối với tằm con và 4 giờ đối với tằm lớn. Đối với nuôi tằm con bằng phương pháp đậy polyetylen thì 5 giờ cho ăn một lần.
– Thay phân, san tằm : Phân tằm và thức ăn thừa trong nong có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ và sự bốc hơi nước của cơ thể tằm. Thay phân tằm có tác dụng vệ sinh nong tằm sạch sẽ, loại bỏ tằm kẹ, tằm bệnh và tạo môi trường ( nhiệt độ, ẩm độ ) phù hợp cho tằm sinh trưởng phát triển tốt hơn.Có hai cách thay phân là :
Thay phân bằng lưới : rắc vôi bột hoặc than trấu lên nong tằm. Đặt lưới và rắc lá lên trên cho tằm ăn, sau 2 lần cho ăn thì nhấc lưới tằm sang nong khác để thay phân. Mắt lưới thay phân có kích thước :
Tằm tuổi 1 – 3 : mắt lưới 0,5cm x 0,5cm.
Tằm tuổi 4 – 5 : mắt lưới 2,0cm x 2,0cm.
Ưu điểm của việc thay phân bằng lưới là nhanh, tiết kiệm lao động, lọc được tằm yếu, tằm kẹ, không gây sát thương mình tằm, không bị sót tằm.
Thay phân bằng tay: Thay phân cho tằm con : rắc vôi bột hoặc than trấu lên nong tằm. Rắc lá sắn thái thành sợi dài cho tằm ăn, sau 2 lần cho ăn nhẹ nhàng nhấc từng mảng thức ăn ( có tằm bám ở đó ) sang nong khác, đồng thời san đều tằm ra nong.Thay phân cho tằm lớn : rắc vôi bột hoặc than trấu lên nong tằm. Rắc lá sắn hoặc lá thầu dầu ( còn nguyên cả lá ) lên cho tằm ăn, sau 2 lần cho ăn nhấc từng mảng thức ăn sang nong khác và san đều tằm.Thay phân bằng tay tốn nhiều thời gian, dễ gây sát thương cho tằm, có thể bỏ sót tằm.
– Thời gian thay phân : tốt nhất là vào buổi sáng, trời râm mát, không thay phân vào buổi trưa hoặc vào ban đêm.
– San tằm: tốc độ sinh trưởng của tằm rất nhanh và có quan hệ mật thiết với mật độ nuôi. Mật độ dày, tằm thường bị ăn đói và dễ phát sinh bệnh. Mật độ thưa, tằm ăn không hết gây lãng phí thức ăn. Mật độ thích hợp là cần một diện tích gấp đôi cơ thể của tằm để đảm bảo cho tằm hô hấp, di chuyển thuận tiện.Khi san tằm, nên để mật độ vừa phải như đã nêu ở trên, đồng thời lưu ý san đều tằm và cách cạp nong khoảng 10cm để trong ngày hôm đó tằm lớn lên, dần đầy nong là vừa
– Tằm chín: khi tằm chín sẽ ngừng ăn và bò lên nong nia, bà con cần chuẩn bị xô hoặc chậu, bỏ ít nước lạnh vào dụng cụ rồi bắt tằm chín vào, nên bắt ngay tránh để tằm nhả tơ sẽ làm giảm dinh dưỡng và giảm khối lượng.
Nguồn: Sonnptnt.nghean.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.