Mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học và dùng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh.

Có 13 hộ dân tham gia thực hiện mô hình. Tham gia mô hình, các hộ được cấp 1.400 con vịt giống siêu nạc VIGOVA. Trước lúc thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn cho các nông hộ làm chuồng trại hoặc tận dụng chuồng trại cũ nhưng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa nóng, kín ấm về mùa đông.

Mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học

Trong quá trình chăm sóc, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân chăm sóc, cho ăn, theo dõi sự phát triển của đàn vịt. Theo đó, nông dân phải cân đong thức ăn đúng liều lượng, thường xuyên vệ sinh thau rửa máng đựng thức ăn, máng nước uống, định kỳ phải được vệ sinh, tẩy uế, phun thuốc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin viêm gan siêu vi trùng, viêm gan, cúm gia cầm, dịch tả vịt theo lịch trình.

Nhờ vậy vịt nuôi của mô hình phát triển đồng đều, nhanh. Tỷ lệ sống từ ngày nuôi đến 30 ngày tuổi đạt 99%. Tỷ lệ hao hụt đa phần do cơ học tác động. Trọng lượng  đạt cao nhất 1,8kg/con (hộ chị Trần Thị Lợi và anh Trần Trung Hiếu), đa số đạt 1,6kg/con. Trong thời gian nuôi 45 ngày tuổi, tập thả vịt ra sân vườn để vận động, tỷ lệ sống giai đoạn này đạt 100% và trọng lượng bình quân đạt 2,3kg/con. Sau 60 ngày tuổi, tỷ lệ sống của đàn đạt 100%, trọng lượng bình quân 3,2kg/con.

Tính đến thời điểm này, mức tiêu tốn thức ăn/kg thể trọng tăng là 1,96kg. Mức tiêu tốn thức ăn thấp là do nông hộ cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày và quản lý tốt số thức ăn rơi vãi. Mặt khác, mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn cao, giảm được khối lượng thức ăn hằng ngày.

Tuy chi phí nuôi vịt theo công nghệ mới cao hơn so với nuôi vịt theo tập quán cũ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Cụ thể, đầu tư cho 100 con vịt siêu nạc khoảng 9 triệu đồng, ở 60 ngày tuổi trọng lượng bình quân 3,2kg/con, nên giá thành SX 29 nghìn đồng/kg hơi. Giá bán vịt tại địa phương 40 nghìn đồng/kg hơi. Doanh thu đạt 12,4 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 3,4 triệu đồng/100 con vịt.

Nuôi thịt vịt an toàn sinh học

Cá biệt như nông hộ Trần Thị Lợi, Trần Trung Hiếu, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, vịt phát triển đồng đều, tăng trọng nhanh (bình quân 3,6kg/con), quản lý đàn tốt (tỷ lệ sống 100%) nên thu lợi nhuận cao (4,5 triệu đồng/100 con). Thiết thực hơn nữa, vịt ở mô hình là nguồn thực phẩm an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và vệ sinh môi trường sinh thái.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Heo chết liên tục tại Khánh Hoà

2 đàn heo của hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Dự và ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Phước Lộc, Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) liên tục chết không rõ nguyên nhân. Mỗi hộ gia đình đã có trên 20 con heo lớn nhỏ chết gây thiệt hại gần 100 triệu đồng và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Theo phản ánh của ông Dự thì vừa qua gia đình ông thả nuôi 42 con heo lớn nhỏ. Đàn heo này phát triển bình thường thì bất ngờ xảy ra tình trạng heo chết bất thường.

“Hầu như ngày nào trong chuồng nuôi của tôi cũng có heo chết, ngày ít thì 2 con, ngày nhiều 4 – 5 con. Đến nay đã hơn 1 tuần rồi, tính tổng cộng chết hết 21 con cả lớn cả nhỏ. Những con còn lại trong chuồng cũng đang có hiện tượng đau bệnh, nằm la liệt chắc sẽ chết trong nay mai”, ông Dự cho biết.

Heo chết hàng loạt bệnh đóng dấu lợn

Tương tự như gia đình ông Dự, đàn heo 40 con của ông Dũng cũng xảy ra tình trạng heo chết liên tục trong nhiều ngày liền. Ông Dũng cho biết: “Hiện tại nhà tôi chỉ còn 23 con heo còn sống nhưng cũng không trông mong gì vì hiện tượng heo chết vẫn chưa dừng lại. Heo của tôi chết đều là những con có trọng lượng từ 50 – 90 kg. Tôi dùng đủ loại thuốc trị bệnh nhưng vẫn không có tác dụng gì. Tính tất cả các chi phí từ giống, thuốc men, thức ăn thì tình trạng heo chết khiến nhà tôi mất gần cả 100 triệu rồi”.

Ông Hoàng Văn Khoa, thú y xã Phước Đồng cho biết, khi nhận được thông tin về tình trạng heo chết, ông đã báo lên Trạm thú y TP Nha Trang. Bước đầu, trạm đã hướng dẫn cho các hộ dân có heo nhiễm bệnh thực hiện các biện pháp tiêu hủy số heo chết; tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tiêm các loại thuốc kháng sinh cho những con có biểu hiện mắc bệnh.

Theo TS Tân, bệnh đóng dấu lợn những năm qua rất ít xuất hiện, nhất là tại các tỉnh phía Nam nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện trở lại. Bệnh đóng dấu lợn là một trong bốn bệnh đỏ gây nguy hiểm cho lợn và rất dễ bị lây lan nếu không phát hiện kịp thời. Cách điều trị loại dịch bệnh này là dùng kháng sinh nhưng tốt nhất để ngăn ngừa thì tiêm vắc xin phòng bệnh.

Việc đóng dấu lợn gây ra xuất huyết cho lợn

Nguồn: Internet

Hiện Phân viện Thú y miền Trung đã sản xuất được loại vắc xin kép: Tụ huyết trùng – đóng dấu lợn, đã được nhiều nơi sử dụng mang lại hiệu quả trong phòng chữa bệnh đóng dấu lợn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cấp 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão, lụt

Tại hội nghị trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra. Đồng thời, những tỉnh bị thiệt hại nặng như: Khánh Hòa, Phú Yên… sẽ được hỗ trợ ít nhất 500 tấn gạo và thuốc men để phục vụ công tác ứng cứu.

Chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Dự họp tại điểm cầu Khánh Hòa có các ông: Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 đã gây ra thiệt hại nặng nề với 46 người chết, 15 người bị thương. Hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng; khoảng 5.300ha lúa, 14.850ha rau màu bị ngập, thiệt hại. Khánh Hòa là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ thêm lực lượng để các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên khôi phục mạng lưới điện và viễn thông một cách sớm nhất; Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ người dân ở những tỉnh bị thiệt hại nặng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh cho biết, đến thời điểm này tỉnh Khánh Hòa có 27 người chết. Ngoài ra, còn có 133 người bị thương và 5 người mất tích. Về nhà ở, toàn tỉnh có 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Về chăn nuôi, có nhiều chuồng trại bị sập, tốc mái, dẫn đến bị cuốn trôi và chết khoảng 241.000 con gia cầm, 400 con heo và 130 con bò. Toàn tỉnh có khoảng 25.311ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có hơn 3.800ha lúa, 1.317ha rau màu, 2.300ha cây hàng năm, hơn 2.600ha cây ăn quả. Về thủy sản, có hơn 1.200ha đìa tôm, cá bị vỡ, 24.320 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, hơn 1.000 tàu thuyền bị đánh chìm. Bên cạnh đó, bão còn làm 28,6km bờ sông bị sạt lở, 12km kênh mương bị đứt gãy, sạt lở khoảng 42km đường giao thông bê tông. Về công nghiệp, có 720 trụ điện bị gãy, hàng trăm kilômet dây truyền tải bị đứt, 50 trạm biến thế bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có 79 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng trang thiết bị, hàng nghìn cây xanh bị gãy.

Ông Lê Đức Vinh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp cho Khánh Hòa 25.000 tấn gạo; 200.000 viên sát khuẩn Aquatasbs, 5.000kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc xin tai xanh. Về kinh phí, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.155 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ để sửa chữa các công trình y tế, trường học, trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật; 500 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, gửi lời chia buồn đến các gia đình có người bị nạn, đồng thời biểu dương các cấp, các địa phương trong việc ứng cứu bão lụt. Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo đồng bộ công tác khắc phục hậu quả của bão để nhân dân không bị đói, không bị màn trời chiếu đất, không bị dịch bệnh. Đảm bảo giao thông đi lại ở các quốc lộ, tỉnh lộ và lượng thuốc men cần thiết. Các địa phương cần giải quyết tốt chế độ cho người dân, không để người dân thiếu ăn và dịch bệnh xảy ra. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do bão số 12; đồng thời hỗ trợ một lượng gạo cần thiết cho các tỉnh, trong đó những tỉnh bị thiệt hại nặng như Khánh Hòa, Phú Yên ít nhất 500 tấn, các tỉnh bị thiệt hại nhẹ hơn 200 tấn.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Ra đời thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P.

Sự ra đời của thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. trong thời điểm hiện nay không chỉ là niềm vui lớn đối với người tiêu dùng trong nước mà còn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu thịt heo cho ngành chăn nuôi VN.

Nếu như thịt heo VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng ở phạm vi trong nước thì thịt heo GlobalG.A.P. đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, chứng nhận GlobalG.A.P. chỉ có giá trị trong vòng một năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận, và phải được đánh giá lại mỗi năm thông qua các đợt thanh tra định kỳ, đột xuất.

Ông Tôn Văn Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Anova Farm – đơn vị cho ra đời heo thịt đạt chuẩn GlobalG.A.P. đã khẳng định giá của công ty sẽ không cao hơn nhiều so với giá heo trên thị trường hiện nay, dù các tiêu chí, yêu cầu của tiêu chuẩn GlobalG.A.P. khắt khe hơn nhiều so với VietGAP. Cụ thể, theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. dành cho trang trại, đơn vị tham gia phải đạt 100% của 143 tiêu chí xếp loại Major Must (tiêu chuẩn cần thiết chính), 95% của 69 tiêu chí xếp loại Minor Must (tiêu chuẩn cần thiết phụ) và 36 Recommendation (tiêu chuẩn khuyến nghị), qua nhiều bước tự đánh giá và thanh tra – kiểm tra từ Tổ chức Chứng nhận quốc tế ControlUnion. Cho nên, sản phẩm heo thịt thương phẩm từ trang trại đạt chuẩn GlobalG.A.P. luôn được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chứa chất cấm hay dư lượng kháng sinh, thuốc an thần, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng trong thịt cao và có thể truy xuất nguồn gốc.

Tổng giám đốc Anova Farm nhận chứng nhận thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. từ Tổ chức Chứng nhận quốc tế ControlUnion

Đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ dành vị trí đặc biệt đẹp và to cho thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. vì chúng tôi muốn khách hàng của mình được ăn thịt heo ngon và đạt độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao như ở các nước châu Âu.

Thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hoan nghênh và đánh giá rất cao sự xuất hiện thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. của Anova Farm. Đây không chỉ là tin vui với người tiêu dùng mà còn là niềm tự hào đối với ngành chăn nuôi cả nước.
Hiện Anova Farm có hai trang trại tại tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu với quy mô 2.400 heo nái và 12.000 heo thương phẩm. Hằng năm, ngoài cung cấp thị trường hơn 55.000 con heo thịt, Anova Farm còn cung cấp hơn 5.000 heo hậu bị đực và cái. Tất cả các loại heo của Anova Farm đều được các chuyên gia đánh giá cao, bởi quá trình sản xuất của Anova Farm khép kín từ nguồn heo giống nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, sử dụng nguồn thức ăn đạt chuẩn GlobalG.A.P. từ Nhà máy Anova Feed, nguồn vắc xin nhập khẩu đạt chuẩn WHO-GMP bởi Anova BioTech, nguồn thuốc thú y sản xuất theo chuẩn WHO-GMP của các công ty thuộc Tập đoàn Anova; đảm bảo heo được chăn nuôi đúng chuẩn quốc tế, được áp dụng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt bằng phần mềm quản lý chăn nuôi từ Hà Lan, đúng như cam kết của ông Tôn Văn Tân, Tổng giám đốc Anova Farm: “Anova không chỉ luôn đem đến cho người tiêu dùng nguồn heo an toàn và chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng mà còn hướng đến xây dựng mô hình chăn nuôi và sản xuất bền vững, nâng cao tiêu chuẩn của ngành chăn nuôi và thực phẩm, góp phần củng cố nền nông nghiệp công nghệ cao tại VN”.
Theo thanhnien.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Biện pháp bảo vệ vật nuôi mùa mưa bão

Ở tỉnh ta mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa tập trung vào tháng 9,10,11, tổng lượng mưa trong 3 tháng chiếm gần 70% lượng mưa cả năm. Vũ lượng lớn, lại thường kèm theo bão mạnh, tạo ra các trận lũ quét ở vùng đồi núi và úng lụt thường xuyên ở vùng đồng bằng, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau có rét và mưa phùn kéo dài.

Bão, lũ là thời điểm đàn gia súc, gia cầm dễ bị dịch bệnh phát sinh và lây lan. Thời tiết khắc nghiệt đã làm thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi ở các địa phương trên toàn tỉnh. Bài viết hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, bổ sung thức ăn để tăng cường sức đề kháng, vệ sinh chuồng trại cho gia súc, gia cầm mùa bão lũ.

Để chủ động bảo vệ đàn gia súc, gia cầm có hiệu quả người chăn nuôi cần lưu ý  thực hiện những nội dung sau:

Trước mưa bão, lũ lụt

– Thực hiện việc kiểm tra và chằng chống chuồng trại để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, lũ. Nếu chuồng nuôi lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng chưa kiên cố thì có thể dằn lên mái các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có bão.

– Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần chủ động tôn cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ,  làm sàn kê cao và dự trữ thức ăn đầy đủ, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa.

– Đối với những vùng bị ngập lụt, bằng mọi cách phải di dời gia súc, gia cầm lên những vùng đất cao, làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ thức ăn đầy đủ và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, nhất là không cho gia súc, gia cầm uống nước lũ đã nhiễm bẩn.

Che chắn cẩn thận để bảo vệ vật nuôi

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia súc như bệnh tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… ở trâu, bò, lợn,dê;  bệnh tiêu chảy ở lợn con; bệnh Gumboro, tụ huyết trùng, cầu trùng… ở gia cầm. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và  khẩu phần ăn cho vật nuôi để tăng sức đề kháng, dự trữ nước uống cho vật nuôi để vật nuôi có đủ nước sạch để uống.

– Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầmlớn thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do lũ cuốn trôi, chết cũng như dịch bệnh có thể xảy ra.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt

Khi lũ lụt, mầm bệnh theo nước lũ sẽ lan đi khắp nơi, mặt khác, trong khi có sự di chuyển đàn gia súc, gia cầm tránh lũ sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại không được thực hiện tốt làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vậtnuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và bùng phát, do vậy người chăn nuôi cần:

– Vệ sinh chuồng trại, môi trường và dụng cụ chăn nuôi thật tốt, thường xuyên quét dọn, tẩy rửa, vệ sinh dụng cụ, chuồng trại, và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi  để vật nuôi được ở sạch. Định kỳ 1 tuần 1 – 2 lần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó.

Vệ sinh chuồng trại để triệt mầm bệnh

– Sau lũ lụt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm do rau màu bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm. Bùn đất và khí hậu ẩm ướt đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Do vậy vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác để gia súc già mau chóng hồi phục sức khỏe và gia súc non tăng trưởng bình thường. Hạn chế không cho vật nuôi uống nước bẩn, ao, bùn.

– Đối với xác vật nuôi chết: Phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác vật chết, phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp.

– Rà soát lại kết quả tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng trước mưa, bão. Những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu thì tổ chức tiêm phòng bổ sung, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi rắn mối nhanh, đỡ tốn chi phí

Nuôi rắn mối được xem là mô hình “nuôi hàng độc” và là đặc sản tại các nhà hàng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước vì mùi vị thơm ngon và giá thành tương đối mềm. Đặc biệt rắn mối trị được rất nhiều bệnh. Nhưng do lượng rắn mối trong thiên nhiên ngày một giảm dần nên rắn mối đang rất hút hàng.

Kỹ thuật làm chuồng

Trong quá trình nuôi rắn mối cần nghiên cứu thật kỹ quy cách thiết kế chuồng trại. Chiều ngang của chuồng khoảng 2,5 – 3m, dài: 6 – 7m, cao 80cm. Mặt trong chuồng có thể dán gạch men hoặc đóng thiếc bằng tránh rắn mối thoát ra ngoài, để tránh thất thoát. Với kích thước như trên có thể nuôi được 1000 con bố mẹ và 1000 con con.

Chuồng nuôi rắn mối

Dưới nên chuồng có thể làm những mô cao để vào mùa mưa thoát nước tốt, có thể bỏ gạch ống hay rơm, ngói, tôn bể….để làm chổ trú ẩn cho chúng phía trên có thể bỏ rơm hay lá chuối lên trên làm bãi tắm nắng cho chúng. Phía trên nóc nên che một tấm tôn sáng để có nắng.

Nguồn thức ăn

Rắn mối mẹ vào giai đoạn mang thai và sinh sản bà con nên cung cấp cho chúng lượng thức ăn nhiều hơn, chất lượng hơn, lượng chất dinh dưỡng cao hơn. Ngoài những loại thức ăn phổ biến như cơm trộn cá tạp, tôm tép vụn mua ở các chợ bà con cũng cần tìm kiếm thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho những con rắn mối sinh sản này như sâu bọ, mối, cào cào, côn trùng…

Những loại thức ăn tự nhiên sẽ cung cấp cho rắn mối sinh sản một lượng chất cần thiết, giúp rắn mối phát triển tốt và đảm bảo quá trình phát triển của những chú rắn mối con.

Cho rắn mối ăn

Đối với khoảng thời gian thích hợp để cho rắn mối ăn bà con nên cho chúng ăn vào thời điểm buổi sáng, trưa và chiều. Sau khi ăn xong rắn mối thường có thói quen phơi năng để tiêu hóa lượng thức ăn vừa đưa vào cơ thể.

Chọn giống rắn mối

Rắn mối giống nên chọn con to khỏe không bệnh tật, có kích thước từ ngón tay cái trở lên. Cách phân biệt rắn mối đực và rắn mối cái:

Rắn mối đực: Đầu to, chân khẻo, không có những đốm trắng chạy dọc theo hai bên hông.

Rắn mối giống

Rắn mối cái: Đầu nhỏ, di chuyển chậm chạp và có nhiều đốm trắng chạy dọc theo hai bên hông. Rắn mối 2 tháng sinh sản một lần, mỗi lần sinh được từ 8 đến 12 con. Do đó để rắn mối sinh sản được nhiều con ta nên chia tỉ lệ đực cái là 1: 1 để tăng khả năng thụ thai của rắn cái.

Khi rắn mối cái mang bầu nên tách rắn cái sang một chuồng chuyên nuôi rắn mối mang bầu nuôi riêng và chú ý theo dõi, khi rắn mối cái sinh sản ra rắn mối con ta cho rắn cái sang chuồng ở chung với rắn đực để tiếp tụ thủ thai, đồng thời cho rắn mối con sang chuồng khác nuôi riêng.

Theo baomoi.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Vỗ béo cừu bằng “hèm bia”

Ninh Thuận từ lâu đã nổi tiếng với nghề chăn nuôi cừu. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi cừu do thiếu thức ăn và nước uống.

Để tránh tình trạng cừu chết do thiếu thức ăn, nhiều người chăn nuôi đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa và một số cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đồng thời, tìm cách bổ sung thức ăn tinh nhằm giúp tăng trọng lượng cừu.

Chăn nuôi cừu vỗ béo từ hèm bia của anh Huỳnh Nguyên Đăng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được xem là mô hình mang tính đột phá, giúp cừu phát triển tốt, tăng trọng cao ngay trong mùa hạn.

Nuôi cừu bằng hèm bia

Từ lâu, hèm bia được sử dụng trong chăn nuôi bò, heo, giúp giảm chi phí đầu tư và đàn bò, heo phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Trên cơ sở đó, anh Huỳnh Nguyên Đăng ở Ninh Thuận đã áp dụng việc sử dụng hèm bia để chăn nuôi cừu vỗ béo. Ban đầu, anh nuôi 150 con cừu vỗ béo theo cách cho ăn cỏ kết hợp hèm bia. Sau 3 tháng nuôi thử nghiệm, đàn cừu của anh phát triển tốt, ít bị bệnh, trọng lượng tăng từ 3 – 4kg so với cách nuôi truyền thống.

Từ thành công ban đầu, anh Đăng tiếp tục mở rộng trang trại và tăng số lượng cừu từ 150 con lên 700 con. Hướng đến, anh sẽ xây dựng một trang trại chăn nuôi cừu vỗ béo từ hèm bia khoảng 3.000 con, nhằm ổn định đầu ra và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Anh Huỳnh Nguyên Đăng cho biết, nếu điều kiện thuận lợi thì sẽ mở rộng mô hình nuôi cừu lên khoảng 3.000 con để ổn định nguồn cung ra thị trường. Để thức ăn thừa của cừu, anh Đăng làm hai ao cá để lúc nào trong chuồng cừu cũng có máng thức ăn sạch, thức ăn thừa sẽ dùng để nuôi gà, vịt… Bên cạnh đó, lượng phân cừu sẽ được dùng để trồng rau sạch…

Cừu vẫn khỏe mạnh khi được vỗ béo hèm bia

Theo anh Huỳnh Nguyên Đăng, việc nuôi cừu vỗ béo từ hèm bia sẽ giúp người chăn nuôi ít phụ thuộc vào thời tiết; giảm 50 – 70% chi phí thuê nhân công cắt cỏ và mua thức ăn tinh; đồng thời, trọng lượng cừu tăng từ 20 – 30% so với cách nuôi truyền thống; lông bóng đẹp và hệ tiêu hóa phát triển tốt nên ít bị dịch bệnh. Từ thành công của mô hình này, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước đang dự kiến nhân rộng ra địa bàn xã để bà con nông dân học tập, làm theo.

Ông Lê Văn Duông, cán bộ nông nghiệp xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước- Ninh Thuận cho rằng, nếu nhân rộng mô hình nuôi cừu từ hèm bia thì có thể tiết kiệm diện tích cỏ rất nhiều.

Việc sử dụng hèm bia trong chăn nuôi cừu vỗ béo của anh Huỳnh Nguyên Đăng được xem là một hướng đi mới, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, có giá thành thấp, giảm phụ thuộc vào thức ăn xanh, nhưng cừu vẫn phát triển tốt, tăng trọng nhanh, qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Nguồn vov.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc thỏ cái sinh sản

Từ xưa đến nay nuôi thỏ sinh sản thì việc chăm sóc thỏ cái là một điều hết sức quan trọng. Bởi thỏ cái khỏe mạnh thì mới đủ khả năng sinh ra thỏ con khỏe mạnh.

Tỷ lệ thỏ đực/cái ở các cơ sở giống

Một đực giống tốt có thể phụ trách phối giống cho 5-6 con cái. Nhưng tại các gia đình có đàn cái quy mô nhỏ hoặc ở cơ sở nhân giống thuần quy mô lớn thì nên ghép một đực với 4-5 cái. Như vậy tạo điều kiện phối giống kịp thời, không lỡ kỳ động dục của thỏ cái. Tiện cho việc cai sữa, chăm sóc và xuất bán sản phẩm đồng loạt.

Tuổi động dục và phối giống lần đầu của thỏ cái

Thỏ cái bắt đầu động dục và có thể chịu đực lúc 4-5 tháng tuổi. Đối với thỏ ngoại tuổi phối giống thích hợp là lúc khối lượng cơ thể đạt 3kg trở lên, thỏ lại đạt trên 2,6kg (5,5 – 6 tháng tuổi). Nếu cho phối sớm trước 5 tháng tuổi thì đàn con sinh ra yêu, kém phát triển và đời giống của bố mẹ ngắn hơn, bởi vì cơ thể thỏ trước 5 tháng tuổi chưa phát triển hoàn chỉnh.

Chu kỳ động dục của thỏ thường là 10 – 16 ngày,thời gian động dục kéo dài 3 – 5 ngày. Thỏ cái động dục sớm hay muộn, đúng kỳ hay không là do thể lực, trạng thái sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và môi trường khí hậu  quyết định. Có những con thỏ mẹ béo quá, hoặc mắc bệnh gầy yếu, mùa hè nóng kéo dài, mùa đông rét buốt, khi thỏ thay lông, thức ăn thiếu khoáng, thiếu sinh tố… đều là nguyên nhân làm thỏ không động dục hoặc ít hưng phấn chịu đực. Khi thấy lâu ngày không động dục không phối giống được thì phải kiểm tra xác định yếu tố nào gây ảnh hưởng để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Biểu hiện của thỏ động dục

Nếu phát hiện động dục qua quan sát bằng mắt thì rất khó, mà chủ yếu kiểm tra niêm mạc âm hộ của chúng. Bình thường niêm mạc âm hộ của chúng có màu hồng nhạt, nếu động dục thì chuyển sang màu đỏ tươi, sưng tấy lên, khi thỏ cái có biểu hiện động dục đến ô chuồng thỏ đực thì chịu đực: mông và đuôi cong lên, chờ thỏ đực giao phối. Khi niêm mạc âm hộ chuyển sang màu đỏ thẫm, tím bầm là kết thúc kỳ động dục, thỏ không chịu đực nữa.

Kiểm tra niêm mạc âm hộ của thỏ động dục

Ở cơ sở giống thương phẩm thì con cái nên phối hai lần liền với hai con đực khác nhau, con đực trước già hơn con đực sau, để tinh trùng thỏ trẻ tăng cường hoạt lực cho tinh trùng thỏ già phối được trước. Còn ở cơ sở nhân giống thuần chủng thì chỉ được phối lặp lại, lần sau phải cách lần trước 4 – 6 giờ để tăng tỷ lệ thụ thai và thêm số con sơ sinh. Khi giao phối, nếu thỏ đực tốt thì đến gần con cái làm quen, ngửi con cái một lát rồi nhảy. Nếu con cái động dục thì chạy quanh lồng mấy vòng rồi dừng lại nâng mông cho thỏ đực nhảy.

Có một số con cái động dục nhưng do sợ hãi cũng không cho con đực phối, trường hợp đó ta cần kéo con cái ra giữa lồng và luồng tay xuống dưới bụng nhẹ ngàng nâng mông thỏ cái lên cho con đực nhảy. Nếu gia đình có đàn thỏ giống tốt, khỏe mạnh, nuôi dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho chúng thì có thể cho đẻ liên tục, tức là sau khi đẻ 36 – 48 giờ thì cho giao phối giống ngay. Nếu không chửa ở chu kỳ động dục đồng thì phải phối giống vào chu kỳ động dục sau.

Khám thai cho thỏ

Mục đích là xác định được thỏ có chửa hay không để có kế hoạch chuẩn bị cho ổ đẻ vào lồng. Nêu thỏ không chửa thì tiếp tục kiểm tra động dục để kịp thời cho phối lại, không cần phải chờ đến kỳ đẻ mới phát hiện, sẽ lỡ mất chu kỳ động dục. Có thể khám thai vào ngày thứ 10 sau khi phối giống bằng cách nắn vuốt thai nhẹ nhàng trong tử cung qua thành bụng ở vùng xương chậu, gần cột sống. Nếu thỏ chửa thì thấy thai mềm ở dạng hòn cục nhỏ bằng đầu ngón tay cái hoặc ngón chân di chuyển qua  lại trong tử cung.

Chuẩn bị thỏ đẻ Nếu thỏ có chửa thì đến ngày thứ 28 sau khi phối phải đặt ổ đẻ vào lồng, ổ đẻ phải có đồ lót là cỏ khô, rơm hoặc vỏ bào mềm, sạch, không mốc, thỏ sẽ vào ổ đẻ và cào bới đồ lót, cắp thức ăn thô vào ổ, ăn cả một phần đồ lót.

Thỏ mẹ và thỏ con

Theo caytrongvatnuoi.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Thức ăn của cừu

Cừu vốn là loài ăn tạp. Hầu như các loại cỏ lá cừu đều ăn được cả. Ngay cả cỏ khô, lá khô và nhiều loại củ quả, các phế phẩm nông nghiệp nó cũng không chê. Cừu có thể tìm kiếm thức ăn cả ngày, khi no bụng thì tìm một nơi yên tĩnh để nhai cỏ. Mỗi ngày cừu ăn một lượng thức ăn bằng 15% thể trọng của nó.

Cừu vốn là loài ăn tạp

Thức ăn của cừu thuộc các nhóm sau:

Thức ăn thô

Gồm các loại cỏ như cỏ chỉ, cỏ gà, cỏ lá tre, cỏ mần trầu thậm chí cả cỏ tranh (non), không đủ cỏ tươi cừu cũng ăn cả cỏ khô và thấy chung ăn cũng ngon miệng. Ngoài cỏ ra cừu cũng ăn được các loại lá như lá tre, lá bắp, lá mía, lá dâm bụt, lá soan, lá mướp, lá vông và cả lá cây cà phê…

Tận dụng dây khoai lang cho cừu

Nó cũng ăn được cả thân cây như cây bắp (non), cây cao lương, lá và dây khoai lang… Đốì với cây họ đậu như đậu ván, cây đậu rồng, cây đậu ma, đậu lông, đậu nành, đậu cô ve, sắn dây, đậu phộng, su hào… là những món cừu rất khoái khẩu…

Cừu ăn cỏ xanh

Thức ăn củ quả

Cừu cũng thích ăn các loại củ quả, như lúa, bắp, khoai lang, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, mít non… Các phụ phế phẩm nông công nghiệp: vỏ chuối, xơ mít, vỏ thơm, bã đậu nành, xác mì, hèm rượu bia….

Thức ăn tinh

Nuôi cừu cũng cần đến thức ăn tinh, nhất là vào những tháng nắng hạn thiếu cỏ cho chúng ăn no. Đặc biệt đối với cừu mang thai, cừu đang nuôi con, và cả cừu đực giống cần thường xuyên cho ăn thức ăn tinh. Trung bình mỗi ngày ta chỉ cung cấp cho mỗi con cừu vài ba trăm gờ ram là đủ.

Thức ăn giàu khoáng và Vitamin

Loại thức ăn này rất cần đối với cừu mang thai, cừu đang nuôi con, và các cừu khác. Trong khẩu phần ăn của cừu nên bổ sung chất khoáng như calxi, phosphore, muối ăn và các loại vitaminc A-D-E cần thiết cho sức khỏe và hoạt động sinh sản của cừu.

Tóm lại, cừu ăn được hầu hết các loại cỏ, lá kể cả rơm. Thế nhưng, có điều này ta cần lưu ý: không nên cho cừu ăn cỏ ướt. Ăn cỏ ướt cừu dễ mắc bệnh đường tiêu hóa. Với những người nuôi cừu lâu năm, nhiều kinh nghiệm, họ không bao giờ thả cừu đi ăn vào lúc sáng sớm, khi cỏ trên đồng còn đẫm hơi sương. Họ phải chờ khi mặt trời đã lên cao, khoảng 8 giờ sáng trở đi, mới lùa cừu ra đồng ăn cỏ. Có người còn cẩn thận, ra đến bãi ăn, họ còn dùng bàn chân của mình quét lên đám cỏ xem chân có còn ướt hay không, nếu cỏ đã khô họ mới lùa cừu đến đó.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi chim cút

1. Chọn chim cút giống

Hiện nay có rất nhiều trang trại cung cấp chim cút giống nên việc tìm ra địa chỉ mua là điều không quá khó. Mấu chốt của vấn đề nằm ở cách chọn giống. Sau đây là một số lưu ý cho bà con khi chọn mua chim cút giống.

Con trống: Ở loài chim cút thì con trống nhỏ hơn con mái, chọn mua con giống 25-30 ngày tuổi và nặng khoảng 70-90g/con. Khi chọn giống cần chọn những chim nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, lông ngực vàng hoặc vàng nâu và ngực nở.

Con mái: Chọn con mái >100g, cổ nhỏ, lông mượt, lông ngực đốm trắng đen, xương chậu rộng sẽ đẻ tốt, hậu môn nở, đỏ hồng

Hiện nay tại Việt Nam nuôi chủ yếu là chim cút Nhật Bản. Đây là giống chim rất dễ nuôi, sức đề kháng mạnh, sinh sản tốt (đẻ 260 – 300 trứng/năm) trong thời gian dài.

Cút giống

2. Chuồng nuôi chim cút

Có rất nhiều cách làm chuồng nuôi chim cút với kích thước rất đa dạng. Chim cút rất dễ nuôi nên có thể nuôi trong lồng hoặc vây lưới thép nuôi dưới nền đều được. Sau đây là quy cách chuồng tham khảo được khuyến nghị cho bà con:

  • Kích thước chuồng: 1×0.5x2m làm bằng khung thép hoặc gỗ và lưới vuông 1x1cm để chim dễ di chuyển và tiện vệ sinh. Mỗi chuồng như vậy có thể nuôi 20 – 25 chim cút mái.

Nuôi chim cút trong lồng

  • Nền chuồng nên làm có độ dốc khoảng 3 độ để trứng lăn ra mà không bị bể.
  • Nóc chuồng làm bằng vật liệu mềm vì chim cút hay nhảy nên dễ bị tổn thương phần đầu
  • Khi nuôi số lượng lớn thì các chuồng có thể xếp lên nhau và để khoảng trống 10cm để vỉ hứng phân chim và vệ sinh.
  • Máng thức ăn, nước uống: Làm bằng vật liệu dẻo, dài 0.5m, rộng 5cm, cao 5cm. Đối với chim non có thể nhỏ hơn.

Chuồng nuôi chim cút

3. Thức ăn cho chim cút

Mỗi cá thể chim cút trưởng thành ăn khoảng 20g/ngày và uống 50-80ml nước/ngày. Lưu ý là mỗi ngày chim mái sẽ đẻ 1 trứng nên thức ăn phải luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và nước luôn là nước sạch.

Thức ăn cho chim cút

Thức ăn chủ yếu cho chim cút là cám viên. Người nuôi có thể bổ sung các loại hạt như đậu, kê, cao lương, lúa để vỗ béo. Ngoài ra, cần bổ sung các vitamin và khoáng chất bằng cách trộn vào thức ăn hoặc pha với nước uống để tăng sức đề kháng và duy trì khả năng sinh sản tốt.

Chim cút ăn khá nhiều, mội ngày nên cho ăn 3-4 lần và tập cho đàn chim ăn đúng giờ giấc từ khi mới nở.

4. Chăm sóc đàn chim

Quá trình chăm sóc chim cút được chia làm 3 giai đoạn:

  • Cút con (1-25 ngày): Chim cút nở ra phải được sưởi ấm ngay để duy trì thân nhiệt. Nhiệt độ sưởi trong tuần đầu là 34 độ và giảm dần mỗi tuần 3 độ đến tuần thứ 4 thì kết thúc. Môi trường nuôi luôn đảm bảo khô thoáng và ấm áp. Thức ăn trong giai đoạn này cần giàu đạm và vitamin.
  • Cút thịt (25-30 ngày): Khẩu phần giai đoạn này hướng đến mục tiêu vỗ béo nên sẽ giàu tinh bột và ít đạm, để chim ăn tự do cả ngày lẫn đêm đến 40 ngày có thể bắt đầu xuất bán.
  • Cút sinh sản: khẩu phần của cút sinh sản cần đảm bảo đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng để chim đẻ đều. Mỗi ngày cút mái đẻ 1 trứng nên cần phải ăn bù lại khối lượng đó. Cút mái ăn khoảng 25g/ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.