Trào lưu: Nuôi Rùa làm thú cưng

Không giống các loài thủy sinh như cá hay tép cảnh, rùa là vật nuôi bạn có thể mang theo đi khắp nơi để ‘khoe’ với bạn bè. Đó là chưa kể việc chăm sóc một con rùa sẽ mang đến cho bạn rất nhiều điều thú vị.

Rùa cảnh

Nguyễn Tấn Anh, một trong những admin chính của Hội Những người yêu rùa kiểng trên Facebook cho biết: “Tôi mê rùa từ thời còn nhỏ nhưng đến khi lên Sài Gòn mới có cơ hội nuôi rùa. Hồi đó con rùa đầu tiên mà tôi nuôi là của người ta cho. Lúc đó có biết nuôi gì đâu, cũng không biết rùa ăn gì, chăm sóc ra sao. Nhớ lại, tôi mua thịt và rau cho rùa ăn, thấy rùa chỉ ăn rau tôi mới phát hiện ra chú rùa của mình là “dân ăn chay”.

Hiện nay rùa núi vàng là loài rùa cảnh đang được nhiều người ưa chuộng vì giá khá mềm lại dễ nuôi, màu sắc đẹp, chúng lại hiền lành, thuận tiện khi nuôi trên cạn. Rùa núi vàng được đánh giá là đẹp khi mai của nó vàng óng ả không có một chút chấm đốm đen.
“Thức ăn chủ yếu của rùa núi vàng là xà lách, rau lang, rau muống, cà chua, dưa leo. Nhưng thứ mà rùa núi vàng thích nhất là cà chua”, bạn Hoài Anh, nhà tại quận 10, TP.HCM cho biết.
Theo bạn Hoài Anh, rùa núi vàng thường sống trên cạn nên chuồng cần khô ráo và phải được vệ sinh thường xuyên: “Không nên để rùa ở nơi quá cao vì nếu rùa xổng ra được thì nó dễ bị chấn thương khi va chạm với sàn nhà. Nếu sống ở những vùng có không khí lạnh thì nên dùng đèn sưởi cho các “bé” rùa để “bé” được khỏe mạnh. Để rùa lạnh thì rùa rất dễ bị sổ mũi, còn lâu dài rùa có thể bị bệnh mà chết”.
Rùa cảnh nhỏ nhắn trông rất đáng yêu
Chia sẻ thêm về thức ăn dành cho rùa cảnh, bạn Tấn Anh nói: “Khi giao lưu với các thành viên trong Hội Những người yêu rùa kiểng, tôi vẫn có quan điểm rằng thay vì mua rau quả ngoài chợ thì nên cho rùa ăn cỏ. Bạn có thể tìm được cỏ ở khắp nơi trong thành phố. Cỏ không chứa nhiều chất tăng trưởng có thể làm hại cho rùa”.
Tấn Anh bật mí thêm: “Rùa núi vàng thuộc hạng quý nên mua bán trên mạng phải có giấy phép. Giá một con rùa núi vàng từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy thuộc vào kích thước và độ đẹp của mai”.
Ngoài rùa núi vàng, một số loài rùa cảnh đang được nhiều người ưa chuộng gồm rùa sao Ấn Độ, rùa lá mata mata… “Đặc biệt, nhiều người rất thích rùa sao Ấn Độ bởi hoa văn trên mai rùa rất đẹp, màu sắc ấn tượng. Có lẽ vì thế mà loại rùa này được giới sinh vật cảnh quốc tế đánh giá là một trong những loài rùa cảnh đẹp nhất thế giới. Giống như rùa núi vàng, thức ăn của loại rùa này chủ yếu là rau xanh, các loại cỏ và một số rau quả. “Không nên cho rùa ăn một loại thức ăn cố định để tránh sự nhàm chán và bổ sung đầy đủ vitamin cho rùa thêm khỏe mạnh”, bạn Hoài Anh khuyên.
Bên cạnh những người thích nuôi rùa trên cạn, bạn Tấn Anh cho biết có nhiều người thích nuôi rùa nước. Nuôi rùa nước tốn nhiều công sức hơn. Rùa nước không chỉ “ăn chay” mà còn ăn thịt nên việc chuẩn bị thức ăn cho rùa sẽ tốn nhiều công hơn. Chuồng rùa cũng phải được thiết kế để rùa vừa bơi được trong nước vừa có thể bò lên trên cạn. Nên thay nước 3 lần một tuần, khi sử dụng nước máy thì nên để nước ra ngoài một thời gian, để chất chlorine bốc hơi hết.
Tấn Anh lưu ý thêm: “Tùy vào kích thước của rùa mà thiết kế chuồng với diện tích phù hợp. Nếu bạn xác định gắn bó với rùa trong một thời gian dài thì khi làm chuồng phải tính đến trường hợp những chú rùa lớn lên tăng kích thước của mai. Thêm vào đó, rùa còn là loại thích rong chơi nên không gian của chúng càng rộng càng tốt. Một cái chuồng đạt chuẩn ít nhất phải thỏa mãn những điều kiện như: thành lồng làm bằng gỗ, phải có nơi ẩn náu, phải có hệ thống sưởi ấm…”.
Rùa cảnh phải luôn được chăm sóc tốt để phòng tránh bệnh tái phát
Hỏi về cách chữa bệnh cho rùa nếu lỡ không may rùa bị bệnh, một thành viên trong Hội Những người yêu rùa kiểng chia sẻ: “Không giống như ở nước ngoài có những bệnh viện dành cho thú ý có thể chẩn đoán bệnh cho cả các loài như rùa, ở VN chỉ là truyền tai nhau hoặc tự lên mạng tìm hiểu về cách chữa bệnh… Để tránh rùa bị bệnh, điều quan trọng là cần đảm bảo đủ ấm cho chúng vào ban đêm. Khi rùa ngủ thì nhớ tắt đèn. Sau cùng là cung cấp cho chúng thức ăn và nguồn nước sạch cùng một môi trường sống sạch, thoáng và thường xuyên tắm cho chúng”.
Nhiều người khi bắt đầu mê chơi rùa cảnh thường lăn tăn chuyện không biết có luật cấm nuôi rùa hay không, vì có một số loài rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Bạn Tấn Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ nuôi hoặc trao đổi với nhau về những giống rùa không có trong sách đỏ. Hầu như những chú rùa được giao lưu trong hội đều có giấy tờ và nguồn gốc rõ ràng. Nói thật, yêu rùa thì mới nuôi mà khi đã nuôi thì đâu có ai muốn làm rùa của mình chết hay bệnh tật. Đó là còn chưa nói đến chuyện gắn bó với một con thú cưng lâu ngày thì mình sẽ có tình cảm với nó và xem nó như người trong gia đình”.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cẩn trọng khi nuôi ba ba ở miền Bắc

Tại Miền Bắc, ba ba thường chậm lớn và có thể chết vào 4 tháng mùa lạnh. Khi nhiệt độ xuống thấp quá 15 độ C, baba sẽ ngừng ăn và trú dưới bùn; ở giai đoạn khó khăn này, ba ba dễ mắc bệnh do cạnh tranh thức ăn, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Và khi nhiệt độ ổn định trên 20 độ C ba ba mới sinh hoạt trở lại và bắt mồi. Do đó, người nuôi ba ba ở miền bắc cần phải cẩn trọng khi chọn nuôi đối tượng đặc sản này

I. Rủi ro vì thiếu kiến thức kỹ thuật nuôi baba.

Đã ba ngày, mỗi khi trời hửng nắng anh Nguyễn Tài Chiến, xã Tài Chiến, Quế Võ, Bắc Ninh lại cho baba ăn; nhưng do nhiệt độ không ổn định nên baba vẫn không ăn. Theo đặc tính sinh học của baba, khi thời tiết trên 15 độ C, nhiệt độ ổn định thì ba ba sẽ ăn.

Do chưa nắm đúng kỹ thuật chăm sóc ba ba qua đông, anh Chiến đã để thức ăn còn tồn đọng dưới ao, lượng thức ăn dư thừa đã làm ô nhiễm nguồn nước ao baba.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thủy sản, vào mùa đông ở miền Bắc thường lạnh, ẩm ướt, khi đó baba ít vận động, thường trú ngụ dưới bùn vì thế baba rất dễ nhiễm khuẩn; nếu như bị xây xước các vết thương sẽ lở loét và dẫn tới chết. Do không phát hiện kịp thời nên hơn 3000 con baba của anh Chiến đang có nguy cơ chết dần, bởi những vết thương xuất hiện nhiều trên mai, bụng, kẽ chân. Có lứa anh chiến thả 1.000 con giống, nhưng khi thu hoạch, chỉ bắt được 600 con thành phẩm, thất thoát tới 40%. Anh Chiến chia sẻ : “Vào mùa đông baba ít đi tìm kiếm thức ăn. Do ít vận động nên nó dễ bị các đối tượng vi khuẩn xâm nhập.”

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, baba nuôi ở miền Bắc tăng trưởng chỉ bằng 50% so với nuôi ở phía Nam. Thời gian nuôi baba thương phẩm ở nơi khí hậu nóng trên 1 năm là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,5 – 2kg.

Bên cạnh đó, những khi thời tiết xuống quá thấp hoặc có sương muối sẽ ảnh hướng đến baba, điệu kiện tự nhiên không thuận lợi dẫn đến baba chết đáy, nhiều ngày sau baba mới nổi. Đây cũng là khó khăn đối với người nuôi baba ở miền Bắc gặp phải.

II. Hiệu quả kinh tế từ nuôi baba

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiêu, xã Nội Duệ- Tiên Du- Bắc Ninh sản xuất ba ba giống được hơn 20 năm nay. Vào đầu tháng 3 hàng năm là thời điểm ông Tiêu chuẩn bị ổ đẻ cho baba; khoảng 20cm cát sạch không lẫn sỏi đá được ông trải đều rồi phun nước tạo độ ẩm thích hợp khoảng 80% cho baba , sau 3 đến 5 ngày là baba sẽ lên đẻ. Ông Tiêu cho biết: “Tháng 3 khoảng từ 10 – 20, baba đực lên trước đi ở trong ổ đẻ, nó dũi, là baba chuẩn bị ổ đẻ, mỗi lần baba đẻ từ 35 trứng, sau bốn ngày chúng tôi lấy trứng ra ấp, khoảng 60 ngày là trứng nở.”

Theo tính toán của ông Tiêu, sản xuất ba ba giống chỉ khoảng 70 ngày là có thu hoạch, lợi nhuận cao và nhanh quay vòng vốn. Tuy nhiên sản xuất con giống cần phải có kỹ thuật và nguồn vốn nhiều hơn. Với 30 cặp baba đẻ, hàng năm, ông thu khoảng 1000 trứng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ bán giống cao hơn so với nuôi thương phẩm nên ông đã chuyển toàn bộ 3000m2 ao sang nuôi baba bố mẹ để sản xuất giống.

“Phong trào nuôi baba thương phẩm phát triển thì chính ra nuôi baba giống kiếm lãi hơn. Từ những năm 2007 tôi nhân giống, thu lợi nhuận cao, nhanh hơn nhiều, lúc đầu bán 4tram, 5tram một con, mỗi năm chúng tôi thu hoạch trên 800 triệu tiền giống.” Ông Nguyễn Văn Tiêu nói.

III. Không tránh khỏi những khó khăn

Trước kia, người sản xuất baba giống trên địa bàn đều có lợi nhuận cao và ổn định hàng trăm triệu mỗi năm. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, hộ sản xuất baba giống nhiều mà không bán được, giá bán con giống sụt giảm chỉ bằng 1/4 so với trước. Trong khi, số hộ nuôi baba thương phẩm cũng giảm khoảng 50% so với thời kỳ cao điểm.

Thống kê của chi cục Thủy sản Bắc Ninh, hiện toàn tỉnh có 54 hộ kinh doanh sản xuất baba; trong đó có 4 cơ sở lớn và hàng chục hộ nhỏ sản xuất con giống. Mỗi vụ, những cơ sở này cung cấp ra thị trường khoảng 300 nghìn con baba giống.

Việc sản xuất nhiều con giống đã dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Đồng thời, số người nuôi baba thương phẩm sụt giảm do nguồn vốn đầu tư và chi phí nuôi baba tăng cao thời gian kéo dài. Theo ông Nguyễn Hồng Quang – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh thì nuôi baba kéo dài khoảng 2 năm nên người nuôi phải có đủ kinh phí để nuôi nên thời điểm này người nuôi baba đang gặp phải khó khăn.

Theo tính toán của người nuôi ba ba; một năm nuôi tốt baba chỉ đạt khoảng 0,8 – 1kg/con. Nuôi năm rưỡi đến hai năm may ra mới đạt 1,5 – 1,8kg/con. Trong khi giá baba thương phẩm năm nay giảm từ 10 đến 20%; chi phí thức ăn và thuốc phòng trị bệnh lại tăng khoảng 3% so với vụ trước. Cùng với đó là những khó khăn do thị trường không ổn định, khi được mùa mất giá, tư thương ép giá, mà người nuôi baba thương phẩm phải gánh chịu. Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh chia sẻ: “Người nuôi baba chưa làm chủ được thị trường, tôi đánh giá hiện tại người nuôi gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn tồn đọng, giá baba sụt giảm.”

Gia đình ông Trịnh Đình Chinh chuyên nuôi ba ba thịt được 10 năm. Có thời điểm, ông Chinh nuôi tới 4.000 con/lứa, năm lãi nhất cũng được 50 – 60 triệu đồng, năm nay giá baba xuống thấp, ước tính ông chỉ thu lãi khoảng 20 triệu. Nhưng đó là với điều kiện tiêu thụ thuận lợi và ba ba không bị tổn thất vì dịch bệnh… Còn năm sau như thế nào, chính bản thân ông cũng không dám chắc.

IV. Cẩn trọng khi nuôi ba ba ở miền Bắc.

Theo TS Bùi Quang Tề – chuyên gia nghiên cứu thủy sản – Nguyên Viện nghiên cứu Thủy sản I, khuyến cáo bà con phải cẩn trọng nuôi ba ba ở miền Bắc. Khi bà con muốn mở rộng, phát triển nghề nuôi ba ba cần phải tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi baba, lịch thời vụ và đặc biệt là quy trình chăm sóc quản lý tốt vào 4 tháng mùa lạnh. Ông cũng lưu ý đến bà con, với đối tượng nuôi thủy sản quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn nước sạch tránh để baba nhiễm dịch bệnh.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề cho biết: “Baba vào mùa đông không ăn, nên dọn sạch đáy ao đảm bảo sạch bệnh, nhiều người vẫn cho ăn baba không ăn, thức ăn phân hủy gây ô nhiễm môi trường nước. Bổ sung đất cát cho đáy ao để baba trú đông.”

Khi thời tiết giá lạnh, ba ba ăn ít và chỉ ăn nhiều vào những ngày nắng ấm khi nhiệt độ trên 20 độ C. Nên bà con có thể nuôi vỗ baba bằng những thức ăn tươi như: tôm, cá, giun đất vào những ngày nắng ấm. Lượng thức ăn sử dụng bằng 3- 5% khối lượng baba nuôi, tránh để baba đói sẽ dẫn đến cạnh tranh mồi và cắn nhau. Do thức ăn tươi rất dễ ô nhiễm môi trường nên thức ăn thừa phải vớt bỏ.

Vào đầu mùa đông, ông Nguyễn Văn Tiêu đã chuẩn bị hơn 1 tạ cá mồi, nuôi chung ao baba, theo tính toán của ông số thức ăn này đủ cho 30 cặp baba vượt qua 3 tháng mùa lạnh.

“Vào mùa đông lạnh baba thường ít ăn, vì thế cần chuẩn bị kỹ thức ăn cho baba, lựa chọn thức ăn tươi, tận dụng nguồn cá tạp còn sống kích cỡ nhỏ thả chung với baba. Thời tiết thuận lợi baba trong ao quây lại bắt cá ăn, làm thế chủ động được nguồn thức ăn không sợ cạnh tranh.” Ông Nguyễn Văn Tiêu – Xã Nội Duệ – Tiên Du – Bắc Ninh nói.
Vào mùa lạnh ao nuôi baba ít được thay nước nên để tránh ô nhiễm môi trường ao nuôi, cần giữ ấm cho baba bằng cách phủ bèo 1/3 ao nuôi, ngoài ra bèo có tác dụng lọc sạch nước ao nuôi, đảm bảo sức khoẻ cho ba ba. Cùng với đó bà con sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch nước ao nuôi.

Định kỳ thay nước ở ao nuôi 1 tháng/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước trong ao. Nếu ao nhỏ, nuôi mật độ dày, khoảng 20 ngày thay toàn bộ nước cũ và cấp nước mới cho ao. Những ngày rét có sương mù nên thay nước lạnh ở tầng mặt và thêm nước mới vào ao.
Như kỹ sư Nguyễn Xuân Lâm – Chi cục Thủy sản Bắc Ninh tư vấn: “Đối với ao nuôi ô nhiễm nguồn nước do nguồn thức ăn dư thừa, chúng ta có thể sử dụng thuốc Vạn tiêu linh, nhằm khử trùng ao nuôi, hoặc vôi bột. Nếu có điều kiện, nên thay nước định kỳ.”
Theo kinh nghiệm nuôi baba của ông Nguyễn Văn Tiêu thì việc thả bèo vừa có tác dụng lọc sạch nước ao nuôi, vừa có tác dụng giữ ấm vào mùa đông, tránh nắng cho baba vào mùa hè.

Quy định mới ban hành của Bộ NNPTNT có đề cập đến loài baba được nuôi phổ biến như các loại lợn, gà, tôm, cá thì không phải chịu sự kiểm soát của lực lượng kiểm lâm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng diện tích nuôi baba. Do đó, trước khi quyết định nuôi bà con cần tìm hiểu rõ thị trường và nguồn gốc baba giống và cẩn trọng với những con giống nhập ngoại từ Thái Lan, hay Đài Loan.

Để đầu tư một khu nuôi ba ba, tiền vốn ban đầu bỏ ra không nhỏ, nếu nuôi nhỏ lẻ cũng cần mấy chục triệu đồng, còn nếu đầu tư theo kiểu trang trại thì phải cần đến hàng trăm triệu đồng. Do thời gian nuôi thương phẩm kéo dài khoảng 2 năm nên bà con cần có nguồn vốn ổn định để mua thức ăn và phòng trị bệnh cho baba; và khi đã đầu tư nuôi baba tại miền Bắc bà con cần chọn đúng thời vụ bán thương phẩm để có lợi nhuận cao nhất.

TS Bùi Quang Tề – Nguyên Viện nghiên cứu thủy sản cho biết: “Ở miền Bắc nuôi baba 2 năm, năm đầu ta nuôi từ bé đến lớn năm sau nuôi vỗ béo. Cẩn trọng khi nuôi và không nên bán vào mùa đông có thể bán trước hoặc sau tết được giá cao.”.

Tại thời điểm này, dù là nuôi Baba thương phẩm hay sản xuất giống đều có lãi, tùy thuộc vào kỹ thuật nuôi, chăm sóc baba qua động và thị trường sẽ quyết định thành công của người nuôi. Tuy nhiên, các chuyên gia thủy sản nước ngọt cũng khuyên, bà con hết sức cân nhắc khi nuôi ba ba ở miền Bắc. Nếu có nuôi, nên nuôi ở quy mô nhỏ, xen canh với các loại thủy sản khác, không nên nuôi theo quy mô lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi ghép ba ba và cá vừa tăng năng suất, lại giảm chi phí

Nuôi ghép ba ba, với cá trong cùng một ao vừa nâng cao sức sản xuất sinh vật của ao, vừa tăng năng suất, thu nhập cho người nuôi.

Ba ba thở bằng phổi nên thường nổi lên mặt nước để hít thở, trong khi cá thở bằng mang nên nuôi ba ba cùng cá sẽ làm tăng việc trao đổi hàm lượng ôxy và vật chất giữa tầng mặt và tầng đáy của ao. Ba ba thường sống ở đáy ao, làm chất mùn bã hữu cơ bị phân giải, góp phần làm tăng lượng ôxy trong ao.

Hơn nữa, nuôi ba ba với cá, lượng chất amôniăc thải ra nhiều được động, thực vật phù du hấp thụ, góp phần giảm mức độ ô nhiễm. Ba ba không làm tổn thương cá giống và cá thịt, chúng còn ăn những con cá chết, giúp giảm lây lan dịch bệnh cho cá.

Ao nuôi ghép không cần bón phân vì những chất thải của ba ba sẽ cung cấp thức ăn cho cá. 

Trên thực tế, cá trong ao nuôi ghép với ba ba luôn đạt tỷ lệ sống cao hơn các ao khác. Ao nuôi ghép cũng không cần bón phân vì chất thải của ba ba sẽ cung cấp thức ăn cho cá. Những mảnh vụn và cặn bã hữu cơ có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự sinh trưởng của cá và ba ba nên trong ao nuôi ghép có thể thả một lượng cây cỏ, thực vật thuỷ sinh lớn như rau, bèo…

Sau khi cá ăn, ba ba có thể ăn lại thức ăn thừa này. Với ao nuôi chung, diện tích không cần lớn và nên có bùn ở đáy ao để dễ bắt ba ba. Tỉ lệ thả: Chọn ba ba giống cỡ 150 – 250g/con, dựa vào độ lớn của ba ba để tính mật độ thả, thường là 1 – 2 con/m2, theo thông tin từ báo Kinh tế Nông thôn.

Về quản lí: Nhìn chung tham khảo cách quản lí nuôi ba ba ở ao đất, nhưng có điểm riêng sau: thời gian cho ăn lệch đi, tốt nhất là sau khi cho cá ăn khoảng nửa giờ mới cho ba ba ăn, như vậy không ảnh hưởng lẫn nhau. Mật độ nuôi ghép dầy gặp thời tiết thay đổi trời oi bức, nước ao đục, hàm lượng oxy giảm, ba ba không chịu được, cá bị chết, nên phải kịp thời bổ sung nước mới vào ao.

Mùa hè cần cho máy sục khí hoạt động, nếu không lúc cá thiếu oxy sẽ hơi lờ đờ, chậm chạp làm ba ba ăn cá. Ba ba có sức chịu đựng hơn cá, cho nên khi bón vôi hay dùng thuốc bột tẩy để khử trùng nước phải tính đến sức chịu đựng của cá, thường bón với 30g/m3 bột tẩy 1,5g/m3.

Trong ao nuôi ghép ba ba với cá, các loại tảo phát triển nhiều mà không bị tàn lụi, chủ yếu là trong ao có hàm lượng đạm cao. Trong chuỗi thức ăn nuôi ghép cá và ba ba, ở đá yao còn có những mảnh vụn và chất vẩn cặn bã hữu cơ, đều có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sinh trưởng của cá và ba ba, cho nên trong ao nuôi ghép có thể thả một lượng cây cỏ, thực vật thuỷ sinh lớn như rau, bèo vào ao, vì sau khi cá trắm cỏ ăn, số còn thừa lại là thức ăn cho ba ba. không ảnh hưởng lẫn nhau.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thu, ấp trứng ba ba

Để thành công trong việc nuôi ba ba cần nắm rõ các khâu kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thu ấp trứng là khâu quan trọng, quyết định đến thành công của nguời nuôi.

Bãi đẻ

Nên làm bãi đẻ ở cạnh ao hay giữa ao rộng khoảng 2 – 5 m2, có độ dốc 250, trồng cây che mát cho ba ba nghỉ và đẻ trứng. Bờ ao có độ dốc nhất định cho ba ba bò. Khoảng đất giữa tường bao và mép nước nên phủ một lớp đất cát pha để ba ba dễ đào hố đẻ trứng. Bãi đẻ cần yên tĩnh, diện tích khoảng 20 con/m2, tùy thuộc vào số lượng ba ba đẻ. Tỷ lệ đực/cái 1:2 đến 1:3.

Thu trứng

Trứng nằm trong ổ, sau khoảng 50 – 65 ngày nở thành ba ba con, điều kiện ấp tự nhiên này tỷ lệ nở rất thấp. Trong điều kiện nuôi, người nuôi có thể tạo chỗ cho ba ba đẻ thuận lợi hơn và có nhiều phương pháp, kinh nghiệm ấp trứng để đảm bảo tỷ lệ nở cao (khoảng 90 %). Tuy nhiên, muốn ấp nở nhanh, tỷ lệ nở cao cần phải biết kỹ thuật thu trứng.

Thời điểm thu trứng: Theo dõi ba ba đẻ để đánh dấu vào ổ trứng. Ba ba thường đẻ vào ban đêm, nên thu trứng là vào các buổi sáng. Nếu ba ba đẻ rộ tiến hành thu trứng hàng ngày, lúc ba ba đẻ thưa 3 – 5 ngày thu một lần. Không nên để ba ba đẻ sau 15 – 20 ngày mới thu trứng đem ấp. Như vậy trứng thụ tinh vào các đợt không đồng đều gây lộn xộn đến số trứng cho ấp ở các đợt. Khi thu trứng, ta cần lật nhẹ lớp đất, cát lên lấy trứng nhẹ nhàng, tránh bị vỡ trứng.

Bãi đẻ cho ba ba nên ở cạnh ao hoặc giữa ao.

Lựa chọn trứng ấp: Chỉ giữ trứng đã được thụ tinh để cho ấp. Trứng thụ tinh phần lớn tròn, trứng sau khi thụ tinh ngả màu hơi vàng nhìn rõ thấy vòng túi hơi, phần trên màu trắng là túi chứa hơi để phôi thở, phần dưới màu phớt hồng là phần phôi và noãn hoàng. Loại bỏ các quả trứng không được thụ tinh, các quả trứng nhỏ, hình dạng màu sắc không bình thường, có vết đốm loang lổ, không phân biệt rõ hai phần như trứng được thụ tinh.

Để việc tính toán kết quả nuôi vỗ, tỷ lệ nở được chính xác, cũng như xử lý kỹ thuật ấp đạt hiệu quả, người nuôi nên tiến hành ghi chép đầy đủ số liệu từng ao nuôi về ngày đẻ, ngày thu trứng, số lượng trứng thụ tinh, số lượng trứng thu được…

Ấp trứng

Nơi ấp: Để đạt hiệu quả, người nuôi nên ấp trứng trong nhà ấp gà, lò ấp trứng vịt để ấp hoặc có phòng ấp riêng đối với những hộ nuôi lớn để tránh nhiệt độ thay đổi và bảo vệ trứng.

Dụng cụ: Thường là khay nhựa hoặc chậu bằng nhôm, sắt tráng men, hoặc nhựa. Số lượng và diện tích khay phụ thuộc vào số lượng trứng cần ấp. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất lớn có thể xây phòng ấp, bể ấp chuyên hoặc dùng máy ấp trứng hiện đại để ấp trứng.

Thao tác ấp trứng: Tiến hành đổ cát sạch mịn, ẩm, tơi xốp và có lớp cát dày 7 – 8 cm vào khay ấp, đáy khay có lỗ thoát nước để tránh nước đọng làm hỏng trứng. Nhặt trứng đã được chọn rải đều trên mặt cát, khoảng cách giữa các quả 2 – 4 cm, đặt đầu có túi hơi hướng lên trên không nên đặt ngược hay lệch. Khi đủ 1 lớp trứng thì lấy một lớp cát rải kín lên trên, lớp cát cao hơn trứng 4 – 5 cm, để giữ nhiệt độ cho trứng.

Trong thời gian ấp trứng phải chú ý giữ ẩm cho cát trong khoảng 80%. Không để cát quá khô hay ướt quá nén chặt làm hỏng trứng và độ ẩm không khí trong phòng khoảng 75 – 80% (Trong thực tiễn, dùng cát không tốt bằng đất thịt, có thể dùng đất sâu cách mặt đất 60 cm không có mùn bã hữu cơ, đất nhỏ cỡ 1 cm, phơi thật khô để diệt khuẩn, phun nước để có độ ẩm 12 -16% như vậy đất thông thoáng, giữ nhiệt, giữ ẩm tốt). Đặt các khay trứng vào nơi yên tĩnh để ấp. Trong thời gian ấp tuyệt đối không đảo trứng, nếu di chuyển trứng rất dễ bị thương và phôi chết.

Quản lý và theo dõi ấp trứng: Quá trình phát triển của phôi, càng về giai đoạn cuối cùng càng nhạy cảm với điều kiện môi trường, trao đổi khí càng mạnh nên dễ chết. Vì vậy, việc làm quan trọng nhất trong thời kỳ ấp trứng này là giữ cho nhiệt độ được ổn định. Nhiệt độ thích hợp nhất cho việc ấp trứng là 30 – 320C, ở nhiệt độ này thời gian ấp chỉ 45 – 50 ngày; nhiệt độ ấp cao hơn 1 – 20C thời gian ấp có thể rút ngắn 4 – 5 ngày nhưng không an toàn.

Phôi trứng sẽ bị chết khi nhiệt độ < 200C và > 350C. Vì vậy, cách 1 – 2 ngày lớp cát trên mặt bốc hơi bị khô, cần phun nước cho ẩm trở lại bình thường. Nước phun cần từ từ, tránh dội nước làm cho nhiệt độ cát ấp bị thay đổi đột ngột, phôi sẽ chết. Trong quá trình theo dõi ấp trứng, có thể bới cát kiểm tra trứng, đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ không cho kiến, chuột, rắn… vào ăn trứng và ba ba con.

Ba ba con vừa nở ra khoảng 15 phút phải cho vào nước. Do đó, khi thấy trứng sắp nở (mổ mỏ, có chỗ nứt vỏ) phải kê khay ấp trứng lên chậu, hay bể xây nước nhỏ để chúng nở ra tự bò xuống. Nếu không để sẵn nước, ba ba con dễ bị chết khô.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách nuôi Baba con giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi

Hiện nay đã có rất nhiều tài liệu viết về các mô hình và kỹ thuật nuôi ba ba, tuy nhiên khâu nuôi dưỡng ba ba con chưa được đề cập cụ thể, trong khi đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng giúp ba ba tăng cường sức đề kháng để bắt đầu thích nghi với môi trường sống mới, và giảm bớt tỷ lệ hao hụt trong suốt quá trình nuôi sau này. Vậy cách nuôi ba ba con như thế nào? Nên cho ba ba con ăn gì? Xin mời bà con theo dõi bài viết dưới đây.

Ấp trứng ba ba

Sau khi ba ba cái và ba ba đực giao phối, nếu thành công, ba ba cái sẽ mang thai và thường sinh vào khoảng tháng 3 – tháng 8 âm lịch, chúng sinh vào buổi tối. Thông thường ba ba sẽ đào lỗ để làm ổ đẻ, số lượng trứng mỗi lần sinh không cố định, giao động từ 10-20 trứng.

Nên thu trứng ba ba về ấp nhân tạo vì nếu để ba ba tự ấp trứng tỷ lệ nở sẽ không cao lại mất khá nhiều thời gian. Sau khi ba ba con nở, cho vào một chậu riêng, tắm ba ba con với nước sạch có pha 1 ít muối loãng.

Ao nuôi

Cần xây một bể dưỡng cho ba ba con mới sinh cho đến 3 – 4 tháng tuổi. Kích thước tùy thuộc vào số lượng ba ba được thả vào. Có thể tham khảo kích thước: 8x3x0,5m (dxrxs), diện tích này có thể dưỡng từ 3000 – 5000 con.

Cần vệ sinh ao nuôi trước khi cho ba ba vào bằng các dung dịch có sẵn trên thị trường như Formol hay thuốc tím ….

Thức ăn cho ba ba con

Số lần cho ba ba con ăn là 3-4 lần/ngày khi trời có nắng. Nguồn thức ăn tốt nhất cho ba ba con là cám của Cargil hoặc những loại thức ăn có độ đạm 40% trở lên.

Cách chăm sóc

Chọn ba ba con có trọng lượng từ 45-50gr trở lên. Nên chọn các con có trọng lượng và kích thước như nhau. Thời điểm thả giống thích hợp nhất trong năm là tháng 1 – tháng 2 âm lịch. Thời gian nuôi tùy thuộc vào mục đích nuôi của hộ.

Ở tháng đầu, ta xếp 2 lớp tàu dừa lên nhau theo chiều dọc của bể dưỡng, để ba ba có nơi để trú ẩn. Ở giai đoạn này chỉ cần đổ vào bể khoảng 15-20m3 nước.

Tháng tiếp theo, ta xếp 3 lớp tàu dừa lên nhau vì ba ba lúc này đã lớn hơn và cần nơi trú ẩn nhiều hơn. Mực nước cần lúc này từ 20-40cm.

Đến tháng thứ 3, ta đổ thêm khoảng 2-3cm cát để ba ba có chỗ để nghỉ ngơi.

Khoảng 2 tuần mới thay tàu dừa một lần, hoặc có thể dùng thuốc phân hủy đáy áo để phân hủy những chất cặn bã.

Sau 3 tháng có thể chuyển ba ba con sang bể nuôi lớn hơn để chăm sóc theo giai đoạn trưởng thành.

Nên chuẩn bị dụng cụ để thức ăn cho ba ba, có thể dùng nia, rổ (không phải rổ bằng nhựa) … để đựng thức ăn và thả xuống ngập dưới nước. Khi cho ba ba ăn người chăn nuôi nhớ để ý kích thước thức ăn có vừa với miệng không, lượng thức ăn có bị thừa không để điều chỉnh lượng và kích thước phù hợp.

Luôn giữ cho nước sạch, trong, không bị nổi ván, bẩn dễ gây bệnh cho ba ba.

Nếu áp dụng theo đúng phương pháp trên thì ba ba con sẽ ít bị hao hụt (chỉ khoảng 3-4%) so với những cách chăm sóc ba ba con khác (hao hụt có thể lên tới 30-40%).

Nguồn: Triệu phú nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật xây ao nuôi Baba

Với các hộ gia đình không có điều kiện xây hồ xi măng để nuôi ba ba do giá thành loại này cao thì lựa chọn mô hình nuôi ba ba trong ao là một ý kiến không tồi. Loại kiến tạo theo kiểu hồ này ai cũng làm được, nơi nào cũng xây được; dù nước mặn, nước lợ, việc đầu tư vốn để kiến tạo không lớn mà vừa tầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ.

Mô hình nuôi ba ba trong ao được nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lựa chọn

1. Xây hồ âm 50%, dương 50%

a, Thiết kế mô hình nuôi ba ba trong ao

Nơi có mực nước thấp hơn mặt đất từ 0,5 – 1m những vị trí xây ở nơi này ít tốn kém nhất mà lại an toàn và giá thành rẻ.

Bạn chỉ cần thiết kế theo các thông số sau đây là bạn có thể yên tâm mình đã có 1 hồ nuôi Ba Ba được.

Theo diện tích đất từ 8m2 – 50m2 bạn chọn để xây hồ vừa ý.

– Tuỳ theo mực nước ngang bằng đáy mà dào độ sâu.

– Lúc nào cũng đảm bảo độ sâu của hồ 1,2m – l,4m.

– Mặt đáy nhỏ hơn mặt hồ 0,4 – 0,5m để tạo độ dốc.

– Nếu xây âm dương thì thành hồ chỉ cần 0,7 – 0,8m là vững vàng.

Sơ đồ mô hình nuôi ba ba trong ao

b, Các bước đào xây hồ:

Bước 1: Đào sâu theo kích thước bản vẽ.

Bước 2: Tiến hành đóng cừ, cọc quanh chu vi hồ 1m X 1m ở gốc dùng cọc cừ lớn, chắc chắn hơn, dùng kẽm loại 4mm câu các đầu cọc cừ lại tránh sức nén của nước làm vỡ hồ.

Bước 3: Dùng đất đắp nện chắc thành hồ lớp ngoài 0,3 – 0,4m.

Bước 4: Thành trong sau khi nện chặt đất trải 1 tấm Simili hoặc nilon.

Bước 5: Đáy hồ nếu có cát thì đổ 10 – 15cm, không thì đổ bùn non sạch.

Bước 6: Coi như bạn đã hoàn thành kiến tạo một hồ nuôi BaBa có từ 20 – 50m3 hoặc hơn tuỳ ý bạn thích.

Và bước cuối cùng là kiểm tra an toàn các thành ao không được nứt nẻ và cự ly ống xả tràn chỉ để thông cách mặt hồ ao 0,2m.

Đáy hồ phải rắc 0,5kg vôi để trị phèn , nếu có phân bò khô cho thêm 1kg/m2 lm2 càng tốt. Bạn phơi nắng vài ngày để diệt khuẩn và cho bùn bốc hơi độc.

Bước 7: Tiến hành bơm xả nước từ từ vài ngày cho đầy hồ (Bơm từ từ để thành hồ chịu lực giãn nở dần để tránh vỡ dột ngột). Khi thấy an toàn mới bơm đầy nước.

2. Đắp hờ nổi 100%

Xây hồ nổi 100% là do điều kiện môi trường nơi định xây lắp hồ bị ngập mặn và mực nước thường ở mức cao hoặc bằng mặt đất.

Các bước tiến hành cũng như xây hồ âm dương nhưng chỉ khác một chỗ là xây trên mặt đất hoàn toàn.

Do xây cao, sức chứa lớn, thành hồ bị sức nén căng liên tục, do đó cần chú ý gia cố theo các thông số sau:

Cọc, cừ dóng phải là cọc cừ tốt, to và bền, thường dùng cừ tràm hoặc đước.

– Đầu cọc phải dùng sắt 06 — 08 mm cầu dầu cừ.

– Thành hồ rộng hay cao từ 1 – l,2m.

Ông xả tràn phải làm kỹ – ông thoát nước ở đáy phải có 060 — 090mm, khi cần xả nước nhanh.

– Kích cỡ một hồ an toàn chỉ giới hạn không lớn quá 30 – 50m3 nước.

Nếu xây nhiều hồ liên kế nhau để các thành hồ dựa vào nhau giảm sức căng, chông vỡ bờ lúc mưa nhiều. Đề phòng chuột làm hang, cua còng, chó đào bới làm vỡ không biết lúc đêm hôm.

Nguồn: Nuoibaba.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Baba trong bể xi măng và những điều cần chú ý

Nuôi baba trong bể xi măng là một giải pháp hợp lý cho nhiều hộ gia đình và ở nhiều địa phương, do điều kiện hạn chế về ao hồ đồng thời tăng khả năng kiểm soát ba ba. Sau đây, Trang Trại Bình Minh sẽ hướng dẫn bà con cách xây dựng mô hình nuôi baba trong bể xi măng.

Nuôi baba trong bể xi măng dần trở nên phổ biến

I. Tại sao phải nuôi baba trong bể xi măng?

Thứ nhất, Ba ba là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập để phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh đó việc đầu tư để nuôi ba ba cũng là một bài toán đặt ra cho bà con đầu tư về giống về chỗ nuôi, thức ăn cho con ba ba cũng vô cùng lớn. Vì vậy, muốn nuôi ba ba có được hiệu quả kinh tế cao người nuôi cũng cần nắm vững những kiến thức cơ bản, nhất là các kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, xây dựng bể nuôi ba ba phù hợp và các kinh nghiệm nuôi ba ba hiệu quả.

Thứ hai, để ba ba phát triển nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao cần một môi trường chăm sóc ba ba tốt, không mất vệ sinh và cũng hạn chế được những sinh vật gây hại đến baba. Bể xi măng là một trong những giải pháp tốt nhất thỏa mãn hết những yếu tố đó.

Thứ ba là nuôi baba trong bể xi măng đỡ tốn diện tích, chi phí cũng không tốn kém,dễ dàng thu hồi lại vốn.

II. Quy trình xây bể xi măng nuôi baba

1. Bể nuôi baba cần xây như thế nào?

Bể nuôi ba ba cần được xây bằng gạch và láng xi măng. Mực nước sâu 0,6 – 1m. Có cống tràn (miệng cống ngang bằng lưới sắt) để giữ mức nước cố định có diện tích trên 10m ở mức cao nhất và có cống tháo nước ở đáy bể. Quanh bể nên để khoảng đất có bóng mát và bắc cầu cho ba ba từ bể lên bờ.

Bể nuôi baba được xây dựng bằng gạch và xi măng

2. Thả giống:

Trước khi thả giống phải dọn bể. Cần chọn những con giống khỏe, ngoại hình hoàn chỉnh, không bị xây xát… Con giống tốt nhất có trọng lượng 100g/con trở lên. Nên thả con giống có cùng cỡ và thả vào khoảng thời gian từ tháng 2 – 3 dương lịch.

3. Mật độ nuôi:

Con giống có trọng lượng từ 50 – 100g, thả 10 – 15 con/m2. Con giống có trọng luợng khoảng 200g thì chỉ thả 4 – 7 con/m2.

4.Thức ăn:

Bệ, máng đựng thức ăn phải được đặt ổn định, chìm dưới nước 20 cm. Trước khi cho ba ba ăn phải dọn bệ, máng sạch sẽ. Thức ăn phải vừa cỡ miệng ba ba, chủ yếu là động vật như giun, ốc, hến… Lượng thức ăn hàng ngày cung cấp cho ba ba khoảng từ 5 – 8% trọng lượng ba ba có trong bể.

5. Chăm sóc:

Phải đảm bảo yên tĩnh, hạn chế việc tháo nước và đánh bắt gây hoảng sợ cho ba ba. Nước bể phải luôn sạch, không để bị thối bẩn. Nuôi vào mùa đông cần có biện pháp chống rét cho ba ba như dâng cao mực nước, thả bèo tây (lục bình)…

III, Một số chú ý khi nuôi baba trong bể xi măng

Khi nuôi baba trong bể xi măng bà con cần chú ý những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng sau:

– Thức ăn của ba ba chủ yếu là động vật (sống hay đã chết) như: giun, ốc, hến, chua, cá, mỡ trâu bò, ruột, sà lách… phế phẩm các lò mổ…

– Thức ăn phải vừa cỡ miệng ba ba, cho ăn đều. Có thể chủ động gây thức ăn bằng cách nuôi cách nuôi cá mè, rô phi, ốc vặn v.v…

– Chế biến thức ăn tổng hợp từ chất bột, cám bột cá,bột đậu tương sao cho đạm tổng số 40 – 43%.

– Không dùng bột cá mặn hay cá tép đã ướp mặn.

– Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5 – 8% trọng lượng ba ba có trong bể. Trước khi cho ăn phải dọn sạch sàn bệ, máng cho ăn.

– Điều chỉnh thức ăn theo thời tiết để tránh bị lãng phí ảnh hưởng đến chất nước. Ba ba ăn khỏe, hoạt động mạnh khi nhiệt độ nước từ 22 – 32 độ C, trên 35 độ C ít ăn hoặc ngừng ăn, dưới 12 độ C ngừng ăn.

– Nuôi ba ba ở miền Bắc cần chú ý, trước khi vào mùa đông cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và có độ béo cao như mỡ trâu, mỡ bò… để nó tích lũy mỡ dùng trong mùa đông.

Với các hộ nuôi ba ba để kinh doanh thì việc nuôi ba ba trong bể xi măng là một lựa chọn tối ưu giúp việc kinh doanh đạt hiệu quả và năng suất cao.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Đột phá giống thủy sản

Năm 2017, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ khó khăn… nhưng ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An vẫn đạt và vượt kế hoạch. Thành công trên được xác định ở khâu đột phá về giống.

Tính đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An đạt 21.333ha bằng 102% kế hoạch và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó diện tích nuôi nước ngọt 18.926ha, nuôi mặn lợ 2.408ha.

Nuôi tôm thắng lớn

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng nuôi ngọt 39.626 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 10.627 tấn.

Diện tích nuôi tôm đạt 2.119ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 2.072ha, tôm sú 27ha, chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm 6.582 tấn, bằng 120% kế hoạch và bằng 108% năm 2016, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha.

Trong năm 2017, ngành thủy sản Nghệ An triển khai 3 mô hình nuôi TTCT thâm canh không sử dụng kháng sinh, không sử dụng hóa chất, áp dụng VietGAP; 2 mô hình nuôi TTCT thâm canh tuần hoàn khép kín áp dụng VietGAP. Các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tiếp tục được củng cố; nhiều tiến bộ KHKT được người nuôi áp dụng.

Hiện toàn tỉnh có 7 vùng (240ha) nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 5/7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ nuôi trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vùng khác từ 20 – 25%. Nhiều vùng nuôi đạt hiệu quả cao như Nam Tiến, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) với 90% hộ nuôi có lãi từ từ 200 triệu – 2,5 tỷ đồng/hộ. Vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai), Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) khoảng 80% số hộ có lãi, mức lãi từ 100 – 500 triệu/hộ, có một số hộ mức lãi từ 1 – 5 tỷ đồng…

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Nghệ An năm 2017 ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.
Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích nuôi cá – lúa đạt 4.511ha bằng 101% so cùng kỳ năm 2016. Nhiều hộ dân ứng dụng lồng nuôi công nghệ vào nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước với trên 70% số lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh năm 2017 là 696 chiếc, tăng 246 chiếc so năm 2016, tập trung tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều lắp đặt theo công nghệ cải tiến.

Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ; 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, trong đó 15 cơ sở xếp loại A, 11 cơ sở xếp loại B. Năm 2017 đã có 15.073 con cá; 1.700 con TTCT; 100% số tôm sú bố mẹ được kiểm tra, đạt chất lượng. Toàn tỉnh sản xuất, ương dưỡng được 1.535 triệu con TTCT; 184 triệu tôm sú giống; 31 triệu con cua giống; 1 triệu con cá hồng mỹ, cá bống bớp, cá chim, cá đối. Việc sản xuất ương dưỡng giống thủy sản ở Nghệ An cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trên địa bàn và xuất bán các tỉnh lân cận.

Kiểm tra tôm giống TTCT tại Cty Hải Tuấn, phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai

Trên địa bàn có 6 trại sản xuất cá giống cấp 1 và 7 cơ sở sản xuất giống cấp 2. Đối tượng sản xuất chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Tổng số lượng cá bố, mẹ đưa vào sinh sản năm 2017 là 15.073 con, gồm 8.809 cá cái, 6.264 cá đực, tổng khối lượng 15.918kg; cá bố mẹ đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Sản lượng cá giống sản xuất được năm 2017 đạt 704 triệu con cá bột, 54.885kg cá hương, 312.585kg cá giống.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhà nông xứ Huế: Làm giàu nhờ sinh sản thành công giống lươn đồng

Mô hình“Sinh sản lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo” (SSLĐBPPBNT) vừa được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thành công, mở ra cơ hội mới, đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản (NTTS), giảm áp lực khai thác nguồn lươn tự nhiên.

Sinh sản lươn đồng nhân tạo thành công tại gia đình ông Hoàng Huế ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).

Ông Hoàng Huế ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) được TTKN tỉnh chọn triển khai mô hình SSLĐBPPBNT với quy mô diện tích 30m2. Có kinh nghiệm nuôi tôm, cá từ nhiều năm nay nên ông Huế dễ dàng tiếp cận, ứng dụng mô hình nuôi lươn đồng.

“Ban đầu cũng khá lúng túng vì mô hình còn mới, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, chỉ trong thời gian ngắn tui đã tiếp thu các quy trình kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất giống lươn đồng”, ông Huế chia sẻ. Sau 8 tháng nuôi, ông Huế đã thu được 44 tổ trứng với số lượng ước chừng 15.360 trứng, tỉ lệ nở 72,9%; tỉ lệ ương từ bột lên giống đạt 64,4%, số lươn giống thu được là 7.209 con giống.

Những năm gần đây, NTTS trên đầm phá Tam Giang ngày càng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường. Các đối tượng nuôi khó thích nghi môi trường thay đổi đột ngột, nhất là nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ. Mô hình lươn đồng tuy mới nhưng khá dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, môi trường ở nhiều địa phương. Đây chính là cơ hội cho người dân vùng đầm phá trong việc đa dạng hóa các đối tượng NTTS trong điều kiện ứng phó BĐKH.

Ngoài đa dạng mô hình NTTS, giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi lươn đồng không đòi hỏi diện tích lớn, có thể tận dụng sân vườn nuôi tại chỗ. Vốn đầu tư cho mỗi mô hình khá thấp, với mỗi bể nuôi khoảng 30m2, kể cả giống, thức ăn, xây dựng bể chỉ khoảng 20-30 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa chủ động được nguồn lươn giống, chủ yếu mua ở các tỉnh phía nam, giá thành cao và tỷ lệ sống thấp.

Lươn đồng hiện nay ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức, trong khi thị trường tiêu thụ mạnh, giá trị kinh tế cao. Giá bình quân mỗi kg lươn đồng dao động từ 150-200 ngàn đồng, trong khi các loại cá chỉ 50-100 ngàn đồng; kể cả tôm sú cũng chỉ từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg. Lươn đồng không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng, làm thức ăn hằng ngày mà còn được các nhà hàng, khách sạn chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.

Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên người dân khai thác quá mức nên nguồn lươn đồng trên các vùng đầm phá có nguy cơ cạn kiệt gây mất cân bằng sinh thái. Vậy nên mô hình nuôi lươn đồng khi được nhân rộng sẽ giảm áp lực khai thác nguồn lươn tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc TTKN tỉnh đánh giá, mô hình SSLĐBPPBNT tại thị trấn Sịa bước đầu thử nghiệm thành công, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được quy trình sản xuất giống lươn đồng; góp phần từng bước chủ động nguồn giống lươn cho nuôi thương phẩm có chất lượng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nhiều địa phương. Lâu nay, mô hình nuôi lươn chủ yếu theo mùa, thường từ tháng 3 đến tháng 9; sắp đến sẽ nghiên cứu sản xuất giống để nuôi quanh năm. TTKN tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng, sau đó tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao cho người dân.

Theo ông Phi, để nhân rộng mô hình sản xuất giống, cũng như nuôi lươn đồng thương phẩm cần xã hội hóa trong việc đầu tư nguồn lực tài chính. Các địa phương chủ động đầu tư kinh phí, quy hoạch, định hướng và có chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình. Cơ quan chức năng, TTKN có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Lâu dài, Nhà nước cần xây dựng các cơ sở ương giống tại một số địa phương để cung ứng nhu cầu sản xuất cho người dân.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lão nông 83 tuổi “mắc màn” nuôi ếch

Dù đã 83 tuổi nhưng ông Chu Trọng Tại (ngụ tại tổ 1, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng) vẫn say mê làm trang trại với nhiều sáng kiến nổi tiếng trong vùng.

Ông Chu Trọng Tại bên màn ếch của mình.

Khi chúng tôi đến gặp, ông Tại đang hì hục đổ cát san vườn để nuôi gà Đông Tảo. Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ ông Tại đã 83 tuổi vì ông vẫn làm việc nhanh thoăn thoắt. Ông Tại là cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân ngũ, ông công tác ở Điện lực Hải Phòng rồi nghỉ chế độ. Lão nông này cũng từng đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nghĩa (thuộc huyện Kiến Thụy cũ ở Hải Phòng). Từ năm 2001, ông Tại là 1 trong 10 người đi tiên phong trong việc phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp ở huyện Kiến Thụy.

“Việc nuôi ếch tôi từng triển khai từ năm 2004, lúc đó tôi có 5.000 con, nuôi theo kiểu bán hoang dã. Ếch được thả tự do trong vườn, lớn nhanh như thổi, nhưng không hiểu tại sao sau một đêm, 5.000 con ếch, đã to bằng cái chén uống nước, biến đâu hết. Buồn quá, tôi bỏ, cho đến năm 2016 mới bắt đầu lại”, ông Tại vừa dẫn chúng tôi ra ao nuôi ếch, vừa kể chuyện.

Khi bắt đầu nuôi ếch trở lại, ông Tại đi tìm hiểu nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. “Tôi thấy người ta chủ yếu nuôi ếch trong bể xây bằng bê tông. Như thế khá tốn kém mà ếch dễ thoát ra ngoài, hoặc bị chuột, chim tấn công. Tôi nghĩ ra việc nhờ người ta may lưới thành 1 cái màn kín rồi mắc xuống ao. Trong màn thả vài miếng xốp, bèo cho ếch sống, thế mà ổn”, lão nông này chia sẻ.

Trong thửa ao rộng 300 m2, ông Tại dựng 4 chiếc màn, nuôi hơn 6.000 con ếch. Mỗi màn có chiều dài 7 m, rộng 3 m, cao 2,5 m. Ếch giống mua về được chia ra các màn khác nhau, tùy theo con to, con nhỏ cho ếch khỏi bắt nạt nhau. Lúc nhỏ ếch được ăn lòng đỏ trứng gà sao khô trong 1 tuần, sau đó mới cho ăn cám gia súc. Trung bình 1.000 con ếch cần 4 kg thức ăn, chia thành cho 2 bữa một ngày. Ếch trong 4 màn của ông Tại đã nuôi được gần 3 tháng, mỗi con nặng khoảng 3 lạng. Đây là lứa ếch cuối trong năm của ông. “Ít ngày nữa, ếch nặng 3,5 lạng mỗi con là có thể xuất chuồng, với giá khoảng 55.000 đồng/kg và đã có người đặt hàng từ lâu rồi. Ếch là đặc sản và dễ bán hơn vịt gà”, ông Tại tự tin nói.

Lão nông 83 tuổi cũng cho biết, ếch dễ nuôi nhưng cũng dễ mắc bệnh nấm, cần phải phòng ngừa. “Vết loét cứ to dần ra làm ếch chết hàng loạt nên tôi phải chủ động phòng bệnh hơn là chữa bệnh, bằng cách vài ngày lại phun thuốc tím vào màn để sát trùng. Nếu màn nào mà ếch có bệnh thì phun dày hơn”, ông Tại chia sẻ.

Doanh thu tiền tỉ

Từ ao ếch, ông Tại dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu trang trại rộng hơn 10.000 m2 mà ông đã gây dựng 16 năm nay. Để xây dựng chuồng trại, ông Tại đi tìm nhà cung cấp vật liệu thân quen, xin họ bán chịu rồi trả dần. Những thứ có thể tự túc, ông Tại cùng các con làm ngày, làm đêm. “Như cái chuồng gà 2 tầng này cần đến 10 cột thì tôi chỉ thuê thợ mộc làm 1 cái cột thôi, rồi bố con tôi tự đóng theo mẫu đó”, ông Tại kể.

Trang trại của ông Tại đang nuôi hàng nghìn con gà theo hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có 2 ao cá rộng 5.000 m2, mỗi năm cho 7 tấn cá rô phi, trắm, mè… Một năm, trang trại của ông Tại có doanh thu khoảng 4 tỉ đồng. Trừ các loại chi phí, bố con ông có lãi khoảng 400 triệu đồng. “Ở nông thôn, đây là nghề bền vững chú ạ”, ông nói. Ổn định là thế, nhưng ông Tại chưa thỏa mãn và đang âm thầm phát triển việc nuôi gà Đông Tảo và lên cả kế hoạch nuôi đà điểu. “Làm cái này như một đam mê đấy. Mỗi lần nuôi thành công một con gì đấy, tôi vui lắm”, ông cụ 83 tuổi nói về dự định của mình sôi nổi như chàng trai mới đôi mươi.

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện tuổi già, sức yếu, ông Tại tự hào nói: “Hàng ngày tôi thức dậy từ 5 giờ, làm đến 18 giờ mới thôi, nhưng 10 năm qua chưa đi viện lần nào”.

Nguồn: Báo Thanh niên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.