Ngưỡng chịu đựng của ao tôm

Ngưỡng chịu đựng của ao tôm là khối lượng tôm tối đa mà ao tôm có thể gánh nổi. Đơn vị tính là kg tôm/m2. Ngưỡng chịu đựng này phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng ao nuôi (đáy ao, bờ ao, độ sâu), khả năng đầu tư trang thiết bị (máy quạt, máy thổi khí), chất lượng con giống, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của người nuôi…

Cần quản lý tốt chất lượng ao nuôi tôm

Tác động

Theo các nghiên cứu, càng về cuối vụ nuôi, chất thải (bao gồm phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo chết) càng tích tụ nhiều ở đáy ao, tạo thành lớp bùn đen và sự phân hủy các chất hữu cơ sẽ tạo thành khí độc như H2S làm tôm chết. Chất thải cũng là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, khi tảo tàn và phân hủy sẽ khiến cho nhu cầu ôxy trong ao nuôi tăng vọt.

Tôm càng lớn thì tổng khối lượng tôm trong ao càng cao, ao nuôi trở nên chật hẹp. Môi trường biến động xấu làm cho tôm suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh, trong nhiều trường hợp người nuôi phải thu hoạch tôm khẩn cấp. Việc làm này sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi vì tốn nhiều tiền mua thuốc chữa trị trước đó, cộng với việc cỡ tôm nhỏ nên giá bán thấp.

Giải pháp kiểm soát

Theo Theo TS Pornlerd Chanratchakool (Thái Lan) giá trị ngưỡng chịu đựng như sau: Tại Thái Lan: Ao sâu 1,5 m, 36 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,8 – 2,5 kg tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng); Việt Nam: Ao sâu 1,2 m, 25 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,3 kg (ao đất) – 1,5 kg (ao bạt) tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng) và 0,6 – 0,8 kg tôm/m2 ao (tôm sú).

– Xác định lượng giống thả vào ao: Người nuôi không nên thả quá dày với tâm lý tôm hao hụt bớt là vừa mà cần phải chủ động thả mật độ vừa phải để tránh gây áp lực quá lớn lên ao nuôi.

– Xác định thời điểm ao tôm tới ngưỡng: So với giá trị ngưỡng ao đất là 1,3 kg/m2 thì tôm vẫn còn phát triển tốt vì chưa đạt ngưỡng. Như vậy, trước khi tôm đạt ngưỡng, người nuôi cần chủ động thu tỉa để tạo môi trường thông thoáng giúp tôm phát triển tiếp hoặc chủ động tăng cường quạt khí cũng như kiểm soát mật độ tảo thích hợp (không cho tảo quá dày).

Ao nuôi tôm công nghiệp cần có độ sâu từ 2 – 2,5 m, đảm bảo giữ được nước cao nhất từ 1,6 – 1,8 m. Mật độ thả hợp lý đối với tôm sú nuôi thâm canh 15 – 20 con/m2, bán thâm canh 8 – 14 con/m2; tôm thẻ chân trắng 30 – 80 con/m2. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần đảm bảo máy quạt đầy đủ, người nuôi nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm trong ổn định các chỉ số môi trường ao nuôi khi có biến động do thời tiết.

Cùng đó cũng cần lưu ý, sau những cơn mưa kéo dài nên kiểm tra lại độ pH trong ao. Nếu độ pH giảm thấp thì dùng vôi nông nghiệp hòa tan trong nước với liều lượng từ 10 – 20 kg/1.000 m3; duy trì mực nước trong ao từ 1,3 – 1,8 m để tránh sự biến động của yếu tố môi trường. Đối với hiện tượng tảo tàn, người nuôi có thể bón phân vi sinh, để khử khí độc trong ao nên sử dụng men vi sinh định kỳ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Đồng Tháp: Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Chiều ngày 22/11, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương có buổi tiếp và làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thuỷ sản Nam miền Trung về việc thực hiện thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng vốn sinh sống ở vùng nước mặn thích ứng với vùng nước ngọt để phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đồng Tháp.

Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cho biết, Công ty cần khoảng 50 ha để đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao, với nhiều mô hình để nông dân tiếp cận quy trình nuôi mới. Cùng với đó là chủ động nguồn tôm giống thuần ngọt tại chỗ, kiểm soát nước thải, môi trường, nguồn nước và thâm canh đối với tôm.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Công ty trao đổi về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, thích ứng nước ngọt

Công ty sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm cho cán bộ thuỷ sản và người nông dân. Bước đầu, Công ty sẽ hỗ trợ giống và hướng dẫn quy trình để người dân nuôi thử nghiệm – ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương thống nhất với đề xuất của Công ty và chỉ đạo Ngành nông nghiệp phối hợp với Công ty khảo sát địa điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình trình diễn, theo dõi quá trình thuần ngọt của tôm thẻ chân trắng và chọn 4 – 5 hộ nông dân cùng thực hiện; đồng thời, tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan thực tế mô hình nuôi tôm của Công ty.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Dương đã khảo sát mô hình sản xuất tôm của Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung tại Bình Thuận.

Được biết, Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cũng đang đầu tư tại Long An trại vèo thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng thích ứng với nước ngọt.

Để nuôi được tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt, người dân đã khoan giếng lấy nước ngầm, pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao. Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hoá vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất.

Buổi làm việc với Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung nhằm mục tiêu nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt, phù hợp với môi trường tự nhiên, giải quyết bài toán tạo nước mặn ở vùng nước ngọt để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Hiện tại, các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn áp dụng.

Nguồn: Đồng Tháp GOV được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Việt Nam chính thức tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ

Ngày 11-11, Tập đoàn Việt – Úc đã công bố chương trình sản xuất tôm bố mẹ tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu, chọn tạo, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ cùng tôm giống ngay trong nước là cấp bách và rất quan trọng trong việc chủ động nguồn tôm giống phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD tôm vào năm 2020.

Hiện mỗi năm cả nước nhập khẩu 230.000 con giống, trong khi chỉ có 2 đơn vị được công nhận sản xuất giống thủy sản mới là Tập đoàn Việt – Úc và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 sản xuất được 20.000 – 25.000 con giống/năm. Nhu cầu này sẽ tăng lên 400.000 – 500.000 con giống/năm 2025.

Năm 2015, Tập đoàn Việt – Úc là doanh nghiệp đầu tiên chọn tạo thành công giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ chất lượng cao được Bộ NN-PTNT công nhận giống mới là đóng góp quan trọng chọ sự phát triển chung ngành tôm Việt Nam.

Đây là kết quả của hơn 5 năm triển khai chương trình chọn giống tôm bố mẹ thẻ chân trắng mà Tập đoàn Việt – Úc hợp tác với Viện CSIRO. Hiện đã chọn được giống thế hệ G7 với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 là 48%. Từ chỗ nguồn tôm bố mẹ chủ yếu được sản xuất từ Mỹ, Singapore, Thái Lan, nay Việt Nam chính thức tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ riêng.

Dịp này, Tập đoàn Việt – Úc ký kết hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Đại học Nông Lâm TP, ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang và một số tỉnh nhằm sản xuất ra tôm giống phục vụ nhu cầu tại chỗ. Tổng công suất các trại nuôi của Tập đoàn Việt – Úc trên 50 tỷ con giống/năm.

Nguồn: Vietuc.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chất lượng tôm giống Nam Trung bộ đứng đầu!

Tôm giống SX tại Nam Trung bộ được người nuôi trồng thủy sản đánh giá đứng đầu cả nước. Để không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu tôm giống “ra lò”, các DNSX tôm giống đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững.

“Thủ phủ” tôm giống lâu đời

Các tỉnh Nam Trung bộ được xem là thủ phủ tôm giống lớn nhất cả nước. Hàng năm, các cơ sở SX tại khu vực này cung cấp khoảng 50% lượng tôm giống nước lợ cho người nuôi tôm khắp các tỉnh, thành, số còn lại SX tại các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,…) cùng một số tỉnh phía Bắc.

Tôm giống sản xuất tại Nam Trung bộ được người nuôi tôm ưa chuộng

Nghề SX tôm giống ở Bình Thuận bắt đầu hình thành từ những năm 1990 với vài cơ sở nhỏ lẻ ở khu vực Bực Lỡ, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Sau đó bung ra rất mạnh giai đoạn 1996-1998, và đến nay toàn tỉnh đã có 133 cơ sở SX giống thủy sản, với hơn 600 trại giống, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân. Hiện Bình Thuận đóng góp sản lượng tôm giống chiếm 20% thị phần cả nước nhưng chiếm 70-80% về con giống chất lượng.

Ông Lưu Quyết Tiến, Phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, sở dĩ tôm giống ở đây có chất lượng hàng đầu bởi ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi như nguồn nước sạch, độ mặn nước biển ổn định, thì các DN còn có truyền thống, kinh nghiệm làm tôm giống nhiều năm, tâm huyết với nghề, chịu đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng KHKT…

Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại với đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, coi trọng chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm giống, như Cty CP Thủy sản Việt Úc Bình Thuận (thuộc Tập đoàn Việt Úc), Cty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Cty Thông Thuận, Cty Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển, DNTN Tuấn Cự… Mỗi năm tỉnh SX trên 20 tỷ con tôm giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt, nuôi mau lớn.

Còn tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở nhân ương, kinh doanh tôm giống, với hơn 1.200 trại tôm. Trong đó 2 vùng SX giống tập trung lớn nhất đã được quy hoạch ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải); ngoài ra còn có khu vực SX giống nhỏ lẻ ở Cà Ná, Ninh Chữ, Tri Hải…

Hàng năm Ninh Thuận xuất ra thị trường khoảng 25- 30 tỷ con tôm giống, đáp ứng cho nhu cầu nuôi nội địa 30-40%, còn lại bán đi các tỉnh ngoài. Về chất lượng, tôm giống ở đây cũng đứng tốp đầu, được người nuôi ưa chuộng.

Không ngừng nâng tầm chất lượng

Để nâng cao chất lượng, các DN tôm giống ở cả 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã không ngừng nâng cấp, mở rộng quy mô SX. Các cơ sở đều chú trọng đầu tư, tìm kiếm những công nghệ SX con giống sạch bệnh, kháng bệnh, nuôi đạt tỷ lệ sống cao nhất, không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng men vi sinh.

Ông Phan Tuấn Cự, GĐ DNTN Tuấn Cự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận chia sẻ: Trong lúc này, nếu các DN tôm giống không tự nâng cao trình độ, tạo ra con giống tốt thì người nuôi sẽ quay lưng lại, tôm giống nhập khẩu về nhiều sẽ “bóp chết” các cơ sở trong nước. Xác định được như vậy, các DN tôm giống ở Bình Thuận đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật.

Thứ nhất, thường xuyên tu sửa, nâng cấp các bể ươm nuôi. Thứ 2, áp dung quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch nhất; áp dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh, đặc biệt không dùng kháng sinh. Thứ 3, chọn lựa tôm giống bố mẹ tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định. Thứ 4, nguồn thức ăn mua của các Cty, tập đoàn uy tín, đảm bảo tôm ăn đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Còn ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết để không ngừng nâng cao chất lượng tôm giống, các cơ sở SXKD ngoài việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho SX thì chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài cũng hết sức quan trọng.

Do đó các cơ sở tôm giống trong tỉnh đều nhập tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan là những nước có quy trình giám sát, gia hóa, lai tạo, chọn lọc gen di truyền, ứng dụng công nghệ chọn giống tôm bài bản để cho ra đời những đàn giống chất lượng.

Dẫn chúng tôi tham quan sở sở tôm giống của mình, ông Phan Tuấn Cự cho biết, hiện DN đã quy hoạch khu nuôi tôm bố mẹ và tôm giống thành các khu SX riêng biệt. Để có nguồn nước nuôi ương tốt nhất, DN đã mua 2 máy lọc nước UF, đầu tư trang thiết bị, phòng xét nghiệm riêng, hiện đại cùng đội ngũ nhân viên, kỹ sư giàu kinh nghiệm.

DN chỉ chọn nhập tôm bố mẹ sạch bệnh, kháng khuẩn tốt; áp dụng công nghệ vi sinh (không có kháng sinh) trong SX để cho ra đời những mẻ con giống tốt nhất. Hàng năm DN cung cấp cho người nuôi trên 1 tỷ con giống, hang SX ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí cháy hàng.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định: Chúng tôi quyết giữ vững chất lượng tôm giống hàng đầu cả nước. Ngoài tăng cường kiểm soát đầu ra, đảm bảo con giống đạt tiêu chuẩn cao nhất, chúng tôi khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ cao để chất lượng tôm giống không ngừng nâng lên. Đồng thời tháo gỡ các bất cập, đơn giản thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả

Ba huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm biển thâm canh sang quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Đặc biệt, có một số nông dân đã áp dụng công nghệ cao chuyển sang nuôi tôm biển thâm canh 2 giai đoạn. Cùng với việc trúng mùa, giá tôm nguyên liệu thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, người nuôi có lãi.

Nhờ mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao nên lần đầu tiên tại Thạnh Phú tôm biển đạt năng suất đến hơn 90 tấn/héc-ta/vụ.
Giá cao, Người nuôi có lãi

Từ đầu năm 2017 đến nay, ao nuôi tôm sú quảng canh rộng 3,5ha của ông Nguyễn Văn Yêm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú đã mang về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ao tôm đã mang về lợi nhuận như thế. Theo ông Yêm, nuôi tôm sú quảng canh rất… nhàn nhã, vì ban ngày chăm sóc tôm, chiều tối chèo xuồng đi đặt lú. “Nhiều người khuyên tôi nên chuyển qua nuôi tôm thâm canh cho mau giàu. Nhưng tôi nghĩ nuôi tôm thâm canh mà không đủ tiền đầu tư tới nơi tới chốn sẽ dễ bán đất. Sống ở đây hơn 50 năm, tôi đâu còn lạ gì khí hậu thất thường, lắm rủi ro ở xứ biển mình”, ông Yêm chia sẻ.

Không xổ cống vào 2 con nước rằm và 30 như nhiều người nuôi tôm biển quảng canh ở đây, ông Yêm chọn cách đóng chặt cống và đặt lú đều đặn mỗi ngày để thu hoạch tôm sú. Ông Yêm nói: “Mình chủ động chọn độ to nhỏ của lưới để phù hợp với con tôm thiên nhiên hay con tôm sú ở những kích cỡ khác nhau. Làm như vậy sẽ giữ được nguồn nước an toàn cho tôm, vì xung quanh cũng còn không ít người nuôi tôm thâm canh xả nước mang mầm bệnh ra sông. Ngoài ra, con tôm thu hoạch bằng lú sẽ còn sống, bán được cho các quán ăn, nhà hàng với giá đôi khi cao gấp đôi con tôm sú ướp đá”.

Trong khi đó, những nông dân có diện tích đất dưới 1ha tại vùng biển thường áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh cải tiến. Bởi, chi phí đầu tư ít hơn so với nuôi thâm canh, khi thành công thì lợi nhuận cao hơn. Đầu năm 2017, anh Võ Văn Thật ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo 5 vuông nuôi tôm quảng canh thành quảng canh cải tiến. Anh Thật thả với mật độ hơn 200

con/m2. Hai vụ thu hoạch mang về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. “Nuôi tôm quảng canh cải tiến không phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất ít cũng làm được, chỉ cần chịu khó chạy quạt và thu gom thức ăn như cá phân, ốc… có tại địa phương, cùng với ít thức ăn công nghiệp là nuôi được” – anh Thật chia sẻ.

Cùng với việc trúng mùa, năm nay giá tôm biển luôn duy trì ở mức cao. Tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg ở mức hơn 230 ngàn đồng/kg; 40 con/kg hơn 180 ngàn đồng/kg. Riêng tôm sú còn sống loại 30, 40 con/kg giá thường cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với tôm ướp đá; tôm cỡ 50 – 60 con/kg giá luôn trên 125 ngàn đồng/kg, loại 100 con/kg giá trên 100 ngàn đồng/kg. Người nuôi có lãi cao.

Nuôi tôm “sạch”

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, toàn huyện hiện có trên 18 ngàn héc-ta nuôi tôm biển, trong đó khoảng 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm biển thâm canh và hơn 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa. Mô hình nuôi tôm quảng canh thích ứng với biển đổi khí hậu đã đạt hơn 220kg/công/năm, tăng hơn 20% so với các năm trước. Năm nay, trên 90% diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện trúng mùa. Bà con đã theo khuyến cáo trở về với các mô hình có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu như nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, luân canh lúa trong ao tôm. Đặc biệt, trong năm nay, có khoảng 100 héc-ta nuôi tôm thâm canh thông thường chuyển sang nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. 3 vụ nuôi trong năm 2017, nhiều hộ dân đã thành công, năng suất đều trên 90 tấn/héc-ta.

Trong vài năm gần đây, diện tích nuôi tôm thâm canh đầu tư giản đơn tại huyện Thạnh Phú giảm đáng kể. Cụ thể, từ diện tích trên 5 ngàn héc-ta của năm 2013 đã giảm xuống còn khoảng 1,5 ngàn héc-ta vào năm nay. Đây là tín hiệu lạc quan, kiểm soát dịch bệnh tại các vùng nuôi được tốt hơn. Chính quyền đã hỗ trợ người dân tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho con tôm biển bằng các khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh thay vào đó sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ nhằm phát triển thương hiệu cùng với lúa sạch Thạnh Phú. Huyện cũng hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng nuôi tôm sạch, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi. Cũng thông qua mô hình này, huyện quảng bá nhãn hiệu lúa sạch cũng như du lịch sinh thái.

“Việc áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất tôm quảng canh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tiếp theo. Vì điều đó chẳng những làm cho môi trường nuôi luôn giữ được sức đề kháng cao trước dịch bệnh, thời tiết khó lường hiện nay, mà còn là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư hướng đến xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Bến Tre. Có nhà máy chế biến tại chỗ thì giá trị thu được của người nuôi chắc chắn sẽ nhiều hơn và việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết đối với con tôm biển sẽ sớm thành công. Ngoài ra, sử dụng vùng nguyên liệu sạch trên cơ sở phát triển tài nguyên bản địa trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung để phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác phát triển du lịch cộng đồng cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp đang thực hiện”, ông Bùi Văn Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Nguồn: Báo Đồng khởi được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điều kiện cơ sở vùng nuôi tôm thâm canh đảm bảo ATVSTP

Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ NN&PTNT Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi tôm của Công ty Trúc Anh tại Bạc Liêu 

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng thâm canh tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Cơ sở nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng tuân thủ các quy định chung trong Thông tư này và khi kiểm tra theo quy trình GAP (SQF, VietGAP, GlobalGAP, …) sẽ được cơ quan có chức năng cấp chứng nhận nuôi tôm sú, tôm chân trắng đạt cấp độ tương ứng. Tại Điều 6, chương II: Điều kiện cơ sở vùng nuôi có quy định:

Điều kiện về quy trình công nghệ nuôi tôm

Chuẩn bị ao nuôi

a) Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi.

b) Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng nước theo phụ lục 1 của Thông tư này.

Tuyển chọn con giống và thả giống

a) Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn hiện hành; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành.

b) Mật độ thả giống

– Nuôi tôm chân trắng thâm canh: mật độ > 60 con/m2.

– Nuôi tôm sú thâm canh: mật độ > 20 con/m2.

c) Mùa vụ thả giống: tuân thủ lịch mùa vụ hàng năm của địa phương.

Thức ăn và chất bổ sung thức ăn

a) Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

b) Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102 : 2004 Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm sú.

Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Quản lý và chăm sóc

a) Mực nước ao nuôi: phải được duy trì thấp nhất 1,4 m.

b) Môi trường ao nuôi: chủ cơ sở nuôi tôm phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi theo quy định tại mục I phụ lục 5 của Thông tư này.

c) Cho tôm ăn: khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2-4 lần/ngày.

d) Nước thải và chất thải

– Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tai phụ lục 3 của Thông tư này.

Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.e) Phòng bệnh cho tôm

– Cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi theo hướng dẫn tại phụ lục 4 của Thông tư này.

– Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời.

Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.

Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm

Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kiểm soát khí độc ao tôm và sử dụng vi sinh hiệu quả

Trong ao nuôi thâm canh, một trong những vấn đề khó khăn nhất là việc kiểm soát khí độc hình thành trong quá trình nuôi tôm đó là NH3, NO2 và H2S.

Nhân viên Skretting cùng khách hàng kiểm tra ao tôm 

NH3 là sản phẩm của sự trao đổi chất của động vật thủy sản trong ao (được thải qua mang và bài tiết), nó cũng hình thành từ sự phân hủy thức ăn thừa (rất giàu đạm), các chất hữu cơ trong nước và chất thải của động vật. Thực tế, chỉ khoảng một nửa nguồn Nitơ trong thức ăn khi tôm sử dụng được chuyển hóa vào xây dựng cơ thể và một nửa còn lại sẽ được thải ra môi trường nước ở các dạng khác nhau.

Lượng NH3 trong ao nuôi tồn tại dưới dạng kết hợp (NH4/NH3). Tùy theo pH của nước mà tồn tại ở dạng NH3-N (rất độc) hay NH4-N (ít độc hơn). pH của nước càng cao thì NH4/NH3 sẽ tồn tại ở dạng NH3 nhiều hơn và gây độc cho tôm (tại pH>8,5, NH4 sẽ chuyển sang dạng NH3 hoàn toàn). Tuy nhiên, ngay ở dạng NH4-N ít độc hơn nhưng cũng làm gia tăng áp lực đối với tôm, làm gia tăng căng thẳng, tôm cá dễ bị bệnh hơn và có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp hơn.

Trong ao nuôi, NH3 được hấp thụ theo 3 cơ chế sau:

Được tảo sử dụng: Các loại tảo xanh cần sử dụng Nitơ để tạo tế bào trong quá trình quang hợp;

Được sử dụng bới hệ vi sinh tự dưỡng tiêu hủy hợp chất Carbon. Các nhóm vi khuẩn này phân hủy các chất thải, vật chất hữu cơ và cần sử dụng Nitơ (tốt nhất là NH3 – amoniac) để xây dựng các tế bào mới và tiêu thụ một lượng đáng kể ammonia;

Được sử dụng bởi hệ vi sinh ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter). Chúng đòi hỏi đủ ôxy và pH thích hợp và phát triển rất chậm, chúng hiệu quả trong việc chuyển hóa NH3 – amoniac qua một quy trình hai bước thành NO2 – nitrit đầu tiên (Nitrosomonas) và sau đó tiếp tục chuyển hóa NO2 – nitric thành NO3 – Nitrate ít độc hơn (Nitrobacter).

Hiện nhiều công ty bán sản phẩm có chứa hỗn hợp nhóm vi khuẩn ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter).  Một câu hỏi đặt ra, việc bổ sung nhóm vi khuẩn ôxy hóa amonia để chống lại lượng amonia cao trong ao có thực sự hiệu quả như chúng ta mong đợi?

Sản phẩm vi sinh chứa nhóm vi sinh ôxy hóa amonia cần phải được cô đặc và làm lạnh để có được dạng sống “tạm chết” từ 3 – 6 tháng. Bất kỳ sự tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc đóng băng sẽ giết chết phần lớn nhóm này trong sản phẩm. Vì vậy, chất lượng sản phẩm này như thế nào nếu lưu giữ ở nhiệt độ phòng? Ngoài ra, nhóm vi sinh này khỏe mạnh trong ao cũng chỉ đóng góp một phần trong việc loại bỏ amonia.

Vậy nông dân có những lựa chọn nào cho vấn đề amonia? Amonia có thể được kiểm soát tốt trước tiên phải thông qua quá trình giám sát chặt chẽ ao nuôi, kiểm soát lượng thức ăn, loại bỏ chất thải hằng ngày để duy trì nước trong ao sạch, duy trì pH không cao hơn 8,3, hàm lượng ôxy cao hơn 5 ppm, duy trì sự hiện diện của tảo trong ao, duy trì độ mặn cao để giảm tính độc của NO2.

Bổ sung nguồn vi sinh với nhóm vi khuẩn tự dưỡng Bacillus sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là cố gắng cung cấp nhóm ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter) vì khả năng nhân sinh khối nhanh và ít nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường. Chúng cũng hiệu quả hơn trong việc phân hủy các chất hữu cơ trong ao vì chúng sử dụng nguồn hữu cơ để xây dựng cơ chất. Ngoài ra, nhóm vi sinh này sống tốt hơn ở dạng ngủ đông trong các sản phẩm vi sinh trên thị trường (trong khi việc cô đặc ở dạng “tạm chết” của nhóm ôxy hóa amonia Nitrosomonas và Nitrobacter vẫn còn nhiều nghi ngờ).

Vì vậy, trừ khi có các yếu tố đặc biệt và các vấn đề amoniac quan trọng, việc bổ sung các vi khuẩn ôxy hóa amonia thực sự hiếm khi cần trong nuôi trồng thủy sản. Nông dân thêm vào một sự cân bằng các vi khuẩn tự dưỡng cùng với việc duy trì mật độ tảo để  giúp phân hủy chất thải trong ao. Đối với việc bổ sung vi khuẩn tự dưỡng cần thực hiện sớm trước khi ao trở nên mất cân bằng. Với liều lượng thường xuyên trong suốt vụ nuôi (khi thức ăn và sinh khối tăng cao), ao sẽ vẫn cân bằng sinh thái tốt hơn và tôm sẽ bị stress ít hơn.

Nhóm vi khuẩn tự dưỡng Bacillus cần năng lượng từ nguồn Cacbon hữu cơ và nguồn Nitơ (NH4/NH3, NO2) để tổng hợp protein cho việc xây dựng tế bào. Nếu nguồn Carbon hữu cơ có sẵn thì việc chuyển hóa Nitơ sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Chính vì vậy, để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nguồn Nitơ, chúng ta có thể cung cấp thêm nguồn Carbon hữu cơ vào trong ao và rỉ đường là một lựa chọn lý tưởng vì giá thành rẻ, hàm lượng Carbon hữu cơ cao mà không chứa hợp chất Nitơ (acid amin).

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vèo Tôm Thâm Canh Trên Bể Composite, Xi Măng Ở Braxin

Hệ thống ương tôm giống thâm canh hoạt động như một bộ phận mở rộng của trại giống ở vùng nuôi có tác dụng rất tốt để hậu ấu trùng (PL) nhanh chóng thích nghi với điều kiện trại nuôi, đồng thời giúp quản lý chặt chẽ chất lượng và sức khỏe PL trước khi thả ra ao nuôi.

Đông bắc Braxin, khu vèo tôm của trại nuôi này được đặt gần các ao nuôi thương phẩm

Trong hệ thống nuôi 1 giai đoạn truyền thống, tôm PL được thả trực tiếp vào ao nuôi thương phẩm để nuôi đến khi thu hoạch. Phương pháp này vẫn rất thịnh hành trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống nuôi 2 giai đoạn với kỹ thuật hiện đại hơn đang dần dần chiếm ưu thế. Hệ thống này áp dụng 1 giai đoạn nuôi trung gian, gọi là ương giống, giữa giai đoạn sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trong những năm 1980, nhiều trại nuôi tôm lớn đã được xây dựng với diện tích các ao ương rộng 0,5 đến 3 ha. Ấu trùng tôm được thả với mật độ từ 0,5 đến 2,5 triệu PL/ha, ương trong 4-5 tuần trước khi chuyển vào ao nuôi thương phẩm.

Phương pháp này làm thay đổi chiến lược sản xuất tôm khi cho phép kiểm soát tốt hơn và dự đoán trước được số lượng tôm. Mặc dù tiến bộ đáng kể so với các hệ thống 1 giai đoạn, nhưng chi phí xây dựng các ao ương rất đắt và cần có diện tích đất lớn để hoạt động giống như khu vực nuôi thương phẩm. Việc vận chuyển tôm giống lớn hơn 0,5 g cũng khó và nhiều rủi ro do quá trình thu hoạch dễ làm tôm bị sốc.

Trong những năm qua, người ta đã thiết kế ao ương trong các khu vực nuôi nhỏ hơn ở các trại giống hoặc nằm gần hay ngay trong phạm vi ao nuôi thương phẩm. Phổ biến nhất trong các trang trại tôm ở Braxin là ương tôm thâm canh trong các bể vòng.

Bể ương thâm canh

Khái niệm bể ương thâm canh có lẽ được phát triển từ hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh có nguồn gốc từ Nhật Bản do GS. Kunihiko Shigueno và đồng sự khởi xướng vào những năm 1970. Mặc dù thiết kế và kỹ thuật của 2 hệ thống này gần giống nhau, nhưng phương pháp áp dụng và thực tế lại có nhiều điểm khác nhau.

Trong giai đoạn đầu của việc nuôi tôm, các bể của Shingueno vận hành giống phương pháp nuôi thương phẩm với tỉ lệ thay nước cao và mật độ thả lên tới 100 con/m2. Các bể ương thâm canh được sử dụng để tối ưu hóa việc tiếp nhận, phân phối tôm giống ở các trại nuôi tôm, điều chỉnh số lượng PL thả ao.

Bể ương có chức năng như hồ chứa tạm thời để PL thích nghi dần với môi trường trại nuôi, kiểm kê số lượng và đánh giá chất lượng PL. Các trại ương giúp ngăn ngừa mầm bệnh và mối nguy của các loài địch hại, cho phép phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và dịch bệnh, đồng thời cũng cải thiện chế độ dinh dưỡng cho PL.

Ưu điểm chính của các bể ương là có thể bắt đầu nuôi thương phẩm từ cỡ tôm giống lớn hơn. Điều này làm giảm rủi ro tài chính, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm thời gian quay vòng ao nuôi và cuối cùng là tăng sản lượng hằng năm.

Xây dựng, kỹ thuật quản lý

Ở hầu hết các trang trại nuôi tôm, khu vực sản xuất giống thâm canh, bao gồm các bể ương, thường có diện tích từ 100m2 đến 0,5 ha. Hạ tầng cơ bản của bể bao gồm mái che để tránh cho PL tiếp xúc nhiệt độ cao trong giai đoạn thích nghi và di chuyển, chòi để quạt thông gió, máy bơm, máy phát điện và các thiết bị điện khác, phòng chuẩn bị thức ăn và máy đo chất lượng nước, kho bảo quản thức ăn và các thiết bị khác.

Các bể vèo được trang bị hệ thống sục khí liên tục đảm bảo ôxy hòa tan trong nước

Tại trang trại, khu ương giống nên đặt ngay trong khu vực sản xuất, nhưng phải cách ly với các ao nuôi vì vấn đề an toàn sinh học. Khu ương giống phải đặt ở vị trí thuận tiện lấy nước biển sạch từ các kênh nước của trại nuôi. Các bể ương thường được đặt cạnh nhau ở ngoài trời để PL tiếp xúc với những thay đổi của điều kiện tự nhiên. Ở những nơi có nhiệt độ biến động mạnh, có thể xây dựng các bể ương trong nhà để dễ dàng kiểm soát nhiệt độ nước.

Các bể ương có thể hình vuông, chữ nhật hoặc hình tròn (bể vòng). Ở Braxin, các trang trại chủ yếu sử dụng bể vòng do có nhiều ưu điểm hơn so với các hình dạng khác. Vì không có góc cạnh nên các bể vòng tích tụ thức ăn thừa, tảo chết, cặn bã và các chất thải khác ít hơn và làm cho nước lưu thông đều hơn.

Đáy bể vòng lõm ở giữa, ở đó có van thoát nước. Các bể ương có thể làm bằng sợi thủy tinh, mạ kẽm, nhựa PVC mỏng hoặc xây bằng gạch, xi măng. Bể xây bằng gạch xi măng có thể phủ lớp nhựa epoxy, hoặc phủ lớp màng polyetilen dày. Có thể đào sâu hoặc xây bể ở các vị trí có địa hình phẳng. Trong cả 2 trường hợp, khu vực này nên quang đãng, không khí lưu thông tốt và dễ tiếp cận.

Các bể ương thương phẩm có dung tích từ 30-55m2, đường kính trong 5-7m, độ sâu 1m và độ cao tối đa 1,2m. Mỗi bể ương có trang bị hệ thống đường ống nước vào và ra độc lập.

Nước thường được bơm từ các kênh vào ao bằng máy bơm điện. Máy bơm không nên đặt ở các khu vực nước nông hoặc các địa điểm nhiệt độ dễ thay đổi, ứ đọng nước hoặc ô nhiễm do việc thoát nước từ ao nuôi thương phẩm. Nước bơm vào ao nên lấy cùng một nguồn với nước nuôi thương phẩm tôm và tốt nhất là đã lọc qua hệ thống lọc cát và túi lọc 10µ để loại bỏ các chất rắn.

Việc thu hoạch PL thực hiện bằng cách sử dụng một ngăn được xây dựng thấp hơn đáy bể ương. Điều này cho phép thoát nước hoàn toàn và gây ít tác động lên hậu ấu trùng. Ngăn thu hoạch hậu ấu trùng này có trang bị sục khí oxy cho nước và hệ thống thoát nước.

Để thu hoạch tôm, cho nước trong bể ương chảy qua bình lọc bằng gỗ hoặc bằng sợi thủy tinh, có lưới lọc 1.000-2.000µ ở đáy. Khi thu hoạch, đặt bình trong ngăn thu hoạch để giữ tôm ngập trong nước trong suốt quá trình thu hoạch.

Để có thể thường xuyên cung cấp oxy trong nước, các bể ương đều có trang bị máy sục khí 5-10 hp và có hệ thống thông khí. Nguồn điện dự phòng, ví dụ máy phát điện diesel với công tắc tự động rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho hoạt động của bể ương.

Dùng các ống nhựa PVC nối liền nhau gắn cố định vào đáy bể để giúp nước lưu thông. Hệ thống sục khí bằng đá bọt ngày càng phổ biến hơn bởi vì có thể dễ dàng làm sạch và bảo trì. Một số nông trại sử dụng đường ống đặt xung quanh tường bể để tạo dòng nước xoay tròn trong bể. Hệ thống này cũng giúp tập trung cặn bẩn và chất thải rắn ở giữa bể để loại bỏ khi thay nước.

Quản lý quá trình ương

Ở Braxin, thường bắt đầu ương hậu ấu trùng 10 ngày tuổi (PL10) hoặc hơn.

Thả tôm vào bể ương từ 5 ngày đến 15 ngày để thích nghi. Mật độ thả ban đầu khoảng 15-30 PL/lít. Tỉ lệ sống thường cao hơn 95%.

Trước khi thả, làm sạch bể ương, các ống nước và đá bọt bằng hypochlorite 20ppm, dùng bản chải đánh và rửa sạch bằng nước, và hong khô trong 24 giờ. Sau khi đổ đầy nước biển vào bể, bón phân vô cơ để gây màu. Khi cần sinh khối tảo lớn, có thể dùng bình nuôi tảo riêng.

Hậu ấu trùng đang được chuyển từ các bể vèo vào ao nuôi thương phẩm

Khi đưa PL đến trại nuôi, cho tôm thích nghi với độ pH, độ mặn và nhiệt độ trong các bể sợi thủy tinh 1.000 lít trước khi thả trong các bể ương. Sau khoảng hơn 2 giờ sẽ cho ăn.

Trong suốt thời kỳ ương, tôm được ăn với chế độ ăn chất lượng cao, hàm lượng protein thô 40% trở lên, kích thước thức ăn nhở hơn 800µ. Trong những ngày đầu, rải đều thức ăn trong bể, sau đó cho ăn trong các khay.Thay nước không quá 10%/ngày trong tuần đầu tiên để. Trong những ngày tiếp theo, có thể thay nước hằng ngày ở mức 30%. Hút chất thải ở đáy bể qua ống xi-phong.

Khi PL đã đủ điều kiện để chuyển sang ao nuôi thương phẩm, cần kiểm tra sức khỏe và thức ăn trong đường tiêu hóa. Không chuyển giao PL nếu có hiện tượng chết, bệnh hoặc có dấu hiệu bị tổn thương. Có thể sử dụng bể sợi thủy tinh hình nón 100 lít, thường gọi là “tàu ngầm” để chuyển PL vào ao nuôi. Những bể này được trang bị hệ thống thông khí dưới đáy và có thể chứa 500.000 PL26/m3  hoặc 800.000 PL20/m3 trong thời gian 2 giờ.

Nguồn: Global Aquaculture Alliance được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao tròn

Với nhiều ưu điểm như nuôi được với năng suất cao, tốn ít chi phí, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường… hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) trong ao tròn nhỏ, có sử dụng hệ thống xử lý chất thải đáy đang được nhiều trang trại ứng dụng và cho hiệu quả cao.

Ưu điểm

So với những ao nuôi TTCT với diện tích thông thường 2.000 – 5.000 m2, ao nuôi hình tròn, có diện tích nhỏ mang nhiều ưu điểm. Do diện tích ao nhỏ, nên việc thu gom chất thải vào giữa bằng tác động của máy quạt nước rất hiệu quả, việc loại bỏ chất thải ra khỏi ao được thực hiện dễ dàng, nền đáy được kiểm soát trong suốt vụ nuôi, giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc. Rủi ro thiệt hại thấp vì ao nhỏ, xử lý nhanh và dễ dàng. Mặt khác, không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại tồn lưu trong đất, vì đã cách ly đất ở mặt đáy. Quan trọng nhất là giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường. Do không mất nhiều thời gian cải tạo cũng như cho ao nghỉ nên mỗi năm có thể nuôi 3 vụ.

Thiết kế ao

Ao nuôi được thiết kế ở những vị trí đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như những ao nuôi thông thường. Ao nuôi có hình tròn, diện tích 500 – 2.000 m2, tốt nhất 500 – 1.000 m2. Chiều sâu của ao 2 – 2,2 m, chiều sâu mực nước 1,5 – 2 m. Được trang bị máy quạt nước và máy tạo ôxy đáy. Đáy ao nên được lót bạt hoàn toàn bằng tấm bạt nhựa dày 0,5 mm (bền, có thể sử dụng trên 5 năm), hoặc được đổ xi măng. Ao nuôi không thiết kế cống thoát nước mà sử dụng ống PVC đường kính miệng lớn để cấp thoát nước. Ống PVC được chôn ở vị trí phần giữa đáy ao, nơi chất thải tập trung để hút chất thải ra ngoài. Từ đó nước được hút sang hệ thống xử lý nước, rồi chảy lại vào ao nuôi. Như vậy ao có tính khép kín tốt, đồng thời tránh ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là hệ thống chất thải ô nhiễm phần đáy dưới tác dụng của máy quạt nước, nước quay tròn, giúp tập trung chất thải vào chính giữa và thải liên tục ra ngoài.
Ao lắng có diện tích bằng 30% so diện tích ao nuôi. Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng tôm, cua, còng… Nước trước khi vào ao nuôi cần được xử lý trong ao lắng bằng Clo, liều lượng 2 kg/1.000 m3 nước để khử trùng, quạt nước liên tục trong 1 ngày, rồi dùng tiếp BKC, liều lượng 2 lít/1.000 m3 nước, sau 2 ngày dùng vôi CaCO3 hòa tan, té xuống nước để ổn định pH, dùng EDTA, liều lượng 5 kg/1.000 m3 để khử kim loại nặng và ổn định độ kiềm. Sau đó lọc qua lưới có kích thước 80 mắt, rồi hút nước vào ao nuôi. Với những ao nuôi từ vụ thứ hai, trước khi thả nuôi nửa tháng, tiến hành rửa ao. Sau đó khử trùng và tiêu diệt các động vật và giáp xác tạp, rồi phơi nắng.

Chuẩn bị ao

Trước khi thả nuôi tôm 10 ngày, tiến hành gây màu nước cho ao nuôi. Phương pháp thứ nhất, sử dụng 2 kg cám gạo hoặc cám ngô, 1 kg bột cá, 2 kg bột đậu nành. Trộn đều hỗn hợp trên, sau đó nấu chín, ủ kín trong 2 – 3 ngày, rồi bón để gây màu, liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3, bón liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau tiếp tục bón bổ sung với liều lượng bằng ½ so với ban đầu. Phương pháp thứ 2, phối trộn theo tỷ lệ 3 kg mật đường, 1 kg cám gạo hoặc cám ngô, 3 kg bột đậu nành, trộn đều, ủ trong 12 giờ. Dùng cám ủ để bón lên màu, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau bón bổ sung với liều lượng bằng ½ liều lượng so ban đầu. Thả tôm giống cỡ P15, tôm có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch. Thả tôm giống vào thời điểm trời mát. Do có chiều sâu lớn, môi trường nuôi được quản lý chặt chẽ, nên có thể nuôi với mật độ cao, vào chính vụ có thể nuôi với mật độ 200 – 300 con/m2, vụ nghịch có thể nuôi với mật độ 120 – 150 con/m2.

Quản lý ao

Thường xuyên thay nước ao nuôi, phụ thuộc vào tình trạng thực tế và từng thời kỳ trong vụ nuôi. Hàng ngày, rút lượng chất thải trong ao thông qua hệ thống ống PVC dưới đáy. Thời kỳ đầu vụ nuôi cấp bù lượng nước thải ra, thời kỳ giữa thay nước tùy theo chất lượng nước, thời kỳ cuối mỗi ngày thay nước khoảng 30 cm/ngày, chất lượng nước kém nên thay trên 50 cm/ngày. Trang bị đầy đủ máy quạt nước và bố trí máy ôxy đáy. Duy trì quạt nước trong 24/24 giờ, máy ôxy đáy có thể dùng cả ngày hoặc chỉ dùng ban đêm, tùy theo tình trạng ao và sức khỏe tôm nuôi, nhưng luôn đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan duy trì ở mức trên 4 mg/lít. Sử dụng thức ăn công nghiệp có chất lượng cao, hàm lượng đạm 32 – 38%, kích cỡ thức ăn theo đúng độ tuổi của tôm. Cho ăn ngày 4 lần vào sáng, trưa, chiều tối. Với ao nuôi tròn nhỏ, rất phù hợp cho việc sử dụng máy cho tôm ăn tự động. Trong quá trình nuôi định kỳ bổ sung khoáng chất vào môi trường nước và Vitamin C, thuốc bổ gan vào thức ăn. Khi nhiệt độ cao hơn 340C và thấp hơn 240C, giảm 20% lượng thức ăn. Thời gian nuôi từ 80 đến 120 ngày, tôm thu có kích thước 40 – 70 con/kg.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn

Bài viết trình bày chi tiết về quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao.

1. Chuẩn bị ao ương nuôi

– Cải tạo ao

+ Để nuôi TTCT theo hình thức này, người nuôi cần bố trí 1 ao với diện tích từ 500 – 1.000 m2 để ương tôm giống giai đoạn đầu. Đồng thời, bố trí ao nuôi liền kề với ao ương để thuận tiện cho việc san thưa, hạn chế tôm nuôi bị sốc.

+ Trước mỗi vụ tiến hành cải tạo ao nuôi và ao ương theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Đầu tiên, tháo cạn nước ao nuôi và ao ương, sên vét làm sạch đáy ao, loại bỏ các địch  hại có trong ao từ vụ nuôi trước, gia cố bờ ao chắc chắn hạn chế thẩm thấu, mất nước trong ao; sau đó rải vôi CaO lượng 10 – 15 kg/100 m2 tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước.

+ Tiếp theo lấy nước vào ao (sâu 20 – 30 cm), thau rửa 2 – 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3) từ 15 – 20 kg/100 m2, sau đó tiếp tục phơi ao 5 – 7 ngày đến khi nứt chân chim thì tiến hành lấy nước.

– Lấy nước và xử lý nước

+ Khuyến cáo người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi chất lượng ngoài kênh rạch trước khi lấy vào ao. Khi quan sát thấy chất lượng nước đảm bảo (nước đứng), tiến hành lấy vào ao lắng (qua túi lọc) cho đầy ao, lắng 3 – 5 ngày.

+ Cấp nước từ ao lắng qua ao ương và ao nuôi (qua túi lọc) đạt 1 – 1,2 m, tiến hành chạy quạt liên tục 3 ngày cho trứng cá và giáp xác nở thì tiến hành xử lý BKC liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp saponine liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3 vào lúc trời nắng để đạt hiệu quả diệt tạp và diệt khuẩn tốt nhất.

– Gây màu nước

+ Áp dụng phương pháp bón phân gây màu theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Phân vô cơ (urê hoặc DAP), bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 – 1,2 kg/1.000 m2 trong 1 tuần.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S, NO2… Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, khi đạt 35 – 40 cm mới tiến hành thả giống.

2. Tôm giống và phương pháp ương

– Chọn tôm giống

+ Trong nuôi tôm, chất lượng tôm giống là yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Do vậy, muốn tôm giống thả nuôi có chất lượng đảm bảo cần chọn ở các cơ sở có uy tín, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

+ TTCT giống phải đảm ứng các yêu cầu cảm quan như: Tôm có chiều dài > 0,8 cm (PL10 – 12), kích cỡ đồng đều, tỷ lệ chênh lệch đàn < 5%, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không dị tật và khả năng bơi ngược dòng tốt. Sau đó, đem tôm giống xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như: Bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính, Taura.

– Phương pháp ương tôm giống

– Sau khi ao ương đã chuẩn bị hoàn tất, tiến hành ương với mật độ ương phổ biến 100 – 150 con/m2. Thả tôm giống vào thời điểm sáng sớm, thời tiết thuận lợi không ảnh hưởng của mưa bão, nắng nóng kéo dài.

+ Trong thời ương cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ương (ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn…) hằng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả. Theo dõi khả năng tiêu tốn thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, thông thường lượng thức ăn cho ngày đầu 1,5 – 2 kg/100.000 post, sau đó tăng 300 – 700 g/ngày.

+ Định kỳ sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 10 – 15 kg/100 m3 kết hợp tạt vi sinh cho ao ương, khoáng để ổn định các yếu tố môi trường ao ương.

3. Chăm sóc, quản lý sau khi san nuôi

– Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao san) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi. Ao san cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

– Sau khi ương được 30 – 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi. Khuyến cáo tiến hành san thưa trong những ngày thời tiết thuận lợi, tốt nhất san thưa vào chiều tối. Thông thường có hai cách san tôm từ ao ương san ao nuôi là đào mương cho tôm tự qua và chày tôm chuyển sang.

– Quản lý tốt việc cho tôm ăn trong quá trình nuôi, thông thường cho ăn từ 4 cữ/ngày, cho tôm ăn theo nguyên tắc “ngày nhiều, đêm ít” với tỷã lệ 6:4. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tôm đang lột xác… giảm lượng thức ăn 30 – 50% lượng thức ăn hằng ngày.

– Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.

– Trong nuôi thẻ chân trắng, cần độ kiềm > 80 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 – 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

–  Định kỳ 7 – 10 ngày sẽ cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Trường hợp vi khuẩn Vibriospp. cao (sau khi có kiểm tra mẫu nước tại các cơ quan chuyên môn) tiến hành diệt khuẩn ao nuôi trước, sau 1,5 – 2 ngày tạt vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển.

– Cấp nước bổ sung cho ao nuôi khi thật sự cần thiết vì nếu chất lượng nước không đảm bảo tôm dễ bị sốc. Trường hợp cấp nước bổ sung vào ao nuôi thì nên lấy nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận và mỗi lần bổ sung 10 – 20% vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.