Kỹ thuật trồng nhãn (P1)

Nhãn có tên khoa học là Euphoria longana hay Dimocarpus longan, thuộc họ Sapindaceae. Trong 100g thịt quả chứa: 109,0 calo; 1,0g protein; 0,5g chất béo; 12,38-22,55% đường tổng số; +28,0 I.U. Vit A; 43,12-163,70mg Vit C; 196,5mg Vit K,…Như vậy, quả nhãn ngoài các chất khoáng thì độ đường, vitamin C và K khá cao là các chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe của con người, thích hợp với ăn tươi. Nhãn tươi và nhãn chế biến là mặt hàng giá trị có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Nhãn ở miền Nam được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Lào, …

I. YÊU CẦU SINH THÁI

1. Nhiệt độ

Nhãn thường được trồng chủ yếu trong vĩ độ từ 15-28o Bắc và Nam của xích đạo. Nhiệt độ bình quân hàng năm 21-27oC thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.

2. Lượng mưa

Nhãn cần lượng mưa thích hợp hàng năm khoảng 1300-1600mm. Lúc cây ra hoa gặp thời tiết nắng ấm, tạnh ráo có lợi cho việc thụ phấn, đậu quả tốt và năng suất sẽ cao.

3. Ánh sáng

Nhãn cần nhiều ánh sáng, thoáng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây nhãn thích hợp với ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. ánh sáng chiếu được vào bên trong tán giúp cây phát triển và thường sai trái, ánh sáng còn giúp đậu trái, vỏ bóng và vị ngọt, ngon.

4. Nước

Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng và rất dễ nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài. Ngược lại, nếu gặp khô hạn trong thời gian dài sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn.

5. Đất đai

Đất cát pha thịt, đất đỏ, đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ thích hợp cho việc trồng nhãn hơn trên các loại đất khác. Cây nhãn sinh trưởng tốt trong điều kiện đất thoát nước, tơi xốp, pH nước khoảng 5,5-6,5.

II. CÁCH NHÂN GIỐNG, TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG TỐT VÀ NHỮNG GIỐNG PHỔ BIẾN HIỆN NAY

1. Cách nhân giống:

a. Chiết cành:

Đây là phương pháp nhân giống phổ biến nhất trên nhãn, thời điểm chiết tốt nhất là vào đầu mùa mưa.

Chọn cành chiết trên cây mẹ có năng suất cao, phẩm chất tốt, sinh trưởng tốt, không nhiễm sâu bệnh hại quan trọng. Chọn cành chiết có đường kính 0.8-1.5cm, chiều dài từ 0.5-0.8m, tùy giống. Dùng dao bén khoanh vỏ cành 1 đoạn dài từ 0.5-1 cm cách ngọn cành 0.5-0.8m tùy giống, cạo sạch vỏ (có thể dùng chất kích thích ra rễ thoa phía trên vết khoanh), dùng bao nylon bó chỗ khoanh lại, khoảng 1-2 tuần thì tiến hành bó bầu. Vật liệu bó bầu có thể là rễ lục bình, bột xơ dừa. Khoảng 1,5-2 tháng sau khi bó bầu sẽ ra rễ, khi rễ thứ cấp ra đều và chuyển sang màu vàng lợt thì cắt xuống giâm đến khi cây ra được 1 đợt đọt và bắt đầu già thì có thể đem trồng.

b. Ghép mắt

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp cần thay đổi giống nhanh từ giống nhãn có phẩm chất kém sang giống có năng suất cao và phẩm chất ngon. Từ các gốc nhãn có sẵn, sẽ ghép giống cần ghép vào. Trường hợp này thường áp dụng kiểu ghép chữ U hoặc chữ H. Dùng dây PE quấn kín mối ghép, sau 2-3 tuần tháo dây ra, khoảng 5 ngày sau tiến hành cắt ngọn gốc ghép. Hiện nay phương pháp ghép cành trên nhãn cũng được áp dụng rộng rãi để nhân nhanh các giống nhãn có phẩm chất tốt, năng suất cao phổ biến ra sản xuất.

2. Tiêu chuẩn cây giống tốt:

Thân cây thẳng, vững chắc. Chiều cao cây giống từ 80 cm trở lên (đối với cây ghép), từ 60 cm trở lên (đối với cây chiết). Đường kính cành giống từ 1,0-1,2 cm (đo cách vết ghép khoảng 2 cm về phía trên đối với cây ghép), từ 0,8 cm trở lên (đo cách mặt giá thể bầu ươm 10 cm đối với cây chiết). Có 2 hoặc hơn 2 cành (đối với cây ghép) và chưa phân cành hoặc có hơn 2 cành (đối với cây chiết). Có 1-2 đợt lộc mới sinh ra sau ghép hoặc chiết. Số lá trên thân chính hiện diện đầy đủ từ vị trí chiều cao cây đến ngọn. Lá đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.

3. Những giống phổ biến hiện nay:

Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) có thể trồng một số giống nhãn đạt năng suất cao, phẩm chất ngon như nhãn Xuồng cơm vàng, nhãn Super (nhóm nhãn long), nhãn Tiêu da bò (tiêu Huế)

a. Giống nhãn Xuồng cơm vàng

Giống này có nguồn gốc và được trồng đầu tiên tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là giống có nhiều triển vọng. Khả năng sinh trưởng khá. Năng suất ổn định, cây 15-20 năm tuổi có năng suất trung bình 100-140kg/cây/năm. Quả trên chùm to đều, trọng lượng quả trung bình 16-25g. Thịt quả có màu trắng hanh vàng, dầy thịt 5,5-6,2 mm, tỷ lệ % thịt (phần ăn được)/quả 60-70%, độ Brix 21-24%. Cấu trúc thịt: ráo, dai, dòn. Mùi vị ngọt, khá thơm, dùng để ăn tươi là chính. Vỏ trái khi chín có màu vàng da bò. Giống nhãn Xuồng cơm vàng rất thích hợp trên vùng đất cát giồng, nếu trồng trên đất khác nên trồng bằng cây tháp dùng gốc nhãn có sẵn tại địa phương.

b. Giống nhãn Super

Cây ra hoa tự nhiên, mùa thu hoạch chính (vụ 1) vào tháng 6-7 DL, vụ phụ (vụ 2) vào tháng 12-1 DL. Năng suất ổn định, cây 4 năm tuổi có năng suất trung bình 30 kg/cây/năm. Trọng lượng quả trung bình 10-14g. Thịt quả có màu trắng, hanh vàng, dầy thịt 5-8 mm, tỷ lệ % thịt/quả 65-70%, độ Brix 21-25%. Cấu trúc thịt: ráo, dòn. Mùi vị ngọt, ít thơm. Vỏ trái khi chín có màu vàng sậm đến vàng sáng.

c. Giống nhãn Tiêu da bò

Giống này còn được gọi là Tiêu Huế. Đây là giống được trồng phổ biến do có khả năng sinh trưởng rất cao. Năng suất ổn định, cây 8-10 năm tuổi có năng suất trung bình 120-180kg/cây/năm. Trọng lượng quả trung bình 8-12g. Thịt quả màu trắng đục, dầy thịt 5-6 mm, tỷ lệ % thịt/quả 60-65%, độ Brix 20-23%. Cấu trúc thịt: khá ráo, dai. Mùi vị ngọt trung bình, ít thơm.

Thay giống mới trên cây nhãn bằng phương pháp ghép bo

III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

A. THIẾT KẾ VƯỜN

1. Đào mương lên líp

Vùng đất thấp như ở ĐBSCL cần phải đào mương lên líp nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Líp có chiều rộng trung bình 7-8 m, mương rộng 2-3 m, sâu 1-1,5 m (. Vùng đất cao phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây nhãn vào mùa nắng.

2. Trồng cây chắn gió:

Khi qui hoạch vườn nhãn nên trồng cây chắn gió để hạn chế việc rụng hoa, trái trong mùa mưa bão. Hàng cây chắn gió được trồng dọc theo phía ngoài, thẳng góc với hướng gió

3. Khoảng cách trồng:

Trồng cây trong vườn có thể theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình nanh sấu hoặc theo đường vành nón cho vườn đồi ở vùng đồi núi.

Khoảng cách trồng cây thường thay đổi từ 4-8m tùy vào giống, đất đai và mô hình trồng. Giống nhãn Tiêu da bò là giống sinh trưởng rất mạnh nên có thể trồng thưa hơn so với các giống nhãn khác (Hình 8,9). Đối với vùng đất ở ĐBSCL có thể trồng với khoảng cách 5 x 4 m hoặc 6 x 5 m. Sau 7-10 năm, khi cây giao tán thì tỉa bớt cây ở giữa (bỏ 1 cây, chừa 1 cây) để tránh cạnh tranh ánh sáng. Tương tự, những vùng đất ở miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ có thể trồng nhãn với khoảng cách trên.

Khoảng cách cây là 7 m (cây được tỉa cành hàng năm nên chưa giao tán lúc 7 năm tuổi)

Tủ gốc giữ ẩm cho nhãn vào mùa nắng

Nguồn: Kỹ thuật trồng nhãn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Một số bệnh phổ biến trên cây nhãn

Cây nhãn là một loại cây ăn trái được ưa thích vì ăn ngon và dễ trồng. Nhãn được trồng nhiều ở miền Nam. Tuy nhiên, khi trồng nhãn, thường gặp một số loại sâu bệnh sau:

A. sâu hại

1. Sâu đục gân lá (Acrocercops hierocosma Meyr)

Hình thái và cách gây hại: Thành trùng màu xám nâu, kích thước sải cánh khoảng 4 mm, cánh trước dài và hẹp, trên cánh có những vân màu trắng bạc, cánh sau hình dùi có nhiều lông tơ mịn dài.

Ấu trùng dài khoảng 5mm có màu xanh nhạt. Sâu chui ra khỏi gân lá để hoá nhộng, nhộng dài khoảng 5 mm được che phủ bên ngoài bằng một màng mỏng đính trên mặt lá nhãn.

Sâu gây hại trên nhãn, vải. Hiện nay loài này ngày càng gây hại quan trọng trên nhãn ở các tỉnh ĐBSCL. Bướm cái thường đẻ trứng trên các cành, lá nhãn non. Sâu nở ra ăn phá bằng cách đục vào gân chính của lá, làm đứt nghẻn mạch nhựa của lá, lá không phát triển được hoặc bị méo mó. Triệu chứng lá bị cháy khô đầu trông rất giống lá bị bệnh. Khi các đợt lộc bị gây hại nặng ảnh hưởng đến sự phát triển bộ lá, làm giảm khả năng ra hoa hoặc trái bị rụng.(Hình 17 và 18).

Phòng trị: Tỉa cành để các đợt ra lộc tập trung dễ kiểm soát.

Phun thuốc trong giai đoạn cây ra đọt non bằng các loại thuốc như: Fenbis, Sagomycin, Cymbus, Applaud hoặc các loại thuốc gốc cúc tổng hợp khác.

 Triệu chứng sâu đục gân lá nhãn                     Sâu và nhộng sâu đục gân lá nhãn

2. Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis (Guenée))

Hình thái và cách gây hại: Thành trùng là một loại bướm có chiều dài sãi cánh 20 – 23mm, toàn thân màu vàng, trên cánh có nhiều chấm nhỏ màu đen. Trứng có hình elip dài khoảng 2- 2,5mm, trứng lúc mới đẻ có màu trắng sữa, khi sắp nở có màu vàng nhạt.(Hình 19).

Ấu trùng mới nở có màu trắng sữa, đầu màu nâu, về sau chuyển thành màu trắng hơi ửng hồng, trên lưng mỗi đốt cơ thể có 4 chấm màu nâu nhạt, trên các đốm có mang 1 sợi lông cứng nhỏ. ấu trùng trải qua 5 tuổi, ấu trùng phát triển đầy đủ dài 17 – 20 mm.

Nhộng dài khoảng 12 – 13 mm nằm trong một cái kén bằng tơ, ban đầu có màu nâu nhạt khi sắp vũ hóa có màu nâu đậm và có thể thấy rõ các chấm đen trên cánh.

Thành trùng hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng nấp ở nơi tối hoặc mặt dưới lá cây ký chủ. Cả thành trùng đực và cái đều ăn mật hoa. Trưởng thành cái đẻ trứng trên trái, đặc biệt là nơi tiếp giáp giữa các trái. Sâu có thể gây hại từ khi trái còn nhỏ đến sắp thu hoạch, nặng nhất là khi trái bắt đầu có cơm. Trái non bị sâu đục thường biến dạng, khô và rụng, trái lớn nếu bị hại sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất. Sâu thường hóa nhộng ở nơi tiếp giáp giữa các trái hoặc trên bề mặt trái. Trong tự nhiên nhộng thường bị ký sinh bởi 2 loài ong Brachymeria lasus (Walker) và Brachymeria nosatoi Habu.

Phòng trị:

Vệ sinh vườn bằng cách thu gom những trái bị nhiễm đem tiêu hủy.

Cắt tỉa cành sau khi thu hoạch cho vườn thông thoáng.

Dùng bẫy đèn với ánh sáng đen (Black light) để bẩy trưởng thành.

Có thể sử dụng bao trái để giảm thiệt hại.

Phun thuốc nếu có 1% số trái trong vườn bị tấn công, có thể dùng các loại thuốc như Vovinam, Fenbis, Karate, Polytrin, Baythroid, Fenbis, Cymbush. Chú ý thời gian cách ly của mỗi loại thuốc để bảo đảm an toàn cho nguời sử dụng.

Thành trùng sâu đục trái Conogethes punctiferalis

3. Bọ xít (Tessaratoma papillosa (Drury))

Hình thái và cách gây hại:

Thành trùng có màu nâu nhạt, cơ thể to, chiều dài thân khoảng 25-30 mm có dạng hình 5 cạnh, cánh trước có dạng cánh nửa cứng. Trứng dạng hình cầu, kích thước khoảng 2mm, màu nâu nhạt, được đẻ thành từng ổ xếp cạnh nhau trên mặt lá. ấu trùng cũng có dạng như thành trùng tuy nhiên cánh chưa phát triển hoàn chỉnh, kích thước nhỏ hơn và có màu vàng nâu, khả năng di chuyển kém linh hoạt hơn thành trùng.(Hình 20 và 21).
Bọ xít là đối tượng gây hại nguy hiểm trên nhãn vùng ĐBSCL, gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây ra đọt non, rụng hoa, rụng trái, chết các cành của phát hoa ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sinh trưởng của cây.

Phòng trị:

Tỉa cành để các đợt hoa và đọt non ra tập trung.

Dùng vợt bắt trưởng thành vào sáng sớm.

Trong tự nhiên có các loài thiên địch như kiến vàng, ong ký sinh có thể tấn công trứng bọ xít, do vậy nên tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch tự nhiên phát triển nhằm hạn chế bớt sự gây hại của bọ xít. Phun thuốc khi thấy mật số bọ xít cao, có thể dùng cá loại thuốc như Vovinam, Secsaigon, Confidor, Fastac, Sherpa…

Thành trùng bọ xít Tessaratoma papillosa     Bọ xít chích hút trên chùm nhãn

4. Rệp sáp (Pseudococus sp.) (Aleurodicus dispersus) (Nipaecoccus sp.)

Hình thái và cách gây hại:

Rệp sáp gồm rất nhiều loài gây hại trên nhãn. Khả năng sinh sản của rệp sáp rất cao, con cái có thể đẻ trứng hoặc đẻ trực tiếp ra con.
ấu trùng tuổi nhỏ ít có khả năng di chuyển, chúng thường kết hợp với các loại kiến để phân tán sang nơi khác. Rệp sáp có thể gây hại trên các bộ phận của cây như cành, lá, hoa trái. Cả ấu trùng và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, trong quá trình gây hại chúng thải ra mật thu hút nấm bồ hóng đến phát triển, sự phát triển của nấm bồ hóng trên tán lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, trên trái làm giảm giá trị thương phẩm. Ngoài ra vết thương do rệp gây ra giúp các loại nấm bệnh khác dễ dàng xâm nhập vào cây.(Hình 22 và 23).

Phòng trị:

Phun nước vào tán cây để rửa trôi rệp.

Nên tỉa bỏ những trái bị nhiễm ở giai đoạn đầu để tránh sự nhân mật số rệp sáp.

Tìm diệt các loại kiến có hại để hạn chế sự lây lan.

Hạn chế trồng xen với những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu,…

Phun thuốc khi thấy mật số cao bằng các loại thuốc như: Pyrinex, Fenbis, Supracide, Pyrinex, Admire, D-C tron plus…Khi phun có thể kết hợp các loại chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc.

Rệp sáp gây hại trên cành nhãn                       Rệp sáp gây hại trên trái nhãn

5. Sâu Đục Trái (Acrocercops cramerella Snellen)

Hình thái và cách gây hại:

Thành trùng là một loại ngài nhỏ có chiều dài sãi cánh 12 mm, toàn thân màu nâu nhạt, râu và chân rất dài, cánh trước có hình lá liễu thon dài có những vân trắng, cánh sau hình dùi rìa, cánh mang nhiều lông tơ. Thời gian sống của trưởng thành khoảng 7 ngày.
Thành trùng cái đẻ từng trứng trên cuống trái, trứng có hình bầu dục dẹp kích thước 0,5 mm, thời gian trứng 6 – 7 ngày. ấu trùng có 4 – 6 tuổi, khi mới nở ấu trùng có màu trắng sữa, đầu màu vàng và không chân, khi phát triển đầy đủ ấu trùng chuyển sang màu vàng nhạt kích thước 12 mm, giai đoạn ấu trùng kéo dài 14 – 18 ngày. Sâu thường hóa nhộng ở kẻ trái, nơi tiếp giáp giữa các trái hoặc trên lá khô, thời gian nhộng khoảng 6 – 8 ngày.

Thành trùng hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng nấp dưới lá hoặc cành cây. Trưởng thành đẻ trứng trên cuống trái, ấu trùng sau khi nở đục vào phần cuống trái làm cho trái bị rụng, đôi khi vào giai đoạn trái còn rất nhỏ.(Hình 24).

Sâu đục trái Acrocercops cramerella không gây thiệt hại nhiều đến năng suất trái so với sâu đục trái Conogethes punctiferalis, tuy nhiên theo một số ghi nhận gần đây cho biết, loài sâu hại này đang có chiều hướng gia tăng trên nhãn. Thiệt hại do loài này gây ra thông thường khoảng 10 – 15%. Điều đáng chú ý là loài này rất khó phát hiện nếu chỉ quan sát triệu chứng bên ngoài, khi điều tra trên vườn phải lột vỏ trái ra mới phát hiện được.

Phòng trị

Có thể sử dụng bao trái để giảm thiệt hại.

Trong tự nhiên trứng sâu đục trái Acrocercops cramerella bị ký sinh bởi ong ký sinh họ Trichogrammatidae và kiến, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loài này phát triển cũng giảm được thiệt hại do sâu gây ra.

Có thể phun thuốc để phòng trị bằng các loại thuốc như: Fenbis, Sago-Super, Karate, Polytrin, Baythroid, Fenbis, Cymbush… Chú ý thời gian cách ly của mỗi loại thuốc để bảo đảm an toàn cho nguời sử dụng.

 Thành trùng sâu đục trái Acrocercops cramerella

B. Bệnh hại

1. Bệnh thối trái (do nấm Phytophthora sp.)

Triệu chứng bệnh thối trái nhãn

Triệu chứng: Bệnh này thường xuất hiện và gây hại nặng trên trái nhãn lúc nhãn sắp già, chín và đặc biệt là trong mùa mưa, nơi có ẩm độ cao thì bệnh phát triển và lây lan rất nhanh chóng. Do nấm Phytophthora thường lưu tồn trong đất nên các chùm trái gần mặt đất thường dễ bị nhiễm bệnh hơn trong mùa mưa từ đây sẽ là nguồn lây lan cho các chùm trái phía trên và lây lan sang cây khác trong cả vườn.

Trái bị bệnh thường bị thối nâu, lan dần từ vùng cuống trái trở xuống, làm trái nứt ra, thịt trái bị thối nhũn, chảy nước có mùi hôi chua và có thể thấy tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh.(Hình 25).

Phòng trị: Để phòng trị bệnh này nên tỉa bỏ các cành gần mặt đất vì khi trái gần chín sẽ dễ nhiễm bệnh từ đất trong mùa mưa.

Cần lưu ý cắt bỏ và thu gom các trái bị bệnh rơi rụng trong vườn đem tiêu hủy. Phun các loại thuốc như Alpine, Mexyl, Ridomil Gold, Aliette, hoặc các loại thuốc có gốc đồng theo liều lượng khuyến cáo.

2. Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium sp.)

Triệu chứng bệnh phấn trắng

Triệu chứng: Hoa bị xoắn vặn, khô cháy. trái non bị nhiễm bệnh sẽ nhỏ, có màu nâu. Vỏ trái bị đóng phấn trắng nhất là ở vùng gần cuống. Trái lớn hơn nếu nhiễm bệnh thường bị thối nâu từ cuống trái sau đó chuyển sang màu nâu đen và lan dần đến nguyên trái.(Hình 26).

Phòng trị: Vườn thoáng, ánh sáng xuyên qua được tán lá sẽ hạn chế sự phát triển của bệnh.

Phòng trị bệnh bằng cách phun các loại thuốc hóa học như ư Thio –M 500SC, Bendazol 50WP, Topsin M, Nustar, … nồng độ theo khuyến cáo. Để phòng ngừa bệnh và phòng trị có hiệu quả có thể phun thuốc vào giai đoạn trước khi trổ hoa và ngay khi hoa vừa đậu trái non.

3. Bệnh đốm bồ hóng (do nấm Meliola sp.)

Triệu chứng: Bệnh gây hại chủ yếu ở mặt dưới lá. Đốm bệnh hình hơi tròn với viền không đều, kích thước 1-3mm, đen ( màu càng sậm khi đốm bệnh càng to ). Bề mặt đốm bệnh hơi sần sùi do nấm bồ hóng phát triển trên đó. Mặt dưới lá có thể có nhiều đốm

nhưng các đốm này thường rời nhau. Cạo lớp bồ hóng đi bên dưới thấy mô lá bị thâm đen. Nấm bò hóng thường phát triển nhiều trên các vườn trồng quá dầy, tàn lá che rợp nhau và ẩm độ khộng khí cao.

Triệu chứng bệnh đốm bồ hóng

Phòng trị: Không nên trồng dầy, tỉa bớt cành vô hiệu khi tạo tán sau thu hoạch giúp cây thoáng..

Có thể sử dụng các loại thuốc gốc đồng để phòng trị bệnh như: Carbenzim 500FL, Thio-M 500SC, COC-85, Copper zinc, …phun theo liều lượng khuyến cáo.

4. Bệnh khô cháy hoa (do nấm Phyllostica sp. hoặc Pestalotia sp.)

Triệu chứng bệnh khô hoa

Triệu chứng: Bệnh khô cháy hoa thường xuất hiện vào lúc hoa nhãn đang nở rộ, trên cánh hoa có những vết chấm nhỏ bằng đầu kim, có màu nâu đen làm hoa bị vàng, sau đó khô và rụng đi. Nấm thường tấn công vào lúc có nhiều sương mù hay mưa nhiều, ẩm độ không khí cao.(Hình 28).

Phòng trị: Nên trồng thưa giúp cây thoáng, cho ánh sáng xuyên qua tán cây làm giảm độ ẩm sẽ hạn chế được bệnh. Phòng trị bằng các loại thuốc như: Bendazol 50WP, Score, Carbenzim 500FL hoặc thuốc gốc đồng theo khuyến cáo vào giai đoạn trước khi hoa nở để phòng bệnh.

Nguồn: Kỹ thuật trồng nhãn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng và chăm sóc cây ổi: Tưới và tiêu nước cho ổi

Nước hòa tan các chất khoáng (dinh dưỡng cây trồng) cung cấp cho cây trồng qua rễ cây. Cây hấp thụ nước qua rễ cùng với các chất dinh dưỡng đi lên lá cây. Sự chuyển đổi hóa học các chất hữu cơ trong tế bào dưới sự giúp đỡ của nước. Nước tham gia trực tiếp vào nuôi dưỡng cây và đi vào mọi phần của cây, đồng thời giữ các tế bào trong trạng thái kéo căng nở. Khi không đủ nước trong đất cây sẽ héo và kém phát triển, thiếu nước kéo dài chúng sẽ khô héo hoàn toàn.

1. Xác định nhu cầu nước của cây ổi

Cây ăn quả nói chung và cây ổi nói riêng hấp thụ nước trong đất theo bộ rễ, nước trong đất nằm trong các khe rỗng. Rễ cây hô hấp (hấp thụ không khí) cũng qua khe rỗng. Như vậy để cây ổi phát triển bình thường, thì trong khe rỗng của đất phải có cả nước và không khí.

Cây ổi cần một lượng mưa từ 1.500 – 4.000 mm phân bố tương đối đều thì không phải tưới. Nếu lượng mưa không đáp ứng được đầy đủ đặc biệt trong mùa khô cần có sự hỗ trợ thêm của các biện pháp canh tác như tưới nước vào mùa khô, che tủ đất…

– Khi cây còn nhỏ, chưa ra hoa kết quả:

+ Cần tưới đủ ẩm cho cây.

+ Thiếu nước, cây có thể chết héo.

+ Thừa nước rễ không phát triển được, có thể bị thối và chết.

Vào giai đoạn này nhu cầu về ẩm độ của cây ổi là 65 – 80% độ ẩm tối đa.

Ở giai đoạn mới trồng nếu tưới kịp thời và đầy đủ, cây con sẽ nhanh bén rễ, phát triển xanh tốt .

– Khi cây ra hoa, kết quả: Yêu cầu nước cao hơn, nếu thiếu nước trong thời gian này cành và lá phát triển yếu, hoa ra chậm, chóng tàn, quả nhỏ, chín sớm và chóng rụng. Trong trường hợp độ ẩm quá thừa, nước đẩy hết không khí thoát ra ngoài làm cho rễ cây thiếu khí thở, rễ cây bị phồng và thối nát, còn quả phát triển chậm, lá rụng, cây héo và chết dần.

Mặc dù nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm với lượng mưa từ 1500 – 2000 mm/năm nhưng lượng mưa này không được phân phối đều ở tất cả các tháng trong năm mà chủ yếu tập trung vào mùa mưa, những tháng còn lại mưa rất ít thậm chí có thể không mưa vào đỉnh điểm mùa khô nên vẫn không đủ cung cấp ẩm độ theo nhu cầu của cây mà ta phải cung cấp thêm cho cây bằng việc tưới nước.

Như vậy, tưới nước là công việc không thể thiếu của người làm vườn và việc xác định khi nào tưới, tưới như thế nào, tưới bao nhiêu thì đủ là rất cần thiết.

Các cách để kiểm tra độ ẩm đất

– Dùng máy đo độ ẩm hoặc dùng tay kiểm tra độ ẩm đất trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây ổi

Máy đo độ ẩm đất

– Hoặc quan sát tầng đất mặt và độ cương nước của cành lá, nhất là ở các bộ phận non.

Dễ quan sát nhất là thời gian giữa trưa, khi cây thoát hơi nước nhiều nhất và nếu đất thiếu ẩm thì lá dễ héo.

Nếu độ ẩm đất nhỏ hơn yêu cầu của cây thì phải tiến hành tưới nước, nếu độ ẩm vượt quá cao thì phải tiêu nước.

2. Tưới nước cho cây ổi

2.1 Phương pháp tưới nước cho cây ổi

Phương pháp tưới bằng những dụng cụ đơn giản: Dùng thùng, xô … tưới nước cho từng gốc ổi.

– Ưu điểm: Phương pháp này rất đơn giản, chỉ cần cho nước vào hệ thống mương trong vườn và dùng những dụng cụ đơn giản như xô, thùng tưới hay dụng cụ tự chế để tưới đủ ẩm cho ổi.

– Nhược điểm: Thời gian tưới lâu, khó áp dụng trên diện tích lớn

Tưới bằng bình tưới vòi sen

Phương pháp tưới phun

Đây là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt nước lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 360o, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5-1,0m (dưới dạng phun sương hay phun mù) thường áp dụng tưới cho cây con trong vườn ươm hoặc vòi phun hạt to di động cầm tay dùng để tưới vào những ngày nắng nóng (phun vào 16-18 giờ chiều) để tăng ẩm độ không khí, giảm độ nóng cho quả, cho cây, chống hiện tượng rụng quả do thời tiết khắc nghiệt.

Sơ đồ hệ thống thiết bị phun

Tưới phun cho vườn ổi

– Ưu điểm:

+ Khắc phục được hiện tượng thời tiết không thuận lợi (nắng nóng, độ ẩm không khí thấp) bảo đảm năng suất, chất lượng quả và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cao trong việc nhân giống cây con (ươm, giâm cây giống).

+ Tiết kiệm được nhiều lượng nước tưới (có thể giảm 40 – 50% lượng nước so với tưới ngập thông thường), các tổn thất do thấm sâu và chảy tràn được giảm thiểu khá nhiều. Do vậy, hiệu quả sử dụng nước tưới cao.

+ Phương pháp tưới này có thể áp dụng cho hầu hết mọi dạng địa hình cao thấp khác nhau, không cần phải làm phẳng mặt ruộng.

+ Tưới phun còn giảm thiểu chi phí xây dựng kênh mương nội đồng, do vậy có thể gia tăng diện tích canh tác.

+ Cách tưới này có thể kết hợp với việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh bằng cách hoà tan các chất này vào nước.

+ Tưới phun mưa còn tạo cảnh quan đẹp, góp phần gia tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ không khí khu vực. Năng suất cây trồng trong phạm vi tưới thường được nâng cao.

– Nhược điểm:

+ Chi phí lắp đặt thiết bị tưới ban đầu thường lớn.

+ Người vận hành hệ thống tưới phải có kỹ thuật điều khiển hoạt động.

+ Hệ thống phải thường xuyên được theo dõi, điều chỉnh tốc độ phun hoặc di chuyển theo hướng gió. Gió mạnh gây khó khăn trong điều chỉnh lưu lượng phun mưa.

+ Các đầu phun thường hay bị nghẽn nếu nguồn nước có nhiều chất bùn cặn.

+ Nếu tưới nhiều bằng vòi phun cầm tay di động hạt nước to mặt đất cũng bị ghí chặt, phá vỡ kết cấu mặt đất, chất dinh dưỡng bị rửa trôi theo dòng nước chảy trên mặt đất.

+ Ngoài ra, việc bố trí đường ống có thể làm hạn chế cơ giới hóa và một số hoạt động canh tác khác.

Phương pháp tưới phun mưa bằng cơ giới: Đây là phương pháp tưới rất phổ biến tại nhiều nơi của Việt Nam và tưới cho nhiều loại cây trồng.

– Ưu điểm:

+ Có thể cơ động trên những địa hình khác nhau, nhờ đó giúp người dân chủ động và sử dụng hiệu quả;

+ Tiết kiệm kinh phí đầu tư ban đầu cho việc thiết kế và xây dựng, bảo quản;

+ Giảm được nhiệt độ vùng tiểu khí hậu khu vực cây trồng nơi tưới;

+ Thao tác dễ dàng;

– Nhược điểm

+ Mỗi lần tưới phải kéo ống dây xa và tốn công tưới;

+ Không pha chung được với phân bón;

Phương pháp tưới nhỏ giọt
Đây là phương pháp tưới hiện đại, thường được áp dụng đối với những vườn cây ăn trái đặc sản có hiệu quả kinh tế cao ở những vùng thiếu nước tưới.

Bố trí tưới nhỏ giọt và các đường ống dẫn nước

– Ưu điểm:

+ Cách tưới này tiết kiệm lượng nước tối đa.

+ Đất không bị gí chặt, giữ nguyên hiện trạng kết cấu đất, đất không bị bào mòn, phân bón không bị rửa trôi.

– Nhược điểm: Phương pháp này yêu cầu đầu tư lớn nhất, khó áp dụng trong sản xuất đại trà.

Tưới nhỏ giọt cho ổi

Phương pháp tưới rãnh: Là phương pháp tưới nước để nước chảy theo các rãnh được thiết kế giữa các hàng cây. Nước được thấm dần vào đất và cung cấp cho cây trồng.

Sơ đồ tưới rãnh (Hình thức tưới rãnh cho cây trồng)

– Ưu điểm:

+ Tiết kiệm và chủ động được nước tưới cho vườn cây, lớp đất mặt vẫn tơi xốp, không bị gí chặt, kết cấu đất vẫn giữ vững, đất không bị bào mòn, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi.

+ Giảm được tổn thất nước do bốc hơi nên cho hiệu quả tưới cao hơn.

+ Nước đi vào cây qua hệ thống rễ, không làm ướt lá nên có thể tránh được một số bệnh cho cây.

Rãnh tưới nước cho ổi

– Nhược điểm:

+ Chỉ áp dụng được với nơi có địa hình tương đối bằng phẳng (độ dốc <50).

+ Lãng phí một phần nước ở cuối rãnh tưới.

+ Gặp khó khăn trong việc vận chuyển công cụ sản xuất qua rãnh.

+ Chi phí khá lớn nhân công và thời gian cho việc cải tạo các rãnh nước.

Trong các phương pháp trên thì tưới rãnh và tưới phun bằng cơ giới được nông dân áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên hiện nay với những vùng trồng chuyên canh, nông dân đã bắt đầu áp dụng hình thức tưới phun mưa sử dụng đầu phun tự động và tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân giúp giảm chi phí nhân công đem lại hiệu quả kinh tế cao.

2.2. Tưới nước cho ổi

– Tưới sau khi trồng: Sau khi trồng cây rất cần nước, do vậy phải tưới nước ngay để cây chóng hồi phục. Tùy chân đất thấp hay cao, loại đất mà ta có thể tưới để đảm bảo độ ẩm đất cho cây con phát triển. Nên tưới nước cho ổi thường xuyên ngày 2 lần cho tới khi cây đã ra được 2 đợt tược mới thì giảm xuống 1 lần/ngày.

– Mặc dù ổi chịu hạn khá tốt nhưng việc tưới cho cây vào mùa nắng sẽ giúp cây phát triển khỏe. Tưới nước vào lúc cây cho trái giúp tăng năng suất và kích thước trái. Lượng nước tưới và thời gian tưới thay đổi tùy theo tuổi cây và mùa trong năm.Tùy vào điều kiện tự nhiên và kinh tế từng vùng để chọn phương pháp tưới thích hợp.

3. Tiêu nước cho cây ổi

3.1 Tác hại của sự ngập úng đối với cây ổi

Tình trạng ngập úng là nguyên nhân làm đất bị thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, rễ bị “nghẹt” và sau đó bị thối. Hậu quả này làm các loài nấm bệnh trong đất (chủ yếu là Fusarium và Phytophtthora) rất dễ tấn công gây hại cho cây trồng trong và sau mùa lũ. Hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp ethylenne bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng và rụng.

Quan sát tình hình mặt đất, bộ rễ và màu sắc của cây trồng, ta có thể biết được tình trạng úng ngập trong đất và phải nhanh chóng thoát thủy. Các dấu hiệu thông thường là:

Trên mặt đất: đất trở nên nhão nhẹt, nước đọng thành vũng không rút xuống được. Màu đất trở nên xám hoặc có nhiều đốm xám do thiếu sự hiện hiện của oxy hoặc các acid hữu cơ độc hại (ví dụ H2S).

Xuất hiện các loại thực vật ưa nước: như cỏ lông chồn, cỏ lác, rêu, nấm cây, …

Côn trùng: các loại muỗi, bù mắt, sên xuất hiện.

Trên cây: lá cây bị đxoài màu vàng, xám hoặc đen. Thân cây trở nên mềm, dễ đổ ngã, rễ cây cạn, có màu đen, …

Vườn ổi bị ngập úng

3.2 Các phương pháp tiêu nước cho ổi

Có hai hệ thống tiêu chính:

– Hệ thống tiêu mặt: Áp dụng để tiêu thoát nước khi có lượng mưa quá lớn hoặc lũ/triều tràn sông gây úng ngập trên mặt vườn. Thông thường áp dụng biện pháp tiêu theo trọng lực, nước sẽ tự chảy đi theo hướng chảy từ nơi cao xuống nơi thấp (mương thoát nước). Nếu nước nguồn quá lớn phải có đê bao và dùng bơm để thoát nước.

Hệ thống tiêu mặt cho ổi

– Hệ thống tiêu ngầm: Khi mực nước ngầm dâng cao (do mưa, lũ, triều) gây úng bộ rễ cây trồng. Đối với hệ thống tiêu ngầm, phổ biến là hình thức dùng các ống cống chôn ngầm dưới lớp rễ cây và cho nước tập trung vào đường ống rồi dẫn ra ngoài bằng bơm hoặc tự chảy. Tiêu ngầm có thể có lợi thế là ít bị xói mòn hơn tiêu mặt nhưng chi phí đầu tư và bảo trì sẽ lớn hơn.

Hệ thống tiêu ngầm

Một số lưu ý khi bố trí kênh tiêu:

+ Tuyến kênh tiêu phải nằm ở vị trí địa hình thấp để có thể dễ tập trung nước bằng hình thức tự chảy theo trọng lực;

+ Tuyến kênh tiêu phải ngắn để nhanh chóng thoát nước ra khỏi khu vực cần tiêu và giảm khối lượng thi công;

+ Tránh để đường kênh tiêu đi qua các vùng đất nhiều chứng ngại vật, công trình và khu vực có nền đất không ổn định.

+ Triệt để lợi dụng các sông rạnh tự nhiên để làm kênh tiêu; nếu cần có thể nạo vét các mương rạch để làm nơi nhận nước tiêu;

+ Có thể kết hợp kênh tiêu nước với kênh – rạch giao thông.

3.3. Tiêu nước cho vườn ổi

a. Tiêu nước cho vườn ổi
Để tiêu nước cho cây ổi cần thực hiện tốt các công việc sau:

– Tạo hệ thống rãnh xung quanh vườn cây. Đối với vùng ĐBSCL thì cần đào mương lên líp, còn đối với các vùng đất cao cần đào rãnh thoát nước xung quanh khu vực trồng.

– Vét rãnh xung quanh vườn cây

– Tiêu nước cho vườn cây:

Phương châm tiêu nước là sự tổng hợp của “Rải nước – Chôn nước – Tháo nước”:

+ Rải nước: Chia nhỏ các khu tiêu nước riêng biệt nhằm phân tán lượng nước cần tiêu theo yếu tố địa hình. Nghĩa là, nước ở tiểu vùng nào thì tiêu ngay ở chỗ đó.

+ Chôn nước: Cho nước lắng rút xuống tại chỗ ở những nơi trũng hoặc trữ tạm ở các ao, đìa, kênh tiêu để trữ tạm thời.

+ Tháo nước: Dùng biện pháp tiêu thoát nhanh tại những nơi có thể rút tháo nước thuận lợi. Đôi khi tháo nước cần có những biện pháp hỗ trợ như dùng bơm để bơm nước ra ngoài khu vườn.

Sử dụng máy bơm có công suất cao bơm thoát nước cho vườn

Bơm thoát nước cho vườn

b. Để hạn chế tác hại do ngập lụt cần xử lý vườn cây trước mùa mưa lũ

– Tôn cao đất liếp, gia cố đê bao chắc chắn.

– Dùng cuốc ba răng xới mặt liếp cho xốp sau đó rải phân nhằm giúp phân bón tiếp cận cây trồng dễ dàng hơn, hạn chế gây tổn thương rễ cây.

– Tu sửa lại mương máng, cống thoát nước để thoát nước nhanh khi mưa to, đảm bảo mực nước ở mương phải thấp hơn mặt liếp 0,6 m. Chuẩn bị máy bơm để sẵn sàng chống úng.

– Khi mưa liên tục cần thiết phải đào rãnh phụ sâu 40 cm để dẫn nước mưa thoát nhanh từ liếp ra mương.

– Cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.

– Hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị dí chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

– Không nên bón nhiều phân đạm, vì phân đạm sẽ kích thích cây ra đọt non.

– Không nên bón phân hữu cơ cho vườn cây vì phân hữu cơ sẽ làm tiêu hao nhiều oxy và khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không đủ oxy để hô hấp.

– Để tránh hiện tượng rửa trôi thì cắt bớt cỏ chỉ giữ lại gốc. Có thể chọn loại cỏ họ hoà bản như cỏ sả hay cỏ rusi để vừa kết hợp cho đất liếp vườn được tốt vừa tận dụng cho chăn nuôi.

– Có thể bồi sình trả lại lớp đất mặt cho liếp làm hàng năm hoặc hai năm một lần nhưng nên chú ý đến tầng phèn nếu bỏ lên trên mặt liếp thì chắc chắn mặt liếp sẽ bị phèn. Bề dày của lớp sình bồi phải vừa phải (khoảng 5 phân).

– Cần bón thêm vôi để hạ phèn và làm giảm đi mầm bệnh trong đất (Bệnh xì mủ gốc xoài thường dễ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt).

– Mùa mưa cỏ dại phát triển mạnh, để hạn chế cỏ nên dùng thuốc Gramoxone làm cháy bộ lá, giữ lại phần gốc làm thảm thực vật cho vườn cây được êm hơn.

c. Một số giải pháp khắc phục hiện tượng nghẹt rễ sau khi ổi bị ngập úng:
– Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (dài 8 – 10cm) để phá váng, giúp đất được thông thoáng.

– Bón DAP (2/3) và Clorua kali (1/3) với liều lượng 0,2 – 1kg hỗn hợp/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới. Việc thực hiện cùng với xới phá váng.

– Cung cấp các dưỡng chất qua lá chứa đường, NPK, Cytokinin… để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

– Khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương (dựa vào triều kém hoặc bơm thoát nước) để hạ nhanh mực thuỷ cấp trong liếp, giúp rễ mau thông thoáng hơn.

Chú ý trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại thuốc thích hợp.

Nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc ổi – Bộ NN&PT NT được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng và chăm sóc cây ổi: Bón phân cho cây ổi

Để cây ổi sinh trưởng và phát triển tốt chúng ta cần có biện pháp bón phân thích hợp.

1. Xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây ổi

Cây ổi hút dinh dưỡng một phần từ đất, một phần từ phân bón. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy rằng lượng chất dinh dưỡng cây trồng cây ổi cần là K>N>P>S>Mg = Ca và các vi lượng khác Mn>Fe>Zn>Cu>B.

1.1. Xác định nhu cầu dinh dưỡng đạm

Đạm là chất dinh dưỡng đa lượng rất cần thiết và rất quan trọng đối với cây, đạm cần cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng đặc biệt là giai đoạn cây tăng trưởng mạnh. Theo một số nghiên cứu, để tạo ra 1 kg chất khô cây ổi cần cung cấp 9,8g Nitơ.

Thiếu N trên cây ổi, lá vẫn có hình dạng bình thường, nhưng phiến lá và gân lá chuyển sang màu vàng nhạt làm giảm khả năng quang hợp. Thiếu N cũng làm giảm kích thước quả, trọng lượng và số quả trên cây, năng suất thấp.

Triệu chứng thiếu đạm trên lá ổi (từ lá non đến lá trưởng thành)

1.2. Xác định nhu cầu dinh dưỡng Lân

Lân kích thích sự phát triển bộ rễ, làm rễ ăn sâu vào trong đất và lan rộng ra chung quanh làm cho cây hút được nhiều chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho cây chống chịu hạn và ít đổ ngã.

Lân kích thích quá trình đẻ nhánh, nảy chồi, thúc đẩy cây ra hoa kết quả sớm và nhiều. Để tạo ra một 1 kg chất khô cây ổi cần 1,2 kg P.

Thiếu lân cây sinh trưởng chậm, mặt trên của lá có màu đỏ tươi, hiện tượng này bắt đầu từ các lá phía dưới trước, và từ mép lá vào trong, nếu thiếu P nghiêm trọng lá chuyển sang màu huyết dụ.

Triệu chứng thiếu Lân trên lá ổi và Lá ổi bị thiếu lân (bên trái), lá ổi bình thường (bên phải)

1.3 Xác định nhu cầu dinh dưỡng Kali

Kali là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và quan trọng trong việc nâng cao sản lượng trong sản xuất nông nghiệp.

Kali thường được nhắc đến như là một nhân tố tác động đến chất lượng của trái.

Đối với một số giống ổi bón Kali với liều lượng từ 160g đến 320g K2O/ làm cho cây cao hơn, tăng hàm lượng đường, kích thước trái và hàm lượng acid Ascorbic so với các nghiệm thức không bón Kali.

Thiếu Kali, lá ổi xuất hiện các đốm với hình dạng khác nhau, đốm xuất hện trên toàn lá, bắt đầu từ phiến lá sau đó lan dần tới gân lá.

Triệu chứng Thiếu Kali trên lá ổi

1.4 Xác định nhu cầu dinh dưỡng vi lượng

– Canxi (Ca): Canxi ảnh hưởng đến độ săn chắc của quả, giảm hàm lượng vitamin C, tăng nhanh quá trình chín, giảm thời gian bảo quản quả. Để tạo ra 1 kg chất khô, cây ổi cần 0,8g canxi.

Thiếu canxi thân cây mềm yếu, hoa rụng, nếu thiếu nặng thì đỉnh chồi có thể bị khô, các lá mới ra bị dị dạng, chóp lá uốn câu, rễ kém phát triển, ngắn, hóa nhầy và chết.

Triệu chứng thiếu Canxi trên lá ổi

– Mg (Magiê): Thiếu Mg lá ổi sẽ mất màu xanh bình thường và xuất hiện các đốm vàng, mép lá cong lên, thiếu nặng cây có thể bị chết khô. Thiếu Mg làm chậm quá trình ra hoa, cây thường bị vàng lá do thiếu diệp lục.

Triệu chứng điển hình là các gân lá còn xanh trong khi phần thịt lá đã biến vàng. Xuất hiện các mô hoại tử thường từ các lá phía dưới, lá trưởng thành lên lá non, vì Mg là nguyên tố linh động, cây có thể dùng lại từ các lá già. Để tạo ra 1kg chất khô, cây cần 0,8g Magiê. Nếu dư thừa magiê sẽ làm thiếu kali.

– Fe (sắt): Cần thiết cho sự tổng hợp và duy trì diệp lục tố trong cây, là thành phần chủ yếu của nhiều enzim, đóng vai trò chủ yếu trong sự chuyển hoá diệp lục tố.

– Theo các nghiên cứu cho thấy để tạo ra 1kg chất khô, cây ổi cần được cung cấp 15mg sắt.

– Thiếu Sắt gây ra hiện tượng màu xanh lá cây nhợt nhạt (bạc lá) với sự phân biệt rõ ràng giữa những gân lá màu xanh và khoảng giữa màu vàng. Thiếu sắt nặng có thể chuyển toàn bộ cây thành màu vàng tới trắng lợt.

Triệu chứng thiếu sắt trên lá ổi

– Vì Sắt không được vận chuyển giữa các bộ phận trong cây nên biểu hiện thiếu trước tiên xuất hiện ở các lá non gần đỉnh sinh trưởng của cây.

Triệu chứng thiếu sắt trên lá non

Sự thiếu sắt có thể xảy ra do sự thiếu cân bằng với các kim loại khác như Molipden, Đồng hay Mangan. Một số yếu tố khác cũng có thể gây thiếu sắt như quá thừa Lân trong đất; do pH cao kết hợp với giầu Canxi, đất lạnh và hàm lượng Carbonat cao; thiếu sắt do di truyền của cây; thiếu do hàm lượng chất hữu cơ trong đất thấp.

– B (Bo): Bo ảnh hưởng tới đỉnh sinh trưởng và quá trình phân hóa hoa, thụ phấn, thụ tinh, hình thành quả.

Để tạo ra 1kg sản phẩm khô cây ổi cần được cung cấp 6mg Bo.

Khi thiếu B thì chồi ngọn bị chết, các chồi bên cũng thui dần, hoa không hình thành, tỷ lệ đậu quả kém, quả dễ rụng, rễ sinh trưởng kém, lá bị dày lên, khi thiếu nặng sẽ làm hoại tử phần lõi quả.

Triệu chứng thiếu Bo – lõi qủa bị đen do thiếu Bo trên trái ổi

2. Xác định loại phân bón cho cây ổi

2.1. Xác định các loại phân bón cho ổi

Ổi yêu cầu nhiều phân, do đó cần cung cấp liên tục cho cây từ khi trồng đến khi cho trái. Lượng phân bón cung cấp cần gia tăng dần khi cây lớn.

Tùy vào điều kiện đất đai, địa hình, tuổi sinh trưởng của cây… mà lựa chọn các loại phân bón khác nhau, tuy nhiên phân bón trên cây ổi gồm các loại chủ yếu sau:

– Bón lót cho cây ổi: để bón lót cho ổi thường sử dụng các loại phân sau: Phân hữu cơ đã hoai mục, phân lân, vôi bột.

– Bón thúc cho cây ổi: Bón thúc cho cây ổi nên chọn các loại phân: NPK 16-16-8, KCl, Urê…

– Các loại phân bón lá khác có thể sử dụng: HVP TĐT – siêu ra hoa tăng đậu trái, HVP siêu canxi siêu BO, HVP 1001.S …

2.2. Tính lượng phân bón cho cây ổi

Lượng phân bón tùy theo độ màu mỡ của đất vườn và tình trạng sinh trưởng của cây. Theo khuyến cáo để cây ổi cho năng suất cao, chất lượng tốt thì cần bón nhiều phân.

Lượng phân bón được khuyến cáo như sau:

Bón lót cho cây ổi: Phân hữu cơ đã hoai mục (15 tấn/ha) Phân lân (750 kg/ha),Vôi bột (300 kg/ha), cách bón: trộn đều với đất giúp.

Bón phân cho cây ổi giai đoạn kiến thiết cơ bản:

+ Phân hữu cơ: Lượng phân chuồng: 50-100kg/cây, đào rãnh bón.. Ngoài ra có thể dùng nước thải từ hầm biogas pha với 70% nước rồi tưới thường xuyên 2-3 lần/tuần kể từkhi cây có nụ.

+ Năm thứ nhất. Lượng phân bón cần cho một gốc ổi là: 200g phân NPK(16:16:8), 50g urê, 50g KCl.

Bón phân cho cây ổi giai đoạn kinh doanh:

+ Năm thứ 2. Lượng phân bón cho một gốc: 400-500g phân NPK (16-16-8), 100g urê, 100g KCl. Chia thành 4 lần để bón trong 1 năm.

+ Năm thứ 3. khi cây cho quả ổn định. Tiến hành bón phân thành nhiều lần.

Bón thúc ra hoa: 200-300g phân NPK (16-16-8), 100g urê. Bón rải quanh gốc. Bón xong vun đất lấp.

Bón nuôi quả: 1-1,5 tháng sau khi bón nuôi hoa. Tiếp tục bón 15 ngày 1 lần kết hợp với bấm ngọn để kích thích ra chồi và nuôi quả. Bón tất cả khoảng 10 lần.

Lượng bón cho một cây : 100-200g NPK (16-16-8), 100g urê, 100g KCl, 20-30kg phân hữu cơ.

Cách bón: xẻ rãnh vòng quanh gốc, cách gốc 0,7 -1,0m. Bón phân xong lấp đất kín.

Sử dụng phân bón lá cho cây ổi

+ Thời kỳ ra nụ chuẩn bị nở hoa có thể dùng một số loại phân bón lá giúp tăng khả năng đậu trái như: HVP…

+ Thời kỳ mang trái để hạn chế rụng có thể dùng phân chứa Bo để phun.

+ Trước khi thu hoạch 20 ngày có thể phun các phân như: HVP 1001.S (0 – 25 – 25)…giúp tăng chất lượng trái thu hoạch.

Liệu lượng pha theo hướng dẫn trên bao bì.

4. Bón phân cho ổi

4.1. Chuẩn bị phân bón và các dụng cụ bón phân

– Chuẩn bị phân bón và cân phân bón: Cân đúng lượng phân cần bón theo quy trình.

– Vận chuyển phân bón đến vị trí bón: có thể dùng xe rùa, hoặc xe cơ giới nhỏ nếu như vườn bằng phẳng.

– Chuẩn bị các dụng cụ dùng để bón phân bao gồm: đồ bảo hộ lao động, cuốc , xẻng, thùng đựng hoặc để hòa phân….

4.2. Bón phân cho ổi giai đoạn kiến thiết cơ bản

– Phân chuồng: Cách gốc 50-100cm, đào một rãnh xung quanh gốc có bề rộng 20cm, sâu 30cm, rải đều phân vào rãnh rồi lấp đất lên, dùng cỏ khô phủ lên trên mặt rãnh sau đó tưới nước.

Bón phân theo rãnh

Các phân vô cơ được hoà vào nước để tưới vào gốc.

– Hòa phân với 1 lượng nước vừa phải. Đổ phân và nước vào thùng

Hòa phân bón

– Dùng que khuấy đều phân trước khi đem đi tưới.

Khuấy đều phân bón

4.3. Bón phân cho cây ổi giai đoạn kinh doanh

Cách bón:

– Xẻ rãnh vòng quanh gốc, cách gốc 0,7-1,0 m. Kích thước rãnh: bề rộng 20cm, sâu 30cm

Đào rãnh theo đường kính tán

– Rải đều phân vào rãnh rồi lấp đất lên.

Rải phân vào rãnh

– Bón phân xong lấp đất kín, tưới nước và phủ rơm rạ cỏ khô lên.

Lấp đất sau khi bón

Nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc ổi – Bộ NN&PT NT được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật chăm sóc cây ổi: Tỉa cành, tạo tán cho ổi

Nhờ hiệu quả kinh tế lớn và có công dụng về y học nên cây ổi được trồng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, để thu về được lượng ổi lớn và chất lượng, người nông cần cần tìm hiểu kỹ thuật trồng cây.

1. Mục đích của việc tỉa cành tạo tán cho cây ổi

Khi cây bắt đầu trồng đến khi ra hoa quả, hoạt động chủ yếu là tạo bộ rễ, hình thành thân chính và bộ khung cành lá. Tuy nhiên, nếu để cây tự phát triển thì các cành không đều nhau, cành khỏe, cành yếu. Cành yếu bị che khuất nên không có quả, còn cành khỏe lại mang quá nhiều quả vừa bị kiệt sức, ảnh hưởng chất lượng vừa dễ bị gẫy đặc biệt khi gió to.

Bên cạnh đó, theo thời gian một số bộ phận cành lá đã già che lấp các bộ phận cành lá non, hoặc những cành bị sâu bệnh, giảm hoặc không còn khả năng cho quả nữa nếu không được cắt tỉa thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây và chất lượng của quả.

Mục đích tạo hình, tỉa tán là làm cho bộ khung cây vững chắc, tạo ra nhiều cành, nhánh hữu hiệu, tạo không gian mở giúp cho cây phát triển tốt. Cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, cành sâu bệnh sẽ tạo cho vườn cây thông thoáng, giúp nhà vườn dễ chăm sóc, thu hoạch, hạn chế được sâu bệnh hại. Thông qua tạo hình, tỉa tán chúng ta không chế được chiều cao, đường kính tán và mật độ phù hợp để giúp cây sinh trường, phát triển tốt.

Hàng năm, nếu thiếu việc xén và tỉa cành, thì các thân, cành, tượt sẽ mọc đầy, làm cho lòng tán cây bị thiếu ánh sáng, các chồi cho trái không phát triển được. Do đó, sau vài năm trái chỉ cho ở phía trên và phía ngoài tán, nơi có ánh sáng, còn trong lòng tán thì không.

– Việc xén và tỉa cành nên thực hiện vào lúc sau khi thu hoạch trái và trước khi ta bón phân cho cây ổi

Tỉa cành tạo tán sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất và sản lượng vụ sau. Năng suất thực vật nói chung và cây ăn quả nói riêng được hình thành từ bộ lá để tiến hành quang hợp chuyển năng lượng mặt trời thành các vật chất hữu cơ.

Cây muốn có năng suất thì diện tích lá phải lớn và giảm thiểu được việc các lá che lẫn nhau, muốn vậy phải bằng mọi cách kích thích cây ra chồi, lá mới mà tạo cành tỉa tán là cách làm không thể thiếu, tuy nhiên với mỗi loại cây, tuổi cây nên có các cách tỉa cành tạo tán phù hợp.

Ngoài ra, việc tỉa cành tạo tán còn tùy thuộc vào tuổi cây, thông thường cứ 3 năm tỉa lại có 1 năm tỉa đau để định hình lại tán làm sao cho tán phù hợp với sự phát triển bộ rễ.

Việc tỉa cành, tạo tán còn phụ thuộc vào thời điểm sau thu hoạch, nếu cây thu hoạch vào mùa khô thì việc tỉa cành, tạo tán sẽ dễ hơn vì sau khi cắt tỉa chỉ cần châm phân, tưới nước thì chồi và đọt non sẽ bật ra ngay; còn nếu thu hoạch trễ, vào mùa mưa thì lúc này nhiệt độ không khí và đất đã giảm nên việc đâm cành lá mới khó khăn hơn.

2. Định hình tán cây ổi

Ổi thuộc loại cây trung bình, cao 5-10m, một cây có thể phân nhiều cành. Cành khi non hình vuông có nhiều lông mềm, khi già hình trụ và nhẵn. Cây ổi ra hoa quả ở cành non, khi đốn cành non ra nhiều, có thể chọn vị trí cho ra hoa quả. Nếu không đốn tỉa, thân chính mọc thẳng, các cành bên không phát triển, ổi cho ít trái. Chính vì vậy, để cho cây ổi có quả tốt và thuận tiện cho thu hái quả sau này thì cần cắt bỏ ngọn chính khi cây đạt chiều cao 60-80 cm để cho cành nhánh phát triển.

Để dễ chăm sóc và thu hoạch quả, nhất là các vườn trồng ổi chuyên canh thì cần khống chế chiều cao cây. Chiều cao cây 3 – 4 năm tuổi nên khoảng 1,5m; 5 – 6 năm tuổi cao 1,6 – 1,7m và 7 – 8 năm tuổi cao 2m.

Đối với cây ổi nên tạo dạng tán hình cầu hay hình nấm để cây nhận được nhiều ánh sáng.

Tán cây hình nấm

3. Hướng dẫn tỉa cành ổi

3.1. Xác định cành cần tỉa

+ Cành vượt mọc đứng, cành bên trong tán

+ Cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh; cành khô

+ Cành mọc quá gần mặt đất

+ Cành mọc đan chéo nhau;

+ Cành già không còn khả năng cho quả;

+ Cành ở ngoài tán…

+ Các ngọn cành ở độ cao 1m

+ Các cành ngọn 5-10cm

3.2. Chuẩn bị dụng cụ cắt cành

– Kéo cắt cành loại nhỏ: Chuyên dùng cho cắt cành, sạch sẽ, không rỉ sét, lưỡi cong, có tay cầm, có lò xo trợ lực để cắt các cành nhỏ, gần vị trí đứng thao tác.

Kéo cắt cành loại nhỏ

– Cưa cầm tay: Dùng cắt cành lớn. Yêu cầu lưỡi cưa phải sắc, sạch (không bị han gỉ), răng cưa đều, dùng để cắt những cành mà kéo không cắt được. Nếu cắt thân lớn, dùng cưa có răng lớn, đường mở răng rộng để dễ dàng thao tác.

Cưa cắt cành

– Kéo cắt cành loại cán dài: Dùng để cắt những cành ở trên cao.

Kéo cắt cành loại cán dài

– Thang: Dùng để cắt hoặc kéo những cành quá cao

Thang dùng để cắt cành

3.3. Chọn phương pháp cắt cành

Trên cây ổi có các loại cành:

– Cành cấp 1: mọc ra từ thân chính

– Cành cấp 2: mọc ra từ cành cấp 1

– Cành cấp 3: mọc ra từ cành cấp 2

Các loại cành trên cây ổi

Mức độ tỉa cành tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng, tuổi cây và mùa vụ để quyết định đốn đau hay cắt nhẹ, cụ thể như sau:

– Cắt cành cấp 3:

Cách tỉa cành này nhằm giữ lại các cành cấp 2, cắt bỏ 5-10 cm ngọn cành.

Mục đích của việc cắt tỉa nhẹ là để loại bỏ những cành không có quả, các cành sâu bệnh, giảm các cành và nụ hoa mới ra để tập trung dinh dưỡng nuôi quả đảm bảo cho cây có thể cho trái quanh năm.

Cắt cành cấp 3

– Cắt tỉa cành cấp 2: Cách tỉa cành này nhằm giữ lại các cành cấp 1 và thường áp dụng khi tỉa cành xử lý cho ra quả trái vụ từ tháng 10 đến tháng 4.

Cắt tỉa cành cấp 2

– Cắt tỉa nặng (đốn đau): Cánh cắt tỉa này áp dụng để trẻ hóa cây với những vườn cây đã già, thời gian cho trái trên 10 năm. Tiến hành cắt hết cành nhánh và đốn bỏ một phần thân chính.

Cắt tỉa nặng (đốn đau)

3.4. Tiến hành cắt cành

– Sau khi thu hoạch cắt các cành sau:

+ Cắt bỏ những cành mọc xà, cành mọc ở dưới không cho trái hoặc trái nhỏ.

+ Cắt bỏ những cành la, cành vượt không cho trái, những cành mọc cao quá cũng cần bỏ.

+ Tỉa bỏ những cành mọc chồng chéo lên nhau tạo tán cây thông thoáng và sử dụng tốt ánh sáng mặt trời.

+ Tỉa bỏ những cành khô, cành bị sâu bệnh.

Cành cần tỉa bỏ

– Cắt tỉa cành xử lý ra hoa:

Ổi có thể ra hoa trái quanh năm, tuy nhiên trong sản xuất để có sản lượng tập trung vào thời điểm nhất định, hạn chế sâu bệnh phá hại cũng như bán được giá cao, ổi được xử lý ra hoa đồng loạt.

– Trường hợp nhánh ổi chưa ra hoa, dùng kéo bấm bỏ đọt sao cho trên nhánh đó chỉ còn mang 3 cặp lá kép.

Tỉa cành trước khi ra hoa

– Đối với nhánh ổi đã ra hoa, nếu thấy mới có 1 cặp hoa (nụ) thì bấm bỏ đọt nhưng chừa phía trên cặp hoa đó một cặp lá để có thể ra thêm một cặp nụ mới từ cặp lá đó.

Cành ổi ra hoa – tỉa cành ổi sau khi ra 1 cặp hoa

– Sau khi trên nhánh ổi có đủ 2 cặp nụ thì cắt đọt hết, không chừa cặp lá nào phía trên cặp nụ trên cùng nữa để nhánh ổi có thể tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

– Việc bấm đọt được tiến hành thường xuyên 1-2 tuần/lần.

Tỉa cành ổi sau khi ra 2 cặp hoa

– Đốn đau: Để trẻ hóa những vườn cây đã già, dùng kéo hoặc cưa cắt hết các loại cành.

Chỉ để lại một đoạn gốc của cành lớn ra trong năm trước

Cành lớn được giữ lại

Sau khi đốn đau sẽ phát sinh nhiều cành

Nếu là các cành vượt thì ta nâng được tán cây cao dần lên. Còn những cây đã lớn, tán quá rộng, có hình dù thì đốn cụt, có tác dụng thu hẹp tán lại bằng những cành mới.

– Sau khi cành mọc lại tiến hành tỉa cành, tạo tán như bình thường, cây sẽ tiếp tục cho trái

Các cành mới phát sinh sau khi cắt

Bộ tán mới sau khi cắt

– Tỉa nụ, hoa và quả

Những hoa và quả nhỏ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái nên cần được tỉa bỏ thường xuyên.

– Với những cụm hoa mọc đôi nên giữ lại một hoa. Trong trường hợp hoa mọc ba nên giữ lại hoa nằm ở giữa, chỉ nên giữ lại 2-4 hoa trên 1 cành mang quả.

Tỉa bỏ bớt hoa

– Tỉa quả: Sau khi đậu trái, thì tỉa bỏ những trái nhỏ, trái mọc sát nhau chỉ nên giữ lại 1-2 quả tốt nhất.

Quả mọc sát nhau cần – Tỉa bỏ bớt trái tỉa bỏ

– Để giữ cho cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao thì trong 10 tháng đầu tiên cần tỉa bỏ nụ và quả ra lứa đầu tiên.

Tỉa bỏ trái khi dưới 1 tháng

3.5 Chăm sóc, kiểm tra sau khi cắt tỉa

– Sau khi cắt cành xong cần kiểm tra gọt nhẵn vết cắt. Kiểm tra các vết cắt không đúng kỹ thuật để xử lý ngay.

Gọt nhẵn vết cắt

Kiểm tra vết cắt

– Quét sơn, vôi hoặc một loại thuốc trừ nấm cho vết cắt có đường kính ≥ 1cm. Hoặc có thể dùng băng keo nilon cuốn vết cắt cành lại cho nước và sâu bệnh không tấn công vào vết thương.

Nếu cắt ngọn để khống chế chiều cao cây: Quét hỗn hợp Agri-fos + Mancozeb để phòng bệnh và dùng vỏ chai thuốc cắt đôi rồi úp lên vết cắt.

– Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.

– Cây sau cắt tỉa rất dễ bị bệnh xì mủ thân, thối rễ gây chết cây, nên xịt thuốc để phòng bệnh xảy ra.

– Bón phân và tưới nước giúp cây nhanh hồi phục, có thể dùng phân bón gốc hoặc phân bón lá.

– Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại sớm cũng như các cành mới mọc ra sai vị trí thì tiếp tục cắt tỉa.

4. Tạo tán cho cây ổi

– Để có bộ tán đẹp và cân đối thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch thì khi cây khoảng 4-6 tháng tuổi, tiến hành cắt ngang thân chính ở độ cao 60- 80cm từ mặt đất.

Cắt ngọn ở vị trí 60 cm

– Giữ lại 3-4 cành mọc theo các hướng khác nhau để làm bộ khung chính cho cây những cành này gọi là cành cấp 1.

Cắt giữ lại 3 cành

– Khi cành cấp 1 cao 45-60cm tiến hành bấm ngọn.

Cành cấp 2 khống chế chiều dài khoảng 30-45cm là thích hợp nhất.

Trên mỗi cành cấp 1 đầu tiên chỉ nên giữ lại 3 cành cấp 2 luân phiên nhau trên cành.

Các cành cấp 1 còn lại cũng để lại các cành mang quả luân phiên nhau.

Các vị trí cắt tạo cành

Để có bộ khung đều cần sử dụng dây và tre cột giữ cành và uốn ngọn những cành mọc vượt xuống thấp tạo với thân chính một góc 45-60º

Cành cấp 1 tạo với thân chính góc 45-60º

– Sau khi tạo tán cây ổi có bộ tán tròn đều.

Bộ tán cây ổi tròn đều

Nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc ổi – Bộ NN&PT NT được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng cây chanh leo, lãi trăm triệu đồng/ha

Đầu tư khoảng 70-100 triệu đồng/ha, lãi thuần 500 – 700 triệu đồng/ha/năm, trồng chanh leo đang trở thành mô hình nông nghiệp siêu lợi nhuận ở Tây Nguyên, Nghệ An.

Là một trong những hộ đầu tiên trồng chanh leo ở xã Kdang, huyện Đak Đoa, Đak Lak, ông Trần Văn Lộng đã quyết định bán bán 6 sào đất và vay mượn thêm để hạ giống trên 3 ha cây chanh leo trong mùa đầu tiên vào năm 2011.

Sau 6 tháng tích cực chăm sóc đúng kĩ thuật, gia đình ông thu hoạch vụ đầu tiên với hơn 10 tấn quả. Giá bán tại vườn thời điểm đó từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Trừ chi phí gia đình ông cầm chắc trong tay hơn 100 triệu đồng. Sau 1 tháng, vườn chanh lại cho thu hoạch lứa tiếp theo. Tính cả năm, gia đình ông đã thu hoạch hơn 400 tấn chanh leo, bỏ túi cả tỷ đồng năm đó và ông Lộng cũng được bà con tặng cho biệt danh ‘ông vua’ chanh leo.

“Ông vua’ chanh leo Trần Văn Lộng

Mô hình trồng cây chanh leo của gia đình ông Lộng đã được dân làng và người dân ở các xã lân cận học tập áp dụng và phát triển rộng khắp.

Theo các chuyên gia, mỗi ha chanh leo đầu tư khoảng 100 triệu đồng, năng suất đạt từ 80 tấn đến 100 tấn mỗi năm. Cây chanh leo là loại cây dễ trồng, công chăm sóc lại ít chỉ cần tỉa cành, lá để quả nhận được ánh nắng mặt trời và tránh sâu bệnh. Sau khi cây đã leo lên giàn thì cỏ bên dưới không thể mọc được, chỉ việc phun thuốc trừ sâu và thuê công thu hoạch. Giống này nếu chăm sóc tốt cho năng suất bình quân 70 – 100 tấn/ha/năm, nếu giá thị trường ở mức 15.000 – 17.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây thu được lãi thuần từ 500 – 700 triệu đ/ha/năm, chu kỳ canh tác hiệu quả nhất không quá 2 năm.

Từ 2011 đến nay, cây chanh leo đã chứng minh năng suất và hiệu quả hơn hẳn cà phê và hồ tiêu và trở thành loại cây làm giàu của rất nhiều bà con tại Lâm Đồng nói chung các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông nói riêng.

Mới đây, loại cây trồng này cũng giúp bà con nông dân Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An) thu hàng trăm triệu đồng khi chuyển đổi trồng chanh leo trên đất trồng keo.

Tại Quế Phong, mô hình trồng chanh leo thử nghiệm từ 2011 với 2ha đã cho thu hoạch trên 50 tấn quả và doanh thu trên 400 triệu đồng. Từ đó, mô hình trồng chanh leo đã được nhân rộng trên những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, giúp đồng bào thoát nghèo. Từ Quế Phong, mô hình này đã lan sang các huyện Tam Hợp, Tương Dương và đang tiếp tục được nhân rộng.

Chị Hồ Thị Thủy xóm Tân Thành, Tam Hợp mạnh dạn chuyển đổi cây chanh leo thay thế cho cây keo trên diện tích đất đồi của gia đình. Đầu tư 100 triệu cho gần 1ha chanh leo từ tháng 2/2016, đến tháng 4/2017, cây chanh leo của gia đình chị Thủy đã bắt đầu cho thu quả. Mới trồng vụ đầu tiên nhưng gia đình đã thu được 15 tấn quả, bán tại vườn 15 ngàn/kg, tính ra được hơn 200 triệu đồng. Dự kiến vườn chanh leo của gia đình chị còn cho thu hoạch khoảng 15 tấn quả nữa.

Theo đánh giá của một trưởng bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tương Dương, Nghệ An: Cây chanh leo bước đầu cho thu nhập tốt nên người dân rất phân khởi. Có vườn chanh, người dân không phải đi rừng săn bắn nữa.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh dây tại nhà cho quả sai

Ngoài việc cung cấp các vitamin, sắt, kali và các thành phần tốt cho da, giúp chống oxy hóa rất tốt, chanh dây (chanh leo) còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, ngăn ngừa bệnh tim mạch, chống nhiễm trùng…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao nion, bao xi măng, chậu, khay hoặc thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng chanh dây. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng

Chanh dây không quá kén đất. Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nếu được trồng ở đất thoáng, giàu chất hữu cơ, có khả năng thoát nước tốt và độ pH từ 5,5-6. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…

Hạt giống

Hiện nay, giống chanh dây quả tím được nhiều người chọn làm giống. Loại giống này có khả năng tự thụ phấn cao, ít biến dị, có thể nhân giống bằng hạt.

Nếu muốn trồng chanh dây từ hạt giống, bạn nên tìm mua những quả chanh dây già có phần vỏ nhăn nheo màu tím sẫm. Sau khi mua về, dùng dao bổ đôi quả chanh, dùng muỗng lấy toàn bộ ruột rồi rửa sạch phần cơm nhầy, chỉ giữ lại hạt đen bên trong và để ráo nước. Bạn cũng có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng bán đồ nông sản.

Hoa chanh dây

Để rút ngắn thời gian và tiết kiệm công sức chăm sóc, bạn có thể tìm mua tại các chợ cây hay các cửa hàng bán cây giống. Nên chọn những cây giống cao tầm 8-10cm, có thân chắc khỏe và lá tươi xanh để giảm bớt rủi ro trong quá trình gieo trồng.

2. Ngâm ủ, gieo hạt và cấy cây

Trước khi gieo, ngâm hạt trong vòng 24-36 giờ. Sau khi ngâm, tiến hành gieo hạt vào chậu đất có đường kính 30cm với khoảng cách đều nhau rồi phủ thêm một lớp đất mỏng để che kín hạt. Sau đó, tưới nước để cung cấp độ ẩm và đặt chậu ở nơi thoáng đãng có tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để hạt nhanh nảy mầm hơn.

Sau khoảng 2 đến 3 tuần thì hạt giống đem gieo sẽ nảy mầm. Sau khoảng 6 tuần trở đi cây đã đạt chiều cao tầm 8cm, lúc này bạn có thể chọn lọc cây con tốt và khỏe để giữ lại trồng.

Đào hố kích thước 60x60x60cm, bỏ lớp đất mặt 1 bên. Bón vôi 0,5kg/hố sau đó tiến hành bón lót phân chuồng rồi cấy cây con. Sau khi cấy xong che phủ cho cây trong vòng 1 tuần và tưới nước ngày 2 lần.

3. Chăm sóc

Cây chanh dây là loại cây cần độ ẩm cao, lượng nước nhiều và thường xuyên vì vậy thường tưới 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô.

Quả chanh dây chứa nhiều chất dinh dưỡng

Sau khoảng 3 tháng thì cây sẽ có chiều cao khoảng 70cm, bạn cần cho chanh dây leo lên một giá đỡ chắc chắn để bám và phát triển.

Khi trồng chanh dây được khoảng 20 ngày thì tiến hành bón lót đợt 1 bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê…. Cứ khoảng 20 ngày thì bón 1 đợt.

Khi chanh dây đã leo lên giàn và phát triển tươi tốt thì bạn cần phải cắt tỉa lá, cành thường xuyên để giàn cây được thông thoáng và có chỗ để cây ra hoa, đơm quả.

4. Thu hoạch

Chanh dây sẽ ra hoa sau khoảng 5-6 tháng gieo trồng. Khi trái bắt đầu chuyển qua màu tím thì có thể thu hoạch được.

Quả chanh dây khi chín

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Độc đáo xen canh keo lai, dưa hấu, mì

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Mô hình trồng keo xen dưa hấu và mì của ông Đặng Vĩnh Kính thu lợi kép

Xã Bình Tân được đánh giá là địa phương có phong trào trồng rừng mạnh và thành công nhất huyện Tây Sơn (Bình Định). Để tăng thêm hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nông dân nơi đây đã sáng tạo ra phương pháp xen canh độc đáo: Trồng keo lai xen dưa hấu và mì.

Trồng xen kiểu này cây keo và cây mì tốt vượt trội nhờ “ăn theo” phân, nước đầu tư cho cây dưa. Thu nhập từ dưa và mì đủ để đầu tư cho rừng keo những năm tiếp theo mà chủ rừng không cần bỏ thêm vốn.

Thời gian trước đây, những diện tích đất cát xám, bạc màu ở xã Bình Tân hầu hết được nông dân trồng cây mì. Từ năm 2011 trở về trước, giá mì nguyên liệu khá ổn định nên cây mì còn cho hiệu quả. Về sau, giá mì nguyên liệu trở nên bấp bênh, đời sống của người dân cũng long đong theo. Năm 2007, cây keo lai theo Dự án WB3 về đây cho thấy rất phù hợp trên vùng đất xám bạc màu.

“Trồng keo lai chỉ cần đầu tư phân bón 2 năm đầu, sau 5 năm là cho năng suất 100 tấn/ha. Chỉ cần giá bình quân 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, sau chu kỳ 5 năm, 1ha keo cho thu nhập 100 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập được 20 triệu, hơn hẳn cây mì. Vì vậy từ năm 2011 đến nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cây keo trên địa bàn phát triển rất mạnh. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Tân đã có trên 1.500ha keo, một nửa trong đó thuộc Dự án WB3 đã cho khai thác”, ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân chia sẻ.

Để tăng thu nhập trên cùng diện tích, một số nông dân đã sáng kiến ra phương pháp trồng keo xen dưa hấu và mì cho thấy hiệu quả kép. Là người từng thực hiện mô hình này, ông Đặng Vĩnh Kính kể rành rọt: “Những diện tích keo đến chu kỳ khai thác, thu hoạch keo xong, bà con thuê xe múc với chi phí 5 triệu đồng/ha móc hết gốc keo lên, sau đó cho máy cày đất rồi lên vồng để trồng dưa hấu. Sau khi đất được lên vồng, bà con xuống giống dưa hấu.

Khi dưa hấu đã ra cành ra nhánh, bà con bắt đầu xuống giống keo bên mé ta-luy của vồng đất. Phân bón cho cây dưa hấu, cây keo được ăn theo. Do đó, cây keo sống cạnh dưa hấu chỉ sau 3 tháng đã cao đến gần 1m, bằng cây keo 1 năm tuổi trồng bên ngoài.

“Nhờ khai thác hết tiềm năng của đất bằng phương thức trồng xen canh kể trên nên mức thu nhập của người dân xã Bình Tân được tăng cao trong những năm gần đây. Nếu như vào năm 2010, thu nhập bình quân chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì hiện nay đã đạt đến gần 24 triệu đồng/người/năm”, ông Đặng Vĩnh Kính cho biết.
Sau khi thu hoạch dưa hấu, bà con tiếp tục móc đất cho hom mì xuống dọc 2 bên hàng keo. Khi cây mì nảy mầm thì cây keo đã cao gần 1,5m, nên cây mì phát triển cỡ nào cũng không thể lấn keo được, do đó cả keo cả mì đều sinh trưởng, phát triển bình thường”.

Cũng theo ông Kính, với phương thức trồng xen canh như đã kể trên, nhờ ăn theo phân bón, nước tưới, được đầu tư cho cây dưa hấu nên năng suất cây mì cho khá cao.

“Mì trồng xen với dưa hấu và keo cho củ to lắm, bụi mì phải 2 – 3 người nhổ mới lên. Ngoài 1 củ to tướng đóng thẳng xuống đất, còn có 3 củ khác cũng to không kém đóng ngang, nhổ bụi mì lên thấy mất hồn”, ông Kính diễn tả.

Ngoài ra, những diện tích rừng keo trồng xen mì thì không bao giờ bị bò phá. Bởi, nếu bò ăn phải đọt mì là chết ngay. “Nhất là trong mùa nắng nóng, mủ dồn lên đọt mì, con bò to là thế mà chỉ cần ăn chừng 3 đọt mì là ngã ngửa ngay”, ông Kính cho biết thêm.

Theo tính toán, trồng xen canh keo, dưa hấu và mì, nông dân có lợi kép. Riêng cây dưa hấu đạt 40 tấn/ha, cây mì dù trồng mật độ thưa nhưng cũng đạt đến 30 tấn/ha. Khoản thu từ dưa hấu và mì thừa sức đầu tư cho cây keo suốt chu kỳ. Đặc biệt, nhờ ăn theo mức đầu tư của cây dưa nên cây keo chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch với năng suất cầm chắc 100 tấn/ha, rút ngắn chu kỳ cây keo được 1 năm.

Nhờ hiệu quả kinh tế cho thấy nhãn tiền, trong những năm qua, mô hình sáng tạo trồng xen keo với dưa hấu và mì ở xã Bình Tân ngày càng được nhân rộng. Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng phát triển mô hình trên diện tích 10ha rừng keo.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật chiết cành sơ ri

Sơ Ri không chỉ được sử dụng làm cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao mà loài cây này còn được dùng làm cây cảnh trồng trong sân vườn, trồng bụi phối kết, trồng các công trình tiểu cảnh. Ngoài ra các loại bonsai Sơ Ri làm cảnh trong nhà hay trưng bày trang trí phòng làm việc, làm quà tặng và khá được yêu thích.

Sơ Ri là cây không được trồng bằng hạt mà được nhân giống bằng phương pháp chiết cành, giâm cành. Phương pháp nhân giống bằng hạt tuy đơn giản và tốn ít công sức để tạo ra cây con, cây giống nếu được nhân giống bằng hạt sẽ có sự thích nghi tốt và bộ rễ khỏe mạnh. Song thời gian nhân giống từ hạt khá dài. Hơn nữa, Cây Sơ Ri trồng từ hạt dễ bị thoái hóa giống, Bà con khó kiểm soát được các phẩm chất của cây con do có thể có hiện tượng biến dị di truyền. Đặc biệt, cây chậm ra hoa, quả hơn so với phương pháp nhân giống vô tính.

Hai trong số các cách nhân Giống Sơ Ri hiệu quả và phương pháp chiết cành và giâm cành. Với hai phương pháp này Bà con chỉ cần chọn cây 3-7 tuổi khỏe để làm giống. Trong đó, phương pháp chiết cành được cho là hiệu quả hơn so với các phương pháp còn lại.

1. Đặc tính cây sơ ri

Cây sơ ri là loại cây thân bụi, ngoài lấy quả, sơ ri còn trồng làm cây kiểng. Cây có thể cao đến 3-5 m, có nhiều cành nhỏ Sơ ri Gò Công là giống hiện đang được ưa chuộng vì có năng suất cao, có vị chua ngọt thích hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các nước như Nhật, Singapore, Hồng Kông… dưới hình thức sơ chế trái tươi và chế biến dưới dạng purce.

– Ra hoa quanh năm, hoa chùm từ 4 – 8 hoa trên một cánh hoa.

– Sơ ri không kén đất trồng, phù hợp với những vùng đất cát pha hay đất phù sa cổ (đất feborit ).

Lưu ý: Nếu trồng vùng đất sét hay đất phù sa, ta nên trồng trên mô cao để dễ xử lí hệ thống thoát nước cho tốt cây khỏi bị ngập úng và dễ xử lí ra hoa.

Nhưng trong giai đoạn ra trái cây cũng cần nhiều nước, nếu thiếu nước trái sẽ không bóng và to.

– Ở Việt Nam thủ phủ trồng cây sơ ri nhiều nhất là: huyện Gò Công Đông Tỉnh Tiền Giang.

Các vùng khác, vùng nào cũng có thể trồng được. Cây cũng có thể thích nghi trong điều kiện môi trường khô hạn, ngập úng, nước mặn, đất nghèo chất dinh dưỡng. Nếu trồng vùng đất sét hay đất phù sa, ta nên trồng trên mô cao để dễ xử lí hệ TH.

– Sơ ri một năm cho ra trái 2 vụ. Nhưng với kĩ thuật ngày nay một năm ta có thể cho ra hoa từ 6- 8 lần/ năm, tốt nhất là ta cho ra hoa khoảng 6 lần/ năm để cây có thời gian nghỉ và phục hồi năng lượng.

2. Chuẩn bị dụng cụ

chiết cành sơ ri
chiết cành sơ ri

Dao chiết cành Kéo khoanh vỏ chiết cành

– Dụng cụ chiết cành sơ ri cần có: kéo khoanh vỏ chiết cành, dao chiết cành cây thật sắc.

3. Thời vụ

Tốt nhất nên trồng vào tháng 5-6, chậm nhất là qua tháng 7. Nếu có nguồn nước tưới trong mùa nắng, có thể trồng vào cuối tháng 10 đến hết tháng 11.

4. Kỹ thuật chiết cành sơ ri

– Chọn cây mẹ: lựa cây mẹ có độ tuổi từ 3-7 khỏe mạnh để làm giống, không sâu bệnh, năng suất ổn định.

– Chọn cành chiết: Chọn cành sát mặt đất, vỏ chuyển màu nâu.

– Chuẩn bị vật liệu bó bầu: Dùng đất phù sa, bùn ao (thành phần cơ giới đất thịt nhẹ đến thịt trung bình) phơi khô đập nhỏ 50-70% + 50-30% rơm, rạ hoặc rễ bèo khô chặt dài 5-7 cm trộn đều tưới ẩm đạt độ ẩm 75-80% (nắm thành từng nắm không chảy nước qua kẽ ngón tay, còn nguyên dạng khi để trên mặt đất). Loại vật liệu này xốp, nhanh ra rễ, độ liên kết bầu tốt ít bị vỡ khi vận chuyển cành chiết đi xa. Dùng giấy bóng màu đen, tạo màu tối thích hợp với điều kiện sinh lý của bộ rễ sẽ kích thích cành chiết nhanh phát rễ hơn là giấy nilon màu trắng.

– Tiến hành chiết cành sơ ri

Dùng kéo khoanh vỏ cắt thành hai đường có độ dài bằng đường kính của cành, bóc vỏ, cạo sạch phần thượng tầng của chỗ cắt.

Sau đó dùng thuốc kích thích ra rễ bôi trực tiếp vào vết cắt

Lấy vật liệu bó bầu đã chuẩn bị sẵn đắp đất quanh bầu chủ yếu nhằm giữ ẩm để cành có thể ra rễ ở trên mép vết cắt, rất cần thoáng nhiều oxy nên cần chọn đất xốp và nhiều phù sa. Ở miền bắc thường dùng đất trộn rơm hoặc bèo tây, thường chặt vụn giúp bầu đất thoáng khi hơn…

Dùng nilon bọc bầu lại bao quanh cành chiết, sau đó dùng dây buộc 2 đầu bầu chiết

Sau 1-5 tháng kiểm tra thấy ngọn cành chuyển màu vàng và nhìn vào bầu đất thấy rễ mọc ra nhiều từ màu trắng sang màu sang màu nâu thì tiến hành cắt cành đem trồng. Khi đó ta đựoc cây con mới.

Hoặc bạn có thể làm theo thao tác chiết cành sơ ri mà ViệtQ đã chia sẻ như sau:

Về chiết cành nên chọn cành sát mặt đất, vỏ chuyển màu nâu, bẻ gập ngước cho gãy phần lõi nhưng vẫn còn dính lại phần vỏ.

Nhúng vết gãy vào dung dịch 2,4 D nồng độ 40-60 phần triệu và bó đất vào bọc nilon lại sau 1-5 tháng, cắt ra cho vô bầu đợi đem trồng mới.

5. Chú ý

Cây sơ ri giống từ phương pháp chiết cành

– Khi buộc dây hai đầu bó thì dây buộc phía trên nên buộc chặt còn phía dưới thì buộc lỏng hơn đề phòng vào mùa mưa khi nước lọt vào bầu thì sẽ thoát đi dễ dàng.

– Việc chăm sóc cây sơ ri luôn luôn phải đảm bảo đủ nước. Trong thời gian cây chưa giao tán, cần làm cỏ định kỳ hoặc trồng xen rau màu để hạn chế cỏ.

Nguồn: Nghenong.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng cây sơ ri

Cây Sơ ri là một loài cây ăn trái dễ trồng và có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Đây là loài cây được trồng chủ yếu ở miền Nam bởi cây thích nhiệt.

1. Chọn đất và chuẩn bị đất trồng cây sơ ri

Sơ ri chủ yếu được trồng ở vùng Gò Công, trên đất cát giồng xa biển, đã đào ao lên nền vườn. Tiến hành cày hoặc cuốc lật 1-2 lần, sau đó phóng tuyến đào hố với khoảng cách 5 x 5m. Hố có kích thước 30 x 30cm + 5-7 kg phân hữu cơ 150g super lân.

2. Chọn giống và phương pháp nhân giống cây sơ ri

Chọn cây 3-7 tuổi khỏe để làm giống.

a. Chiết cành: Chọn cành sát mặt đất, vỏ chuyển màu nâu, bẻ gập ngước cho gãy phần lõi nhưng vẫn còn dính lại phần vỏ. Nhúng vết gãy vào dung dịch 2,4 D nồng độ 40-60 phần triệu và bó đất vào bọc nilon lại sau 1-5 tháng, cắt ra cho vô bầu đợi đem trồng mới.

b. Giâm cành: Cắt các cành mới hoá nâu thành đoạn 20-25cm; nhúng vào dung dịch 2,4D nồng độ 40-60 phần triệu trong 15-20 phút. Sau đó đem giâm ở vườn giâm, khoàng cách giâm 12 x 12cm (70 cành/m2). Tưới nước giữ ẩm mỗi ngày. Sau 1-5 tháng bứng cây cho vào bầu đem trồng.

3. Trồng và chăm sóc cây sơ ri:

a. Thời vụ: Tốt nhất nên trồng vào tháng 5-6. chậm nhất là qua tháng 7. sau khi trồng, dựng cây nọc để buộc cây sơri vào cho cây đứng thẳng. Nếu có nguồn nước tưới trong mùa nắng, có thể trồng vào cuối tháng 10 đến hết tháng 11.

b. Làm cỏ, bón phân, xới xáo: Trong thời gian cây chưa giao tán, cần làm cỏ định kỳ hoặc trồng xen rau màu để hạn chế cỏ. Bón phân theo công thức sau: (g/cây) Tuổi Urê Super lân Clorua, Kali 0 100 75 25 1 650 400 170 2 850 500 220 3 1000 650 250 4 1400 800 350 5 1800 900 450 6-7 2000 1200 500 8 trở đi 2200 1400 550

4. Phương pháp bón phân cho cây sơ ri

– Cây chưa có trái

+ Bón Super lân 1 lần vào và dầu mùa mưa.

+ Bón thúc Urê và Kali chia làm 3 lần.

– Cây đã có trái:

+ Bón super lân 2 lần vào đầu và giữa mùa mưa.

+ Bón thúc Urê và Kali chia làm 5 lần theo 5 đợt hoa. Mỗi đợt, Urê và Kali chia làm 2 kỳ: kỳ đầy lúc cây vừa đậu trái, kỳ sau ngay sau lúc thu hoạch rộ. Kết hợp phân bón với xới xáo dưới gốc cây.

5. Tăng tỷ lệ đậu trái

Pha 2,4D (thuốc trừ cỏ lúa) nồng độ 40-50 phần triệu, cách pha:

+ Pha một muỗng canh đầy 2,4D trong một lít nước.

+ Pha một muỗng canh dung dịch trên trong 1 bình 8 lít nước. Phun ướt đều cây lúc cay trỗ hoa rộ.

6. Tưới vào mùa khô:

Nếu không tưới vào mùa khô, cây sẽ không ra hoa đậu trái. Nếu có tưới, có thể thu hoạch trong mùa khô 1-4 vụ tùy vào khả năng. Tuy nhiên, càng cho cây nghỉ, không ra hoa đậu trái 1,5-2 tháng/năm để dưỡng sức cây.

7. Điều chỉnh ra hoa trái đợt rộ:

Có 2 biện pháp:

a. Bơm nước (không bị nhiễm phèn, mặn) tưới dẫm cây vào tháng 4, trước khi có mưa đầu mùa 10-15 ngày, cây sẽ ra hoa không trùng đợt rộ.

b. Khi cây ra hoa đầu mùa mưa, hủy bỏ đợt hoa này bằng cách: – Dùng chà quơ cho rụng hoa. – Phun Urê nồng độ 2/100. – Không phun 2,4D. Sau đó, bón thúc 1 đợt phân, cây sẽ ra hoa đợt tiếp theo không trùng với đợt rộ.

8. Tỉa cành – tạo tán

+ Cây cao 0,3m: bấm đọt, chừa 3-4 cành tược khỏe mạnh.

+ Cây cao 0,8m: bấm đọt, chừa 4-6 cành tược trên mỗi cành tược cấp 1.

+ Khi cây cao 2-2,2m: luôn phát đọt không cho cây cao thêm. Cây quá già, uốn cành xuống để dễ thu hoạch.

9. Phòng trừ sâu bệnh

– Rếp sáp, rệp muội: Khi phát hiện phun Methyl Parathion, Sherzol, Bi 58, Azodrin, diazinon,… nồng dộ 1/600-1/800. phun khi thu hoạch xong cây không còn trái.

– Sâu đục thân: Phòng bằng cách tạo tán cho vườn râm, chặt cành sau tiêu hủy, phun

Nguồn: Kỹ thuật trồng cây ăn trái Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.