Trồng mận trong nhà lưới, một giải pháp, năm lợi ích

Mận là một loại trái cây rất tốt cho sức khoẻ vì có nhiều loại vitamin, khoáng chất, hàm lượng đường thấp. Cây mận được trồng rải rác khắp nơi trên địa bàn huyện Lai Vung, nhưng tập trung nhiều ở xã Phong Hoà với diện tích trên 70 ha, đây là nơi xuất phát giống mận Hồng đào đá rất ngon ngọt không thua gì mận An Phước bây giờ.

Quả mận chứa rất nhiều dinh dưỡng

Về kỹ thuật trồng mận cũng khá đơn giản, cây có thể cho trái quanh năm, tuy nhiên gặp điều kiện thời tiết bất lợi, trái mận có thể bị nhiều loại sâu bệnh làm giảm chất lượng trái, hoặc bị rụng trái không thu hoạch được, đó là sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, bệnh thối trái… Nếu phòng trừ bằng biện pháp hoá học sẽ ảnh hưởng đến việc lưu tồn hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trên trái, vì thời gian ra hoa đến thu hoạch chỉ bốn tháng, hoá chất không kịp phân huỷ. Nếu áp dụng biện pháp bao trái thì tốn rất nhiều công lao động vì trái mận từng chùm nên rất khó áp dụng kỹ thuật tuyển trái để bao trái.

Từ những bức xúc và trăn trở làm thế nào để giải quyết vấn đề trên đây,  ông Nguyễn Văn Nguyên, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở ấp Tân Quới, xã Phong Hoà, qua việc tìm hiểu trên báo đài từ việc trồng hoa màu trong nhà lưới ở tỉnh Lâm Đồng, anh Nguyên nảy sinh sáng kiến dùng lưới cước bao phủ toàn bộ khu vực vườn của anh trên diện tích 8.000 m2. Với kinh phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng/1.000 m2, thời gian sử dụng lưới khoảng 3 năm, nhưng sau thời gian kinh doanh khai thác vườn mận một năm, anh đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, vì đã thu hồi vốn từ các nguồn thu sau đây:

Thứ nhất là tiết kiệm chi phí phun thuốc trừ sâu, để phòng ngừa sâu đục trái, ruồi đục trái và bệnh thán thư ở hai vụ thu hoạch chính, số tiền tiết kiệm được trên 50% chi phí đầu tư mua lưới cước

Thứ hai, mận không bị sâu hại nên không bị rụng làm thiệt hại năng suất nhất là trong mùa nghịch, nên thu được số tiền bán mận mùa nghịch khá lớn

Thứ ba, trồng mận trong nhà lưới không phun thuốc trừ sâu, nên các thương lái rất an tâm thu mua mận với giá cao hơn 50% so với mận thông thường, đặt biệt gần đây Cty Eco thuộc tập đoàn Ving Group ký hợp đồng thu mua với giá cao và ổn định nên nhà vườn rất an tâm sản suất không còn lo cảnh được mùa rớt giá như trước đây

Thứ tư, trồng mận trong nhà lưới cho màu sắc trái mận đẹp hơn, vị ngọt hơn so với mận bao trái; Lợi ích thứ năm là nhà vườn phải liên kết thông qua việc thành lập các tổ ngành nghề (cụ thể là tổ trồng mận trong nhà lưới) để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà phân phối. Hội Nông dân có điều kiện tập hợp hội viên, đổi mới phương thức hoạt động của Hội thông qua các tổ hội theo các loại hình kinh tế.

Trồng mận trong nhà lưới là một giải pháp đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà vườn

Như vậy, việc trồng mận trong nhà lưới là một giải pháp đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà vườn. Được sự tư vấn và giúp đỡ của Hội Nông dân xã Phong Hoà đã thành lập tổ liên kết trồng mận trong nhà lưới với 16 thành viên, diện tích 9 ha. Rồi đây với vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác, anh Nguyễn Văn Nguyên sẽ phân bố lịch thời vụ xử lý ra hoa cho từng tổ viên, hướng dẫn họ thực hiện đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, để sản phẩm xuất ra đạt yêu cầu về thời gian, số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho nhà phân phối. Đây là loại hình sản xuất mới, có thể thích hợp với nhiều loại hình cây ăn trái khác nhau cần phải được nhân rộng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Áp dụng công nghệ mới trong quy trình trồng mận An Phước

Mận An Phước trong nhiều năm qua đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân xã Xuân Hòa (Kế Sách). Những năm trái mận An Phước có giá đã giúp cho hàng trăm hộ dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, để cây cho trái đạt năng suất cao đòi hỏi người trồng phải tốn nhiều công chăm sóc, bởi đây là loại trái dễ bị sâu bệnh tấn công nếu xử lý kỹ thuật cũng như phòng trị không đúng cách xem như vụ mùa sẽ thất thu.

Anh Lê Đức Chỉnh (ấp Hòa Lợi, xã Xuân Hòa, Kế Sách) giới thiệu khu vườn mận bọc trái

Sâu hại là “kẻ thù” chính làm ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như sản lượng trái mận. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ nhà vườn các tỉnh bạn, người trồng mận An Phước ở xã Xuân Hòa đã áp dụng quy trình sản xuất sạch bằng cách bao trái và trùm lưới lên cây. Ghé thăm vườn mận An Phước hơn 6 năm tuổi của anh Lê Đức Chỉnh, ấp Hòa Lợi, xã Xuân Hòa đúng lúc mận đang thu hoạch trái. Có gần 20 lao động đang luôn tay hái trái. Toàn bộ khu vườn mận trái sai trĩu cành, những trái mận đạt độ lớn đồng đều, nằm gọn trong những chiếc bọc sạch bóng.

Đưa tay hái chùm mận đang độ chín mọng, anh Chỉnh tâm tình: “Trước khi chuyển đổi 10 công đất sang trồng mận, tôi trồng xoài, cam, bưởi nhưng giá bán không như ý muốn. Thấy mận An Phước “hot”, tôi đốn bỏ toàn bộ vườn cây có múi để trồng mận. Hơn 2 năm trồng, cây bắt đầu cho trái và năng suất tốt nhất khi cây 3,5 năm tuổi. Dù cây mận có giá tương đối ổn định nhưng vấn đề nan giải đối với người trồng là ruồi vàng, sâu đục trái ảnh hưởng đến năng suất trái vào mùa nghịch, nên phải vất vả bảo quản vườn mận cũng như can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người làm vườn”.

Qua bao ngày suy nghĩ, anh Chỉnh quyết định lên đường hỏi kinh nghiệm cách bọc trái của nhà vườn ở Tiền Giang (thủ phủ trái mận An Phước) để giữ vững sản lượng. “Đây là vụ mùa thứ 2 tôi áp dụng bọc trái cho mận và thấy rõ hiệu quả khi áp dụng quy trình trên; về trọng lượng trái tăng gấp đôi so với không bao, hạn chế gần 100% ruồi, sâu đục trái, giảm chi phí đầu tư hơn 80%. Điều đặc biệt là giá bán cao hơn từ 10.000 đồng – 20.000 đồng/kg so mận không bao, giúp tăng lợi nhuận trên cùng diện tích” – anh Chỉnh phấn khởi cho biết thêm.

Theo tính toán của anh Chỉnh, nếu chi phí canh tác cây mận theo truyền thống tốn tầm 16 triệu đồng/công từ đầu tư tới thu hoạch, còn mận bọc trái tầm 5 triệu đồng/công. Giá bán mận bên ngoài 14.000 đồng/kg, cùng thời điểm hiện tại thì trái mận được bọc bán 45.000 đồng/kg và được các cơ sở thu mua tới tận vườn hái trái đóng thùng, có thời điểm giá lên đến 55.000 đồng/kg; năng suất trái 6 tấn/1 công, tương đương 60 tấn/năm/10 công. Trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận tầm 450 triệu đồng. Với hiệu quả nêu trên, dự kiến tới đây anh Chỉnh sẽ duy trì việc bọc trái mận cũng như tìm kiếm thêm các doanh nghiệp thu mua trái nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị để nâng giá thành trái mận. Qua đây, anh Chỉnh cũng thấy rõ việc áp dụng kỹ thuật bọc trái trên mận trước tiên giúp bản thân không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, người dùng cũng có được trái mận sạch để ăn không phải lo lắng.

Nếu như anh Lê Đức Chỉnh chọn cách thức bọc mận thì cách đó hơn 6 cây số, anh Mai Hoàng Hải, ấp Hòa Quới, xã Xuân Hòa sử dụng quy trình canh tác cây mận bằng cách trùm lưới toàn bộ diện tích vườn. Trao đổi với chúng tôi, anh Hải thông tin: “Trong 2 mùa vụ rồi, vườn mận chẳng thu hoạch trái được bao nhiêu; hầu như toàn bộ chi phí đổ vào vườn tới lúc hái trái chỉ “phá huề”, có năm bị lỗ, chẳng hạn như năm rồi, mận bị ruồi vàng đục trái rụng gần hết. Trong dịp tình cờ, tôi đến chơi nhà người bạn ở tỉnh Đồng Tháp, thấy vườn mận trái sai trĩu cành, mỗi trái đều to hơn mận tôi trồng dù cùng chung một giống và điều lạ là vườn được trùm kín bằng lưới dày. Qua cuộc trò chuyện thân tình, người bạn hướng dẫn cách hạn chế sâu bệnh cho cây mận trước tiên phải áp dụng kỹ thuật trùm luôn cây và bằng chứng cho thấy là bạn tôi áp dụng nhiều năm rồi năng suất trái tăng gấp đôi”.

Những quả mận căng mọng nước khi được chăm sóc đúng cách

Về lại vườn nhà, anh Hải liền liên hệ với cơ sở chuyên cung cấp lưới đặt may luôn phần diện tích lưới bao phủ toàn bộ diện tích 4 công vườn mận hết 27 triệu đồng. Dù ứng dụng kỹ thuật mới nhưng kể từ lúc mận ra hoa, kết trái bên trong nhà lưới không hề có bất cứ con ruồi, con sâu nào tấn công trái, nên chi phí đầu tư giảm hơn 70% và dự kiến năng suất vụ mận mùa này đạt khoảng 5,5 tấn/1 công, giá bán được cơ sở thu mua bao tiêu là 40.000 đồng/kg. Vì vậy trong vụ thu hoạch mận 2017, chắc chắn anh Hải sẽ thắng lớn khi ước tính thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây mận An Phước.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Phan Hải Hoàng Tâm cho biết: “Diện tích mận An Phước trên địa bàn xã là 350ha; trong đó tập trung đều tại các ấp và có khoảng 15ha người dân áp dụng quy trình canh tác mận mới bằng cách bọc trái và trùm cả cây. Đây là kỹ thuật mới, hạn chế gần như 100% ruồi vàng đục trái cũng như giảm thấp nhất chi phí đầu tư. Đồng thời, đầu ra trái mận được cơ sở bao tiêu với giá cao. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật bọc trái tốn khá nhiều công, người dân muốn áp dụng biện pháp trên để bán được giá trước tiên cần phải liên kết được với cơ sở thu mua mới triển khai thực hiện nhằm đảm bảo lợi nhuận. Tới đây, xã sẽ thành lập HTX mận sản xuất theo quy trình VietGAP để đưa trái mận vào các siêu thị lớn”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mận sạch “ngủ mùng” tiết kiệm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật

Ven quốc lộ 1A, trên tuyến cầu vượt về TP Cần Thơ có mô hình trồng mận (doi) trong màng lưới. Đó là vườn mận xanh đường của ông Nguyễn Văn Quyên ở khóm Đông Bình, phường Đông Phước, TX Bình Minh (Vĩnh Long).

Quả mận (doi)

Ông Quyên cho biết ý tưởng này được ông học tập từ mô hình trồng cây ăn trái bao trong màng lưới của nông dân ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cách đây 8 năm. Sau khi tham quan thấy hiệu quả ông mạnh dạn đầu tư hơn 40 triệu đồng mua màng lưới để về bao phủ vườn mận của mình.

Theo ông Quyên: “Khi bao phủ vườn mận bằng màng lưới mùng sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí thuốc BVTV, số lần phun xịt cũng giãn cách ra rất nhiều, phòng trừ hiệu quả nhiều loại sâu bệnh, trong đó có bệnh ruồi vàng gây dòi và thối trái mận”.

Ông Quyên loại bỏ bớt nụ để trái to hơn khi thu hoạch

Ruồi vàng thường tấn công trái mận từ khi mới trổ bông đến khi chín, trong khi phương pháp thông thường bà con thường lấy túi ni lông bao trái thì hiệu quả không cao. Với cách làm mới, ông Quyên dùng lưới mùng bao phủ vườn mận quanh năm, kể cả khi thu hoạch xong. Dùng màng lưới mùa thuận có thể không cần dùng túi ni lông để bao trái, tiết kiệm nhiều chi phí nhân công.

Còn mùa nghịch ông Quyên cho rằng nên bao trái, bởi có màng lưới che chắn trái sẽ to hơn, đẹp hơn và tất nhiên giá bán cao hơn nhiều.

Việc dùng màng lưới bao phủ, theo ông Quyên, cây mận vẫn quang hợp tốt và phát triển bình thường như khi trồng tảng nắng. Trái mận vẫn ngon ngọt và to đẹp. Chi phí cho màng lưới diện tích 7 công mận, ông Quyên nói đầu tư hơn 40 triệu nhưng thời hạn sử dụng lên đến 4 năm. Tính ra tiền sử dụng cho mỗi công chỉ hơn 1,4 triệu đồng/năm. Chi phí này thua xa so với mướn nhận công bao trái mỗi vụ chứ đừng nói một năm. Tuy nhiên nhiều bà con xung quanh thấy ông Quyên trồng rất đạt nhưng không dám đầu tư màng bao phủ vì “ngán tiền” đầu tư mua lưới.

Vườn mận được bao phủ bởi mùng vườn ông Quyên

Ông Quyên chia sẻ: “Trước đây tôi trồng bông huệ cũng thu nhập khá, nhưng sau đó cây bị bệnh nên chuyển sang trồng mận xanh đường đến bây giờ. Giống mận này dễ trồng lắm, mùa thuận cây tự ra trái, còn mùa nghịch thì mình phải xử lý mới được. Vụ nghịch cây cho năng suất kém hơn nhưng bù lại giá bán cao hơn”.

Hiện 7.000m2 mận xanh đường được bao phủ trong màng lưới của ông Quyên thu hoạch đều đặn 3 vụ mỗi năm, giá bán dao động từ 6.000 – 15.000 đồng/kg tùy mùa. Bình quân vườn mận 20 năm tuổi cho năng suất từ 50 – 60 tấn/năm, sau khi trừ chi phí ông bỏ túi trên 300 triệu đồng/năm.

“Việc canh tác theo phương pháp dùng màng lưới bao phủ trong trái cây giúp tiết kiệm thuốc BVTV, đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV, tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Quyên tâm sự.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nông dân làm giàu: Trồng mận quả xanh lét, ăn ngọt như đường, lãi 300 triệu/năm

Mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Quyên, 50 tuổi, ngụ khóm Đông Bình, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long ăn nên làm ra bởi giống mận xanh đường. Vườn mận nhà ông Quyên đeo từng chùm quả xanh lét, nhưng ăn giòn, ngọt như đường. Chỉ với 7 công trồng mận xanh đường, ông Quyên lãi 300 triệu đồng/năm…

Ông Nguyễn Văn Quyên giới thiệu về vườn mận xanh đường đang mang lại thu nhập rất tốt cho gia đình

Phải khá vất vả chúng tôi mới “chui tọt” được vào khu vườn mận xanh đường rộng 7.000 mét vuông (7 công đất) đã cho trái hàng chục năm qua được bao phủ rất kín đáo bằng những tấm lưới bên trên như một chiếc mùng khổng lồ. Chủ nhân khu vườn “ độc” và “ lạ” ấy là nông dân sản xuất giỏi tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quyên.

Ông kể về cơ duyên đến với loại trái cây này : “Trong một dịp tình cờ phát hiện loại mận xanh đường tại địa phương 20 năm trước, tôi đã mang về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Kết quả thật bất ngờ, mận xanh đường có chất lượng ngon, ngọt, màu sắc xanh tự nhiên; sản lượng rất cao và có thể cho trái quanh năm. Trông trái mận xanh lét vậy chớ ăn giòn và ngọt như đường. Vậy nên dân địa phương gọi là mận xanh đường đó anh…”.

Sau nhiều năm trồng giống mận xanh đường, ông Nguyễn Văn Quyên mới nghiệm ra rằng, năng suất, sản lượng của giống mận này so với các giống mận khác; giá bán mận quả cũng cao hơn từ 10-15%. Điều đặc biệt, thương lái rất khoái thu mua mận xanh đường nhà ông Quyên. Chính vì điều này, ông Quyên đã phá bỏ 7 công đất trồng hoa huệ trắng để chuyển sang trồng giống mận xanh đường. Mỗi năm ông Quyên thu hoạch 3 vụ mận xanh đường với sản lượng từ 55-60 tấn trái, trừ hết các khoản chi phí chăm bón, ông Quyên lãi hơn 300 triệu đồng.

Mận xanh

Ông Quyên chia xẻ kinh nghiệm trồng giống mận xanh đường: “Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì bình quân 1 cây mận xanh đường sẽ cho từ 120-130 ký trái mỗi vụ (một năm thu hoạch 3 vụ); mỗi ký có từ 10-12 trái tùy theo mùa thuận hay nghịch. Mùa thuận từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 âm lịch năm sau; thời gian còn lại là mùa nghịch. Về sản lượng thì mùa nghịch mận xanh đường kém hơn khoảng 30 % so với mùa thuận nhưng bù lại giá bán cao hơn rất nhiều. Điều đặc biệt, với loại mận xanh đường bón rất ít phấn. Chỉ dùng phân NPK với số lượng rất ít và sau khi bao trái thì không bón bất kỳ loại phân nào khác nữa…”.

Tiếng lành đồn xa, thấy vườn mận xanh đường của gia đình ông Quyên không chỉ đẹp mà còn cho lợi nhuận khá, hàng trăm hộ dân trong vùng đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc giống mận này từ ông Quyên. Từ vài công đất “làm theo” ban đầu, đến nay diện tích trồng mận xanh đường ở phường Đông Thuận đã vượt qua con số 50 ha.

Ông Trần Văn Hải, ngụ khóm Đông Bình, phường Đông Thuận vui vẻ kể : “Từ khi chuyển 5 công đất từ trồng nhãn tiêu da bò sang trồng giống mận xanh đường, mức lợi nhuận tăng rất nhiều lại tránh được cảnh trúng mùa rớt giá, trúng giá thất mùa. Với giá bán từ 15-17.000 đồng/ký mận xanh đường, bình quân mỗi công đất tui có lời từ 30-35 triệu đồng mỗi năm. Nhờ mận xanh đường mà tui mới cất cái nhà 800 triệu đồng, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, công cụ sản xuất…”.

Mặc dù là giống mận mới, nhưng những năm gần đây, người trồng cũng đã phát hiện nhiều sâu rầy, dịch bệnh tấn công mận xanh đường. Để đối phó với sâu rầy ăn hoa, trái mận xanh đường, ông Quyên đã nghĩ ra cách bảo vệ  bằng phương thức bao trái bằng bao ni lông và đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên cách làm này đòi hỏi nhiều nhân công thực hiện khâu bao từng trái mận. Với giá thuê bao trái hiện nay là 120.000 đồng/ người/ ngày, ông Quyên vẫn phải thuê.

Ông Quyên bao từng trái mận xanh đường để chống sâu, bọ đục trái, làm cho trái mận có mã đẹp, hút hàng

“Tiền thuê nhân công bao trái mận xanh đường làm đội chi phí sản xuất lên, nhưng tóm lại người trồng vẫn có lời khá, trái mận được bao cũng đẹp mã, hút hàng, người địa phương lại có công việc để làm, có thêm thu nhập…”, ông Nguyễn Văn Quyên bày tỏ. Ông Nguyễn Chí Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận phấn khởi nói: “Mô hình trồng giống mận xanh đường của ông Quyên rất thành công tại địa phương và được các ngành tỉnh Vĩnh Long nêu điển hình, phổ biến cho những hộ dân có điều kiện cùng trồng….”.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Quyên lại tiếp tục thử nghiệm cách làm mới “ Trồng mận xanh đường trong mùng lưới” kết hợp với việc bao từng trái bước đầu cho kết quả rất khả quan. Ông Quyên dùng lưới mùng bao phủ vườn mận quanh năm từ ngọn đến gốc. Lưới nầy được bao trên các đọt mận mà không phải dùng bất kỳ cây chống đỡ nào. Rồi ông Quyên lại nghĩ ra cách trồng xen canh mận xanh đường với nhãn Ido, cam xoàn, bưởi da xanh. “Xen giữa các gốc mận, tui trồng 100 cây nhãn Ido, 400 cây cam xoàn và 400 cây bưởi da xanh. Nhãn thì cho trái rồi, còn cam xoàn và bưởi da xanh sang năm 2019 sẽ cho trái…”.

Lại một lần nữa, cách trồng xen mận xanh đường với 1 số cây ăn trái khác của ông Quyên đã và đang được nhiều người dân ở khóm Đông Bình hưởng ứng, làm theo…Ông Nguyễn Văn Quyên chia xẻ kinh nghiệm : “Dùng mùng lưới bao phủ giúp bảo vệ cây mận tốt hơn, giảm cường độ nắng. Trái mận xanh đường vẫn dòn, ngon ngọt và to đẹp…”.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.