Phương thức trồng và mật độ trồng tre trúc

Phương thức trồng và mật độ trồng tre trúc có thể chia thành 2 loại: trồng thuần loài tre hoặc trúc và trồng hỗn loài xen lẫn với các loài cây gỗ lá rộng khác.

Giống như các loại cây trồng khác, tre trúc có thể trồng thuần loài hoặc hỗn loài. Rừng hỗn loài có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt với tre trúc lại càng rõ nét. Thực tiễn ở trong nước và ngoài nước đều cho thấy rừng tre trúc hỗn loài với cây gỗ lá rộng thì tre trúc sinh trưởng tốt. Ở đây có thể lí giải là cây gỗ lá rộng có tác dụng cải tạo đất, làm tăng độ ẩm không khí và độ ẩm đất lại có tác dụng hạn chế ảnh hưởng của gió bão, bảo vệ măng khỏi bị gãy ngọn. Mặt khác còn hạn chế sâu hại lan nhanh, nhất là bọ nẹt hại lá tre. Trước đây ở một số vùng Thanh Hoá nhân dân thường trồng thưa để búi luồng có đủ đất phát triển, cây luồng có giá trị cao, giữa các khoảng đất trong rừng thường có các loài cây gỗ lá rộng ưa sáng, mọc nhanh tái sinh tự nhiên như giẻ, xoan, gội, v.v. hình thành hỗn loài giữa luồng và cây gỗ lá rộng.

Tuy vậy không có nghĩa là ở đâu cũng cần trồng rừng hỗn loài, mà tuỳ theo mục đích và điều kiện từng nơi mà cần và có thể trồng rừng tre trúc thuần loài, thí dụ các rừng chuyên canh thì cần thiết trồng thuần loài, có cùng biện pháp xử lí như rừng chuyên lấy măng, chuyên lấy nguyên liệu giấy và rừng trồng tre ven đê thì nên trồng thuần loài, về điều kiện địa hình thì những nơi tương đối bằng phẳng (<15°) thì có thể trồng thuần loài. Những nơi dốc 15° thì nên trồng hỗn loài với cây lá rộng.

Rừng tre thuần loài

Đặc tính của loài tre trúc có thân mọc cụm thì không có khả năng bò lan trong đất, mặt khác do mầm măng mọc từ các mắt ở gốc ra nên lâu dần có hiện tượng nâng búi, tức là gốc búi tre ngày càng nổi lên cao, nhất là tre gai thì rất rõ. Về mặt lợi dụng đất mà nói thì không bằng loại có thân mọc phân tán. Loại mọc cụm nếu trồng thành rừng thuần loại, lại ở nơi đất dốc mạnh thì sau này rất khó xử lí, không có đất để bồi đắp vào gốc, việc bỏ gốc già cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì thế nơi đất dốc thì nên trồng hỗn loài với cây lá rộng.

Mật độ trồng với loài mọc cụm như luồng, diễn nếu đất bằng, trồng thuần loài thì có thể trồng với cự ly 4m x4m hoặc 4m x 5m (mật độ trồng 500-670 cây/ha) sau này mọc thành 500-670 bụi; nếu trồng hỗn loài thì chỉ nên 200-400 cây/ha (cự ly 5 x 10m, hoặc 4 x 6m).

Với loại có thân mọc tản thì có thể trồng thưa hơn loại mọc cụm. Bởi vì thân ngầm có thể bò lan trong đất. Các loài trúc, vầu có thể trồng với mật độ 200 cây/ha (5 x 10m). Giữa các hàng trúc, vầu lúc đầu có thể thực hiện nông lâm kết hợp như trồng đỗ, lạc, sắn, ngô. Làm nông lâm kết hợp qua việc xới xáo đất khiến đất tơi xốp càng có tác dụng dẫn dụ thân ngầm lan nhanh. Loại này (trúc, vầu) không nhất thiết trồng dày (kín) ngay lúc đầu vì đào gốc và thân ngầm khó khăn hơn loại mọc cụm. Mặt khác nếu trồng dày sau này thân ngầm sẽ bò chằng chịt trong đất, tốn công xử lí hơn.

Nguồn: Caytrongvatnuoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật cho tre ra nhiều măng vào mùa khô

Muốn cho tre đẻ măng trong mùa khô thì sau khi kết thúc mùa mưa, bà con để vườn khô tự nhiên trong khoảng nửa tháng không tưới…

Theo ông Nguyễn văn Loan, một nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng tre lấy măng trong nhiều năm qua ở thôn Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh: bình thường các loài tre chỉ cho măng vào các tháng mùa mưa, trong đó nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm trùng với mùa bão lũ nên giá bán không cao, hiệu quả thu nhập thấp.

Trong những năm gần đây, nhiều giống măng tre nhập nội như Mạnh Tông, Điềm Trúc, Lục Trúc… được Khuyến nông các tỉnh khuyến cáo bà con trồng vừa để “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, vừa để lấy măng làm thực phẩm như một loại rau sạch cao cấp. Các loại măng tre này đều có chất lượng tốt: ít xơ, ăn ngọt, giòn được nhiều người ưa chuộng nên bán rất được giá, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, vào các tháng mùa khô do ít mưa nên cây tre hầu như không đẻ măng. Sau một thời gian tự mày mò học hỏi, tự rút kinh nghiệm từ 20 gốc tre Điềm Trúc trồng trong vườn đồi của gia đình, ông Loan đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cho cây tre đẻ nhiều măng, kể cả các tháng mùa khô.

Theo ông Loan, muốn cho tre đẻ măng trong mùa khô thì sau khi kết thúc mùa mưa, bà con để vườn khô tự nhiên trong khoảng nửa tháng không tưới. Tiến hành chăm sóc theo các bước sau: Chỉ giữ lại khoảng 3-4 cây khỏe mạnh phân đều về các phía làm cây mẹ nhằm cung cấp dinh dưỡng cho khóm đẻ măng còn lại chặt bỏ hết những thân cây già, cây còi cọc trong khóm. Dùng kéo cắt tỉa hết các cành lá trên thân cây từ mặt đất đến khoảng 1m chiều cao. Dùng cuốc hoặc mai xới đất xung quanh gốc tre rồi bón thúc cho mỗi khóm tre 10 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ đã được ủ hoai mục + 2kg phân urê + 1kg supe lân + 1kg kali clorua rồi lấp đất, tủ kỹ, tủ dày một lớp 20-30cm bằng lá cây, rơm rạ, cỏ rác và tưới thật đẫm nước.

Kinh nghiệm của ông Loan là sau khi thu hoạch chuối, ông chặt thân cây chuối thành từng đoạn 50-60cm đem bổ đôi rồi xếp kín cả khóm tre vừa có tác dụng cung cấp thên nguồn nước cho gốc tre, giúp cho các vi sinh vật có ích hoạt động cải tạo đất làm cho đất tơi xốp đồng thời sau khi phân hủy, những thân cây chuối này sẽ cung cấp thêm nguồn hữu cơ rất tốt cho đất. Cứ cách 7-10 ngày tưới 1 lần, sau 3 lần tưới thì măng bắt đầu mọc, sau nửa tháng là có thể thu hoạch được. Ngoài ra, nếu muốn cho tre nhanh ra măng hơn nữa, bà con dùng xà beng bằng sắt hoặc các dùi gỗ nhọn có đường kính 3-4cm xuyên chéo sâu vào gốc tre khoảng 50-60cm vừa có tác dụng làm đứt bớt rễ gây ức chế cho tre mọc măng đồng thời tạo lỗ để tưới nước phân trực tiếp. Pha 2kg phân đạm urê + 1kg lân supe + 0,5kg phâ kali trong 30 lít nước, tưới đầy vào các lỗ đã đục với lượng khoảng 10 lít/khóm.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cân nhắc khi trồng tre lấy măng

Nhờ trồng tre lấy măng, không ít nhà vườn vượt khó, có hộ giàu to, nhưng không ít nhà nông trồng đến ba bốn bụi vẫn không có đủ măng ăn cho một mái bếp dăm khẩu; lại có nhà phải mướn xe xúc móc nguyên cụm, quẳng tre ra khỏi vườn…

Thị trường “loạn” giống tre

Những giống tre lấy măng nhập vào nước ta những năm qua bao gồm tre bát độ, điền trúc (có người gọi là lục trúc do mo măng có màu xanh). Thế nhưng những người bán giống lại chào bán đủ thứ: tre Tàu (tiếng lóng chỉ giống mang về từ Trung Quốc), tre mao trúc, tre lục trúc và tre điền trúc (hai giống thực chất chỉ là một), tre trải (một giống trúc nhỏ – nhưng nói là giâm mắt tre lục trúc). Không thấy ai bán giống tre bát độ (cho dù thực tế có nhập), vì giống này cho ít măng, nhưng lại thấy bán giống tre mạnh tông (giống bản địa chuyên măng ở ĐBSCL).

Trong khi thị trường giống tre gặp “loạn” thì một số nhà vườn lại có “cửa” làm ăn. Họ chọn chân đất thích hợp, chăm sóc đúng cách, biết cách khai thác cây giống từ mấu thân tre nên ngoài cho măng, một cây tre cho dăm bảy cây giống. Họ là những người đi trước và nắm vững yêu cầu kỹ thuật khâu làm giống và quan trọng hơn là việc các chủ vườn giống tre ra nghề đúng lúc.

Trồng tre điền trúc lấy măng

Tre điền trúc là giống tre “siêu măng”, còn là cây đa dụng. Nếu trồng trên đất “an toàn” và bón phân đúng cách, măng điền trúc được coi là sản phẩm rau “sạch” vì không sử dụng thuốc trừ sâu. Măng rất dễ ăn, thường cho vào lẩu ăn tái giòn. Măng đưa vào các món xào, nấu từ ngọt đến chua, nhiều món ngon nhớ đời. Ngoài ra trồng măng vẫn thu hoạch cây, cành, gốc tre, làm ra các sản phẩm gia dụng…

Trồng măng tre cần đất riêng để không ảnh hưởng cây trồng khác như che bóng, rễ hút dinh dưỡng. Đất trồng tre cần có độ dày canh tác trên 50 cm, đất tơi xốp, giàu mùn, chủ động nước tưới, có thể ngập 1 – 2 ngày nhưng đất lại ráo. Áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật khuyến cáo trong chuẩn bị đất gồm đào hố, bón lót. Trồng đúng kỹ thuật để cây bén rễ càng sớm càng tốt. Bón phân định kỳ bao gồm phân chuồng và phân “bao” đúng liều lượng và tăng giảm phân theo màu và độ rộng của phiến lá. Tưới nước thường xuyên kết hợp với bón phân hữu cơ và mùn làm cho đất xốp. Đốn tỉa một cách hợp lý cũng như chừa lại 2 – 3 cây măng/bụi làm cây mẹ hàng năm. Bứng gốc các cây tre trên 3 tuổi – hết khả năng ra măng. Phát cành, có thể kết hợp bó bầu nhân giống giúp bụi tre thông thoáng trong tầm cao 2,5 m. Thu hoạch măng đúng cách để có măng ngon, nhiều và không tạo cơ hội nhiễm bệnh cho bụi tre. Vun gốc tủ mùn là việc làm cần thiết nhưng hết sức thận trọng để tránh cho mụt măng nhỏ khỏi bị thối do nhiễm nấm và “ngạt”. Chỉ nên tủ đất và mùn tơi xốp dày từ 5 – 8 cm trước khi bụi tre đồng loạt ra măng để măng có màu trắng, non, ngọt hơn. Sau khi thu hoạch hết măng, cào đất ra, tạo rãnh bón phân để “kéo” măng đi xuống giúp tăng sản lượng và chất lượng măng kỳ thu hoạch sau.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tre lấy măng

Ngoài việc được chế biến thành nhiều món ăn ngon thì măng tre còn có tác dụng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân, kiểm soát cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch…

Cây măng tre giống.

1. Thời vụ và đất trồng

Tre phải được trồng trên đất cao ráo, không bị ngập úng. Đất thấp có thể làm thối măng tre. Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi đặt cây con từ nửa tháng đến một tháng. Hố có kích thước mỗi cạnh 60cm và sâu 60cm. Để giúp cây nhanh bén rễ và phát triển tốt sau nầy cần cung cấp khoảng 10 – 15 kg phân hữu cơ đã hoai mục (như phân chuồng, phân rơm rạ, …) cộng với 0,5-1 kg phân lân trộn đều với đất mặt và lấp đầy hố.

Tùy loại đất mà tre được trồng với nhiều mật độ khác nhau như: 3 x 3m, 4 x 4m, 4,5 x 4,5m và 5 x 5m.

Nếu có đủ nước tưới có thể trồng bất cứ tháng nào trong năm. Riêng vùng đất chân núi, đất giồng thiếu nước thì nên trồng vào đầu mùa mưa.

Măng tre

2. Chọn giống và trồng tre

Hiện nay, trên thị trường có những giống tre trồng lấy măng phổ biến như tre tàu, tre mạnh tông, tre bát độ, tre lục trúc…

Đối với các loài tre nói chung có nhiều cách nhân giống từ thân ngầm, hom gốc, thân khí sinh (hom thân), hom cành hay trồng bằng hạt. Khi nhân giống nên chọn những bụi (khóm) tre phát triển tốt, không sâu bệnh, chưa ra hoa. Lựa những cây không quá non hoặc quá già (bánh tẻ), khoảng 7 – 8 tháng tuổi để làm giống.

Hom gốc: Nhân giống tre bằng hom gốc phải có một phần thân tre khoảng 7 – 8 tháng tuổi, có 3 lóng dài từ 80 – 100cm, có đường kính từ 7cm trở lên. Đem một thân ngầm, có chồi mầm không dập nát, không bị thối, đem ươm ở vườn ươm thời gian từ 3 – 4 tháng rồi đem trồng.

Hom thân: Chọn cây tre 7 – 8 tháng tuổi cưa ở gốc, phần tiếp giáp với thân ngầm, đem về đục lỗ trên các lóng theo hướng thẳng góc với cành. Sau đó đem đặt ở các luống tại vườn ươm, lấp đất vừa đủ kín thân cây tre (đất vườn ươm đã được cày bừa và bón phân hữu cơ đầy đủ). Kế tiếp đổ nước vào các lóng tre cho đầy rồi đậy lại để giữ ẩm, vườn ươm có làm giàn che mát 70 -80%, tưới ẩm thường xuyên. Sau 1 tháng dỡ bỏ giàn che, nuôi cây trong vườn khoảng 3 tháng, khi cây ra cành mới và rễ thứ cấp thì bứng lên, cưa từng đoạn đem trồng.

Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể tìm mua cây giống ở các vựa nông sản.

Sau khi chuẩn bị đất trồng và giống xong đặt cây giống xuống hố nghiêng khoảng 45 độ (nếu là hom gốc),dùng đất nhỏ mịn lấp đầy hố và nén chặt. Trường hợp trồng bằng hom thân, hom cành thì khi đặt hom vào giữa hố theo chiều thẳng đứng, phần gốc chồi nằm dưới miệng hố không quá 10cm rồi lấp đất và nén chặt.

Trồng xong nên tưới nước thật đẫm, đảm bảo rễ cây tiếp xúc tốt với đất, dùng rơm rạ tủ chung quanh gốc cây một lớp dày 10 x 20cm để chống cỏ dại vào mùa mưa, giữ ẩm vào mùa khô.

Tre măng mới thu hoạch

3. Chăm sóc

Mỗi năm bón thúc hai lần vào thời điểm trước khi ra măng 1 tháng và sau khi thu hoạch măng nhằm giúp cây phục hồi sức nhanh. Dùng 15 – 20kg phân chuồng hoai (hoặc 10kg phân hữu cơ vi sinh) và khoảng 1 kg phân NPK bón cho mỗi bụi tre trong thời kỳ kinh doanh. Đối với tre phân chuồng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để tạo ra rau sạch. Đào rãnh nhỏ xung quanh bụi tre cách gốc tre khoảng 0,5m rồi rải phân lấp kín đất lại.

Thường xuyên làm cỏ, vun xới, tấp cỏ rác mục vào gốc cây để cho măng to và nhiều hơn.

Măng tre bóc vỏ

4. Thu hoạch

Nếu chăm sóc tốt, cây tre sẽ cho thu hoạch măng sau khoảng 2 năm trồng. Sau khi khai thác tre nhất thiết phải đào bỏ thân ngầm già (gốc tre), nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc ra từ thân ngầm khác có điều kiện phát triển tốt hơn, đối với tre mọc tản cũng làm tương tự.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hiệu quả kinh tế từ trồng cây gỗ trúc liễu

Trong điều kiện lập địa phù hợp, chu kỳ khai thác gỗ nguyên liệu của Trúc liễu: nếu lấy gỗ nhỏ chỉ cần 2 năm, gỗ vừa 3-4 năm, gỗ lớn 5-6 năm, hiệu quả kinh tế rất cao, thu hồi vốn nhanh.

Cây trúc liễu

cây gỗ trúc liễu

1. Trồng được mật độ cao:

– Trồng lấy gỗ, mật độ 5.000-10.000 cây/ha;

– Trồng làm nguyên liệu giấy, mật độ 37.500 cây/ha;

– Trồng chỉ để sản xuất cây giống: 150.000 cây/ha.

2. Sinh trưởng nhanh

Với mật độ 5.000-10.000 cây/ha, đủ nước, phân, chăm sóc tốt, sau 4-6 năm, đường kính Ngang ngực 20-40 cm, cao 20-25 m, sinh khối gỗ 1 cây đạt 0,35-0,45 m3.

3. Tính kháng cao

Kháng mặn, phèn, úng hạn, rét, bệnh, kháng nén, kháng cong, kháng cắt gọt. Không bị bệnh dỉ sắt, loét thân.

4. Thích ứng rộng

Trúc liễu ưa sáng, chịu rét, chịu được nhiệt độ -370C-400C, từ đất đồng bằng đến độ cao 4.000 m, đều tốt. Rễ phát triển mạnh, nẩy chồi mạnh, dễ sống, tỷ lệ sống trên 95%.

5. Gỗ chất lượng tốt

Không rỗng ruột, không lõi đen, trắng đều từ ngoài đến lõi, trước khi tẩy trắng, độ trắng tự nhiên trên 60%, hiệu suất thu hồi bột 95%, xơ mềm, thớ mịn, làm nguyên liệu hảo hạng để sản xuất giấy, đóng gói, kiến trúc, xây dựng.

6. Nguồn năng lượng mới

Nhiệt trị của cây cao, C/N cao, là cây sản xuất nhiên liệu tái tạo tốt, là nguyên liệu để sản xuất các loại sản phẩm gỗ, đồ gỗ cao cấp. Trong tương lai, Trúc liễu trở thành cây sản xuất năng lượng mới tốt nhất.

7. Cảnh quan đẹp

Trồng ven đường, công viên, khu nghỉ dưỡng, ven đường sắt tạo mỹ quan tốt. Thân thẳng đứng, tán hẹp, phần trên cành xoè nghiêng rất đẹp.

8. Phòng bão, chống cát bay tốt. Chịu đất xấu, rễ phát triển mạnh, có thể bảo vệ đê, phòng bão, giữ cát, là cây phù hợp để phát triển rừng bảo vệ vùng bãi cát ven biển.

9. Có thể xen canh trong vườn rừng

Trồng mật độ 5.000 cây/ha, theo khoảng cách 1,3 x 1,6 m, năm đầu có thể trồng xen cây khác, nuôi gà, trồng nấm dưới tán rừng. Có người ví cây Trúc liễu là “một ngân hàng xanh” với chu kỳ ngắn, hiệu quả sinh thái và kinh tế cao.

10. Hiệu quả kinh tế cao

Hiệu quả kinh tế cao hơn hàng chục lần so với các cây mọc nhanh khác.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam