Kỹ thuật trồng Củ Cải Trắng ruột đỏ

Giống củ cải lạ này còn có tên gọi khác là củ cải dưa hấu – watermelon radish. Củ cải có hình dáng tròn trịa, vỏ trắng, nhưng khi bổ đôi củ ra bên trong ruột lại có màu đỏ hồng tươi rất bắt.

Củ cải trắng ruột đỏ bắt mắt với màu sắc hấp dẫn

1. Đất trồng

– Củ cải trắng cần môi trường đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt.
– Nơi trồng: Nếu không có sân vườn, hãy tìm mua loại chậu, khay nhiều ngăn hoặc hộp xốp có chiều cao khoảng 15 – 20cm, bạn cũng có thể tận dụng những hộp sữa giấy loại to để gieo trồng củ cải trắng .
– Ánh sáng: Đây là loại củ ưa độ ẩm và sự mát mẻ nên bạn cần đặt chậu trồng tại nơi thoáng đãng, tránh ánh nắng quá gắt.
Củ cải trắng cần môi trường đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt
2. Gieo trồng
– Đầu tiên, chúng ta tiến hành ngâm vào nước ấm khoảng 3 – 5 tiếng đồng hồ, bước này nhằm thúc đẩy cho hạt giống nảy mầm nhanh hơn.
– Để cây nảy mầm nhanh bạn có thể ngâm hạt giống vào nước ấm khoảng 3-5h. Lót 1 lớp bông gòn xuống đáy một cái chén nhỏ, tưới nước cho ẩm và rải hạt lên trên lớp bông sau đó phủ tiếp 1 lớp bông gòn khác lên trên, tưới ẩm, chờ đến khi hạt xuất hiện vết nứt nhỏ thì bắt đầu đem trồng ra đất.
– Với những người mới trồng rau, chưa quen với việc bứng cây con được ươm trong khay/hũ ươm ra chậu lớn thì tốt nhất là bạn nên gieo hạt luôn trong một chậu/hộp xốp lớn, gieo hạt dưới lớp đất mỏng chừng 1cm, khoảng cách gieo giữa các hạt là khoảng 5-10 cm. Bạn có thể gieo 2 hạt/hố đất.
– Bạn chú ý cần phải tưới đều đặn 1-2 lần/ngày tùy thời tiết, đảm bảo đất luôn ẩm để hạt có điều kiện tốt để nảy mầm.
– Sau đó khoảng 1 tuần cây của bạn sẽ nảy mầm và ra lá.

3. Chăm sóc

– Tưới nước: Sự khô hạn sẽ làm củ cải bị nứt nên bạn cần cung cấp nước đều đặn cho củ cải mini. Mỗi ngày tưới 1 lần bằng nước sạch, dùng bịnh phun sương để tưới ẩm chứ không tưới đẫm nước. Lượng nước vừa đủ để tạo độ ẩm nhưng không rơi vào tình trạng ngập úng.
– Khi trồng được khoảng 20 ngày, hãy tỉa bớt các cây thấp yếu, để lại những cây cao to. Kiểm tra độ thoát nước của đất để tránh tình trạng bị thối.
– Bạn nên thường xuyên theo dõi các biểu hiện sâu bệnh (chẳng hạn như rệp, sâu bọ,…), nếu cần thiết có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để hỗ trợ phòng trừ. Lưu ý không được nhổ cây lên trồng lại vì như vậy nó sẽ không phình củ được.

4. Thu hoạch

Không những có màu sắc đẹp củ cải trắng còn có nhiều dinh dưỡng

Củ cải mini “trắng vỏ đỏ lòng” có thời gian thu hoạch khá nhanh, thích hợp trồng vào mùa thu, chỉ khoảng 50 – 60 ngày từ ngày bắt đầu gieo hạt giống là bạn có thể tận hưởng thành quả của mình. Củ cải có vị ngọt dịu và giòn, giàu chất dinh dưỡng, ăn vào thanh mát rất ngon miệng. Ngoài việc chế biến thành các món canh, salad, hầm, luộc,…. bạn còn có thể sử dụng để trang trí món ăn nhờ vẻ đẹp nổi bật và lạ mắt của chúng nữa đấy!
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cần hướng mở cho Củ Cải Trắng Mộc Châu

Những ngày giữa tháng 10, trên đường vào các xã, tiểu khu trên địa bàn thị trấn nông trường Mộc Châu đều bắt gặp hình ảnh người dân tất bật thu hoạch củ cải trắng, còn các tư thương thu mua loại nông sản này để đưa về tiêu thụ tại các chợ đầu mối.

Các đầu mối thu mua, rửa, phân loại củ cải trước khi bán cho các tư thương miền xuôi

Củ cải trắng rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng nhiều vụ trong năm, phù hợp với những vùng đất tơi xốp, không khí ẩm ở Mộc Châu. Tuy củ cải không phải là cây màu chủ lực, nhưng thời gian gần đây, sản phẩm trồng ra tương đối dễ tiêu thụ, một số nông dân đã mạnh dạn đầu tư giống, phân và chuyển diện tích sang trồng củ cải, góp phần tăng thu nhập.

Trên đường vào tiểu khu 26/7, thị trấn Nông trường Mộc Châu, tôi gặp gia đình anh Vũ Đức Toản đang tập trung thu hoạch củ cải. Dừng tay nhổ cải, anh Toản cho biết: Năm nay nhà tôi trồng 3 vụ cải. Củ cải trắng có thể trồng được nhiều vụ trong năm: Vụ chính gieo hạt vào tháng 8 – 9; vụ muộn gieo hạt tháng 10 – 11; vụ xuân hè gieo hạt tháng 2 – 4.

Trong đó, cải củ trắng trồng vụ xuân hè nhanh cho thu hoạch nhất khoảng 30 đến 35 ngày, nhưng năng suất thấp hơn các vụ còn lại. Cây cải củ rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hoại, nên khi trồng phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.  Mẹ anh Toản là cụ Vũ Thị Mơ, năm nay hơn 75 tuổi, đang nhanh tay nhổ những củ cải tươi ngon, cụ nói: Cây cải trồng ở Mộc Châu cho củ rất ngọt, thu hoạch dễ, nhẹ tay nhấc là củ rời khỏi đất. Thế nên, khi củ cho thu hoạch là cả gia đình tôi từ già đến trẻ đều ra đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, ở tiểu khu 84-85, Thị trấn nông trường Mộc Châu cho biết thêm: Chi phí đầu tư cho 1000 m2 đất trồng củ cải trắng khoảng 1 triệu đồng, sau 45 ngày diện tích này sẽ cho thu hoạch hơn 1 tấn củ. Hiện, củ cải tươi tại vườn được tư thương thu mua với mức giá 3.200 đồng đến 3.500 đồng/kg thay vì 1.000-2.000 đồng/kg so với thời điểm năm trước. Như vậy, sau khi trừ hết chi phí sẽ thu lợi hơn 2 triệu đồng.

Cây củ cải với người dân thị trấn nông trường Mộc Châu không còn xa lạ, nhưng được gieo, trồng theo hướng manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, sản lượng không nhiều, chủ yếu dùng làm rau trong chế biến thức ăn. Trong khi đây là loại cây cho năng suất cao, củ to, có hương vị ngọt được thị trường tiêu thụ mạnh.

Anh Lê Đình Tưởng, Tiểu khu trưởng, Tiểu khu 84-85, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: Những năm trước, cả tiểu khu mới chỉ trồng từ 3-5 ha cây củ cải, năng suất khoảng 8 tấn/ha. Nhưng hiện nay, toàn tiểu khu có khoảng 80/240 hộ trồng hơn 16 ha cải củ. Vào các dịp lễ hội trên cao nguyên Mộc Châu, sản phẩm củ cải của địa phương bày bán được nhiều du khách, người tiêu dùng tìm mua và đánh giá cao về chất lượng.

Tìm hiểu tại điểm thu mua củ cải của chị Nguyễn Thị Nga, tiểu khu 84-85, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chị Nga cho biết: Tôi thu mua của người dân hơn 3.000 đồng/kg củ cải. Về thuê nhân công rửa, phân loại cải, rồi bán lại cho các tư thương từ miền xuôi lên với giá 5.000 đồng/kg. Họ mang về các chợ đầu mối ở Hà Nội, sẽ bán được từ 8.000 đồng – 9.000 đồng/kg.

Như vậy, người nông dân đầu tư giống, phân bón và còn phải chịu rủi ro bị mất mùa nếu thời tiết khắc nghiệt, cũng chỉ lãi 2000 đồng/kg củ cải, ít hơn cả số lời các tư thương thu được. Để củ cải sản xuất ra không bị ép giá, người dân nơi đây mong muốn các ngành chức năng định hướng, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để lắp đặt hệ thống dây chuyền sấy khô củ cải.

Ưu điểm của hệ thống dây chuyền sấy khô củ cải là chế biến ra nhiều sản phẩm như: Củ cải khô, củ cải phên (củ cải được sấy khô ở một mức độ nhất định) sau đó được ủ, lên men và làm ra các sản phẩm củ cải chua, củ cải mặn, củ cải ngọt, củ cải chua ngọt… những sản phẩm này bán ra thị trường đang có giá từ 7.000 đồng – 8.000 đồng/kg

Việc trồng củ cải góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Để sản phẩm nông sản ngày một phát triển, rất mong các ngành chức năng giúp người dân xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm củ cải, mở ra hướng phát triển sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sóc Sơn: Trồng Củ Cải Hàn Quốc đạt 250-280 triệu đồng/ha/năm

UBND huyện Sóc Sơn vừa phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai đánh giá kết quả mô hình sản xuất củ cải vụ đông giống Hàn Quốc trên địa bàn xã Xuân Giang.

Thu hoạch củ cải tại huyện Sóc Sơn

Mô hình có quy mô 720m², được hỗ trợ 100% giống, phân bón, màng che phủ nilon, thuốc bảo vệ thực vật. Giống củ cải Hàn Quốc hỗ trợ được các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Rau quả chọn lọc trong chương trình hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.

Kết quả đánh giá: Giống củ cải Hàn Quốc sinh trưởng phát triển nhanh, kháng sâu bệnh tốt (đặc biệt không có bọ nhảy, bệnh thối rễ non). Thời gian sinh trưởng 90 ngày, củ to, chất lượng cao, không bị bấc lõi, phù hợp cho ăn tươi và chế biến. Cụ thể, với mật độ gieo trồng 2.200-2.500 củ/sào, khối lượng trung bình mỗi củ đạt 700g; với giá bán 10.000 đồng/kg, củ cải Hàn Quốc cho hiệu quả đạt từ 9 dến 10 triệu đồng/sào, tương đương 250-280 triệu đồng/ha trong điều kiện thâm canh đúng quy trình, sản xuất an toàn…

Từ mô hình trên, theo Phó phòng Kinh kế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân nhận xét, củ cải Hàn Quốc là giống rau mới, có triển vọng. Sóc Sơn sẽ đưa vào cơ cấu cây rau trong vụ đông và khuyến cáo nhân dân sản xuất trong diện rộng, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa liên kết.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bình Thuận: Tiến Lợi trồng Củ Cải đón tết

Thời điểm Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần cũng là lúc các hộ nông dân tất bật chăm sóc vườn tược, chuẩn bị phục vụ nhu cầu thị trường tết. Tại xã Tiến Lợi (TP. Phan Thiết), các hộ trồng củ cải trắng năm nay hứa hẹn một vụ mùa ổn định khi thời tiết thuận lợi, giá cả tăng so mọi năm.

Củ cải trắng

Sau gần 1 một tháng xuống giống, vườn củ cải trắng rộng một sào của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy (thôn Tiến Thạnh) đang phát triển rất tốt. Năm nay, do thời tiết lạnh kéo dài nên việc chăm sóc loại cây này thuận lợi. Được biết, mảnh đất đang canh tác trước đây được gia đình bà trồng rau lang lấy đọt. Từ thời điểm giữa tháng 10 âm lịch, gia đình bà thu hoạch hết lứa rau lang và bắt đầu xuống giống củ cải trắng. Bà Bảy đã xuống giống 0,5kg hạt trên diện tích một sào đất. “Năm ngoái do ảnh hưởng của mưa bão nên sản lượng thu hoạch không cao. Còn năm nay trời se lạnh kéo dài, gia đình tôi hy vọng cây củ cải trắng sẽ thu hoạch ít nhất từ 2 tấn trở lên” – bà Bảy cho biết.

Cũng tranh thủ thời gian rỗi, chị Nguyễn Thị Bích Vân (thôn Tiến Thạnh) đang làm luống cho vườn củ cải trắng rộng 0,5 sào. Chị Vân cho biết, so với một số cây trồng khác, củ cải trắng không tốn nhiều công chăm sóc. Trong suốt giai đoạn phát triển, người trồng chỉ vun luống làm đất 2 lần (thường vào ngày thứ 10 và ngày thứ 20 sau khi xuống giống), sau đó một tháng người trồng bắt đầu tước bỏ bớt phần lá trên thân để cây tập trung dinh dưỡng nuôi củ. Do đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh nên đa phần người nông dân chỉ cần bổ sung phân bón là cây đủ điều kiện phát triển.

Bà con đang tưới nước cho vườn củ cải

Ông Nguyễn Trọng Luân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Lợi cho biết: Xã hiện có khoảng 130 hộ đang canh tác các cây trồng ngắn ngày, tập trung trên địa bàn 2 thôn Tiến Thạnh và Tiến Hiệp. Trong đó, có khoảng 2/3 số hộ trồng cây củ cải trắng để phục vụ thị trường tết. Năm nay thời tiết diễn biến khá thuận lợi, hầu hết các vườn củ cải trắng đều phát triển tốt. Chính vì vậy dự kiến sản lượng củ cải trắng năm nay sẽ tăng cao so năm ngoái. Riêng giá bán, hiện nay loại củ này được thương lái thu mua tại vườn 7.000 – 8.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 2.000 – 3.000 đồng.

Theo đúng thời vụ sản xuất, dự kiến từ ngày 10 tháng chạp các nhà vườn trồng củ cải trắng sẽ bắt đầu thu hoạch. Bà con nông dân hy vọng từ nay đến thời điểm đó, giá thu mua sẽ tiếp tục giữ ổn định.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sóc Trăng: Tăng diện tích trồng Củ Cải Trắng

Hàng năm, sau một vụ hành thương phẩm, người dân thị xã Vĩnh Châu sẽ tăng thêm một vụ màu trồng cải trắng. Củ cải trắng thường được trồng tại các xã có giồng cát và tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống như phường 2, phường Vĩnh Hải, Vĩnh Tân…Đây là một loại màu có hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư rất thấp.

Củ cải trắng

Củ cải tươi hiện có giá từ 4.000-6.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và chất lượng. Mỗi công củ cải trắng trúng mùa có thể thu được gần 8 tấn. Trung bình mỗi công củ cải trắng khi làm xái pấu (củ cải muốn) có thể cho thu nhập gần 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thời gian sinh trưởng của củ cải trắng thường trên 50 ngày.

Vào mùa mưa, loại màu này thường hay bị úng và héo đọt nên nhiều hộ dân vẫn phải đợi sau khi thu hoạch xong hành tím thương phẩm mới xuống giống. Vài năm gần đây, nhiều hộ dân bắt đầu chuyển sang trồng vụ củ cải trắng song song với trồng hành thương phẩm. Năm nay, nhiều hộ trồng củ cải trắng làm xái pấu được mùa hơn cả những hộ trồng hành tím do hành tím bị rớt giá. Xái pấu vừa làm hiện có giá 7.000 đồng/kg, xái pấu trên 1 năm có giá gần 12.000 đồng/kg.

Hàng năm, thị xã Vĩnh Châu có từ 500-700 ha đất trồng củ cải trắng, trung bình lượng xái pấu thu được không dưới 30 tấn. Trồng củ cải trắng làm xái pấu được xem là nghề rất đặc trưng chỉ có ở thị xã Vĩnh Châu và là cách tăng vụ rất hiệu quả, giúp người dân tăng thêm thu nhập những tháng nông nhàn mùa khô.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn cách trồng mầm Củ Cải Trắng tại nhà

Làm sao bạn có thể bỏ qua được vị cay nồng từ mầm củ cải trắng với thịt bò ngọt thơm. Hôm nay mình chia sẻ cho bạn cách trồng rau mầm tại nhà mau có “mẻ” rau ngon.

Rau mầm củ cải trắng

Rau mầm củ cải trắng là mầm con của cây củ cải trắng. Rau mầm củ cải trắng có vị hăng nhẹ ở đầu mũi, cay nồng ở đầu lưỡi và vị ngọt khi bạn nuốt vào miệng. Ngoài những vị đặc trưng thì rau mầm củ cải trắng còn có giá trị dinh dưỡng gấp năm lần những loại rau thường. Là rau sạch nên không chứa những mầm bệnh, vi sinh vật gây hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, rau mầm củ cải  trắng còn cung cấp chất xơ, làm đẹp, chống lão hóa da, phòng ngừa ung thư và ngăn cản sự sơ cứng tế bào. Vậy còn chần chừ gì mà không áp dụng cách trồng rau mầm để bổ sung thực phẩm “đáng yêu” này vào bữa cơm gia đình bạn.

Cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà trải qua bốn giai đoạn

1. Chuẩn bị giá thể trồng mầm

Có nhiều bạn sẽ thắc mắc không biết “giá thể” là gì? Nhân đây mình sẽ giải thích một cách ngắn gọn: “Giá thể là môi trường rắn cho rễ cây đâm xuống mà không cần dùng đất”.

Giá thể có nhiều loại nhưng mình hay sử dụng nhất là giá thể mua ở cửa hàng cachtrongraumam.com vì tiết kiệm thời gian chuẩn bị, tiết kiệm chi phí vì giá thể này có thể tái sử dụng nhiều lần nhờ công nghệ vi sinh EM của Nhật. Nếu như bạn áp dụng cách trồng rau mầm, bạn có thể sử dụng giá thể mà bạn có sẵn miễn là giá thể có thể giữ ẩm và thoát nước tốt.

2. Xử lý hạt

Do vỏ hạt rau mầm củ cải khá cứng nên cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà thường phải ngâm nước để giúp vỏ mau nứt  và thời gian nảy mầm nhanh. Tốt nhất là bạn nên ngâm hạt giống từ 4h-6h trong môi trường nước ấm (pha 2 sôi 3 nguội)

Sau khi ngâm xong , bạn rửa sạch hạt rồi để ráo trong rổ 8h, đặt rổ nơi thoáng mát và tối . Trong quá trình để ráo bạn nên xốc hạt để hạt khô ráo đều.

3. Gieo hạt và chăm sóc

Cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà giai đoạn này có khá nhiều bước nên mình hướng dẫn thật chi tiết cho các bạn dễ thực hiện theo.

• Đầu tiên bạn cho lớp giá thể dày khoảng 2 cm -3 cm vào khay trồng. Độ dày này thích hợp cho việc rễ rau mầm bám vào giá thể , tránh đổ ngã

• Tiếp theo, các bạn gieo hạt đều lên khay trồng, hạt sát hạt,  nhưng không được để hạt chồng hạt. Như vậy, cây mầm mọc khó nhận được nước và chất dinh dưỡng từ giá thể.

• Tiếp theo, các bạn dùng 1 cái xẻng hay dụng cụ có mặt phẳng ép nhẹ cho hạt lún vào giá thể , lưu ý là bạn phải thật sự nhẹ tay và cẩn thận  trong giai đoạn này để tránh làm rễ của  mầm củ cải trắng bị gãy.

• Dùng bình xịt nhựa phun sương giá thể. Sau đó  các bạn dùng 1 tấm bìa hay báo che khay trồng lại. Để tránh ẩm mốc phát triển nên chừa khe hở nhỏ giữa tấm bìa & khay trồng cho không khí lưu thông. Che ngay lên miệng khay càng tốt. Các bạn luôn nhớ giữ cho bề mặt giá thể ẩm nhẹ để hạt nảy mầm tốt và đều. Tưới tối thiểu 2 lần/ ngày, nếu bề mặt giá thể khô bạn có thể tưới nhiều lần hơn

• Sau 3 ngày mầm cao khoảng 5-7cm. Lúc này các bạn có thể cho mầm ra nơi thoáng mát  và có ánh sáng chan hòa . Nên tránh không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào mầm vì mầm củ cải trắng còn non nớt nên không chịu được nhiệt độ quá nóng của mặt trời, điều này gây cản trở sự phát triển của cây. Đồng thời trong giai đoạn này bạn nên năng tưới nước cho cây tốt nhất là 3 lần/ ngày cho mùa nắng nóng ( phổ biến nhất là tưới sáng và chiều).

4. Thu hoạch

Sau 5 ngày thực hiện cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà, bạn có thể thu hoạch . Đây là khoảng thời gian tốt nhất để thu hoạch vì mầm cao từ 13 cm – 15 cm, nếu thu hoạch trễ mầm già mất đi vị ngon của rau mầm củ cải

Các bạn dùng dao cắt rau sát gốc hay cách gốc 1cm đều được. Sau đó cho rau vào hộp nhựa đậy kín & cho vào ngăn mát tủ lạnh, khi nào dùng các bạn chỉ cần lấy ra rửa sơ qua với nước muối loãng. Với cách bảo quản trên rau vẫn giữ được màu sắc và mùi vị trong vòng một tuần sau thu hoạch lận đấy!

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Củ Cải Đỏ

Cải củ đỏ là loại rau thuộc họ thập tự, dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, củ cải đỏ là cây có giá trị dinh dưỡng cao, giàu Vitamin A, B, C, sử dụng làm salat, nấu canh hầm, nấu một cho trẻ sơ sinh…

Củ cải đỏ

1. Giống cây củ cải đỏ

Củ cải đỏ cherry là giống F1 nhập khẩu từ Hà lan, củ tròn, đường kính 3 – 4 cm, cỏ đỏ tươi, ruột trắng, cây cao 15 – 25 cm. Lượng hạt cần cho 1 sào Bắc bộ khoảng 500gr – 700 gr tùy theo cách gieo. Thời gian thu hoạch 23 – 35 ngày sau trồng.

2. Thời vụ trồng củ cải đỏ

Củ cải đỏ là giống ưa ẩm và mát, thời vụ gieo trồng từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.

3. Chuẩn bị đất và gieo hạt

Cây cải củ đỏ cho phần thu hoạch là củ, nên để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất. Chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, tơi xốp, nhiều mùn (cây cải củ đỏ trồng tốt nhất trên đất phù sa nhiều mùn), cách ly khu vực có chất thải, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100 m, không tồn dư hóa chất độc hại và kim loại nặng. Đất cày cuốc sâu, để phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó, làm tơi đất, nhặt sạch cỏ dại và các loại gạch vụn, sỏi, đá.

Lên luống: mặt luống rộng 1,2-1,5 m; rãnh 30-40 cm; độ cao của luống 20-25 cm. Gieo hạt: Nếu gieo theo luống thì rải phân bón lót trên mặt luống rồi trộn đều với đất, để 1-2 ngày mới gieo hạt. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm (đảm bảo độ ẩm đạt 75-80%) để hạt nảy mầm tốt. có thể gieo vãi và tỉa sau khi gieo 7 – 10 ngày với khoảng cách 5 x 5 cm, hoặc có thể rạch các rãnh nhỏ với khoảng cách 5 cm rồi bót từng hạt cách nhau 5 cm (cách này tiết kiệm hạt nhưng tốn thời gian gieo).

Để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất

4. Kỹ thuật chăm sóc củ cải đỏ

– Tưới nước: Cây cải củ đỏ ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng và khô hạn sẽ làm củ nứt. Mỗi ngày tưới 1 lần bằng nước sạch, chỉ tưới lướt chứ không cần tưới đẫm nước.

– Vun xới: Cây cải củ đỏ có đặc điểm là khi hình thành củ, củ thường trồi lên mặt luống làm cho vỏ củ sần sùi, không sáng mã. Để cây cải củ có củ to, sáng mã cần phủ rơm rạ ngay từ sau khi gieo để giữ ẩm thường xuyên và tiến hành vun xới cho cây. Khi xới phải nhẹ, nông tay, không xới sát gốc cây làm đứt rễ, cây long gốc kém phát triển hoặc bị chết.

6. Phòng trừ sâu bệnh cho cây củ cải đỏ

Cây cải củ đỏ rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hại, cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Có thể sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ. Nếu ruộng trồng cải củ kém thoát nước, bón thúc quá nhiều phân đạm hoặc để cây quá dày, sẽ xuất hiện bệnh thối nhũn. Ngoài ra, cây cải củ thường bị các bệnh lở cổ rễ, phấn trắng và cháy lá gây hại.

7. Thu hoạch củ cải đỏ

Sau 25 – 35 ngày sẽ cho thu hoạch.

 

Thu hoạch củ cải đỏ

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Khu vườn 360 tỷ đồng của ‘đại gia’ Củ Cải Lâm Đồng

Phần lớn nông dân đạt danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2017” đều là những tỷ phú làm giàu từ nông nghiệp. Đáng chú ý, có những nông dân chỉ nhờ vào nuôi lợn, nuôi cá hay trồng củ cải, cà rốt,… mà doanh thu mỗi năm lên tới 100-360 tỷ đồng.

Những tỷ phú chân đất

Vượt qua những khó khăn về “bão” giảm giá lợn, gà, rau quả,… hay những tác động khôn lường của thời tiết do biến đổi khí hậu, nhiều nông dân vẫn tìm tòi sáng tạo, vươn lên, tìm cho mình hướng đi riêng để làm giàu từ nông nghiệp.

Tại cuộc Họp báo công bố 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, ban tổ chức cho biết, phần lớn đó là những tỷ phú nông dân. Đáng chú ý, trong số đó, có những người nhờ làm nông mà mỗi năm thu từ 100-360 tỷ đồng, lợi nhuận thu về đạt 10-20 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Đoàn đầu tư cho nông dân trồng củ cải, cà rốt.. thu 360 tỷ đồng/năm

Đơn cử, anh nông dân 46 tuổi Nguyễn Văn Đoàn ở Tổ 18, thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư cho nông dân trồng củ cải, cà rốt,… từ A đến Z, trên diện tích vài ngàn hecta, sau đó anh bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ, kể cả khi giá xuống thấp cũng mua. Nguyên tắc của anh là không bao giờ chối bỏ sản phẩm của các hộ dân mà anh đầu tư liên kết.

Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động trồng trọt của anh lên tới 360 tỷ đồng/năm. Trừ đi chi phí, mỗi năm anh lãi khoảng 18 tỷ đồng. Riêng các hộ dân liên kết với anh cũng lãi ròng 120 triệu đồng/ha/năm. Hàng trăm hộ nông dân ở Tây Nguyên vì thế đã thoát nghèo.

Hay cách làm giàu của lão nông 70 tuổi Nguyễn Đình Cây ở Long Thủy (Phước Long, Bình Phước) cũng khiến nhiều người thán phục. Chỉ nhờ cây hồ tiêu, cây cao su mà doanh thu của ông đạt 120 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 5-10 tỷ đồng/năm.

Ông Cây chia sẻ, vốn là cựu chiến binh, ông bắt đầu khởi nghiệp làm nông với đồng vốn vỏn vẹn 100 đồng (khoảng 3 chỉ vàng). Song, sau nhiều năm chăm chỉ, giờ ông đã có vườn tiêu rộng 20 ha và 5ha tiêu sạch. Đặc biệt, lão nông chân đất này cho rằng, là nông dân thì phải lấy nông nghiệp làm gốc, phải có niềm đam mê. Đấy là lý do quan trọng dẫn đến thành công của ông ngày hôm nay.

Nhờ trồng cao su và hồ tiêu mà ông Trịnh Đình Cây thu lợi nhuận từ 5-10 tỷ đồng/năm

Cũng đam mê với nghề, biết tìm hướng đi riêng nên giữa cơn “đại khủng hoảng lợn” diễn ra suốt gần một năm qua, ông Tô Hiến Thành ở Danh Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn trụ vững với trang trại lợn hữu cơ của riêng mình, thu về 10-12 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 3-3,5 tỷ đồng/năm.

Nhân rộng các điển hình nông dân sản xuất giỏi

Chia sẻ về những gương mặt nông dân đạt danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2017”, ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, cho hay, đây đều là những nông dân giỏi, có tinh thần trách nhiệm, có ý chí vươn lên. Nhiều người, ngoài sự cần cù chăm chỉ, còn có tinh thần ham học hỏi, chịu khó tìm tòi sáng tạo ra những cách làm hay để áp dụng vào công việc trồng trọt, chăn nuôi, giúp tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, để đạt được thành công, họ cũng phải trả giá nhiều lần, cũng phải chịu nhiều thất bại. Song, khi đạt được kết quả, họ lại duy trì rất tốt mô hình hoạt động của mình và giúp đỡ những người nông dân khác, ông Nam cho biết.

Thừa nhận điều này, ông Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay, dẫn chứng, “vua vịt trời” Bắc Ninh Nguyễn Đăng Cường là nông dân xuất sắc năm 2015. Khi ấy, anh Cường mới chỉ nuôi vịt trời trên diện tích 2ha, giờ diện tích trang trại đã lên tới 6ha. Ngoài nuôi vịt bán thịt, anh còn đã phát triển lên thành công ty, chế biến món vịt xông khói xuất khẩu vịt sang Nhật Bản.

Phát triển lợn theo hướng hữu cơ nên ông Tô Hiến Thành có thể lãi vài tỷ đồng/năm 

Hay như ông Tô Hiến Thành cũng có hướng đi riêng trong chăn nuôi lợn và đạt được nhiều thành công, bất chấp đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua.

Trước đó, ông Lương Quốc Đoàn, Phó chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, cũng cho biết, 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội phát động đã tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn. Mọi nông dân cùng hăng hái thi đua trong gia đình, trong xóm làng và cùng vươn lên làm giàu.

Thời gian tới, Hội sẽ giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, hợp tác, có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cụ thể để khắc phục những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ nông sản và nâng cao hàm lượng khoa học trong từng loại nông sản.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Củ Cải trong thùng xốp

Cách trồng củ cải rất đơn giản, thời gian sinh trưởng nhanh nên sau khi trồng chẳng bao lâu là bạn đã có ngay những củ cải to, mập mạp để chiêu đãi cả nhà rồi.

Không chỉ được yêu thích bởi vị ngọt, củ cải còn được nhiều người ưa chuộng vì nguồn dinh dưỡng dồi dào và lợi ích mà loại củ này mang lại. Đây là loại củ giàu chất xơ giúp đẩy mạnh quá trình tiêu hóa.

Bên cạnh đó, củ cải còn giúp loại bỏ độc tố trong gan, dạ dày; ngăn chặn sự phá hủy của các tế bào hồng cầu. Hơn nữa, do hàm lượng vitamin C, flavonoid và axit folic trong củ cải tương đối cao nên loại củ này còn có thể hỗ trợ điều trị ung thư cũng như bệnh tim mạch.

Cách trồng củ cải cũng rất đơn giản, thời gian sinh trưởng nhanh nên sau khi trồng chẳng bao lâu là bạn đã có ngay những củ cải to, mập mạp để chiêu đãi cả nhà rồi. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không bắt tay ngay vào trồng củ cải.

Lựa chọn thời vụ thích hợp

Củ cải có 3 vụ mùa là vụ chính (tháng 8-9), vụ muộn (tháng 10-11) và vụ xuân hè (tháng 2-4). Lưu ý, củ cải trồng vụ xuân hè nhanh cho thu hoạch nhất (khoảng 25-35 ngày) nhưng cho năng suất thấp.

Cách trồng củ cải trong thùng xốp

1. Chuẩn bị

– Hạt giống: Bạn có thể mua ở chợ, siêu thị,…

– Thùng xốp: Thùng cao khoảng 15-20 cm và có đục lỗ để thoát nước.

– Đất trồng: Đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

– Phân bón: Phân chuồng hoai mục, lân, kali.

2. Các bước tiến hành

Đục lỗ thùng xốp trước khi trồng để cây thoát nước tốt

– Lấy đất trồng đã chuẩn bị sẵn trộn với phân chuồng hoai mục, lân, kali rồi cho vào thùng xốp. Tốt nhất nên chuẩn bị trước 3 ngày gieo hạt.

Trộn đất trồng với phân chuồng hoai mục, lân và kali.

– Ngâm hạt giống vào nước ấm khoảng 3 – 5 tiếng đồng hồ để chúng nhanh nảy mầm hơn.

– Lót 1 lớp bông gòn xuống đáy cốc, tưới nước cho bông ẩm và rải hạt lên trên. Sau đó phủ tiếp 1 lớp bông gòn khác lên trên, tưới ẩm, chờ đến khi hạt xuất hiện vết nứt nhỏ thì bắt đầu đem trồng ra đất.

– Khi gieo hạt vào thùng xốp, bạn hãy dùng que đục lỗ sâu 2 – 3cm sau đó gieo vào mỗi lổ từ 2 – 3 hạt rồi lấp đất lại. Lưu ý, hàng cách hàng 15 cm, cây cách cây 20 cm. Sau khi gieo, tưới ẩm toàn bộ thùng xốp đến khi đạt độ ẩm bão hòa.

Khoảng cách giữa hai cây là 20 cm.

– Khoảng 1 tuần sau, hạt sẽ nảy mầm và ra những chiếc lá đầu tiên.

3. Chăm sóc

– Tưới nước đều đặn 1-2 lần/ngày cho đến khi cây mọc. Chỉ tưới lướt để giữ ẩm chứ không cần tưới đẫm nước.

– Cây có 2 – 3 lá thật thì tỉa lần thứ nhất, rồi bón thúc lần đầu bằng nước phân pha loãng.

– Sau đó 5 – 7 ngày tỉa lần thứ hai kết hợp với nhặt cỏ, để lại khoảng cách 15 – 20 cm một cây rồi bón thúc lần thứ hai.

Những củ cải bắt đầu trồi lên mặt đất.

– Bón thúc lần ba khi cây đang phát triển.

– Sâu bệnh hại củ cải chủ yếu là rệp và sâu bọ. Khi gặp trường hợp này, bạn có thể sử dụng các loại thuốc sinh học để hỗ trợ phòng trừ.

Bên cạnh củ cải trắng, các chị em có thể áp dụng cách trồng tương tự với củ cải đỏ. Đồng thời, thùng xốp cũng có thể được thay thế bằng chậu.

4. Thu hoạch

Trung bình khoảng từ 60-70 ngày từ ngày gieo hạt là chúng ta có thể thu hoạch, tùy vào thời vụ thời điểm trong năm sẽ cho năng suất khác nhau.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn cách trồng Củ Cải Trắng

Củ cải là loại rau thuộc họ thập tự, dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Trồng củ cải trắng nhanh cho thu hoạch, năng suất từ 17-30 tấn/ha (tuỳ giống, thời vụ gieo trồng và điều kiện chăm sóc), bán vào các thời điểm giáp vụ rau cho thu nhập cao.

Củ cải trắng

1. Thời vụ

Củ cải trắng có thể trồng được nhiều vụ trong năm: vụ chính gieo hạt tháng 8-9; vụ muộn gieo hạt tháng 10-11; vụ xuân hè gieo hạt tháng 2-4. Củ cải trắng trồng vụ xuân hè nhanh cho thu hoạch nhất (khoảng 25-35 ngày) nhưng cho năng suất thấp.

2. Chuẩn bị đất và gieo hạt

Cây củ cải trắng cho phần thu hoạch là củ, nên để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất. Chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, tơi xốp, nhiều mùn (cây củ cải trắng trồng tốt nhất trên đất phù sa nhiều mùn), cách ly khu vực có chất thải, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100 m, không tồn dư hóa chất độc hại và kim loại nặng.

Đất cày cuốc sâu, để phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó, làm tơi đất, nhặt sạch cỏ dại và các loại gạch vụn, sỏi, đá. Lên luống: mặt luống rộng 1,2-1,5 m; rãnh 30-40 cm; độ cao của luống 20-25 cm đối với vụ xuân hè hoặc 15-20 cm đối với vụ thu đông.

Gieo hạt: Nếu gieo theo luống thì rải phân bón lót trên mặt luống rồi trộn đều với đất, để 1-2 ngày mới gieo hạt. Nếu gieo hàng thì tiến hành rạch hàng cách nhau 25-30 cm, bỏ phân vào rạch, lấp đất vài hôm rồi gieo. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm (đảm bảo độ ẩm đạt 75-80%) để hạt nảy mầm tốt.

3. Bón phân

Lượng phân bón cho 1 ha trồng củ cải trắng như sau: 12-15 tấn phân chuồng hoai mục, 30-50 kg lân Lâm Thao, 65-100 kg đạm urê, 50-65 kg kali. Không dùng phân chuồng chưa ủ kỹ để bón cho cây củ cải trắng vì phân chưa hoai sau này bám vào vỏ củ sẽ làm cho củ không được sáng mã.

Cách bón phân:

– Bón lót:

Trồng củ cải trắng bón phân lót là chính. Bón lót 100% phân chuồng hoai mục, 100% phân lân, 20% phân đạm và 40% phân kali. Phân lót được trộn đều vào đất trước khi gieo hạt 1-2 ngày. Bà con cũng có thể sử dụng phân NPK tổng hợp (loại chứa nhiều P2O5) để bón lót thay cho phân đơn.

– Bón thúc lần 1:

Khi cây có 2-3 lá thật, tiến hành tỉa thưa lần thứ nhất, rồi bón thúc. Lượng bón: 20% đạm + 20% kali. Cách bón: hoà tan phân với nước rồi tưới đều lên mặt luống.

– Bón thúc lần 2:

Sau lần 1 khoảng 5-7 ngày, tỉa cây để lại khoảng cách cây cách cây 15-20 cm, sau đó tiến hành bón phân thúc (30% đạm +20% kali). Rắc đều phân lên mặt luống rồi tưới nước rửa để không cho phân dính vào lá cây.

– Bón thúc lần 3:

Khi củ đang sinh trưởng mạnh (củ to bằng ngón tay cái), bón hết lượng phân còn lại. Cách bón như lần 2.

Lưu ý: Ngừng bón phân đạm ít nhất 21 ngày trước khi thu hoạch. Bà con nông dân cũng có thể dùng các loại phân bón vi sinh, phân bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tăng năng suất cây trồng.

4. Chăm sóc

– Tưới nước:

Cây củ cải trắng ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ và củ. Cứ 2 ngày tưới 1 lần bằng nước sạch, chỉ tưới lướt chứ không cần tưới đẫm nước.

Chăm sóc đúng cách để có được củ cải có chất lượng tốt nhất

– Vun xới:

Cây củ cải trắng có đặc điểm là khi hình thành củ, củ thường trồi lên mặt luống làm cho vỏ củ sần sùi, không sáng mã. Để cây củ cải trắng có củ to, sáng mã cần phủ rơm rạ ngay từ sau khi gieo để giữ ẩm thường xuyên và tiến hành vun luống kết hợp cới cá lần bón thúc cho cây. Nếu đất bí dí, có thế xới phá váng rồi vun. Khi xới phải nhẹ, nông tay, không xới sát gốc cây làm đứt rễ, cây long gốc kém phát triển hoặc bị chết.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Cây củ cải trắng rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hại, cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Có thể sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ.

Nếu ruộng trồng củ cải trắng kém thoát nước, bón thúc quá nhiều phân đạm hoặc để cây quá dày, sẽ xuất hiện bệnh thối nhũn. Ngoài ra, cây Củ cải trắng thường bị các bệnh lở cổ rễ, phấn trắng và cháy lá gây hại.

Để hạn chế sâu bệnh hại trên cây cải củ, cần chú ý: Không nên gieo 2- 3 đợt Củ cải trắngvà các cây họ cải khác liên tục trên cùng một diện tích; Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới để phòng trừ; Nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly thuốc dùng đúng hướng dẫn trên bao bì gói thuốc.

6. Thu hoạch

Vụ chính sau khi gieo 60 – 70 ngày cho thu hoạch, năng suất trung bình.

Vụ muộn phải 80 – 100 ngày mới được thu hoạch, năng suất thân, lá, củ cao nhất.

Vụ hè chỉ 25 – 35 ngày đã cho thu hoạch nhưng năng suất thấp, củ bé có vị hăng gắt. Củ cải trắng vụ này thường ăn cả lá và củ.

Những người có nhiều kinh nghiệm trồng củ cải trắng cho biết để có năng suất cao, vụ muộn nên trồng củ cải trắng lai F1, giống này cho củ rất to, trọng lượng củ đạt 300 – 500 g, chịu thâm canh. Về sâu bệnh, kinh nghiệm phòng trừ bọ nhảy hại củ và lá củ cải là trước khi gieo hạt dùng 1 kg thuốc Basudin 10 H cho mỗi sào, rắc và trộn đều trên mặt luống. Nhờ đó mà ấu trùng bọ nhảy sọc cong, sâu xám, dế trũi, mối, kiến hại rễ và củ đều bị tiêu diệt, đảm bảo năng suất cao và chất lượng củ cải khi thu hoạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.