Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng đơn giản và cho năng suất cao

Cây Đinh lăng có tên khoa học là polyscias fruticosa, là cây thuộc họa ngũ gia bì, cây trồng khá dễ, cây thường được trồng để lấy lá, rể, thân, lá cây có thể được dùng làm thuốc trị bệnh hoặc làm gia vị các món ăn gỏi cá, thịt chó và nhiều món ăn khác.
Ngoài giá trị kinh tế cao cây Đinh lăng còn được biết đến là một loài cây thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả và được ví như nhân sâm Việt. Chính vì như vậy mà cây Đinh lăng hiện nay được rất nhiều bà con áp dụng và nhân rộng thành nhiều mô hình trang trại vô cùng hiệu quả.
Thực tế, trồng cây Đinh lăng không phải khó nhưng cũng không dễ nếu không biết cách áp dụng các bước kỹ thuật trồng cây khoa học như phải đảm bảo về mọi mặt từ giống, thời vụ trồng và nhất là hiểu đặc điểm của cây để tìm ra hướng chăm sóc sao cho phù hợp nhất.

Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng cho năng suất cao không phải dễ. Ảnh minh họa
Cách chọn giống
Đinh lăng có 2 loại chính là Đinh lăng tẻ và Đinh lăng nếp. Cây Đinh lăng tẻ là loại có lá to, vỏ sần, củ nhỏ, rễ ra ít, cứng và có vỏ bì mỏng nên khả năng phát triển không cao. Ngược lại, Đinh lăng nếp có lả nhỏ và xoăn, vỏ cây nhẵn, củ to, rễ mềm, vỏ bì dày và phát triển mạnh nên cho chất lượng và năng xuất cao. Đây là loại Đinh lăng tốt, mạnh nên lựa chọn trong việc gieo trồng. Vì vậy khi chọn giống Đinh lăng không nên chọn cây quá già hoặc quá non. Để có được nhiều giống và dễ chăm sóc sau này, nên chặt cành ra thành nhiều đoạn, có độ dài khoảng 25-30cm, tránh làm dập 2 đầu của các đoạn.
Chọn đất
Đinh lăng là loài cây ưa ẩm không chịu được khô hạn nên chọn đất trồng phải tơi xốp, thoáng và giữ ẩm tốt. Vì vậy phải đảm bảo được yếu tố này cây mới thực sự phát triển nhanh.
Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng
Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng có thể áp dụng bằng cách giâm trực tiếp vào các bầu đất nilong hoặc cấy trên đất cát vàng đều có thể sinh trưởng được. Trước khi tiến hành trồng cần loại bỏ hết các tạp chất như đá, hạt cỏ, trộn chung với 9% phân chuồng u hoai cùng 1% supe lân tính theo trọng lượng của bầu.

Để có được những cây Đinh lăng tươi, tốt nhiều nhánh cần áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây và chăm sóc. Ảnh minh họa
Bầu cần đóng đầy đất, chặt đất rồi xếp bầu vào luống rộng khoảng 0,8 đến 1 m. Trong trường hợp trồng cây Đinh lăng với số lượng lớn, thì nên cày cho đất tơi xốp, luống cao 20-50 cm và rạch sâu 15 cm, khoảng cách giữa các hố trồng là 50 cm, đặt hom giống theo chiều luống, nên bón lót bằng phân chuồng (4kg/sào), phân NPK (20kg), sau đó lấp hom và cho đầu hom hở khoàng 5 cm.
Chăm sóc
Sau khi trồng được một thời gian dài thì bạn nên chú ý khi cây bắt đầu xuất hiện một số bệnh và sâu hại cây. Do đó cần thường xuyên cắt tỉa những cành già và bỏ đi để cho cây thông thoáng hơn. Khi trồng được 6 tháng tuổi, tiến hành bón thúc bằng phân Ure (8kg/sào). Trồng được 2 năm tuổi trở đi, nên cắt bỏ bớt cành và lá thừa vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hằng năm. Sau tỉa lần đầu, bón thêm 15kg phân NPK, 4kg phần Kali và bón thêm phân chuồng (300 kg/sào).
Thu hoạch
Trồng cây Đinh lăng phải sau 3 năm gieo trồng mới có thể thu hoạch. Nhìn chung, hầu hết các bộ phận của cây dược liệu Đinh lăng đều có tác dụng y học. Thân, lá và rễ có tác dụng tăng lực. Khi thu vỏ rễ, vỏ thân, người thu nên thu hoạch lá trước. Lá thu được đem hong gió cho khô là tốt nhất, cuối cùng sấy cho thật khô và đem bảo quản.
Thân và lá dùng làm thuốc bổ tăng cân, tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu có tác dụng an thần, ít độc. Nước sắc Đinh lăng có tác dụng đối kháng với trùng roi, trị lỵ amip cấp. Rễ dùng làm thuốc bổ tăng lực, gầy yếu mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau sinh ít sữa, chữa ho ra máu, kiết lỵ, đau tử cung, giúp lợi tiểu. Lá của cây Đinh lăng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương. Thân và cành chữa thấp khớp đau lưng.
Nhân giống
Kỹ thuật nhân giống cây Đinh lăng hơi phức tạp. Bà con cần sử dụng dao sắc để chặt hai đầu của cành giâm hom, nên chặt từng đoạn với chiều cao khoảng từ 15 đến 20 cm, trên cành có khoảng từ 3- 4 mắt lá. Tránh làm dập 2 đầu của bầu để rễ dễ phát triển hơn.
Khi tỉa hom cần để lại khoảng từ 3 đến 4 lá, mỗi lá cần tỉa nhỏ lại, chỉ nên để khoảng 1/3 phiến lá. Phần phía dưới cần tỉa sạch lá để khi cắm vào bầu thì không bị chôn vùi trong đất nếu không những lá này sẽ bị thối. Bà con nên chọn cách cắt vát khoảng 45 độ, cắt gọn và dùng dao sắc để lá không bị giập.
Sau khi cắt xong cần được nhúng vào dung dịch Benlat nồng độ 100-200 ppm, khoảng 100- 200 mg Benlat thì pha với một lít nước. Nhúng cành hom vào dung dịch trong khoảng 12 phút để phòng trừ nấm bệnh là có thể đem hom đi giâm. Chú ý sau khi giâm không nên rửa lại cành với nước lã, nếu có thể thì nhúng vào dung dịch thuốc tím với nồng độ 0,1% để phòng trừ nấm rồi cắm vào trong bầu.

Nguồn: An Dương được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.