Đồng Tháp: Kiệu giống giá cao, nông dân lãi khá

Do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu sử dụng kiệu tăng mạnh nên giá kiệu giống và kiệu thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang ở mức cao. Nông dân trồng kiệu có thể thu lợi nhuận từ 10 – 20 triệu đồng/công.

Nông dân phơi kiệu giống để bán cho thương lái

Nhiều năm gần đây, nông dân huyện Lấp Vò và Tam Nông đã chuyển hàng trăm héc ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng kiệu thương phẩm và kiệu giống giúp tăng thêm thu nhập.
Theo người dân trồng kiệu thì hiện nay giá kiệu ở mức cao. Cụ thể, kiệu thương phẩm từ 10 ngàn – 12 ngàn đồng/kg, kiệu giống từ 30 ngàn – 38 ngàn đồng/kg, tăng từ 2 ngàn – 3 ngàn đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng.
Kiệu thương phẩm được trồng từ 4 – 4,5 tháng, còn kiệu giống trồng từ 6 -7 tháng là có thể thu hoạch, mỗi công kiệu sẽ xuống giống từ 120 – 150kg giống tùy theo chất lượng mà có thể cho năng suất từ 4 – 6 tấn/công.
Kiệu giống được thương lái thu mua và xuất bán nhiều ở các tỉnh Tây Ninh, Nha Trang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với mức giá như hiện nay, nông dân trồng kiệu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có thể thu lãi từ 10 – 20 triệu đồng/công.
Bên cạnh đó, việc trồng kiệu còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại địa phương, thu nhập từ 100 ngàn – 120 ngàn đồng/ngày tăng lên 150 ngàn – 200 ngàn đồng/ngày.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Làm giàu từ cây Kiệu trên đất nhiễm phèn

Hơn 20 năm chinh phục vùng đất nhiễm phèn ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), ông Phạm Hoàng Bộ – ngụ ấp K10 (xã Phú Hiệp) – đang sở hữu hơn 6ha đất chuyên trồng kiệu, thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm…

Bà con thu hoạch kiệu được trồng trên đất nhiễm phèn

Ông Hộ thừa hưởng của cha mẹ hơn 1ha đất chuyên trồng lúa. Tuy nhiên, vùng đất này năng suất lúa không ổn định, giá bán lại bấp bênh. Tìm hướng đi mới, ông Bộ đã từng bước chuyển dần đất trồng lúa sang trồng kiệu. Bước đầu, trồng kiệu gặp nhiều khó khăn do ông Hộ chưa nắm vững kỹ thuật trồng, mùa vụ; lại phát sinh sâu bệnh nên thua lỗ. “Phú Hiệp được ví như “thủ phủ” của cây kiệu, nhưng không phải ai cũng có thể trồng kiệu thành công vì phụ thuộc nhiều yếu tố: Giá cả, tình hình sâu bệnh, năng suất…” – ông Bộ cho biết.

Theo ông Bộ, nếu trồng kiệu đạt năng suất cao, bình quân mỗi công có thể thu lợi nhuận 40 – 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không nắm vững kỹ thuật và phòng trừ sâu, bệnh chưa tốt, bệnh cháy lá, sâu dòi tấn công sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư, lợi nhuận giảm, có thể bị thua lỗ… Để trồng kiệu thành công, ông Bộ đã phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Khi đã thành công, mỗi năm ông Bộ cung cấp cho thị trường hơn 250 tấn kiệu các loại, thu về hơn 1 tỉ đồng/năm; giải quyết công việc thường xuyên (thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng) cho 50 lao động và hơn 200 lao động thời vụ… Ông Bộ còn canh tác hơn 20 công lúa chất lượng cao, mỗi vụ lợi nhuận 20 – 30 triệu đồng…

Ông Nguyễn Đờ Lát – Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Hiệp – nhận xét, ông Bộ là một nông dân tiêu biểu và tiên phong trong phong trào “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi” của xã, huyện. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đóng góp đáng kể vào phong trào của các cấp hội nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện (nói chung), xã Phú Hiệp (nói riêng). Ông cũng là nông dân đã nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng cấp huyện, tỉnh; gần đây nhất là bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi” cấp tỉnh (giai đoạn 2014 – 2016).

Nguồn: Laodong.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Người nông dân trồng Kiệu vui mừng vì trúng mùa, được giá

Từ cuối tháng 11 âm lịch, người trồng kiệu ở Khánh Hòa bắt đầu bước vào vụ thu hoạch để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.

Người dân Khánh Hòa hồ hởi thu hoạch Kiệu

Năm nay, nhiều hộ canh tác loại cây này vô cùng phấn khởi vì kiệu vừa được mùa lại được cả giá.

Tìm đến những cánh đồng trồng kiệu ở các huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh chúng tôi chứng kiến một không khí vô cùng nhộn nhịp. Hàng chục người dân tay thoăn thoắt trên những luống kiệu để thu hoạch kịp giờ cho thương lái đưa lên xe chở về các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Tiếp chuyện chúng tôi, nông dân Trần Văn Thanh cho biết, năm nay gia đình ông bắt đầu xuống giống cây kiệu từ đầu tháng 6 âm lịch trên diện tích gần 1ha. Kiệu phát triển tốt nên cách đây gần 10 ngày, ông Thanh bắt đầu xuất bán dần. Dự tính, đến gần giữa tháng chạp, toàn bộ ruộng kiệu của gia đình sẽ thu hoạch xong.

“Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất kiệu cao, hàng lại khan hiếm nên bán rất được giá. Tính trung bình, nếu như năm ngoái mỗi sào kiệu bán được từ 25 – 28 triệu thì năm nay lên tới 32 – 35 triệu đồng/sào. Với diện tích trồng kiệu nhà tôi, sau khi trừ các chi phí và nhân công thì vụ này cũng có lãi gần trăm triệu”, ông Thanh hồ hởi.

Tại TP Cam Ranh, người dân xuống giống muộn hơn nên các ruộng kiệu trên địa bàn mới lác đác vài hộ thu hoạch. Mặc dù vậy, qua tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết các ruộng kiệu đã được thương lái tìm đến và mua kiệu non vì sợ vào thời điểm giáp tết sẽ không có nguồn hàng.

Theo bà Nhung, một thương lái thu mua kiệu thì năm nay nhìn chung các vùng trồng kiệu trên địa bàn Khánh Hòa đều được mùa. Cây kiệu gặp thời tiết thuận lợi nên phát triển tốt, cho củ to, chắc, ít có hiện tượng hư thối.

“Chúng tôi thường thu mua kiệu bắt đầu từ cuối tháng 11 đến ngày 25 tháng chạp và chủ yếu tiêu thụ trên thị trường TP Hồ Chí Minh. Hiện mỗi ngày tôi thu mua được từ 3 – 4 tấn kiệu, so với năm ngoái thì ít hơn nhưng giá lại cao bởi năm nay hàng chất lượng tương đối tốt”, bà Nhung nói.

Đánh giá về mặt hàng kiệu tết năm nay, ông Ngô Văn Nhẹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh) – địa phương có diện tích trồng kiệu lớn nhất Khánh Hòa cho rằng, chưa bao giờ, kiệu lại được mùa, được giá như thế. Một mặt là do thời tiết thuận lợi, mặt nữa là do diện tích trồng kiệu những năm gần đây giảm dần nên hiếm hàng.

Cũng theo ông Nhẹ, các năm trước vì giá cả bấp bênh, nhân công cao nguồn giống khan hiếm nên người dân không mặn mà với cây kiệu và chuyển một diện tích lớn sang trồng các loại cây khác. Chỉ tính riêng trên địa bàn Cam Thành Nam, so với trước đây thì diện tích trồng kiệu chỉ còn 1/6 (còn khoảng trên 10ha).

Giá thu mua kiệu tăng lên từ 3 – 5 triệu đồng/sào so với những năm trước

“Năm nay thấy cây kiệu mang lại hiệu quả chắc chắn người dân sẽ tăng diện tích trồng trở lại. Do đó chúng tôi cũng khuyến cáo bà con là nên trồng ở những diện tích phù hợp với cây kiệu, không nên mở rộng ồ ạt. Ngoài ra, về hiệu quả kinh tế thì bà con chủ động nhận thức và xác định nên trồng hay không. Hội Nông dân sẽ hỗ trợ nguồn vốn vay và hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc BVTV phòng ngừa sâu bệnh, dịch hại”, ông Nhẹ nói.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng Kiệu thắng to

Do nhiều năm liền kiệu vụ Tết được giá nên nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) trúng đậm.

Bà con nông dân đang thu hoạch kiệu

Ông Nguyễn Thành Lợi, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết, toàn huyện có 714 ha kiệu, nhiều nhất là xã Mỹ Hòa 163 ha, xã Mỹ Hiệp hơn 150 ha, Mỹ Trinh 111 ha, Mỹ Phong 80 ha, Mỹ Tài 52,6 ha, thị trấn Phù Mỹ hơn 45 ha…

Do nắng nóng kéo dài nên năng suất kiệu lá đạt khoảng 850kg/sào (500m2), giảm 150kg/sào so với năm ngoái. Kiệu củ chỉ đạt 350kg/sào, giảm mất 50kg/sào. Tuy nhiên, nhờ kiệu được giá nên người trồng vẫn có lãi to.

Bà Lê Thị Hậu có thâm niên trồng kiệu ở xã Mỹ Trinh cho hay, năm qua thời tiết không “thương” cây kiệu, vừa xuống giống là gặp ngay nắng nóng kéo dài, mưa lại đến muộn, nên năng suất kiệu giảm. Nhưng nhờ giá cao nên người trồng vẫn có cái Tết vui. Kiệu lá có giá bình quân 7.000đ/kg, kiệu củ 30.000đ/kg, có thời điểm tăng đến 38.000 – 40.000đ/kg.

Bà Trần Thị Hoa ở thôn Trực Đạo, xã Mỹ Trinh cho biết thêm: “Nhà tui có 8 sào đất chuyên trồng kiệu bán Tết, năm ngoái đạt năng suất bình quân 1 tấn kiệu lá/sào, năm nay nắng nóng đã khiến cây kiệu èo uột, chỉ thu được khoảng 7 tấn kiệu lá. Nhờ càng về cuối vụ giá kiệu càng tăng cao nên nông dân chuyện mất năng suất không còn làm tui buồn, mà rất phấn khởi vì năm nay cây kiệu cho lãi khá”.

Xã Mỹ Hòa là địa phương trồng kiệu nhiều nhất huyện Phù Mỹ với trên 163 ha. Ông Nguyễn Văn Khẩn ở thôn Hội Phú vừa thu hoạch xong 2 sào kiệu củ, bán được 15 triệu đồng phấn khởi nói: “Kiệu năm nay tuy mất mùa nhưng được giá, nhờ đó bán xong 2 sào kiệu, trừ mọi khoản chi phí tui còn cầm chắc khoản lãi 8 – 9 triệu đồng. Nhổ lên thấy củ kiệu không to bằng năm ngoái đã thấy rầu trong ruột, lo là năm nay kiệu mà mất giá nữa là coi như công cốc. Cũng may thị trường kiệu ăn mạnh nên người trồng có cái Tết vui”.

Vui nhất trong những người trồng kiệu ở Phù Mỹ là nông dân ở thôn Tân An (xã Mỹ Quang), bởi dù thời tiết bất thuận nhưng cây kiệu ở đất này vẫn phát triển tốt, năng suất không giảm so với năm ngoái, củ kiệu mọng tròn, mướt mát. Bà Hai Thanh tiếc rẻ: “Nhà tui có 3 sào kiệu, bán cho thương lái nguyên đám cách đây khoảng nửa tháng, khi ấy giá kiệu củ mới chỉ có 24.000đ/kg, thu về được gần 25 triệu đồng. Bây giờ kiệu củ tăng giá đến 30.000đ/kg, tui cứ tiếc hùi hụi”.

Ông Nguyễn Hữu Chí ở thôn Trung Thành, xã Mỹ Quang chuyên thu mua kiệu cung ứng các thị trường trong nước cho biết: “Ngay từ đầu vụ giá kiệu củ to, đẹp đã ổn định từ 26.000 – 28.000đ/kg, hiện đã tăng đến 30.000đ/kg. Kiệu nhỏ củ hơn thấp hơn vài ba giá nhưng với cái giá này người trồng vẫn vui vì có lãi khá”.

Thương lái thu mua kiệu

Còn ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ nói: “Năm nay giá kiệu tăng cao không chỉ người trồng kiệu được vui, nhiều lao động làm việc nhổ kiệu, cho kiệu vào bao đưa lên xe tải cũng kiếm được tiền tiêu tết. Mỗi ngày làm việc trong mùa thu hoạch kiệu một lao động kiếm được gần 200.000đ, làm suốt từ đầu vụ đến cuối vụ mỗi người có được khoản thu 3 – 4 triệu đồng”.

Nguồn: Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng Kiệu thu lãi 200-300 triệu đồng/ha

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi hơn 6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng kiệu, khoai lang…mà gia đình bà Trương Thị Bích Chi, ngụ ấp Hiệp Bình, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có lãi hơn 1tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư.

Trong các loại cây màu bà Chi trồng thì kiệu là loại cho năng suất cao và lợi nhuận nhất

Hơn 20 năm trước đây, vùng đất huyện Tam Nông bị nhiễm phèn nặng hầu như vụ lúa nào cũng thất mùa. Những năm bị sâu bệnh trên lúa nhiều thì gia đình bà Bích Chi coi như “mất cả chì lẫn chài”. Bà Chi cứ trăn trở với việc trồng cây gì để làm giàu trên đất phèn.

Nhận thấy nhiều hộ xung quanh trồng cây kiệu có hiệu quả, bà Chi đã bàn bạc với gia đình chuyển sang trồng kiệu trên 1 phần diện tích. So với trồng lúa, trồng kiệu có phần tốn kém chi phí nhân công và thời gian canh tác dài hơn, nhưng bù lại ít sử dụng nước, phân bón mà hiệu quả mang lại khá cao nên bà rất phấn khởi. Đây là mô hình làm giàu từ nông nghiệp.

Từ khi chuyển sang trồng rau màu, trong đó có kiệu, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận của gia đình bà Bích Chi tăng lên hàng năm. Thấy việc trồng rau màu hiệu quả và thu lợi nhuận kinh tế cao nên gia đình bà đã chuyển toàn bộ diện tích 6,4 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu như: kiệu, khoai lang, ớt, dưa hấu…

Tuy nhiên, để nắm bắt tốt thị trường tiêu thụ, đặc tính sinh trưởng của từng loại cây trồng, bà Chi đã chủ động xen canh, luân canh để có thể đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, hạn chế tình hình các loại dịch hại lưu tồn trong đất. Với tính cần cù, ham học hỏi kinh nghiệm từ khâu chọn giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại đúng lúc, đúng thời điểm, nắm bắt thị trường để bố trí lịch thời vụ, tìm đầu ra ổn định nên mô hình trồng xen canh, luân canh rau màu của gia đình bà Bích Chi nhiều năm liền luôn đạt hiệu quả cao.

Trao đổi với Nhà nông/Danviet, bà Trương Thị Bích Chi cho biết, sắp tới gia đình sẽ trồng thêm diện tích cây kiệu vì đây là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Trong các loại cây trồng thì kiệu là loại cho năng suất cao và lợi nhuận hấp dẫn. Với diện gần 1 ha kiệu, mỗi vụ bà Chi thu lãi 20 – 30 triệu đồng/công. Hiện tại, kiệu cho năng suất từ 5 – 6 tấn/công và thương lái thu mua với giá kiệu tươi từ 14 – 15.000/kg, kiệu giống từ 70 – 120.000 đồng/kg.

Khoai lang trắng cho năng suất khá cao từ 300-480 kg/công, trừ chi phí mỗi ha khoai lang trắng gia đình bà Chi thu lãi từ 100 – 150 triệu đồng/vụ

Ông Nguyễn Đờ Lál – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, bà Chi là 1 trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình của địa phương.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Kiệu cho năng suất cao đều củ

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây kiệu được các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn hết sức đơn giản nhưng mang lại năng suất cao và đặc biệt là đảm bảo thu hoạch đúng dịp tết.

Củ kiệu

Củ kiệu có tên tiếng Anh là Allium chinense, là một cây ăn được thuộc họ Hành. Củ kiệu trắng, lá bọng. Củ kiệu thường làm muối dưa chua dùng ăn kèm với thịt mỡ hoặc tước nhỏ trộn với bắp cải, thịt gà. Củ kiệu còn được sử dụng làm thuốc. Lá kiệu có thể quấn, ướp thịt để làm món thịt nướng. Ngoài ra cũng thường thấy lá kiệu được ăn sống hoặc gia vào nồi lẩu như một loại rau thơm.

Kiệu là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư, nhanh cho thu hoạch và đem lại giá trị kinh tế khá cao. Với diện tích đất khoảng 1000m2, nếu thâm canh tốt có thể cho 0,35 – 0,4 tấn củ. Nhu cầu cây kiệu trên thị trường cũng rất lớn nên dễ bán, giá thành cao, đặc biệt vào dịp Tết.

Thời vụ trồng kiệu

Cây kiệu có thể trồng quanh năm, nhưng chủ yếu trồng vào tháng 9 – 1 năm sau. Vụ này cây sinh trưởng phát triển tốt nên cho năng suất cao, bán vào dịp tết được giá.

Vụ phụ có thể trồng tháng 4 –5 để thu tháng 7 –8.

Làm đất để trồng kiệu

Các chuyên gia cho biết, đất trồng kiệu nên chọn loại đất nhẹ, tơi xốp giàu mùn, nhiều cát, dễ thoát nước, độ PH từ 6 đến 6,5 như các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa ven sông để trồng kiệu là tốt nhất. Đất trồng kiệu phải được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón đủ lượng phân lót và vôi bột (nếu đất chua) rồi lên luống rộng 0,8 – 1m, cao 25 đến 30 cm, rãnh rộng 30 cm.

Chuẩn bị giống, trồng chăm sóc cây kiệu

Sau khi thu hoạch vụ trước, nên chọn các củ to, đều, không có sâu bệnh đem phơi khô cho lá héo rồi bó lại thành từng bó treo trên giàn cất giữ cho đến khi trồng. Trước khi trồng mới tách các tép ra, mỗi hóc chỉ cho một tép.

Nên xử lý củ giống trước khi trồng bằng thuốc trừ nấm Benomyl 50 WP. Khi thấy có triệu trứng bệnh thì dùng Validacyl 50 WP, Rovral 50 WP, rodomil 68 WP hoặc Aliette 80 WP pha nồng độ 0,3% để phun đều trên mặt luống.

Chuyên gia nông nghiệp cho biết, dùng ngón tay trỏ hoặc một đoạn thân gỗ, tre có đường kính 2 – 3 cm chọc lỗ rồi đặt củ kiệu giống xuống sâu 5 –6 cm. Có thể trồng thành các hàng dọc hoặc hàng ngang trên mặt luống với khoảng cách hàng 20 – 25 cm, cây cách cây 10 – 12 cm.

Lưu ý: không được lấp đất vào lỗ mà chỉ rải một lớp đất mỏng trên mặt luống rồi dùng rơm rạ phủ kín và tưới nước đủ ấm.

Trồng kiệu khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao

Thường xuyên làm sạch cỏ trên mặt luống, tưới đủ ẩm cho kiệu mọc nhanh và khoẻ, củ to. Sau trồng một tháng thì dỡ rơm rạ ra xới xáo, vun gốc kết hợp với bón phân thúc cho kiệu rồi lại phủ rạ trở lại như củ nhằm hạn chế cỏ dại mọc, vừa giữ cho đất tơi xốp giúp cho kiệu đẻ nhánh và hình thành củ dễ dàng.

Bón phân cho cây kiệu

Với diện tích 1000m2, ngoài lượng phân bón lót cần phải bón thúc cho kiệu 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 12 – 15 ngày. 2,5 – 3 tấn phân chuồng/hữu cơ + 30kg lân supe + 15kg phân KCl + 10kg tro trấu và vôi nếu đất chua.

Toàn bộ lượng phân dùng để bón lót được rải đều trước khi lên luống để trồng.

Bón thúc: Trong thời gian trồng từ 3 – 5 tháng tùy theo mùa vụ và giá bán (hay để lâu để lấy củ già bán giống), có thể bón thúc phân cho cây kiệu vài lần, mỗi lần cách nhau 12 – 15 ngày với lượng phân từ 3,5 – 4kg urê + 1kg KCl cho 1.000m2.

Bón thúc lần 1, nên sử dụng  phân NPK 16-12-8-11+TE từ 2,5 – 3,0kg. Bón thúc lần 2 sử dụng phân NPK 12-12-17-9+TE  từ 2,5-3,0 kg bằng cách hoà nước tưới vào gốc hoặc kết hợp làm cỏ, rắc phân giữa các hàng rồi vun gốc.

Các nghiên cứu nước ngoài còn khuyến cáo áp dụng phân hữu cơ sinh học và phân bón lá Humic Acid nhằm giảm phân hóa học và giảm ô nhiễm đất đai, nguồn nước, sản phẩm.

Đồng thời dùng phân hữu cơ sinh học còn giúp tăng năng suất củ, kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát trọng lượng củ.

Ngoài ra còn khuyến cáo áp dụng phân gia cầm với lượng 2 tấn/1.000m2 sản xuất nhằm giúp tăng năng suất và chất lượng củ và lá của cây kiệu.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây kiệu

Cây kiệu thường bị sâu ăn lá, xuất hiện vào thời kỳ mới trồng, cây kiệu còn non. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu như Polytrin 400 SCW, Selecron500 ND, fastac 5EC pha nồng độ từ 0,1 đến 0,15% để phun trừ.

Ngoài ra, cây kiệu còn hay gặp bệnh sương mai phát sinh và gây hại trong điều kiện nhiệt độ thấp dưới 25 độ C, độ ẩm không khí cao trên 85%. Bệnh có thể gây chết hàng loạt dẫn đến thất thu. Chú ý phun phòng bằng thuốc Boocđô 1%, Oxít Clorua đồng 1 – 1,5 %.

Hay bệnh thối củ do vi khuẩn Ervinia sp hoặc nấm Botrytis gây hại từ khi củ bắt đầu vào chắc cho đến khi thu hoạch và trong thời gian bảo quản. Bệnh thối củ thường phát sinh và gây hại trong điều kiện môi trường ẩm thấp, bón phân không cân đối, đặc biệt là bón quá nhiều đạm, thiếu lân và kali.

Thu hoạch kiệu

Cây kiệu trồng được 3 – 5 tháng ( tuỳ theo mùa vụ và yêu cầu sản phẩm ăn tươi hay lấy củ già ) là có thể thu hoạch được. Trước khi thu hoạch nên tháo nước vào các rãnh cho thấm hết mặt luống làm đất mềm dễ nhổ. Nhổ đến đâu ta rủa rạch đất tới đó, bó lại từng bó rồi sau đó mang đi tiêu thụ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Ưu điểm của dầu Sacha Inchi

Sachi hay Sacha Inchi và tiềm năng kinh tế ở Việt Nam. Sachi là loại cây trồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Trong các loài họ đậu trên thế giới thì Sacha inchi là loài có chứa nhiều hàm lượng Omega 3,6,9 trong tinh dầu nhiều nhất.

Dầu từ quả Sacha inchi

Đây là loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng phòng, chống ô xi hóa trên cơ thể con người. Trên thế giới thì loài cây này đã được trồng và khai thác nhiều để phục vụ cho các ngành công nghiệp hóa dược nhất là ở Nam Mỹ. Ưu điểm của loại dầu sacha inchi này là có thể sử dụng ngay sau khi ép thủ công (làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho tất cả mọi người,…) mà không cần qua bất kỳ một khâu chế biến nào khác. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay vẫn rất ít người biết về loại đậu này.

Sacha inchi là loài cây công nghiệp quý giúp nhiều hộ nông dân có thể nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất của mình với những đặc điểm sau:

1. Là loại cây dây leo, tốn ít diện tích và công đầu tư.

2. Thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với nhiều loài cây công nghiệp hiện nay ( Sau 12 tháng sinh trưởng cây bắt đầu ra hoa) giúp nhanh có thu nhập hơn.

3. Là loài cây trồng lâu năm, cho thu hoạch nhiều năm liên tiếp nếu được chăm sóc tốt (giảm chi phí làm đất trồng lại vụ mới so với những cây họ đậu khác ở Việt Nam).

4. Hầu như không có sâu bệnh nào gây hại (do đây là loài cây nhập ngoại).

5. Nhu cầu về loài cây này trên thế giới rất lớn nên cây này hứa hẹn sẽ đẩy nhanh giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong tương lai.

Dầu Sacha Inchi được nhiều cơ quan tổ chức Quốc tế chứng nhận về giá trị dinh dưỡng vì nó chứa hàm lượng cao các axit béo không bão hòa và không chứa cholesterol. Đặc biệt, Sacha Inchi còn chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên Vitamin A, E, lượng protein rất tốt cho sức khỏe không gây kích ứng như một số loại dầu khác.

1. Ưu điểm nông nghiệp

– Thời gian sản xuất và tuổi thọ cây trồng lâu

– Giá trị sản lượng cao, khoảng hơn 4000 kg/ha

– Có giá trị thu hoạch quanh năm

– Dễ canh tác với một số loại cây nông sản khác, tăng sản lượng kinh tế

2. Ưu điểm công nghiệp

– Hạt Sacha Inchi có hàm lượng dầu cao: 43 – 54%

– Dầu Sacha Inchi được chiết xuất bằng phương pháp ép lạnh, hoàn toàn hữu cơ tự nhiên, không có sự tham gia của các chất hóa học nào khác.

3. Ưu điểm về dinh dưỡng

– Chứa hàm lượng cao các axit béo không no Omega 3-6-9 và protein (96%)

– Bản thân có chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên không có sự tham gia của các chất hóa học

– Dầu Sacha Inchi không có các chất độc hại hoặc các độc tố gây hại cho sức khỏe

4. Ưu điểm kinh tế – xã hội

Sacha Inchi được sử dụng nhiều trong các ngành kinh tế về thực phẩm tiêu dùng và làm đẹp, dinh dưỡng sức khỏe.

Quả Sacha inchi chứa nhiều dinh dưỡng

Sachi sau khi trồng 3-5 tháng sẽ ra hoa và có thể bắt đầu thu hoạch từ tháng thứ 6-8. Năm đầu tiên năng suất có thể đạt 1 tấn hạt/ha, năm thứ 2 đạt 3 tấn hạt/ha, từ năm thứ 3 trở đi là 5-7 tấn hạt/ha. Hiệu quả kinh tế đạt 150-350 triệu/ha. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 100-150 triệu/ha (30.000-40.000đ/kg hạt). Sachi là cây lâu năm nhưng lại cho thu hoạch ngay năm đầu và rải vụ quanh năm nên thời gian thu hồi vốn nhanh (chỉ sau 2 năm đã có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu).

Thị trường tiêu dùng của Sachi hiện nay rất lớn và còn phát triển mạnh trong tương lai, hiệu quả kinh tế khi trồng cây Sachi là rất cao; đồng thời Sachi còn là cây xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người nông dân vùng nông thôn, miền núi.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng vườn sachi chi chít quả, chưa chín đã có khách giành mua

Ông Chữ Văn Xoa (57 tuổi) ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) được xem là hộ dân đầu tiên mạnh dạn đưa cây sachi về địa phương trồng thương phẩm. Hiện vườn sachi rộng 3.000 m2 của gia đình ông đang ra trái chi chít, hứa hẹn một vụ bội thu.

Vườn sachi của gia đình ông Chữ Văn Xoa, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm đầu tiên ra bói nhưng quả sai chi chít.

Trước đây, gần như hầu hết các hộ trong thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh và gia đình ông Xoa lấy cây cà phê làm kinh tế chủ lực. Trên 1ha đất trồng cà phê, làm lụng quanh năm nhưng vợ chồng ông Xoa cũng chỉ đủ ăn, thậm chí thâm hụt nếu vụ đó cà phê mất mùa. Cách đây 2 năm, gia đình ông Chữ Văn Xoa có một quyết định táo bạo, phá bỏ vườn cà phê đang vào thời kỳ cho ra trái tốt nhất để chuyển sang trồng cây dược liệu.

Ông Xoa chia sẻ, sau khi được dự lớp tập huấn của khuyến nông xã, thấy trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn cà phê nên ông đã về bàn bạc với vợ, con, chuyển một phần cây cà phê sang trồng sachi. Một năm sau, gia đình ông Xoa phá bỏ hết diện tích cà phê còn lại để trồng cây sâm quy, đan sâm, đương quy.

Hiện nay, toàn bộ diện tích 1ha đất của gia đình ông Xoa đều đã được chuyển sang trồng các loại cây dược liệu. Ông Xoa cho biết, cây sachi rất phù hợp với vùng đất Đông Thanh, từ khi xuống giống tới nay, vợ chồng ông chưa lần nào phải sử dụng thuốc để bơm xịt vì cây hầu như không có bệnh.

Cây sachi được trồng theo hàng như cách trồng chanh dây, cây cũng leo trên giàn. Tổng đầu tư để trồng sachi vào khoảng 40 triệu đồng/sào, bao gồm giàn leo, giống và phân bón (chủ yếu phân chuồng). Loại cây trồng này trồng được 2 năm thì bắt đầu cho ra trái. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sachi cho thu hoạt liên tục trong vòng 20 năm mới phải phá bỏ. Năm nay, 3.000 m2 sachi của gia đình ông Chữ Văn Xoa đồng loạt ra quả sai chi chít từ gốc lên ngọn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Hiện giá sachi khô trên thị trường là 60.000 đồng/kg và vườn sachi của gia đình ông Xoa đã có người tới đặt mua. Ông Trần Ngọc Huân, cán bộ khuyến nông xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà cho biết, cây sachi là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Axit Omega-3 chứa trong hạt sachi được cho là có 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…

Hiện tại, trên địa bàn xã Đông Thanh vẫn đang còn rất khiêm tốn. Thời gian gần đây thấy trồng cây sachi cho hiệu quả kinh tế cao nên một số gia đình tại địa phương mới bắt đầu mua giống về trồng. Theo thống kê, trên địa bàn xã Đông Thanh hiện có khoảng 10ha cây dược liệu các loại. Việc đưa các loại cây dược liệu về gieo trồng đã giúp nhiều gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không còn hoàn toàn phụ thuộc vào cây cà phê và mở rộng triển vọng nâng cao kinh tế gia đình.

Nguồn: Báo Lâm Đồng được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tác dụng của hạt Sachi là gì?

Tác dụng của hạt sachi. Hạt sachi có những tác dụng gì? công dụng của chúng như thế nào đối với sức khỏe của chúng ta? Sachi được coi như một loài cây đa tác dụng: cây nông nghiệp, lâm nghiệp, cây dược liệu và cây lấy dầu.

Sachi (Sachainchi) – tên khoa học là Plukenetia Volubilis, hay còn gọi là Inca Inchi hoặc Inca Nuts, là một giống cây thuộc họ Euphorbiaceae có nguồn gốc từ vùng rừng rậm nhiệt đới Amazon phân bố từ Bolivia tới Mexico nhưng phổ biến nhất là ở Peru, Ecuador và Colombia…

Hạt Sachi được biết đến là một siêu thực phẩm trên thế giới với giá trị dinh dưỡng vượt trội của mình. Sachi vừa là cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây lấy dầu… Sachi trồng chủ yếu để lấy hạt. Sản phẩm được chế biến từ hạt Sachi rất đa dạng: dầu ăn, thực phẩm, mỹ phẩm,…

Dầu Sachi 100% tự nhiên nguyên chất là một trong những nguồn giàu dưỡng chất Omega 3 thực vật trên thế giới, là nguồn phong phú tổng hợp các axid béo thiết yếu (EFAs), là nguồn phong phú của các chất chống oxy hóa tự nhiên Vitamin A và E.

Omega 3: Hạt Sacha Inchi giàu Omega 3 nhất trong các loại thực vật. Hàm lượng Omega 3 gấp 17 lần so với cá hồi hoang dã và không có vị tanh. Hạt Sachi chứa bộ 3 hoàn hảo axit béo không bão hòa: Omega 3: 49,16%; Omega 6: 36,99%; Omega 9: 7,66%. Các loại axit béo không no giúp cho não hoạt động một cách tối đa; giúp thị lực vận hành một cách hoàn hảo; giúp phòng chống các bệnh tim mạch; giúp ngăn chặn vết nhăn, giảm quá trình lão hóa…

Protein: Hạt Sacha Inchi cung cấp nguồn Protein thực vật đặc biệt, nhiều hơn so với hầu hết các loại thực vật khác. Hàm lượng protein ở Sachi lên tới 24 – 33%. Có cả hai loại axit amin thiết yếu và không thiết yếu thúc đẩy quá trình tiêu hóa, không gây kích ứng…

Tryptophan: Hạt Sachi có chứa khoảng 29ngam tryptophan trong mỗi gam protein, cao hơn gấp 8 lần so với gà tây nướng. Đây là chất cần thiết cho việc sản xuất các Vitamin cần thiết cho các phản ứng chuyển đổi trong cơ thể. Tăng cường thư giãn, giúp làm dịu thần kinh, giảm căng thẳng…

Chất chống oxy hóa: Hạt Sachi chứa 8% Vitamin A, E, acid amin và các chất chống oxy hóa tự nhiên giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do.

Gluten – free: Hạt Sachi có thể dành cho tất cả những người không dung nạp gluten, đảm bảo an toàn các vấn đề về tiêu hóa.

Chất xơ: Hạt Sachi cung cấp đủ 20% lượng chất xơ cho cơ thể trong 1 ngày.

Cholesterol – free làm giảm HDL Cholesterol trong máu.

Ngoài ra, Sachi còn chứa một số loại khoáng chất chính: kali (5.563,5ppm), magiê (3210ppm) và canxi (2406ppm).

Hạt Sachi thường được chế biến thành nhiều sản phẩm có các hương vị đa dạng như rang muối, tiêu, tẩm mật ong, bọc socola…

Với tác dụng của hạt Sachi, các sản phẩm từ hạt Sachi được người tiêu dùng trên thế giới rất ưa chuộng và tiêu thụ với số lượng lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Sachi – vua của các loại hạt

Nhờ những dưỡng chất có giá trị dinh dưỡng vô giá mà Sachi đã soán “ngôi vương” của dầu oliu vốn được coi là một loại dầu thực vật cao cấp nhất từ trước đến nay của loài người.

Quả sacha inchi

Quả Sachi

Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 48ºC, khuất lấp trong khu vực thí nghiệm của Khoa Công nghệ Sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam có một thứ cây vẫn kiên gan chống chịu lại sự khắc nghiệt của thời tiết: Sachi. Loài cây đã vượt trùng dương để đến đây từ một lục địa khác.

Sacha Inchi hay còn có tên là Sacha đậu phộng, Inca Inchi, Penut inca… khi đưa giống cây này về Việt Nam để dễ nhớ và phù hợp với mục đích xuất khẩu sản phẩm ra thế giới nên cây được đặt tên là Sachi. Tên khoa học của Sachi là Plukenetia volubilis L là thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu). Nó gồm 19 loài, có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon phân bố từ Bolivia tới Mexico nhưng phổ biến nhất là ở Peru, Ecuador và Colombia.

Những ngày nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 48ºC có một thứ cây vẫn kiên gan chống chịu. Lá vẫn xanh biếc, hoa vẫn xòe nở và quả vẫn lấp ló như những ngôi sao năm cánh trên giàn. Đó là vườn thử nghiệm Sachi của Công ty CP Sachi Vina thuộc Tập đoàn Tâm Hoàng Việt kết hợp với các nhà khoa học của Khoa Công nghệ Sinh học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia.

Sachi có một lịch sử phát hiện rất ly kỳ. Sachi được thổ dân vùng rừng rậm Amazon sử dụng từ 3.000 năm nay để duy trì sức mạnh và tồn tại giữa một tự nhiên khắc nghiệt. Trên bia đá những ngôi mộ cổ của người Inca ở đây còn thấy khắc hình loại quả xòe ra như năm cánh hoa này. Đối với người dân bản địa, Sachi được coi như là “nguồn sức mạnh của lòng can đảm” hay là “cây của sự sống” vì những giá trị dinh dưỡng vô giá mà nó mang lại. Mãi sau này, các nhà khoa học của thế giới hiện đại khi phân tích thành phần dưỡng chất của loại hạt đã khiến cho người Inca tôn sùng ấy và họ đã kinh ngạc.

“Ông vua của các loại hạt”, “Siêu thực phẩm mới”… là những cụm từ thường được dùng để nói về hạt của Sachi bởi tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng và các axit béo không bão hòa đối với con người rất cao, đạt đến 96%. Omega 3 có trong Sachi là 48-54% giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng các tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên. Omega 6 chiếm 35-37% đóng vai trò trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch, các bệnh viêm khớp, điều hòa huyết áp, nâng cao trí lực, giảm thoái hóa não, tăng cường thị lực. Omega-9 (6-10%) có tác dụng chống rối loạn tim mạch và cao huyết áp…

So với các loại cây lấy dầu khác Sachi có hàm lượng omega cao nhất, đặc biệt là omega 3 cao gấp 17 lần dầu cá, gần 50 lần dầu oliu. Sachi được phong tặng là “Dầu ăn tốt nhất trên thế giới” tại Paris (Pháp) năm 2007, được các thị trường khó tính nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản săn lùng. Ngoài omega, Sachi còn chứa các chất chống oxy hóa như Vitamin A và Vitamin E, một số loại axit amin thiết yếu và protein. Đây là các thành phần có vai trò quan trọng trong tái tạo và cải thiện da và tóc, phát triển thể chất và trí tuệ, phần nào giúp cho khu vực Nam Mỹ trở thành một trong những cái nôi sản sinh ra các người mẫu, hoa hậu của thế giới.

Chính nhờ những dưỡng chất này mà nó đã soán “ngôi vương” của dầu oliu vốn được coi là một loại dầu thực vật cao cấp nhất từ trước đến nay của loài người. Công nghiệp dinh dưỡng dùng Sachi làm ra các sản phẩm từ hạt, bột dinh dưỡng. Công nghiệp dược phẩm dùng dầu Sachi làm viên nang, dùng lá làm trà thảo dược. Công nghiệp thực phẩm dùng dầu Sachi để trộn các món salad cao cấp, ngọn có thể làm rau. Công nghiệp mỹ phẩm dùng để dưỡng da, tóc, bảo vệ sắc đẹp…

Thấm thoắt mà PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khảo nghiệm cây Sachi được gần 2 năm (từ tháng 3 năm 2014). Với tỷ lệ sống 99%, bắt đầu ra hoa sau 3-5 tháng trồng, 6-8 tháng là cho thu hoạch quả chứng tỏ loại cây leo bán thân gỗ này (ngọn là dây leo, dưới gốc hóa gỗ) khá hợp với Việt Nam.

Có bốn mật độ được thực hiện. Thứ nhất 1.111 cây/ha (hàng cách hàng 3m, cây cách cây 3m), thứ hai là 2.500 cây/ha (hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m), thứ ba là 3.333 cây/ha (hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1,5m), thứ tư là mật độ 4.444 cây/ha (hàng cách hàng 1,5 m, cây cách cây 1,5m). Mật độ nào tốt nhất? Tôi chất vấn và được trả lời: Mật độ 3.333 cây/ha là phù hợp nhất vì bố trí ở mật độ này có thể tận dụng tối đa diện tích đất, năng suất hạt cao. Mật độ 4.444 cây/ha năm đầu cho năng suất cao nhất nhưng từ năm thứ 2 trở đi khi cây phát triển tốt, ngọn quấn vào nhau khiến đi lại, thu hái khó khăn.

Hoa sachi

Cây chịu đựng được cả sương muối, lạnh, nóng (có thí nghiệm khi trồng xong gặp sương muối nhiệt độ xuống 7ºC nhưng cây không bị chết, có khi nhiệt độ ngoài vườn đo được 48ºC cây vẫn ra hoa). Tất cả đều sinh trưởng tốt, ra quả đều (tỷ lệ ra quả đạt 99%). Từ khi trồng chưa phải dùng bất cứ hóa chất nào để phun vì không phát hiện thấy đối tượng sâu bệnh nào đáng kể, chưa tới ngưỡng phòng trừ. Điều này giúp cho có thể phát triển Sachi theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Về năng suất, năm đầu 0,7-1 tấn/ha còn năm thứ hai đang theo dõi nhưng chắc chắn sẽ còn hơn rất nhiều.

Đỉnh cao năng suất của Sachi là từ năm thứ 3 trở đi có thể đạt 5-7 tấn/ha tùy theo mật độ trồng cây. Tuổi đời của cây có thể đạt 15-30 năm giúp chu kỳ thu hoạch rất dài. Bước đầu một số nhà khoa học trong nước thấy loại cây mới này thú vị nên tự ra vườn tìm hiểu trong đó có một giáo sư ngành nông nghiệp trước từng học bên Peru. Hầu như tuần nào ông cũng ra thăm, đưa ra góp ý những kỹ thuật chăm sóc thế nào cho phù hợp. Có nguồn gốc cây rừng nên sức sống của Sachi khỏe. Từ lúc trồng đến 5 tháng tuổi không phải bón phân, khi ra hoa chỉ bón một đợt.

Theo nghiên cứu, hàm lượng omega 3, 6, 9 trong hạt Sachi trồng ở Việt Nam khi phân tích tương đương, thậm chí có mẫu còn cao hơn cả hạt được trồng ở Peru. Không chỉ phù hợp với điều kiện đất có hàm lượng hữu cơ cao, tầng canh tác dày loài cây này còn có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha cát, đất phù sa cổ…, thậm chí cây còn có thể phát triển bình thường cả ở đất núi đá bạc màu là khu vực Tam Điệp (Ninh Bình). Cây Sachi có thể được trồng thuần, xen canh, thâm canh hoặc quảng canh. Bước đầu cho thấy, loại cây này có tiềm năng phát triển khá tốt ở Việt Nam. Tất cả các chỉ tiêu như từ khi trồng đến ra hoa, đậu quả, thu hoạch đều tương tự như ở nước bản địa Peru.

Khi trồng Sachi người ta có thể tận dụng tối đa các loại vật liệu địa phương như tre, gỗ, chàm… để đóng cọc, làm giàn. Ngoài trồng bằng hạt, hiện khoa Công nghệ Sinh học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng quy trình nhân nhanh Sachi bằng nuôi cấy mô tế bào. Nghiên cứu này bước đầu đã xây dựng được quy trình nhân giống invitro với hiệu quả tạo nguồn vật liệu với hệ số nhân chồi cao, nhanh đạt chuẩn. Tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình ở giai đoạn tạo cây hoàn chỉnh, nâng cao tỷ lệ ra rễ cũng như giai đoạn sau nuôi cấy mô…

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.