Ngưỡng mộ một xã thu hơn 30 tỷ từ trồng hoa Lay Ơn vụ tết Mậu Tuất

Vụ hoa tết vừa qua, các nhà nông ở xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã thu hơn 30 tỷ đồng từ trồng hoa lay ơn các loại. Đây là vụ hoa lay ơn được mùa được giá nhất từ trước đến nay của địa phương này.

Thu hái hoa lay ơn xã Dĩnh Trì

Anh Nguyễn Văn Thành, thương lái chuyên mua gom hoa lay ơn trên địa bàn xã Dĩnh Trì cho biết: Trước tết anh phải thu mua hoa lay ơn với giá trung bình 6.000 đồng/bông. Đắt hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/bông. Nhiều ngày giá lay ơn lên tới 8.000 – 9.000 đồng/bông. Chỉ có 2 ngày cuối cùng trong năm là giá hoa lay ơn hạ xuống còn dưới 4.000 đồng/bông. Tính ra mỗi sào hoa tết vừa qua, người trồng lay ơn đã thu được 25 – 30 triệu đồng, trừ các khoản đầu tư thoải mái vẫn còn lãi 13 – 15 triệu đồng/sào (360m2).

Bà Nguyễn Thị Sen ở Thôn Riễu (thuộc xã) trồng 1 mẫu hoa lay ơn, trong tết mới thu hoạch 3/4 số hoa trên ruộng đã “bỏ ống” được trên 100 triệu đồng. Bà Sen so sánh, nếu cấy lúa cùng diện tích này có được mùa lắm cũng chỉ lợi ra được 14 -15 triệu đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Dĩnh Trì được mùa hoa lay ơn mới rồi là do bà con đã dự báo chính xác thời tiết vụ đông trong năm sẽ có rét sớm và rét đậm kéo dài. Vì thế mọi gia đình đều xuống giống trồng hoa sớm hơn thường lệ 7 – 10 ngày. Nhờ vậy phần lớn lượng lay ơn đều nở và cho thu hoạch trùng các ngày giá rét – bán được giá. Vào những ngày nồm ấm (cận tết và sau tết), đồng ruộng ở đây đã cơ bản thu hết số hoa của thời vụ trồng định trước.

Mặt khác, địa phương đã có bề dày trồng hoa lay ơn hơn 10 năm. Có sản lượng hoa cho thu hoạch tập trung lớn. Nên các gia đình trồng hoa luôn được các thương lái đến thu mua với giá cạnh tranh. Sản xuất luôn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng hoa TP Bắc Giang cho hay: Hoa lay ơn đã bén duyên với đồng đất Dĩnh Trì từ năm 2007. Ban đầu chi có một vài gia đình ở thôn Núi trồng với diện tích nhỏ lẻ (200 – 300m2 mỗi hộ), sau thấy cây hoa sinh trưởng tốt, thu lợi gấp 7 – 10 cấy lúa, nhiều hộ khác đã học hỏi làm theo. Kết quả đến nay, diện tích trồng hoa lay ơn toàn xã đã lên tới 50ha. Các thôn thường xuyên gieo trồng nhiều hoa lay ơn là thôn Núm, Núi, Riễu và Đìa Đông.

Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Núm) chia sẻ: Trước kia gia đình chưa trồng hoa, cứ hết mùa là vợ chồng chị lại thay nhau lên thành phố làm thuê. Mỗi ngày cũng được hơn 200 nghìn đồng. Nhưng cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Từ ngày trồng hoa lay ơn đến nay, gia đình chị mới xây được nhà ở kiên cố và mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Sản xuất hoa lay ơn xã Dĩnh Trì

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả nhìn nhận: Những thành tựu đạt được nói trên của cấp uỷ, chính quyền và người dân xã Dĩnh Trì là rất đáng khích lệ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có. Bởi Dĩnh Trì có đặc điểm của thời tiết khí hậu mát mẻ của vùng trung du. Đất canh tác chủ yếu là cát pha, thịt nhẹ. Địa bàn xã nằm liền kề đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn. Cách trung tâm TP Bắc Giang 4km. Có nguồn lực lao động dồi dào. Trình độ dân trí cao. Nhu cầu thị trường hoa cây cảnh còn rất lớn… Đây là những lợi thế rất cơ bản để Dĩnh Trì phát triển mạnh mẽ hơn nữa nghề trồng hoa cây cảnh.

“Riêng cây hoa lay ơn có thể trồng được ở đây quanh năm. Sản phẩm cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội rất thuận lợi. Để gia tăng gấp bội thu nhập cho người trồng hoa. Địa phương cần bố trí lại cơ cấu giống và thời vụ trồng. Đổi mới quy trình thâm canh. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để đạt được các mục đích đã nêu, Viện Nghiên cứu Rau quả sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ, giúp địa phương đưa nghề trồng hoa cây cảnh trên địa bàn trở thành ngành sản xuất chính”, ông Đông nhấn mạnh.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sâu bệnh và biện pháp phòng trừ ở hoa lay ơn

I. Bệnh sâu hại trên hoa lay ơn

1. Bệnh Bọ trĩ trên hoa lay ơn (Frankliniella occidentalis)

1.1. Đặc điểm hình thái

Hoa lay ơn

– Trứng màu trắng đục, hình bầu dục và dài khoảng 0,34mm, đường kính 0,2mm.

– Ấu trùng ban đầu màu vàng, sau chuyển sang màu nâu đen.

– Trưởng thành có kích thước 1,5mm và rất mảnh, cánh trên màu nâu nhưng cánh dưới có màu sáng hơn. Con đực nhỏ hơn và có màu sáng hơn con cái.

– Vòng đời của bọ trĩ phụ thuộc vào nhiệt độ và thời tiết, trong 1 năm có rất nhiều thế hệ bọ trĩ vì vậy có thể dễ dàng xảy ra dịch khi không quản lý chặt chẽ.

1.2. Đặc tính sinh sống và gây hại hoa lay ơn

– Bọ trĩ là một lọai dịch hại khá nghiêm trọng đối với hoa Lay ơn, nó có thể tàn phá toàn bộ mùa màng. Bọ trĩ gây hại cả hoa và lá Lay ơn.

– Triệu chứng gây hại ban đầu thường không rõ ràng, cây bị nhiễm bọ trĩ nặng thường xuất hiện những đốm nâu và có sọc màu bạc giữa bìa lá, có thể làm cây khô héo. Nếu chồi hoa bị tàn phá nghiêm trọng, hoa không nở được và toàn bộ cây sẽ trở nên còi cọc.

1.3. Biện pháp phòng trừ bệnh bọ trĩ trên hoa lay ơn

– Vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng để trừ  bọ trĩ tồn tại trong tàn dư  thực vật.

– Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế tác hại của bọ trĩ.

– Sử dụng thuốc Chlorfluazuron + Emamectin benzoate (Director 70EC) để phòng trừ.

2. Bệnh Sâu xám trên hoa lay ơn (Agrotis ypsilon)

2.1. Đặc điểm hình thái

– Trưởng thành có kích thước trung bình, thân dài 20-25mm, sải cánh rộng 43-47mm. Cánh trước màu xám đen, gần phía gốc mép ngoài có 3 vệt đen nhỏ hình tam giác. Cánh sau màu trắng, phía mép ngoài màu nâu xám nhạt. Cơ thể có nhiều lông màu xám.

– Trứng hình cầu hơi dẹt, đường kính 0,5-0,6mm. Mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển sang màu hồng, lúc sắp nở màu tím thẫm.

– Sâu non màu xám đen, trên lưng mỗi đốt có 4 chấm đen hình thang, đẫy sức dài 40-50mm. Nhộng dài 18-24mm màu nâu cánh gián.

2.2. Tập tính sinh sống và gây hại

– Sâu xám phá hại ở thời kỳ cây non (từ khi mầm vươn ra khỏi mặt đất cho đến giai đoạn đuôi cá). Sâu mới nở gặm biểu bì lá, sâu tuổi lớn cắn đứt gốc cây con. Sâu thường xuất hiện nhiều ở vụ Xuân, các ruộng cây trồng trước là rau màu, khi gặp điều kiện thời tiết ấm, ẩm sâu xám sẽ phát triển rất mạnh hơn.

-Trưởng thành ban ngày ẩn dưới lá, lùm cỏ, ban đêm hoạt động giao phối và đẻ trứng, thích mùi vị chua ngọt. Trứng được đẻ rời rạc từng quả dưới các lá khô ở gốc cây hoặc trên mặt đất, một con có thể đẻ 800-1.000 trứng. Sâu hóa nhộng trong đất hoặc bờ ruộng.

– Vòng đời trung bình 50-60 ngày, trong đó thời gian phát dục của trứng là 6-10 ngày, sâu non 30-35 ngày, nhộng 7-10 ngày, bướm đẻ trứng 3-5 ngày.

2.3. Biện pháp phòng trừ sâu xám trên hoa lay ơn

– Cày ải phơi ruộng, làm đất kỹ và nhặt sạch cỏ dại, tàn dư vụ trước trước khi trồng mới.

– Luân canh với cây trồng khác họ, tốt nhất là luân canh với lúa nước.

– Bắt bằng tay rất có hiệu quả (khoảng từ 18 giờ thì sâu xám bắt đầu bò lên cắn đứt ngang thân cây con), hoặc làm bẫy bả chua ngọt để diệt trưởng thành.

– Biện pháp hóa học: Hiện chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trong danh mục, có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có các hoạt chất: Abamectin; Emamectin benzoat; Cypermethrin.

II. Bệnh hại trên hoa lay ơn

1. Bệnh đốm nâu trên hoa lay ơn (Pleospora herbarum)

1.1. Triệu chứng

Vết bệnh hình tròn, hình bầu dục hoặc hình bất định màu nâu đen, xung quanh có viền nâu đậm, thường nằm rải rác ở mép lá hoặc trong phiến lá. Gặp thời tiết ẩm ướt vết bệnh lan rộng rất lớn. Trên mô bệnh thường có một lớp nấm mốc màu đen.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển

– Do nấm Pleospora herbarum gây ra.

– Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện vườn hoa bón thừa đạm, nhiệt độ 18-300C và trời mưa ẩm ướt.

1.3. Biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu trên hoa lay ơn

– Bón phân cân đối và hợp l‎ý, hạn chế bón thừa đạm.

– Thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh tránh lây lan.

– Biện pháp hóa học: Hiện chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trong danh mục,  có thể tham khảo sử dụng một trong các loại thuốc có các hoạt chất: Azoxystrobin+ Difenoconazole, Chlorothalonil;Cytosinpeptidemycin; Difenoconazole ; Iminoctadine;

2. Bệnh mốc xám trên hoa lay ơn(Botrytissp.)

2.1. Triệu chứng bệnh mốc xám hại hoa lay ơn

Bệnh gây hại trên lá, vết bệnh ban đầu là những đốm nâu nhỏ sau đó phát triển thành những vùng lớn và cuối cùng có thể hình thành các lớp mốc xám.

2.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển bệnh

– Do nấm Botrytis sp. gây ra.

– Bệnh phát triển thích hợp ở điều kiện ngày ấm, đêm lạnh và có ẩm độ không khí cao. Đặc biệt khi trồng quá dày.

2.3. Biện pháp phòng trừ bệnh mốc xám hoa lay ơn

– Luân canh với các cây họ hòa thảo hoặc với các cây trồng cạn, trong điều kiện có thể luân canh với lúa nước hoặc có thể luân canh giữa cây hoa trồng bằng củ với cây trồng bằng hạt hoặc bằng cách giâm cành.

– Bón phân NPK cân đối, hợp lý kết hợp với phân chuồng hoai mục. Mật độ trồng hợp lý.

– Thường xuyên theo dõi tình hình các bệnh hại phát sinh, tỉa bỏ lá già, lá bệnh, cây bệnh đem  tiêu hủy.

– Chú ý làm sạch cỏ, phòng trừ côn trùng môi giới truyền bệnh, xới xáo kịp thời, đặc biệt cần chú ý không tạo các vết thương xây xát trong quá trình chăm sóc để tránh tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật gây bệnh xâm nhiễm phá hại.

– Sau khi thu hoạch sản phẩm cần kịp thời thu dọn tàn dư thân, lá, hoa bị bệnh ở vườn ươm và vườn sản xuất đem đốt hoặc vùi sâu trong đất để tránh nguồn bệnh tồn tại sang vụ sau.

– Trong trường hợp cần thiết có thể xử lý đất vườn ươm hoặc cày sâu để phơi ải, kết hợp bón vôi…

– Biện pháp hóa học: do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ, có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như với bệnh đốm lá.

3. Bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn(Uromyces transversalis)

3.1. Triệu chứng bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn

Vết bệnh dạng ổ nổi màu da cam hoặc màu nâu sắt gỉ sau chuyển sang màu nâu đỏ, hình thái bất định, thường xuất hiện trên lá. Bệnh nặng làm cháy lá. 3.2. Nguyên nhân gây bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn: – Do nấm Uromyces transversalis,gây ra – Nấm phát triển trong điều kiện thời tiết có ẩm độ không khí cao. 3.3. Biện pháp phòng trừ bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn. – Vệ sinh vườn sạch sẽ. – Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy, tránh lây lan.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.