Liên kết nuôi cá Vược VietGAP, cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn/năm

HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng có 65 hội viên SX tổng diện tích mặt nước 210ha. Bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn cá vược…

Xuất phát từ các hộ nhỏ lẻ, những người làm nghề nuôi trồng thủy sản, tiên phong là anh Nguyễn Đức Văn tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng liên kết với nhau thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng nhằm xây dựng thương hiệu cá vược, nhờ đó mang lại hiệu quả cao.

Công nhân HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng cho cá vược ăn

HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng có 65 hội viên SX tổng diện tích mặt nước 210ha. Bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn cá vược nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng Nguyễn Đức Văn cho biết, trước việc sản phẩm cá vược tồn đọng nhiều, khó khăn trong tiêu thụ, nhiều hộ băn khoăn có nên tiếp tục phát triển SX hay không? Được sự động viên hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn Hải Phòng, những hộ nuôi cá vược tại Lập Lễ quyết tâm ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung.

Anh Nguyễn Đức Văn tâm sự, cái khó nhất khi thành lập HTX là tạo được lòng tin, sự đoàn kết giữa các xã viên với nhau. Do đó, bản thân anh Văn và một số hộ khác tiên phong xây dựng một phương án đầu vào, đầu ra chi tiết, bài bản, trên tinh thần tự nguyên, dân chủ và các bên đều có lợi, sau đó trình bày trước tất cả mọi người. Nhờ đó, từ khi thành lập đến nay không có bất cứ xã viên nào xin tham gia mà mỗi năm HTX lại kết nạp thêm thành viên mới.

Nhờ được ngành nông nghiệp địa phương tạo điều kiện tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, nên kỹ năng trình độ nuôi trồng thủy sản sạch của người dân được nâng lên theo từng năm. Hiện các thành viên HTX đều thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn theo VietGAP, với nguồn thức ăn hoàn toàn bằng cá tươi khai thác từ biển. Việc thu gom cá mồi của HTX có nhiều thuận lợi, kể cả trong những ngày biển động. Cá mồi được bảo quản đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là điều kiện để con cá vược phát triển hiệu quả.

“Nguồn thức ăn nuôi cá, nguồn nước sản xuất của HTX thường xuyên được Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT Hải Phòng) kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên và có hướng dẫn xử lý kịp thời để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP”, anh Văn cho biết.

Được biết, mục tiêu ban đầu khi thành lập HTX, các xã viên chỉ mong đạt sản lượng trên 10 tấn/ha, nhưng nay bình quân đã đạt 20 tấn/ha. Do đó, kế hoạch của HTX trong thời gian tới đưa sản lượng cá ở Lập Lễ lên 30 tấn/ha. HTX sẽ tích cực mở rộng ngành nghề kinh doanh, liên doanh, liên kết với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, xây dựng một chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, kỹ thuật chế biến cá vược ở một số điểm du lịch của Hải Phòng, nhà hàng Hà Nội, các trung tâm thương mại nhằm quảng bá thương hiệu…

Không chỉ nuôi trồng cá vược an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn được biết tới là nơi có “bí kíp” tránh rét cho cá rất độc đáo. Anh Nguyễn Đức Văn chi sẻ, ngoài việc cứng hóa hệ thống dẫn nước, kè gạch bờ bao xung quanh, hướng nạo vét đáy là yếu tố giúp cá vượt qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Khi nạo vét đáy, phần mạn đáy được thiết kế đào sâu hơn về hướng đông bắc. Ở trên bờ, nhà và lều bạt cũng phải xây dựng quay về phía đông bắc nhằm chắn gió. Khi gió mùa tràn về, phía bờ đông bắc sâu hơn, được chắn gió nên nước sẽ ấm. Lúc này đàn cá vược sẽ tự động đổ dồn về hướng này để tránh rét. Ngoài ra, nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15 độ C, người nuôi cá phải cho dừng hoạt động của toàn bộ hệ thống quạt nước để cá không bị ngạt và chết.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá Vược thương phẩm trong ao nước ngọt

Lates calcarifer (Block 1790) thường được gọi là cá vược hay cá chẽm, là một loài cá có giá trị kinh tế quan trọng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á và Thái Bình Dương.

Cá được nuôi thương phẩm nhiều ở Úc, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Philipin và Hàn Quốc trong các ao nước lợ và ngọt. Do có giá trị thương phẩm khá cao nên cá vược trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn cho các cơ sở nuôi thủy sản cả quy mô nhỏ và quy mô lớn.

Năm 2007, phòng NN-PTNT huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện mô hình nuôi cá vược thương phẩm ở 2 ao: Hộ ông Trần Văn Nghĩa diện tích 2.200 m2 và bà Phạm Thị Liên diện tích 2.800 m2, thuộc xã Đông Giang.

1. Chuẩn bị ao nuôi

Cuối tháng 4 các hộ nuôi tiến hành tháo cạn ao, bắt hết cá trong ao. Dọn sạch cỏ bờ ao, lấp hết hang hốc, chỗ rò rỉ, tu sửa lại bờ ao. Vét bùn lỏng dưới đáy ao chỉ để lại lớp bùn đáy khoảng 15-20 cm.

Dùng 500 kg vôi bột rải khắp đáy ao và bờ ao để ổn định pH, tăng hệ đệm của môi trường. Phơi nắng đáy ao trong 3 ngày, lọc mức vào ao đạt 1,2m tiến hành thả ương bột cá mè để làm thức ăn ban đầu cho cá vược giống. Kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo trước khi thả giống vược.

2. Thả giống

Thời gian thả giống 25/5/2007, cỡ giống cá thả: 6-8 cm, số cá thả trong 2 ao là: 6.000 con, mật độ 1,2 con/m2. Cá giống được lấy từ Cty Giống thủy sản Cầu Nguyệt, Kiến An – Hải Phòng. Cá khỏe mạnh, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, không bị bệnh.

3. Chăm sóc quản lý

a. Thức ăn:

Tháng đầu thức ăn của cá vược là cá mè hương, giống có sẵn trong ao. Tháng tiếp theo luyện cho cá vược ăn cá tạp, cá rô phi băm nhỏ. Trong hai tháng đầu mỗi ngày cho cá ăn 10% trọng lượng thân cá, các tháng tiếp theo cho ăn từ 3-5% trọng lượng thân cá. Cho ăn ngày 2 lần, vào 8 giờ và 16 giờ. Cá vược không ăn thức ăn chìm, vì vậy khi ném thức ăn xuống ao phải từ từ, quan sát thấy hiện tượng cá phân tán lúc đó cá đã no thì ngừng cho ăn.

b. Quản lý môi trường ao nuôi

Mực nước ao luôn duy trì >1,2m. Hai tháng đầu thay nước 1 lần/tháng, khoảng 50% lượng nước trong ao. Ngoài ra, tùy chất lượng nước, có thể tiến hành thay nước nhiều lần/tháng.

Định kỳ 15 ngày khử trùng nước ao 1 lần bằng vôi bột với lượng 1,5-3,0 kg/100 m3 nước ao, hòa loãng té đều khắp ao để đảm bảo tốt môi trường nước nuôi.

c. Theo dõi bệnh cá và biện pháp phòng trị bệnh

Sau 20 ngày thả giống kiểm tra cá phát hiện thấy ở cả hai ao nuôi cá vược đều bị bệnh trùng mỏ neo, tiến hành xử lý dùng vôi bột 2 kg/100 m3 hòa nước tét đều mặt ao, lá xoan bó thành từng bó ngâm xuống ao với lượng 0,3 kg/m3 nước, 4 ngày sau thay nước và kiểm tra lại thấy trùng mỏ neo bám trên cá còn ít, cho tiếp lá xoan xuống ao ngâm lần hai, sau vài hôm kiểm tra lại không còn thấy trùng mỏ neo trên thân cá nữa.

4. Kết quả mô hình

Qua kiểm tra cho thấy: Hộ ông Nghĩa cá có trọng lượng lớn hơn so với hộ bà Liên, sự phân đàn không lớn, trọng lượng đạt từ 600-1.000g: cỡ cá 1.000g chiếm tỷ lệ khoảng 10%, từ 700- <1.000g chiếm 70-80%, còn lại là dưới 700g, hệ số thức ăn 6,5 kg, sản lượng đạt 1.478 kg. Hộ bà Liên trọng lượng cá đạt từ 550- <800g, loại 700- <800g chiếm 70%, trên 800g chiếm 10%, còn lại là cá có trọng lượng từ 550- <700g, hệ số thức ăn 7,0 kg, sản lượng đạt 1.646 kg.

Hiệu quả mô hình: Lãi ròng = tổng thu – tổng chi phí.

Hộ ông Nghĩa: 81.290.000 – 72.637.000 = 8.653.000 đ/2.200 m2.

Hộ bà Liên: 90.530.000 – 84.429.000 = 6.101.000 đ/2.800 m2.

5. Một số kinh nghiệm rút ra từ mô hình

Cá vược là đối tượng rộng muối, sinh trưởng và phát triển được ở ao hồ nội đồng. Quy mô diện tích ao nuôi từ vài trăm m2 đến vài nghìn m2, độ sâu 1,0-1,2m, thuận tiện cấp, tiêu nước và chăm sóc quản lý.

Chọn giống nuôi đảm bảo chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Cá được thuần dưỡng hạ độ mặn xuống 5‰ trước khi vận chuyển từ cơ sở dịch vụ con giống về ao nuôi.

Mật độ nuôi trong các ao nội đồng từ 1,0-1,5 con/m2.

Thức ăn cho cá vược chủ yếu là các loại cá tạp, có thể ương bột, hương cá mè làm thức ăn cho cá vược ở giai đoạn cá còn nhỏ để cá bắt mồi chủ động, sau đó cho cá tập ăn quen dần với thức ăn tôm, cá tạp đã chết. Do thức ăn sử dụng chủ yếu là cá tạp nên môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, vì vậy trong quá trình nuôi cần được thay nước kết hợp với việc bón vôi định kỳ 15 ngày/lần, liều lượngt ừ 1,5-3,0 kg/100 m3.

Cá vược dễ nhiễm bệnh trùng mỏ neo do đó sau khi thả cá giống xuống ao khoảng 15-20 ngày tiến hành kiểm tra. Nếu có trùng thì dùng lá xoan ngâm xuống ao với liều lượng từ 0,3-0,4 kg/m3.

Chi phí đầu tư cho cá vược lớn hơn so với các đối tượng nuôi truyền thống khác vì vậy những hộ nông dân khi phát triển nuôi cần có vốn và đảm bảo ao nuôi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá Chẽm công nghiệp tại Sóc Trăng

Với thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng, nghề nuôi cá chẽm giúp những công nhân làm việc tại trang trại nuôi cá ở Sóc Trăng có thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng từ lâu đã trở thành một trong những điểm mạnh đối với ngành thủy sản của tỉnh nói riêng và nước ta nói chung. Từ vùng ao và kênh rạch bỏ trống, người dân nơi đây đã cải tạo thành các khu ao nuôi cá chẽm, đảm bảo nguồn cung ứng cho người tiêu dùng.

Cá chẽm là một trong những thực phẩm có giá thành cao do thịt trắng thơm và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng cá chẽm trong tự nhiên sau nhiều lần khai thác không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ gia đình tại Sóc Trăng đã lấy cá tự nhiên mang về nhân giống và thực hiện quy trình nuôi công nghiệp nhằm tạo nguồn cung ổn định.

Thời gian đầu, khi áp dụng nuôi cá chẽm, các hộ chủ yếu để cá phát triển giống như ngoài tự nhiên bằng việc cung cấp thức ăn tươi sống. Do đó, khó khăn gặp phải là người dân khó tìm được nguồn thức ăn ưa thích thường xuyên cho cá. Không những vậy, đặc tính của giống này là cá lớn ăn cá bé nên những con phát triển sẽ ăn những con nhỏ hơn. Điều này khiến nhiều hộ rơi vào tình trạng khó khăn, lợi nhuận khi thu hoạch thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra mua giống.

Ao nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng.

Trước tình hình đó, trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã tìm cách tạo nguồn cá giống, nguồn cung cấp thức ăn ổn định và quy trình nuôi nhốt nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch.

Theo anh Dũng, chủ trang trại Ngọc Hường, do đặc tính tự nhiên của cá chẽm là ăn thịt tươi nên không thể nuôi chung với các loại cá khác. Bên cạnh đó, loại cá này còn có xu hướng ăn thịt lẫn nhau nên giai đoạn thuần dưỡng con giống khi mới nuôi gặp nhiều khó khăn.

Cá chẽm sau khi thu hoạch được vận chuyển tới địa điểm tiêu thụ. 

Tuy nhiên, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương, những năm qua, trang trại Ngọc Hường đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp với quy trình khép kín, quản lý chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật nuôi tới xây dựng ao hồ, hoàn thiện hệ thống sục khí hiện đại. Toàn bộ quy trình này được giám sát bởi Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng. Trang trại hiện có khoảng 12 ha nuôi cá chẽm công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 30 nhân công địa phương.

Anh Dũng cho biết, 30 nhân công làm việc tại trang trại có mức thu nhập ổn định 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, trang trại còn hỗ trợ ăn trưa, các sinh hoạt cơ bản cho những người cần phải ở lại trại nuôi trong thời gian dài. Nếu tiết kiệm, họ có thể để ra được một khoản tiền không nhỏ.

Hiện, Sóc Trăng có nhiều trang trại áp dụng mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho các công ty chế biến hải sản nội địa và quốc tế. Trong đó, một số trang trại hình thành xu hướng mở rộng và phát triển để trở thành nhà cung cấp trực tiếp trên thị trường.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.