Tiềm năng lớn từ cá chim vây vàng.

Cá chim vây vàng là đối tượng nuôi chủ lực tại các vùng nước ven bờ và trong các ao nước lợ, mặn. Việc phát triển để nuôi loài cá này ở vùng ven biển sẽ khai thác được nhiều tiềm năng diện tích mặt nước, mở rộng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, đa dạng đối tượng cá biển phục vụ xuất khẩu.

Một vài đặc điểm sơ lược về cá chim vây vàng. 

Cá chim vây vàng tên khoa học: Trachinotus blochii, là loài cá nổi, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt. Đây là loài cá nuôi quan trọng ở vùng biển miền Nam Trung Quốc và Đài Loan, Philippines, Malaysia. Cá có tập tính ăn tạp, dễ nuôi, có thể phát triển với quy mô công nghiệp với các hình thức nuôi lồng, trong ao đất, trong các thủy vực nước lợ và nước mặn. Cá có thân hình dẹp, màu ánh bạc, vây vàng. Là đối tượng có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 8 – 10 tháng nuôi cá đạt kích thước thương phẩm 600 – 800 g/con, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nguồn giống phong phú, chất lượng.

Giống cá chim vây vàng có giá nhập khẩu rất cao (4.000 – 5.000 đồng/con). Việc vận chuyển giống xa làm cho chất lượng con giống yếu, hao hụt nhiều. Khắc phục tình trạng đó, trong những năm gần đây có nhiều đơn vị như trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I… đã nghiên cứu để sản xuất giống loài cá này nhằm chủ động và hạ giá thành sản xuất. Hiện nay, nguồn giống trong nước đáp ứng khoảng 55% nhu cầu nuôi thương phẩm, còn lại phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Tuy việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm đối tượng này tại Việt Nam hình thành sau một số nước nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh. Giống cá chim vây vàng được sản xuất trong nước có giá khoảng 2/3 cá giống nhập khẩu, và còn có xu hướng rẻ hơn nữa trong tương lai. Hơn nữa, chất lượng giống tốt, khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường nuôi, tỷ lệ sống cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm trên cả nước nhiều đơn vị đã, đang tích cực tiếp nhận công nghệ sản suất giống loài cá này.

Tiêu thụ tốt. 

Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, giá 6 – 7 USD/kg, khả năng tiêu thụ rất tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Loài cá này nuôi ít rủi ro, lợi nhuận lại cao (40.000 – 80.000 đồng/kg). Ưu điểm là có thể nuôi trong các ao nuôi tôm bỏ hoang do dịch bệnh, đặc biệt có khả năng nuôi ghép trong các ao nuôi tôm có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi. Trước những ưu việt nói trên, có thể nói cá chim vây vàng là một giải pháp rất hiệu quả để thay thế trong khi dịch bệnh trên tôm hoành hành. Đây chính là cơ sở mà các vùng nuôi từ Bắc Trung bộ (Nghệ An) đến các tỉnh Nam bộ (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) đang áp dụng nuôi loài cá này.

Hiện loài cá chim vây vàng được nhiều người dân nuôi cá lồng biển đưa vào sản xuất thương phẩm cùng hai đối tượng chính là cá song và cá giò. Ngoài ra, cá cũng được đưa vào nuôi thương phẩm nhiều trong ao đất. Thức ăn dùng để nuôi cá chim vây vàng là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, có hàm lượng protein 40 – 45%, hàm lượng lipid 12 – 15 %, hệ số chuyển hóa thức ăn nhỏ hơn 2. Có thể sử dụng cá tạp, hệ số chuyển hóa thức ăn 4 – 5. Theo đánh giá của nhiều người nuôi, so với nuôi tôm thẻ chân trắng thì nuôi cá chim vây vàng có mức lãi thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo mức lợi nhuận lý tưởng hơn nuôi các loài cá biển khác. Đặc biệt, mô hình này chịu ít rủi ro bởi hiếm khi xảy ra dịch bệnh.

Trong tương lai, cá chim vây vàng có thể là đối tượng nuôi chính tại một số địa phương có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng biển và là đối tượng nuôi thay thế tôm ở một số vùng dịch.

 

 

 

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam

 

Kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng.

Việc tìm kiếm một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao để thay thế con tôm cho những vùng nuôi khó khăn vì lý do môi trường nuôi lâu năm bị ô nhiễm và dịch bệnh luôn là vấn đề được cơ quan chức năng và người dân quan tâm. Cá chim vây vàng là một đối tượng như vậy.

Cá chim vây vàng.

Trachinotus blochii có phân bố ở biển Việt Nam nhưng ít khi bắt gặp. Do giá trị kinh tế cao nên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Trường cao đẳng thủy sản du nhập giống từ Đài loan về cho sinh sản nhân tạo và tiến hành nuôi thử nghiệm trong ao đất thành công loài cá này. Đầu tháng 9/2011 Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Quốc gia đã tiến hành xây dựng mô hình Nuôi cá chim vây vàng thương phẩm” tại xã Nghi Xá – Nghi Lộc – Nghệ an. Đây là đối tượng được người nuôi thuỷ sản mặn lợ kỳ vọng có thể thay thế những vùng nuôi tôm kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cá chim vây vàng, thuộc loài cá rộng muối, có thể sinh sống ở độ mặn từ 3-330/00, dưới 200/00 cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện độ mặn cao tốc độ sinh trưởng của cá chậm.

Chọn và thả giống. 

Chọn giống.

Kích cỡ đồng đều 8 – 10 cm, khoẻ mạnh, không dị hình dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội nhanh nhẹn.

Cần kiểm tra bệnh VNN (bệnh hoại tử thần kinh) trước khi thả giống.

Tắm cho cá bằng nước ngọt hoặc fomaline với nồng độ 20 ppm từ 10 – 15 phút. Trong quá trình tắm phải cung cấp sục khí cho cá để không bị thiếu oxy.

Mùa vụ thả vào tháng 3 – 4 hàng năm, thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Chăm sóc và quản lý.

Thức ăn công nghiệp dạng viên nổi (dùng cho cá nuôi mặn, lợ).

Cách cho ăn: Cho thức ăn vào khung nhựa hoặc tre để giữ thức ăn cho cá. Cho ăn ngày 2 lần vào buổi sáng (8h) và buổi chiều mát (17 – 18h). Những ngày trời lạnh (nhiệt độ nước dưới 17C) hoặc trời nóng (nhiệt độ nước trên 36C) không cho cá ăn. Khi cho cá ăn cần quan sát kỹ khả năng ăn của cá để cho ăn phù hợp.

Thay nước: Theo dõi chất lượng nước thuỷ triều và chất lượng nước trong ao để tiến hành thay nước. Hàng tháng thay 20 – 30 % lượng nước ao nuôi.

Cung cấp quạt nước: Từ tháng thứ 2 cần cung cấp thêm quạt nước để tăng oxy cho cá. Với công suất quạt nước 1,7 kw cần lắp một bộ dàn (gồm 4 cánh/1000 m2. Bắt đầu quạt từ 24h – 5h hàng ngày.

Bón vi sinh: Hàng tháng bón vi sinh cho ao 1 lần để hạn chế sự ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Kiểm tra sinh trưởng và bệnh: Hàng tháng cần kiểm tra tốc độ sinh trưởng và bệnh cho cá để có biện pháp xử lý kịp thời và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cần lập sổ theo dõi về tốc độ sinh trưởng, chế độ cho ăn, quá trình xử lý về môi trường và bệnh tật của cá.

Phòng và trị bệnh thường gặp.

Cá chim vây vàng thường mắc bệnh trùng bánh xe và trùng quả dưa khi nhiệt độ nước từ 23 – 26C. Ở miền bắc từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau cá thường mắc bệnh. Khi cá bị bệnh thường bỏ ăn, bơi tách đàn không định hướng. Thân cá bị lở loét sau từ 2 – 3 ngày mắc bệnh.

Phòng bệnh: luôn giữ nước ao sạch, tắm phòng cho cá 20 ppm (20 ml/m) formaline hàng tháng.

Thu hoạch.

Sau 10 – 12 tháng nuôi có thể thu hoạch cá với cỡ thương phẩm từ 650-700 g/con.

Cá chim vây vàng là loài dễ thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày không cho cá ăn. Có thể dùng lưới kéo được trên 95% tổng số cá trong ao. Sau đó tháo cạn ao và thu nốt số còn lại.

 

 

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam