Sau nhiều thập niên gần như bị lãng quên, các giống cà phê đặc sắc, quý hiếm bậc nhất thế giới như Bourbon, Moka… đang được phục tráng, trồng trở lại tại Cầu Đất và vùng phụ cận của Đà Lạt – Lâm Đồng. Các hãng cà phê lớn trên thế giới sẵn sàng đặt hàng, báo giá trước khi thu hoạch tới vài tháng.
Thu hoạch cà phê Arabica.
Thương hiệu trăm năm
Từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp đưa một số giống cà phê Arabica nổi tiếng thế giới như Moka, Bourbon… sang trồng tại Cầu Đất (xã Xuân Trường), cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 20km. Dòng cà phê Moka nhanh chóng thích nghi với vùng đất mới, nơi có độ cao lý tưởng 1.600m, khí hậu lạnh, có sương mù… Moka Đà Lạt đã góp phần làm rạng danh thương hiệu “Arabica du Tonkin” tại Pháp từ trăm năm trước. Theo các “tín đồ” của dòng Moka, loại cà phê này có hương thơm quyến rũ, hậu vị sâu và thanh chua tinh tế.
Một dòng cà phê được xếp vào loại quý hiếm nhất nữa là Bourbon với hạt nhỏ màu xanh biếc, hương thơm quý phái, ngất ngây, vị hơi chua một cách thanh thoát và hậu vị hơi đắng như socola. “Một khi đã thưởng thức hương vị đích thực của Bourbon, người ta sẽ luôn nhớ đến nó hơn bất kỳ loại cà phê nào”, một du khách Mỹ thốt lên sau khi thưởng thức ly cà phê Bourbon tại resort 4 sao Ana Mandara Villas Dalat.
Đây là loại cà phê mang về giải Nhất 2 năm liên tiếp (2015-2016) cho ông Lê Thành An (Đà Lạt) tại cuộc thi tuyển chất lượng cà phê Arabica của Việt Nam do UCC Nhật Bản – UCC châu Âu tổ chức tại Lâm Đồng. Vì khó trồng và năng suất thấp nên giá cà phê Bourbon thường cao gấp đôi các loại Arabica khác.
Theo các chuyên gia đến từ Công ty Cà phê UCC UESHIMA COFFEE CO.LTD, cà phê Arabica hiện có nhiều dòng khác nhau. Dòng Bourbon được trồng tại Đà Lạt có giá trị cao nhất Việt Nam và chất lượng hương vị sánh ngang với cà phê ngon nhất thế giới.
Nhãn hiệu độc quyền
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, Cầu Đất – Xuân Trường hiện có gần 1.300 ha, phần lớn là cà phê kinh doanh hơn 10 năm tuổi. Đây là diện tích đã được cấp “sổ đỏ”, nếu cộng thêm những vườn cà phê trồng trên đất đang chờ phân định nông-lâm thì diện tích cà phê Arabica tăng hơn gấp đôi.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, ngoài Cầu Đất, Arabica còn được trồng tại các xã Trạm Hành, Xuân Thọ và một số phường, nâng tổng diện tích lên khoảng 3.500ha, chiếm hơn 85% diện tích cà phê và 33% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Năng suất bình quân đạt 2,7 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 11 ngàn tấn/năm.
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt” đợt đầu tiên cho 10 công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê nhân và cà phê bột Arabica tại Đà Lạt. “Đây là tài sản trí tuệ của thành phố nên chúng tôi cam kết không tự ý chuyển nhượng nhãn hiệu với bất kỳ hình thức nào. Mục tiêu của doanh nghiệp là duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm cà phê Arabica”, ông Phan Đắc Phú, Giám đốc Cty TNHH cà phê Arabica Cầu Đất Phú Vinh, nói.
Cơ sở chế biến với công suất 100 tấn tươi/ngày của Phú Vinh được đặt tại xã Xuân Thọ, vùng cà phê Arabica rộng lớn với diện tích hơn 540 ha, ước tính tổng sản lượng hơn 1.500 tấn nhân. Hiện đang vào vụ thu hoạch 2017 – 2018. Hội Nông dân xã tích cực vận động nông dân hạn chế tối đa thu hái cà phê xanh, chỉ tập trung thu hái cà phê đủ độ chín để bán cho công ty này.
Các chuyên gia ngành cà phê khuyến cáo trong vòng 24 giờ sau khi thu hái phải đưa cà phê vào chế biến để đảm bảo chất lượng. Ủ lên men đúng kỹ thuật sẽ làm cho hương vị cà phê dịu và thơm ngon tự nhiên. Cà phê phơi nắng có màu sáng trong hơn cà phê sấy; hương vị cũng ngon hơn…
Kỳ công phục tráng
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Arabica còn được trồng ở Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) và một số vùng ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… Thế nhưng cà phê Arabica ở Đà Lạt và một số tiểu vùng tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vẫn đạt chất lượng cao nhất bởi vì dẫu ưa khí hậu lạnh nhưng Arabica không chịu được nhiệt độ thấp kéo dài dưới 12 độ C của những nơi khác.
Với độ cao lý tưởng (trên 1.500m) và biên độ nhiệt phù hợp, Đà Lạt-Lâm Đồng trồng được những loại cà phê Arabica có giá cao nhất thế giới như Moka, Bourbon… Tuy nhiên vì đây là những giống khó trồng và dễ bị sâu bệnh nên nông dân chưa mặn mà, giống bị thoái hóa dần.
Những năm gần đây, ông Pierre Morère từ Pháp đã trở lại Lâm Đồng để phục tráng giống cà phê Bourbon mà ông ngoại và mẹ ông từng phát triển thành những đồn điền tươi tốt từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ông chuyển giao cây giống và kỹ thuật cho nhiều nông dân ở Lâm Đồng trồng cà phê, sau đó bao tiêu sản phẩm để chế biến thành công loại cà phê mang thương hiệu Bourbon Morère Pointu rồi bán tại Việt Nam và đưa đi tiếp thị rộng rãi ở nước ngoài.
Ông Phạm S cho biết đã tham quan vùng cà phê Bourbon này và nhận thấy tiềm năng rất lớn, do đó tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập trại nhân giống cà phê Bourbon. Nếu thành công thì 2 năm nữa sẽ có đủ cây giống để trồng quy mô lớn.
Nguồn: Báo Tiền Phong được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.