Sau thiệt hại do hai cơn bão liên tiếp xảy ra vào tháng 7 và tháng 10 năm 2017, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang rất băn khoăn về hướng phát triển loại cây này trong những năm tới. Tìm giải pháp để làm sao vẫn phát triển cây cao su trên vùng đất vốn không có nhiều thuận lợi với đặc thù của loại cây này, trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và diễn biến khó lường như hiện nay chính là vấn đề cần được các cấp, ngành quan tâm.
Sau bão số 10, vợ chồng chị Lê Thị Xuân, ở đội 1 thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh cặm cụi thu dọn vườn cây bị bão quật ngã. Hơn 7 sào với khoảng 190 cây cao su của gia đình chưa kịp khai thác, giờ chỉ còn lại một phần nhỏ may mắn chống chịu qua bão, còn phần lớn cây bị gãy đổ, vợ chồng chị Xuân chặt lấy củi, tận dụng chút nào hay chút đó. “Bão số 4 gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều như cơn bão số 10 này. Đa phần những cây bị gãy đều đến thời kỳ khai thác, coi như thất thu. Trồng cao su giống như “đánh bạc với trời” vậy, may mắn thuận lợi thì có khi thu tiền triệu mỗi ngày, bằng không thì cũng dễ tay trắng như chơi”, chị Xuân ngậm ngùi nói.
Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 19.945 ha cao su, tăng 570 ha so với cùng thời điểm năm 2016. Sản lượng thu hoạch mủ cao su 6 tháng đầu năm ước đạt 4.617 tấn, là loại cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Theo thống kê ban đầu do cơn bão số 10, toàn tỉnh có hơn 2.900 ha cao su bị ảnh hưởng, trong đó huyện Vĩnh Linh là địa phương thiệt hại nặng nhất với hơn 1.900 ha. Có khoảng 981 ha thiệt hại nặng trên 70%, hầu hết tập trung vào các xã vùng Đông Vĩnh Linh như Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạch…
Hàng ngàn héc ta cao su trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do bão số 10 gây ra
Huyện Gio Linh cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề với hơn 800 ha cao su bị ảnh hưởng, trong đó có xã như Trung Sơn có đến hơn 600 ha bị thiệt hại. Có nhiều nơi mật độ cây bị tàn phá rất dày, lại đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản nên thiệt hại về giá trị kinh tế là rất lớn. Nhiều hộ dân gần như mất trắng vườn cây khi phần lớn cây cao su bị gió bão đánh gãy ngang gốc, không thể phục hồi.
Theo ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để kịp thời khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất, nhất là đối với người trồng cao su ở các địa phương trong tỉnh, ngành nông nghiệp đã kịp thời tham mưu đề xuất các biện pháp xử lý thích hợp. Riêng đối với diện tích cao su vùng Đông Vĩnh Linh, nhất là các địa phương vùng ven biển có vườn cao su bị thiệt hại trên 70% thì khuyến cáo người dân cần thanh lý, chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp như hồ tiêu, trồng cỏ nuôi bò hoặc các loại cây trồng khác có hiệu quả thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Đối với những vườn cây cao su chưa đến thời kỳ cạo mủ, những cây bị gãy toác thân từ trên xuống hoặc đổ rạp xuống đất thì cần phải cưa bỏ để trồng lại cây mới, không dựng lên phục hồi nữa, vì làm vậy vừa tốn công, tốn tiền mà cây lại cho mủ quá ít, chất lượng kém. Đối với những cây bị gãy ngang thân, cần cưa vát theo góc nghiêng 30 độ ngay chỗ gãy cưa hết phần thân bị gãy xước, sau đó dùng mỡ vaseline bôi vào vết cắt để phục hồi. Đối với vườn cao su kinh doanh bị ảnh hưởng sau bão thì khuyến cáo tạm ngừng khai thác, tập trung chăm sóc và xử lý chờ cây phát triển ổn định trở lại mới khai thác.
Trồng cây cao su ở vùng đất thường xuyên chịu gió bão như Quảng Trị thì đòi hỏi các ngành chức năng phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc định hướng cho người dân các khâu từ chọn giống, kỹ thuật trồng, thời điểm khai thác phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Theo các nhà khoa học khuyến cáo, cần lựa chọn các giống rễ sâu, tán thấp, thân to, nên sử dụng các cây giống ươm trong bầu, có khả năng chịu được gió, rút ngắn được thời gian khai thác như GT1, PB 255, PB 260, RRIM 600… Ngoài việc mở rộng diện tích trồng thì cần quan tâm đến việc trồng các loài cây thân gỗ như cây keo có khả năng chống chịu gió làm vành đai chắn bão. Trên thực tế, đối với các vườn cao su tiểu điền hiện nay trong toàn tỉnh, hầu như người dân chưa quan tâm đến vấn đề này.
Ngoài ra, khi kiến thiết vườn cây cao su, người dân cần tránh trồng mật độ quá dày theo truyền thống (bình quân 500 – 550 cây/ha), bởi như vậy sẽ tạo nên sức cản gió lớn khiến cây nhanh chóng gãy đổ khi gặp bão. Ngoài ra, người trồng cao su cần tuân thủ việc cạo mủ theo đúng quy trình kỹ thuật, cạo hai ngày, nghỉ một ngày, không nên khai thác theo kiểu tận thu. Đối với vườn cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản thì tăng cường bón phân để cây chắc rễ, chống chịu được với gió bão. Hiệu quả kinh tế mà cây cao su mang lại cho người trồng cao su trong tỉnh những năm qua đã được chứng minh.
Trong đề án tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu tăng diện tích trồng cao su lên 21.000 – 22.000 ha, sản lượng khai thác đạt từ 20.000 – 25.000 tấn. Để tiếp tục phát triển hiệu quả cây cao su tại địa phương, các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp mang tính lâu dài, cần điều chỉnh lại quy hoạch để xác định chỗ nào nên trồng, chỗ nào cần loại bỏ, hướng dẫn người trồng cao su nghiêm túc thực hiện cơ cấu giống và quy trình kỹ thuật áp dụng cho khu vực duyên hải miền Trung đã được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khuyến cáo, ban hành… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam