Kỹ thuật trồng quất

Cây quất (miền Nam gọi là cây tắc) thường được chọn làm cây cảnh trong những ngày Tết. Do vậy, ngoài việc trồng bình thường, phải biết xử lý để cây cho trái và chín vào đúng dịp Tết, vừa để trưng Tết vừa bán được giá.

Thời vụ trồng

Quất được trồng quanh năm nhưng muốn trồng mới (chiết cành) tốt nhất nên thực hiện vào đầu mùa mưa.

Đất trồng

Thường trồng trên đất vườn, đất có pha cát, sét bảo đảm được độ thông thoáng và đủ độ ẩm. Độ pH thích hợp là 5-6.

Cách trồng

Có thể trồng quất trực tiếp trên đất, nhưng cũng có thể trồng vào giỏ, chậu… Trước hết nên trồng quất ngoài đất vườn rồi sau đó mới đưa vào chậu.

– Đất trồng cần lên liếp cao, thiết kế mương nước xung quanh, líp rộng 4-6m, mương khoảng 1-1,5m. Mặt líp phải cao hơn mương nước từ 20-30cm, tránh để nước ngập, quất sẽ ngừng phát triển và có thể chết.

– Quất cần nhiều ánh sáng, chịu ẩm ướt, nhiệt độ thích hợp từ 20-24oC. Vào mùa khô cần tưới nước đầy đủ, tránh để đất khô, quất sẽ không phát triển và bị vàng lá rồi rụng dần.

– Quất không trồng bằng hạt vì dễ biến dị, cây chậm ra quả, do vậy, trồng mới nên áp dụng phương pháp chiết cành.

Cách chiết

Cũng giống như cam, quýt, cần chọn cành khoẻ, mọc xiên, tiến hành khoanh vỏ, để khô 4-5 ngày, quấn rơm đã nhào với đất bùn ướt, bên ngoài cần bao một lớp nilon có đục lỗ thoát nước. Nên tiến hành chiết vào tháng 3-4, những tháng đầu mùa mưa.

Bón phân

Cần bón phân cân đối cho quất, bón lót, bón thúc cho hợp lý cây mới phát triển tốt và cho bông trái nhiều.

– Bón lót trung bình một gốc cần 20-25kg phân chuồng hoai, rác mục.

– Bón thúc dùng phân NPK (16-16-8), trung bình 0,3-0,5kg/gốc/năm, chia 2 lần, bón cách nhau 40 ngày. Khi cây chuẩn bị ra hoa cần bón thêm phân KCl 100g/gốc để tăng cường đậu trái và trái ít bị rụng. Để cây phát triển mạnh, cành lá xanh mướt cần phun thêm phân bón lá, 15 ngày phun 1 lần.

Phòng trừ sâu bệnh

Nên chọn cành chiết từ cây mẹ khoẻ mạnh, không có biểu hiện bệnh để đảm bảo cho cây con sau này khoẻ mạnh, khả năng phát triển tốt, đậu quả nhiều.

Quất thường dễ bị bệnh trong trường hợp thiếu phân, nước, ánh sáng và pH không phù hợp…

Thường xuyên thăm vườn để phát hiện và loại bỏ cây bị bệnh vàng lá để tránh lây lan sang cây khác.

Nếu trồng quất cảnh phải phun ngừa bệnh theo định kỳ, cứ 7-15 ngày phun thuốc trừ bệnh Aliette, Benlate C, Sunfat đồng để ngừa các bệnh về nấm. Đối với các loại sâu, côn trùng phá hoại như vẽ bùa, rệp mềm, rệp sáp, sâu đục thân… cần sử dụng các loại thuốc Sevin, Padan, Tribon, Bi58… để phòng trị. Tuỳ vào mức độ phá hoại của côn trùng mà phun định kỳ từ 7-10 ngày/lần theo liều lượng ghi trên nhãn bao thuốc.

Xử lý cho trái chín đúng dịp Tết

Quất ra trái quanh năm, nên phải điều chỉnh sao cho trái chín vào đúng dịp Tết. Cách làm như sau:

– Đến khoảng tháng 6-7 âm lịch bắt đầu thăm chừng thường xuyên vườn quất, phát hiện cây nào có trái phát triển mạnh thì đào bứng cây lên, rồi phơi nắng nhẹ độ 10 ngày, sau đó tỉa bỏ bớt cành lá cho cây gọn nhẹ rồi đem trồng lại (đảo quất, đánh quất). Nếu trồng trong giỏ, chậu, chỉ cần vặt hết trái, giảm tưới nước tối đa.

– Đến giữa hoặc cuối tháng 8 âm lịch, chuẩn bị cho cây ra hoa, kết trái và làm sao cho trái chín vàng vào dịp Tết Nguyên đán. Giai đoạn này cần cung cấp cho quất đầy đủ phân bón, nước, cây sẽ xanh tốt, cho trái nhiều và đảm bảo trái sẽ chín vàng vào đúng Tết.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật bón phân cho cây cảnh, hoa cảnh

Bón phân là một bước quan trọng trong kỹ thuật trồng cây và chăm sóc hoa cảnh, nếu được bón phân đúng cách, cây cảnh sẽ tươi, đẹp và ra hoa, ra lá nhiều hơn theo đúng nhu cầu của người trồng.

Kỹ thuật trồng cây, chăm sóc hoa cảnh cần chú ý tới rất nhiều bước, trong đó có kỹ thuật bón phân. Bón phân là con dao 2 lưỡi, nếu làm đúng, cây cảnh sẽ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, sinh trưởng tươi tốt, nếu làm sai, cây cảnh có thể héo, úa, thậm chí là chết.

Bón phân cho cây cảnh là một trong những biện pháp quan trọng của việc nuôi trồng cây cảnh. Vấn đề mấu chốt của việc bón phân là bón đúng lúc cây yêu cầu và lượng bón thích hợp. Bón đúng liều lượng là cần nắm vững bón bao nhiêu phân, nếu bón quá ít thì không có tác dụng, nhưng bón quá nhiều không những không đạt yêu cầu mà còn làm cho các cành hoa bị khô.

Kỹ thuật bón phân cho cây, hoa cảnhKỹ thuật trồng cây rất coi trọng việc bón phân đúng cách

Dưới đây là những lưu ý khi bón phân cho cây:

Phân bón lỏng

Phân bón lỏng là lựa chọn để cải thiện nhanh chóng tình trạnh úa vàng của cây. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý tới liều lượng ghi trên bao bì, dùng ít hơn thì không sao, tuy nhiên nếu nhiều hơn, cây không những không sinh trưởng tốt mà còn có thể bị phát triển rễ, phá dáng, hoặc xấu đi. Nên bón khoảng 3/4 liều lượng được ghi trên bao bì. Trước khi tưới, cần làm ẩm và tới đất, tạo điều kiện cho cây hấp thụ.

Kỹ thuật bón phân cho cây, hoa cảnhBón phân không đúng kỹ thuật trồng cây nhiều khi còn có hại

Thành phần phân bón

Phân bón thường chứa 3 thành phần cơ bản là N, P, K, tương ứng với Nitơ, Photpho, Kali. Nitơ cần cho cành lá, Phốt pho cần cho rễ, Kali cần cho hoa. Tùy vào mục đích mà người dùng nên chọn tỉ lệ các thành phần trong phân bón cho phù hợp.

Mùa bón phân

Chú ý bón phân trong kỳ cây con xúc tiến sinh trưởng, kỳ ra hoa nên bón phân lân để có lợi cho cây ra hoa, ngoài ra còn cần chú ý đến mùa bón phân, mùa xuân hè cây sinh trưởng nhanh có thể bón nhiều phân, mùa thu cây sinh trưởng chậm nên bón ít, sang mùa đông thì không cần bón phân.

Số lần bón

Số lần bón phân cũng là một vấn đề quan trọng, nên bón nhiều lần, nhưng lượng bón mỗi lần không nên nhiều, không được bón quá nhiều, quá đặc. Thời kỳ từ lập xuân đến lập thu nói chung 1 – 2 tuần bón 1 lần, vào sâu lập thu cứ 2- 3 tuần bón 1 lần, đến lập đông không cần bón.

Kỹ thuật bón phân cho cây, hoa cảnhKhông chỉ kỹ thuật trồng cây, kỹ thuật chăm sóc hoa cảnh cũng cần chế độ bón phân hợp lý

Thời gian bón phân

Thường bón phân vào lúc chiều tối, đặc biệt chú ý mùa nóng nực không nên bón vào buổi trưa, vì nhiệt độ cao phân dễ gây vết thương cho rễ. Ngoài ra trước khi tưới nước phân, tốt nhất nên xới qua đất trong chậu, như thế có lợi cho việc thấm sâu vào rễ.

Một số nhà trồng hoa đã tổng kết kinh nghiệm bón phân như sau: “4 nhiều, 4 ít, 4 không, 3 kỵ”, trong đó “4 nhiều” là bón nhiều phân khi (1) cây vàng, yếu, (2) trước khi nảy chồi, (3) kỳ ra nụ hoa, (4) sau mùa hoa nở. “4 ít” là bón ít phân khi: (1) cây khoẻ, (2) nảy chồi, (3) hoa nở, (4) mùa mưa. “4 không” là không bón phân khi: (1) cây mọc cao vống, (2) khi mới trồng, (3) nắng nóng nhiều, (4) cây ngủ nghỉ. “3 kỵ” là (1) kỵ phân bón đặc, (2) kỵ phân nóng, tránh bón vào buổi trưa mùa hè lúc nhiệt độ đất cao, (3) kỵ phân dính rễ, tránh khi trồng đem rễ cây hoa trực tiếp tiếp xúc với đáy chậu cồ phân lót, phải cách ly một lớp đất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng cây cảnh bằng phương pháp thủy canh

Từng thành công với nhiều mô hình trồng rau, quả như cà chua, bắp cải, xà lách… mới đây, Nguyễn Văn Quy giảng viên Khoa Nông học, ĐH Nông lâm Huế lại thành công với mô hình nghiên cứu trồng cây kiểng bằng phương pháp thủy canh.

Từ nhỏ, Quy đã đam mê nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là trò ươm giống cho cây nẩy mầm. Khi đã trở thành giảng viên, ngoài những giờ lên lớp, Quy còn dành nhiều thời gian nghiên cứu các đề tài khoa học để phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Để thực hiện được điều đó Quy đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn. Phải tự bỏ tiền túi, huy động vốn từ gia đình mua hàng trăm loại cây kiểng khác nhau về trồng bằng phương pháp thủy canh mà anh đã dày công nghiên cứu.

Hiểu kỹ tính cây

Theo Quy, nếu trồng kiểng lá trong chậu đất đòi hỏi rất kỹ khâu chọn giống, đất, phân bón và có một chế độ nước tưới hợp lý thì trồng thủy canh cây cảnh đơn giản, tiện lợi hơn nhiều. Chỉ cần một chậu thủy tinh, một giỏ nhựa có kích cỡ phù hợp với cây, sau đó tách cây từ chậu đất, dùng nước rửa sạch rễ, cắt phần rễ thối và rễ bị tổn thương, giữ lại rễ chính và rễ khỏe. Sau đó, đặt cây vào giỏ nhựa và hòa khoảng 10 giọt nước dinh dưỡng vào bình nước thủy tinh để cây hấp thu dinh dưỡng.

Trồng cây cảnh bằng phương pháp thủy canh

Những cây cảnh “khó tính” như trúc, hoa chuông… có thể trồng ở trong môi trường này, thậm chí trồng xương rồng, một loại cây vốn không ưa nước. Ngoài ra, người trồng có thể kết hợp nuôi cá cảnh, tạo ra hình thế phong thủy hài hòa trong nhà hay phòng làm việc, phù hợp với thị hiếu chơi cây cảnh hiện nay. “Sau 20 ngày khi bộ rễ phát triển tốt, đẹp thì có thể bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng một lần. Nhờ nguồn nước lưu trữ trong bình nên cây có tốc độ phát triển nhanh hơn so với bình thường, hạn chế sâu bệnh, ô nhiễm môi trường. Tuổi thọ của cây gấp hai đến ba lần so với trồng trong đất”, anh Quy giải thích.

“Quá trình nghiên cứu trồng thủy canh không khó, nhưng công đoạn pha chế chất dinh dưỡng quả là thử thách… Nhiều hóa chất có liều lượng rất nhỏ, phải dùng cân tiểu ly để cân đối liều lượng”, Quy cho biết thêm.

Bằng đam mê lớn, anh đã thành công với công thức pha chế gồm 16 loại hóa chất, mang tên NQ2 cần thiết như ở trong môi trường đất.

Sẵn sàng chuyển giao công nghệ

Mô hình trồng cây theo hình thức thủy canh ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Australia, Canada… khá phổ biến, tuy nhiên những loại dung dịch dinh dưỡng như thế này bán ở thị trường Việt Nam khá đắt. Bởi vậy, công thức pha chế dung dịch NQ2 được anh Quy dày công mày mò, nghiên cứu cho “ra lò” thì sản phẩm này đã đến với tay bà con với giá từ 10.000 – 20.000 đồng một lọ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam