Ở miền Tây, nói đến xứ nếp người ta nghĩ ngay đến Phú Tân (An Giang). Không chỉ SX lúa nếp bán đi khắp nơi, vùng đất lúa Láng Linh thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú còn có 1 nông dân tên Từ Bá Đạt đã lai tạo ra giống nếp thơm.
Dù là vùng đất có thể trồng các giống lúa nếp ngon nhưng người dân vẫn ưa chuộng nếp Thái, đó là vấn đề trăn trở để ông Đạt dốc tâm nghiên cứu và lai tạo thành công 10 giống nếp mang đặc trưng riêng của vùng đất Thạnh Mỹ Tây, trong đó chủ lực là giống nếp TMT1, TMT2, TMT3.
Ông Từ Bá Đạt, nông dân Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú cho biết: “Ở An Giang có SX ra nhiều giống nếp nhưng không thơm, trong khi đó Thái Lan có nếp thơm, vì lòng đam mê và trăn trở đó, tôi quyết học hỏi và lai tạo được giống nếp như nếp Thái Lan. Ban đầu, Viện lúa Ô Môn tập huấn cho tôi làm những giống lúa thơm, từ những dòng đó tôi rút ra lai tạo được giống nếp thơm mới”.
Sau 10 năm nghiên cứu, đến nay công trình của ông Từ Bá Đạt đã làm nhiều nhà nông miền Tây bất ngờ bởi hạt nếp TMT1, TMT2, TMT3 có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng riêng, năng suất vượt trội so với các giống nếp ngoại nhập từ 1 tấn/ha.
Chất lượng cao, nếp thơm TMT1 có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 100 ngày, TMT2 95 ngày, TMT3 từ 95-105 ngày. Tất cả đều kháng được sâu bệnh, được dân trồng nếp ở miền Tây ưa chuộng và tôn vinh ông là “Vua giống nếp”. “Giống nếp này vừa thơm vừa dẻo, rất đặc trưng cho vùng nếp Thạnh Mỹ Tây. Nếp trồng dễ, bông nút hạt bự, vô gạo cũng đẹp, còn xay ra nấu thì dẻo thơm, ngon”, ông Trần Văn Ba, nông dân trồng nếp ở xã Thạnh Mỹ Tây, chia sẻ.
Ưu điểm của giống nếp thơm là cứng cây, đẻ nhánh mạnh, thích hợp trồng trên diện tích rộng, vùng đất SX 3 vụ lúa/năm ở đồng bằng sông Cửu Long, năng suất thu hoạch ước đạt từ 9 – 10 tấn/ha.
“Hiện nay tôi có rất nhiều dòng nếp, tùy theo nhu cầu để cung ứng. Địa phương nào cần giống dài ngày thì mình sẽ cung cấp giống dài ngày phù hợp với tình hình SX nơi đó, còn những nơi thích nếp ngắn ngày thì tôi đưa ra những giống ngắn ngày”, ông Từ Bá Đạt cho biết thêm.
Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam