Nghệ An: Bùng phát bệnh Lepto trên lợn?

Theo người dân xóm 10, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An), xóm có nhiều lợn bị chết.

Thế nhưng, xã xác nhận chỉ có 1 số con bị nhiễm bệnh. Điều đáng nói, trên QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn thời gian qua có rất nhiều lợn chết bị vứt dọc đường.

Người dân không đồng ý tiêm phòng?

Ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, cách đây vài ngày xuất hiện tin đồn tại xóm 10 có một số con lợn khi người dân mổ thịt bán có mùi hôi, thịt màu vàng không thể sử dụng được. Còn một người dân xóm 10 khẳng định, một tuần trở lại đây, xóm có rất nhiều lợn chết vì bệnh Lepto(?).

Rác thải, xác động vật thường xuyên dạt vào các đập tràn của xã Ngọc Sơn

“Chúng tôi nghe thông tin như thế nhưng qua kiểm tra thì chỉ có 4 con lợn bỏ ăn hoặc ăn ít. Trong số đó, một con bị rối loạn tiêu hóa đã được điều trị khỏi bệnh. Đề nghị ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm, nếu xuất hiện dịch bệnh chúng tôi sẽ triển khai ngay các biện pháp dập dịch”, ông An cho biết.

Ngày 18/11, sau khi được báo cáo, Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương đã cấp 6 lít bencocid cho xóm 10 và cử cán bộ xuống những hộ có lợn ốm để lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Sau khi kiểm tra lợn của hộ ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Thủy có các dấu hiệu như kén ăn cám, ăn nhiều rau, thân nhiệt cao, ông Đào Quang Biên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương cho rằng, đó là dấu hiệu của bệnh Lepto.

“Tại xóm 4, xã Xuân Tường, giáp ranh với xóm 10 xã Ngọc Sơn đã ghi nhận một cá thể lợn chết do Lepto. Lợn của người dân xóm 10 kén cám, ham rau, thân nhiệt cao là dấu hiệu của bệnh Lepto. Thời gian điều trị bệnh này dài nhưng khả năng khỏi bệnh thấp. Chúng tôi không chờ kết quả xét nghiệm mà sẽ làm tờ trình xin cấp vacxin để tiêm phòng. Đề nghị UBND xã Ngọc Sơn cử cán bộ phụ trách cùng vào cuộc và hỗ trợ người dân vôi bột, tuyên truyền để người dân tích cực chống dịch”, ông Biên cho biết.

Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm

Theo thống kê, xóm 10 có tổng đàn lợn 158 con. Tuy nhiên, khi triển khai đăng ký mua vacxin có 22 hộ (nuôi 22 con lợn) không đồng ý tiêm phòng. “Họ nói, nếu tiêm phòng xảy ra chuyện gì thì xã, huyện phải cam kết chịu trách nhiệm. Nhưng quan điểm của chúng tôi là có dịch thì phải dập dịch, hộ nào không tiêm phòng thì căn cứ Luật Thú y để xử lý. Hộ nào tiêm phòng, nếu gia súc chết thì xã sẽ làm thủ tục để xin Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Xã sẵn sàng trích kinh phí mua vacxin và vôi bột để cùng người dân dập dịch”, ông Thái Văn An cho biết thêm.

Nhiều nguy cơ bùng phát dịch

Ngọc Sơn nằm sát QL 46, giáp với các xã Xuân Tường, Võ Liệt, Thanh Ngọc. QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn là địa bàn nối nhiều huyện phụ cận, đường trung chuyển động vật từ khắp nơi đổ về đi các địa phương khác tiêu thụ; sông Lam, sông Gang chảy theo chiều dọc của xã.

Xác lợn chết vứt dọc QL 46 đoạn giáp ranh giữa Ngọc Sơn và Thanh Ngọc

Nhiều đặc điểm cho thấy, đây là địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh. Và thực tế, trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở đây diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận, tại xóm 3, từ năm 2014 – 2016 từng xảy ra dịch tụ huyết trùng thể cấp tính khiến hàng chục con trâu bò bị chết. Tháng 11/2017, đàn vịt của người dân xóm 10 cũng chết như ngả rạ nhưng mẫu bệnh phẩm dương tính với virus H5N1.

Một nguy cơ nữa xuất phát từ sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một số hộ chăn nuôi. Một ngày giữa tháng 12/2017, QL 46 đoạn qua núi Nguộc, điểm giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn và xã Thanh Ngọc xuất hiện một con lợn chừng trên 100kg đã được mổ ruột, màu vàng nghệ bị vứt bỏ bên lề đường.

Người dân ở đây phỏng đoán, có thể con lợn trên bị bệnh Lepto, đã mổ thịt đem đi chợ bán nhưng không bán được nên đem về vứt cạnh đường. Thực tế, thời gian qua, đoạn đường này thường xuyên xuất hiện những bao tải chứa xác động vật chết bốc mùi hôi thối. Do nằm ở địa phận xã, UBND xã Ngọc Sơn đã nhiều lần phải cử lực lượng đem xác động vật đi chôn nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản sau bão, lũ

Sau khi lũ chấm dứt, cần thu gom lượng tôm, cá nuôi sót lại. Xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

1. Ổn định môi trường

Đối với các ao nuôi không bị sạt lở và vỡ bờ, người nuôi cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột (trong ao nuôi tôm), tránh tràn bờ, vỡ cống (do lượng nước sau mưa bão là rất lớn). Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Cần đảm bảo môi trường ao nuôi cho cá, tôm ổn định bằng các biện pháp như sử dụng vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi để điều chỉnh pH. Khi kiểm tra pH trong ao nếu chỉ số chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 – 20 kg/100 m². Ngoài ra, người nuôi còn phải kiểm tra các yếu tố khác như lượng khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ổn định được độ trong, cần tiến hành gây lại màu nước cho ao nuôi để đảm bảo sự phát triển ổn định của vật nuôi.

Xử lý ao nuôi bằng vôi

Đối với ao tôm, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào nuôi. Nước cần được lấy qua ao lắng và xử lý trước khi bơm vào ao.

2. Chăm sóc

Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Nếu tôm, cá có các biểu hiện bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho động vật nuôi; sau khi mưa lũ chấm dứt hoàn toàn mới cho thủy sản ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so lúc bình thường. Cần cho tôm, cá ăn đầy đủ, tránh những thức ăn bị hư, thối. Đồng thời bổ sung Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 – 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc dùng chế phẩm sinh học và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi có thể sử dụng dầu mực để bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10 g/kg thức ăn.

Thường xuyên theo dõi tình hình của các động vật nuôi

Đối với các loài nhuyễn thể nuôi (ngao/nghêu, hầu, sò huyết…), ngoài vấn đề kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…), người nuôi cần tiến hành vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng chất khử trùng (có thể treo túi vôi hoặc viên TCCA) treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.

Thời điểm này, tôm cá thường dễ bị bệnh do các yếu tố thay đổi thất thường, nhất là thủy sản nuôi lồng bè. Một số bệnh thường gặp chủ yếu là do ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe…), vi khuẩn (Aeromonas, Vibrio…) gây ra. Phòng trị bệnh bằng cách cho ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc hóa chất tắm cho cá trong ao nuôi như muối ăn 2 – 4%, CuSO4 2 – 5%, Formaline 25 – 30 ppm hoặc phun trực tiếp xuống ao với liều lượng nhỏ hơn 10 lần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Ứng dụng của trùn quế trong ao nuôi tôm

Người nuôi tôm hiện nay đang gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Việc tìm ra phương pháp nuôi cải tiến giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, tăng sức đề kháng được chú trọng hơn cả.

Trùn quế có tên khoa học là Perionyx excavatus, chi Pheretima, họ Megascocidae

Với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, trùn quế được xem như là một món ăn tự nhiên khoái khẩu trong môi trường nước ngọt (ao, hồ, sông suối,..) đối với các loài cá, kì nhông, tôm, nhện nước, tôm hùm và một số loài bọ nước. Có thể sử dụng trùn trong cả môi trường nước lợ.

Tác dụng của trùn quế

Trong thịt trùn tươi chứa hàm lượng Protein cao, nhiều vi khuẩn có lợi Bacillus, các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, axit amin, Vitamin B, B3, B6, B12… Vì vậy trùn quế là loại thức ăn rất tốt cho tôm, bổ sung vi khuẩn Baccilus kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh đường ruột và bệnh về gan. So với thức ăn thông thường thì thức ăn có trộn dịch trùn giúp tôm sú phát triển nhanh hơn, sức đề kháng mạnh hơn. Phân trùn là loại hữu cơ sinh học, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong phân trùn quế có chứa những vi sinh vật có hoạt tính cao, là chất xúc tác sinh học như: vi khuẩn, nấm mốc, đặc biệt là hệ vi khuẩn cố định đạm tự do, vi khuẩn phân giải lân, phân giải cellulose. Đặc điểm chính của phân trùn làm môi trường ao nuôi trong sạch, tảo ổn định do tác dụng của các vi khuẩn có lợi có trong phân trùn: Vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn nitơ hóa… các chỉ tiêu môi trường ao nuôi ổn định giúp tôm khỏe mạnh, nhanh lớn.

Tỷ lệ chất béo/protein của trùn quế là lý tưởng nhất (chất béo thấp, protein cao)

Kỹ thuật nuôi trùn quế

Phương pháp nuôi trùn quế khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng gỗ có kích thước 0,2 – 0,4 m2, chiều cao 0,3 m, hoặc có thể tận dụng thau, chậu có sẵn. Các thùng được đặt nơi hạn chế ánh sáng và phải có các lỗ thoát nước. Chất nền để nuôi trùn yêu cầu tơi xốp, sạch, giàu dinh dưỡng.

Trùn giống được mua ở một số trại giống về sau 2 ngày thì bắt đầu cung cấp thức ăn cho trùn. Trùn quế thường sử dụng mùn bã hữu cơ như phân gia súc làm thức ăn. Lượng thức ăn tùy thuộc vào mật độ trùn hiện có. Chỉ bổ sung lượng thức cho trùn khi thức ăn cũ đã hết hoặc còn ít.

Quy trình nuôi tôm

Ao nuôi tôm được chuẩn bị, cải tạo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật theo những mô hình nuôi tôm thông thường.

Sử dụng lượng phân trùn từ 15 – 20 kg/1.000 m2 để gây màu nước hoặc cải thiện màu nước trong ao nuôi tôm. Khi sử dụng phân trùn quế để gây màu nước thì động vật phù du phát triển rất mạnh. Sinh khối lượng thức ăn tự nhiên cho tôm nhiều, đặc biệt là copepoda, một loại thức ăn ưa thích cho tôm nuôi.

– Tôm được nuôi với mật độ 40 – 50 con/m2.

– Trong 7 – 10 ngày nuôi đầu tiên, tôm sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên trong ao nên không cho tôm ăn.

– Sau 10 ngày nuôi, sử dụng trùn quế băm nhỏ, cho vào sàng ăn đưa xuống ao để tôm ăn. Trùn quế trước khi làm thức ăn cho tôm cần được ngâm trong nước khoảng 2 giờ rồi rửa sạch.

– Trong thời gian 20 – 40 ngày nuôi, bắt đầu bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 30%, thịt trùn 70%. Thịt trùn được xay nhuyễn trộn với thức công nghiệp, dùng sàng cho tôm ăn.

– Trong thời gian nuôi 40 – 60 ngày, bổ sung thức ăn công nghiệp với lượng 50%, thịt trùn 50%.

– Trong thời gian nuôi từ 60 ngày đến khi thu hoạch, sử dụng 70% lượng thức ăn công nghiệp, 30% thịt trùn.

– Thường xuyên theo dõi sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm nuôi phù hợp. Sang tháng nuôi thứ 2, lượng chất thải hữu cơ gia tăng. Sử dụng chế phẩm sinh học EM liều lượng 2 lít/1.000 m3, loại bỏ các chất lơ lửng, làm sạch môi trường ao nuôi, tăng cường vi khuẩn có lợi,  hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Dịch bệnh ở Phúc Kiến và Quảng Đông ngập tràn thị trường tôm hạ giá

Theo nguồn tin của Seafoodnews cho biết tôm ở Phúc Kiến và Quảng Đông của Trung Quốc xảy ra dịch bệnh và tôm giá rẻ tràn ngập thị trường.

Dịch bệnh ở Phúc Kiến và Quảng Đông ngập tràn thị trường tôm hạ giá

Tôm bị dịch bệnh do thời tiết thay đổi thất thường nhất là ở Phúc Kiến, tôm bệnh đã tràn ngập thị trường với số lượng lớn, làm giảm giá trong nước xuống từ 2 đến 3 Nhân dân tệ / tuần (0,60 – 0,90 USD / kg Mỹ) trong tuần này.

Một lượng lớn ao tôm ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc bị nhiễm phân trắng. Do dịch bệnh phân trắng diễn ra gây thiệt hại nặng nề nên người dân tiến hành rút ngắn thời gian nuôi bằng cách thu tôm sớm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa: Nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản, chống dịch bệnh lây lan luôn được ngành thủy sản quan tâm, khuyến cáo. Tuy nhiên, tại tỉnh Khánh Hòa thời gia gần đây xuất hiện ở nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản người dân thải ra môi trường thủy sản chết, không xử lý đúng quy định khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Khánh Hòa nguy cơ lây lan dịch bệnh do vứt bỏ thủy sản chết ra môi trường

Thời gian gần đây tại xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa) xảy ra tình trạng ốc hương nuôi chết hàng loạt; khi đó không khó để bắt gặp những bao tải chứa ốc vứt bên vệ đường, cạnh mương nước phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hỏi chuyện các hộ nuôi ốc gần đó mới biết, khi xảy ra hiện tượng ốc chết, người nuôi chỉ lo tìm cách cứu chữa cho ốc mà không quan tâm đến việc xử lý ốc chết, họ cứ tìm chỗ nào trống là vứt ốc, không đưa đi xử lý đúng quy định.

Hay tại vùng nuôi cá bớp ở Hòn Lăng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) xuất hiện tình trạng cá bớp chết liên tục. Hỏi người dân về cách xử lý cá chết, ông P.T.T. – người nuôi cá tại đây cho biết: “Trong vòng 1 tháng qua, cá bớp của gia đình tôi chết hơn 1.500 con. Khi phát hiện cá chết, tôi vớt lên và vứt luôn xuống biển ngay cạnh bè chứ không biết xử lý cách gì”. Theo ông T., cả vùng nuôi này bè nào cũng vậy. Bởi cá chết cả tấn, có mang vào bờ cũng không biết chôn ở đâu. Còn ngoài biển rộng lớn, việc vứt vài ba tấn cá chắc cũng không ảnh hưởng gì. Bởi vậy, có hộ khi cá chết trắng lồng thì xả tất cả ra biển, kéo lồng lên rồi về bờ.

Được biết những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều lớp tập huấn, thông tin về Thông tư 04 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản cho người dân. Các yêu cầu về khu cách ly và hố xử lý động vật thủy sản; quy trình xử lý, vận chuyển động vật thủy sản chết đến hố xử lý; tiêu hủy bằng hóa chất cũng đã được hướng dẫn đến người dân ở các vùng nuôi. Qua đó, nhằm giúp người nuôi trồng thủy sản chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, có các biện pháp kỹ thuật tiêu hủy động vật thủy sản khi mắc bệnh, chết nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vùng nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng của người dân còn nhiều hạn chế.

Theo ông Phạm Duy Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, một trong những khó khăn lớn trong nuôi trồng thủy sản hiện nay là ý thức cộng đồng của người nuôi. Một khi có dịch bệnh xảy ra, người dân không thu gom xử lý, xả ra môi trường sẽ rất dễ lây lan ra toàn vùng nuôi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Để phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, người dân cần có ý thức cộng đồng, từ khâu cải tạo ao đìa, thả giống, xử lý dịch bệnh… Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đang vận động người dân thành lập các tổ cộng đồng vùng nuôi, cùng thả giống, cùng tổ chức sản xuất đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình hình dịch bệnh trên động vật thủy sản trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 diễn biến khá phức tạp; các đối tượng nuôi như: cá bớp, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương… chết ở nhiều vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Một số vùng nuôi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao do nguồn nước bị ô nhiễm. Chi cục đã tích cực khuyến cáo đến người nuôi các biện pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi. Chỉ tính riêng đối tượng tôm nước lợ, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, chi cục đã dập 41 ổ dịch trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Nguồn: bao Khanhhoa được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Phát hiện phương pháp mới giúp lợn miễn nhiễm với dịch bệnh

Có thể gây tranh cãi song một nghiên cứu mới đây cho thấy phương pháp chỉnh sửa gene có thể giúp lợn miễn nhiễm với nhiều virus dịch bệnh thường gặp, hạn chế những đợt dịch bệnh vốn gây thiệt hại tới 1,6 tỷ USD mỗi năm cho ngành chăn nuôi gia súc châu Âu. Nghiên cứu do Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh thực hiện và được đăng tải trên tạp chí PLOS Pathogens ngày 23/2.

Các nhà khoa học đã chỉnh sửa một đoạn nhỏ trong bộ ​gene của lợn và tiêm virus Hội chứng Rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) vào lợn đã được chỉnh sửa gene để theo dõi khả năng kháng virus của vật chủ. Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy các tế bào được lấy từ lợn sau khi được chỉnh sửa gene có khả năng chống chọi được với 2 phân loại của virus PRRS.

Dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn.
Dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn.

Nếu bị nhiễm virus này, lợn con sẽ bị viêm phổi, trong khi lợn mẹ sẽ chết khi mang thai. Các tác giả nghiên cứu này nhấn mạnh tế bào từ con lợn sau khi được chỉnh sửa ​gene có thể chặn đứng sự xâm chiếm của virus gây bệnh.

Theo nhà khoa học Alan Archibald, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, dù gây tranh cãi song phương pháp chỉnh sửa g​ene sẽ giúp vật nuôi khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng tốt hơn trước nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh, qua đó giúp người chăn nuôi giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Ông Archibald nhấn mạnh kết quả ban đầu của công trình này giúp các nhà khoa học tiến gần hơn tới các giải pháp giúp ứng phó với bệnh dịch có nguy cơ bùng phát mạnh trong ngành chăn nuôi gia súc.

Trong khi đó, Giáo sư Ian Jones thuộc Đại học Reading đánh giá đây là cách tiếp cận “thú vị” trong việc đối phó với những loại virus chưa có vaccine phòng chống. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vẫn còn hạn chế trong phương pháp mới này bởi để phòng chống dịch bệnh, tất cả loài vật nuôi đều phải trải qua quá trình chỉnh sửa gene vốn mất thời gian và khó được chấp thuận. Ngoài ra, cũng xuất hiện quan ngại về việc virus PRRSV có thể biến thể để xâm nhập vào vật nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam