Mô hình nuôi tôm sú sạch kết hợp rong nho và hải sâm

Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận thực hiện thí điểm thành công trên diện tích 2 ha tại xã Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư Ninh Thuận, cho biết mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm 1 con/m2; rong nho 0,05 kg/m2. Mô hình này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ tham gia dự án được cán bộ của trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, hải sâm và rong nho.


Mô hình nuôi kết hợp tôm sú – hải sâm – rong nho ở tỉnh Ninh Thuận đã thành công bước đầu và chuẩn bị được nhân rộng

Sau gần 9 tháng, kể từ ngày thả nuôi các giống thủy sản nói trên, tỉ lệ sống của tôm và hải sâm đạt trên 70% (cao hơn 15% so với nuôi thuần chủng). Sản lượng thu hoạch tôm trên 3,6 tấn/ha, hải sâm gần 2,6 tấn/ha, rong nho 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3 kg/bụi rong. Sau khi trừ chi phí, 3 hộ nông dân tham gia lãi hơn 600 triệu đồng, cao trên 30% so với nuôi tôm sú thuần chủng.

Ông Nguyễn Văn Long, một trong 3 hộ nói trên, cho biết lúc mô hình mới triển khai, ông rất bỡ ngỡ nhưng ngay vụ đầu đã thấy hiệu quả vì môi trường nước sạch hơn, tôm và hải sâm không dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua giá cao hơn, từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (tôm, hải sâm, rong nho).

Theo đánh giá của các chuyên viên thủy sản, lợi ích lớn nhất của mô hình này là giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, đồng thời thức ăn được kiểm soát tốt, không để dư thừa nên môi trường nước rất sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập kế hoạch để nhân rộng mô hình nuôi thủy sản này trên địa bàn.

Theo báo Người lao động, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho : hiệu quả cao và bền vững

Ốc hương là thực phẩm cao cấp, có giá trị dinh dưỡng, thương mại cao, nghề nuôi ốc hương đã được nhiều người phát triển rộng rãi. Tuy nhiên hiện nay đa số người dân nuôi ốc hương với hình thức nuôi đơn, thả mật độ dày. Vài vụ nuôi đầu cho năng suất cao, càng về sau nguồn nước càng ô nhiễm bởi hóa chất và thức ăn thừa nên dẫn đến dịch bệnh trên ốc, làm năng suất hạ thấp thậm chí mất trắng cả vụ nuôi.

Trước tình hình đó, Trung tâm khuyến ngư quốc gia đưa ra cho bà con mô hình nuôi mới : nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho. Hải sâm cát đã nhân giống thành công và được nuôi phổ biến tại Khánh Hòa. Trong khi đó, rong biển cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng. Khi nuôi kết hợp 3 loài này mới nhau, hải sâm có tác dụng lọc tầng đáy, ăn thức ăn thừa, vụn hữu cơ của ốc hương, còn rong nho hấp thu các chất hữu cơ lơ lửng trong nước, giúp nước sạch và mát hơn. Sau đó là hải sâm, rong biển sẽ chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang năng lượng cao và hữu ích; đồng thời giúp người nuôi tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nuôi ghép 3 đối tượng này cho hiểu quả kinh tế cao

Mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật như sau :

Mô hình diện tích ao từ 2.500 – 5.000 m², độ mặn từ 20‰ trở lên, độ sâu mực nước từ 1,2-1,5 m. Đáy ao là đáy cát bằng phẳng dốc về phía cốc tiêu nước, được cắm lưới xung quanh (mắt lưới 2a = 2 mm) đáy cách bờ 5m, để ngăn không cho ốc bò lên bờ ao, có phần lưu không 1-2 m xung quanh ao. Sau 1 tháng nuôi thì lắp các cánh quạt.

Mật độ thả nuôi ốc hương 40 – 50 con/m² (cỡ trung bình 10.000 con/kg). Sau 1 tháng tiến hành thả hải sâm 0,5 con/m² (cỡ trung bình 50 g/con) và rong nho 500 kg/ha. Rong nho được đặt trong lồng, kích cỡ 1 m²/lồng. Mỗi lồng trồng 500 g rong nho giống

Sau thời gian thả nuôi từ 5 – 6 tháng thì tiến hành thu hoạch.  Lúc này ốc hương đạt kích thước 120 – 140 con/kg và hải sâm đạt 250 – 400 g/con. Thu hoạch ốc hương trước bằng máy. Sau khi bắt ốc hương xong, tháo cạn nước và dùng vợt hoặc tay để bắt hải sâm.

Kết quả thực hiện mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển năm 2015 tại hai điểm như sau:

– Năng suất rong nho đạt trung bình 17,6 tấn/ha; ốc hương đạt 2,5 tấn/ha; hải sâm đạt 1,3 tấn/ha.

– Lợi nhuận từ mô hình dao động từ 82,6 – 344 triệu đồng/hộ (trung bình đạt 224,7 triệu đồng/0,5 ha/vụ hay 449,4 triệu đồng/ha/vụ).

Khi so sánh với mô hình nuôi đơn cùng diện tích thì lợi nhuận nuôi đơn chỉ đạt 129,5 triệu/0,5 ha. Như vậy so với mô hình nuôi đơn, mô hình nuôi kết hợp lợi nhuận tăng 42,4%. Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi kết hợp cao gấp 1,7 lần so với mô hình nuôi đơn. Tỷ suất lợi nhuận đạt trung bình 59,4%/9 tháng (hay 6,6%/tháng), cao gấp 11 lần so với lãi suất ngân hàng.

Mô hình đã và dang được nhân rộng

Dự án tại Khánh Hòa đã góp phần tạo phương thức nuôi hải sản mới, giúp cho người dân chuyển từ hình thức nuôi đơn thiếu bền vững sang nuôi kết hợp cải thiện môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và bền vững. Tuy vậy, do đây là mô hình mới nên người dân còn ngại chuyển đổi, nên cần được phổ biến, nhân rộng nhiều hơn nữa.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam