Hành tây được trồng rộng rãi trên khắp thế giới và cả ở nước ta. Hành tây có hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng và sẽ cho năng suất rất cao nếu bà con nông dân nắm vững kỹ thuật trồng hành tây dưới đây.
Hành tây chứa nhiều chất dinh dưỡng
Quá trình hình thành và chín của củ hành tây diễn ra nhanh và sớm trong điều kiện ngày dài và ánh sáng mạnh. Các giống hành ngắn ngày tạo củ bình thường trong điều kiện nhiệt đới. Cách trồng hành tây không khó, nhưng để đạt năng suất cao, người dân cần áp dụng đúng kỹ thuật.
Giống hành tây
Các giống hành tây trồng ở nước ta chủ yếu là giống lai F1, hạt nhập từ Pháp, Nhật, Mỹ… Hiện nay trên địa bàn Tứ Kỳ – Hải Dương trồng phổ biến 3 giống F1 của Mỹ: Granex, Grano. Các giống này đều có thời gian sinh trưởng từ 90 – 100 ngày, năng suất trung bình đạt 1,4-1,7 tấn/sào bắc bộ.
Kỹ thuật trồng
Vụ sớm: Gieo từ ngày 5 – 10 tháng 8 hoặc ngày 5 – 10 tháng 9. Chính vụ: Gieo từ ngày 5 – 10 tháng 9, trồng đầu tháng 10 thu trung tuần tháng 12. Chuẩn bị giống: Trước khi gieo 1 ngày nên mở hộp giống 1 đêm để hạt hút ẩm.
Đất làm vườn ươm: pH trung tính, chân đất cao, thoáng, dễ thoát nước. Lên luống cao 25cm-30cm; bề mặt luống rộng 80cm. Không nên làm luống quá rộng để nước thoát dễ hơn. Sau khi gieo xong dùng rơm rạ băm nhỏ hoặc trấu rắc lên trên và tưới đẫm. Khi cây cao 3 – 5 cm cần tỉa bớt những cây không đạt tiêu chuẩn: cây phát triển kém, sâu bệnh, cây đã hình thành củ, cây có một lá nõn.
Làm đất trồng: nên trồng hành tây trên đất được luân canh với lúa nước để hạn chế sâu bệnh, đất thịt nhẹ, độ pH 5,5 -6, mùn tổng số 1,2 – 1,5%. Đất làm nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại, lên luống rộng 1m, cao 25cm, rãnh rộng 25cm. Khoảng cách trồng : 25 x 13 -15 cm ( mật độ 6.000 – 6.500 cây/sào Bắc Bộ ).
Bón phân
Sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân rác chế biến. Phân bón cho 1 ha hành tây : 27 tấn phân chuồng + 120 kg phân đạm + 90kg P2O5 + 120 kg K2O. (Bón cho 1 sào Bắc Bộ : 800 – 900kg phân chuồng + 10kg phân đạm ure + 16 super lân + 10 kg sulphat kali).
Tưới nước
Dùng nước phù sa, hoặc nước giếng khoan. Không dùng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước ao tù. Làm cỏ, vun xới, kết hợp với tưới nước, đảm bảo độ ẩm thường xuyên cho cây.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây hành tây thường ít bị sâu hại. Bệnh hường gặp là bệnh cháy lá hành, bệnh sương mai và bệnh thối nhũn. Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, bón phân phối hợp N –P – K và bón đúng giai đoạn.
Đảm bảo chế độ tưới nước hợp lý nhất là những ngày nhiệt độ cao, trời âm u, số giờ nắng ít và mưa kéo dài. Khi thật cần thiết mới dùng thuốc hóa học. Không dùng các loại thuốc đã cấm sử dụng và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.