Hướng dẫn khắc phục thiệt hại cây trồng sau bão

 Đối với lúa

 Với diện tích lúa bị ngập 1 – 2 ngày, khả năng phục hồi khá:
– Thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2 bằng phân kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa;
– Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân,… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Với diện tích lúa bị ngập 2 – 3 ngày, thoát nước kịp, có khả năng hồi phục:
– Điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp; nếu ruộng có rong rêu, bùn đất bám trên cây cần té nước rửa lá để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp.
– Khi nước trên ruộng rút xuống và lá lúa nhô cao mặt nước trên 10cm, lá lúa chuyển màu xanh cần phun các chế phẩm sinh học như KH, ET, siêu lân, Pennac P… giúp cây phục hồi nhanh, liều lượng như trong bao bì hướng dẫn.
– Sau khi cây lúa đã phục hồi: Đối với những ruộng đã bón thúc lần 1 cần bón thêm phân bổ sung để tăng cường khả năng phát triển của cây lúa; đối với những ruộng chưa bón thúc lần 1 cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc.
Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cân đối. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

Đối với những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài trên 3 ngày không có khả năng phục hồi:
– Cấy lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng còn lại hoặc san tỉa lúa từ những chân ruộng lúa gieo thẳng hoặc ruộng cấy không bị ảnh hưởng ngập úng.
– Khẩn trương dùng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, nếp IRi 352, PC6, HN6, Khang dân 18, Khang dân đột biến, Việt lai 20, TH3-3… ngâm ủ gieo mạ nền cứng hoặc gieo thẳng ngay nếu rút nước kịp thời; kết thúc gieo cấy trước 10/8.

Đối với các loại cây rau màu

– Khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị hại nặng.
– Tháo nước nhanh, kịp thời, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.
– Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại như: Anvil, Ridomil, Oxyclorua đồng… để phòng trừ nấm lở cổ rễ; kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân.., chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi.
– Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau nhanh cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với các loại cây ăn quả

Với cây chuối


Với những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây và không bị gẫy thân:
– Khai rãnh ở mặt luống để nước thoát nhanh, giúp rễ mau thông thoáng hơn;
– Cắt tỉa các lá bị gãy, vệ sinh đồng ruộng; khi đất đã se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới.
– Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)… để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Với những vườn bị gẫy thân chính:
– Dọn và xử lý tàn dư cây gẫy đổ; chọn 1-2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gẫy đổ;
– Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)… để tăng cường khả năng hồi phục của cây;
– Khi đất se mặt có thể bón phân với liều lượng thích hợp để tạo điều kiện cây con sinh trưởng khỏe.

Với cây nhãn, cây có múi


– Thoát nước nhanh trong vườn, đặc biệt với những vườn đất thấp chuyển đổi từ đất lúa, giúp rễ mau thông thoáng;
– Cắt bỏ những cành gẫy, cành bị tổn thương nặng do gió bão.
– Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5 – 10cm) để phá váng khi đất đã se mặt, giúp đất được thông thoáng.
– Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu trâu) … để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Riêng đối với cây nhãn sắp cho thu hoạch không nên bón phân, việc chăm sóc sẽ thực hiện ngay sau khi thu hoạch quả để giúp cây nhanh phục hồi; với những cây thu hoạch muộn có thể bón phân với liều lượng: 0,1 – 0,2kg ure + 0,1 – 0,2kg Kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới, việc này thực hiện khi đất xe mặt.
Với cây có múi khi đất se mặt, bón phân với liều lượng: 0,1- 0,2kg ure + 0,1 – 0,2kg Kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới; Phun phòng bệnh loét bằng thuốc Boocđo 1 – 2%, bệnh chảy gôm bằng thuốc Ridomil MZ 72, liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

6 điều nên làm để khắc phục úng ngập cây ăn quả sau bão

1. Tận thu các loại nông sản có thể, sử dụng làm thức cho người hoặc vật nuôi.


2. Đào sâu rãnh luống 30 – 40cm để hạ thấp mực nước ngầm trong vườn, triệt tiêu nhanh độ ẩm bão hòa đất, tránh cây trồng bị úng sinh lý, giảm chất lượng số quả còn lại trên cây.
3. Thu dọn tàn dư thực vật, rắc vôi bột mặt luống để phòng ngừa nấm bệnh thấm sâu xuống tầng canh tác gây hại bộ rễ cây.
4. Vớt dọn rong, rêu, bèo bồng, vật cản dòng chảy trên các sông trục, để sớm tiêu thoát triệt để úng ngập đồng ruộng và vườn cây ăn trái.


5. Vườn cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao (nhãn, vải, cam, bưởi…):
– Với các cây bị ảnh hưởng nhẹ: Tỉa bỏ các cành, lá, quả bị xơ tước do cọ xát gió bão.
– Với các cây bị gió mạnh vặn gẫy một số cành: Cắt bằng các đầu cành bị gió gãy, xử lý nước vôi trong lên vết cắt và thân gốc cây. Khi mầm cây phát triển thành thục, có thể tiến hành ghép cải tạo bằng nguồn giống tiến bộ hơn.
– Với các cây bị đổ ngã, còn một phần rễ bám chắc sâu trong đất: Cần khơi đất làm lỏng các đầu rễ, đồng thời cắt bớt cành lá và tiến hành dựng lại. Dùng cọc tre chống níu giữ cho cây thẳng, kết hợp che giảm nắng nóng bằng màng lưới nilon đen chuyên dùng trong trồng trọt.
Khi các vườn cây bắt đầu hồi phục (ngọn và lá cây tươi trở lại), đất vườn se ráo. Dùng dùi thép xâm các lỗ sâu 15 – 20cm, rộng 1,5 – 2cm trên mặt luống vùng rễ cây cách gốc 30 – 40cm. Sử dụng thuốc BVTV Ridomil + chế phẩm kích rễ TOBA NET, pha nước bơm xuống các lỗ xâm, kết hợp phun bón lá siêu kali. Gúp cây nhanh hồi phục, chống nứt quả, rụng quả, tăng chất lượng.
6. Trên các cây ăn quả ngắn hạn (chuối, táo, đu đủ):
– Cây đu đủ: Các vườn cây thân lá nghiêng ngả, cần thu hái bớt những quả có khả năng làm rau xanh; cắt bỏ lá già, lá gẫy; chống cố định giữ nguyên tư thế cây đổ; xử lý vôi bột trực tiếp vào gốc. Khi cây hồi phục, bón thúc phân chuống mục + tro bếp hoai vào vùng rễ quanh gốc (tuyệt đối không được xới xáo); phủ đất mượn kín phân; cây sẽ tiếp tục sai hoa, nhiều quả.
– Cây chuối:
+ Với các vườn chuối bị đổ gẫy hoàn toàn, nên cắt vát thân gốc nghiêng góc 45 độ (mặt cắt góc nhìn hướng mặt trời), cách mặt đất 40 – 45cm, khi cây bật mầm, chăm sóc tích cực, cây sẽ cho thu quả sau 8 – 9 tháng.
+ Với vườn chuối bị đổ nhẹ: Cắt bỏ các lá già, lá khô, lá rách xước và phần bẹ cây đã thoái hóa. Khơi đất nới lỏng vùng rễ cây còn bám chặt trong đất. Dựng thẳng cây. Cắm cọc buộc níu giữ cố định cây, kết hợp xử lý thuốc Kotomium + AT vào gốc phòng thối rễ và tuyến trùng. Khi cây hồi phục, tưới qua gốc chế phẩm TOBA NET + phân bón lá Orgamic. Cây sẽ sớm trở lại phát triển bình thường.
– Cây táo:
+ Những cây bị đổ ngã vẫn còn một phẫn rễ bám chặt trong đất: Tiến hành chống dựng cây trở lại tư thế ban đầu (như cách làm với cây nhãn, vải), nhưng phải kết hợp chống đỡ các cành quả bằng giàn tre ngang hoặc cọc cắm chữ A.
+ Những cây cành quả chưa bị gãy rời, một phần thân cành còn dính liền thân cây, cần chống đỡ cành sao cho 2 đầu vết gẫy khớp nhau ở vị trí ban đầu. Dùng dây nilon mềm, dai, to bản, bó chặt vết gẫy tới hết đoạn xẻ nứt dọc cành; buộc cố định dây và làm giàn đỡ cố định cho cành quả. Các cành táo này vẫn ra hoa, đậu quả bình thường.
* Tuyệt đối không bón phân khi cây trồng chưa hồi phục, cây không hấp thu được, lãng phí phân và phản tác dụng (bón đạm khi cây chưa hồi phục, cây dễ bị nứt quả, rụng quả, phân hữu cơ cần nhiều ô xy để phân giải, sẽ gây yếm khí đất, rễ cây chậm phục hồi).
* Sử dụng thuốc BVTV, phân bón lá và các chế phẩm kích rễ theo khuyến cáo ghi trên bao gói.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam