Nhà nông xứ Huế: Làm giàu nhờ sinh sản thành công giống lươn đồng

Mô hình“Sinh sản lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo” (SSLĐBPPBNT) vừa được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thành công, mở ra cơ hội mới, đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản (NTTS), giảm áp lực khai thác nguồn lươn tự nhiên.

Sinh sản lươn đồng nhân tạo thành công tại gia đình ông Hoàng Huế ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).

Ông Hoàng Huế ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) được TTKN tỉnh chọn triển khai mô hình SSLĐBPPBNT với quy mô diện tích 30m2. Có kinh nghiệm nuôi tôm, cá từ nhiều năm nay nên ông Huế dễ dàng tiếp cận, ứng dụng mô hình nuôi lươn đồng.

“Ban đầu cũng khá lúng túng vì mô hình còn mới, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, chỉ trong thời gian ngắn tui đã tiếp thu các quy trình kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất giống lươn đồng”, ông Huế chia sẻ. Sau 8 tháng nuôi, ông Huế đã thu được 44 tổ trứng với số lượng ước chừng 15.360 trứng, tỉ lệ nở 72,9%; tỉ lệ ương từ bột lên giống đạt 64,4%, số lươn giống thu được là 7.209 con giống.

Những năm gần đây, NTTS trên đầm phá Tam Giang ngày càng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường. Các đối tượng nuôi khó thích nghi môi trường thay đổi đột ngột, nhất là nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ. Mô hình lươn đồng tuy mới nhưng khá dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, môi trường ở nhiều địa phương. Đây chính là cơ hội cho người dân vùng đầm phá trong việc đa dạng hóa các đối tượng NTTS trong điều kiện ứng phó BĐKH.

Ngoài đa dạng mô hình NTTS, giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi lươn đồng không đòi hỏi diện tích lớn, có thể tận dụng sân vườn nuôi tại chỗ. Vốn đầu tư cho mỗi mô hình khá thấp, với mỗi bể nuôi khoảng 30m2, kể cả giống, thức ăn, xây dựng bể chỉ khoảng 20-30 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa chủ động được nguồn lươn giống, chủ yếu mua ở các tỉnh phía nam, giá thành cao và tỷ lệ sống thấp.

Lươn đồng hiện nay ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức, trong khi thị trường tiêu thụ mạnh, giá trị kinh tế cao. Giá bình quân mỗi kg lươn đồng dao động từ 150-200 ngàn đồng, trong khi các loại cá chỉ 50-100 ngàn đồng; kể cả tôm sú cũng chỉ từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg. Lươn đồng không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng, làm thức ăn hằng ngày mà còn được các nhà hàng, khách sạn chế biến nhiều món ăn hấp dẫn.

Do nhu cầu tiêu thụ lớn nên người dân khai thác quá mức nên nguồn lươn đồng trên các vùng đầm phá có nguy cơ cạn kiệt gây mất cân bằng sinh thái. Vậy nên mô hình nuôi lươn đồng khi được nhân rộng sẽ giảm áp lực khai thác nguồn lươn tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc TTKN tỉnh đánh giá, mô hình SSLĐBPPBNT tại thị trấn Sịa bước đầu thử nghiệm thành công, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được quy trình sản xuất giống lươn đồng; góp phần từng bước chủ động nguồn giống lươn cho nuôi thương phẩm có chất lượng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nhiều địa phương. Lâu nay, mô hình nuôi lươn chủ yếu theo mùa, thường từ tháng 3 đến tháng 9; sắp đến sẽ nghiên cứu sản xuất giống để nuôi quanh năm. TTKN tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng, sau đó tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao cho người dân.

Theo ông Phi, để nhân rộng mô hình sản xuất giống, cũng như nuôi lươn đồng thương phẩm cần xã hội hóa trong việc đầu tư nguồn lực tài chính. Các địa phương chủ động đầu tư kinh phí, quy hoạch, định hướng và có chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình. Cơ quan chức năng, TTKN có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi. Lâu dài, Nhà nước cần xây dựng các cơ sở ương giống tại một số địa phương để cung ứng nhu cầu sản xuất cho người dân.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

LẠ MÀ HAY: Làm bể lót bạt, nhấc dây ni lông, lươn bơi ra cả đám

Anh Vũ Minh Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có cách nuôi lươn lạ mà hay. Anh làm bể lót bạt, thả 5 chùm dây ni lông làm nơi trú ẩn, nghỉ ngơi cho lươn. Khi cho lươn ăn, nhấc chùm dây ni lông lên, lươn bơi ra cả đám…

Với chỉ 10m2 bể lót bạt nuôi lươn tranh thủ sau giờ làm việc mà anh Vũ Minh Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Không cần đào ao hay xây bể bằng xi măng mà chỉ cần dùng bạt nilông và tre để dựng khung làm chỗ nuôi, anh Vũ Minh Thắng đã áp dụng thành công mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt. Mô hình này còn giúp người nuôi tiết kiệm chi phí và ít hao hụt lươn trong quá trình nuôi.

Ra thăm bể nuôi lươn sau giờ đi làm về, anh Thắng dỡ từng chùm dây phổi (chùm dây kết bằng ni lông) trên mặt nước, bầy lươn trú ngụ nghe động tĩnh liền lúc nhúc bơi ra. Anh Thắng khoe: “Lúc mới thả 1.000 con lươn giống vào bể này, con nào con nấy chỉ nhỏ bằng chân nhang thôi. Vậy mà sau 7 tháng nuôi, có con đã đạt tới hơn 200 lạng, con nhỏ nhất cũng nặng hơn 1 lạng. Trưa nay có thương lái ở huyện Mỹ Tú vô coi, họ ra giá hơn 130.000 đồng/kg và hẹn tôi 2 tháng sau sẽ bắt”.

Để áp dụng mô hình nuôi lươn bằng bể lót bạt, có treo chùm dây ni lông này, hơn 7 tháng trước, anh Thắng đã tự tìm hiểu thông tin từ các hình thức nuôi lươn ở các tỉnh khác qua các báo, đài và nhận thấy mô hình nuôi lươn trong bể rất tiềm năng và có thể áp dụng tại địa phương. Sau khi nghiên cứu và được tập huấn quy trình và kỹ thuật nuôi lươn tại địa phương, anh Thắng đã mạnh dạn làm bể để nuôi tại khoảng đất trống kế bên nhà.

Theo đó, bể nuôi lươn được anh Thắng thiết kế rất đơn giản, bằng cách lót bạt nilông trên một khoảng đất trống có diện tích 10m2 và dựng 4 góc bạt cao lên chừng 8 tấc (80cm), rồi dùng tre đóng khung cố định xung quanh, sau đó lấy nước vào và thả 1.000 con lươn giống. Trên mặt nước, anh Thắng phủ 5 chùm dây được kết bằng nilông (chùm dây phổi) để tạo chỗ cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi, trú ẩn.

Với thiết kế như trên, mức chi phí đầu tư cho mô hình thấp hơn so với các hình thức nuôi lươn trong bể ximăng, người nuôi không tốn kém nhiều trong việc trang bị bạt lót hay cây cối để dựng khung. Mô hình nuôi lươn lót bạt này cũng đồng nghĩa với việc môi trường nuôi lươn không có bùn, đất.

Anh Thắng chia sẻ: “Với bể lót có diện tích 10m2, có thể nuôi 1.500 con lươn nhưng tôi thả thưa 1.000 con để chúng sinh trưởng nhanh. Nguồn nước để nuôi cũng được tôi xử lý sạch sẽ, đảm bảo độ pH thích hợp cho lươn sinh sống nên con lươn giống thích nghi tốt. Ngoài ra, khi thay nước hàng ngày sẽ giúp tôi dễ quan sát mầm bệnh trên lươn (nếu có) để từ đó có biện pháp và tìm hướng xử lý kịp thời. Nhờ đó mà tỷ lệ lươn nuôi hao hụt rất thấp; 1.000 con lươn giống mà tôi chỉ hao hụt độ hơn 20 con, lươn nuôi đến nay cũng không thấy bị bệnh”.

Là người tiên phong với mô hình này tại địa phương, anh Thắng cẩn thận với từng giai đoạn sinh trưởng của lươn nuôi: “Hồi mới bắt lươn về còn rất nhỏ, lúc đó tôi phải kiếm trùn chỉ cho ăn. Khoảng 10 ngày sau mới cho ăn thức ăn và theo dõi mầm bệnh và nguồn nước sạch. Sau 3 tháng nuôi, đã đạt trọng lượng hơn 10 con 1kg và sau từ 5 đến 6 tháng thì chỉ còn 7 con đạt 1kg. Đến nay, lươn lớn nhất cũng đạt trọng lượng từ 2- 2,5 lạng…”.

Theo tính toán của anh Thắng, bình quân 1 tháng sẽ tốn 350.000 đồng tiền thức ăn cho 1.000 con lượn nuôi. Nếu bầy lươn hiện nay đạt chừng 200kg và bán được với giá 130.000 đồng/kg thì tổng thu nhập cũng được 26 triệu đồng, trừ chi phí, như: tiền con giống, thức ăn, điện, nước…sau 10 tháng nuôi lươn cũng lãi được hơn 14 triệu đồng. Hiện mô hình của anh Thắng được nhiều người đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm để có thể áp dụng tại hộ gia đình.

Lươn là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao nên có thị trường tiêu thụ khá rộng. Với mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt, thả chùm dây ni lông có thể giúp nông dân vùng ven đô thị có hướng đi phù hợp trong việc giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cũng cần tìm hiểu kỹ quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo nguồn nước phù hợp cho lươn sinh trưởng…

Nguồn: Báo Sóc Trăng được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi lươn tại nhà

Lươn là một họ cá nước ngọt trông tương tự cá chình sinh sống trong khu vực nhiệt đới, là loài động vật máu lạnh. Họ này bao gồm khoảng 18 loài trong 4 chi. Phần lớn có thể được tìm thấy trong lớp bùn của các ao hồ đang khô cạn.

Lươn

Trong những năm qua, nhiều gia đình ở nước ta đã lựa chọn mô hình nuôi lươn trên cạn như một cách làm giàu từ chăn nuôi vô cùng hiệu quả. Dưới đây là một số kỹ thuật nuôi lươn tại nhà cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho bà con:

1. Kỹ thuật xây bồn nuôi lươn

  • Khi xây dựng bồn nuôi lươn, cần lựa chọn khu vực đất cao ráo, kín gió và có thể cung cấp được nguồn nước với chất lượng tốt. Việc xây dựng bồn nuôi lươn cũng vô cùng đơn giản và không đòi hỏi chi phí quá cao. Chỉ cần thực hiện một bồn chứa có diện tích khoảng 10 – 30 m², chiều cao mỗi bồn từ 1 – 1,3 m và phủ trên là tấm bạt nylon không thấm nước là hoàn tất chiếc bồn cơ bản.
  • Sau khi xây dựng bồn nuôi lươn cơ bản, đổ đất vào trong bồn.

Bồn nuôi lươn

Lưu ý: đất nên chiếm khoảng 1/2 – 2/3 diện tích để lươn có thể chui vào đó cư trú.

  • Đổ nước có chiều sâu 20-30cm, không để nước sâu quá sẽ ảnh hưởng đến tốc tộ tăng trưởng của lươn. Ngoài ra, loài động vật này thường chui rúc vào những chỗ tối, ít ánh sáng nên bạn có thể thả thêm lục bình, rau dừa để tạo bóng râm. Bạn cũng thể trồng thêm một số cây bên ngoài bồn để tạo bóng mát, giúp quá trình nuôi lươn được thuận lợi hơn.

2. Kỹ thuật chọn giống

  • Lươn chủ yếu sinh sản ngoài tự nhiên với số lượng lớn, do diện tích đất ruộng ngày một thu hẹp dẫn đến việc lươn ngày càng cạn kiệt. Khi chọn giống nên chú ý đến màu sắc của lươn để có được con giống tốt nhất.
  • Lươn được chia thành 3 loại cơ bản:

− Loại 1: lươn có màu vàng sẫm sẽ mang đến khả năng phát triển tốt nhất.

− Loại 2: lươn có màu màu vàng xanh sẽ cho tốc độ phát triển kém hơn

− Loại 3: lươn có màu xám tro thường khá chậm lớn

Trong ba loại trên, nên chọn loại 1 và không nên lựa chọn loại 3 khi muốn nuôi lươn cho năng suất cao.

Lươn giống

Sau khi lựa chọn được con giống, cần phải lưu ý đến kích thước lươn con để có thể thả nuôi tốt nhất. Khối lượng phù hợp sẽ là 40 – 60 con/kg, kích cỡ lươn tương đương với nhau, khỏe mạnh và nên thả nuôi với mật độ 60 – 80 con/m².

3. Quản lý và chăm sóc

  • Cho ăn: Khi bắt đầu nuôi lươn, loại động vật này cần mất một thời gian để quen với thức ăn hàng ngày. Vì vậy, trong tuần đầu tiên nuôi, chỉ nên cho lươn ăn giun đất và chỉ ăn vào buổi tối. Khi lươn đã quen với điều kiện nuôi thả của gia đình, bạn có thể cho lươn ăn ngày 2 bữa và có thể ăn các loại thức ăn khác nhau như cá, ốc, cua…. được nghiền nhỏ.

Để đảm bảo tốc độ phát triển cũng như sức khỏe, khi nuôi lươn bạn cần phải lưu ý không cho lươn ăn thức ăn ôi, với thức ăn thừa bạn nên vớt ra khỏi bồn tránh làm ô nhiễm nguồn nước.

  • Vệ sinh bồn: 

Với lươn mới thả, phải thay nước 7 ngày một lần. Sau đó, khi nuôi lươn được từ 2 tháng trở đi, phải thay nước 4 ngày/lần. Nếu để nước bẩn, lươn sẽ chết, mắc một số bệnh như lở loét,  nấm thủy mi, bệnh tuyến trùng, bệnh đĩa … hoặc không phát triển như ý muốn.

Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.

Nuôi lươn đồng trong can nhựa

Nuôi lươn trong can nhựa là một mô hình nuôi mới vẫn còn xa lạ với người dân. Tuy vậy, mô hình này lại có những ưu điểm vượt trội với chi phí đầu tư rất thấp, ít hao hụt và lợi nhuận khá cao mà ai cũng có thể áp dụng.

Kỹ thuật nuôi lươn trong can nhựa

Đối với những hình thức nuôi lươn khác, việc chăm sóc, quản lý vật nuôi rất khó vì người nuôi không biết được chính xác số lượng trong bể nuôi, quản lý nguồn thức ăn không tốt, dịch bệnh vẫn hay xảy ra, chi phí đầu tư lại không hề thấp. Đối với hình thức nuôi lươn trong can nhựa này, việc quản lý lươn sinh trưởng rất dễ, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt gần như bằng 0, chất lượng thịt lại đạt tiêu chuẩn an toàn (vì thịt rất sạch) đầu tư ban đầu cực kỳ thấp. Mỗi đợt thu hoạch có thể đạt doanh thu lên đến vài chục triệu đồng.

Chuẩn bị can nuôi và trang thiết bị cần thiết

Ông Thịnh đang đục lỗ và xỏ các thanh tre vào can nhựa

Lựa chọn can nuôi có thể tích là 30lit. Trên thân can đục nhiều lỗ cỡ khoảng 1cm hoặc 0,6cm. Dùng các thanh tre đã được vót tròn, vừa với kích thước của lỗ, kích thước thanh tre có thể là 4,5cm. Mục đích là cho lươn quấn vào thanh cây này để phát triển.

Một can nhựa để nuôi lươn hoàn chỉnh

Phía trên can nhựa cũng đục nhiều lỗ để lưu thông không khí vào bên trong cho lươn có đủ oxy để thở.

Đặc điểm nuôi lươn trong can nhựa này không cần xây bể hay dùng bùn gì cả, chỉ cần có một dòng nước tự nhiên là có thể nuôi được.

Chính vì thế, những can nhựa này thường đường đặt ở vị trí cố định trên một thanh tre hay gỗ nằm ở dưới nước. Để giữ cho phần trên của can nhựa nằm trên mặt nước (25cm) (cho có oxy vào bên trong), thanh gỗ chứa các can nhựa phải được đặt cách mặt nước 0,5m.

Mỗi can cách nhau khoảng 2cm

Chi phí đầu tư ban đầu: tổng chi phí khi tính cho 24 can nhựa tổng chi phí khoảng 1,8 triệu đồng (giá bao gồm lươn giống, can, cây tre…)

Thuần hóa con giống

Ông Thịnh đang thực hiện quy trình thuần lươn bằng thuốc nam do ông tự nghiên cứu

Yếu tố quan trọng nhất để thành công trong mô hình này là con giống. Lươn giống nuôi theo mô hình này nên là giống lươn đồng, được thuần hóa trước khi cho vào can nuôi. Vì giống ngoài tự nhiên nên lươn rất khỏe và hầu như ít bị bệnh.

Thức ăn cho lươn và cách cho ăn

Thức ăn cho nuôi theo hình thức này cũng không khác nhiều so với những hình thức khác. Cũng cho chúng ăn những thức ăn tươi sống như cá tạp, tôm, nhuyễn thể …

Túi vải đựng thức ăn của lươn

Việc cho lươn nuôi trong can nhựa ăn cũng rất đơn giản. Có thể dùng vải để may một chiếc túi khoảng 30-40cm chiều dài, gắn cố định với nắp can nhựa. Trên thân túi đục nhiều lỗ để khi cho thức ăn vào lươn có thể ăn từ những lỗ đó. Thức ăn sẽ không bị rơi vãi ra bên ngoài, làm dư thừa và làm bẩn nguồn nước đối với những hình thức nuôi khác). Sau khi lấy túi vải đựng thức ăn ra ngoài nhớ phải giặt lại sạch.

Mỗi khi muốn cho ăn thì mở nắp can và cho thức ăn vào

Với cỡ lươn giống 30-40 con/kg, thức ăn nuôi lươn lươn là hỗn hợp thịt ốc xay nhuyễn trộn với thức ăn viên nuôi cá có độ đạm 30-40%, cho ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều.

Nhờ ưu điểm nuôi tại nguồn nước tự nhiên, không phải thay nước (vì nước luôn luôn chảy chứ không đọng lại) nên dù thức ăn có rơi ra 1 lượng ít thì nước trong can vẫn không bị nhiễm bẩn.

Với phương pháp nuôi thân thiện với môi trường này mà lươn trong can nhựa sinh trưởng theo hướng tự nhiên, thịt sạch, không bệnh, tăng trưởng đều.

Chăm sóc và theo dõi

Nuôi lươn trong can khá an nhàn. Người chăn nuôi không phải cần quá nhiều thời gian để chăm sóc và theo dõi chúng.

Con lươn đồng phát triển tự nhiên, có màu vàng và bóng

Khi lươn trong can được khoảng 0,3-0,4kg/con là có thể xuất bán. Mỗi can có thể thả được 1kg lươn giống. Khi xuất bán có thể đạt khoảng 15-16kg lươn thành phẩm. Trung bình lợi nhuận/can vào khoản gần 1 triệu đồng.

Thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn lươn tiêu thụ, nếu lươn bỏ ăn có thể bổ sung vitamin hoặc dưỡng chất khác tùy thuộc vào tình trạng của lươn để xử lý.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam