Sắp có cả “ngân hàng” cá tiến vua-Anh Vũ, Rầm xanh

Để phát triển các loại cá rầm xanh, anh vũ, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và Chuyển giao công nghệ thủy sản – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống cá rầm xanh, anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo tại Tuyên Quang”.

Đề tài được thực hiện từ năm 2013-2016 do Thạc sỹ Trần Anh Tuấn làm chủ nhiệm. Để xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo cá Rầm xanh, Anh vũ phù hợp, dựa vào tập tính sống tự nhiên của cá và điều kiện tại tỉnh, đơn vị thực hiện đề tài đã phối hợp với Hợp tác xã Quý Long, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) và Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang thực hiện đề tài.

Cá rầm xanh bố mẹ được nuôi tại Trung tâm Thủy sản tỉnh để nghiên cứu, ứng dụng sản xuất bằng phương pháp sinh sản nhân tạo.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện 14 đợt khảo sát cá rầm xanh, anh vũ tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và thu gom cá bố mẹ ngoài tự nhiên về nuôi thuần hóa tại 2 đơn vị phối hợp gồm: 291 cá anh vũ và 160 cá rầm xanh.

Theo tài liệu tổng hợp của đơn vị thực hiện đề tài, cá rầm xanh phân bố tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung ở vùng trung du và thượng lưu các sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông chảy, sông Lô – Gâm… sống ở tầng đáy và kề đáy sông, nơi nước trong, nước chảy, đáy nhiều sỏi đá và rong rêu, thức ăn chủ yếu là bã hữu cơ, một số động vật không xương sống.

Cá anh vũ có tên khoa học là Pseudogyriocheilus procheilus và được chia thành 2 nhóm hình thái là thân lưng gù và thân thuôn dài, thường sống ở tầng đáy của các sông suối nước trong, sâu, chảy xiết, nơi nhiều rạn đá, có nhiều tảo đáy và rong rêu bám đá. Cá anh vũ con, mới nở ăn cặn vẩn, động vật không xương sống nhỏ, sau chuyển sang ăn mùn bã hữu cơ và tảo bám đáy…

Đơn vị thực hiện đề tài và các đơn vị phối hợp đã thực hiện cải tạo và xây dựng hệ thống sản xuất. Sau 3 năm, đơn vị đã thuần hóa và xây dựng được đàn cá anh vũ, rầm xanh bố mẹ; xây dựng và chuyển giao thành công quy trình sản xuất giống cá anh vũ và cho sinh sản được lượng cá anh vũ giống là hơn 10.000 con, số cá hương thu được là hơn 8.000 con.

Đối với cá rầm xanh, đơn vị thực hiện đã cho cá đẻ thành công, tuy nhiên trong quá trình ấp nở trứng cá, tỷ lệ thụ tinh thấp, cá bột thu được thấp và cần có nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện quy trình.

Theo ông Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông thường việc nuôi 2 loại cá rầm xanh, anh vũ gặp nhiều khó khăn vì không tìm được nguồn giống, nếu có thì số lượng ít và thường do dân vạn chài cung ứng từ tự nhiên. Cá được đánh bắt thủ công bằng xung điện hoặc bằng lưới, thân cá thường bị trầy xước hoặc ảnh hưởng xương sống, khó nuôi.

Vì vậy, việc nghiên cứu và chuyển giao thành công quy trình sản xuất giống cá anh vũ góp phần mở ra cơ hội lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản địa phương, làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo trong việc nghiên cứu khép kín quy trình sản xuất nhân tạo cá rầm xanh, anh vũ từ con giống đến cá bố mẹ để bảo tồn và phát triển nguồn gen.

Nguồn: Báo Tuyên Quang được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hứa hẹn tiềm năng cá anh vũ

Anh vũ (Semilabeo notabilis Peters, 1881) là một loài cá quý, thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Việc đưa cá anh vũ vào nuôi đang mở ra một hướng đi mới nhiều hứa hẹn.

Đặc điểm sinh học

Cá anh vũ thuộc họ cá chép (Cyprinidae), bộ cá vược (Cypriniformes), mình thon dài màu xám tro, bụng màu vàng nhạt, có 2 đôi râu. Râu mõm lớn hơn râu hàm. Miệng có môi trên rộng, nhiều u tròn nổi. Rãnh sau môi dưới không có. Kích cỡ mắt trung bình, vây lưng không có tia gai cứug và có màu xám, vây ngực, vây bụng, vây hậu môn có màu xám pha vàng. Vảy vừa phải, xếp đều đặn, phủ kín toàn thân.

Cá anh vũ sống chủ yếu trong các ghềnh đá ngầm, nơi có nguồn nước chảy mạnh ở thượng lưu sông Hồng, sông Kỳ Cùng và sông Lam, thuộc các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn và Nghệ An.

Đây là loài cá có tốc độ sinh trưởng chậm, ngoài tự nhiên tốc độ tăng trưởng của cá khoảng 0,2 – 0,3 kg/năm, kích cỡ cá trưởng thành 30 – 70cm, trọng lượng có thể đạt 5kg. Cá tham gia sinh sản sau 2 – 3 năm tuổi, mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 (dương lịch), trong các hang động dưới đáy sông.
Ngoài tự nhiên, cá chỉ xuất hiện vào cuối thu đầu đông khi trời có sương mù, không có mưa trên thượng nguồn, nước trong. Mùa hè mưa nhiều, nước nguồn đục hầu như cá không xuất hiện.

Triển vọng trong nuôi trồng

Cá anh vũ được xếp vào hàng “ngũ quý hà thủy”. Hiện nay, trên thị trường mỗi kilogam cá đánh bắt ngoài tự nhiên có giá hàng triệu đồng. Do giá trị cao, nhu cầu lớn nên ngư dân tại các khu vực sông nơi cá phân bố ráo riết săn bắt, thậm chí cả trong mùa sinh sản. Do vậy, cá anh vũ có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Trước tình hình trên, Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc (Phú Tảo, Gia Lộc, Hải Dương) đã thực hiện đề án ”Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn gen cá anh vũ”. Kết quả, đã nghiên cứu sinh sản thành công và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá anh vũ bằng thức ăn công nghiệp, mở ra một triển vọng lớn đối với nghề nuôi cá quý hiếm.

Theo ông Nguyễn Anh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm thì triển vọng của nghề nuôi đối tượng đặc sản này là rất khả thi. Cá anh vũ tốc độ sinh trưởng chậm nhưng bù lại có giá trị kinh tế. Đối tượng này có thể nuôi trong ao nước chảy, trong lồng bè và những nơi có nguồn nước trong sạch và có hàm lượng ôxy hòa tan cao (4mg/l trở lên). Mùa vụ thả giống từ tháng 5 dương lịch, mật độ 2 – 3m2/con. Thức ăn cho cá nên kết hợp giữa thức ăn nhân tạo và tự nhiên, thời gian nuôi từ 1 năm trở lên mới có thể thu hoạch.

Cá anh vũ mới được thuần hóa từ tự nhiên nên sự thích nghi của nó đối với môi trường nuôi chưa cao. Do vậy cần đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống ao nuôi, lồng nuôi bài bản và phải nắm rõ quy trình kỹ thuật. Mặt khác, do cá có tốc độ sinh trưởng chậm nên thời gian nuôi dài, ở môi trường nuôi nhân tạo cá thường mắc một số bệnh ngoài da nên chế độ chăm sóc cũng khắt khe hơn… Việc nuôi thành công loài cá này không chỉ giúp một loài cá quý hiếm thoát nguy cơ tuyệt chủng, mà còn góp phần đa dạng trong nuôi trồng thủy sản.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.