A. Đối với sâu hại
Hiện nay, chưa có danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng cho cây Lạc tiên. Tuy nhiên, đây là cây ăn quả, dư lượng thuốc BVTV có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người sử dụng. Do vậy, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân canh tác cây Lạc tiên nên sử dụng các loại thuốc có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây ăn quả và cây rau.
Lạc tiên
Lưu ý: Các loại thuốc khuyến cáo sử dụng như trong phần biện pháp phòng trừ chỉ mang tính chất tham khảo, cần phải được thử nghiệm trên diện tích nhỏ trước khi triển khai áp dụng đại trà để tránh gây thiệt hại trong sản xuất.
1. Nhện đỏ
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, lấm tấm như cám, mắt thường khó phát hiện. Con trưởng thành đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới của phiến lá. Trứng hình tròn, lúc mới đẻ có mầu trắng hồng, sau đó chuyển sang hồng. Sau khi đẻ khoảng 4-5 ngày thì trứng nở ra ấu trùng. Ấu trùng có mầu xanh lợt (lúc mới nở chỉ có 6 chân, từ tuổi 2 trở đi cho đến khi trưởng thành chúng có 8 chân), khi lớn chuyển dần sang mầu nâu đỏ. Cả ấu trùng và trưởng thành đều sống tập trung ở mặt dưới phiến lá của những lá non đang chuyển dần sang giai đoạn bánh tẻ.
Triệu chứng: Nhện đỏ gây hại bằng cách hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ, nếu mật độ cao làm lá bị xoăn lại, lá mau rụng và chậm ra lá non. Gặp điều kiện thuận lợi sinh sản rất nhanh, làm cho từng mảng lớn của lá bị vàng, khô, thậm chí toàn bộ lá bị khô cháy và rụng. Hoa bị thui chột không đậu trái được, trái non bị hại lốm đốm vàng và có thể bị rụng, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn. Nhện đỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa.
– Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Cắt bỏ những lá có mật số nhện quá cao đã chớm bị vàng úa đem tiêu hủy để diệt nhện. Có thể dùng máy bơm nước có áp suất lớn xịt mạnh tia nước vào mặt dưới của lá để rửa trôi bớt nhện.
Biện pháp hoá học: Do nhện đỏ có tính kháng thuốc rất mạnh nên khi phát hiện trên cây có nhiều nhện cần dùng luân phiên nhiều loại thuốc. Có thể tham khảo sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất như: Abamectin, Emamectin benzoate, Propargite sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.
2. Bọ xít(Nezara viridula), (Leptoglossus australis)
– Đặc điểm hình thái và tập tính gây hại:
Bọ xít trưởng thành có cánh màu nâu đen với một vài đốm đỏ ở sau đầu và mặt dưới của cơ thể, mình thon mảnh dài 18mm, rộng 6mm, chân dài, râu dài. Sâu non có hình dáng tương tự con trưởng thành nhưng không có cánh, chúng có màu đỏ ở giai đoạn mới nở, giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 50 ngày, trưởng thành sống trong vài tuần.
Bọ xít gây hại bằng cách tấn công (chích hút) vào hoa, đọt non và quả non làm cho quả lốm đốm, nếu gây hại nặng làm cho quả rụng.
– Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, dọn cỏ dại, phát quang bờ lô, bụi rậm, bón cân đối N-P-K, dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Kiểm tra vườn phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu hủy.
Nếu mật độ cao có thể tham khảo sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất như: Abamectin; Acephate, Azadirachtin; Matrine, …sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.
3. Bọ trĩ(Thysanopterasp)
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Là loài gây hại dạng chích hút, chúng thường xâm nhập vào bộ phận hoa, lá, quả non để chích hút làm cho hoa khó thụ phấn, quả khó hình thành, gây hại trái làm trái méo mó, dị hình, bề mặt trái bị nám.
– Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Hàng năm xới xáo, thu gom tàn dư thực vật trên đất để tiêu hủy, bón phân, làm cỏ… đúng yêu cầu kỹ thuật. Tưới phun trực tiếp vào các bộ phận bị hại khi bọ trĩ rộ có thể giảm đáng kể tác hại của bọ trĩ.
Biện pháp hóa học: Có thể tham khảo sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất như: Oxymatrine; Imidacloprid; Thiamethoxam.…sử dụng theo liều lượng khuyến cáo, hạn chế sử dụng thuốc phổ rộng.
4. Bọ phấn(Bemisia tabaci)
– Đặc điểm gây hại: Là loài gây hại dạng chích hút, chúng thường xâm nhập vào bộ phận hoa, lá, quả non để chích hút làm cho hoa khó thụ phấn, quả khó hình thành. Bọ phấn tập trung ở mặt dưới lá, chích hút nhựa làm cây suy yếu, bị héo, vàng lá.
Chất bài tiết của bọ phấn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Bọ phấn thường gây hại trong mùa khô, chúng phân tán nhờ gió.
– Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp cơ giới vật lý: Dùng bẫy dính màu vàng để thu hút con trưởng thành.
Biện pháp hóa học: Hạn chế phun thuốc hóa học và bảo vệ các loài thiên địch có ích. Sử dụng một trong các loại thuốc có các hoạt chất:
Thiamethoxam, Oxymatrine; Dinotefuran, Abamectin; Petroleum spray oil, Citrus oil.
5. Rệp các loại
– Đặc điểm và tập tính gây hại: Có nhiều loại: Rệp sáp (Planococcus citri and P. kenya), Rệp muội (Aphis gossypi), Rệp đào (Myzus persicae) và rệp vừng màu xanh quả đào (Myzus persicae)…
Các loài rệp này gây hại phổ biến trên cây Lạc tiên, chúng gây hại bằng cách bám vào các bộ phận như: thân, lá, quả non, các khe cạnh giữa cuống quả, lá chúng hút nhựa để sống, làm giảm sự quang hợp của lá, làm cho lá, quả rụng bất thường. Nguy hiểm nhất là rệp sáp chích hút nhựa cây làm cây chậm phát triển, quả nhỏ. Chất bài tiết của rệp là môi trường cho nấm bồ hóng đen phát triển, bám đen cả cành lá và vỏ trái làm giảm giá trị sản phẩm. Hai loài rệp đào (Myzus persicae) và rệp muội (Aphis gossypii) đối tượng mang một loài virus rất nguy hiểm đó là woodiness (PWV).
– Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành vô hiệu để giảm nơi sinh sống của rệp. Vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ rác, lá cây mục ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến, mùa nắng dùng vòi bơm nước phun vào chổ có nhiều rệp đeo bám có tác dụng rửa trôi bớt rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật độ rệp. Kiểm tra để phát hiện sự xuất hiện của rệp, nếu thấy có rệp dù với số lượng ít cũng phải diệt trừ ngay.
Tham khảo sử dụng một trong những loại thuốc có hoạt chất như sau: Abamectin, Abamectin+Alpha, Cypermethrin, Acephate, Chlorantraniliprole + Thiamethoxam, Emamectin benzoate, Etofenprox, Thiamethoxam.
Không nên sử dụng liên tục một loại thuốc BVTV nhiều lần/vụ, hoặc qua các năm liên tục, để tránh hiện tượng “quen thuốc ” của rệp sáp.
6. Ruồi đục trái
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Có 2 loài ruồi đục trái gây hại trên Lạc tiên: Bactrocera cucurbitae và Ceratitis capitata. Trái non bị hại nhăn nheo và rụng sớm, vết thương do ruồi đục sẽ làm giảm giá trị thương mại của quả, sự tác động và gây hại của ruồi đục trái trên Lạc tiên thường không nghiêm trọng như trên các cây trồng khác vì vậy nếu gây hại ở mức độ nhẹ thì chưa cần phòng.
– Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, cắt tỉa lá già, bệnh, thu gom những trái rơi rụng đem chôn sâu có khử trùng bằng vôi. Thu hái trái sớm hơn bình thường, không để trái chín quá lâu trên cây. Sử dụng biện pháp bao trái bằng túi giấy hoặc báo trước khi trái chín để hạn chế trưởng thành đẻ trứng trên trái. Có thể dùng chất pheromon dẫn dụ với tên thương mại là Vizubon-D để làm bẫy dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành đực (con ruồi đực). Biện pháp này muốn có kết quả cao nên vận động nhiều nhà vườn cùng tiến hành đồng loạt trên diện rộng.
Biện pháp hoá học: Sử dụng Protein thủy phân trộn chất độc làm bả diệt ruồi đục trái.
Cách làm như sau: pha 100ml Protein thủy phân với 3-5ml thuốc trừ sâu Regent 5SC, pha loãng với 1 lít nước rồi đem phun cho mỗi cây trên diện tích khoảng 1m2 tán lá với lượng 50ml hỗn hợp. Mỗi tuần phun 1 lần lúc 8-10 giờ sáng, ruồi sẽ đến ăn và chết làm giảm được số lượng nên không gây hại được.
7. Sâu đục thân
– Đặc điểm và triệu chứng gây hại: Sâu trưởng thành tìm những kẽ nứt của thân cây để đẻ trứng, sâu non nở ra đục vào thân cây tạo thành đường vòng quanh thân, dần dần đục sâu vào trong thân làm rỗng thân. Khi cây vừa bị sâu hại, lá non ở đầu nhánh có màu xanh hơi đậm, hơi xoăn và nhỏ hơn lá bình thường. Cây bị hại nặng thì lá vàng và héo, vỏ thân cây Lạc tiên có dấu hiệu nứt nẻ.
– Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Cần tạo hình và cắt tỉa nhánh được tiến hành thường xuyên. Sau thu hoạch cắt hết tất cả các cành trên giàn đã cho trái, để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn.
Biện pháp vật lý: Quan sát kỹ các thân cây nếu có vết đục của sâu đục thân thì dùng dụng cụ rạch phần thân để bắt sâu, sau đó dùng bao nilon sạch buộc lại vết đạ rạch, kể cả vết đục.
Biện pháp hoá học: Sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất như Abamectin + Matrine; Cypermethrin, Diazinon Cartap,…sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.