Trị bệnh “Dòi đục thân lá hành tỏi”

Dòi đục thân hành lá, tỏi, kiệu là bệnh nguy hiểm, dễ gây thiệt hại lớn. Dưới đây là đặc điểm tác nhân gây bệnh và biện pháp trị bệnh dòi đục thân

Đặc điểm hình thái dòi đục thân lá hành, tỏi, kiệu

Tên khoa học: Delia Antiqua

– Trứng có màu trắng và dài và được xếp thành từng nhóm trên thân, lá, củ của cây ký chủ và gần mặt đất, trong các kẽ đất.

Trứng ruồi đục lá, dòi đục lá hành, tỏi, kiệu

– Ấu trùng: sâu non được gọi là dòi, dòi dài khoảng 2mm, màu trắng trong, phần trước hơi vàng, trông rõ ruột bên trong màu đen. Thời gian sống của dòi khoảng 3-4 ngày.

– Nhộng màu nâu vàng, dài khoảng 1,5 mm, rộng 0,7 mm. Thời gian phát dục từ 6 – 8 ngày. Nhộng thường phân bố ở vị trí cuối cuống lá hoặc dưới mặt đất.

– Trưởng thành: Ruồi có kích thước từ 3-5mm, chân màu đen, đôi cánh trong suốt, mắt kép màu nâu

Đặc điểm sinh sống, phát sinh gây hại của dòi đục thân lá hành, tỏi, kiệu

Trứng ruồi đẻ gần gốc cây hành, tỏi, kiệu

Con cái đẻ trứng dài, trắng gần gốc cây, trong các kẽ đất. Trứng nở trong 2-7 ngày. Sâu non sau khi nở bò lên, bò vào vỏ bọc lá và đi tới phần ống hoặc bẹ lá. Sâu non ăn bẹ lá và phát triển đầy đủ trong 2-3 tuần, sâu non thường tập chung cắn phá củ và bẹ lá, 50 con dòi có thể ăn hết 1 bẹ hành lớn, ấu trùng có thể nở từ trứng của nhiều con ruồi cái.

Sâu non (dòi) đục thân hành, tỏi, kiệu

Những con sâu đẫy sức bò ra khỏi bẹ lá và hóa nhộng trong đất. Sau 2-3 tuần, hóa bướm và bắt đầu thế hệ mới. Trong thế hệ thứ ba, dịch hại thường tấn công phần củ hành, tỏi ngay trước khi thu hoạch.

Dòi tấn công trực tiếp vào phần củ hành, tỏi, kiệu

Sâu đục vào củ ăn các mô thịt trong lòng của hành tỏi, làm cho hành tỏi bị tổn thương, không dẫn được nước, chất dinh dưỡng, tạo cơ hội cho các vi khuẩn, nấm xâm nhập củ gây thối củ, thối rễ, úa lá, chết cây. Sâu hại cả sau khi thu hoạch và bảo quản trong kho.

Triệu chứng cây hành, tỏi bị dòi đục thân lá tấn công

Cây hành, tỏi trên ruộng chết do bị dòi đục thân lá cây hại

Biện pháp phòng trừ ruồi đục lá, dòi đục lá hành tỏi

+ Vệ sinh đồng ruộng, xới xáo, phơi đất dưới nắng, làm sạch cỏ đặc biệt là những loài cỏ lá rộng (ký chủ phụ của ruồi) trước khi xuống giống khoảng 1 tháng.

+ Luân canh với các loại cây trồng khác họ, đặc biệt là lúa nước.

+ Ngắt bớt những lá bị ruồi đục đem chôn để giảm bớt nguồn sâu, nhất là các lá già.

+ Dùng bẫy dính màu vàng để bẫy ruồi trưởng thành.

+ Biện pháp hóa học:

Sử dụng các thuốc có tính thấm sâu và nội hấp như Bulldock 0.25 EC; Trigard 75WP; Vertimec 1.8EC; Netoxin 18SL, Sairifos 585 EC để phun.

Chú ý:

+ Khi điều tra; nếu tỷ lệ thiên địch trên 50% không cần phun thuốc. Khi tỏi đã lớn, chỉ sử dụng thuốc khi mật độ ruồi trên 7 con/lá.

+ Sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học hoặc các thuốc trừ sâu tự chế từ ớt, tỏi, hành…

Hướng dẫn phối trộn thuốc trừ sâu tự chế: Chuẩn bị 1kg ớt cay, 1kg tỏi, 0,5kg hành tây, 2,5 lít nước rửa chén, 1 lít nước. Xay toàn bộ lượng ớt, tỏi, hành tây trong máy xay sinh tố hoặc giã nhỏ trong cối, trộn đều với nước rửa chén và nước lọc, để lắng trong 24h, lọc lấy phần trong pha thêm nước cho đủ 1 bình phun (16 lít).

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Một số sâu bệnh hại Hành và biện pháp phòng trừ

Các phòng và trị sâu bệnh hại hành lá được chia sẻ từ Chi cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng: “Một số sâu bệnh hại hành và biện pháp phòng trừ”

A/ Sâu hại

I. Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua)

1/ Đặc điểm hình thái

Bướm nhỏ hơn, màu nâu và có 1 đốm vàng ờ giữa cánh rất đặc sắc.
– Sâu non có màu xanh lục với 2 sọc vàng nâu chạy dọc 2 bên thân mình, sâu tuổi lớn có mầu xanh lợt, dễ lẫn với mầu của cọng hành.
– Trứng đẻ thành từng ổ từ 20-30 trứng có phủ lông trắng.

2/ Tập quán sinh sống và gây hại:

– Bướm hoạt động mạnh vào ban đêm, trứng đẻ trên lá. Một bướm cái có thể đẻ 500-800 trứng.
– Sâu non đục lỗ nhỏ chui vào bên trong cọng hành ăn phần xanh của lá. Khi sâu còn nhỏ trong một cọng hành có thể có hàng chục con, khi lớn chúng phân tán dần sang các lá khác. Loài sâu này cắn phá mạnh làm cọng hành bị khô héo, chết, gẫy gập, xơ xác, cả bụi hành trở nên vàng úa, còi cọc cả ruộng hành bị trắng xoá, tàn lụi.
– Sâu thường phát sinh và gây hại nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, ít mưa.
– Vòng đời trung bình 30-40 ngày.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, phát hiện sớm khi sâu còn nhỏ để phòng trừ.
– Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Abamectin (Agromectin 1.8 EC, Catex 1.8 EC, 3.6 EC), Azadirachtin+Matrine (Lambada 5EC), Emamectin benzoate(Dylan 2EC, Proclaim 1.9 EC), Emamectin benzoate + Petroleum oil (Comda 250EC), Indoxacarb (DuPontTM Ammate®30WG).

II. Sâu keo (Onion armyworm)

1/ Đặc điểm hình thái:

– Con trưởng thành có màu xám đến nâu xám. Sải cánh rộng 24cm, cánh trước màu nâu vàng có các vân đen trắng.
– Trứng được đẻ thành ổ lớn ở mặt dưới, các lá của cây ký chủ. ổ trứng được phủ một lớp lông và vảy mỏng từ thân con cái. Mỗi con cái đẻ từ 500 – 2000 trứng trong vòng một vài ngày
– Trứng mới đẻ có màu xanh xám sau đó trở thành nâu đậm trước khi nở. Trứng sau khi đẻ 3 – 5 ngày thì nở.
– Sâu non mới nở màu xanh sáng dài khoảng 1mm và đầu tương đối lớn.
– Sâu hóa nhộng trong đất hóa, Nhộng màu đỏ sẫm kéo dài khoảng 12 ngày.
– Giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 10 – 14 ngày.
– Vòng đời khoảng 26 – 32 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ.

2/ Tập quán sinh sống và gây hại:

– Sâu keo ăn toàn bộ thịt lá, chỉ để lại phần biểu bì lá, sau đó lá khô teo đi và bị héo toàn bộ. Đối với hành và hành củ sâu non tuổi nhỏ ăn bề mặt của lá sau, tạo thành cửa sổ và chỉ rời khỏi lá khi thức ăn hết.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Phát quang các lùm cây và làm cỏ sẽ giảm được mật độ sâu. Sâu có thể sống sót trong các gốc cây và trong cỏ sau khi thu hoạch và chuyển sang cây trồng mới gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cây trồng.
– Làm ngập nước ruộng có sâu hại để nhấn chìm nhộng và những dịch hại khác sống trong đất (nếu điều kiện thủy lợi cho phép).
– Lật đất để phơi nhộng lên mặt đất, làm mồi cho chim và các loại thiên địch khác.
– Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc BVTV đăng ký để phòng trừ, do đó có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau:
Abamectin, Azadirachtin+Matrine, Indoxacarb.

III. Bọ trĩ hại hành (Thrips tabaci Lindeman)

1/ Đặc điểm hình thái:

– Bọ trĩ trưởng thành và bọ trĩ non thường rất nhỏ, có kích thước nhỏ hơn 1mm. Sâu non có màu vàng hoặc trắng. Con già có màu vàng nâu và di chuyển nhanh. Chúng dùng 2 răng cửa giũa cho rách biểu bì lá cây để hút nhựa.

2/ Tập quán sinh sống và gây hại:

– Con cái đẻ trứng vào trong mô lá (khoảng 80 trứng/con), sau 5 – 10 ngày trứng sẽ nở, vòng đời hơn 21 ngày tùy theo môi trường, nhiệt độ.
– Lá bị hại có màu sáng bạc và có vết hoặc đốm nhỏ màu nâu. Lá có thể héo hoặc biến dạng. Ngọn của các lá phía ngoài có màu nâu. Trong trường hợp bị hại nghiêm trọng lá rũ xuống, củ nhỏ và biến dạng.
– Khí hậu lạnh, con trưởng thành có thể ngừng hoạt động và ngủ đông trong đất, khi nhiệt độ ấm lên chúng thức dậy.
– Bọ trĩ phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng và khô

3/ Biện pháp phòng trừ:

Chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ bọ trĩ hại hành. Có thể sử dụng một số hoạt chất: Thiamethoxam; Imidacloprid, Matrine để phòng trừ .

B. Sâu hại

I. Bệnh cháy lá (Bostrytis sp)

1/Triệu chứng:

– Botrylis squamosa gây nên những đốm trắng nhỏ tròn trũng hay đốm nâu nhạt sáng phát triển chiều dài lá. Đốm này xấp xỉ 4 mm đường kính và xung quanh có vây sũng nước. Đốm luôn luôn phổ biến ở khu vực gân lá. Dưới những điều kiện đất ẩm Botrytis cirerea kết hợp với B.squamosa gây hại. Ngọn lá gục xuống một cách rõ rệt so với cây không bị bệnh ngọn lá đứng.
– Loài B.squamosa là loài hoạt động mạnh nhất trong thời tiết ẩm và nhiệt độ thấp 18oC. Ở những khu vực ít gió và độ ẩm cao hơn loại nấm này gây hại nặng hơn. Khi bị mưa đá hay mưa hạt nặng là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây nhiễm.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

– Bệnh do nấm Botrylis squamosa và Botrytis cirerea gây ra
– Botrylis squamosa phát sinh và gây hại thuận lợi trong điều kiện đất ẩm
– Loài B.squamosa gây hại mạnh nhất trong thời tiết ẩm và nhiệt độ thấp 18oC. Khi bị mưa đá hay mưa hạt nặng là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây nhiễm.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Cần dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.
– Không nên trồng quá dày và trên đất khó thoát nước.
– Biện pháp hóa học: có thể tham khảo sử dụng thuốc có hoạt chất: Chaetomium sp + Tricoderma sp để phòng trừ.

II. Bệnh đốm vòng (Alternaria porri)

1/ Triệu chứng:

– Vệt bệnh là những hình o van, đồng tâm. Lúc đầu là những đốm nhỏ trắng sau đó nếu thời tiết ẩm vết bệnh chuyển màu xám hay nâu. Nếu bị hại nặng lá sẽ bị khô, cây chết. Đôi khi ở phần dưới cây sát mặt đất có thể cũng bị hư hại do thối ướt sau đó khô lại và củ cũng bị khô theo.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh:

– Bệnh do nấm Alternaria porri gây ra.
– Nếu cây bị bệnh ở thời kỳ sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Trong thời kỳ bảo quản nấm xâm nhập vào củ và gây thối.
– Bệnh phát triển và gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ từ 20 – 30oC.
– Nấm bệnh có thể tồn tại ở những tàn dư cây bệnh, bào tử sẽ phát tán theo gió và nước bắn lên lá.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Chọn giống không bị nhiễm bệnh để trồng.
– Thu dọn tàn dư cây bệnh sau khi thu hoạch.
– Làm đất kỹ, trồng mật độ vừa phải.
– Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Azoxystrobin+Difenoconazole (Amistar top 325SC), Chlorothalonil (Arygreen 75 WP, Chionil 750WP); Difenoconazole (Score 250EC); Iminoctadine (Bellkute 40 WP);

III. Bệnh sương mai (Peronospora schleidni)

1/ Triệu chứng:

– Lá già bị bệnh có màu xanh nhạt, có lớp tơ nấm màu trắng che phủ lên vết bệnh sau đó tơ nấm chuyển sang màu xanh hơi đỏ. Bệnh nặng làm lá bị gẫy và chết.
– Cuống lá, vết bệnh đầu tiên có hình elip sau đó kéo dài ra, lúc đầu có màu vàng sau đó có màu nâu.
– Trên cây còn nhỏ ít bị bệnh gây hại, ở cây lớn các lá già bị hại trước sau đó lan dần đến củ, cây còn ít lá, củ nhỏï và cây chết.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển:

-Do nấm Peronospora schleidni gây ra.
– Nấm tồn tại trong củ, trong thân cây bệnh.
– Bệnh phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Sử dụng giống tốt, chọn củ giống sạch bệnh vì một số loại nấm bệnh có khả năng lan truyền qua củ giống.
– Luân canh với cây trồng.
– Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy sau khi thu hoạch.
– Không trồng hành những nơi kém thoát nước.
– Biện pháp hóa học: sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Azoxystrobin+ Difenoconazole (Amistar top 325SC);
+ Iprovalicarb + Propineb (Melody duo 66.75WP);
+ Chlorothalonil + Metalaxyl M (Folio Gold 440SC).

IV. Bệnh thối trắng (Sclerotinia allii)

1/ Triệu chứng:

– Vết bệnh mới xuất hiện là những khối u mịn màng. Cây bị bệnh xuất hiện lớp nấm trắng và có những hạt nhỏ màu đen. Bộ rễ bị phá hủy, rễ quăn queo và chuyển sang màu vàng hoặc nâu, củ bắt đầu ủng nước và thối.
– Trong bảo quản bệnh có thể tiếp tục gây hại phá hủy các mô bên trong khi vỏ ngoài còn nguyên.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

– Bệnh thối trắng do nấm Sclerotium cepivonum gây ra
– Bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây.
– Hạch nấm tồn tại rất lâu trong đất và là nguồn lây lan cho vụ sau.
– Khi trời mưa lớn hoặc đất ẩm ướt và nhiệt độ đất từ 10-24oC rất thích hợp cho nấm bệnh phát triển.
– Bệnh làm giảm năng suất và giá trị thương phẩm của hành.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Khi đất bị nhiễm nên luân canh với cây trồng khác họ.
– Thu dọn sạch tàn dư cây bệnh để tiêu hủy sau khi thu hoạch.
– Không trồng hành những nơi kém thoát nước.
– Biện pháp hóa học: Có thể tham khảo sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất: Trichoderma viride.

Nguồn: Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng

Kỹ thuật trồng Hành lá

Hành lá là loại gia vị, không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hành thân thảo, cây sống lâu năm, có mùi đặc biệt. Có 5-6 lá, lá hình trụ rỗng, dài 30-50 cm, phía gốc lá phình to, trên đầu thuôn nhọn. Hoa tự mọc trên ống hình trụ, rỗng. Hoa tự dạng hình xim, có ngấn thành hình tán giả trông tựa hình cầu. Quả nang, tròn. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng.

Tên khoa học: Allium fistulosum sp.

Họ hành tỏi: Liliaceae

1. Giới thiệu

Hành lá là loại gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hành thân thảo, cây sống lâu năm, có mùi đặc biệt. Có 5-6 lá, lá hình trụ rỗng, dài 30-50 cm, phía gốc lá phình to, trên đầu thuôn nhọn. Hoa tự mọc trên ống hình trụ, rỗng. Hoa tự dạng hình xim, có ngấn thành hình tán giả trông tựa hình cầu. Quả nang, tròn. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng…

2. Giống

– Sử dụng giống địa phương, có hai loại gốc thân trắng và gốc thân đỏ có đặc điểm sinh trưởng tương đương nhau, thời gian sinh trưởng 42-50 ngày.

+ Hành Hương: lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm, năng suất 1 tấn/1.000 m2, dễ nhiễm bệnh vàng lá.

+ Hành Trâu: lá to, bụi lớn, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, thị trường rất ưa chuộng.

+ Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, trồng phổ biến, thị trường rất ưa chuộng, thích hợp trồng dày.

– Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.

– Lượng giống: tùy chất lượng cây giống, thường cần khoảng 180-240 kg hành giống/1000 m2

– Xử lý giống: để đảm bảo không còn sâu bệnh lây lan sang vụ tới, trước khi nhổ hành giống 1-2 ngày, tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Secure 10EC theo nồng độ khuyến cáo.

3. Kỹ thuật trồng

* Thời vụ: Hành lá có thể được trồng quang năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng chú ý sâu xanh da láng, mùa mưa thì bệnh khô đầu lá.

* Chuẩn bị đất

– Yêu cầu: Đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5. Nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp.

– Đất trồng hành cần được phơi ải. Kỹ thuật lên liếp hành thay đổi tùy chân đất và tập quán canh tác. Lên liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.

Lên liếp và ủ rơm trước khi trồng hành

Khoảng cách trồng hành 20 x10 cm

– Xử lý đất: tiến hành xử lý đất ở 3 ngày trước trồng, sử dụng 1 kg Mocap/1000 m2. Rải thuốc lên liếp rồi đảo đều lớp đất mặt.

– Phủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng

* Ngâm ủ hạt (riêng đối với mùa rét còn mùa hè gieo trực tiếp):

Cho hạt vào nước vo sạch (như vo gạo) rồi cho vào túi vải ngâm trong nước ấm (3 sôi 2 lạnh) trong vòng 6 giờ sau đó vớt lên để ráo và ủ trong thùng kín (âu nhựa, bát xô, chậu… đậy kín) trong vòng 24 đến 48 giờ khi hạt nứt nanh thì đem gieo (12 giờ kiểm tra và tưới ẩm một lần)

* Gieo hạt:

Gieo hạt xuống vùng đất đã làm tơi xốp kỹ, tưới ẩm cho hạt, phủ một lớp trấu hoặc mùn mỏng, tưới ẩm rồi phủ một lớp rơm rạ mỏng lên trên, tưới ẩm 2 lần mỗi ngày, khoảng 4 ngày sau khi cây đã bật lên thì bóc bỏ lớp rơm rạ và tưới ẩm hàng ngày. Sau 40 ngày thì nhổ cây đi trồng (Mùa đông cần phải phủ nilong kín vào ban đêm để tránh rét).

* Khoảng cách trồng:

Hàng cách hàng X cây cách cây: 20 x 10 cm

* Phân bón

Tổng lượng phân dùng cho 1.000 m2: Phân chuồng hoai 1-2 tấn + 30 kg tro + 12,5 kg urea, 28 kg super lân, 8 kg kali.

Dạng phân có thể sử dụng Urea, DAP, NPK, có thể tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng (muối borat), chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Trong trường hợp hành sinh trưởng xấu có thể dùng Super hume để phun lên hành.

Bón lót: 1-2 tấn phân chuồng hoai + 30 kg tro + 28 kg super lân + 5 kg kali

Bón thúc:

– Nguyên tắc bón phân thúc: Hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen. Tưới phân đầu tiên khi hành hồi xanh (khoảng 7 ngày sau trồng), 7 ngày tưới phân 1 lần (khoảng 4-5 lần/vụ) tùy theo sinh trưởng của hành và tùy theo mùa vụ. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.

Có thể sử dụng khuyến cáo sau (nếu sử dụng khuyến cáo này thì không bón lót phân lân):

+ Lần 1 (7 NST): 4,5 kg urea

+ Lần 2 (14 NST): 14 kg DAP + 1,5 kg KCl

+ Lần 3 (21 NST): 19 kg NPK 16-16-8 + 1,5 kg KCl

+ Lần 4 (28 NST): 17 kg DAP + 2,5 kg KCl

+ Lần 5 (nếu có, 35 NST): 4,5 kg urea

– Phân bón lá và vi lượng (nếu có) có thể phun kết hợp khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến cáo không nên lạm dụng các chất điều hòa tăng trưởng (ProGib,..) dễ dẫn đến hiện tượng rã bẹ, cây cong, yếu. Có thể sử dụng chế phẩm EM hoặc Crop-master cho hành lá. Nếu dùng Super hume phun 3 lần (lần 2, 4, 5) thì có thể giảm 1/3 lượng đạm dùng cho hành và hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho hành.

* Chăm sóc

– Chú ý làm cỏ kịp thời, không để cỏ chụp hành

– Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt.

Tưới phun cho hành lá; Giữ mực nước tưới thấm trong rãnh hành lá

– Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.

(Cải xanh được trồng xung mép liếp hành lá; Ngò Rí trồng xen với hành lá)

* Phòng trừ sâu bệnh:

– Các đối tượng sâu bệnh hại chính: Sâu xanh da láng Spodoptera exigua (xuất hiện rất sớm và gây hại đến cuối vụ), dòi đục lá (xuất hiện muộn), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), bù lạch (Thrips tabaci), bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím Alternaria pori…

– Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.

– Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học, sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, lưu ý dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, ưu tiên sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Đảm bảo thời gian cách ly 7-10 ngày.

– Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xanh da láng hại hành lá thì không thể dùng một loại thuốc cho mỗi lần phun mà phải dùng hỗn hợp theo khuyến cáo sau (thường phun kết hợp trừ sâu xanh da láng và các đối tượng khác).

+ Lần 1: Atabron 5EC

+ Lần 2: Cascade 5EC + Mimic 20F

+ Lần 3: Dipel 3.2WP + Cascade 5EC

+ Lần 4: Mimic 20F + SeNPV

+ Lần 5: Dipel 3.2 WP + SeNPV

– Không sử dụng Furadan 3H trên hành lá và hạn chế sử dụng Padan.

– Nếu có bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá thì dùng Antracol 50WP, Dithan M45.

* Thu hoạch

Tiến hành thu hoạch khi hành đủ tuổi (42-45 ngày sau trồng) tùy tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Trường hợp hành xấu có thể lưu thêm vài ngày, nhưng không nên kéo dài quá. Hành lá khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Nguồn: vietrap.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.