Ủ phân hữu cơ để bón lúa hữu cơ

Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 – 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai 16ha mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, tại 2 điểm xã Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh).

 

Hướng dẫn nông dân tham gia ủ phân.

 

Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con quy trình ủ phân hữu cơ sinh học.

Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông cho biết: Nguyên liệu đầu vào để cho ra 1 tấn phân thì cần 1 – 1,5 tấn rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp; Phân chuồng hoặc mùn hoai: 3 – 4 tạ; Đạm urê: 1kg; Super lân: 2kg; Chế phẩm vi sinh vật Quế Lâm dạng bột: 2kg.

Rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp sau khi được thu gom và phân loại được đem tập trung đến đóng ủ. Ở đóng ủ, rác thải được dàn đều thành từng lớp, mỗi một lớp có độ dày khoảng 15 – 20cm (đường kính từ 2 – 2,5m), rải 1 lượt phân đạm urê và super lân lên và rải tiếp 1 lượt phân động vật lên trên lớp rác cào đều, sau đó phủ 1 lượt nguyên liệu hữu cơ 15 – 20cm tại mỗi lớp tiến hành xử lý chế phẩm VSV (để chế phẩm vi sinh không trực tiếp với phân đạm urê).

Cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành. Nếu phụ phế thải ở một số hộ gia đình có số lượng lớn có thể ủ tại sân hoặc vườn nhà đều có thể làm theo cách như trên. Sau khi ủ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát độ ẩm và bổ sung nước cho bể ủ khi thấy cần thiết (độ ẩm đống ủ được duy trì khoảng 60% để cho vi sinh vật hoạt động).

Thời gian ủ khoảng 45 – 60 ngày, sản phẩm sẽ được đưa ra sử dụng. Đối với phân hữu cơ sinh học, do phân đã ủ hoai mục và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân hữu cơ truyền thống (phân heo, phân trâu bò…) nên sẽ bón cho cây trồng với lượng bằng 1/2 – 2/3 lượng phân hữu cơ truyền thống.

Tùy theo từng loại cây trồng để bón lượng phân cho phù hợp. Đối với cây lúa, thông thường bón theo hai cách là bón lót và bón thúc. Bón lót bằng cách rải đều khi bừa lần cuối và bón thúc bằng hình thức vãi đều. Sản phẩm phân hữu cơ sinh học có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Tăng khả năng giữ nước của đất.

Bên cạnh đó phân hữu cơ sinh học có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh không chỉ ở cây lúa mà còn các cây trồng khác.

 

Bà con tham gia ủ phân hữu cơ.

 

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân hữu cơ sinh học sẽ làm tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây lúa, khả năng chống chịu sâu bệnh sẽ tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, sạch sâu bệnh. Giảm chi phí sản xuất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường xã hội. Nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân. Tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 Làn sóng trồng lúa hữu cơ ở Thái Lan

Các giống gạo hữu cơ đang được nông dân tại Thái Lan hướng tới. Gạo hữu cơ tại Thái Lan cũng đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Trồng lúa hữu cơ tại Thái Lan

Theo Vitoon Panyakul, người đứng đầu Cty Green Net Cooperative – một DN xã hội kết nối nông dân SX bền vững với người tiêu dùng: SX thực phẩm hữu cơ nói chung, gạo nói riêng đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 8%/năm tại Thái Lan trong 5 năm qua, với hơn 13.150 nông dân tham gia vào SX hữu cơ tính trong năm 2015. Ông Vitoon ước tính, những nông dân chuyển sang trồng lúa hữu cơ nhìn chung có thu nhập tăng khoảng 10 – 15%, mặc dù cuối năm 2016, Green Net mua gạo hữu cơ từ hơn 750 thành viên với mức giá cao hơn 40% so với các giống gạo phi hữu cơ thông thường.

Ông Chomchuan Boonrahong, giáo sư tại Đại học Mae Ko của Chiang Mai, đồng thời cũng là một nông dân trồng lúa, nuôi gà và cá cho hay: Nếu bạn có 5 rai (0,8ha) đất trồng lúa hữu cơ, bạn có thể trang trải cho con cái đi học đại học. Nhiều giống lúa gạo như gạo berry, đại học Kasetsart phát triển từ năm 2012, được bán với giá gấp đôi gạo trắng thông thường.

Bà Fah Mui, một nông dân trồng lúa tại Chiang Rai, bắt đầu ghi nhận những kết quả tuyệt vời của việc lựa chọn theo đuổi Hệ thống Thâm canh lúa, trong đó thâm dụng lao động, ít sử dụng nước để tăng năng suất, cộng với các thực hành SX hữu cơ như sử dụng các nước thảo mộc lên men để xua đuổi côn trùng và quản lý mực nước kiểm soát cỏ dại, cua và ốc. Bà tự xát và đóng gói gạo, sử dụng một trang thông tin điện tử và mạng xã hội Facebook để marketing trực tiếp.

Từ gạo lứt của chính mình, bà cũng SX bột acid gamma amino butyric (GABA), thường được sử dụng như một chất an thần hoặc giảm đau. Có một số sản phẩm từ gạo có lợi nhuận cao, như thức uống ngũ cốc và bánh quy, thậm chí có cả một loại bia tên gọi là “Cheers” làm từ gạo berry. Gạo lứt của bà Fah Mui được bán với giá khoảng 4.000 USD/tấn tại Bangkok (so với mức giá 266 – 422 USD/tấn của gạo phi hữu cơ). Sản phẩm GABA của bà còn có giá lên tới 10.000 USD/tấn.

Theo ông David Dawe, chuyên gia ngành gạo châu Á tại FAO, khi người dân châu Á giàu lên, họ có thể trang trải cho thực phẩm hữu cơ và quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sức khỏe. Do đó, đây là ngành kinh doanh đang lớn mạnh. Thị trường thực phẩm hữu cơ có tiềm năng ở mọi nơi tại châu Á. Chính phủ Thái Lan đang đề ra Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ thứ 2. Bộ Nông nghiệp Thái Lan ra các chính sách hỗ trợ giúp tăng thêm 162.000ha đất SX gạo hữu cơ đến năm 2021.

Nguồn: Nikkei Asia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.