Những mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp trồng rau thủy canh lợi nhuận cao

Anh Trần Thiện Phi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã trải qua nhiều nghề khác nhau như làm ruộng, nuôi gà, vịt, cá… nhưng cuối cùng đã chọn con lươn để làm giàu.

Anh Phi kể: Ban đầu bắt tay vào nghề nuôi chỉ có 25m2 nuôi trong 2 bể, sau nhiều vụ thành công và rút kinh nghiệm, hiện anh sở hữu 20 bể lươn tương đương với 500m2. Ngoài nuôi lươn thương phẩm, anh còn nhân giống, bình quân mỗi năm sản xuất trên 100.000 con giống.

Mô hình nuôi lươn của anh Phi kết hợp trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả cao

Theo tính toán của anh, với 20 bể nuôi, mỗi năm thu hoạch từ 8 – 12 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ thả nuôi nhiều đợt nên lươn thu hoạch quanh năm. Ngoài nuôi lươn, anh còn sáng kiến trồng rau cần nước (cần ống) trên mặt bể và các loại rau răm, rau om, mướp xen kẽ vào các khoảng đất trống theo mô hình chăn nuôi khép kín giúp tăng thêm thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/vụ (lươn nuôi 6 – 8 tháng). Chỉ riêng rau cần ống, mỗi tuần anh cũng thu hoạch khoảng 20kg/bể, bán với giá 15.000đ/kg. Trồng rau hoàn toàn không dùng phân hóa học và thuốc BVTV.

Còn ông Lê Văn Bút ở cùng xã Thạnh Phú sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lươn không bùn và không ngừng mở rộng thêm bể nuôi, đến nay đã sở hữ 6 bể với diện tích gần 150m2.

Ông Bút cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000m2 đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ đường. Thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao, tôi cũng chuyển sang nuôi lươn. Lúc đầu gặp không ít khó khăn nhưng nhờ siêng năng, chịu khó, ham học hỏi… dần dà tay nghề cũng khá lên”.

Nuôi lươn không bùn phát triển mạnh ở Cờ Đỏ

1 bể nuôi lươn 20m2 (4 x 5m), ông Bút thả 50kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 75 con/m2, tỷ lệ sống 70%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 180 – 200gram/con, thu hoạch khoảng 200kg lươn thịt, bán với giá bình quân 180.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, thức ăn, dụng cụ làm bể bạt, công chăm sóc…), ông thu gần 16 triệu đồng.

Ông Bút chia sẻ kinh nghiệm, để nuôi lươn tốt nên chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió. Cắm trụ, dùng bạt nilon loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể 20m2, chiều cao bể 1 – 1,2m. Nước được lọc và diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng mới đưa vào bể. Mực nước tốt nhất trong bể từ 20 – 30cm. Thả rau cần ống và trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.

Nuôi lươn không bùn được siêu thị Metro Cần Thơ bao tiêu sản phẩm

Vấn đề chọn thả con giống rất quan trọng, nên chọn lươn màu vàng sẫm để nuôi vì đây là loại lươn có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt. Lươn giống 30 – 60 con/kg thả 1 bể là phù hợp. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua phải để ý nguồn gốc, vì cỡ này hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do giãn cột sống lúc bị đánh bắt. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không xây xát, khỏe mạnh. Mật độ thả tốt nhất là 60 – 80 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối loãng trong 3 – 5 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

LẠ MÀ HAY: Làm bể lót bạt, nhấc dây ni lông, lươn bơi ra cả đám

Anh Vũ Minh Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có cách nuôi lươn lạ mà hay. Anh làm bể lót bạt, thả 5 chùm dây ni lông làm nơi trú ẩn, nghỉ ngơi cho lươn. Khi cho lươn ăn, nhấc chùm dây ni lông lên, lươn bơi ra cả đám…

Với chỉ 10m2 bể lót bạt nuôi lươn tranh thủ sau giờ làm việc mà anh Vũ Minh Thắng, phường 8, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Không cần đào ao hay xây bể bằng xi măng mà chỉ cần dùng bạt nilông và tre để dựng khung làm chỗ nuôi, anh Vũ Minh Thắng đã áp dụng thành công mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt. Mô hình này còn giúp người nuôi tiết kiệm chi phí và ít hao hụt lươn trong quá trình nuôi.

Ra thăm bể nuôi lươn sau giờ đi làm về, anh Thắng dỡ từng chùm dây phổi (chùm dây kết bằng ni lông) trên mặt nước, bầy lươn trú ngụ nghe động tĩnh liền lúc nhúc bơi ra. Anh Thắng khoe: “Lúc mới thả 1.000 con lươn giống vào bể này, con nào con nấy chỉ nhỏ bằng chân nhang thôi. Vậy mà sau 7 tháng nuôi, có con đã đạt tới hơn 200 lạng, con nhỏ nhất cũng nặng hơn 1 lạng. Trưa nay có thương lái ở huyện Mỹ Tú vô coi, họ ra giá hơn 130.000 đồng/kg và hẹn tôi 2 tháng sau sẽ bắt”.

Để áp dụng mô hình nuôi lươn bằng bể lót bạt, có treo chùm dây ni lông này, hơn 7 tháng trước, anh Thắng đã tự tìm hiểu thông tin từ các hình thức nuôi lươn ở các tỉnh khác qua các báo, đài và nhận thấy mô hình nuôi lươn trong bể rất tiềm năng và có thể áp dụng tại địa phương. Sau khi nghiên cứu và được tập huấn quy trình và kỹ thuật nuôi lươn tại địa phương, anh Thắng đã mạnh dạn làm bể để nuôi tại khoảng đất trống kế bên nhà.

Theo đó, bể nuôi lươn được anh Thắng thiết kế rất đơn giản, bằng cách lót bạt nilông trên một khoảng đất trống có diện tích 10m2 và dựng 4 góc bạt cao lên chừng 8 tấc (80cm), rồi dùng tre đóng khung cố định xung quanh, sau đó lấy nước vào và thả 1.000 con lươn giống. Trên mặt nước, anh Thắng phủ 5 chùm dây được kết bằng nilông (chùm dây phổi) để tạo chỗ cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi, trú ẩn.

Với thiết kế như trên, mức chi phí đầu tư cho mô hình thấp hơn so với các hình thức nuôi lươn trong bể ximăng, người nuôi không tốn kém nhiều trong việc trang bị bạt lót hay cây cối để dựng khung. Mô hình nuôi lươn lót bạt này cũng đồng nghĩa với việc môi trường nuôi lươn không có bùn, đất.

Anh Thắng chia sẻ: “Với bể lót có diện tích 10m2, có thể nuôi 1.500 con lươn nhưng tôi thả thưa 1.000 con để chúng sinh trưởng nhanh. Nguồn nước để nuôi cũng được tôi xử lý sạch sẽ, đảm bảo độ pH thích hợp cho lươn sinh sống nên con lươn giống thích nghi tốt. Ngoài ra, khi thay nước hàng ngày sẽ giúp tôi dễ quan sát mầm bệnh trên lươn (nếu có) để từ đó có biện pháp và tìm hướng xử lý kịp thời. Nhờ đó mà tỷ lệ lươn nuôi hao hụt rất thấp; 1.000 con lươn giống mà tôi chỉ hao hụt độ hơn 20 con, lươn nuôi đến nay cũng không thấy bị bệnh”.

Là người tiên phong với mô hình này tại địa phương, anh Thắng cẩn thận với từng giai đoạn sinh trưởng của lươn nuôi: “Hồi mới bắt lươn về còn rất nhỏ, lúc đó tôi phải kiếm trùn chỉ cho ăn. Khoảng 10 ngày sau mới cho ăn thức ăn và theo dõi mầm bệnh và nguồn nước sạch. Sau 3 tháng nuôi, đã đạt trọng lượng hơn 10 con 1kg và sau từ 5 đến 6 tháng thì chỉ còn 7 con đạt 1kg. Đến nay, lươn lớn nhất cũng đạt trọng lượng từ 2- 2,5 lạng…”.

Theo tính toán của anh Thắng, bình quân 1 tháng sẽ tốn 350.000 đồng tiền thức ăn cho 1.000 con lượn nuôi. Nếu bầy lươn hiện nay đạt chừng 200kg và bán được với giá 130.000 đồng/kg thì tổng thu nhập cũng được 26 triệu đồng, trừ chi phí, như: tiền con giống, thức ăn, điện, nước…sau 10 tháng nuôi lươn cũng lãi được hơn 14 triệu đồng. Hiện mô hình của anh Thắng được nhiều người đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm để có thể áp dụng tại hộ gia đình.

Lươn là một trong những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao nên có thị trường tiêu thụ khá rộng. Với mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt, thả chùm dây ni lông có thể giúp nông dân vùng ven đô thị có hướng đi phù hợp trong việc giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cũng cần tìm hiểu kỹ quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo nguồn nước phù hợp cho lươn sinh trưởng…

Nguồn: Báo Sóc Trăng được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi lươn tại nhà

Lươn là một họ cá nước ngọt trông tương tự cá chình sinh sống trong khu vực nhiệt đới, là loài động vật máu lạnh. Họ này bao gồm khoảng 18 loài trong 4 chi. Phần lớn có thể được tìm thấy trong lớp bùn của các ao hồ đang khô cạn.

Lươn

Trong những năm qua, nhiều gia đình ở nước ta đã lựa chọn mô hình nuôi lươn trên cạn như một cách làm giàu từ chăn nuôi vô cùng hiệu quả. Dưới đây là một số kỹ thuật nuôi lươn tại nhà cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho bà con:

1. Kỹ thuật xây bồn nuôi lươn

  • Khi xây dựng bồn nuôi lươn, cần lựa chọn khu vực đất cao ráo, kín gió và có thể cung cấp được nguồn nước với chất lượng tốt. Việc xây dựng bồn nuôi lươn cũng vô cùng đơn giản và không đòi hỏi chi phí quá cao. Chỉ cần thực hiện một bồn chứa có diện tích khoảng 10 – 30 m², chiều cao mỗi bồn từ 1 – 1,3 m và phủ trên là tấm bạt nylon không thấm nước là hoàn tất chiếc bồn cơ bản.
  • Sau khi xây dựng bồn nuôi lươn cơ bản, đổ đất vào trong bồn.

Bồn nuôi lươn

Lưu ý: đất nên chiếm khoảng 1/2 – 2/3 diện tích để lươn có thể chui vào đó cư trú.

  • Đổ nước có chiều sâu 20-30cm, không để nước sâu quá sẽ ảnh hưởng đến tốc tộ tăng trưởng của lươn. Ngoài ra, loài động vật này thường chui rúc vào những chỗ tối, ít ánh sáng nên bạn có thể thả thêm lục bình, rau dừa để tạo bóng râm. Bạn cũng thể trồng thêm một số cây bên ngoài bồn để tạo bóng mát, giúp quá trình nuôi lươn được thuận lợi hơn.

2. Kỹ thuật chọn giống

  • Lươn chủ yếu sinh sản ngoài tự nhiên với số lượng lớn, do diện tích đất ruộng ngày một thu hẹp dẫn đến việc lươn ngày càng cạn kiệt. Khi chọn giống nên chú ý đến màu sắc của lươn để có được con giống tốt nhất.
  • Lươn được chia thành 3 loại cơ bản:

− Loại 1: lươn có màu vàng sẫm sẽ mang đến khả năng phát triển tốt nhất.

− Loại 2: lươn có màu màu vàng xanh sẽ cho tốc độ phát triển kém hơn

− Loại 3: lươn có màu xám tro thường khá chậm lớn

Trong ba loại trên, nên chọn loại 1 và không nên lựa chọn loại 3 khi muốn nuôi lươn cho năng suất cao.

Lươn giống

Sau khi lựa chọn được con giống, cần phải lưu ý đến kích thước lươn con để có thể thả nuôi tốt nhất. Khối lượng phù hợp sẽ là 40 – 60 con/kg, kích cỡ lươn tương đương với nhau, khỏe mạnh và nên thả nuôi với mật độ 60 – 80 con/m².

3. Quản lý và chăm sóc

  • Cho ăn: Khi bắt đầu nuôi lươn, loại động vật này cần mất một thời gian để quen với thức ăn hàng ngày. Vì vậy, trong tuần đầu tiên nuôi, chỉ nên cho lươn ăn giun đất và chỉ ăn vào buổi tối. Khi lươn đã quen với điều kiện nuôi thả của gia đình, bạn có thể cho lươn ăn ngày 2 bữa và có thể ăn các loại thức ăn khác nhau như cá, ốc, cua…. được nghiền nhỏ.

Để đảm bảo tốc độ phát triển cũng như sức khỏe, khi nuôi lươn bạn cần phải lưu ý không cho lươn ăn thức ăn ôi, với thức ăn thừa bạn nên vớt ra khỏi bồn tránh làm ô nhiễm nguồn nước.

  • Vệ sinh bồn: 

Với lươn mới thả, phải thay nước 7 ngày một lần. Sau đó, khi nuôi lươn được từ 2 tháng trở đi, phải thay nước 4 ngày/lần. Nếu để nước bẩn, lươn sẽ chết, mắc một số bệnh như lở loét,  nấm thủy mi, bệnh tuyến trùng, bệnh đĩa … hoặc không phát triển như ý muốn.

Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.