Nghệ nhân điều khiển để tằm tự nhả tơ, dệt lụa

Gắn bó với nghề tơ tằm hơn 40 năm, trải qua bao thăng trầm, nghệ nhân Phan Thị Thuận – xã Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội – đã luôn miệt mài tìm tòi, sáng tạo và ý tưởng bắt những con tằm tự nhả tơ dệt chăn “độc nhất vô nhị” đã giúp sản phẩm của bà được thế giới biết đến.

Trái với xưởng dệt lụa thông thường với những tiếng lạch cạch rộn vang của những chiếc máy, xưởng dệt rộng 500m2 của bà Thuận khá yên tĩnh. Bởi tại đây, trong số nghìn “người thợ” miệt mài làm việc chỉ có 20 con người.

Bán đất, bán xưởng vẫn phải giữ nghề

Sinh ra trong gia đình với nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa, nghề tơ tằm đã “thấm vào máu, ươm vào thịt” nghệ nhân Phan Thị Thuận. Chả thế mà sau bao thăng trầm của nghề, khi nhiều người trong làng chuyển sang làm nghề khác thì bà vẫn miệt mài với nghiệp dâu tằm.

Nhớ lại thời kỳ khi Xí nghiệp ươm tơ Mỹ Đức chuẩn bị phá sản, bà không khỏi bồi hồi: Ở Phùng Xá khi đó không còn ai trồng dâu nuôi tằm, ngày nào tôi cũng một mình đạp xe gần 30km lên Nông trường Thanh Hà (Kim Bôi, Hòa Bình) thu mua lá dâu về cho tằm ăn. “Tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu tỉnh, thành, đến bao nhiêu nhà máy, xí nghiệp ươm tơ, ở đâu có nghề trồng dâu nuôi tằm là tôi tìm đến học hỏi, cốt sao giữ được nghề”.

Những tưởng đã vực dậy được nghề khi những năm 1987-1988, cả huyện Mỹ Đức có khoảng 200 máy ươm tơ mini, bà được tỉnh Vĩnh Phúc mời lên để phát triển nghề tơ tằm. Bà cười buồn nhớ lại: “Bao tiền dành dụm, tiền bán đất tôi đầu tư nhà xưởng, vùng nguyên liệu nhưng không phát triển được”.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đang cần mẫn điều khiển tằm tự dệt. 

Quyết định bán nhà xưởng ở Vĩnh Phúc, quay trở về quê hương, gần như bắt đầu lại từ đầu khi tuổi đã gần 60. “Tôi phải đến từng hộ nuôi tằm, thuyết phục họ làm cho mình và phải đảm bảo giá mua tằm ổn định trong 10-20 năm. Nhà nào cần lúa ăn trong một năm, tính ra bao tiền tôi ứng trước để họ yên tâm làm. Có như thế họ mới làm cho mình”.

Từ ý tưởng “gàn dở”…

Quay trở về cũng là lúc nghề tơ tằm bắt đầu đi xuống, hoạt động cầm chừng. Bà nghĩ chỉ có tạo ra được sản phẩm có thể xuất khẩu thì ngành tơ tằm mới tồn tại được. “Nhiều lần ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, tôi nghĩ tại sao mình không cho con tằm tự dệt, biến nó thành người thợ cho mình” – bà Thuận nói về ý tưởng “tằm tự đan”.

Lúc bà đưa ra ý tưởng này, không ai nghĩ có thể làm được bởi tập tính của con tằm là làm kén, bây giờ bắt nó tự nhả tơ đan trên một mặt phẳng là điều không tưởng.

“Khi bắt đầu làm, chồng tôi có nói rằng thôi đừng làm nữa. Bây giờ mình già rồi, còn quãng thời gian cuối đời chỉ làm mà ăn chứ không vực nổi nghề tờ tằm đâu” – bà nhớ lại và cho biết đã bỏ ngoài tai mọi điều can ngăn, gạt tất cả mọi người sang bên và vẫn quyết tâm làm.

“Tôi lăn lộn một mình dưới xưởng. Tất cả máy dệt xếp gọn một chỗ. Ai cũng bảo tôi điên, tôi hâm, gàn dở. Chồng giận, con bỏ đi làm nghề khác vì cho rằng tôi đâm đầu vào ngõ cụt; nhưng tôi nghĩ mình không bao giờ đi vào ngõ cụt. Bởi khi tôi làm điều gì tôi phải biết chắc mình sẽ làm được, biết chắc cách đi đến thành công” – ánh mắt bà Thuận bừng sáng khi nhớ lại tháng ngày vượt lên khó khăn của mình.

… Đến sản phẩm độc nhất vô nhị

Trong 2 năm thử nghiệm đầu tiên, gần như mỗi ngày bà chỉ ngủ 1 tiếng vì phải túc trực 24/24h điều chỉnh để tằm nhả tơ tự do mà không tìm tổ để cuộn kén. Cái khó là làm sao để con tằm vẫn nhả tơ trên một mặt phẳng và có thể sắp xếp chúng đúng vị trí vì vốn dĩ tằm sẽ bò lung tung trên mặt phẳng theo bản năng.

“Tôi kiên trì ngồi bắt từng con sao cho khi nhả, tơ con nọ đan vào tơ con kia thành lớp nang dày như những chiếc kén được cán phẳng mà không cần đan, không cần dệt như các phương pháp truyền thống trước đây” – bà nói. Sau nhiều thất bại, tấm nang do con tằm tự đan đã hoàn thành.

Nếu như trước đây khi là con kén thì dùng phương pháp ươm để tách hồ, nhưng khi thành tấm nang vàng thì thật sự là bài toán khó. Bà mất thêm một năm để nghĩ cách làm sao biến tấm nang đó thành sản phẩm tiêu dùng. Bà dùng phương pháp tẩy chuỗi với một công thức bí truyền. Tuy nhiên, với những ai tâm huyết muốn học nghề, bà sẽ truyền dạy.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đang giới thiệu sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt.

Tấm kén sau khi được đun trong 3-4 giờ để tan hết keo tơ vàng sẽ thành một tấm bông tơ tơi xốp, có độ liên kết bền chắc mà không có máy móc hay bàn tay con người nào có thể làm ra được.

Bà Thuận cho biết, trung bình tằm khỏe mạnh có thể nhả sợi tơ dài 400-500m/con, con yếu hơn thì khoảng 300m/con. Thời gian hoàn thành tấm nang tơ là 4-6 ngày.

“Cứ 30kg tằm sẽ cho ra một tấm mền bông hoàn chỉnh nặng 1kg. Để thu được sản phẩm ruột bông nặng 2kg, chỉ cần 6 nhân công và thời gian tính từ lúc tằm chín đến khi ra sản phẩm chỉ mất 6 ngày, giá trị kinh tế hơn hẳn so với phương pháp truyền thống. Phương pháp này giúp tiết kiệm lượng lớn chi phí thuê nhân công và không mất vốn đầu tư máy móc, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt” – bà Thuận nói.

Hiện sản phẩm chăn bông tơ tằm tự đan đã được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến như Đức, Bỉ, Australia, Anh, Mỹ… Điều mà nữ nghệ nhân này vẫn đau đáu là nhận được sự ủng hộ của địa phương để có thể mở rộng thêm diện tích và truyền nghề được cho nhiều thế hệ kế tiếp.

Nguồn: Khoa học và phát triển được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tằm công nghệ mới thu 20 triệu đồng/tháng

Người dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đang chuyển đổi từ nuôi tằm truyền thống (đũi, nong, né bằng tre) sang nuôi trên khay trượt, cho tằm làm tổ tạo kén trên né gỗ, dùng máy thu kén… giúp gia tăng sản lượng, chất lượng và thu nhập cao.

Chị Nguyễn Thị Ry nuôi tằm trên khay trượt

Hiệu quả vượt trội

Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh cho biết: “Quê tôi ở tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội, năm 1985 vào huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Lúc đầu trồng mía, bắp, cà phê, đến năm 1994 chuyển qua nuôi tằm theo cách truyền thống: đóng cũi, nong, né bằng tre. Mỗi lần cho tằm ăn là phải bê nong lên xuống, vệ sinh hàng ngày (phân tằm), chưa kể những ngày cho tằm ăn rỗi, cả nhà tập trung nhân lực chạy đôn chạy đáo đi hái dâu, cho tằm ăn, vất vả nhiều nhưng năng suất kén chỉ đạt 30 – 35kg kén/hộp tằm”.

Năm 2013, anh Nghĩa mạnh dạn chuyển qua nuôi tằm bằng khay sắt (khay trượt) cấu tạo gồm 1 khung sắt cao 1,35 – 1,45m, có 4 bánh xe di chuyển. Trong khung có 4 khay trượt đẩy ra đẩy vô, có hàn lưới B40, ngang 1,5m, dài 3m. Trong khay trải 1 lớp lưới, sau đó thả tằm vào và cho dâu để tằm ăn. Khi tằm chín, anh bắt tằm lên né gỗ, sau 3 ngày tạo kén, chỉ việc dùng máy thu kén rồi bán cho các nhà máy.

Nuôi tằm bằng khay trượt hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống: Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn, cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn và sau một lứa mới phải vệ sinh (thay phân).

Nuôi tằm trên khay trượt còn tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, phát triển tốt. Hiện gia đình anh Nghĩa trồng 5 sào dâu, mỗi lứa nuôi được 7 hộp tằm giống (nuôi gối đầu) năng suất bình quân đạt từ 45 – 55kg kén/hộp tằm. Với giá bán 195.000 đồng/kg kén như hiện nay, anh Nghĩa thu về 50 – 60 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Ry ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh cũng cho biết: “Trước đây tôi cũng nuôi tằm theo cách truyền thống, nuôi được một lứa mất cả tháng trời. Bởi vì phải nuôi từ giai đoạn trứng, bây giờ có dịch vụ chuyên nuôi tằm con, mình mua về cho ăn 4 ngày, tằm ngủ 2 ngày, dậy ăn rỗi 7 ngày, tằm chín cho lên né gỗ 3 ngày là thu hoạch kén bán được. Như vậy thời gian nuôi một lứa rút ngắn còn 15 ngày. Từ khi chuyển qua nuôi tằm công nghệ mới nhàn lắm, gia đình nuôi 3 hộp tằm năng suất đạt từ 50 – 60kg kén/hộp. Nếu giá bán 195.000 đồng/kg kén, trừ chi phí cũng thu được trên 20 triệu đồng/tháng”.

Liên kết với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thế Nhiệm, PGĐ Cty CP Eco green life chia sẻ: “Cty đã thuê đất xây dựng nhà máy ươm tơ trên địa bàn xã Đông Thanh, với diện tích 7.800m2 nhà xưởng, bước đầu đặt 3 máy ươm tơ dài 24m, 3 máy guồng dài 14m, công suất trung bình từ 500 – 600kg kén/máy/ngày. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 7/2017, thu hút 120 công nhân với mức lương gần 6 triệu đồng/người/tháng. Cty ký kết thu mua toàn bộ số kén của nông dân, các tổ hợp tác nuôi tằm trong địa bàn huyện”.

Tằm làm tổ kén trên khay gỗ theo công nghệ Nhật

Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh hồ hởi cho biết, nếu giá kén giữ vững và ổn định như hiện nay thì nông dân chẳng mấy chốc khá lên. Năm 2015, Hội Nông dân xã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi tằm theo công nghệ mới, là tổ làng nghề và tổ phụ nữ, mỗi tổ có 100 hội viên, với tổng diện tích dâu của cả xã trên 300ha. Mới đây do nhu cầu nuôi tằm phát triển mạnh, Hội thành lập thêm 1 tổ chuyên nuôi tằm giống do đoàn thanh niên đảm trách để cung cấp giống trong toàn xã…

“Nông dân thay đổi cách sản xuất kén theo công nghệ mới đã giảm nhiều công lao động, chất lượng kén tăng rõ rệt, không có kén đôi. Đặc biệt độ dài của tơ đơn cũng dài hơn. Nếu như loại kén trên né tre dài khoảng 600 – 700m/kén, thì kén trên né gỗ dài 800 – 1.000m/kén. Giá kén thời điểm này bán ra khoảng 195.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, ông Thọ chia sẻ.

Ngoài khay trượt, nông dân còn sử dụng né gỗ công nghệ Nhật để tăng năng suất, chất lượng kén. Ông Ngô Ngọc Toàn ở phường 2, TP Bảo Lộc là người đầu tiên đưa né gỗ công nghệ Nhật về nuôi. “Sau một lần đi tham quan mô hình ở Nhật, tôi thấy họ nuôi tằm tạo kén trên né bằng gỗ rất hiệu quả. Tôi chụp ảnh mẫu mang về, liên kết một xưởng mộc ở Nha Trang sản xuất rồi mang về giới thiệu cho các hộ nuôi tằm sử dụng. Qua quá trình chuyển đổi sang né gỗ, người dân thấy hiệu quả hơn, chất lượng kén tốt hơn, tơ dài hơn. Tới nay nhiều hộ sử dụng khay trượt và né gỗ công nghệ Nhật để nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Toàn chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.