Nuôi ốc hương trong ao cát lót bạt

Ninh Thuận với điều kiện thuận lợi về sản xuất ốc hương giống và nuôi thương phẩm. Thực hiện chuyển đổi đối tượng nuôi mới, các năm gần đây, một số diện tích nuôi tôm trên cát lót bạt kém hiệu quả chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm.

Trước đây, người dân thường nuôi ốc hương theo 3 hình thức: Nuôi trong đăng lồng, nuôi trong bể xi măng, nuôi trong ao đất. Vài năm gần đây, tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, các ngư dân đã tận dụng những ao nuôi tôm trên cát lót bạt kém hiệu quả chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm, nhờ nuôi có hiệu quả kinh tế cao nên diện tích nuôi ngày càng được mở rộng, từ vài hộ nhỏ lẻ, đến nay, toàn xã Phước Dinh đã có 23 ha nuôi ốc hương trên cát. Chiếm hơn 10 % diện tích nuôi của toàn xã.

Theo ông Phạm Ân (hộ nuôi ốc hương tại đây) cho biết: “Tính trên 1 ha ao nuôi, sau vụ nuôi 6 tháng, với mật độ 90 con/m2, sản lượng thu hoạch đạt 10 tấn ốc hương. Tổng vốn đầu tư 1 tỉ đồng, giá bán hiện nay 160.000 đồng/kg, lãi ròng là 600 triệu đồng. Có những năm giá ốc hương tăng cao (220.000 đ/kg) lãi ròng đạt 1 tỉ đồng/ha.

Tuy nhiên trong quá trình nuôi ốc hương, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra, nhất là những vùng nuôi cũ. Việc thực hiện đúng kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, chọn giống, chăm sóc quản lý,… cần chú ý những điểm sau đây:

Cải tạo ao đìa

Ốc hương là loài sống vùi, chúng chỉ ngoi lên mặt đất khi ăn nên cần phải tạo nơi ở thật tốt, cần đổ một lớp cát sạch dày 5 – 10 cm làm nơi ở cho ốc.

Con giống

Ốc hương giống

Chọn giống ốc hương ở những cơ sở sản giống uy tín, đảm bảo chất lượng, giống đã được kiểm dịch. Nhìn bằng mắt thường ốc tương đối đồng đều, màu sắc tươi sáng, các vân có màu nâu đậm, vỏ còn nguyên vẹn, ốc không bị sưng vòi.

Thức ăn

Cá tạp cắt nhỏ là thức ăn của ốc hương 

Thức ăn ưa thích của ốc hương là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, cá tạp, cua, ghẹ, tôm…Thức ăn phải đảm bảo tươi, không bảo quản bằng hóa chất. Sau khi cho ăn khoảng 2 -3 giờ, tiến hành làm vệ sinh vớt hết thức ăn dư thừa ra khỏi ao để tránh ô nhiễm môi trường nước nuôi.

Cần nuôi kết hợp với một số đối tương nuôi khác như: Rong câu, rong nho, hải sâm, cá dìa để tận dụng triệt để diện tích mặt nước, tăng thêm thu nhập, vừa cải thiện môi trường ao nuôi và tăng thêm thu nhập.

Ốc hương với giá trị kinh tế cao, có thị trường xuất khẩu khá ổn định. Phát triển phương thức nuôi trên ao cát lót bạt là hướng đi mới đầy tiềm năng nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa : Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên nhiều diện tích đìa được nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chuyển đổi sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, do chuyển đổi tự phát, mạnh ai nấy đầu tư nên việc nuôi ốc hương đang dần mất kiểm soát.

Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Ông Nguyễn Đức Thành (phường Ninh Hải) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3,2 triệu con ốc hương giống trên 8 đìa. Tổng số tiền đầu tư cho ao nuôi, con giống, mua thức ăn cho ốc từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi thu hoạch hơn 1,5 tỷ đồng. Chi phí nuôi ốc hương rất cao, nếu tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lớn, giá cả bấp bênh thì người nuôi rất dễ thua lỗ. Vì vậy, tuy có nhiều đìa nhưng tôi vẫn thận trọng, không dám mạo hiểm đầu tư hết cho con ốc”.

Thận trọng khi nuôi ốc hương

Người dân phường Ninh Hải chuẩn bị ao nuôi ốc hương

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, năm 2016, trên địa bàn thị xã có gần 290ha nuôi ốc hương. Đến năm 2017, nông dân trên địa bàn thị xã đã thả nuôi khoảng 350ha ốc hương, diện tích thả nuôi dự kiến còn tiếp tục tăng. Trong đó, có hàng chục héc-ta được chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi ốc hương; các địa phương có sự chuyển đổi mạnh như: Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Phú, Ninh Ích…
Ông Nguyễn Khiêm, người dân TP. Nha Trang đến thuê đìa tại xã Ninh Ích để nuôi ốc hương cho biết: “Năm trước, tôi thuê 1ha đìa, thả nuôi gần 2 triệu con giống. Sau gần 5 tháng, tôi thu hoạch được hơn 8 tấn ốc thương phẩm. Với giá bán gần 200.000 đồng/kg, tôi thu được khoảng 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 700 triệu đồng”. Theo ông Khiêm, gần đây, nhiều người dân đã cải tạo các đìa nuôi tôm để thả nuôi ốc hương nên diện tích ngày một tăng, khiến nguồn cung cấp con giống cũng khan hiếm. Hiện nay, hầu hết người nuôi ốc hương phải đặt cọc với các chủ trại sản xuất ốc giống trước cả tháng mà vẫn chưa có giống. Vụ năm nay, ông tính thả nuôi 3 triệu con giống, nhưng do nhiều trại nuôi con giống bị chết hàng loạt nên nguồn giống khan hiếm, đẩy giá lên cao.

Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho hay: “Sau nhiều vụ tôm thất bát, khoảng 2 năm trở lại đây, người dân trong xã ồ ạt chuyển sang nuôi ốc hương. Đến nay, diện tích chuyển đổi sang nuôi ốc hương đã lên đến 20ha. Nuôi ốc hương chi phí đầu tư khá lớn, nên chỉ những hộ có tiềm lực kinh tế mới có thể đầu tư nuôi. Vì thế, nhiều diện tích đìa tại địa phương do người ở nơi khác đến thuê nuôi”. Điều khiến ông Khánh lo lắng, đối với những diện tích được chuyển đổi từ tôm sang ốc, người dân chỉ có lãi được 1 – 2 vụ đầu, còn những vụ sau đều khó nuôi, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, địa phương khuyến cáo người dân cần thận trọng khi nuôi ốc hương.

Tại xã Ninh Phú, người nuôi ốc hương cũng đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích chuyển từ tôm sang thả ốc hương bị dịch chết. Ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phú cho hay: “Trên địa bàn hiện có khoảng 20ha nuôi ốc hương, trong đó phần lớn diện tích được chuyển từ tôm sang ốc trong vòng 2 năm trở lại đây. Thời gian qua, trên địa bàn có 10ha ốc hương mới thả chưa đến 30 ngày đã bị dịch chết. Nguyên nhân có thể do môi trường nước, chất lượng con giống không đảm bảo”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Trong quá trình nuôi, nông dân thấy đối tượng nào hiệu quả thì chuyển sang nuôi theo kiểu tự phát. Năm trước, các hộ nuôi tôm thua lỗ, trong khi các hộ nuôi ốc hương trúng, nên năm nay người dân bỏ tôm chuyển sang ốc. Điều khiến chúng tôi lo lắng là thời gian qua, ốc giống của các trại giống có biểu hiện chết hàng loạt; ở một vài vùng nuôi ốc mới thả vài ngày đã bị chết”.

Theo ông Cửu, không phải khu vực nào cũng nuôi được ốc hương, bởi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, kỹ thuật của người nuôi. Trong khi đó, giá ốc hương lên xuống thất thường do đầu ra không ổn định, phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc… Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc hương cho người dân, địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thả nuôi ốc hương, cần phải thận trọng với đối tượng nuôi này do chi phí đầu tư rất lớn.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng và trị bệnh cho Ốc hương

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, thì mới chỉ biết được có 2 loại bệnh trên ốc hương: bệnh sưng vòi lấy thức ăn (nguyên nhân có thể do tác hại của trùng lông ciliophora) và bệnh ốc hương bỏ vỏ.
Những bệnh này thường xuất hiện vào đầu tiên giữa mùa mưa (tháng 10 – 11 hàng năm) khi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng vật chất hữu cơ thay đổi. Đây là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.
Đến nay vẫn chưa xác định được tác nhân chính gây chết ốc hương cũng như chưa đưa ra các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Do đó người nuôi ốc hương cần quan tâm đến khâu phòng bệnh.

Các Tác Nhân Gây Bệnh

Tác nhân gây bệnh chủ yếu ở ốc hương gồm năm nhóm sau đây:
Vi khuẩn:
Đây là nhóm nguy cơ cao với tần suất xảy ra thường xuyên.
Ốc hương (nhất là ở giai đoạn ấu trùng) rất nhạy cảm với thuốc kháng sinh, hầu hết chúng đều chết khi sử dụng liều lượng cao (>5ppm). Có thể dùng A30 (2-3 ppm) cho trực tiếp vào bể ương nuôi ấu trùng nhằm ngăn chặn tác hại của một số vi khuẩn.
Nấm:

Đây cũng là tác nhân gây bệnh chủ yếu cho ấu trùng ốc hương. Kết quả phân lập nấm trên trứng và ấu trùng Veliger đã xác định được 3 giống là Haliphthros, Fusarium, Legenidium. Nấm Fusarium thường được tìm thấy cùng với vi khuẩn V.alginolyticus ở các mẫu ốc bị bệnh.
Có thể dùng Nistatine 1 ppm cho trực tiếp vào bể nuôi để hạn chế tác hại của nấm. Sun-fat đồng dùng ở liều lượng nhỏ (0,1 – 0,2 ppm) cũng có tác dụng hạn chế sự phát triển của nấm.

Nguyên sinh động vật:
Trong số các nguyên sinh động vật, trùng loa kèn là tác nhân thường gặp nhất trên cả giai đoạn trứng và ấu trùng, đặc biệt trong trường hợp nuôi ấu trùng ở mật độ dày và ít thay nước. Trùng loa kèn thường ký sinh trên vỏ ốc, tiêm mao và chân ấu trùng. Ở mật độ thấp, trùng loa kèn gây khó khăn cho hoạt động của ấu trùng, còn ở mức độ nhiễm cao chúng có thể gây chết rải rác hoặc hàng loạt trong các trại sản xuất giống.
Hai giống Vorticella và Zoothamnium thường gặp trong các mẫu kiểm tra và thường xuất hiện nhiều hơn trong môi trường nước có độ mặn cao. Mật độ trùng loa kèn tăng theo thời gian nuôi liên quan đến mức độ nhiễm bẩn của nước. Bên cạnh trùng loa kèn còn xuất hiện một số tác nhân khác. Chúng có kích thước nhỏ, không có tiêm mao nhưng chuyển động rất nhanh, kí sinh bên trong ấu trùng với cường độ cảm nhiễm cao.
Theo dự đoán đây có thể là những loài thuộc vi bào tử Glugeo ngành Microsporia, bộ Glugeida, họ Glugeidae. Một loại ký sinh trùng khác thường gặp, nhất là vào mùa mưa là trùng lông. Trùng lông ký sinh ở mang, chân, ống hút và thường gặp ở giai đoạn con non và con trưởng thành. Loại này có hình dạng giống như cầu gai nhưng kích thước rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tác nhân này đã được phát hiện với tần suất cao trong ốc nuôi ở thời điểm dịch bệnh gây chết hàng loạt.
Shrimp favour với nồng độ 0,5 – 1,5 ppm có tác dụng phòng bệnh tốt cho ấu trùng để ngăn chặn sự phát triển của trùng loa kèn trên ấu trùng ốc hương.

Ốc hương

Giun:
Gồm có giun đốt, giun tròn và giun đầu móc hình dấu phẩy. Chưa xác định được tên giống loài. Giun đốt có màu đỏ, kích thước chiều dài của con trưởng thành khoảng 1-1,5 cm. Loại giun này thường xuất hiện nhiều trong bể nuôi ấu trùng sử dụng các loài tảo tươi làm thức ăn. Tác hại của chúng chưa rõ ràng. Giun tròn có kích thước khác nhau từ 1 đến vài mm, bám ở trên vỏ ốc nhưng không gây ảnh hưởng nhiều. Giun móc hình dấu phẩy là bọn kí sinh nguy hiểm đối với ấu trùng và chuyển động nhất nhanh chọc khuấy các bộ phận cơ quan ốc làm cho ốc yếu dần và chết.
Sử dụng dung dịch CuSO4 nồng độ 0,05 và 0,1 ppm có thể loại bỏ hoàn toàn ba loài giun này.
Copepoda:
Thường xuất hiện trong các bể ương ấu trùng sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp. Chúng thường cạnh tranh thức ăn, môi trường sống và dùng chủy tấn công vào các bộ phận cơ quan của ốc. Kết quả làm giảm tỉ lệ sống và sinh trưởng của ốc, có thể gây chết hàng loạt nếu mật độ copepoda cao. Chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả ngoại trừ việc chuyển bể để hạn chết số lượng copepoda.

Hiện Tượng Ốc Hương Chết Hàng Loạt

Chết hàng loạt là hiện tượng xảy ra phổ biến ở các trại sản xuất giống, ao và lồng nuôi thương phẩm ốc hương. Ốc bò lên bề mặt nền đáy bể hoặc lồng nuôi, bò ăn và chết rất nhanh sau 1 đến 2 ngày, đặc biệt với ốc giai đoạn ương giống.
Dấu hiệu kèm theo là vòi lấy thức ăn của ốc lòi ra, sưng tấy. Quan sát kỹ thấy ốc thường giẫy dụa rất nhiều trước khi chết. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng hợp các tác nhân gồm vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phát triển trong điều kiện môi trường nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chính gây chết trực tiếp đối với ốc hương.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp trị bệnh hiệu quả do chưa xác định rõ tác nhân chính. Do đó cần chú ý đến vấn đề phòng bệnh.

Để hạn chế bệnh này, cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
Trước hết phải quan lý môi trường nuôi sạch sẽ.
Chú trọng đến nguồn giống và chất lượng giống nuôi. Tuyệt đối không nên khai thác giống tự nhiên và vận chuyển từ xa về nuôi vì không đảm bảo sức khỏe, dễ bị nhiễm khuẩn và chết do vận chuyển, làm lây lan và truyển bệnh.

Ngoài ra nên bổ sung một số loại vitamin như C, B1,…vào trong thức ăn để giúp ốc sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt.

Biện Pháp Phòng Bệnh Cho Ốc Hương

Phòng bệnh cho ốc hương

Thả giống đúng kích cỡ (theo khuyến cáo, kích cỡ giống tối thiểu đạt 8.000 – 10.000 con/kg; mật độ thả thích hợp 500 – 1.000 con/m2), không nên thả giống còn quá nhỏ chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, oxy hòa tan để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ốc, đặc biệt chú ý yếu tố nhiệt độ và độ mặn.
Khi có biểu hiện ốc kém ăn và chết rải rác, cần nhặt hay sàn lọc số ốc này, không nên vứt bừa bãi ở khu vực vùng nuôi sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước trong khu vực. Di chuyển lồng khi nguồn nước có sự xáo trộn các chi tiêu lý hóa, biến động. Báo cáo bộ buôi trồng thủy sản ở địa phương khi xảy ra sự cố, ốc chết.
Thường xuyên kiểm tra vệ sinh lưới lồng, nền đáy trong suốt quá trình nuôi, sau mỗi đợt nuôi cần cải tạo suốt quá trình nuôi, sau mỗi đợt nuôi cần cải tạo kỹ nền đáy. Định kỳ sử dụng vôi bột với liều lượng 10 – 30 ppm để cải tạo nền đáy trong quá trình nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi ốc hương

Tùy từng điều kiện tự nhiên mà chọn loại hình nuôi ốc hương thương phẩm: nuôi đăng hoặc lồng, nuôi ao đất, nuôi bể xi-măng.

Nuôi trong đăng, lồng

Phải chọn vị trí đặt đăng, lồng ở vùng nước trong sạch, đáy cát hoặc san hô, độ mặn 25- 35, ổn định. Lồng, đăng được làm chắc chắn, có lưới bảo vệ. Độ sâu đặt lồng, cắm đăng từ 1,5m nước trở lên.

Thu hoạch ốc hương nuôi trong đăng

Thả giống: Cỡ giống tối thiểu đạt 8.000 – 10.000 con/kg trở lên. Mật độ thả: 500-1.000 con/m2.

Thời gian nuôi: Nuôi từ 5 – 6 tháng tùy theo điều kiện môi trường nuôi và quá trình quản lý chăm sóc.

Chăm sóc: Thức ăn cho ốc hương là cá, cua, ghẹ, don, dắt… đập vỏ, thái nhỏ. Lượng thức ăn mỗi ngày bằng 5 – 10% trọng lượng ốc hương, ngày cho ăn một lần vào chiều tối. Theo dõi lượng thức ăn thừa hằng ngày để điều chỉnh, vớt thức ăn thừa tránh ô nhiễm. Nếu lồng, đăng quá bẩn cần chuyển vị trí, làm vệ sinh lồng sạch sẽ.

Thu hoạch: Khi ốc nuôi đạt 90 – 150 con/kg tiến hành thu hoạch.

Nuôi trong ao

Ao nuôi phải gần biển, nước sạch, đáy cát, ít bùn. Độ mặn 25 – 35. Độ sâu ao từ 0,8 – 1,5m nước, độ pH 7,5 – 8,5. Ao tẩy sạch sẽ, diệt trừ dịch hại, dùng lưới ngăn cá dữ, cua ghẹ vào ăn ốc con.

Thả giống: Cỡ giống thả 5.000 – 6.000 con/kg. Mật độ thả: 50 – 100 con/m2.

Thời gian nuôi: Từ 5 – 6 tháng tùy điều kiện chăm sóc và môi trường ao nuôi.

Chăm sóc: Thức ăn gồm cá, trai nước ngọt, don, cua, ghẹ… băm nhỏ. Lượng thức ăn hằng ngày bằng 5 – 10% trọng lượng ốc nuôi. Cho ăn mỗi ngày một lần vào chiều tối. Thức ăn được thả vào sàn hoặc vó, đặt đều khắp ao.

Nuôi ốc hương trong ao

Theo dõi lượng thức ăn thừa hằng ngày để điều chỉnh. Vớt thức ăn thừa khỏi ao để tránh ô nhiễm. Thay nước ao thường xuyên để ốc lớn nhanh. Cải tạo lại ao cũ trước khi nuôi lại.

Thu hoạch: Khi ốc nuôi đạt kích thước 90 – 150 con/kg có thể thu hoạch. Tháo cạn nước trong ao, nhặt bắt ốc bằng tay, hoặc dùng cào sắt để gom ốc. Ốc thu hoạch xong nhốt trong giai hoặc bể 1 – 2 ngày để làm sạch bùn đất và trắng vỏ.

Nuôi trong bể xi-măng

Bể xi-măng có che bớt ánh sáng bằng lưới chắn nắng. Nhiệt độ trong bể nuôi không quá 320C vào mùa hè. Đáy bể phủ cát mịn dày 2 – 3cm. Độ mặn 30 – 35, giữ độ mặn không giảm xuống dưới 20. Nuôi ở mức nước từ 0,5 – 1,2m.

Thả giống: Cỡ giống thả 10.000 – 12.000 con/kg trở lên.

Mật độ thả: 100 – 200 con/m2.

Thời gian nuôi: Từ 5 – 7 tháng tùy theo điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng.

Nuôi ốc hương trong bể xi măng

Chăm sóc: Thức ăn là cá, ghẹ,… băm, đập, giã nhỏ. Lượng thức ăn hằng ngày bằng 5 – 10% trọng lượng ốc nuôi. Mỗi ngày cho ăn 1 – 2 lần. Rải thức ăn đều trên khắp mặt bể.Theo dõi lượng thức ăn thừa hằng ngày để điều chỉnh hệ số cho phù hợp. Vớt thức ăn thừa để không làm ô nhiễm nước bể.Thay nước từ 50 – 70% nước trong bể mỗi ngày. Định kỳ thay, rửa cát đáy, giữ môi trường bể nuôi luôn sạch để giúp ốc lớn nhanh. Vệ sinh, cải tạo bể khi nuôi lại.

Thu hoạch: Khi ốc nuôi đạt kích thước 90 – 150 con/kg có thể thu hoạch. Ốc sau thu hoạch nhốt trong giai hoặc trong bể 1 – 2 ngày để làm sạch bùn đất và làm trắng vỏ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam