Theo Cục Trồng trọt, dự kiến diện tích gieo trồng đậu tương vụ đông năm nay của các tỉnh khu vực phía Bắc sẽ tăng cao, khả năng thiếu giống, đặc biệt là các giống chất lượng cao.
Khuyến cáo của các nhà chuyên môn là, các địa phương cần khẩn trương thu hoạch đậu tương xuân và tranh thủ các chân đất tốt, điều kiện tưới tiêu thuận lợi để tiếp tục gieo trồng thêm vụ đậu tương hè thu nhằm cung cấp đủ giống cho vụ sản xuất đậu tương đông sắp tới.
Đậu tương (đậu nành)
Xin giới thiệu “Quy trình tóm tắt sản xuất đậu tương giống vụ hè thu” của Viện Di truyền Nông nghiệp để bà con và các địa phương tham khảo, áp dụng.
– Giống: Bà con có thể sử dụng các giống DT 84, DT 96, DT 2001 nguyên chủng do cơ quan tác giả – Viện Di truyền Nông nghiệp hoặc của các công ty, cơ quan có thẩm quyền sản xuất giống nguyên chủng cung cấp để gieo trồng trong vụ hè thu nhằm lấy giống cho sản xuất vụ đông sắp tới.
Đây là các giống đậu tương có tiềm năng năng suất cao, có tính thích ứng rộng, có thể trồng được cả 3 vụ xuân, hè, đông (vụ hè giảm 1/2 lượng đạm, chỉ nên tập trung cho bón lót, nếu đất tốt không cần bón đạm, tiết kiệm chi phí). Ngoài ra, có thể sử dụng các giống đậu tương khác như: DT 76, DT 80, DT 83, DT 92, DT 93, DT 94, DT 99, TL 75, HL 92, HL 2, AK 06, DT 2000…
– Tiêu chuẩn hạt giống: Hạt giống phải lấy ở cây khỏe mạnh, thuần chủng, đúng giống, nhiều quả có 2-3 hạt, khi chín ít bị tách vỏ. Chọn hạt mẩy, không sâu bệnh, độ nẩy mầm phải đạt >90%. Trước khi gieo bà con nên phơi lại bằng các dụng cụ đựng như nong, nia, cót; tránh phơi trên sân gạch hoặc sàn xi măng dưới nắng gắt sẽ làm hạt chảy dầu, giảm sức nẩy mầm.
– Thời vụ: Gieo từ 15-6 đến 15-7.
– Chọn và làm đất, gieo hạt: Chọn các chân đất tốt, chủ động tưới tiêu, cát pha, ít chua. Với vụ hè, hè thu, gặt và giải phóng lúa xuân trước 26-5 đến 6/6 dương lịch; ngô xuân phải giải phóng trước 1/7. Có thể làm đất toàn diện (cày bừa với đất khô) hoặc làm đất tối thiểu (với đất ướt) nhưng phải cày thành luống để thoát nước nhanh, tránh bị ngập úng.
Gieo thưa với mật độ 20-25 cây/m2 để tránh đổ trong vụ hè. Số hạt thừa nên gieo thêm 0,5-1m2 mạ ở đầu bờ để dặm sau 7 ngày, khi cây con chưa có lá nhặm. Gieo xong phủ một lớp rơm rạ, bẹ ngô vừa để giữ ẩm, vừa chống mưa to xói trôi hạt giống. Sau khi gieo nếu gặp mưa to, ngày hôm sau dùng bàn cào cào nhẹ để phá váng giúp cho hạt không bị chầm dưới đất ẩm.
– Bón phân, chăm sóc: Lượng phân bón cần cho 1 sào (360m2): 300 kg phân chuồng hoai mục + 4 kg đạm +15 kg phân lân + 5 kg phân kali + 10 kg vôi bột (nếu đất chua). Với đất khô, bón lót toàn bộ phân chuồng + lân hoặc NPK vào rạch, lấp nhẹ, gieo hạt bên cạnh, cách phân 5cm, lấp hạt sâu 1-2cm.
Trường hợp đất ướt, bón toàn bộ phân chuồng được trộn thêm trấu và đất bột theo tỷ lệ 1:1 để lấp hạt. Xới xáo làm cỏ lúc cây mới có 3 lá thật, xới xáo kết hợp bón thúc toàn bộ lượng đạm và phân kali còn lại hoặc NPK và vun cao gốc lúc cây có 5-6 lá thật. Nếu cây phát triển kém do bị úng, hạn cần pha nước phân chuồng ngâm với lân và đạm urê pha loãng tưới 2-3 lần.
– Thu hoạch, để giống: – Khử lẫn để loại bỏ cây khác dạng vào 3 giai đoạn lúc cây 8 ngày tuổi, khi ra hoa rộ và trước khi thu hoạch.
– Thu hoạch lúc 1/2 số quả có vỏ đã chuyển sang khô. Thu hoạch vào những ngày nắng ráo. Có thể xử lý cho rụng lá trước khi thu hoạch 1 tuần bằng các biện pháp như: ngâm nước, phun ethrel hoặc nước muối, phân kali…
Cắt gốc, rải trên sân phơi 1 nắng, đưa vào nơi khô ráo, xếp dựng cây đứng không được đắp đống cao trên 0,5m, ngày thứ 3 đem phơi tiếp 1 nắng rồi đập lấy hạt đợt 1 để làm giống. Số còn lại ủ tiếp 2 ngày, đập lấy hạt, phơi khô còn độ thủy phần 10-13% đem vào cất giữ, bảo quản làm đậu thương phẩm.
Nguồn: nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.