Nông dân Bắc Giang trúng đậm vụ vải nhờ áp dụng khoa học

Được lựa chọn thí điểm áp dụng khoa học giúp vải chín sớm, anh Nguyễn Thanh Lâm vui mừng thắng lớn 300 triệu vụ này.

Người nông dân vui mừng khi trúng đậm vụ vải

Bước vào vườn vải chín sớm rộng 2,5 ha của anh Nguyễn Thanh Lâm (xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang), nhiều thương lái tỏ ra ngạc nhiên khi vải nhà anh quả to đều và đẹp hơn những vườn gần đó. Bóc một quả vải ăn thử, họ càng ngạc nhiên hơn vì quả vải ngọt thơm không thua kém vải chính vụ. Anh Lâm cho biết tất cả nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật.

Tháng 6/2016, Viện Địa lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến đặt vấn đề với một số hộ dân trồng vải ở Bắc Giang, trong đó có gia đình anh Lâm, về việc thực hiện đề tài nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất, góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều.

“Tôi đã khá lo lắng khi được chọn làm thí điểm đề tài của các nhà khoa học vì trước đó bà con ở huyện Tân Yên chúng tôi chỉ chăm sóc cây vải theo phương thức truyền thống hay quy trình VietGAP. Bây giờ, họ chỉ lấy mẫu đất về phân tích để xem thừa, thiếu chất dinh dưỡng nào khiến tôi lo sợ sẽ mất trắng cả vụ vải”, anh Lâm nói.

Tuy nhiên, sự lo lắng của anh Lâm được xua tan dần khi các nhà khoa học thường xuyên trực tiếp đến vườn vải kiểm tra. “Khi vải bắt đầu nhú hoa, các anh ấy đã cho tôi phân bón lá, phân bón gốc và hướng dẫn chi tiết quy trình bón phân. Các anh còn dặn phải ghi chép đầy đủ ngày, giờ chăm sóc vào một cuốn sổ và báo cáo lại qua điện thoại”, anh Lâm nói và cho biết đã hoàn toàn tin tưởng khi tỷ lệ đậu hoa và quả cao hơn mọi năm từ 20 đến 30%.

Đến ngày thu hoạch, chủ vườn vải “mừng ra mặt” khi sản lượng đạt hơn 10 tấn/ha, tăng gấp rưỡi so với trung bình hàng năm và gấp 3 lần năm ngoái. Giá trị quả vải cũng tăng đáng kể. Giá bán tại gốc đầu mùa là từ 30 đến 35 nghìn/kg. “Tôi đã có ý định phá vải để trồng bưởi hoặc cam canh sau vụ này. Nhưng với sản lượng như vậy, tôi quyết định sẽ tiếp tục chăm cây vải”, anh Lâm chia sẻ.

Có diện tích chỉ khoảng 7.000 m2 với 350 gốc vải chín sớm, anh Ngô Văn Cường (xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên) vui mừng khi vụ năm nay, anh thu về khoảng 300 triệu đồng. “Quả vải đều, đẹp hơn mọi năm và không bị sâu cuống, chất lượng hơn hẳn vải được chăm sóc theo cách truyền thống. Tôi bán khoảng 30 nghìn/kg tại vườn, cao hơn giá thị trường từ 5 đến 7 nghìn”, anh Cường thông tin.

Theo chủ vườn này, quy trình chăm sóc cây vải do Viện Địa lý hướng dẫn không vất vả hơn so với chăm sóc truyền thống nhưng hiệu quả hơn hẳn. “Nhiều hộ xung quanh cứ hỏi có bí quyết gì để quả vải đẹp vậy. Họ còn trách tôi vì sao không chia sẻ cách làm cho họ”, anh Cường cười nói và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục mở rộng đề tài để không chỉ gia đình anh mà cả huyện được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật.

Theo kết quả báo cáo của chủ nhiệm đề tài, các mô hình thực nghiệm vải chín sớm Phúc Hòa có hơn 2.300 hoa/chùm, số quả trung bình đạt hơn 7 quả/chùm, tăng so với các hộ dân không thực hiện mô hình 31,8%. Về hình thức, quả vải to và đỏ hơn. Về chất lượng, vải ngọt và không bị sâu cuống. Năng suất tăng từ 15 đến 20%, sản lượng rơi vào khoảng 15-17 tấn/ha.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang cho biết đề tài do Viện Địa lý làm thí điểm là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên liên quan đến nghiên cứu đất và biện pháp canh tác vải mà các nhà khoa học trực tiếp tham gia.

“Ban đầu, người dân cũng chưa tin lắm, vẫn còn khó khăn trong quá trình chọn hộ nhưng khi chọn được rồi, họ tuân thủ rất đúng sự hướng dẫn của các nhà khoa học nên kết quả rất tốt. Theo báo cáo của người dân, sản lượng trung bình tăng 20%, thậm chí có vườn tăng 30%”, ông Kiên nói.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Giá vải thiều Bắc Giang sẽ đắt đỏ do thời tiết khắc nghiệt

Với việc từ đầu năm đến nay, thời tiết tại Bắc Giang nói riêng và tại miền Bắc nói chung luôn ở mức nhiệt độ cao so với trung bình hàng năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc ra hoa của cây vải. Vậy nên, theo nhiều người nông dân trồng vải tại đây, năm nay vải Bắc Giang sẽ mất mùa và giá có thể đẩy lên cao. Thị phần dành cho trong nước sẽ hạn chế và ưu tiên cho thị phần xuất khẩu. Cùng với đó, nhiều nông dân trồng vải tại Bắc Giang đang tính đến phương án chuyển đổi cây trồng thay thế.

Vải thiều Bắc Giang

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2016 đạt sản lượng vải thiều khoảng 91.508 tấn, giá bán bình quân đạt 22.000 đồng/kg quả tươi, tổng giá trị sản xuất vải thiều đạt 2.013 tỷ đồng. Vụ vải năm 2016, vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ nội địa khoảng 43.400 tấn và xuất khẩu khoảng 48.108 tấn sang các nước Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Australia, Anh, Malaysia….

Tuy nhiên, năm nay, do tình hình thời tiết thất thường với nhiệt độ trung bình hàng năm tăng cao, cây vải Bắc Giang không ra hoa đều như mọi năm. Theo nhiều người nông dân tại Bắc Giang, so với những năm trước tỉ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 30%. Như vậy, so với sản lượng năm trước, năm nay thị trường sẽ thiếu hụt khoảng 70 – 80% sản lượng vải Bắc Giang. Vì là vải mất mùa, cùng với việc sẽ ưu tiên cho xuất khẩu nên thị phần trong nước giá vải có thể tăng cao.

Cô Nguyễn Thị Toan (Lục Ngạn – Bắc Giang) dự báo , giá vải năm nay sẽ tăng cao. Có thể tăng gấp đôi, gấp ba những năm trước. Cùng với đó, thị trường trong nước sẽ khan hiếm và vải nguyên liệu để chế biến các sản phẩm công nghiệp khác như vải sấy khô, mứt vải, nguyên liệu làm bánh kẹo cũng sẽ hạn chế.

“Thời tiết từ đầu năm đến nay ấm liên tục khiến cho cây vải không ra hoa. Sản lương vải giảm mạn. Do đó, giá vải sẽ tăng cao kỉ lục. Nếu những năm trước khoảng 15.000 đồng – 25.000 đồng/kg thì năm nay, vải Bắc Giang sẽ có mức giá trung bình khi vào mùa khoảng 35.000 – 50.000 đồng và có thể sẽ đắt hơn do thị trường khan hiếm. Và đương nhiên, vải đặc sản sẽ dành cho xuất là chính vì sản lượng không nhiều”, cô Toan nói.

Với hơn 1 Hecta trồng vải, gia đình anh Phúc Hòa An (Lục Ngạn – Bắc Giang) cũng ước tính, sản lượng năm nay sẽ giảm hơn 70% so với những năm trước. Nhiều cây vải không ra hoa, thậm chí thời điểm này, vải đã đậu quả. Tuy nhiên, nhìn cả đồi vải vẫn xanh mướt một màu lá.

“Mọi năm, tầm này vải bắt đầu có cùi non. Tuy nhiên năm nay vẫn chỉ thấy lá và chồi, lộc vươn lên, đây chính là tình tạng “ngủ đông” của vải. Nếu những loại cây khác thường thích hợp với thời tiết ấm, nóng thì riêng cây vải lại ngược lại. Trời lạnh thì sẽ cho ra hoa, còn nóng và âm u sẽ bị thui chột và chỉ ra lộc. Thế nên, năm nay, vải mất mùa. Giá vải sẽ đẩy lên cao vì không có nhiều để bán, đồng nghĩa với việc năm nay người nông dân cũng sẽ bị lỗ vốn”, anh Hòa An cho biết.

Thời tiết khan hiếm khiến cho vải thiều trở nên đắt đỏ

Theo anh Hòa An, chỉ cần khoảng thời gian sau Tết thời tiết có chừng 20 ngày rét đậm dưới 15 độ C thì cây vải sẽ phân hóa mầm hoa và không dẫn đến tính trạng cả đồi vải chỉ toàn lá như hện nay. Tuy nhiên, năm nay gần như không có mùa Đông nên thời gian ra hoa cũng không xuất hiện và nhiều người nông dân như anh An tại Bắc Giang đang tính đến phương án chuyển đổi giống cây trồng khác.

“Một năm chỉ trông chờ vào một vụ vải. Thời tiết thì liên tục dự báo nóng dần lên. Vậy nguy cơ cây vải sẽ tuyệt chủng là rất lớn. Công chăm sóc, phân bón đổ cả vào 1 hecta vải, giờ thì thu hoạch không được như mong đợi. Nên có thể, chúng tôi sẽ chuyển đổi mô hình trồng cây khác. Bám lấy cây vải e rằng không có tương lai”, anh An buồn bã nói thêm.

Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Sau khi thu hoạch vụ vải năm 2016, bà con chăm sóc vải rất tốt. Tuy nhiên, trong tháng 11, 12/2016 và tháng 1/2017, nhiệt độ cao hơn trung bình các năm từ 1- 3 độ C nên đến nay 70% diện tích vải trên địa bàn không ra hoa mà chỉ ra lá. Đây là lần đầu tiên tình trạng vải mất mùa do không ra hoa xảy đến với bà con nông dân.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang thì năm nay, gần 10.000 ha vải của tỉnh này thay vì ra hoa đã ra lá. Ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con nông dân dân. Hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng đang tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn giúp bà con nông dân trong việc vải mất mùa.

Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng khuyến cáo bà con nên bình tĩnh, không nên vội chuyển đổi cây trồng trước khi có tư vấn của Sở.

Hiện tại, tại thị trường Hà Nội , vải đầu mùa tại Hải Dương (dân gian hay gọi là vải Tu Hú) đã bày bán với mức giá dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây là loại vải có vị chua và không dày cùi như vải đặc sản Bắc Giang.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỷ lục 10 năm: Vải thiều Bắc Giang mất mùa, giá tăng mạnh

Sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% sản lượng năm 2016. Trong đó, tại thủ phủ vải thiều Lục Ngạn, sản lượng giảm một nửa, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Vải mất mùa, nhiều vườn vải sản lượng giảm tới 50%

Dân thiệt hàng trăm triệu đồng

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, cuối năm 2016, đầu năm 2017, do có những biến động lớn về khí hậu, thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại kéo dài dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều ; kéo theo đó, vải thiều năm nay ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016.

Sản lượng vải thiều ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016. Trong đó, diện tích vải thiều sớm sản lượng khoảng 26.000 tấn, vải thiều chính vụ đạt khoảng 74.000 tấn.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – thủ phủ vải thiều của Bắc Giang, thừa nhận, năm 2017, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải thiều Lục Ngạn giảm hơn so với năm 2016, ước đạt 40.000-50.000 tấn, trong khi hàng năm, với diện tích hơn 16.000 ha, sản lượng hàng năm trước đạt 100.000 tấn/năm.

Ông Bình cho biết, vụ vải năm 2017 dù có sản lượng thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây, song vải thiều Lục Ngạn vẫn có số lượng lớn, đủ cung cấp ra thị trường. Đặc biệt là chất lượng, mẫu mã quả vải được nâng cao do có sự quan tâm, đầu tư chăm sóc, giám sát quy trình chặt sẽ hơn.

Thực tế, theo ghi nhận của PV.VietNamNet tại thủ phủ vải thiều huyện Lục Ngạn, một số vườn vải chỉ có lá không có quả. Vườn nào trồng vải thiều chính vụ mới đang vào cùi, quả còn xanh, trong khi đó, vải chín sớm quả ăn vẫn còn chua và khoảng một tuần nữa mới bắt đầu thu hoạch.

Đứng trước vườn vải của gia đình mình, anh Phùng Trần Hoan ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn), chỉ tay: “Vườn vải năm nay toàn lá, có quả đâu, mất mùa nên gần như mất trắng hết”.

Theo anh Hoàn, năm trước, sản lượng vải nhà anh đạt 6 tấn, nhưng năm nay mùa đông không lạnh, không có mưa nên vải thiểu ở xã Hồng Giang không thể ra hoa đậu quả.

“Với sản lượng vải năm nay tại vườn chỉ đạt 5-6 tạ, gia đình dự tính thiệt hại cả 100 triệu đồng bởi tiền vải thu được không thể bù được tiền công, tiền phân bón”, anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, một hộ dân trồng vải thiều tịa xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cho biết, năm nay, hầu hết các vườn vải trong vùng đều chịu cảnh mất mùa do thời tiết diễn biến thất thường khiến tỷ lệ cây vải ra hoa và đậu quả thấp, đặc biệt, vải chính vụ tỷ lệ mất mùa cao, sản lượng ước giảm 50% so với năm ngoái.

“Trong xã này cũng thế, duy nhất chỉ có các vườn vải trong thôn của ông là vẫn giữa được sản lượng như vụ vải trước”. Tuy nhiên, theo ông Hiền, tuy vải mất mùa nhưng lại được giá. Cụ thể, với loại vải chín sớm, giá bán tại vườn đang dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Còn với vải chính vụ, bây giờ mới bắt đầu vào cùi, song chất lượng vải được đánh giá là tốt, mẫu mã đẹp hơn những năm trước rất nhiều. Song, vải sẽ cho thu hoạch muộn hơn năm trước tầm nửa tháng, tức phải vào thời điểm giữa tháng 6 mới có vải chính vụ.

Trung Quốc: Thị trường xuất khẩu chính

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017 vừa mới được tổ chức, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, cho biết, vải thiều của tỉnh này sẽ tiêu thụ tại hai thị trường chính là nội địa và xuất khẩu.

Trong nước, Bắc Giang xác định Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được kết nối tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như Metro, Co.opmart, BigC, Happro. Ngoài ra còn có các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra, mở rộng, phát triển thêm thị trường mới ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Còn với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống với thị phần sản phẩm vải thiều tươi là chủ yếu. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao sản lượng vải thiều xuất khẩu sang các thị trường khác như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia.

Trung Quốc chính là nơi xuất khẩu vải chính

“Năm nay sẽ mở rộng thêm thị trường sang các nước Trung Đông, Dubai, Thái Lan, Canada,… ”, ông Thái nói và cho biết thêm, dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều trong nước chiếm 50%, 50% còn lại sẽ xuất khẩu.

Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, đoàn Trung Quốc gồm 77 người, trong đó có khoảng 65 doanh nghiệp Trung Quốc đã sang thăm vùng vải Bắc Giang để chuẩn bị cho công tác thu mua vải thiều xuất sang thị trường này.

Đại diện các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai đều khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho vải thiều Bắc Giang sang Trung Quốc, như thời gian thông quan không quá 20 phút/xe, giúp vải được xuất sang Trung Quốc nhanh chóng, tránh tình trạng ách tắc.

Năm nay, các lực lượng chức năng tại Hà Khẩu đã đồng thuận cho phép xe tải cỡ lớn của Việt Nam được vận chuyển thẳng qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, giúp giảm chi phí bốc xếp hàng hóa và cước phí vận tải, đại diện Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho hay.

Song, ông Đinh Văn Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên thu mua xuất khẩu vải thiều, cho rằng, cần nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông, đặc biệt quốc lộ 31 và đường đến trung tâm các xã huyện Lục Ngạn để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi. Đồng thời, tạo điều kiện thủ tục đăng ký tạm trú cho thương nhân nước ngoài thuận tiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.