Chính thức: Lô xoài Việt Nam đầu tiên đi máy bay sang Mỹ

Sau 10 năm đàm phán, xoài Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp là nơi có lô xoài đầu tiên được xuất khẩu.

Sáng nay (18.4), tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Các đại biểu làm nghi thức chào mừng lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Xoài là loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trước đó là thanh long (2008), chôm chôm (2011), nhãn và vải (2014), vú sữa (2017).

Để trái xoài vào Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật đã nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009. Đến ngày 18.2.2019 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Văn phòng của Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Hoa Kỳ”.

Xoài Đồng Tháp được xuất sang Hoa Kỳ

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đơn vị xuất khẩu lô hàng xoài đầu tiên này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị nhập khẩu là Công ty Trái cây nhiệt đới Đại Tân, đơn vị cung ứng sản phẩm xoài là Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh).

“Sau hơn 10 năm đàm phán, chúng tôi rất mừng khi xoài Việt Nam, trong đó có Đồng Tháp được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đây là kết quả nỗ lực rất lớn của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, cơ quan chức năng phía Hoa Kỳ đồng ý nhập khẩu xoài Việt Nam. Có thị trường đã khó, giữ thị trường càng khó khăn hơn vì vậy, người dân sản xuất xoài, đơn vị xuất khẩu phải đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn” – ông Hùng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn nhất khu vực ĐBSCL với khoảng 9.300 ha. Theo đó, 2 giống xoài chủ lực đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của địa phương này là xoài Cao Lãnh và xoài cát chu Cao Lãnh.

Đến nay, xoài Việt Nam đã được xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới, trong đó có châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand… Các giống xoài được xuất khẩu là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài tượng da xanh, xoài keo,…

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Xoài Việt Nam ngon, ngọt không thua kém gì xoài Nhật.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết , thanh long ruột trắng và xoài cát chu đã mở đường cho hoa quả Việt Nam vào thị trường khó tính.

Xoài Việt ngon, ngọt không thua kém gì xoài Nhật.

Chiều 7/11, lô xoài tươi cát chu ( Đồng Tháp) 3,5 tấn đầu tiên đã được giới thiệu tại trung tâm thương mại AEON ( tỉnh Chiba, Nhật Bản ). Dự kiến từ nay đến Tết Dương Lịch, 80 tấn xoài sẽ được nhập khẩu tại thị trường này, theo đường biển,  hàng không.

Trong niềm vui với thành quả sau 4 năm theo đuổi và đàm phán thương vụ này, ông Nguyễn Trung Dũng đã có những chia sẻ.

Tôi rất vui. Vậy là sau gần 4 năm đàm phán, đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, cùng với sự chuẩn bị và hoàn thiện của nhà nông cũng như doanh nghiệp, chúng ta đã đưa được xoài tươi Việt vào thị trường Nhật.

Trung tâm thương mại AEON, tỉnh Chiba ( Nhật Bản) , nơi xoài của ta được tiêu thụ, mỗi ngày đón trung bình 50.000 khách. Quầy hàng xoài cát chu Việt Nam trong sự kiện giới thiệu sản phẩm đông nghịt khách.

Với quan sát và cảm nhận của tôi, không chỉ có người Nhật, mà ngay cả chính người Việt Nam tại đây, khi ăn thử, cũng tỏ ra rất ngạc nhiên vì chất lượng đồng đều, độ ngon ngọt , màu sắc đẹp của sản phẩm quê nhà. Tôi thật sự vui khi nhìn thấy điều đó.

Xoài tươi cát chu của Việt Nam được đón nhận tại hệ thống siêu thị AEON, Nhật Bản.

Xoài chu Việt Nam.

Chúng ta phải dành tới 4 năm để đi qua tất cả các khâu của quy trình từ kiểm tra, khảo sát vùng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản tới khi hoàn tất đàm phán, đạt được thỏa thuận và vận chuyển tới thị trường Nhật.

Nói về công tác bảo quản xoài, chúng ta đã thành công trong việc quản lý xử khuẩn bằng hơi nước nóng. Đây là công nghệ chuyển giao của Nhật Bản, giúp thanh long ruột trắng trước đó, và nay là xoài vượt qua rào cản cuối để vào thị trường thành công.

Riêng về vận chuyển, trong đợt hàng đầu tiên, để đảm bảo chất lượng xoài tươi đáp ứng thị trường vào thời điểm ngon nhất, chúng ta phải chấp nhận đi đường hàng không. Chi phí vận chuyển này khá tốn kém. Trong thời gian tới, bằng cách tính toán thời gian hợp lý, ngoài đường hàng không, xoài có thể đi cả bằng đường biển.

Xoài là loại trái cây được yêu thích ở Nhật. Người Nhật cũng có xoài do chính họ trồng, đã có thương hiệu từ lâu. Tuy nhiên, xét về chất lượng, tôi đã trải nghiệm và thấy xoài của ta về độ ngon, ngọt, thơm và màu sắc không hề thua kém. Chưa kể giá loại quả này của Nhật bán tại các siêu thị cao hơn rất nhiều.

Thực tế, cuối tháng chín ,Việt Nam và Nhật Bản thông qua về nguyên tắc. Sau đó chỉ hơn một tháng, xoài Việt Nam chính thức lên kệ siêu thị Nhật.

Với tiến độ như vậy, đồng thời, bằng sự kiện Việt Nam gia nhập TPP, rất nhiều dòng thuế được giảm ngay sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy ngành nông, lâm, thủy sản nói chung, trái cây Việt Nam nói riêng có nhiều hơn cơ hội vào thị trường Nhật.

Nguồn: nongnghiepvietnam.edu.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bảo quản và chế biến xoài

Bảo quản

Phần lớn xoài tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều đựng trong sọt tre, thùng gỗ, thùng carton để trong điều kiện tự nhiên, vì vậy bị tác động bởi nhiệt độ, ẩm độ cao lại vận chuyển đi xa nên chỉ bảo quản được 7 – 10 ngày, tỷ lệ dập nát đến 20 – 25%, có khi tới 30%.

Bảo quản xoài thủ công

Các viện nghiên cứu, trường đại học đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số phương pháp bảo quản nhãn, xoài tươi như sau:

– Công nghệ bảo quản quả tươi ở nhiệt độ bình thường có sử dụng chất diệt nấm, vi sinh vật và côn trùng bằng xông khí SO2 và các phương pháp thay đổi thành phần môi trường bảo quản. Công nghệ này có thể bảo quản được 15 – 16 ngày, tỷ lệ hao hụt 10 – 12%, có thể vận chuyển đi xa từ các tình Nam Bộ ra miền Bắc.

– Công nghệ bảo quản quả tươi đối với xoài ở nhiệt độ thấp 10 – 12oC là phương pháp bảo quản hiệu quả nhất, thời gian bảo quản kéo dài trên 30 ngày, tỷ lệ hao hụt do dập nát 5 – 7%, có thể vận chuyển đi xa và xuất khẩu (trước khi bảo quản ở nhiệt độ thấp phải loại bỏ những quả thối, dập nát và xử lý các biện pháp như đã nêu trên). Với xoài bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên (như ở nước ta) thời gian giữ được rất ngắn. Song bảo quản ở nhiệt độ thấp dưới 10oC, quả xoài gặp nhiều hạn chế: dễ bị tổn thương do nhiệt độ lạnh làm trái chuyển màu, thịt mềm, mùi vị không đặc trưng như chín bình thường. Xoài sau khi thu hoạch, phân loại, rửa sạch rồi ngâm trong dung dịch CaCl2 hoặc Ca(NO3)2, nồng độ sử dụng 4 – 6%, vớt ra để khô ở điều kiện tự nhiên, sau đó đựng trong túi nilông kích thước 15 x 25 cm, có 20 lỗ thoát ẩm trên túi. Bảo quản ở nhiệt độ 11 – 11,5oC là tốt nhất, thời gian bảo quản trên 30 ngày, xoài vẫn giữ được màu sắc, chất lượng tốt (VNCCAQ MN).

Xoài bảo quản thủ công vận chuyển xa dễ hư hỏng

– Về bao bì bảo quản xoài:

1. Một loại truyên thống dùng sọt tre, nứa, thùng gỗ (đóng từng thanh) có giá thành thấp nhưng tỷ lệ dập nát, thối nhũn cao.

2. Dùng thùng carton có đục lỗ thoát ẩm, giá thành tuy có cao hơn loại truyền thống song tỷ lệ hao hụt, dập nát, thối ít hơn nhiều nên hiệu quả cuối cùng vẫn cao.

Chế biến

Chế biến xoài sấy

Quy mô xưởng sấy từ 150 – 250kg nguyên liệu. Xoài được ủ ở nồng độ CaC2 (khí đá) 1%, thời gian ủ 36 giờ.

Xoài được rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát, rồi xử lý ở nhiệt độ 80 – 900C trong 5 – 9 phút. Các miếng xoài được ngâm trong dung dịch nước đường có nồng độ 40 – 50%, thời gian ngâm 18 – 20 giờ. Sau đó xoài được rửa lại bằng nước ấm trước khi đem ra khay sấy. Nhiệt độ sấy 50 – 600C và sấy trong 14 -18 giờ. Sản phẩm phải có độ ẩm 16 -18%.

Chi phí đầu tư cho thiết bị này khoảng 160 triệu đồng.

Chế biến nước xoài

Nước đường (phụ phẩm sau chế biến xoài sấy) được phối chế với 20% bột xoài và nước ngâm dứa, bổ sung thêm 0,3 – ,5% acid citric. Sau khi được phối chế,dung dịch được bổ sung chất ổn định và được đồng hóa (10 phút) để tránh hiện tượng tách lớp. Dung dịch được bài khí bằng cách đun nóng trước khi rót chai ghép nắp và thanh trùng ở nhiệt độ 1000C trong 15 phút. Sản phẩm nước có mầu vàng tươi, mùi thơm tự nhiên…

Chi phí đầu tư cho quy trình này khoảng 60 triệu đồng.

Chế biến giấm xoài

Dung dịch nước đường trong chế biến xoài sấy được xử lý nhiệt trước khi phối chế với nước theo tỷ lệ 1/3, có bổ sung rượu. Hỗn hợp này được bơm vào thiết bị lên men liên tục, có sục khí nhằm cung cấp oxy cho hệ vi sinh vật thuần khiết đã được phân lập và được cấy trên giá thể xốp đặt trong thiết bị. Thời gian lên men là 7 – 10 ngày (ngắn hơn thời gian lên men thông thường 3 lần), độ chua của giấm là 5 – 6%. Giấm có độ trong cao, màu vàng nhạt, thoảng hương thơm trái cây.

Chế biến bánh xoài

Xoài để làm bánh tráng xoài được lựa chọn kỹ lưỡng, chín tự nhiên. Xoài chín được lột vỏ bằng tay, không gọt bằng dao để loại bỏ hẳn vỏ và làm bánh tráng xoài không bị xơ. Xoài sau khi lột vỏ được bào lấy nước cốt của xoài.

Đun nước xoài, được cho thêm ít đường và khoấy đều tay để dung dịch nước xoài không bị cháy, xít. Tiếp tục như vậy đển khi nước xoài trong nồi sôi và cô đặc thành dung dịch sền sệt là được.
Công đoạn phơi:

Nước xoài sau khi được đun chín, rưới tráng lên măm hoặc nia (một loại sàng bằng tre đan) đã phủ sẵn miếng lót nhựa nylon để dung dịch nước xoài không dính lên măm, nia và đảm bảo vệ sinh hơn. Sau đó, đem đi phơi dưới nắng gắt khoảng 2 ngày đến khi sờ vào tay không dính bánh mới đạt yêu cầu.

Nhờ độ chua tự nhiên của xoài cát và được chế biến theo phương pháp truyền thống (phơi sấy dưới nắng) nên bánh xoài có vị ngọt, chua và mùi thơm rất tự nhiện. Đặc biệt, bánh tráng xoài được bảo quản rất lâu trong điều kiện bình thường.

Trồng trái cây trong nhà kính ở Khánh Hòa

Kim Kim Hoa là trang trại đầu tiên ở Khánh Hòa có mô hình trồng cây ăn trái trong nhà lưới. Đây cũng là trang trại do một phụ nữ còn trẻ làm chủ – đó là chị Nguyễn Kim Hoa, người đã có sáng kiến, ý tưởng và quyết tâm dám nghĩ dám làm để biến vùng đất khô cằn thành một trang trại bạt ngàn cây ăn trái trĩu quả quanh năm, được trồng theo phương thức hoàn toàn sạch…

Nhà kính được đầu tư kỹ lưỡng

Khi bưởi, xoài vào… nhà kính

Nằm ở thôn Xuân Tây (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), cách Quốc lộ 1 khoảng hơn 1,5km, trang trại Kim Kim Hoa giống như một công viên xanh khi được quy hoạch thành từng khu như bàn cờ, có xe điện đưa khách đi tham quan rất tiện lợi. Trang trại rộng hơn 20ha, trồng 2.000 gốc xoài Tứ quý và xoài Úc cùng với hơn 3.000 gốc bưởi da xanh và bưởi đường cho thu hoạch quanh năm. Điểm đặc biệt là xoài và bưởi ở đây được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới nước sạch, không dùng thuốc hóa học khi cây đậu quả. Hiện nay, trang trại đã đầu tư 2 nhà kính với kinh phí tiền tỷ, mỗi nhà kính có diện tích 5.000m2. Chị Kim Hoa cho biết: “Làm nhà kính đòi hỏi kinh phí lớn nhưng bù lại quy trình trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, tránh được tác động xấu của môi trường, cây cho trái chất lượng và hoàn toàn sạch. Trang trại cũng đang phát triển thương hiệu bưởi da xanh Vạn Hưng với giống bưởi cho trái to, vỏ mỏng, cùi dày, thơm ngon. Xoài Tứ quý và xoài Úc cũng vậy, được chăm bón kỹ nên chất lượng tốt, ra trái quanh năm, được nhiều khách hàng ưa chuộng”.

Một góc trang trại Kim Kim Hoa

Đi giữa trang trại xanh, ngắm nhìn những gốc bưởi, xoài trái sai lúc lỉu, chúng tôi thật sự mãn nhãn và khâm phục cách làm khoa học của chị Kim Hoa – người đã thấy được tiềm năng của vùng đất Vạn Hưng và đeo đuổi dự án này. Trải qua nhiều khó khăn, giờ đây chị đã xây dựng được một trang trại sạch đúng nghĩa. Hiện tại, nông sản trang trại làm ra không đủ cung ứng cho thị trường nên dù đã có 2 doanh nghiệp nước ngoài đề nghị xuất khẩu nhưng chị vẫn chưa dám nhận bởi đối tác nước ngoài yêu cầu nguồn hàng lớn và ổn định. Do vậy, trước mắt, nông sản của trang trại vẫn chỉ tiêu thụ tại các trung tâm cung ứng nông sản sạch ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp tại Nha Trang. Chị Hoa còn cất công tìm những loại giống cây ăn trái ngon, lạ, sản lượng cao để nhân giống và phát triển như: thanh long ruột đỏ, cam xoàn, mít ruột đỏ, ổi không hạt… Không chỉ vậy, ngoài cây ăn quả, hàng nghìn cây gỗ quý như: thiên ngân, gõ đỏ, lát hoa, gió bầu… đã cao lớn và được những bụi tiêu leo bám từ gốc đến ngọn cũng sẽ là nguồn thu rất lớn từ trang trại này. Đưa những loại cây này vào trang trại cũng là cách để chắn gió và tạo rừng bởi theo chị Hoa, rừng giữ vai trò chủ đạo trong mối quan hệ tương tác giữa sinh vật với môi trường, có sự liên quan mật thiết với cuộc sống của con người. “Thời gian gần đây, đồng bào miền Trung thường chịu cảnh thiên tai lũ lụt, mình thấy xót xa lắm, suy cho cùng nguyên nhân sâu xa cũng do vấn đề chặt phá rừng bừa bãi. Bởi vậy, tôi muốn vừa trồng cây ăn trái vừa trồng rừng, làm kênh thoát lũ với mục đích là bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái…”, chị Hoa chia sẻ.


Những căn nhà chòi thơ mộng bên bờ ao.

Phát triển du lịch nhà vườn

Tham quan trang trại Kim Kim Hoa, nhiều người có cảm giác như đang đi du lịch nhà vườn ở miền Tây khi được thỏa thích ngắm vườn cây trái sai trĩu quả, được hái trái và thưởng thức bưởi, xoài tươi ngon… ngay tại chỗ. Ý tưởng làm trang trại kết hợp với phát triển du lịch nhà vườn cũng đang được chị Kim Hoa xây dựng và dần hoàn thành khi chị đang đầu tư thêm nhiều hạng mục phục vụ cho nhu cầu của khách. Bên những chòi gỗ dựng sát ao xanh, du khách có thể câu cá thư giãn, nghỉ ngơi sau khi đi tham quan vườn cây ăn trái. Điều khiến du khách thích thú nhất có lẽ là tự mình thu hoạch, tận tay hái những trái bưởi da xanh căng bóng, những trái xoài to hay những quả thanh long chín mọng… trong vườn. Những trải nghiệm làm vườn và thưởng thức nông sản sạch sẽ làm cho du khách thêm yêu nơi này khi được hòa mình vào thiên nhiên, hòa mình với không khí làm việc, vun trồng, chăm bón từng gốc cây của những người làm vườn…

Xoài và bưởi vừa mới thu hoạch

Chị Kim Hoa chia sẻ thêm: “Tôi nhận thấy rất nhiều du khách có nhu cầu thích khám phá mô hình nhà vườn như thế này. Bởi vậy, nhà vườn Kim Kim Hoa trong tương lai gần sẽ có đầy đủ những yếu tố đáp ứng thị hiếu khách hàng mà vẫn giữ được nét độc đáo của trang trại sạch. Hiện tại, tôi đã làm việc với một số công ty lữ hành ở Nha Trang về kế hoạch kết hợp dẫn tour đến trang trại”. Có thể thấy tâm huyết của người phụ nữ này khi chị dồn hết sức vào dự án làm tour du lịch vườn. Theo chị, đó không đơn thuần chỉ giới thiệu cho du khách biết về trang trại Kim Kim Hoa mà còn để mỗi người sẽ được truyền cảm hứng lao động, sự sáng tạo khi được tận mắt chứng kiến cả một vùng đồi núi khô cằn năm nào giờ đã là một trang trại xanh và sạch. Điều đó chứng tỏ khi có sức mạnh và niềm tin, dám nghĩ dám làm, không gì là không thể thực hiện được. Giống như chị Kim Hoa – từ một kỹ sư xây dựng rẽ ngang vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng đã thành công từ mô hình này, bắt đầu từ quyết tâm phải tạo ra nông sản sạch cho người Việt, vì người Việt.


Du khách thích thú tham quan vườn bưởi da xanh

Tết này, những quả bưởi, xoài… mang thương hiệu Kim Kim Hoa lại tỏa đi khắp mọi vùng, mọi miền, mang hương vị ngọt ngào đến mọi nhà. Sẽ là niềm tự hào của người dân Vạn Hưng khi trái cây của vùng đất này đã và đang dần trở thành thương hiệu được nhiều người ưa chuộng. Và cũng không lâu nữa, trang trại Kim Kim Hoa sẽ trở thành một điểm đến thú vị – nơi có thiên nhiên hiền hòa, cảnh vật thơ mộng và những vườn cây trái sum suê, cho trái ngọt bốn mùa…

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.