Thức ăn và hướng dẫn cho hươu ăn đúng kỹ thuật

Để có được những con hươu giống bóng mượt, to khỏe cho những cặp nhung chất lượng có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố  tiên quyết đầu tiên chính là khẩu phần thức ăn cho hươu

1. Thức ăn cho hươu

– Thức ăn cho hươu ăn tương đối dễ kiếm đối với bà con nhà nông.

– Hươu chủ yếu ăn các thực phẩm xanh, rau củ quả. Liệt kê một số loại thực phẩm ưu thích và dể kiếm của hươu:

+ Đầu tiên phải kể đến một loại mà gần như là thực phẩm chính quanh năm của hươu được nhiều bà con ưu dùng chính là cỏ voi. Bà con có thể xem cách trồng tại đây: hướng dẫn trồng cỏ voi

+ Cây chuối, thường cây chuối bà con bào nhỏ cho ăn không hoặc trộn ít cám.

+ Rau khoai, rau muống

+ Các loại lá cây như lá mít, chú ý tránh các loại lá độc hại.

+ Gần như các loại hoa quả hươu đều thích ăn.

– Ngoài ra cần bổ xung thêm một số chất khoáng và cám công nghiệp có hàm lượng dinh dưỡng cao cho hươu giống vào mùa sinh sản vào mùa ra nhung hươu.

2. Hướng dẫn kỹ thuật cho hươu ăn

– Mỗi ngày bà con cần dọn chuồng sạch sẽ 2 lần trước bữa ăn, tránh để thức ăn lên vùng chuồng bị bẩn, ẩm ướt dễ nhiễm bệnh cho hươu. Trường hợp bị bệnh bà con có thể thao khảo tại đây: bệnh thường gặp ở hươu

– Hươu chủ yếu hoạt động vào ban đêm, ban đêm hươu ăn tới 60% tổng số thức ăn của khẩu phần, vì vậy mỗi lần cho ăn trong ngày không nhiều, ban ngày hươu ăn ít mà dành thời gian nhai lại thức ăn qua đêm. Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng mà người chăn nuôi cần nắm biết. Vì vậy lịch phân bố cho hươu ăn như sau:

Bữa thứ nhất: 6-7 giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

Bữa thứ hai: 9-10giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

Bữa thứ ba: 13-14 giờ chiều cho ăn 10% thức ăn xanh cộng với thức ăn tinh trong ngày.

Bữa thứ tư: 17 – 18giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

Bữa thứ năm: 22 giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

– Thức ăn tinh không được cho hươu ăn vào buổi sáng vì ăn như vậy sẽ làm cho hươu ăn ít thức ăn xanh và thức ăn củ quả. Nên cho hươu ăn thức ăn tinh vào bữa ăn thứ ba vào lúc 13 – 14 giờ trong ngày. Hàng ngày người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi phân của hươu để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Thường phân của hươu có dạng viên bóng, cứng hình bầu dục nếu khác với bình thường thì cần xem xét lại thức ăn cho hươu.

– Cho hươu ăn nhiều loại thức ăn xanh, đặc tính của chúng là thích ăn nhiều loại cỏ non, lá non và các loại cây có mủ. Không nên cho hươu ăn độc nhất một loại thức ăn thì sinh trưởng và phát triển, khả năng sản xuất sẽ bị hạn chế.

Nguồn: Naihuou.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá bớp nuôi lồng bè trên biển Hòn Lăng chết hàng loạt

Khốn đốn

Hòn Lăng là vùng nuôi trồng thủy sản trong lồng bè trên biển lớn nhất ở xã Ninh Ích, với quy mô lên đến khoảng 1.500 lồng, hơn 82 hộ nuôi. Trong đó, các lồng bè chủ yếu nuôi cá chim, cá bớp.

Thời điểm năm ngoái, người nuôi đã từng thiệt hại nặng nề vì cá bớp chết hàng loạt. Vậy mà vụ nuôi năm nay họ tiếp tục nếm “trái đắng”. Cá bớp bắt đầu chết từ ngày 10/7. Lúc đầu cá chết lai rai nên người nuôi không thông báo cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên sau đó càng ngày cá chết càng nhiều, với tỷ lệ hao hụt từ 20 -40% ở tất cả bè nuôi.

Dấu hiệu cá bớp sắp chết mắt lờ đờ, bỏ ăn

Ông Nguyễn Văn Phước, một người nuôi cá ở khu vực này cho biết, dấu hiện lâm sàng trước khi cá chết là biểu hiện bỏ ăn, phần đầu xuất hiện chấm trắng, mang hơi nhạt và tiết nhiều chất nhầy. Mặc dù người nuôi đã tự điều trị cho đàn cá bị bệnh các loại thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả.

“Năm nay gia đình tôi nuôi cá bớp tiếp tục thua lỗ nặng. Tôi thả vụ này khoảng 10.000 con, đến nay cá đã đạt trọng lượng gần 1kg. Vậy mà ngày nào kiểm tra lồng tôi đều thấy cá chết nên xót lắm. Giờ chẳng biết trong lồng còn bao nhiêu con nữa, nhưng ước thiệt hại hơn nửa đàn rồi”, ông Phước than vãn.

Không chỉ gia đình ông Phước mà 23 hộ nuôi ở nơi đây cũng bị thiệt hại. Họ nghi ngờ có thể do hoạt động cào sò xung quanh vùng nuôi khiến nguồn nước bị xáo trộn bùn đất lên gây ô nhiễm nặng.

Chết do vi khuẩn

Sau khi nhận được thông tin cá chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa phối hợp UBND xã tiến hành xuống hiện trường để thu mẫu xác định nguyên nhân.

Theo đó, 3 mẫu cá bớp được gửi xét nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản (ĐH Nha Trang) cho thấy: Một mẫu cá bị nhiễm streptococcus sp và 2 mẫu cá còn lại đều bị nhiễm khuẩn nặng với 2 loại khuẩn streptococcus sp và Vibrio sp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, hiện tượng này cũng như thời điểm tháng 7 – 8/2016. Streptococcus sp xâm nhập vào cá bớp nuôi vào thời điểm cá yếu, Vibrio sp. gây bệnh xâm nhập và phát triển bội nhiễm, kết hợp với các yếu tố môi trường vùng nuôi biến đổi không thuận lợi gây hiện tượng cá chết từ rải rác đến hàng loạt.

Cá bớp bị chết hàng loạt

Để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho người nuôi, chi cục khuyến cáo người nuôi nếu có thể di chuyển lồng bè đến khu vực môi trường nước không bị ảnh hưởng bởi nguồn gây ô nhiễm. Tiến hành san thưa đàn cá trong lồng còn lại, đồng thời theo dõi sức khỏe đàn… Thu gom xác cá chết đưa vào bờ, không vứt xác cá chết xuống biển.

Đối với đàn cá chưa bị bệnh thì áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Thường xuyên theo dõi cá để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Cần tắm cá định kỳ để phòng bệnh. Cụ thể, tắm oxy già với nồng độ 200 – 300 ppm trong thời gian 20 – 30 phút. Tắm nước ngọt từ 10 – 20 phút. Kết hợp tắm nước ngọt pha oxy già với nồng độ 100 – 150 ppm trong thời gian 10 – 15 phút. Thực hiện cứ 10 ngày tắm 1 lần, liên tiếp 3 lần, sau đó khoảng 35 – 45 ngày tắm lại theo quy trình trên.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá trị thương phẩm cao. Trước đây, loại cá này chủ yếu được đánh bắt, khai thác từ tự nhiên. Tháng 7/2006, Trung tâm Khuyến ngư và Giống thủy sản An Giang đã sản xuất giống cá lăng nha thành công với sự trợ giúp của Khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông – lâm TP.Hồ Chí Minh). Xin giới thiệu cùng bà con kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm.

Cá lăng nha thương phẩm 

Điều kiện ao, bè nuôi

Để nuôi cá lăng nha đạt hiệu quả, có thể áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh trong ao hoặc trong bè. Tuy nhiên, nuôi trong bè cá lớn nhanh hơn.

Ao nuôi rộng 1.000m² trở lên, sâu 1,5 – 2m. Độ che phủ mặt nước không quá 30%. Lớp bùn dày 10 – 15cm, có thể chủ động cấp – thoát nước. Nếu nuôi bè, bè phải có thể tích 10m³ trở lên, đặt ở nơi có dòng chảy vừa phải.

Nguồn nước dùng để nuôi cá lăng nha phải đảm bảo các thông số: Độ pH từ 6 – 8 (tốt nhất 6,5 – 7,5); ôxy hòa tan trên 3mg/l; độ trong 30 – 40cm; độ mặn 0 – 50/00, hàm lượng NH3 dưới 0,01mg/l.

Chuẩn bị ao, bè

Việc chuẩn bị ao, bè có ý nghĩa quyết định đến kết quả nuôi. Nếu tẩy trùng ao, bè tốt thì mầm bệnh khó có cơ hội phát triển.

Tẩy dọn ao: Sau khi tháo cạn nước, dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) rải đều khắp đáy ao với lượng 10 – 15kg/100m².

Ngay sau khi bón vôi, sử dụng sản phẩm chuyên dùng để hấp thụ khí độc hoặc chế phẩm sinh học Environ AC của Công ty Vĩnh Thịnh xử lý ô nhiễm nền đáy ao với liều 1 – 1,5kg/1000m³ nước để thúc đẩy việc phân huỷ chất hữu cơ và khử khí độc.

Phơi nắng đáy ao 1 – 2 ngày rồi khử trùng ao một lần nữa bằng một trong các sản phẩm BKC, liều 0,7 – 1lít/1000m³ hoặc Sanmolt F, liều 1 – 1,5 lít/1000m³. Không nên bón lót ao bằng phân chuồng.

Đối với bè, kiểm tra, gia cố bè thật kỹ trước khi thả cá. Dùng BKS hoặc Sanmolt F phun vào bè để diệt mầm bệnh. Đặt bè nơi ít sóng gió, dòng chảy vừa phải, thuận lợi trong việc vận chuyển cá, thức ăn.

Thả cá giống

Tiêu chuẩn: Cá không mất nhớt, đuôi và râu không bạc màu; cỡ đồng đều.

Mật độ: Nếu nuôi trong ao bán thâm canh (nuôi ghép): 4-5 con/m² (trong đó cá lăng nha chiếm 20-30% tổng số cá thả). Thâm canh (nuôi đơn): 6-8 con/m². Ngoài ra, cần thả thêm 3-5% cá rô phi thường để làm thức ăn cho cá. Nếu nuôi trong bè, mật độ 60-70 con/m3.

Thời gian thả: Tốt nhất vào buổi sáng (8-11 giờ).

Phòng bệnh cho cá bằng cách sát trùng (tắm cá) trước khi thả xuống ao, bè bằng muối ăn (1 muỗng canh pha trong 1 lít nước) hoặc BKS, Sanmolt F theo liều hướng dẫn.

Thức ăn

Có thể cho cá ăn bằng một trong các loại sau: cá tạp, cắt khúc vừa cỡ miệng. Thức ăn tự chế 50% cám + 50% cá. Thức ăn viên độ đạm ít nhất 35%.

Cho ăn 3 lần/ngày (sáng, chiều và tối). Cữ tối chiếm 40-50% tổng lượng thức ăn trong ngày.

Nên bổ sung chất bổ vào thức ăn để giúp cá tăng sức đề kháng, tiêu hoá tốt, lớn nhanh hơn như: Các loại Vitamin C; chế phẩm vi sinh vật, men tiêu hoá (Aqualact 1g/kg thức ăn); các sản phẩm chứa axít amin, sorbitol (Hepatofish 2,5g/kg thức ăn); khoáng vi lượng (Vitatech F liều lượng 1 – 2g/kg thức ăn).

Chăm sóc

Nếu nuôi ao, thường xuyên theo dõi hoạt động của cá, nhất là vào sáng sớm để xử lý kịp thời. Định kỳ (15 – 20 ngày) thay nước ao một lần.

Từ tháng thứ 2 trở đi, định kỳ 10 -15 ngày tiến hành khử trùng nước và khử khí độc ở đáy ao bằng BKC liều 0, 5 lít/1.000m³ nước hoặc Sanmolt F liều 0, 7 – 1 lít/1.000m³. Trong điều kiện nuôi bè, thường xuyên theo dõi hoạt động ăn mồi của cá, nhất là vào lúc nước đứng, nước đổ để xử lý kịp thời.

Phòng bệnh cho cá bằng cách: Treo túi vôi ở đầu bè. 15 ngày khử trùng bè 1 lần bằng BKC (phun trực tiếp xuống bè).

Theo nongnghiep.farmvina.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá lăng trong ao đất

Chuẩn bị và cải tạo ao nuôi

Ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2 là thích hợp nhất. Độ sâu nước từ 1,5 – 2 m.

Bờ ao chắc chắn, ao có cống cấp và thoát đầy đủ, đáy ao bằng phẳng, nghiêng về phía cống thoát. Ao nuôi gần nguồn nước sạch, chủ động cấp và thoát nước.

Cải tạo ao: Tháo cạn nước, vét bùn đáy, gia cố bờ bao chắc chắn.

Diệt tạp: Dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp. Liều lượng từ 10 – 12 kg/100 m2, vôi được rắc đều và phơi nắng 3 – 5 ngày.

Nước cấp vào ao lọc qua lưới lọc, mực nước cấp vào ao cao 1,5 – 1,8 m.

Mùa vụ và mật độ thả nuôi

Mùa vụ: Giống thả được quanh năm hoặc thả vào 2 vụ chính là: vụ Xuân từ tháng 3 – 4; vụ Thu từ tháng 8 – 9.

Nuôi cá lăng trong ao đất

Mật độ thả: 1 con/m2, nuôi ghép với cá mè trắng hoặc mè hoa.

Kích cỡ thả giống: Tùy theo thời gian nuôi mà chọn kích cỡ giống khác nhau. Nếu nuôi thời gian ngắn (6 tháng) nên thả giống cỡ lớn từ 0,5 kg/con trở lên.

Chọn giống: Cá giống đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh hay dị tật. Nên mua giống tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Tắm cho cá trước khi thả giống bằng muối 2 – 3% trước khi thả xuống ao.

Cho ăn và chăm sóc

Cho cá ăn bằng thức ăn tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp. Thức ăn tươi sống dùng cá tạp tươi, phụ phế phẩm lò mổ. Thức ăn tươi cần được cắt nhỏ cho phù hợp với kích cỡ cá. Nên cho thức ăn vào sàng ăn để kiểm tra lượng thức ăn (ao 2.000 m² nên đặt 4 sàng ăn).

Nếu dùng cám công nghiệp, sử dụng loại cám có hàm lượng đạm >30%, cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân. Cho cá ăn 2 cữ sáng và chiều. Hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp.

Chăm sóc: Thường xuyên duy trì ổn định mực nước ở mức yêu cầu. Nếu dùng thức ăn tươi sống thì phải thường xuyên thay nước, mỗi lần thay từ 20 – 30% lượng nước ao nuôi.

Định kỳ dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước, dùng vôi 2 – 3 kg/100m3 nước để xử lý nước (ổn định pH, sát khuẩn,…).

Kiểm tra tăng trưởng và dấu hiệu bệnh của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường ôxy cho cá vào những khi thời tiết bất thường hoặc cá có dấu hiệu nổi đầu.

Phòng, trị bệnh cho cá

Thường xuyên vệ sinh sàng ăn đảm bảo sạch sẽ. Định kỳ hàng tháng trộn thuốc, vitamin vào thức ăn phòng bệnh cho cá.

Xử lý một số bệnh thường gặp: Cá lăng hay gặp một số bệnh như bệnh nấm thủy mi, bệnh viêm ruột.

Bệnh nấm thủy mi: Cá bị bệnh bơi lội không bình thường do cơ thể bị ngứa nên cá cọ sát vào các vật thể trong nước làm xây xát lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm có cơ hội phát triển khiến bệnh nặng hơn.

Bệnh này, cần sử dụng hóa chất khử trùng nước, kết hợp với trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn để điều trị bệnh.

Bệnh viêm ruột: Cá bị bệnh viêm ruột bụng trương to, có ban đỏ, hậu môn lồi và sưng đỏ. Khi bệnh nặng, vây cá bị tổn thương, xoang bụng tích nước, thành ruột bị tụ máu. Toàn bộ ruột có màu đỏ thâm, ruột không có thức ăn, xuất hiện dịch mủ màu vàng nhạt.

Để phòng trị bệnh này, cần đảm bảo thức ăn tươi, không bị ôi thiu. Vệ sinh sàng ăn và thức ăn thừa sạch sẽ. Định kỳ dùng thuốc phòng bệnh cho cá. Khi cá bị bệnh dùng vôi bột hoặc hóa chất xử lý nước ao, kết hợp sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho cá.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng (nếu thả giống lớn) thì có thể thu hoạch. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo sức khỏe cho cá, nhất là vận chuyển cá đi xa.

Cá lăng chất lượng cao khi được nuôi trong ao đất

Theo thuysanvietnam.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá lăng nha 1 tuần cho ăn 2 lần, giá 1kg bằng 4kg thịt lợn

Thời gian qua, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện dự án ứng dụng chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng nha. Để dự án đi vào thực tiễn, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã chọn mua 300kg cá lăng nha từ Đăk Lăk về nuôi để tạo quy trình sản xuất và nhân giống.

Cá lăng nha nuôi trong ao đất

Thức ăn cho cá chủ yếu là nguồn cá tạp, tôm, tép… một tuần cho ăn 2 lần vào buổi chiều với khẩu phần 3-5% trọng lượng. Trung tâm đã thả nuôi 2 đợt vào các năm 2014 và 2015.

Sau 3 tháng nuôi vỗ đàn, cá có trọng lượng trung bình 2,2 kg/ con (tăng 0,6 kg/con). Để chuẩn bị cho quy trình sản xuất nhân tạo giống cá lăng nha, Trung tâm đã chuẩn bị nhiều thiết bị cho cá đẻ như vệ sinh bể giam giữ cá, bình ấp nở trứng cá và dụng cụ phục vụ.

Từ 300kg cá giống bố mẹ ban đầu, đến nay, đàn cá lăng nha của Trung tâm đã tăng lên 12.000 con. Đặc biệt, cá lăng nha sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn nước sinh sống trong ao, hồ.

Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đến nay, đàn cá lăng nha sinh trưởng, phát triển tốt. Với mức giá trên thị trường hiện nay khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi khoảng 113-182 triệu đồng.

Điều đáng mừng là cá lăng nha phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn nước tại Gia Lai. Hiện tại, nhiều nông dân tại các huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pah, Chư Sê tìm đến Trung tâm để mua cá giống về nuôi thương phẩm. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục sản xuất giống cá lăng nha để cung cấp cho người dân.

Thu hoạch cá lăng nha đuôi đỏ

Theo đánh giá, cá lăng nha có thịt trắng chắc, ít xương dăm, được thị trường ưa chuộng. Từ trước đến nay, người dân chủ yếu khai thác cá ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng giảm dần. Vì vậy, việc nuôi ươm cá lăng nha thành công trong thời gian qua đã tạo cơ hội cho nhiều người nuôi cá nước ngọt truyền thống trên địa bàn tỉnh tiếp cận kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá lăng nha thương phẩm.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ cá khế vằn

Nuôi vỗ cá bố mẹ

 – Nguồn cá bố mẹ: đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc từ đàn nuôi thương phẩm (cá giống từ tự nhiên). Khối lượng: 1 – 2kg/con. Thời gian nuôi vỗ: 11 – 12 tháng, khối lượng đạt 2 – 3 kg/con.

– Điều kiện nuôi: lồng bè trên biển. Mật độ nuôi: 1,5- 3kg/m³  lồng

– Thức ăn: cá (nục, mối, trích…), tôm, mực, vitamin B, C, E. Cho ăn 1 lần/ngày.

– Chăm sóc: định kỳ thay lồng, vệ sinh lưới lồng hoặc kết hợp kiểm tra cá để sang lồng nuôi khác.

Cá khế vằn

Cho đẻ

– Gây mê cá trước khi kiểm tra bằng thuốc gây mê EME, nồng độ 200-250ppm.

Cách kiểm tra: Cá đực dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ niệu hút nhẹ nếu có sẹ đặc màu trắng sữa, dễ tan trong nước là cá đã thành thục; Cá cái dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ sinh dục 2 -3 cm, hút nhẹ lấy trứng ra, cho lên miếng thủy tinh, quan sát độ rời, độ đồng đều của trứng, màu sắc trứng để xác định độ thành thục của tuyến sinh dục. Nên chọn con cái có bụng to tròn, màu sắc sáng.

– Kích dục tố sử dụng: HCG và  LHR. Liều lượng: Cá cái là HCG 1000-1500UI/kg cá và LHR-A 25-35μg/kg cá, liều lượng cho cá đực bằng ½ cá cái.

– Cách tiêm: Tiêm vào phần cơ mềm ở lưng, góc tiêm 45º so với thân cá, độ sâu mũi kim tiêm (kim tiêm 21) vào phần cơ 1 – 1,5cm.

– Thời gian tiêm: Tiêm 1 lần (7h sáng), thời gian hiệu ứng thuốc khoảng 30-36 giờ.

Cá sau khi tiêm thuốc cho vào lồng nuôi trên biển và có lưới  may bằng vải bọc bên ngoài để giữ trứng cá.

Thu và ấp trứng cá

-Trứng cá dạng nổi, ở độ mặn trên 28-30‰ thì trứng thụ tinh nổi trên mặt nước. Dùng vợt hoặc lưới kéo để thu trứng cá.

– Mật độ ấp 1.000 – 2.000 trứng/lít. Sục khí nhẹ liên tục trong suốt quá trình ấp nở.

– Nhiệt độ nước 26 – 300C,  độ mặn 28 – 30‰.

– Thời gian ấp trứng 18 – 24 giờ.

Trứng sau khi ấp nở thành cá bột, định lượng số lượng rồi chuyển vào bể ương nuôi.

Theo lhhkh.org.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây bầu cho năng suất cao

Bầu ngày nay được trồng rất phổ biến ở các nơi có khí hậu nóng do đặc tính có thể giải nhiệt. Quả bầu non thường được dùng để nấu canh, luộc, xào… Lá non cũng có thể dùng để luộc rau. Cách trồng bầu hiệu quả là chọn một số giống F1 như: Trang Nông TN215, Trầm Hương. Giống này trái dài vừa 20-25cm, kháng bệnh và virut, và đặc biệt cho năng suất cao.

Quả bầu

Thời vụ

– Bầu là loài thuộc họ thân leo có tua cuốn có giá trị dinh dưỡng cao. Cây Bầu có thể trồng quanh năm.

Giống

-Có nhiều loại nhưng tốt nhất nên chọn một số giống F1 như: Trang Nông TN215, Trầm Hương. Giống này trái dài vừa 20-25cm, bóng đẹp, kháng bệnh khảm và virut, chết cây con và đặc biệt cho năng suất cao.

Chuẩn Bị Đất

•    Chuẩn bị đất:
– Làm sạch cỏ – bón vôi – cày đất – phơi ải từ 7-10 ngày. Mục đích để giúp đất tơi xốp, tăng độ PH, diệt trừ sâu hại và nấm bệnh trong đất.
    Lên Liếp (làm luống):
– Đất phải cày bừa, băm nhỏ.
– Mỗi liếp rộng 0,6-0,8m cao 20-30cm.
– Tâm liếp này cách tâm liếp kia 1,2m.
•    Bón Lót:
– Vôi + super Lân + Phân hữu cơ + 20-20-15+ Thuốc trừ sâu  Basudin 10G   hoặc Visa 5G
=> Cách bón:     Mỗi gốc 1 tô phân +đánh rãnh – rãi phân – sau đó lấp đất.
•    Phủ Bạt:
– Bạt phủ nên chỏn loại có kích cỡ 1m
-dùng lạt tre cố định bạt để tránh gió quật làm bay bạt ành hưởng đến bộ rễ cây.
•    Đục Lỗ:
– Có nhiều cách đục lỗ nhưng có 2 cách đơn giản và nhanh nhất.
* Cách 1: Dùng ống nhựa pvc phi 60 cắt hình bánh răng như kiểu líp xe đạp, khi cần đục lỗ chỉ cần dùng lực tộng mạnh trên xuống là ok.
* Cách 2: Dùng lon sữa pha cà phê phần trên cắt miệng, đáy thì lấy đinh đục lỗ xung quanh đáy lon,  bỏ than nóng và ít dầu hỏa vào lon đốt lửa cứ thế mà đục lỗ.
* Khoảng cách cây cách cây là 1m- 1,2m.

Làm Giàn

– Hiện nay có 4 cách làm giàn.

•    Giàn chữ I
•    giàn chữ U
•    giàn chữ A
•    giàn chữ X
=> Lời Khuyên: bà con nên làm giàn theo kiểu chữ U, A để dễ thu hoạch và thuận tiện cho khâu chăm sóc sau này.
Làm giàn trồng các loại dây leo

Kỹ Thuật Gieo, Trồng Cây Con

•    Chuẩn bị gieo hạt:

– Xử lý hạt giống bằng nước ấm cụ thể là 2 sôi 3 lạnh. Ngâm trong vòng 4-6 tiếng rồi vớt ra rửa sạch ủ trong khăn vải sau 24h hạt nứt nanh thì đem trồng.
=> Lưu ý: Khăn, vải ủ không được quá ướt, không được quá khô vì sẽ làm hư hạt và tỉ lệ này mầm thấp.
– Hạt sau khi nứt nanh phải trồng hết trong ngày. Nếu để qua ngày rể mọc dài thì khi gieo trồng rể dễ bị gãy.
•    Trồng cây:
– Xới nhẹ lỗ trồng rải ít thuốc sâu Basudin 10G hoặc Visa 5G sau đó gieo hạt và phủ một lớp đất mỏng.
=> Lưu ý: Bà con phải rãi thuốc trừ sâu để dế và một số loại côn trùng khác không cắn phá, ảnh hưởng đến sự nảy mầm và sự đồng đều sau này.
Làm giàn trồng bầu

Bón Phân, Tưới Nước, Làm Cỏ

•    Bón Phân:

– bón thúc lần 1 sau khi gieo trồng 10-15 ngày cây có 3-4 lá thật.
– bón thúc lần 2 sau khi gieo trồng 20-25ngày cây có tua cuốn.
– bón thúc lần 3 sau khi gieo trồng 35-40 ngày khi cây đã cho trái.
Phân bón bà con dùng 20-20-15+ TE của đầu trâu là tốt nhất. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng cà hoặc đục lổ màng phủ giữa 2 gốc bầu rồi rải phân.
•    Sử Dụng Phân Bón Lá:
– Cứ 7-10 ngày phun một lần bà con tham khảo một số loại phân sau đây:
* Phân hữu cơ rong biển canada 95%.
* HVP 20-20-15 + TE..
* Boom Flower N
•    Tưới Nước:
– Tùy vào chân đất mà có cách tưới khác nhau
– Bà con nên lắp đặt hệ thống tưới để giàm công chăm sóc
=>> Lưu ý: không được tưới quá ẩm cây trồng rất dễ bị nấm bệnh. Ví dụ thối rễ, chết nhanh.
•    Làm Cỏ:
– Mật độ cỏ ít thì bà con nên nhổ cỏ, Nếu cỏ quá nhiều thì nên dùng thuốc cháy như  Gfaxone 20SL , power up 275sl.

Phòng Trị Sâu Bệnh

•    Sâu hại:
– Rầy xanh, sâu xanh, bọ xít xanh và một số loài rầy rệp khác. Thuốc trị Excell basa 50ND, Sarifos 585 ec
– Bọ trĩ, nhện đỏ,rầy mềm . Regent 20wp, tasieu 1.9 ec, Reasgent 3.6 ec, Confidor 100sl, Actara 25wp .
– Ruồi vàng đục quả. Vizubon d.
•    Nấm bệnh:
– Chết nhanh, chết chậm, thối rễ, lỡ cổ rễ. Thuốc trị  Ridomil Gold 68WG , ALIETTE 800WG, Vimonyl 72WP
– Héo rũ . Kasumin 2sl
– Sương mai, tán thư, nấm hồng, rỉ sắt. Thuốc trị Antracol 70WP, Ridomil Gold 68WG, Kasuran 47WP, Vimonyl 72WP
– Đối với khâu phòng trị sâu hại bà con nên tập trung tiêu diệt khi cây con còn nhỏ để khi cây lớn sâu gây hại ít, vừa giảm công phun xịt vừa tiết kiệm tiền mua thuốc BVTV, quan trọng an toàn cho người tiêu dùng.

Thu Hoạch

Sau khi trồng 45-50 ngày, tùy giống cây bắt đầu cho thu hoạch
Kinh nghiệm: để kéo dài thời gian thu hoạch lúc  bà con nên tăng cường phun phân bón lá hữu cơ sweeed canada 95%.
Theo cachtrongrau.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thừa Thiên – Huế: Cá dìa đã được sinh sản nhân tạo thành công

Sau gần 2 năm nghiên cứu, TS Nguyễn Ngọc Phước và ThS Lê Văn Bảo Duy, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm Huế đã thành công trong việc hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỷ lệ sống cao và ổn định.

Cá dìa là một trong những giống cá biển có giá trị kinh tế

Thành công này sẽ giúp việc cung cấp được con giống quanh năm cho người nuôi trồng thủy sản, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá biển nói chung tại Thừa Thiên – Huế và ở Việt Nam.

Được biết, sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa là một trong những thách thức lớn đối với nghề nuôi cá biển Việt Nam, do quá trình ương ấu trùng sau khi nở không thành công, tỷ lệ sống của ấu trùng đến 6 – 7 ngày tuổi rất thấp và thiếu ổn định. Do đó, thành công của đề tài sẽ đóng góp thiết thực cho người nuôi trong nước trong việc nuôi thương phẩm loài cá này.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.