Nuôi cá lăng trong ao đất

Chuẩn bị và cải tạo ao nuôi

Ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2 là thích hợp nhất. Độ sâu nước từ 1,5 – 2 m.

Bờ ao chắc chắn, ao có cống cấp và thoát đầy đủ, đáy ao bằng phẳng, nghiêng về phía cống thoát. Ao nuôi gần nguồn nước sạch, chủ động cấp và thoát nước.

Cải tạo ao: Tháo cạn nước, vét bùn đáy, gia cố bờ bao chắc chắn.

Diệt tạp: Dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp. Liều lượng từ 10 – 12 kg/100 m2, vôi được rắc đều và phơi nắng 3 – 5 ngày.

Nước cấp vào ao lọc qua lưới lọc, mực nước cấp vào ao cao 1,5 – 1,8 m.

Mùa vụ và mật độ thả nuôi

Mùa vụ: Giống thả được quanh năm hoặc thả vào 2 vụ chính là: vụ Xuân từ tháng 3 – 4; vụ Thu từ tháng 8 – 9.

Nuôi cá lăng trong ao đất

Mật độ thả: 1 con/m2, nuôi ghép với cá mè trắng hoặc mè hoa.

Kích cỡ thả giống: Tùy theo thời gian nuôi mà chọn kích cỡ giống khác nhau. Nếu nuôi thời gian ngắn (6 tháng) nên thả giống cỡ lớn từ 0,5 kg/con trở lên.

Chọn giống: Cá giống đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh hay dị tật. Nên mua giống tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Tắm cho cá trước khi thả giống bằng muối 2 – 3% trước khi thả xuống ao.

Cho ăn và chăm sóc

Cho cá ăn bằng thức ăn tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp. Thức ăn tươi sống dùng cá tạp tươi, phụ phế phẩm lò mổ. Thức ăn tươi cần được cắt nhỏ cho phù hợp với kích cỡ cá. Nên cho thức ăn vào sàng ăn để kiểm tra lượng thức ăn (ao 2.000 m² nên đặt 4 sàng ăn).

Nếu dùng cám công nghiệp, sử dụng loại cám có hàm lượng đạm >30%, cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân. Cho cá ăn 2 cữ sáng và chiều. Hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp.

Chăm sóc: Thường xuyên duy trì ổn định mực nước ở mức yêu cầu. Nếu dùng thức ăn tươi sống thì phải thường xuyên thay nước, mỗi lần thay từ 20 – 30% lượng nước ao nuôi.

Định kỳ dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước, dùng vôi 2 – 3 kg/100m3 nước để xử lý nước (ổn định pH, sát khuẩn,…).

Kiểm tra tăng trưởng và dấu hiệu bệnh của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường ôxy cho cá vào những khi thời tiết bất thường hoặc cá có dấu hiệu nổi đầu.

Phòng, trị bệnh cho cá

Thường xuyên vệ sinh sàng ăn đảm bảo sạch sẽ. Định kỳ hàng tháng trộn thuốc, vitamin vào thức ăn phòng bệnh cho cá.

Xử lý một số bệnh thường gặp: Cá lăng hay gặp một số bệnh như bệnh nấm thủy mi, bệnh viêm ruột.

Bệnh nấm thủy mi: Cá bị bệnh bơi lội không bình thường do cơ thể bị ngứa nên cá cọ sát vào các vật thể trong nước làm xây xát lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm có cơ hội phát triển khiến bệnh nặng hơn.

Bệnh này, cần sử dụng hóa chất khử trùng nước, kết hợp với trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn để điều trị bệnh.

Bệnh viêm ruột: Cá bị bệnh viêm ruột bụng trương to, có ban đỏ, hậu môn lồi và sưng đỏ. Khi bệnh nặng, vây cá bị tổn thương, xoang bụng tích nước, thành ruột bị tụ máu. Toàn bộ ruột có màu đỏ thâm, ruột không có thức ăn, xuất hiện dịch mủ màu vàng nhạt.

Để phòng trị bệnh này, cần đảm bảo thức ăn tươi, không bị ôi thiu. Vệ sinh sàng ăn và thức ăn thừa sạch sẽ. Định kỳ dùng thuốc phòng bệnh cho cá. Khi cá bị bệnh dùng vôi bột hoặc hóa chất xử lý nước ao, kết hợp sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho cá.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng (nếu thả giống lớn) thì có thể thu hoạch. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo sức khỏe cho cá, nhất là vận chuyển cá đi xa.

Cá lăng chất lượng cao khi được nuôi trong ao đất

Theo thuysanvietnam.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá lăng nha 1 tuần cho ăn 2 lần, giá 1kg bằng 4kg thịt lợn

Thời gian qua, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện dự án ứng dụng chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng nha. Để dự án đi vào thực tiễn, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã chọn mua 300kg cá lăng nha từ Đăk Lăk về nuôi để tạo quy trình sản xuất và nhân giống.

Cá lăng nha nuôi trong ao đất

Thức ăn cho cá chủ yếu là nguồn cá tạp, tôm, tép… một tuần cho ăn 2 lần vào buổi chiều với khẩu phần 3-5% trọng lượng. Trung tâm đã thả nuôi 2 đợt vào các năm 2014 và 2015.

Sau 3 tháng nuôi vỗ đàn, cá có trọng lượng trung bình 2,2 kg/ con (tăng 0,6 kg/con). Để chuẩn bị cho quy trình sản xuất nhân tạo giống cá lăng nha, Trung tâm đã chuẩn bị nhiều thiết bị cho cá đẻ như vệ sinh bể giam giữ cá, bình ấp nở trứng cá và dụng cụ phục vụ.

Từ 300kg cá giống bố mẹ ban đầu, đến nay, đàn cá lăng nha của Trung tâm đã tăng lên 12.000 con. Đặc biệt, cá lăng nha sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn nước sinh sống trong ao, hồ.

Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đến nay, đàn cá lăng nha sinh trưởng, phát triển tốt. Với mức giá trên thị trường hiện nay khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi khoảng 113-182 triệu đồng.

Điều đáng mừng là cá lăng nha phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn nước tại Gia Lai. Hiện tại, nhiều nông dân tại các huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pah, Chư Sê tìm đến Trung tâm để mua cá giống về nuôi thương phẩm. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục sản xuất giống cá lăng nha để cung cấp cho người dân.

Thu hoạch cá lăng nha đuôi đỏ

Theo đánh giá, cá lăng nha có thịt trắng chắc, ít xương dăm, được thị trường ưa chuộng. Từ trước đến nay, người dân chủ yếu khai thác cá ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng giảm dần. Vì vậy, việc nuôi ươm cá lăng nha thành công trong thời gian qua đã tạo cơ hội cho nhiều người nuôi cá nước ngọt truyền thống trên địa bàn tỉnh tiếp cận kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá lăng nha thương phẩm.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.