Nông dân trồng tỏi điêu đứng vì nắng hạn

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết nắng nóng liên tục đã khiến hàng ngàn hộ dân trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lâm vào tình cảnh điêu đứng.

Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng tỏi

Theo các hộ dân trồng tỏi ở Lý Sơn thì vụ sản xuất Đông – Xuân năm nay thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài bắt đầu từ khoảng tháng 12 âm lịch đã khiến cho hàng trăm ha tỏi “khát” nước trầm trọng. Cùng với đó, sương muối và sâu bệnh gây hại dài ngày đã khiến cho cây tỏi khô lá và tóp củ, năng suất và sản lượng giảm sút.

Chị Bùi Thị Trí (thôn Đông, xã An Vĩnh) cho biết, vụ này gia đình chị canh tác 5 sào tỏi nhưng vì không đủ nước tưới nên đã có 2 sào gần như mất trắng. Diện tích còn lại vẫn cho thu hoạch được nhưng sản lượng chỉ còn khoảng 10% so với trước đây.

“Nếu như thời tiết thuận lợi như các năm trước, bình quân mỗi sào tỏi thu khoảng 500 – 600kg, nhưng năm nay nắng nóng kéo dài, nguồn nước cạn kiệt nên chỉ được 50kg/sào. Chưa kể có sương mù nên tỏi cũng hư hại nhiều. Mặc dù tôi đã cố gắng túc trực hàng ngày để mong cứu vãn tình hình nhưng bất lực”- chị Trí buồn bã nói.

Không riêng gì chị Trí mà gần 4.000 hộ dân trồng tỏi ở Lý Sơn cũng đang gắng gượng túc trực đồng tỏi thường xuyên để canh nước. Cứ bình quân 4 – 5 ngày lại tưới nước một lần, mỗi lần mất khoảng 1,5 giờ với chi phí khoảng 200.000 đồng/sào. Vậy nhưng tình trạng tỏi khô lá, chết rễ vì nắng nóng vẫn không có mấy tác dụng.

Chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Tây, xã An Hải) chia sẻ, chưa có năm nào mà người trồng tỏi tại Lý Sơn lại thấy khó khăn như thế. Từ đợt sau Tết tới giờ, các hộ liên tục tìm cách cấp nước cho tỏi vì sợ cây chết khô, ít thì tưới 7 lần, nhiều thì tưới 10 lần, thế nhưng tỏi vẫn không trụ nổi.

Nông dân điêu đứng vì tỏi mất giá

Ông Nguyễn Hòa (trú xã An Hải) cho hay, năm trước ông trồng 4 sào tỏi thu hơn 1 tấn nhưng năm nay chỉ được khoảng 400kg. Trong khi đó, giá tỏi 30.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg so với năm trước), vậy nên gia đình ông lỗ nặng.

“Năm nay tỏi vừa mất mùa lại mất giá, số lượng gia đình tôi thu hoạch được bán ra không đủ bù vào chi phí mua giống, tưới tiêu, phun thuốc, bón phân, cát trắng… Trồng tỏi 2 ngày phải tưới nước 1 lần, vừa tốn kém tiền bạc vừa mất nhiều công sức. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng vớt vát số tỏi ít ỏi trên ruộng, được đồng nào hay đồng đó, bù lại phần nào chi phí” – ông Hòa nói.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, năm nay nắng hạn đến sớm trong khi thời gian xuống giống sản xuất vụ tỏi Đông Xuân trễ hơn mọi năm nên ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

“Hiện tại tỏi phát triển không đồng đều, có nhiều diện tích bị hư hại. Nắm được tình hình này, huyện đã có văn bản chỉ đạo Hội Kinh doanh sản xuất chế biến hành tỏi Lý Sơn, các ngành kiểm soát đầu Sa Kỳ và các tư thương là không đưa tỏi nơi khác về Lý Sơn”- bà Hương nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Cán bộ dấn thân trồng rau sạch

Vốn là cán bộ trong ngành nông nghiệp, đã từ lâu Lê Đức Minh nung nấu ý định mở trang trại trồng cây, làm kinh tế bằng nghề nông.

Năm 2011, ý định trên mới thành hiện thực. Anh Lê Đức Minh quyết định đầu tư thuê 5 ha đất tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), thành lập Công ty Cổ phần Nông – Lâm nghiệp và Môi trường Vĩnh Hưng.

Khi có đất, anh Minh bỏ vốn xây dựng tới 3 ha nhà lưới để trồng rau ăn lá và rau ăn quả. Cây trồng của nhà lưới khá đa dạng, như mướp đắng, mướp hương, dưa lê Hàn Quốc, khoai tây, rau cải, bí đỏ hồ lô… Phần ngoài nhà lưới, anh cũng đầu tư khá bài bản để trồng cà chua, dưa chuột…

Khu vực trồng rau ngoài trời

Từ năm 2015 – 2016, thị trường rau ở Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận bắt đầu đi vào sản xuất có chất lượng cao, cũng đòi hỏi sự cạnh tranh và khó tính hơn trước. Các cơ sở sản xuất rau, củ, quả phải nhanh chóng bắt kịp thị trường và nhất là bắt kịp sự khó tính của khách hàng, mới tồn tại được. Giám đốc Lê Đức Minh đã vào cuộc rất nhanh. Bởi thế sản phẩm của Công ty Vĩnh Hưng dần dần “len” vào thị trường khó tính, là các siêu thị lớn ở TP Vĩnh Yên,Vĩnh Phúc và bắt đầu vào siêu thị ở các tỉnh lân cận và Hà Nội.

Để sản phẩm có thể vào thị trường khó tính, ngay từ đầu anh Minh đã đầu tư khá bài bản. Ngoài việc làm nhà lưới, anh còn xây dựng nhà sơ chế với hơn 80m2, đóng gói (có nhãn mác) sản phẩm, trước khi đưa ra thị trường. Để có được sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, anh đầu tư một giàn tưới tiêu tự động theo kiểu tưới phun hiện đại.

Đầu vào sản xuất rau, củ, quả, anh cũng tìm các đối tác tin cậy, có uy tín trong nước và cả nước ngoài. Các đối tác này đều được kiểm định, có đủ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn. Một số giống cây, anh nhập từ Hàn Quốc. Trong quá trình sản xuất dù trong nhà lưới hay ngoài nhà lưới, đều đảm bảo tuyệt đối an toàn. Nhờ vậy sản phẩm dưa lê Hàn Quốc, mướp hương, mướp đắng, cà chua, bí đỏ… đến các loại rau ăn lá đều được siêu thị đón nhận.

Khu nhà lưới

Theo anh Lê Đức Minh, rau ăn lá của công ty, mức tiêu thụ ban đầu từ 5 – 7 tạ/ngày, nay đã tăng lên trên 15 tạ/ngày. Các cửa hàng “chân rết” tiêu thụ từ 250 – 300 kg sản phẩm/ngày. Rau ăn lá và cà chua, tiêu thụ mỗi loại trên 5 tạ/ngày. Mức độ tuy còn khiêm tốn, nhưng đáng mừng là sản phẩm được đón nhận ngay, không có tình trạng tồn đọng, sản xuất đến đâu, bán hết đến đấy.

Khi chúng tôi đến trang trại của Công ty Vĩnh Hưng vào cuối tháng 2/2019, đúng lúc vừa có trận lốc lớn, làm hư hại khá nhiều phần nhà lưới và hoa màu. Anh Minh đang phải gấp rút sửa chữa, khắc phục hậu quả. “Đã dấn thân vào con đường nông nghiệp, thì ắt phải chấp nhận rủi ro. Thiên tai là điều không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi quyết vượt qua những rủi ro để tồn tại và phát triển”, anh Minh cho biết.

Giàn rau ngoài trời

Một trong cái khó của công ty là thời gian thuê đất quá ngắn, chỉ 5 năm. Làm nông nghiệp thường phải đầu tư với thời gian 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm, mới mong ổn định và có lãi. Đó là một thực tế. Tuy nhiên thuê đất của người dân, nhất là gom lại từ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, là điều rất khó để công ty dám đầu tư lớn. Vì vậy công ty mong muốn được thuê đất lâu dài.

Tuy nhiên, theo anh Minh, dù sử dụng đất trong thời gian bao lâu, thì công ty vẫn đầu tư một cách bài bản và nhất là luôn đảm bảo sản phẩm an toàn.

“Các loại rau, củ, quả theo “chuẩn” giá thường cao hơn từ 20 – 30% so với rau, củ, quả thông thường. Đó là một bài khó, trong khi thói quen của người tiêu dùng là tiện đâu mua đấy, thậm chí ít quan tâm đến sản phẩm sạch hay không sạch…”, anh Minh tâm sự.

Nguồn: Nongnghiep.vn duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Nông dân đam mê nhân giống cây khoai mỡ

Đó là anh Lê Việt Hà ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Qua tìm tòi, học hỏi để chọn giống mới sạch bệnh, anh đã tìm đến với kỹ thuật nhân giống khoai mỡ bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Được biết, cây khoai mỡ chủ yếu được người dân nhân giống theo cách truyền thống là giữ lại củ của vụ trước, đợi đến thời điểm xuống giống thì được người dân đem ra cắt các củ thành từng mặt khoai có kích thước khoảng 4 x 5 (cm) và ủ cho mọc mầm trước khi đặt xuống đồng ruộng. Với cách giữ giống này, sau nhiều năm liên tục sẽ làm cây sinh trưởng yếu, tính kháng sâu bệnh giảm, do đó làm ảnh hưởng đến năng suất.

Anh Lê Việt Hà canh tác 3ha khoai mỡ từ năm 1997. Tuy nhiên cây khoai mỡ ngày càng bị nhiều loại sâu bệnh hại, trong đó bệnh làm “đau đầu” nhất là hiện tượng mục đầu khoai, gây ảnh hưởng đến phẩm chất khoai và thất thu năng suất. Năm 2010 anh Hà nghiên cứu sách vở tìm ra phương pháp hạn chế hiện tượng này là xử lý nước nóng “3 sôi, 2 lạnh” để khử tuyến trùng gây mục đầu khoai, hiệu quả chiếm trên 90%. Từ đó đến nay, anh Hà đã có nguồn giống khoai sạch bệnh để bán cho bà con nông dân trong xã và khu vực Bến Kè Long An với sản lượng trên 100 tấn giống.

Không dừng lại, anh còn tìm đến Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh Tiền Giang học hỏi phương pháp nuôi cấy mô trên khoai mỡ nhằm cải thiện nguồn giống bệnh mục đầu. Năm 2013, kỹ sư Văn Thị Thúy Hoa đã nhận nuôi cây mô giống khoai mỡ cho anh. Sau 1 năm anh nhận 100 cây giống về trồng, rồi tiếp tục nhân ra bằng việc sử dụng phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa. Một năm chăm sóc tiếp theo, anh Hà đã có khoảng 150kg khoai mỡ sạch bệnh. Đến năm 2016 anh đã cung cấp giống khoai nuôi cấy mô cho nhiều hộ sản xuất khoai mỡ trong xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và Bến Kè Long An.

Với sự nhiệt tình tâm quyết của mình, năm 2018, anh tiếp tục liên hệ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả Miền Nam nhờ nhân giống nuôi cấy mô từ 3kg khoai mỡ tím của gia đình với giá 5000đồng/bầu. Đến 9/2018 này anh sẽ nhận về nhân giống để tiếp tục có nguồn giống mới, sạch bệnh phục vụ cho bà con nông dân.

Anh Hà tâm sự: “Khi thấy khoai mỡ bị bệnh mục đầu nhiều mà cây bệnh ảnh hưởng trong đất, trong giống nên tôi luôn trăn trở tìm giống mới. Bên cạnh nguồn giống tốt, tôi nghĩ cần xây dựng quy trình trồng khoai mỡ để hạn chế sâu bệnh, giúp tăng thu nhập cho mình và người dân trồng khoai xung quanh”.

Anh Lê Việt Hà bên ruộng khoai trồng được 4 tháng của gia đình

Từ năm 2017 đến nay anh Hà canh tác khoai mỡ sau khi nuôi cấy mô. Thời gian trồng 5 tháng thì củ to từ 1 – 1,2 kg, không mục đầu, sức sinh trưởng cây mạnh, hạn chế việc sử dụng phân hóa học. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 16 – 18 tấn khoai/ha/5 tháng. Giống khoai của nhà anh cung cấp cho bà con nông dân đồng đều, giá bán giống là 20.000 đồng/kg khoai giống, so với khoai hàng chợ 16.000 đồng/kg nhưng được nhiều bà con lựa chọn. Hiện nay anh đang trồng 3ha khoai giống để cung cấp giống tốt cho bà con trong vụ tới.

Từ một nông dân canh tác khoai mỡ lâu đời trên vùng đất nhiễm phèn, sâu bệnh hại ngày một nhiều gây ảnh hưởng năng suất cây trồng nhưng với ý chí nhiệt tình học hỏi, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, anh Lê Việt Hà đã thành công trên mô hình trồng nhân giống khoai mỡ cho hiệu quả kinh tế cao. Anh là tấm gương để nông dân gần xa học tập.

 Nguồn: Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam