Nông dân trồng tỏi điêu đứng vì nắng hạn

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết nắng nóng liên tục đã khiến hàng ngàn hộ dân trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lâm vào tình cảnh điêu đứng.

Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng tỏi

Theo các hộ dân trồng tỏi ở Lý Sơn thì vụ sản xuất Đông – Xuân năm nay thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài bắt đầu từ khoảng tháng 12 âm lịch đã khiến cho hàng trăm ha tỏi “khát” nước trầm trọng. Cùng với đó, sương muối và sâu bệnh gây hại dài ngày đã khiến cho cây tỏi khô lá và tóp củ, năng suất và sản lượng giảm sút.

Chị Bùi Thị Trí (thôn Đông, xã An Vĩnh) cho biết, vụ này gia đình chị canh tác 5 sào tỏi nhưng vì không đủ nước tưới nên đã có 2 sào gần như mất trắng. Diện tích còn lại vẫn cho thu hoạch được nhưng sản lượng chỉ còn khoảng 10% so với trước đây.

“Nếu như thời tiết thuận lợi như các năm trước, bình quân mỗi sào tỏi thu khoảng 500 – 600kg, nhưng năm nay nắng nóng kéo dài, nguồn nước cạn kiệt nên chỉ được 50kg/sào. Chưa kể có sương mù nên tỏi cũng hư hại nhiều. Mặc dù tôi đã cố gắng túc trực hàng ngày để mong cứu vãn tình hình nhưng bất lực”- chị Trí buồn bã nói.

Không riêng gì chị Trí mà gần 4.000 hộ dân trồng tỏi ở Lý Sơn cũng đang gắng gượng túc trực đồng tỏi thường xuyên để canh nước. Cứ bình quân 4 – 5 ngày lại tưới nước một lần, mỗi lần mất khoảng 1,5 giờ với chi phí khoảng 200.000 đồng/sào. Vậy nhưng tình trạng tỏi khô lá, chết rễ vì nắng nóng vẫn không có mấy tác dụng.

Chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Tây, xã An Hải) chia sẻ, chưa có năm nào mà người trồng tỏi tại Lý Sơn lại thấy khó khăn như thế. Từ đợt sau Tết tới giờ, các hộ liên tục tìm cách cấp nước cho tỏi vì sợ cây chết khô, ít thì tưới 7 lần, nhiều thì tưới 10 lần, thế nhưng tỏi vẫn không trụ nổi.

Nông dân điêu đứng vì tỏi mất giá

Ông Nguyễn Hòa (trú xã An Hải) cho hay, năm trước ông trồng 4 sào tỏi thu hơn 1 tấn nhưng năm nay chỉ được khoảng 400kg. Trong khi đó, giá tỏi 30.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg so với năm trước), vậy nên gia đình ông lỗ nặng.

“Năm nay tỏi vừa mất mùa lại mất giá, số lượng gia đình tôi thu hoạch được bán ra không đủ bù vào chi phí mua giống, tưới tiêu, phun thuốc, bón phân, cát trắng… Trồng tỏi 2 ngày phải tưới nước 1 lần, vừa tốn kém tiền bạc vừa mất nhiều công sức. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng vớt vát số tỏi ít ỏi trên ruộng, được đồng nào hay đồng đó, bù lại phần nào chi phí” – ông Hòa nói.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, năm nay nắng hạn đến sớm trong khi thời gian xuống giống sản xuất vụ tỏi Đông Xuân trễ hơn mọi năm nên ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

“Hiện tại tỏi phát triển không đồng đều, có nhiều diện tích bị hư hại. Nắm được tình hình này, huyện đã có văn bản chỉ đạo Hội Kinh doanh sản xuất chế biến hành tỏi Lý Sơn, các ngành kiểm soát đầu Sa Kỳ và các tư thương là không đưa tỏi nơi khác về Lý Sơn”- bà Hương nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Trồng tỏi nơi đảo xa, nhà nông thu 1-1,3 tỷ đồng/ha

Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi năm người dân ở đây trồng được một vụ tỏi (trồng từ tháng 9 – 10 và thu hoạch từ tháng 2 – 3 năm sau). Trung bình mỗi ha tỏi, bà con thu về từ 1 – 1,3 tỷ đồng/vụ, cao hơn bất kỳ cây trồng, công việc nào ở nơi đây…

Nhà nhà trồng tỏi

Toàn huyện Lý Sơn có khoảng 320ha trồng hành, tỏi, phân bố ở cả 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình, trong đó An Hải là nơi trồng nhiều nhất. Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Lý Sơn, hầu hết các hộ dân ở đây đều làm nghề trồng tỏi, hành, dưa hấu, đánh bắt thủy hải sản và một số hộ làm dịch vụ du lịch. Hộ nào ít cũng có 1 sào đất trồng tỏi, hành; hộ nhiều 5 – 7 sào, thậm chí có hộ trồng tới gần 2ha.

Hầu hết người dân Lý Sơn đều làm nghề trồng tỏi

Ông Lê Hoài Ân – Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, trước đây ngành du lịch, dịch vụ ở Lý Sơn chưa phát triển, thương hiệu tỏi Lý Sơn ít được biết đến, giá trị thu nhập thấp nên ít hộ trồng. “Khoảng 7 – 8 năm trở lại đây, tỏi Lý Sơn đã xây dựng được thương hiệu, đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ cũng được huyện, tỉnh quan tâm nên du khách tìm đến Lý Sơn tham quan, nghỉ dưỡng ngày một tăng, nhờ đó đầu ra của tỏi, hành tốt hơn và có giá trị ngày càng cao” – ông Ân cho biết.

Cũng theo ông Ân, nhờ có đầu ra tốt, giá trị thu nhập cao (khoảng 50 – 60 triệu đồng/sào/vụ) nên các diện tích đất trống đã được người dân tận dụng triệt để để canh tác, cải tạo trồng tỏi, kể cả những mảnh ruộng chỉ vài chục, thậm chí vài m2 cũng được người dân trồng tỏi, hành…

Anh Lê Tấn Dũng – người thôn Đông, xã An Hải cho biết, hiện ở An Hải đã hết đất để mở rộng diện tích trồng tỏi, hành nên hầu như hộ gia đình nào có đất đều canh tác và chăm sóc cây tỏi, hành rất cẩn thận, sao cho đạt năng suất và giá trị cao nhất…

Cây làm giàu

Từ nhiều năm nay, cây tỏi, hành đã trở thành cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo và làm giàu của người dân nơi đây. Theo ông Dũng, từ khi trồng tỏi đến khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng, trung bình 1 sào tỏi cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng, có hộ thu tới 80 triệu đồng/sào.

ó lẽ người trồng nhiều tỏi, hành nhất Lý Sơn phải kể đến anh Dương Giáp (xã An Hải), khi anh có tới 37 sào tỏi, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn tỏi tươi và khô, thu về hàng tỷ đồng. Ngoài ruộng của gia đình, anh còn nhận thầu lại ruộng của nhiều hộ dân khác rồi thuê gần chục người làm công cho mình. Anh được người dân nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến là “vua tỏi”, không chỉ vì anh trồng nhiều tỏi, mà còn vì anh là người “bắt bệnh” tỏi rất tài tình.

Trồng tỏi giúp người dân Lý Sơn cải thiện đời sống đáng kể

Anh Giáp cho biết, gần 20 năm gắn bó với cây tỏi, giá có thể bấp bênh, song hầu như chưa bao giờ anh thất thu, kể cả vụ năm 2014 – 2015 thời tiết mưa nhiều, nhiều diện tích tỏi của bà con trên đảo bị cát vùi, giập nát thì vườn tỏi của anh vẫn xanh tốt.

Chia sẻ về bí quyết của mình, anh Giáp nói: “Đất trồng tỏi ở Lý Sơn chủ yếu là cát trắng nên khi trời mưa to kéo dài, cát sẽ bị xối vùi đảo lộn rất nhanh, nên cần phải theo dõi thời tiết để xuống giống cho phù hợp. Còn khi nhỡ xuống rồi, gặp trời mưa, bà con nên dùng lưới che để hạn chế mưa trực tiếp xối xuống luống tỏi, hành. Khi trời nắng thì dùng vòi tưới tự động để giữ ẩm cho đất…”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng tỏi voi Nhật Bản tại đảo Lý Sơn: Cần nghiên cứu khảo sát đầy đủ

Trước việc hai Công ty của Nhật Bản muốn đưa giống tỏi voi Nhật vào trồng tại đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), đã đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh sự phát triển, cạnh tranh đối với tỏi Lý Sơn.

Tỏi Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có buổi làm việc với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản) về việc phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn, đồng thời, hai công ty này giới thiệu sản phẩm tỏi voi của Nhật đối với tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, tỏi voi  là giống tỏi có năng suất, chất lượng, sản lượng đạt 4,5 tấn/ha, ở Nhật giá tỏi tương đương khoảng 180.000 VNĐ/kg và được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Công ty này mong rằng sẽ được mang giống tỏi voi sang trồng trên đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh sự phát triển, cạnh tranh đối với tỏi Lý Sơn, vốn là thương hiệu tỏi lâu đời của cư dân vùng đất đảo Lý Sơn.

Trao đổi với Báo SGGP Online, T.S Võ Thị Việt Dung, Giảng viên thuộc Khoa Hóa –Sinh-Môi trường, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), người đã có những nghiên cứu về tỏi Lý Sơn cho rằng, việc đưa các giống ngoại, giống lai về trồng đã có từ nhiều năm trước. Có nhiều giống khi đến vùng đất mới có thể thích hợp thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu mà phát triển tốt, tuy nhiên, cũng nhiều giống cây trồng khi đến một điều kiện khác thì giảm năng suất, chất lượng, không được như kỳ vọng ban đầu.

Người dân Lý Sơn vẫn sản xuất tỏi bằng phương pháp truyền thống

T.S Việt Dung cho biết: “Hiện tỏi Lý Sơn chỉ trồng được 1 vụ, nếu như giống mới có thể trồng quanh năm, đạt được kết quả tốt, năng suất tốt mà vẫn giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng trong tỏi thì có thể mở ra một hướng đi mới. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một đánh giá, khảo sát nào về tỏi voi Nhật Bản khi trồng trên đất đảo Lý Sơn nên vẫn chưa thể nhận định được sản phẩm tạo ra có đạt tiêu chuẩn không”. Theo T.S Võ Thị Việt Dung, ngay cả tỏi Lý Sơn khi đem về trồng ở Khánh Hòa cũng không đạt tiêu chuẩn như tỏi trồng trên đất Lý Sơn. Nhật Bản cũng có đảo, biển nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ đạt năng suất, chất lượng, chất dinh dưỡng tương đương khi trồng tại đảo Lý Sơn.

Vì vậy, trước khi thực hiện trồng tỏi voi Nhật Bản, chính quyền, các nhà nghiên cứu cần phải có những khảo sát, đánh giá, thử nghiệm trồng trên 1-2 hộ dân, từ đó có những nghiên cứu hàm lượng dinh dưỡng, năng suất… rồi đưa về Trung tâm Khuyến nông, chứ không nên trồng ngay.

Đồng thời, khí hậu, thổ nhưỡng đảo Lý Sơn có nét riêng biệt: “Đất cát ở Lý Sơn là sự hình thành, kiến tạo qua hàng ngàn năm từ dung nham các miệng núi lửa phun trào từ lòng biển lên. Hằng năm, người dân đảo đem đất, cát này về trồng, nên trong đó sẽ có lẫn vỏ sò, ốc, san hô vỡ, cùng với kỹ thuật trồng lâu đời, người dân Lý Sơn tạo ra hương vị tỏi đặc trưng”-  T.S Võ Thị Việt Dung khẳng định.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Đưa tỏi Nhật vào trồng ở Lý Sơn, vì sao?

Từ lâu, thương hiệu tỏi Lý Sơn đã vươn xa khắp nước và ra nhiều nơi trên thế giới. Với việc đưa tỏi Nhật vào trồng “cạnh tranh” trực tiếp với tỏi Lý Sơn trên hòn đảo có diện tích đất trồng tỏi rất ít ỏi này, cơ may tồn tại và phát triển của tỏi Lý Sơn trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Vùng trồng tỏi ở Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu khảo sát để đưa giống tỏi voi của Nhật Bản ra trồng trên đảo Lý Sơn. Cụ thể, Phó chủ tịch thường trực Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH CAN Holdings (Nhật Bản). Ông Tadashi Yoshii, Tổng giám đốc công ty này giới thiệu giống tỏi voi có năng suất khoảng 4-5 tấn/ha, giá mỗi kg khoảng 180 ngàn đồng.

Trao đổi với phóng viên, nhà nông học Lê Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nông học – ĐH Nông lâm Huế) tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin Quảng Ngãi sẽ cho phép giống tỏi voi Nhật Bản vào trồng tại huyện đảo Lý Sơn.

Theo ông Dũng, tỏi Lý Sơn là đặc sản, nổi tiếng không chỉ trong nước. Đây là giống tỏi quý chỉ có điều kiện tự nhiên của Lý Sơn mới sản sinh ra được. Phải qua nhiều đời, người dân đảo Lý Sơn mới tuyển chọn được giống tỏi quý này. Trong đó, đặc biệt nhất là loại tỏi “cô đơn” một củ, có giá trị rất cao, có thời điểm lên tới 2 – 3 triệu/kg. Đây là một trong những giống địa phương tốt nhất hiện nay cần được bảo vệ và phát triển. Việc cho chủ trương trồng tỏi Nhật Bản trên đảo Lý Sơn, theo nhà nông học này, đó là xu hướng chung hiện nay ở nước ta là thích “của ngoại” và thường nghĩ rằng giống ngoại là tốt nhất.

Tiến sỹ, nhà nông học Lê Tiến Dũng.

Nhập đâu thì nhập nhưng nhập vào Lý Sơn thì không nên. Nếu nhập giống tỏi voi Nhật Bản vào sẽ làm mất tỏi Lý Sơn. Hậu quả là con cháu chịu hết, sẽ không còn những sản vật quý nữa”, TS Dũng nói. Bởi theo ông, tỏi Nhật Bản năng suất cao hơn, tỏi Lý Sơn sẽ mất đi vị trí vì không thể cạnh tranh nổi, dần dần sẽ bị diệt vong như các cây trồng khác hiện nay. “Xây dựng một thương hiệu rất khó nhưng để đánh mất một thương hiệu lại rất dễ. Trong thực tế chúng ta đã có những bài học đắt giá về giống. Đơn cử như lúa de An Cựu giờ muốn ăn cũng chịu”.

Là người lâu năm trong nghiên cứu nông học, ông Dũng chia sẻ: Nhiều chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản mà ông từng làm việc đã từng cảnh báo về việc chúng ta quá say sưa nhập giống của nước ngoài, trong đó có giống của Nhật Bản. Trong khi người Nhật bản đi thu thập giống của Việt Nam về để dùng. Còn việc Việt Nam có giống tốt thì không dùng mà đi làm điều ngược lại.

Ở các nước phát triển, chính sách bảo hộ nông sản rất được coi trọng. Các nước xem quỹ gen là nguồn tài sản quý, vô giá của quốc gia nên đầu tư kinh phí rất lớn để lập các ngân hàng quỹ gen. Các nước thu thập các nguồn gen không chỉ trong nước và cả nước ngoài để làm tài sản quốc gia và rất được coi trọng. Còn tại nước ta hiện nay, lãnh đạo các địa phương ít chú trọng việc này mà chỉ quan tâm đến những vấn đề khác, trong đó có lợi ích kinh tế trước mắt. Việc này để lại hậu quả là thế hệ con cháu mất những sản vật quý, đặc sản, đặc trưng chỉ có ở những vùng miền.

Theo ông Dũng việc nhập các giống cây trồng, nguyên tắc chung phải được nhà nước thông qua bằng các nghị định thư, các hiệp định trao đổi sản phẩm khoa học… Các nước muốn trao đổi phải có nghị định thư trao đổi các sản phẩm khoa học. Việc nhập một giống mới phải qua con đường khảo nghiệm giống. Nhà nước kiểm nghiệm từ các khâu và phải qua kiểm dịch thực vật. Sau đó sẽ theo dõi giống đó về đâu, theo dõi, đánh giá và báo cáo thường xuyên. Thông qua Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp sẽ đánh giá cho phép sản xuất chứ không được tùy tiện.

“Muốn đưa giống tỏi voi Nhật Bản vào Việt Nam phải qua con đường khảo nghiệm, được nhà nước và vùng sản xuất chấp nhận thì mới mở rộng sản xuất. Cơ quan khảo nghiệm sẽ là trọng tài đồng ý cho phép sản xuất. Hội đồng đánh giá nhà nước có văn bản đánh giá đồng ý cho phép thì mới cho phép sản xuất ở vùng đó”, nhà nông học Lê Tiến Dũng nhấn mạnh.

Quy định là vậy, tuy nhiên theo TS Dũng, gần đây một số giống cây trồng các địa phương tự nhập về bỏ qua khâu khảo nghiệm. “Phép vua thua lệ làng”, về mặt quản lý nhà nước phải đứng bên ngoài, tiếng nói do địa phương quyết định.

“Nếu nhà nước cho phép, giống tỏi Nhật Bản đưa vào vùng khác của Quảng Ngãi thì được. Riêng Lý Sơn thì đừng. Nếu tỏi Lý Sơn mất thì mất một thương hiệu, mất một dư địa chí cho sản phẩm đặc sản. Diện tích eo hẹp như vậy thì nên độc nhất một giống tỏi Lý Sơn”, ông Dũng cho biết.

Nguồn: Kinhtenongthon.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tỏi voi Nhật Bản trồng được ở “Vương quốc tỏi” Lý Sơn

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa loại tỏi voi ra trồng ở “vương quốc tỏi” Lý Sơn…

Một doanh nghiệp của Nhật Bản vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn về việc thông qua dự án phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn. Theo doanh nghiệp này, nếu trồng tỏi voi, người dân sẽ nâng cao ý thức phân loại rác thải để chế biến phân hữu cơ đạt chất lượng và mang đến Quảng Ngãi mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu Nhật Bản tại Việt Nam.

Tỏi Lý Sơn vang danh không chỉ trong nước sẽ gặp khó với tỏi Nhật Bản?

Doanh nghiệp muốn trồng tỏi là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản). 2 doanh nghiệp này giới thiệu về sản phẩm tỏi voi và lĩnh vực sản xuất kinh doanh. CAN Holdings là Công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tỏi voi là một trong những sản phẩm được Công ty sản xuất tại Nhật Bản.

Theo lời giới thiệu của CAN Holdings tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỏi voi giống tỏi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và tốt cho sức khỏe. Để sản xuất 100m² tỏi voi cần khoảng 1 tấn phân bón hữu cơ. Sản lượng đạt 4,5 tấn/ha. Ở Nhật trị giá 1kg tỏi voi có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Do đó, để sản xuất giống tỏi này đạt chất lượng cần chi phí lớn, đòi hỏi phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rác thải làm phân hữu cơ không có kim loại và chất độc.

Nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn

Được biết, nếu dự án thành hiện thực, 2 công ty này, sẽ mang giống tỏi voi sang trồng tại đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Được biết, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã mang mẫu tỏi voi tới Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn để giới thiệu, mặc dù vậy, một số người dân Lý Sơn cho rằng, nếu trồng tỏi voi trên đảo, thương hiệu tỏi Lý Sơn vang danh bấy lâu nay sẽ bị ảnh hưởng.

Khí hậu và thổ nhưỡng cho phép Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”

Đảo Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” bởi khí hậu, thổ nhưỡng của hòn đảo này cho phép người nông dân trồng được loại tỏi tép nhỏ, thơm, nhiều chất dinh dưỡng mà lại không quá cay nồng. Tỏi Lý Sơn không chỉ là một nông sản vang tiếng trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Hiện nhiều doanh nghiệp tỏi cũng đang xuất khẩu tỏi Lý Sơn qua các nước như Quata, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và cả… Nhật Bản

Nguồn: Danviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.