Trồng Cà Rốt đều tăm tắp, nhà nông Cẩm Giang thu tiền tỷ

Trước đây, bà con nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) chuyên trồng lạc, ngô nhưng do hiệu quả kinh tế kém nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà rốt.

Dự án trồng cà rốt an toàn được người dân triển khai từ năm 2007. Đến nay, Đức Chính đã trở thành một trong những vựa cà rốt sạch lớn nhất miền Bắc, sản phẩm không chỉ tiêu thụ nhiều trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ cây cà rốt, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú.

Để có được những củ cà rốt to đẹp, chất lượng thơm ngon, người dân Đức Chính đã phát triển các vùng trồng chuyên canh tập trung, áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân cẩn thận. Báo NTNN xin giới thiệu với bà con một số kỹ thuật trồng cà rốt của nông dân xã Đức Chính.

Nông dân Đức Chính, Huyện Cẩm Giang thu hoạch Cà Rốt vụ Đông

  1. Thời vụ gieo trồng:

Cà rốt được gieo trồng từ tháng 8 đến đầu tháng 2 năm sau; thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau; và có thể phân ra thành 3 trà:

– Trà sớm gieo hạt từ: Đầu tháng 8-15.10, cho thu hoạch từ tháng 11.

– Trà chính vụ gieo hạt từ: 16.10 -15.12, thu hoạch xung quanh tết âm lịch.

– Trà muộn gieo hạt từ: 16.12 đến 30.1 năm sau, thu hoạch đến tháng 5.

  1. Chọn giống:

Có rất nhiều giống, tuy nhiên hiện nay nông dân tại 2 xã Cẩm Văn và Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) và các vùng phụ cận trồng chủ yếu 2 giống cà rốt lai là: Super VL-444 F1 và Ti-103 (Nhật Bản). Giống này có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Năng suất trung bình đạt 1,5 tấn/sào, cao hơn có thể đạt 3 tấn/sào.

  1. Kỹ thuật làm đất:

– Nên chọn đất bãi bồi ven sông là đất thịt nhẹ, đất cát pha hoặc đất phù sa để trồng cà rốt là tốt nhất. Đất phải được dọn sạch cỏ dại, sau đó cày bừa kỹ, phay nhỏ, san phẳng rồi lên luống. Chiều rộng của luống từ: 85-90cm (trà sớm) và 80-85cm (trà chính vụ và trà muộn); độ cao từ: 20-25cm; rãnh rộng từ: 25-30cm.

– Sau khi san phẳng mặt luống, kẻ 3 hàng trên mặt luống theo chiều dọc và sâu khoảng 5cm, hàng cách hàng từ 13-15cm. (Nếu gieo bằng máy thì máy tự kẻ hàng).

  1. Phân bón:

* Cách bón:

Cây cà rốt là cây lấy củ nên cần bón phân sớm, bón tập trung và bón cân đối; hạn chế bón đạm, nhất là bón đạm muộn; không nên phun các chất kích thích sinh trưởng. Cụ thể cách bón và liều lượng bón như sau:

– Trộn toàn bộ phân chuồng ủ mục hoặc phân vi sinh với phân lân supe Lâm Thao rồi đem bón lót bằng cách rắc đều trên mặt luống, nếu lượng phân ít có thể chỉ rắc theo 3 đường kẻ trên mặt luống- Bón thúc lần 1 khi cây có lá thật (xoay lá); bón thúc lần 2 sau khi tỉa cây sơ bộ (khi cây có 3-4 lá thật); bón thúc lần 3 sau khi tỉa định cây lần cuối (rễ đã phát triển to bằng que đan). Bón thúc lần 4 sau khi củ đã hình thành (bón kali từ: 3-4kg/sào), hoặc chỉ bón (tưới) dặm những chỗ cây có biểu hiện thiếu đạm.

  1. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

* Phủ rơm, rạ:

Phủ một lớp rơm, rạ mỏng trên mặt luống nhằm hạn chế đất bị đóng váng (bề mặt bị lỳ do mưa, tưới); ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm đồng thời phủ rơm còn có tác dụng giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và giữ cho cây không bị đổ khi còn nhỏ.

* Tưới nước:

– Sau khi phủ rơm, rạ xong nên tưới nhẹ bằng vòi sen, tưới phun mưa hoặc thùng doa; đảm bảo cho độ ẩm của đất từ 84-90% để cho cây mọc đều và phát triển tốt. Nếu ruộng có tỷ lệ cát cao, kết hợp với thời tiết hanh khô thì phải tưới hàng ngày. Khi thời tiết có mưa nhỏ, mưa phùn thì không phải tưới.

– Giai đoạn cây con từ 3 lá đến tỉa định cây lần cuối: Áp dụng phương pháp tưới rãnh (hạn chế tưới ẩm quá bề mặt -> củ ngắn).

– Giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: Duy trì độ ẩm đất khoảng từ: 60-75%. Không được tưới rãnh, không được tưới quá ẩm, khi có mưa ruộng phải thoát nước và cũng không được để ruộng quá khô (vì để quá khô khi gặp mưa lớn, nước nhiều, ẩm độ cao sẽ gây nứt củ).

* Thuốc trừ cỏ:

Sau khi gieo hạt, phủ rơm – rạ, tưới nước từ 1 – 3 ngày cho bề mặt đất ổn định mới phun thuốc trừ cỏ. Sử dụng thuốc với liều lượng theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt lưu ý, khi hạt cà rốt đã mọc thì không được sử dụng thuốc trừ cỏ nữa.

* Nhổ, tỉa cố định cây:

– Khi cây mọc cao 4-5cm cần nhổ tỉa bỏ các cây mọc dày, không để 2 cây cùng 1 hốc, cây cách cây từ 7-8cm;

– Khi cây cao 7-10 cm, rễ đã to bằng que đan… ta tỉa định cây lần cuối.

– Khi tỉa nhổ cây kết hợp dọn, nhổ bỏ cỏ dại.

* Phòng trừ sâu, bệnh

Cây cà rốt có rất nhiều đối tượng sâu, bệnh (dịch hại) gây hại:

– Ở giai đoạn đầu, giai đoạn cây con, cần chú ý: Sâu hại rễ, bệnh lở cổ rễ và chuột hại. Ở giai đoạn phát triển thân lá: Thường xuất hiện giòi hại lá, sâu khoang, sâu đo xanh, bệnh phấn trắng, bệnh nấm hạch, bệnh sương mai… Ở giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: Cũng vẫn xuất hiện các đối tượng dịch hại như thời kỳ phát triển thân lá và bệnh thối đen, thối khô, thối nhũn. Ở giai đoạn này cần chú ý các bệnh về thối củ…

– Để phòng trừ các đối tượng dịch hại trên, nông dân nên sử dụng những loại thuốc đặc hiệu, ít độc, thân thiện với môi trường:

+ Đối với giòi hại lá nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất là Abamectin và Cyromazine.

+ Đối với sâu ăn lá có thể lựa chọn được rất nhiều loại thuốc có hoạt chất có tính đặc hiệu, ít độc như các dòng thuốc: Sinh học, thảo mộc, vi sinh, ức chế điều hòa sinh trưởng, dầu khoáng…

+ Đối với nấm bệnh, cần chú trọng các biện pháp canh tác như: Thời vụ, phân bón (đạm) và độ ẩm. Thuốc nên chọn thuốc có độ độc thấp, mang tính đặc hiệu như Valydamycin; Carbenzadim; Difenoconazole…

  1. Thu hoạch:

Cây cà rốt có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Căn cứ vào thời vụ và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, bà con tiến hành thu hoạch khi cà rốt đạt kích cỡ củ trung bình dài 18-22cm, đường kính 3-4cm. Sau khi nhổ củ, cắt bỏ dọc, chọn lọc củ không mấu, tật, nứt, thối, thu gom đóng bao và tiêu thụ. Nếu thời tiết hanh khô có thể tưới ẩm trước khi nhổ từ 10-12 tiếng; để đất ẩm rễ nhổ (thu hoạch).

Cây cà rốt là cây trồng không thể thay thế được tại xã Đức Chính và Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Do đất đai tại địa phương có hạn cho nên nhiều gia đình tại đây phải đi thuê đất trồng cà rốt ở các vùng đất bãi ven sông Thái Bình, Kinh Thầy… Để tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí nên việc gieo trồng cà rốt đã không ngừng được cải tiến và áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu như: Làm đất, lên luống, gieo hạt, tưới nước…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam

Phát triển thương hiệu Bưởi Da Xanh Khánh Vĩnh

Là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, cây bưởi da xanh không chỉ giúp người trồng thoát nghèo mà còn là sinh kế bền vững.

Bưởi Khánh Vĩnh được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap

Sau một thời gian “bưởi da xanh Khánh Vĩnh” được công nhận là nhãn hiệu tập thể, nông dân Khánh Vĩnh đang phấn đấu đưa bưởi da xanh tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường tiêu thụ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, huyện có hơn 500 ha bưởi da xanh được cấp thương hiệu, tập trung ở các xã Khánh Đông, Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Trung. Song song với việc xây dựng thương hiệu, huyện Khánh Vĩnh cũng phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền nông dân sản xuất theo hướng an toàn VietGAP.

Ông Phùng Văn Thông, xã Khánh Nam là một trong những nông dân trồng bưởi da xanh có năng suất và chất lượng cao của huyện. Ban đầu ông chỉ trồng xen canh bưởi với các loại cây ăn trái khác, nhưng càng về sau, cây bưởi cho giá trị thu nhập cao, ông đã phát triển vườn bưởi của mình lên đến 2 ha với khoảng 1.000 gốc bưởi da xanh. Sau khi trừ chi phí, kết thúc thu hoạch ông Thông lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Không chỉ có ông Thông, ông Nguyễn Xuân Long, Tổ trưởng Tổ hợp sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, một trong những người đầu tiên trồng bưởi da xanh tại đây cho biết, từ năm 2005 khi có chương trình bán hỗ trợ cây giống của huyện, gia đình ông đã mua 20 cây bưởi da xanh về trồng.

Thời tiết thuận lợi cộng thêm được hướng dẫn cách canh tác hiệu quả, 6 năm sau, cây cho quả và bán được 20 triệu đồng/năm. Kể từ đó, ông tích lũy vốn liếng và đầu tư mở rộng diện tích trồng. Đến nay gia đình ông có 2 ha bưởi da xanh. Bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn bưởi/ha, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Xuân Long cho rằng: “Sau khi có được thương hiệu sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm bưởi da xanh Khánh Vĩnh mở rộng thị trường, người tiêu dùng biết đến nguồn gốc sản xuất bưởi của địa phương, từ đó mở rộng cơ hội tiêu thụ. Đầu tiên là người nông dân, sau đó là các tổ hợp tác, do đó, Hợp tác xã của chúng tôi xác định cần tiếp tục sản xuất theo đúng quy trình mà nhà nước hướng dẫn, đảm bảo chất lượng bưởi da xanh khi đưa ra thị trường”.

Còn ông Thông thì khẳng định, thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh sẽ giúp người trồng như ông có thể bán được giá hơn, mặc khác khi gắn với thương hiệu, vai trò, trách nhiệm sản xuất nông sản sạch của nông dân cũng được đề cao hơn.

“Do đó, không chỉ bản thân tôi áp dụng quy trình trồng VietGAP mà rất nhiều hộ khác đều chủ động tham gia, nhằm đưa đến người tiêu dùng những quả bưởi ngon và an toàn nhất”, ông Thông chia sẻ.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, mới đây, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 cấp giấy chứng nhận VietGAP đã cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm bưởi da xanh, cam xoàn, xoài cho 54 hộ với vùng trồng rộng 85 ha.

Đây là kết quả nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả Khánh Vĩnh. Do đó, trong thời gian tới, các ban ngành chức năng của huyện xác định thực hiện nhiều giải pháp để phát triển được thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn; tiếp tục nghiên cứu sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh, định hướng đưa bưởi da xanh Khánh Vĩnh có chỗ đứng vững chắc không chỉ nhắm đến thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài. Để phát triển bưởi da xanh vào các thị trường khác, các hộ đang áp dụng quy trình VietGAP cần tuyên truyền, vận động thêm bà con xung quanh phát triển VietGAP để phát triển vùng trồng rộng lớn hơn.

Các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các tiến bộ, khoa học kĩ thuật trong việc truy xuất nguồn gốc điện tử về: vùng trồng, mã số vườn theo tiêu chuẩn của các nước trên thế giới, có như vậy bưởi da xanh Khánh Vĩnh mới rộng đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguồn: Tổng hợp và kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam