Phát triển thương hiệu Bưởi Da Xanh Khánh Vĩnh

Là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, cây bưởi da xanh không chỉ giúp người trồng thoát nghèo mà còn là sinh kế bền vững.

Bưởi Khánh Vĩnh được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap

Sau một thời gian “bưởi da xanh Khánh Vĩnh” được công nhận là nhãn hiệu tập thể, nông dân Khánh Vĩnh đang phấn đấu đưa bưởi da xanh tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường tiêu thụ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, huyện có hơn 500 ha bưởi da xanh được cấp thương hiệu, tập trung ở các xã Khánh Đông, Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Trung. Song song với việc xây dựng thương hiệu, huyện Khánh Vĩnh cũng phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền nông dân sản xuất theo hướng an toàn VietGAP.

Ông Phùng Văn Thông, xã Khánh Nam là một trong những nông dân trồng bưởi da xanh có năng suất và chất lượng cao của huyện. Ban đầu ông chỉ trồng xen canh bưởi với các loại cây ăn trái khác, nhưng càng về sau, cây bưởi cho giá trị thu nhập cao, ông đã phát triển vườn bưởi của mình lên đến 2 ha với khoảng 1.000 gốc bưởi da xanh. Sau khi trừ chi phí, kết thúc thu hoạch ông Thông lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Không chỉ có ông Thông, ông Nguyễn Xuân Long, Tổ trưởng Tổ hợp sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, một trong những người đầu tiên trồng bưởi da xanh tại đây cho biết, từ năm 2005 khi có chương trình bán hỗ trợ cây giống của huyện, gia đình ông đã mua 20 cây bưởi da xanh về trồng.

Thời tiết thuận lợi cộng thêm được hướng dẫn cách canh tác hiệu quả, 6 năm sau, cây cho quả và bán được 20 triệu đồng/năm. Kể từ đó, ông tích lũy vốn liếng và đầu tư mở rộng diện tích trồng. Đến nay gia đình ông có 2 ha bưởi da xanh. Bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn bưởi/ha, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Xuân Long cho rằng: “Sau khi có được thương hiệu sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm bưởi da xanh Khánh Vĩnh mở rộng thị trường, người tiêu dùng biết đến nguồn gốc sản xuất bưởi của địa phương, từ đó mở rộng cơ hội tiêu thụ. Đầu tiên là người nông dân, sau đó là các tổ hợp tác, do đó, Hợp tác xã của chúng tôi xác định cần tiếp tục sản xuất theo đúng quy trình mà nhà nước hướng dẫn, đảm bảo chất lượng bưởi da xanh khi đưa ra thị trường”.

Còn ông Thông thì khẳng định, thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh sẽ giúp người trồng như ông có thể bán được giá hơn, mặc khác khi gắn với thương hiệu, vai trò, trách nhiệm sản xuất nông sản sạch của nông dân cũng được đề cao hơn.

“Do đó, không chỉ bản thân tôi áp dụng quy trình trồng VietGAP mà rất nhiều hộ khác đều chủ động tham gia, nhằm đưa đến người tiêu dùng những quả bưởi ngon và an toàn nhất”, ông Thông chia sẻ.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, mới đây, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 3 cấp giấy chứng nhận VietGAP đã cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm bưởi da xanh, cam xoàn, xoài cho 54 hộ với vùng trồng rộng 85 ha.

Đây là kết quả nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả Khánh Vĩnh. Do đó, trong thời gian tới, các ban ngành chức năng của huyện xác định thực hiện nhiều giải pháp để phát triển được thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn; tiếp tục nghiên cứu sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh, định hướng đưa bưởi da xanh Khánh Vĩnh có chỗ đứng vững chắc không chỉ nhắm đến thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài. Để phát triển bưởi da xanh vào các thị trường khác, các hộ đang áp dụng quy trình VietGAP cần tuyên truyền, vận động thêm bà con xung quanh phát triển VietGAP để phát triển vùng trồng rộng lớn hơn.

Các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân các tiến bộ, khoa học kĩ thuật trong việc truy xuất nguồn gốc điện tử về: vùng trồng, mã số vườn theo tiêu chuẩn của các nước trên thế giới, có như vậy bưởi da xanh Khánh Vĩnh mới rộng đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguồn: Tổng hợp và kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Cho Bưởi Da Xanh xen Mít Thái ruột vàng, mới thu bói đã ra 300 triệu

Anh anh Đỗ Thanh Toàn, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) hiện có 7 ha trồng cây ăn trái đặc sản. Trong đó, anh Toàn có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Tuy mới thu trái bói, nhưng diện tích trồng bưởi da xanh xen mít Thái ruột vàng đã mang về cho anh Toàn hơn 300 triệu đồng.

Anh Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam giới thiệu anh Đỗ Thanh Toàn trồng cây ăn trái đặc sản đạt giá trị kinh tế cao trên vùng đất gò đồi xã Nhị Hà.

Chúng tôi “tận mục sở thị” vườn cây ăn trái đặc sản tỏa bóng xanh mát vùng đất đồi tục danh Láng Dầu ở thôn Nhị Hà 2. Anh Toàn nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ngọt ngào hương thơm mít chín đầu mùa.

Anh Đỗ Thanh Toàn cho biết, mặc dù mới là mùa quả chiến (quả bói), nhưng những cây mít Thái ruột vàng trong trang trại của gia đình đều cho ra những trái đẹp với sản lượng tốt.

Trao đổi với người chủ sở hữu vườn cây ăn trái đặc sản thuộc diện bậc nhất của huyện Thuận Nam, chúng tôi được biết anh từ xã Phước Minh lên xã Nhị Hà khởi nghiệp trồng cây ăn trái từ năm 2004 đến nay. Buổi đầu, anh đầu tư trồng 1 ha mãng cầu theo phương pháp cắt cành cho ra bông trái vụ. Thổ nhưỡng, khí hậu xã Nhị Hà thích hợp với các loại cây ăn trái này, anh liên tiếp thu hoạch những mùa mãng cầu trái vụ cho thu nhập cao. Chỉ với 1 ha mãng cầu qua gần 10 năm thu hoạch 2 vụ/năm, anh Toàn tích lũy trên 1 tỷ đồng.

Anh tiếp tục sang nhượng đất mở rộng diện tích vườn cây ăn trái hiện nay lên 7 ha. Trong đó, có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Anh trồng bưởi da xanh và mít vàng sấy với mật độ 400 cây/ha. Trong vài vụ tới, khi bưởi da xanh giao cành, anh sẽ bỏ gốc mít để cây bưởi thông thoáng hấp thụ tốt dinh dưỡng và ánh sáng. Anh đào 7 ao chứa nước và lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm cho vườn cây canh tác theo hướng an toàn sinh học.

“Từ nguồn hoa lợi của vườn cây trái đặc sản tuy mới cho những mùa trái chiến nhưng đã giúp gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, khi vườn bưởi da xanh 3,5 ha cho thu hoạch sẽ nâng mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với hiện nay”, anh Đỗ Thanh Toàn.
Bóc vỏ trái bưởi da xanh ruột đỏ đầu mùa mời khách thưởng thức, anh Đỗ Thanh Toàn phấn khởi, chia sẻ: Bưởi da xanh trồng trên đất Nhị Hà ruột chín có màu hồng tươi, hương thơm, vị ngọt thanh, không hạt. Do mới trồng từ năm 2012 tới nay nên tôi mới thu hoạch trái chiến trên diện tích 2,5 ha trồng xen với mít ruột vàng. Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 35-40 ngàn đồng/kg.

Anh Toàn cho biết thêm, có lẽ chưa có loại cây nào trồng trên đất Nhị Hà cho thu nhập cao như bưởi da xanh ruột đỏ. Riêng vườn mít Thái Lan rộng 1 ha đã bước vào năm thu hoạch thứ ba, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Tôi bán sỉ cho bạn hàng ở Phú Quý thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg, cao hơn 3 ngàn đồng so với mít cùng loại trồng ở các tỉnh phía Nam đưa ra tiêu thụ tại thị trường Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Hà nhận xét: Anh Đỗ Thanh Toàn là nông dân đầu tiên đưa cây bưởi da xanh ruột đỏ và mít Thái Lan về trồng trên vùng đất gò đồi thôn Nhị Hà 2 cho hiệu quả kinh tế cao. Anh nêu cao ý chí vượt khó vươn lên làm giàu nhờ trồng các loài cây đặc sản. Vườn cây ăn trái của gia đình anh được nông dân địa phương học tập kinh nghiệm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn bưởi da xanh ruột đỏ, mít Thái Lan của gia đình anh Toàn trở thành điểm đến của nông dân địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Ninh Thuận tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt mấy năm qua, năm 2017, rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để không chỉ lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK cao nhất.

Bưởi da xanh – một loại trái cây đang được XK tốt

So với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào CLB XK tỷ đô (những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD/năm trở lên). 5 năm trước, khi kết thúc năm 2012, trong ngành nông nghiệp đã có 7 mặt hàng XK đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, thì giá trị XK rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng hàng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.

Tuy “đi sau”, nhưng kể từ khi lọt vào CLB XK tỷ đô vào năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc XK khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm. Đồng thời, với giá trị XK như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản XK chủ lực.

Cần lưu ý rằng cao su, gạo và cà phê đều là những mặt hàng từng đạt giá trị XK tới hơn 3 tỷ USD từ nhiều năm trước (gạo từ 2010 – 2012; cao su 2011; cà phê vào các năm 2012, 2014 và 2016). Điều đó càng cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong XK rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không còn có thể duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh về giá trị XK do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường. Nhiều khả năng rau quả sẽ tiếp tục vượt qua điều trong thời gian ngắn sắp tới để đứng vào Top 3 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK lớn nhất.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với kết quả XK đã đạt được trong 11 tháng (3,177 tỷ USD), XK rau quả của cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới là hơn 3,4 tỷ USD. Với giá trị 2,404 tỷ USD trong 11 tháng và chiếm khoảng 76% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò là thị trường quan trọng nhất, có tính quyết định tới sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả nước ta.

Trong 11 tháng, giá trị rau quả XK sang Trung Quốc tăng tới 54,88% so cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng đó của thị trường Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của XK rau quả trong 11 tháng là 44,1%. Đặc biệt, trong năm 2017, XK rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với năm 2015 là năm mà XK rau quả sang Trung Quốc lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).

Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của XK rau quả năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 116,707 triệu USD, tăng 70,63% so cùng kỳ 2016; Mỹ đạt 92,568 triệu USD, tăng 21,24%…

Trồng rau VietGAP ở Lâm Đồng

Nhìn chung phần lớn các thị trường XK của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ 2016. Nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ở những thị trường này. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép XK sang Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Thanh long và xoài được phép XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand…

Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 – 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.

Với thị trường Trung Quốc, dự báo của FAO cho hay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2020. Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Thị hiếu tiêu dùng rau quả ở Trung Quốc cũng khá rõ nét: Người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải (3 – 4 kg/quả), ngọt đậm…

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), cho hay, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh… Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% nhu cầu lương thực thực phẩm của Trung Đông phụ thuộc vào NK. Năm 2016, NK lương thực, thực phẩm của Trung Đông là 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Trồng bưởi da xanh cho ra trái quanh năm

Hiện nay, bưởi da xanh là loại đặc sản rất được ưa chuộng bởi chất lượng độc đáo: vị thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ lột,…

Bưởi da xanh

Không những vậy, bưởi da xanh còn có cách trồng rất đơn giản. Dưới đây là một số kỹ thuật trồng bưởi da xanh xin mời bà con cùng tham khảo

Chuẩn bị

Giống: Chỉ nên chọn một loại giống duy nhất là bưởi da xanh, không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo. Nên trồng cây bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng sinh phèn; mau ra trái, bảo đảm chất lượng giống hệt cây mẹ. Cây bưởi chiết có tuổi thọ khá cao.

Đất: Cải tạo địa hình tương đối bằng phẳng, hơi cao ở giữa để thoát nước nhanh. Cần phân tích chất đất để có chế độ bón phân phù hợp, cân đối. Nơi nào đất trũng, thấp, thường bị ngập úng vào mùa mưa thì đắp mô cao lên 20 – 30 cm so với mực nước mưa và triều cường.

Nơi nào đất cao thì đào hố. Hố trồng đào tròn hoặc vuông 1,2m x 1,2m, sâu 30 cm. Đào sâu quá gặp tầng sinh phèn, cây bưởi khó sống. Mỗi hố trồng rải 5 – 6 kg vôi bột, 2 bao phân chuồng đã hoai trộn thêm tro trấu, xơ dừa, rơm rạ mục và phủ lên một lớp đất mỏng trước khi trồng.

Trồng và chăm sóc

Mật độ: Mỗi ha trồng khoảng 500 – 600 cây. Cây cách cây 4m; hàng cách hàng 4m. Đặt cây bưởi giống vào giữa hố, lấp đất phủ kín gốc, hơi lõm ở giữa để sau này bón thêm phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, phủ quanh gốc các loại phân xanh, rơm rạ cho mát gốc.

Thời điểm trồng: tốt nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Qua mùa mưa cây bưởi phát triển khá tốt nhờ nguồn nước trời. Lặt bỏ tất cả trái non trong năm đầu, năm thứ hai có thể chừa mỗi cây 1 trái, năm thứ ba giữ trái vừa phải; số trái giữ lại, tăng dần vào những năm sau.

Chăm sóc cây sau khi trồng

Thường xuyên giữ ẩm cho cây. Tưới phân bón lá Lay-O, Combi-5,komix…và bón định kỳ thường xuyên 1-2 lần/tháng. Cắt tỉa tạo tán 50cm để cành cấp I, 30cm để cành cấp II và 20cm để cành cấp III. Tạo cho cây có bộ khung cành , tán rộng tốt cho quang hợp.

Bón cho cây chưa có quả, trước mỗi đợt lộc bón một lần thường năm có 3 đợt lộc vào mùa xuân, hạ, thu. Khi cây có quả: bón 4 đợt/ năm. Thời kỳ sau thu hoạch quả, bón phân hữu cơ + lân 100%, đạm 20% vôi 100%. Thời kỳ chuẩn bị ra hoa bón đạm, ka li,ZinC. Thời kỳ hạn chế dụng quả giúp quả lớn nhanh bón đạm, kali, boron. Thời kỳ trước thu hoạch 1 tháng bón kali, sungar.

Phòng chống sâu bệnh

Sâu vẽ bùa: Phá hoại mạnh ở thời kỳ cây còn nhỏ, chúng gây hại trên lá non, cành non, tạo vết thương cho cây, bệnh loét xâm nhập và phát triển, thời gian gây hại chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm.

Phòng trừ: dùng thuốc Polytin 0.2%, slrespa 0.2%. Sâu đục thân cành: dùng thuốc  O fatox 0.1%, Symi sidin 0.2% phun và bơm vào lỗ sâu đục. Phòng trừ: Vệ sinh vườn, quét vôi gốc, bắt diệt xén tóc.

Bệnh thán thư: Thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm sử dụng một trong các loại thuốc sau (phun khi bệnh mới chớm): Mancozeb 80WP, Daconil 75WP, Antracol 70WP,… Bệnh loét lá và bệnh sẹo: gây hại trên cành, lá, quả: dùng Boocdo. Bệnh chảy gôm: dùng Boocdo, Benlat , Alliette.

Kích thích ra hoa, đậu trái

Bưởi da xanh ra hoa, trái quanh năm. Do đó để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, nên kích thích ra hoa, đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch, nhưng nếu lưu trái nhiều quá sẽ làm suy cây.

Thu hoạch

Nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da căng láng, cắt luôn cả cuốn trái. Không hái trái khi chưa chín tới hoặc hái quá trễ, chất lượng không tốt. Bưởi da xanh dễ trồng, hiệu quả kinh tế khá cao, thị trường ưa chuộng là loại cây trồng phù hợp với định hướng nông nghiệp ở nhiều nơi.

Vẻ hấp dẫn của bưởi da xanh

Theo vietq.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật bón phân và xử lý ra hoa cho bưởi da xanh

Để cho cây bưởi có được năng suất cao, người nông dân phải có cách bón phân hợp lý và xử lý ra hoa đúng kỹ thuật. Dưới đây là một số hướng dẫn nhằm giúp ích cho điều này:

Bón phân

Việc bón phân trước khi xử lý ra hoa là rất quan trọng, giai đoạn này cần lưu ý ưu tiên phân có hàm lượng lân và kali cao hơn, phân có công thức 10:30:30 hoặc phối trộn để làm sao cho lân và kali cao.

Khi cây ra đọt đợt cuối, trước khi xử lý ra hoa: dùng MKP có công thức 05234 phu lên lá hàm lượng 70g/bình, giúp lá dày hơn, dễ ra hoa hơn.

Bưởi da xanh

Khi bón lần cuối để bước vào giai đoạn xử lý ra hoa bằng phương pháp:

– Phương pháp 1: Xử lý trên cây bưởi bằng cách tạo khô hạn từ 15 – 20 ngày. Cần chú ý vùng đất, độ ẩm, cấu trúc đất mà thời gian có thể kéo dài hoặc rút ngắn hơn; nên quan sát bộ lá cây bưởi để quyết định tưới trở lại, điều này rất thuận lợi trong mùa khô, mùa mưa thì tận dụng hạn từ tháng 7- tháng 8 hoặc phủ gốc bằng ni lông; ở vườn có mương thì rút cạn nước trong mương vườn.

Khi thấy lá có hiện tượng sáng còn tươi, đến 9 – 10 giờ trưa thì héo bà con tưới nước trở lại, 3 ngày đầu thì tưới liên tục, đến ngày thứ 4 thì giảm số lần tưới. Sau khi tưới được từ 2 – 15 ngày, thấy cây ra hoa kèm lá non thì dùng phân Ure rải nhẹ dưới gốc, hàm lượng 0,3kg/cây nhằm kích thích bưởi ra hoa tốt hơn.

– Phương pháp 2: Lảy (lặt) lá trên cành mang trái, giúp cây ra hoa điều kiện không thể làm khô hạn cho cây, chọn cành già không có tược non, cành có khả năng mang trái để lảy lá. Sau thời gian từ 10 – 20 ngày, cây sẽ ra lá non và hoa.

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản nhưng tốn nhiều công, tùy tình trạng dinh dưỡng của cây mà có kết quả tốt hay không, nên chọn cây già, có cành ngang nhiều thì sẽ có hiệu quả tốt hơn.

– Phương pháp 3: Sử dụng hóa chất, để cây ra hoa tốt, nhưng cần lưu ý cây phải có các điều kiện sau:

– Cây đang sẵn sàng trong điều kiện ra hoa

– Có hệ thống tưới tiêu chủ động, đậy gốc, thoát nước ra khỏi mương

– Cây trồng có khoảng cách hợp lý, tán cây không chồng lên nhau

– Tạo khô hạn đủ thời gian để cây ra mầm hoaTrước đó, tăng cường lượng phân bón lân và kali cao giúp cây phân hóa mầm hoa tốt hơn

Lưu ý trong phương pháp này cây không nên mang nhiều trái quá

Xử lý ra hoa

Bưởi da xanh khi ra hoa

Các yêu cầu để xử lý ra hoa đạt hiệu quả tối ưu:

– Cây được trồng trên mô đất cao

– Có hệ thống tưới nước chủ động

– Khoảng cách giữa các cây không quá gần

– Thời gian tạo khô hạn đủ để cây phân tán mầm hoa tốt

– Trước giai đoạn xử lý ra hoa, cây không được mang trái quá nhiều hoặc trái đang ở giai đoạn phát triển khác nhau, cành được tỉa bỏ thường xuyên, trên cây bưởi không có nhiều tược non.

Như vậy, từ những kinh nghiệm về kỹ thuật bón phân và xử lý ra hoa như trên có thể sẽ giúp ích cho bà con nông dân trồng bưởi có được hiệu quả tốt nhất, mang lại giá trị kinh tế cao trong nông nghiệp cũng như trồng trọt.

Tổng hợp từ Farmtech Viet Nam.

 

Các giống bưởi ngon ở Việt Nam.

Một giống bưởi tốt phải đạt được những yêu cầu là năng suất cao, ổn định, ít nhiễm các sâu bệnh quan trọng. Dạng quả hình quả lê hoặc hình cầu, vỏ trái sáng đẹp, vỏ dày trung bình, vách múi dễ tróc, con tép bó chặt, ngon, ngọt, không xơ, không the đắng, nước quả nhiều, ráo, không hoặc ít hột. Dưới đây là các giống bưởi ngon nổi tiếng ở nước ta :

Bưởi Năm Roi:

Bưởi Năm Roi

Được trồng khá tập trung ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) và khá nhiều ở các tỉnh Cần Thơ (cũ), Tiền Giang, Bến Tre … Trong quá trình chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã tuyển chọn được một số cá thể bưởi Năm Roi tốt, có các đặc điểm như : Dạng trái hình quả lê đẹp, vỏ vàng khi chín, con tép tróc khỏi vách múi và bó chặt nhau, nước quả khá, hương vị thơm ngon, không the đắng và đặc biệt là không hạt.

Bưởi da xanh:

Bưởi da xanh

Có nguồn gốc ở Bến Tre được trồng khá nhiều ở xã Mỹ Thạch An, thị xã Bến Tre, hiện đang được trồng nhiều ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… Quả có dạng cầu, vỏ vẫn giữ màu xanh khi chín, con tép tróc khỏi vách múi tốt, tép múi màu đỏ hồng, nước quả khá ngọt, vị ngọt không the đắng, nhược điểm của giống này là có nhiều hạt.

Bưởi đường lá cam:

Bưởi đường lá cam

Được trồng nhiều ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Tân Uyên (Bình Dương). Dạng quả khá đẹp, phẩm chất ngon được thị trường trong và ngòai nước ưa chuộng. Quả có trọng lượng trung bình từ 0,8-1,2 kg/quả. Dạng quả có hình quả lê thấp, vỏ quả khi chín có màu vàng xanh, láng, nhẵn và tróc rất tốt. Các con tép bó chặt, vị ngọt rất ngon. Nhưng lại có nhược điểm là có khá nhiều hạt.

Bưởi Phúc Trạch:

Bưởi Phúc Trạch

Có nguồn gốc ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại được trồng ở hầu khắp 28 xã trong huyện và các vùng lân cận. Bưởi Phúc Trạch được nhiều người xếp vào hàng một trong những giống bưởi ngon nhất nước ta hiện nay. Trái hình cầu hơi dẹt, vỏ trái mầu vàng xanh. Trọng lượng trung bình từ 1-1,2kg/trái. Mầu sắc thịt trái và tép múi phớt hồng, vách múi giòn dễ tách rời, thịt trái mịn, đồng nhất, vị ngọt hơi chua. Độ Brix từ 12-14 (độ Brix càng cao trái cây càng ngọt). Thời gian thu họach vào khỏang tháng 9 hàng năm.

Bưởi Đoan Hùng:

Bưởi Đoan Hùng

Hiện được trồng nhiều ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, trên đất phù sa ven sông Lô và sông Chảy. Có hai giống được coi là tốt nhất, đó là bưởi Tộc Sửu (xã Chí Đàm) và bưởi Bằng Luân (xã Bằng Luân).Bưởi Bằng Luân trái hình cầu hơi dẹt, trọng lượng trung bình 0,7-0,8 kg/trái, vỏ trái mầu vàng hơi xám nâu, tép múi mầu trắng xanh, mọng nước, thịt trái hơi nhão. Vị hơi lạt, độ Brix từ 9-11. Được thu họach vào tháng 10, tháng 11, có thể để được lâu sau khi thu hái. Bưởi Tộc Sửu trái lớn hơn, trọng lượng trung bình từ 1-1,2 kg/trái. Thịt trái nhão ít hơn giống bưởi Bằng Luân, vị ngọt lạt và có màu trắng xanh. Thu họach sớm hơn bưởi Bằng Luân khoảng nửa tháng.

Bưởi Diễn:

Bưởi Diễn

Được trồng nhiều ở Phú Diễn, Phú Minh (Từ Liêm, Hà Nội). Bưởi Diễn có thể là một biến dị của bưởi Đoan Hùng. Trái tròn, vỏ trái nhẵn khi chín mầu vàng cam. Trọng lượng trung bình từ 0,8-1 kg/trái. Múi và vách múi dễ tách rời nhau. Thịt trái mầu vàng xanh, ăn giòn, ngọt. Độ Brix từ 12-14. Thời gian thu hoạch muộn hơn bưởi Đoan Hùng, thường trước Tết Nguyên Đán khoảng nửa tháng.

Nguồn : NNVN, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam