Nuôi cá ở hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam

Sâu trong dãy Hoàng Liên Sơn, hồ Séo Mý Tỷ giống như một dải lụa trắng vắt ngang những ngọn núi, quanh năm mây phủ.

 

  Một góc lồng nuôi cá nước lạnh ở hồ nhân tạo Séo Mý Tỷ.

 

Hồ nước nằm ở độ cao lên đến trên 1.600m so với mực nước biển, cộng với khí hậu mát mẻ đã khiến hồ Séo Mý Tỷ có điều kiện tuyệt vời nhất ở Sa Pa để nuôi cá nước lạnh.

 

Từ ý tưởng của kỹ sư điện

Séo Mý Tỷ là một thôn nhỏ của xã Tả Van, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) chừng hơn 20km. Sau khi ngăn đập, xây dựng thủy điện ở đây, Séo Mý Tỷ được sở hữu một hồ nước nhân tạo có diện tích tới hơn 57ha và được coi là hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam.

Chỉ hơn với quãng đường ấy mà từ Sa Pa để tới Séo Mý Tỷ phải mất hơn 2h đồng hồ bởi đường sá đi lại rất khó khăn. Gọi là đường cho oách chứ thực chất chỉ là lối mòn được xe xúc san gạt rộng hơn, ô tô có thể đi được. Trước đây, lên Séo Mý Tỷ trời mưa bà con chỉ có cách đi ngựa hoặc cuốc bộ bởi đường đất lẫn đá sỏi rất khó đi.

Ở Séo Mý Tỷ, thời điểm này nhiệt độ ban ngày chỉ khoảng 17-18 độ C, còn ban đêm có thể lạnh sâu hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Quyết – Giám đốc Cty cổ phần cá hồi, cá tầm Sa Pa – người gốc Thái Bình, sau nhiều năm làm cán bộ ngành điện và gắn bó với Séo Mý Tỷ nhận thấy rằng thời tiết, khí hậu nơi này cũng như môi trường nước của hồ nhân tạo rất phù hợp với việc nuôi cá tầm và cá hồi. Ý tưởng là vậy nhưng để triển khai gặp rất nhiều khó khăn, khi mà ở Lào Cai việc nuôi cá nước lạnh với quy mô lớn ở hồ chưa có nơi nào làm.

Sau những ngày trăn trở, ông Quyết tới nhiều nơi như Sơn La, Yên Bái… để học cách nuôi, rồi tìm chuyên gia, nuôi thử nghiệm… bởi với vốn kiến thức của một kỹ sư ngành điện thì không thể làm được. Một khó khăn khác đó là nguồn vốn, ông Quyết nhẩm tính với mô hình hơn 5.000m2 diện tích mặt hồ cần tới cả chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, rất may với uy tín của mình ông Quyết vận động được nhiều anh em cán bộ, công nhân trong ngành góp sức, ủng hộ. Chỉ vài chục triệu đồng mỗi người đóng góp vào, số vốn đã đủ để biến từ ý tưởng thành hiện thực.

 

Con cá tầm nặng hơn 5kg ở nuôi ở hồ Séo Mý Tỷ.

 

Cho đến nay, hàng vạn con cá hồi, cá tầm nhờ được chăm sóc đúng cách nên chúng tăng trưởng rất tốt.

 

Thích làm công nhân

Có được thành quả trên, không thể không nói đến những người công nhân ngày đêm chăm bẵm cho lũ cá, thậm chí phải luân phiên trực đêm. Cửa sổ của khu nhà công nhân ở nhìn thẳng ra những lồng cá trên hồ.

Anh Giàng Thành Công sinh ra và lớn lên ở Séo Mý Tỷ, nhà không quá xa nhưng phiên trực và giờ giấc làm việc ở đây Công đều tuân thủ hết sức nghiêm túc.

Ở nhà anh Công hiện trồng 500 gốc mận máu chó, gần 100 con dê, chưa kể nương thảo quả. Số lượng cây trồng vật nuôi trên đủ cho gia đình nhà anh Công có cuộc sống khấm khá ở Séo Mý Tỷ nhưng anh Công vẫn thích cuộc sống của người công nhân với thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Một nhẽ khác, ông của anh Công trước là cán bộ của xã Tả Van nên từ nhỏ anh Công cũng được chỉ bảo nhiều.

Môi trường sinh hoạt mang tính chất tập thể, cách làm việc chuyên nghiệp của công ty giúp anh Công trưởng thành hơn. Hơn nữa, anh Công còn được học hỏi kinh nghiệm nuôi cá hồi, cá tầm, nhất là với quy mô lớn, với khoa học công nghệ chứ không chỉ là kinh nghiệm nuôi nhỏ lẻ theo cách truyền thống. Nhất là ở Séo Mý Tỷ không phải lúc nào cũng có điều kiện tiếp cận khi mà tập tục sống của bà con ở đây chưa xóa hết các hủ tục như cúng đuổi ma, mời thầy làm phép… dù chỉ là tai nạn xe máy.

“Có khi người ta còn phải bỏ tiền ra để đi học hoặc làm thuê không công ý chứ”, anh Công nói.

Cũng như những người đồng nghiệp ở đây, mỗi ngày nhìn đàn cá lớn lên anh công đều thấy phấn chấn bởi mỗi con cá đều có công sức của tất cả những người công nhân chăm chút. Chưa kể, chỉ nói riêng về thức ăn nuôi cá hồi, cá tầm, công ty còn được bạn hàng cung cấp thức ăn đến đo đạc, lấy mẫu nước hồ, để sản xuất lại cám có định lượng dinh dưỡng phù hợp.

 

Khác biệt về chất lượng

Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết, giống cá tầm Seberia được thả ở hồ này cho thịt thơm ngon, có nhiều lồng chuẩn bị xuất bán, mỗi con đạt trọng lượng trung bình khoảng 4,5-5kg. Cá này được thị trường rất chuộng, hiện có giá khoảng 160 nghìn đồng/kg. Còn một loại cá tầm khác là cá tầm Nga, loại cá này sẽ nuôi tới 5-6 năm nữa, để lấy trứng.

“Những hạt trứng cá tầm Nga đen láy này mang lại giá trị rất lớn, hiện có tới 2 triệu đồng mỗi lạng” – ông Quyết nói.

Ông Nguyễn Văn Quyết (phải) cùng công nhân chăm đàn cá.

 

Còn giống cá hồi Na Uy thả ở hồ cũng khẳng định được chất lượng từ lâu, nhất là việc nuôi ở môi trường khí hậu tương đồng Sa Pa cho thịt ngon, ngọt, màu sắc đẹp.

Ông Quyết bảo, chất lượng cá tầm, cá hồi thịt rất thơm ngon còn do môi trường hồ có nhiều vi sinh vật như tôm tép, cá con. Các vi sinh vật này bổ sung nhiều vitamin cho cá, khiến thịt cá tầm thì vàng hơn, thịt hồi đỏ hơn so với nuôi trên bể.

Chất lượng cá giống đầu vào tốt nhưng để cá lớn đều, tăng cân tốt đòi hỏi người công nhân theo dõi chặt chẽ những điều kiện môi trường nước, nhiệt độ và đặc biệt tuân thủ quy trình chăm nuôi.

Ông Trần Văn Sâm, người Yên Bái, bảo ở miết trên này rồi cũng quen, công việc khiến mình không thể bỏ dở. Cá cho ăn theo giờ, cả đêm hôm gió lạnh cũng phải dậy bật đèn, chèo thuyền ra vãi thức ăn cho cá.

“Ở đây quen bà con có cỗ lễ cũng đều mời nên bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà. Cỗ lễ cũng phải uống với bà con chén rượu nhưng giờ làm anh em công nhân tuyệt đối không đụng đến. Bởi ra ngoài đêm hôm gió máy, lại đi lại trên trên cầu phao nhỡ ngã xuống hồ sẽ nguy hiểm cả tính mạng” – ông Sâm nói.

Cùng ông Sâm còn có anh Trần Văn Thành, nhà ở thành phố Lào Cai nhưng 3 tháng, anh mới về nhà một lần. Cả anh Nguyễn Văn Luân gần 36 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Thế nên, công ty treo thưởng rất lớn cho những anh… thoát ế.

Bữa cơm chiều muộn ở Séo Mý Tỷ, anh em công nhân đùa rằng yêu cá hơn yêu bạn gái. Thực ra, cũng dễ lý giải điều này bởi họ là những người công nhân nhưng cũng vừa là người làm chủ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nam Trung Bộ khẩn trương bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản

Trong khi cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang cấp tập triển khai các giải pháp bảo vệ tài sản…

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay trên vùng biển phía Đông đảo Pa-La-Oan (Philippines) có 1 vùng áp thấp đang hoạt động. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,0 – 11,0 độ vĩ Bắc; 120,0 – 121,0 độ kinh Đông, cách phía Bắc đảo Pa-La-Oan (Philippines) khoảng 100km về phía Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km/h, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh về hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 – 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Chủ nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Xuân Đài ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang giằng chống, gia cố lồng bè đối phó với bão.

 

Trước dự báo trên, ngành chức năng ở “thủ phủ” tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) đang cấp tốc triển khai phương án bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện chủ nuôi của hơn 70.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã giằng chống kỹ lưỡng lồng bè của mình để tránh thiệt hại khi bão xảy ra.

“Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành mệnh lệnh khi có thông báo của ngành chức năng, tất cả những người đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản phải lập tức di dời vào đất liền, nếu ai bất tuân mệnh lệnh sẽ bị ngành chức năng cưỡng chế đưa vào bờ, để tránh thiệt hại về người”, ông Nguyễn Thái Hải Anh nói.

Lồng bè nuôi cá ở khu vực Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã được giằng chống, gia cố chắc chắn.

 

Ở Bình Định, công tác bảo đảm an toàn cho người nuôi và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng đã được triển khai quyết liệt. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trong khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đang có 107 hộ nuôi các loại cá chẽm, cá bớp, cá điêu hồng, cá mú, cá hồng Mỹ… với trên 1.266 lồng nuôi, 188 bè nuôi. Còn ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng đang có 61 hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm đã thả nuôi niên vụ 2019 – 2020 với 70.000 con tôm giống trên 34 bè nuôi.

Trước dự báo cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản ở Bình Định hiện đã giằng chống, gia cố tất cả các lồng bè để đối phó với bão. Đồng thời ngành chức năng tỉnh này cũng đã khuyến cáo chủ các hộ nuôi phải di dời vào bờ an toàn khi có bão đến.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Từng ao nuôi Cá Tra được mã hóa như thế nào?

Xuất khẩu cá tra chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đặt ra các điều kiện mới, trong đó có việc cấp mã số để có thể truy xuất nguồn gốc. Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, trong 2 năm qua ở ĐBSCL hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá tra.

 

Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, việc mã hóa ao nuôi cá tra là điều kiện bắt buộc cần có trước khi ký hợp đồng liên kết sản xuất.

Thu hoạch cá tra từ vùng nuôi được kiểm soát tốt.

 

Điều kiện cần

Đến tháng 8/2019, theo số liệu Tổng cục Thủy sản, việc tiến hành xác định cấp mã số ao nuôi cá tra tại ở các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 5.200/5.400 ha ao nuôi.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, đến nay Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá.

Hoạt động nghề nuôi cá tra bắt đầu SX theo kế hoạch. Vào đầu mỗi vụ nuôi được cập nhật, kiểm soát chặt chẽ từng ao nuôi về tiến độ thả giống cho đến cuối vụ số ao nuôi cá sắp thu hoạch. Mỗi tháng nhu cầu số lượng con giống, sản lượng cá sắp thu hoạch được thống kê và điều tiết nhịp độ SX cung cầu theo thị trường để có dự báo tốt hơn. Đặc biệt qua truy xuất nguồn gốc cá tra được nuôi trong môi trường có kiểm soát tốt càng tạo thêm niềm tin và uy tín với khách hàng.

Ông Trần Văn Hai nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc và ao cá 1 ha đã cấp mã số ao nuôi.

 

Theo chuỗi giá trị SX, khâu đầu tiên là con giống. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở SX giống thủy sản, chuyên ương dưỡng cá tra giống cá giống tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Điều kiện trước nhất là cơ sở SX phải có giấy phép kinh doanh và vùng ao nuôi đạt điều kiện tiểu chuẩn, được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao. Quá trình kiểm tra nếu SX đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận.

Đối với các cơ sở ương dưỡng giống nhập cá bột, nguồn gốc từ cơ sở nào cũng phải có giấy chứng nhận. Hồ sơ ghi nhận từng đợt SX cá giống sẽ được các hộ nuôi cá hay DN thu mua cá giống SX cá tra thương phẩm sau này căn cứ vào đó để biết rõ sản phẩm đạt chất lượng hoặc truy nguyên nếu phát hiện sự cố xảy ra ở khâu nào.

 

Cung cách làm ăn mới

Nhiều năm qua cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực quốc gia. Ở ĐBSCL ngành hàng cá tra hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thưc phẩm tới bàn ăn. Mối liên kết SX định hình cung cách làm ăn mới. Hiện có hàng ngàn hộ nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết với nhà máy chế biến.

Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu hiện diện trên thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc – Hồng Kông mới nổi lên, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt Trung Quốc đang áp dụng truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra.

Theo các hộ nuôi cá tra thương phẩm hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI kèm theo yêu cầu bắt buộc SX theo tiêu chuẩn VietGAP: Ao nuôi cá phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản và đã cấp mã số. Nếu không đáp ứng các điều kiện trên, phía công ty sẽ không ký hợp đồng.

Ông Út Anh, chủ hộ nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: “Tôi có 5 ao nuôi cá ký kết hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI.

Mỗi ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá phải đúng theo hướng dẫn của công ty.

Hơn một năm qua cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá. Tôi cho đây là điều kiện tốt để hướng tới làm ăn bài bản hơn, không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà bảo vệ quyền lợi cho cho người nuôi cá.

Qua mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu bảo vệ uy tín sản phẩm và danh tiếng cá tra trên thị trường xuất khẩu thế giới”.

Thu hoạch cá tra

 

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2018 Chi cục bắt đầu tiến hành khảo sát, kiểm tra cấp mã số ao nuôi cá tra và đến nay đã hoàn tất gần 600 ha ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.

Đa số các hộ nuôi về thủy sản có hiểu biết luật, chấp hành quy định quản lý nhà nước và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao – điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP.

Khi đã chuẩn hóa vùng nuôi sẽ kiểm soát, quản lý và theo dõi tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tốt hơn. Các DN chế biết thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL cũng thừa nhận: Trên thực tế việc cấp mã số, chuẩn hóa vùng nuôi không khó thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu và hiện đã có nhiều DN đáp ứng đủ điều kiện XK cá tra chính ngạch vào TQ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Bên cạnh các ao nuôi tôm truyền thống với diện tích lớn, mô hình sử dụng bể nổi tròn có diện tích nhỏ trong nuôi tôm thâm canh đang ngày càng phổ biến. Đón đầu xu hướng này, đội ngũ kỹ thuật của Skretting đã nghiên cứu và hoàn thiện mô hình nuôi để khai thác triệt để tiềm năng của hệ thống nuôi sử dụng loại bể này.

 

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Ưu điểm của bể nổi tròn

 

Nhược điểm của ao nuôi hình chữ nhật truyền thống là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ. Hình dạng đặc trưng và kích thước của bể tròn (trung bình khoảng 500 – 1000 m2) giúp người nuôi thu gom và loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Vì bể hình tròn nên khi vận hành quạt nước tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc si-phon sạch các chất dơ, hạn chế việc gây ô nhiễm trong ao nuôi. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường nưới nuôi. Bên cạnh đó, diện tích bể nhỏ nên không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ oxy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi bể chỉ cần lắp đặt 2 dàn quạt (mỗi dàn gồm mô-tơ 3-5hp) và 01 dàn sục khí 5hp là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể.

Ao nằm nổi trên mặt đất nên không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại hoặc mầm bệnh tích tụ trong đất ngấm ngược vào bể. Vách bể thẳng đứng giúp hạn chế chất bẩn và rong bám vào, từ đó đơn giản hóa công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn phải các chất bẩn này… Nhờ các ưu điểm này trong quản lý chất lượng nước ao nuôi mà người nuôi sử dụng hệ thống bể trong giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường.

 

Quy trình nuôi hai giai đoạn sử dụng bể tròn

 

Giai đoạn 1 (giai đoạn ương vèo tôm giống): tôm giống PL10 – 12 được thả ương với mật độ 1000 – 3000 con/m2. Tôm được nuôi trong bể ương trong vòng 20 – 25 ngày cho đến khi tôm giống đạt cỡ 1500 – 700 con/kg. Giai đoạn 1 giúp giống ở giai đoạn PL12 đến PL40 thích ứng với môi trường ao nuôi ngoài trời, tăng sức đề kháng đặc biệt là với bệnh AHPND/EMS, đạt kích cỡ đồng đều, và có tỷ lệ sống cao. Từ đó rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm chi phí nuôi ban đầu, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, tăng vụ nuôi trong năm và tăng sản lượng. Trong quá trình ương tôm, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới chuyển qua ao nuôi.

Ban đầu, bể nuôi tròn nổi với diện tích nhỏ rất được ưa chuộng cho giai đoạn ương vèo trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm nhờ vào các ưu điểm đã được nêu trên. Hiệu quả của bể nổi tròn ngày càng được khẳng định, nên nhiều hộ nuôi đã quyết định tiến  hành Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) trong bể nổi tròn thay vì ao nuôi có diện tích lớn. Ở giai đoạn này tôm được thả ở mật độ 100 – 300 con/m2; tôm giống giai đoạn này thường ở cỡ 1.000 – 2.000 con/kg. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đến khoảng 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg thì tiến hành thu tôm thương phẩm.

Ưu điểm của mô hình này là nâng cao tỷ lệ sống của tôm lên đến 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định, ao nuôi có diện tích nhỏ hơn nên quản lý chất lượng nước hiệu quả hơn rõ rệt. Các sản phẩm thức ăn của Skretting như PL (cho giai đoạn 1), Sapphire, Gamma, Mega, Xpand (Giai đoạn 2) được người nuôi ưa chuộng sử dụng trong mô hình nuôi hai giai đoạn này nhờ các đặc tính như tính dẫn dụ cao, thành phần dinh dưỡng dễ hấp thu, kết cấu bền trong nước, giảm thiểu áp lực lên môi trường nuôi.

Một số lưu ý trong thiết kế bể nổi tròn

 

Bể được dựng từ khung thép hoặc tường xây phủ bạt HDPE (dày 0.5 đến 1 cm), có đáy dạng hình phễu, vách thẳng đứng. Một số yêu cầu kỹ thuật trong quá trình lắp đặt bể nuôi gồm:

–    Đáy bể có độ dốc hướng về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng.

–    Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước có lắp van xả, điều này giúp cho tôm ương không bị hao, việc sang tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

–    Hệ thống bể ương nổi cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý diệt khuẩn trước khi sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước cho bể ương.

–    Ở giai đoạn ương người nuôi nên dùng lưới lan che nắng cho bể ương để giảm biên độ nhiệt độ, giảm được một phần nước mưa rơi vào ao khi mưa lớn. Giá thành thấp, lắp đặt đơn giản, dễ dàng để tháo dần ra cho tôm quen với nhiệt độ không có mái che, nhờ vậy tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống.

–    Nên ương tôm trong bể có diện tích nhỏ khoảng 100m3 nước để dễ quản lý môi trường.

–    Đối với nuôi tôm thịt, diện tích bể nên nằm trong khoảng từ 500m2 đến 900m.

–    Ở giai đoạn này, khi số lượng tôm trong bể đạt trên 3.5 kg/m3 nên tiến hành thu tỉa hoặc sang bể để tôm có thể phát triển tối ưu.

–    Đảm bảo sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường phải được chuẩn bị đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/7 để đảm bảo không có sự cố và nếu có thì cần xử lý ngay lặp tức.

Những khó khăn thường gặp trong vận hành

 

Các bể có thể tích quá nhỏ (dưới 50m3) có biên độ nhiệt lớn, tôm nuôi dễ bị sốc nhiệt độ. Cách khắc phục là tăng kích thước bể, lắp đặt mái che, đồng thời sục khí đều khắp thành ao sẽ giảm thiểu nhược điểm này.

Tôm bị sốc khi điều kiện sống thay đổi giữa các giai đoạn nuôi: sốc nhiệt độ, pH, kiềm, kim loại nặng… Người nuôi nên đảo đều nước trước 1-2 ngày, mở mái che để tôm dần quen với môi trường bên ngoài. Sang ao vào lúc nhiệt độ thấp, sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phù hợp nhất.

Ương mật độ quá cao yêu cầu kỹ thuật có chọn lọc, thao tác chính xác, trang thiết chuyên biệt. Hệ thống sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường luôn phải đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/24 để đảm bảo sự cố kịp thời.

Để phát huy tối đa hiệu quả của bể nuôi nổi tròn, đội ngũ kỹ thuật Skretting luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn người nuôi thiết kế, cải tạo và nâng cấp hệ thống nuôi sao cho khoa học, hợp lý. Đồng thời tư vấn cho người nuôi lựa chọn loại thức ăn phù hợp với đặc điểm môi trường và nhu cầu dinh dưỡng của tôm tại từng hộ nuôi.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Gần 100 tấn cá nuôi lồng bè chết trắng chưa rõ nguyên nhân tại Hà Tĩnh

Hơn 80 tấn cá nuôi trong lồng bè trên khu vực sông của 53 hộ dân ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bỗng dưng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Trước tình hình trên, người dân đã báo cơ quan chức năng xuống lấy mẫu để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Hàng chục tấn cá lồng bè chết trắng không rõ nguyên nhân

Nhiều cá nuôi trong lồng bè chết nổi la liệt ở khu vực ngay dưới cống Đò Điệm trên sông Nghèn của xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà. Lượng cá chết dày, chủ yếu là cá chẽm, cá hồng, cá mè. Ngoài ra, còn có một số cá tự nhiên như cá lệch, cáy, cá bống…

Ông Nguyễn Văn Định (45 tuổi) thả nuôi 6 ô lồng bè cá mè, cá hồng. Vào tối ngày 8/9, cá nuôi từ 2 đến 5 năm của ông bất ngờ chết hàng loạt.

Vớt những con cá bị chết bất thường, ông Định đếm được 470 con cá mè, loại từ 3 – 4kg trở lên và hơn 500 con loại 1kg trở xuống; cá hồng chết có hơn 500 con loại từ 0,5 – 1,5kg.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết, sáng sớm ngày 9/9, người dân địa phương đi ra khu vực sông để bắt cá thì phát hiện nhiều loại cá tự nhiên và cá nuôi trong các lồng bè trên sông bị chết hàng loạt nên đã trình báo sự việc lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

“Qua thống kê bước đầu toàn xã có hơn 50 hộ dân nuôi cá trong khoảng 230 ô lồng bè trên sông Nghèn bị chết gần 100 tấn cá (cá chẽm, cá hồng), con nặng nhất hơn 5kg, nhỏ nhất hơn 1kg/con.

Ước tính thiệt hại ban đầu về kinh tế lên đến hàng chục tỷ đồng. Hiện chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng về lấy mẫu xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân”, ông Thanh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết, qua thống kê sơ bộ, đã có khoảng 80 tấn cá trong 222 ô của 53 hộ nuôi ở xã Thạch Sơn bị chết chưa rõ nguyên nhân.

“Ngay khi nhận được thông tin, Phòng đã trực tiếp về kiểm tra, động viên bà con, đồng thời mời các cơ quan chức năng cấp tỉnh về lấy mẫu xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân. Ngoài ra, huyện cũng đã ra thông báo nghiêm cấm bà con không bán cá ra thị trường khi chưa xác định rõ nguyên nhân.

Liên hệ với các đơn vị cấp đông, bảo quản cá tạm thời cho bà con nông dân để chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng rồi mới đưa ra hướng xử lý”, ông Sáu nói.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả. Đơn vị này khuyến cáo người dân không vứt cá chết ra ngoài môi trường, không dùng cá chết để làm thức ăn cho người và vật nuôi.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Đỉnh cao nuôi biển: Sản xuất nhân tạo giống hải sâm quý

Để khai thác hải sâm, thợ lặn phải lặn rất sâu ngoài biển xa và chúng đang ngày càng cạn kiệt. Nay loài sâm biển quý giá đó đã được các nhà khoa học thủy sản Việt Nam nhân tạo thành công, nuôi thương mại dễ dàng…

NNVN xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, chuyên gia hàng đầu về hải sâm…

Bị săn lùng

Hải sâm (Holothuroidea, Echinodermata) có lịch sử lâu dài về thương mại trên khắp châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương; chúng được khai thác để làm thực phẩm và sử dụng làm dược liệu cho y học cổ truyền ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ

Hải sâm là loài sống dưới đáy đại dương, là thực phẩm có giá trị bổ dưỡng và giúp tăng cường sinh lực.

Hải sâm (Holothuroidea, Echinodermata) có lịch sử lâu dài về thương mại trên khắp châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương; chúng được khai thác để làm thực phẩm và sử dụng làm dược liệu cho y học cổ truyền ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ

Hải sâm là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng và nguồn thu nhập cho các cộng đồng ven biển nhỏ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; là nhóm động vật không xương sống được khai thác nhiều nhất với khoảng 77 loài được thu hoạch và giao dịch ở ít nhất 70 quốc gia trên toàn thế giới.

Các hình thức phổ biến nhất của sản phẩm hải sâm trên thị trường là hải sâm bỏ ruột, luộc và phơi khô, được gọi là trepang (Indonesia), beche-de-mer (Polynesia thuộc Pháp), namako (Nhật Bản) hoặc gamat (Malaysia).

Hải sâm được coi là món ăn bổ dưỡng ở nhiều vùng, đặc biệt là Trung Quốc và được đánh giá cao vì lợi ích nhận thức như thuốc cổ truyền dưới dạng chiết xuất được chế biến thành thuốc viên, thuốc bổ và các loại thuốc bôi tại chỗ.

Hải sâm cát cũng có các hợp chất hoạt tính sinh học có thể có ứng dụng sinh học và dược lý cho các đặc tính chống ung thư, kháng virus, chống tạo mạch máu trong điều trị ung thư, chống tăng huyết áp, chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống huyết khối…

Hải sâm Nhật Bản Apostichopus japonicus là loài được khai thác tự nhiên nhiều nhất với sản lượng trung bình hàng năm là 11.473 tấn, từ năm 2002 đến năm 2015 mức tăng trung bình 131 tấn mỗi năm.

Khai thác nhằm vào các loài hải sâm khác có giá trị thấp hơn đáng kể như hải sâm vú đen Holothuria nobilis, hải sâm ngận Thelenota ananas và hải sâm vú trắng Holothuria fuscogilva, ở mức 12, 89 và 115 tấn mỗi năm, từ năm 2002 đến 2015 (FAO, 2018). H. fuscogilva được coi là loài sắp nguy cấp trong khi H. nobilis và T. ananas được coi là loài nguy cấp (theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, IUCN).

Quần thể hải sâm bị suy giảm nghiêm trọng trong khoảng 50 – 90% do áp lực khai thác. Hải sâm cát (Holothuria scabra) là một trong những loài hải sâm nhiệt đới có giá trị nhất và chịu áp lực đánh bắt nghiêm trọng trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Sản xuất giống và nuôi thương phẩm

Tại Việt Nam, quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát đã được nghiên cứu bởi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III qua hai đề tài cấp Bộ, giai đoạn 2003 – 2004 là đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống hải sâm cát tại Nha Trang – Khánh Hòa”;

Giai đoạn 2008 – 2009 là đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát quy mô sản xuất trong ao tại một số khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”.

Hai dự án trên cùng với các dự án hợp tác quốc tế khác về loài hải sâm cát khác được nghiên cứu về cơ bản đã hình thành nghề nuôi hải sâm cát tại Việt Nam, chủ yếu là nuôi thương phẩm trong ao.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát không ổn định với tỉ lệ sống từ ấu trùng mới nở cho đến giai đoạn con giống có thể thả nuôi (2 – 3cm) thương phẩm trung bình khoảng 5% tính chung cho tất cả giai đoạn ương nuôi; con bố mẹ phụ thuộc đánh bắt từ tự nhiên chưa có quy trình nuôi con bố mẹ thành thục chủ động.

Thời gian nuôi thương phẩm hải sâm cát đạt được tại các mô hình trung bình từ 10 – 12 tháng, có thể thu hoạch với kích cỡ khoảng 3 – 4 con/kg, năng suất trung bình 2,5 tấn/ha, tỷ lệ sống trung bình khoảng 80%.

Trong số các loài hải sâm nhiệt đới, hải sâm cát có giá bán cao nhất trên thị trường, dao động từ 115 – 640 USD/kg đến 1.670 USD/kg (đối với mẫu nặng hơn 1,5kg) (Purcell và cộng sự, 2012). Trong năm 2015, tổng sản lượng nuôi hải sâm cát trên toàn cầu chỉ là 156 tấn, trị giá 732.000 USD, phần lớn được sản xuất ở Việt Nam và Malaysia (FAO, 2018).

Hải sâm giống

Từ năm 2000 đến năm 2003, tổ chức ICLARM (nay là WorldFish Center) hợp tác với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm hải sâm cát Holothuria scabra.

Dự án đã sản xuất nhân tạo vài chục vạn con giống 1 – 2mm với tỷ lệ sống cho ương nuôi ấu trùng từ trứng đến con giống còn thấp chỉ đạt 3,1%, nguyên nhân chính do thức ăn và địch hại.

Dự án cũng đã thử nghiệm thả nuôi hải sâm cát có kích cỡ khác nhau để ương nuôi trong lồng, đăng ngoài biển. Kết quả nuôi trong ao với mật độ 1 con/m2 cho thấy cỡ giống 1,6g/con nuôi khoảng 1,5 – 2 tháng đạt 60g/con, cỡ giống 5,5g/con nuôi khoảng 1,5 tháng đạt 96g/con.

Quy trình sản xuất giống hải sâm cát đã đạt được thành công trong cải tiến kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống trong giai đoạn bám lên 10%. Kết quả ương nuôi thành công từ ấu thể 1 – 2mm lên con giống 2cm đạt tỷ lệ sống gần 50%.

Ao ương hải sâm.

Gần đây,các dự án hợp tác quốc tế về hải sâm giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III và tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất giống hải sâm cát, đồng thời nghiên cứu các hình thức nuôi ghép giữa hải sâm và tôm, hải sâm với ốc hương, nuôi đăng biển, tập huấn sản xuất giống và các giải pháp quản lý môi trường ao nuôi và tạo sinh kế cho cộng đồng ven biển…

Lợi ích kinh tế

Nuôi thương phẩm hải sâm cát vẫn chưa được phát triển ở quy mô công nghiệp trên thế giới, ngoại trừ một số mô hình nuôi ao tại Nam Trung Bộ, Việt Nam những năm gần đây.

Trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm hải sâm cát trên thị trường thế giới như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan… là rất lớn. Ngoài ra, thị trường trong nước có tiềm năng rất lớn đối với mặt hàng hải sâm cát – vốn là sản phẩm có giá trị y học và thực phẩm cao – nhưng chưa được quan tâm khai thác với nguồn nguyên liệu còn hạn chế do nuôi trồng còn chưa phát triển ở quy mô công nghiệp.

Thu hoạch hải sâm.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, chất lượng giữa hải sâm cát nuôi và tự nhiên là không có sự sai khác nhiều (Hair và cộng sự, 2018).

Do đó, trong tương lai khả năng sản phẩm hải sâm cát nguồn gốc từ nuôi trồng có tính cạnh tranh cao so với nguồn sản phẩm khai thác từ tự nhiên vốn hạn chế và không bền vững.

Khu vực Nam Trung Bộ có điều kiện tự nhiên phù hợp (nhiệt độ, độ mặn cao và ổn định) cho sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát.

Nhiều trại sản xuất giống hải sản, diện tích nuôi sử dụng nuôi các loài hải sản (tôm, ốc hương, cá biển…) không hiệu quả có thể chuyển đổi qua sản xuất giống và nuôi hải sâm cát, sẽ phát huy công năng trên một diện tích đất, nhà xưởng, mặt nước nuôi trồng.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, chất lượng giữa hải sâm cát nuôi và tự nhiên là không có sự sai khác nhiều.

Khu vực miền Trung là nơi có rất nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang do ô nhiễm, dịch bệnh nên việc nuôi hải sâm, vốn là đối tượng ăn lọc, sẽ góp phần cải tạo môi trường ao nuôi, giảm ô nhiễm vùng nuôi.

Việc triển khai sản xuất nuôi trồng hải sâm cát ở quy mô công nghiệp sẽ mở rộng nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm một đối tượng có giá trị kinh tế cao, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo công ăn việc làm, nhất là việc làm cho phụ nữ vùng hải đảo và ven biển.

Sản phẩm từ nghề nuôi sẽ góp phần vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản, cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và y học cao, góp phần cải thiện sức khỏe người dân.

Cần chiến lược nghiên cứu và nuôi hải sâm thương mại

Mặc dù các kết quả nghiên cứu và thực tế sản xuất tại Việt Nam cho thấy có những chỉ tiêu vượt trội so với công trình đã xuất bản và công nghệ khu vực cũng như trên thế giới nhưng nghề nuôi vẫn chưa phát triển mạnh trong những năm qua.

Việc đầu tư về cơ sở sản xuất hải sâm cát còn hạn chế và hải sâm cát vẫn chưa được xem là đối tượng nuôi trồng ưu tiên của ngành thủy sản nên quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ chưa thật sự ổn định ở một số khâu kỹ thuật.

Việc sản xuất thử nghiệm ở quy mô công nghiệp đòi hỏi nhiều nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện trong các khâu nuôi vỗ con bố mẹ chất lượng cao; nghiên cứu thức ăn, mật độ, nâng cao tỉ lệ sống từ ấu trùng cho đến giai đoạn bám đáy và giai đoạn ương lên con giống tiêu chuẩn phục vụ nuôi thương phẩm; nghiên cứu thức ăn bổ sung phù hợp và mật độ thích hợp cho hải sâm nuôi nhằm giảm thời gian nuôi, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một diện tích nuôi trồng.

Việc kết hợp với doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hải sâm sẽ hỗ trợ gia tăng quy mô sản xuất, chiến lược tiếp thị và đưa sản phẩm ra thị trường hiệu quả hơn.

TS NGUYỄN ĐÌNH QUANG DUY

Nguồn: https://nongnghiep.vn/

 

 

 

Trúng cá ngừ, người dân Bình Định thu tiền tỷ

Những ngày đầu năm mới 2018, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định cập bờ, chiếc nào chiếc nấy khẳm be. Chiếc đánh bắt ít nhất cũng được 8 tấn cá ngừ sọc dưa, chiếc đánh bắt được nhiều có đến 30 tấn, thu vào 1,3 tỷ đồng.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người đang cầm trịch đội tàu đánh bắt xa bờ 16 chiếc, chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa phấn khởi cho biết: “Đúng ngày đầu năm mới 2018, tàu BĐ 97678 TS (800CV) cập bờ với 8 tấn cá ngừ sọc dưa, qua ngày 2/1, chiếc BĐ 97999 TS (730CV) tiếp tục cập bến Hàm Tử (TP Quy Nhơn, Bình Định), chiếc này cũng đánh bắt được 8 tấn cá ngừ sọc dưa và 5 tạ cá ngừ đại dương. Gía cá ngừ sọc dưa hiện nay 26.000đ/kg, nhờ có thu nhập khá nên những thuyền viên đi bạn trên 2 tàu nói trên chia được mối người 3,5 triệu đồng, ai cũng phấn khởi”.

Ngư dân phấn khởi khi trúng cá ngừ, thu nhập khá hơn

Cũng trong ngày đầu năm 2018, tàu cá BĐ 96953 TS, của ngư dân Võ Văn Tuấn (47 tuổi) ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), trên tàu có 14 thuyền viên, cũng cập vào cảng cá Quy Nhơn. Chuyến biển vừa qua tàu anh Tuấn đánh bắt được chỉ 1 thời gian ngắn do thời tiết trên biển bão gió liên miên, thế nhưng sau 8 ngày đánh bắt tại vùng biển phía Nam, tàu BĐ 96953 TS của anh Tuấn đã đánh bắt được 12 tấn cá ngừ sọc dưa và cá ngừ đại dương, bán được trên trên 300 triệu đông.

Đặc biệt, tại cảng cá Quy Nhơn trong sáng 1/1 có 2 tàu cá mang số hiệu BĐ 96844 TS và BĐ 97777 TS, chủ tàu là anh Vũ Minh Hoàng (38 tuổi) ở huyện Hoài Nhơn, cập cảng với gần 40 tấn cá đủ loại, gồm: Cá ngừ sọc dưa, cá ngừ đại dương, cá thu…

Người dân xay đá chuẩn bị cho chuyến tàu tiếp theo

Hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định đều trúng đậm chuyến biển đầu năm. Theo ngư dân Trần Văn Huệ (49 tuổi) ở huyện Hoài Nhơn, thuyền viên trên tàu BĐ 97777 TS, cho biết: “Tàu chúng tôi trở về trúng gần 33 tấn cá đủ loại, bán được 1,3 tỷ đồng. Tàu chỉ đánh bắt có 8 ngày mà trúng lượng cá đó là trúng đậm lắm rồi. Những ngày đầu vừa ra đến ngư trường là tàu chúng tôi vây bắt được nhiều mẻ cá lớn, trong hầm tàu đã có đến 10 tấn cá”…

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, thời điểm biển hơi động nhưng trời không có gió bão là cá xuất hiện nhiều, nhờ đó những chuyến biển cập bờ vào những ngày đầu năm mới 2018 của ngư dân Bình Định hầu hết đều trúng đậm.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Khôi phục nuôi trồng thủy sản tại Vạn Ninh

“Cầm” sổ đỏ vay vốn, làm lại từ đầu

Cảng cá Vạn Giã (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) – một trong những vùng nuôi trồng thủy sản sầm uất với dày đặc lồng bè thả tôm, cá trước đây giờ trở nên thoáng đãng, quá đỗi yên bình, chỉ lác đác vài lồng bè vừa mới “mọc” lên sau bão.

Trên bờ biển, những lồng bè rách nát, phuy nhựa, lưới cụ, tàu thuyền bị vỡ được người dân mót lại sau bão vẫn còn nằm ngổn ngang khắp nơi. Tất cả tan hoang, trở thành thảm họa.

Khung cảnh tan hoang sau bão tại Vạn Ninh

Xen kẽ giữa những thứ bề bộn đó, là những khung bè mới được bà con đóng lại nhưng chưa kéo ra mặt nước nuôi vì chưa hoàn thiện. Hơn nữa dù khung bè đã xong nhưng trước mặt người nuôi trồng thủy sản còn vô vàn nỗi lo và cần chuẩn bị nhiều thứ như làm lồng nuôi, mua con giống, thức ăn…mới có thể nuôi trở lại.

Trong số những khung bè đang làm lại có bè nhà anh Lưu Văn Thanh, ở thị trấn Vạn Giã hiện đã cơ bản hoàn thành. Gặp chúng tôi, anh cho biết, để làm ra nhà bè, cùng với khung bè gồm 24 ô lồng, giảm 6 ô lồng so với trước đây thì ngoài việc tận dụng những cây gỗ, phuy nhựa còn sót lại, anh còn bỏ thêm 150 triệu đồng đầu tư.

Sau bão trắng tay vì bao nhiêu vốn liếng dành dụm đã đầu tư nuôi 3.000 con cá bớp và cá bè đạt trọng lượng xuất bán thì bị bão “cướp” sạch, ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Vừa qua anh đến ngân hàng cầm 3 sổ đỏ là nhà cửa của anh em, họ hàng mới vay được 600 triệu đồng.

Nguời dân đang từng bước đã hoàn thành bước một, là làm lại khung bè và mua chiếc thuyền nhỏ (không có máy), giá 30 triệu đồng làm phương tiện đi lại trên biển.

Còn bước tiếp theo sẽ làm lại lồng nuôi và mua con giống, khi đó nếu thiếu tiền sẽ vay tiếp. Bởi theo anh, nếu không nuôi trồng thủy sản không có cách nào gỡ gạc, trả nợ được.

Tiếp tục về xã Vạn Thạnh- vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở huyện Vạn Ninh nhìn ra biển Đầm Môn cũng trở nên hoang vắng. Nhiều ngư dân vẫn cặm cụi mót từng chiếc phuy, chắp từng mảnh cây để đóng lại lồng bè.

Ngư dân cặm cụi đóng lại lồng bè

Theo người nuôi trồng thủy sản, khó khăn hiện nay là các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phuy nhựa, lưới đều tăng giá từ 15 – 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi khan hiếm và tăng từ 100-150 ngàn/con, cụ thể tôm trắng 305 ngàn đồng/con; tôm nuôi 1 tháng từ 400-500 ngàn đồng/con.

Tuy nhiên, theo quan sát chúng tôi hiện nay một số hộ gia đình cũng đã “vượt lên nỗi đau”, tìm mọi cách để nuôi tôm trở lại.

Tiêu biểu như anh Trần Đẩu, thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng sau cơn bão, anh mất trắng hơn 30.000 con tôm hùm và cá các loại, ước thiệt hại 25 tỷ đồng. Do cạn kiệt vốn nên gia đình anh cầm sổ đỏ nhà tại ngân hàng để vay vốn khôi phục sản xuất.

Anh Đẩu cho biết, sau bão anh đóng lại bè mới với hơn 30 ô lồng và thả 3.000 con tôm hùm. Dù việc phục hồi chẳng thấm vào đâu với số thủy sản đã mất, nhưng đó là sự quyết tâm gượng dậy của người nuôi trồng thủy sản.

Cần tiếp sức từ những chính sách

Đối với anh Thanh, anh Đẩu giờ họ đã vực dậy, tự an ủi bản thân, bắt tay làm lại từ đầu vì nghĩ rằng ông trời sẽ không phụ lòng người cố gắng, kiên trì đến cùng. Thế nhưng không phải ai cũng có được quyết tâm như vậy sau nỗi mất mát quá lớn và kinh tế kiệt quệ!

Như gia đình ông Phạm Thân, tổ 7, thị trấn Vạn Giã vẫn chưa hết ám ảnh khi cơn bão làm toàn bộ lồng bè tan nát, cá tôm mất sạch ước thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Dù ông Thân vẫn hằng ngày ra biển tu sửa lại con thuyền bị vỡ, đôi mắt hướng về biển nhưng chưa thể bắt tay làm lại. Bởi lẽ gia đình ông đã không còn gì, còn mang nợ nên không thể nào xoay xở vốn để gỡ gạc. Ông Thân bộc bạch: “Bây giờ gia đình tôi hy vọng nhà nước sớm có chính sách tháo gỡ cho vay vốn tái sản xuất may ra tôi mới có thể làm lại”.

Tượng tự gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, một người tôm trải bạt ở thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ cho biết, hiện vẫn chưa tu sửa ao đìa, bởi chi phí đầu tư lớn vượt quá tầm của gia đình.

Theo ông Lộc, 2 ao nuôi trên bạt tổng cộng gần 3.000 m2 giờ muốn nuôi lại ,ông phải đổ đất đắp ao, rồi trải bạt và mua toàn bộ thiết bị nuôi tôm tốn hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chưa kể sau khi phục hồi xong ao nuôi, còn mua giống, mua thức ăn, tính ra cả tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Sáng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, việc khôi phục nuôi trồng thủy sản đang rục rich nhưng chậm, bởi nguồn lực trong dân đã hết. Hơn nữa, hầu hết người nuôi đều đã vay vốn ngân hàng. Sau cơn bão, toàn xã ngoài thiệt hại 7.261 lồng bè, còn hơn 107 ha ao nuôi tôm, ốc mất trắng; tổng thiệt hại ước 491 tỷ đồng.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay chỉ mới 20-30% số hộ nuôi trồng thủy sản bắt đầu khôi phục trở lại nhưng chủ yếu là lồng bè, còn việc thả giống chưa nhiều.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để giúp người dân thả nuôi trở lại, huyện đã đề nghị Sở NN-PTNT sớm tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ tiền mua giống, cây trồng, vật nuôi theo NĐ 02/2017/NĐ-CP. Đồng thời đề nghị tỉnh sớm ban hành quy hoạch tạm thời khu vực nuôi trồng thủy sản để người dân tái sản xuất và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ thiệt hại theo quy định như thiếu bản kê khai ban đầu theo NĐ 02, huyện đề nghị Sở NN-PTNT xem xét, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ riêng cho các trường hợp này. Bởi tính riêng lồng, bè thiệt hại không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định đã là hơn 56.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn 4.700 lồng nuôi cá.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Tăng sức cạnh tranh nhờ truy xuất nguồn gốc

Theo xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới luôn quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mỗi nước.

Sự minh bạch thiết yếu

Băn khoăn của người tiêu dùng về xuất xứ, chất lượng thực phẩm sẽ dễ dàng được giải tỏa khi phương pháp “truy xuất nguồn gốc điện tử” của thực phẩm được áp dụng. Bà Võ Ngân Giang – Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: “Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối thì có thể dùng mã đó để kiểm tra. Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm”.

Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay, các nhà nhập khẩu trên thế giới luôn muốn biết sản phẩm được sản xuất từ đâu, đi qua những chỗ nào. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc hết sức thực tế, đòi hỏi hết sức gay gắt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, thị trường thế giới đòi hỏi rất cao và khắt khe về chất lượng cũng như nguồn gốc của thực phẩm nên phương pháp này cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi đi ra thế giới.

Truy xuất nguồn gốc

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã phối hợp với Công ty CP Thanh Hương xây dựng mô hình nuôi TTCT theo VietGAP. Mô hình gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc điện tử. Mô hình thực hiện trên 2 ao nuôi tôm có tổng diện tích 6.000 m2 với mục tiêu chuyển giao quy trình nuôi TTCT theo VietGAP cho người nuôi, đồng thời bảo đảm sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc điện tử. Kết quả của mô hình nuôi TTCT theo VietGAP tại Công ty CP Thanh Hương cho thấy, quy trình VietGAP giúp người nuôi tôm kiểm soát tốt được chất lượng nguồn nước, dịch bệnh, hạn chế rủi ro và tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn; kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa. Sản phẩm tôm nuôi theo VietGAP bảo đảm đủ các tiêu chí: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, năm 2017, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Thanh Hương triển khai mô hình nuôi TTCT theo VietGAP để tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, sản phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc quét mã vạch bằng cách ứng dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc trên bao bì sản phẩm, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững.

Vẫn nhiều khó khăn

Phương pháp “truy xuất nguồn gốc” sản phẩm đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada… Trong khi đó, tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo.

Trong bối cảnh người nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do tôm bị dịch bệnh, thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, việc tuân thủ quy trình sản xuất tôm an toàn theo VietGAP là yêu cầu cấp bách đặt ra cho người nuôi tôm hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn, do nhiều hộ nuôi chưa quen ghi chép sổ sách, hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, diện tích nhỏ lẻ và chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm tôm VietGAP và tôm thông thường, giá bán không cao. Nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ không muốn áp dụng VietGAP vì cho rằng các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí cần phải có kinh phí đầu tư.

Thực tế, chỉ một số ít các doanh nghiệp sản xuất được theo phương pháp này, một số đang theo đuổi nhưng chưa thực hiện được trọn vẹn phương pháp. Bà Võ Ngân Giang chia sẻ: Với tình hình hiện nay ở Việt Nam nên bắt đầu từ những siêu thị, nơi mà đòi hỏi thực phẩm có nguồn gốc, nơi sản xuất, thực hiện mua bán qua hợp đồng, thực hiện phương pháp “truy xuất nguồn gốc” từ đó dần rồi mở rộng phạm vi.

Điều này cũng cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, vì mỗi thực phẩm để đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu, muốn truy xuất ngược lại thì cần sự hợp tác của tất cả các khâu đó, đòi hỏi trách nhiệm và sự trung thực tuyệt đối của mỗi bộ phận thì hệ thống mới có thể duy trì.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.