Vài nét về cá Bã Trầu

Cá thanh ngọc hay còn gọi là cá bãi trầu được dân chơi cá chọi thích thú bởi vẻ đẹp hoang dã cùng với màu sắc tự nhiên và bắt mắt.

1. Giới thiệu thông tin chung về cá thanh ngọc, cá bãi trầu

– Tên khoa học:Trichopsis vittata (Cuvier, 1831)

– Chi tiết phân loại:

Bộ: Perciformes (bộ cá vược)

Họ: Osphronemidae (họ cá tai tượng)

Tên đồng danh: Osphronemus (?menus) vittatus Cuvier, 1831; Ctenops vittatus (Cuvier, 1831)

Tên tiếng Việt khác: Bã trầu; Bảy trầu

Tên tiếng Anh khác: Talking gourami

Nguồn gốc: Nguồn cá chủ yếu từ khai thác trong tự nhiên phục vụ xuất khẩu.

– Tên Tiếng Anh:Croaking gourami

– Tên Tiếng Việt: Cá Bãi trầu, cá lia thia đồng

– Nguồn cá: cá thanh ngọc có nguồn gốc trong tự nhiên bản địa, ở các ruộng đồng

2. Đặc điểm sinh học cá thanh ngọc, cá bãi trầu

– Phân bố:Một số nước Đông Nam Á …

– Chiều dài cá (cm):7

– Nhiệt độ nước (C):24 – 30

– Độ cứng nước (dH):5 – 20

– Độ pH:6,0 – 8,0

– Tính ăn:Ăn động vật, trùng chỉ, lăn quăng

– Hình thức sinh sản:Đẻ trứng

– Chi tiết đặc điểm sinh học:

Phân bố: Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia và Việt Nam (miền nam)

Tầng nước ở: Giữa – mặt

Sinh sản: Cá đẻ trứng tổ bọt, cá đực chăm sóc trứng và cá con, cần tách cá cái ra riêng sau khi đẻ. Trứng nở sau 24 – 48 giờ, cá bột tiêu hết noãn hoàng 2 ngày sau khi nở và bắt đầu ăn luân trùng, moina …

3. Kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá thanh ngọc, cá bãi trầu

– Thể tích bể nuôi (L):70 (L)

– Hình thức nuôi:Ghép

– Nuôi trong hồ rong:Có

– Yêu cầu ánh sáng:Vừa

– Yêu cầu lọc nước:Ít

– Yêu cầu sục khí:Trung bình

– Loại thức ăn:côn trùng, giáp xác, trùng chỉ, cung quăng, …

– Chi tiết kỹ thuật nuôi:

Chiều dài bể: 40 cm

Thiết kế bể: Cá thích hợp trong bể nước tĩnh trồng nhiều cây thủy sinh và thực vật nổi. Cá hiền, thích hợp bể nuôi chung. Tuy nhiên cá đực có thể gây hấn và đánh nhau trong môi trường chật hẹp hoặc khi đến giai đoạn phát dục.

Chăm sóc: Cá khỏe, dễ nuôi, chịu được môi trường chật và nghèo ôxy nhờ có cơ quan hô hấp phụ

Thức ăn: Cá ăn phiêu sinh động vật, côn trùng, giáp xác, trùng chỉ, cung quăng, …

Cá Bã Trầu – từ hũng hĩnh trở thành đặc sản

Hũng hĩnh (hủn hỉn) là tên gọi chung chỉ các loài cá tạp, vụn vặt, rẻ tiền, như: bã trầu, lia thia, lòng tong, cá thiểu… Nhưng trong số đó, cá bã trầu là “nhân vật chính” vì nó có màu sắc đẹp, thịt lại thơm ngon…

Cá bã trầu

Cá bã trầu chiên muối ớt

Khác với cá bã trầu miền Trung là loài cá biển, con to đến 200 gr và có giá trị kinh tế cao, cá bã trầu miền Tây chỉ dài khoảng 4 – 6 cm, có màu sắc sặc sỡ nhất là cá trống, có thể chơi cá cảnh. Cá bã trầu thích sống trong môi trường hoang dã nước ngọt, nơi đầm lầy, kinh mương, đồng ruộng ngập nước có cỏ và thảm thực vật thủy sinh dày. Thức ăn của chúng là phiêu sinh vật và ấu trùng. Cá bã trầu thường sinh sản vào đầu mùa mưa và mùa mước nổi. Ngày xưa, chỉ có những gia đình nghèo mới bắt cá bã trầu ăn gọi là ăn cá “hũng hĩnh”. Tuy nhiên, nhiều gia đình ở miệt đồng còn dùng cá bã trầu làm mắm, môt món ngon “danh bất hư truyền” nhưng đáng tiếc đến nay đã thành “dĩ vãng”.

Ngày nay, tuy món ăn rất phong phú nhưng nhiều người vẫn muốn trở về cội nguồn, muốn tìm lại hương vị xưa, nên các loại cá hũng hĩnh, đặc biệt là bã trầu trở thành đặc sản quý hiếm, giá cao gấp nhiều lần so với các loại cá khác. Sở dĩ người ta thích ăn hũng hĩnh vì đây là một loài cá sống tự nhiên nên sạch. Vả lại hũng hĩnh thịt ngọt, thơm ngon, xương mềm, có thể ăn nguyên con. Muốn khai thác loài cá bé nhỏ này người ta thường dùng lưới dày để kéo, xúc bằng rổ lớn hoặc giậm bắt từng con một. Cá bã trầu hiện nay rất ít, một người bắt giỏi mỗi ngày cũng chỉ kiếm khoảng 1- 2 kg, bán với giá 150.000 đồng/kg nhưng phải đóng gói, ướp lạnh trước khi mang đến các cửa hàng đặc sản.

Cá bã trầu có thể chiên giòn, chiên me, chiên muối ớt, kho tiêu, kho nước cốt dừa… món nào cũng có đẳng cấp, nhưng hấp dẫn nhất là chiên muối ớt vừa cay cay, mằn mặn vừa giòn giòn. Cá bã trầu chiên ngon nhất khi ăn kèm với rau sống, dưa leo, cà chua, khế… chấm nước mắm chua cay. Món ăn làm từ cá bã trầu dân dã, mộc mạc nhưng còn ngon hơn cả sơn hào hải vị. Cho nên nhiều thực khách khi vô quán nhất định phải gọi cho bằng được món cá bã trầu.

Nguồn: Báo Thanh niên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi Ghẹ xanh lột

Ghẹ xanh là đối tượng khai thác rất lớn ở vùng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là vùng biển Phước Hải.

Ghẹ xanh

Ghẹ xanh là đối tượng khai thác rất lớn ở vùng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là vùng biển Phước Hải. Sản lượng khai thác không chỉ nhiều mà chất lượng thịt ghẹ cũng rất ngon cho nên thương hiệu ghẹ Phước Hải đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.Tuy nhiên, nguồn ghẹ thịt dồi dào có trong tự nhiên lâu nay chỉ bán ở các chợ hoặc bán cho lái buôn với giá 50.000 -100.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ghẹ lột là loại hàng thương phẩm có giá trị cao về kinh tế và dinh dưỡng, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Giá ghẹ lột có thể cao gấp 2-3 lần so với giá ghẹ thô ban đầu nên hiện nay nghề nuôi ghẹ lột thương phẩm trở thành nghề mang lại thu nhập cao.

1. Thiết kế bể nuôi

Nuôi trong bể xi măng 5×5= 25 m2, có che bớt ánh sáng bằng lưới chắn để nhiệt độ trong bể nuôi không quá 300C

Các yếu tố thủy lý, thủy hóa: nhiệt độ nước dao động 25-300C, độ muối duy trì 30 – 33 %o oxy hoà tan 6,2 – 6,5mg/l và pH khoảng 7,8-8

Bể nuôi phải được sục khí liên tục 24/24 giờ và thay nước 100%/ngày

 2. Chọn giống

Ghẹ xanh nuôi lột chọn cỡ từ 15 – 20 con/kg, trọng lượng từ 50 – 70g/con. Chọn những con chắc thịt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đủ chân càng và mai yếm không bị dập nứt. Trường hợp những con hình thành lớp vỏ mới chuẩn bị lột xác, khỏe mạnh có đủ chân càng nuôi riêng.

 Kỹ thuật xử lý để ghẹ lột đồng loạt

Để ghẹ xanh lột vỏ đồng loạt có thể áp dụng biện pháp cắt mắt và trộn chất Chitosan 1% vào thức ăn cho ghẹ ăn.

Sau khi tuyển ghẹ nuôi lột, cho ghẹ vào bể có sục khí nuôi lưu từ 10-12 h để ghẹ hồi sức và ổn định. Bổ sung Vitamin C vào bể nuôi để tăng thêm sức đề kháng cho ghẹ.

Khi kiểm tra ghẹ đã khỏe mạnh, giảm nhiệt độ nước xuống còn 20-220C và thực hiện cắt mắt. Dùng kéo đã khử trùng để cắt mắt ghẹ.

Cắt mắt: Đốt nóng kéo hoặc dùng cồn khử trùng kéo cắt. Một người cầm giữ ghẹ, một người cắt, vết cắt tính từ gốc mắt ra là 2-3 mm. Sau khi cắt mắt tiếp tục nuôi thêm 10-12 h trong bể để ghẹ ổn định. Khi trời mát cho ghẹ vào bể nuôi lột.

Cho ăn thuốc: Cá tươi rửa sạch trộn với chất kích thích lột vỏ của giáp xác là chất Chitosan với nồng độ 1%, có thể dùng dầu mực bao thức ăn để tăng khả năng của thuốc. Ghẹ cắt mắt sử dụng chất Chitosan trong vòng 14 ngày ghẹ lột vỏ đồng loạt, tỷ lệ 70 – 80%.

3. Chăm sóc, quản lý

Thức ăn cho ghẹ lột là cá tạp tươi cắt thành miếng nhỏ, rửa sạch và rải đều khắp bể cho ghẹ ăn. Lượng thức ăn hàng ngày từ 10-20% trọng lượng thân và tùy thuộc vào sức ăn của ghẹ.

Ngày cho ghẹ ăn 2 lần vào buổi sáng (5-6h) và chiều (17-18h), cho ghẹ ăn lúc mới thay nước và tránh cho ăn lúc nhiệt độ cao. Những ngày đầu ghẹ ăn nhiều, sau ngày thứ 9, 10 trở đi sức ăn của ghẹ giảm và bắt đầu lột

Kiểm tra: Sau từ 9 đến 14 ngày nuôi, một số ghẹ đã chuyển sang giai đoạn chuẩn bị lột. Người nuôi dùng ngón tay ấn nhẹ vào mép dưới mai ghẹ sẽ nghe thấy tiếng gãy của mai. Tách riêng những con chuẩn bị lột sang bể nuôi mới, thay nước để kích thích ghẹ lột, thay 100% nước hàng ngày và giữ nhiệt độ nước ổn định từ 28 – 300C.

Ghẹ sắp lột vỏ không cho ăn, 2 – 3 giờ kiểm tra 1 lần, chú ý thay nước sạch cho ghẹ lột nhanh.

Cách nhận biết ghẹ chuẩn bị lột: Màu sắc trên lưng ghẹ chuyển từ màu xanh sau khi cắt mắt sang màu xanh hơi đỏ và chuyển tiếp sang màu xanh nâu hơi đậm.

Công việc lọc ghẹ lột được thực hiện liên tục vì sau khi lột vỏ hoàn toàn phải tiến hành thu hoạch và bảo quản ngay vì chỉ 2 giờ sau khi lột vỏ ghẹ đã cứng lại

Thời gian ghẹ lột nhiều nhất từ 17 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

4. Thu hoạch

Ghẹ vừa lột được rửa sạch bằng nước ngọt ở nhiệt độ 150C, đem ghẹ lên cắt yếm, cắt ruột và gói vào bao nilon, sau đó xếp từng con vào trong vỉ, bảo quản lạnh và chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kiếm bộn tiền nhờ vào nuôi Ghẹ lột

Hơn chục năm qua, người dân xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang phát triển mô hình nuôi ghẹ lột cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

Ghẹ lột có giá trị dinh dưỡng rất cao

Xã Bình An là một trong những nơi được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật nuôi ghẹ lột hơn chục năm trước ở tỉnh Kiên Giang. Hiện, nghề này đã và đang giúp người dân kiếm khá nhiều tiền. Thậm chí, nhiều hộ dân còn sáng tạo ra cách nuôi ghẹ trong lồng bè dưới biển, giúp giảm công thay nước và đảm bảo môi trường tự nhiên cho ghẹ mau lớn, lột.

Một trong những hộ dân ở Bình An thành công khi đưa con ghẹ từ nuôi trong bể xuống nuôi dưới biển là anh Mai Nguyên Bằng. Ngoài việc nuôi ghẹ lột để cung ứng sản phẩm ghẹ lột đông lạnh cho thị trường, anh Bằng còn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu và chịu trách nhiệm thu gom sản phẩm trong xã.

Theo anh Bằng, trước năm 2000, dân xã Bình An chưa biết nhiều đến kỹ thuật nuôi ghẹ lột. Hầu hết ghẹ sau khi đánh bắt về được bán cho các chủ vựa, thương lái. Sau đó, có chuyên gia Nhật Bản đến hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghẹ lột, anh và nhiều hộ dân khác đã quyết tâm thực hiện mô hình.

Ban đầu với 10kg ghẹ tự nhiên, anh thử nuôi trong bể xi măng, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên thất bại. Không nản chí, anh tiếp tục tìm tòi, học hỏi, cuối cùng nảy sinh sáng kiến không nuôi ghẹ trong bể mà nuôi trong lồng bè ngay dưới biển. Và rồi anh thành công ngay từ lần đầu.

Anh Bằng cho biết: “Nuôi ghẹ lột dưới biển được nhiều cái lợi, từ việc không mất công thay nước cho ghẹ, đến việc vệ sinh bể, lo ngại môi trường nước ô nhiễm… Trong khi đó, nuôi trong lồng bè, ghẹ vừa có không gian rộng hơn lại vừa được ở trong môi trường tự nhiên nên phát triển rất tốt”.

Cũng theo anh, quan trọng nhất là khâu canh ghẹ lột để bắt ra ngay không quá 15 phút và lập tức cho vào ngâm đá để giữ chất lượng, bằng không ghẹ sẽ cứng vỏ và chất lượng thịt kém đi nhiều.

Bí quyết thành công của anh Bằng khi nuôi ghẹ lột là sau khi chọn con giống thì cắt bỏ mắt của ghẹ trước khi thả xuống bè. Sau đó, cho ghẹ ăn cá băm nhỏ từ 5 – 10 ngày để ghẹ mau lớn và lột. “Ghẹ được bắt lên sau khi lột, ngâm đá thì tiến hành sơ chế rồi cho ghẹ vào đông lạnh ở -35 độ C. Sau đó cho vào tủ đông để bảo quản trước khi xuất ra thị trường” – anh chia sẻ.

Ghẹ lột tiêu thụ mạnh nhất là loại từ 50-100gram/con. Ở trọng lượng này, ghẹ lột có giá 200.000 đồng/kg. Với uy tín hơn chục năm trong nghề, sản phẩm của anh Bằng rất được ưa chượng. Thị trường chính của anh là TP Hồ Chí Minh và ở nước ngoài.

Hiện, xã Bình An có trên 10 hộ nuôi ghẹ lột, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường từ 400 – 500kg ghẹ lột thương phẩm. Theo những người nuôi, nghề này vẫn giúp người dân kiếm ra khá bộn tiền.

Một tín hiệu vui cho bà con nuôi ghẹ lột tại xã Bình An, mới đây Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang hướng dẫn địa phương làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể. Khi thành công, sản phẩm ghẹ lột xã Bình An sẽ được quảng bá thương hiệu nhiều hơn đến người tiêu dùng. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và giúp nghề này duy trì, phát triển ổn định hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi Ghẹ xanh lãi lớn

Kỹ thuật nuôi ghẹ xanh khâu giống rất quan trọng, quyết định sự thành bại. Loài này cũng là sản phẩm có giá trị xuất khẩu.

Ghẹ xanh có giá trị dinh dưỡng cao

Ghẹ xanh phân bố rộng ở miền đông châu Phi, Đông Nam Á, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Ghẹ đực có vỏ màu lam sáng với các đốm trắng và các càng dài đặc trưng, trong khi ghẹ cái có màu nâu/lục xỉn màu hơn và mai thuôn tròn hơn. Mai của chúng có thể rộng tới 20 cm.

Phần lớn thời gian chúng ẩn nấp dưới cát hay bùn, cụ thể là trong thời gian ban ngày và mùa đông. Chúng đi kiếm ăn khi thủy triều lên. Thức ăn của chúng khá đa dạng, từ các động vật hai mảnh vỏ, cá và ít hơn là các loại tảo lớn. Chúng bơi lội rất tốt, chủ yếu là do các cặp chân dẹp tựa như các mái chèo. Loài này cũng không thể sống một thời gian dài mà không có nước. Loài này được đánh giá cao do thịt của nó ngọt như thịt cua xanh Đại Tây Dương.

Thiết kế môi trường nuôi

Nước biển sử dụng để sản xuất giống phải trong sạch, độ mặn ổn định 30-34‰, các chỉ tiêu lý, hóa phù hợp với điều kiện sống của các loài thủy sinh vật. Nước ngọt phục vụ quá trình sản xuất giống cũng cần trong sạch, không ô nhiễm.

Chọn vị trí xây trại có cấu tạo địa chất ổn định, địa hình bằng phẳng; hệ thống cấp, thoát nước thuận lợi. Vị trí xây dựng trại phải thuận lợi về giao thông và có thể sử dụng điện lưới quốc gia. Nhà trại phải đảm bảo thoáng mát trong mùa hè, ấm vào mùa đông.

Số lượng và diện tích bể trong trại phụ thuộc vào công suất và quy mô sản xuất, tuy nhiên cần đảm bảo: Bể lắng và xử lý nước biển: thường dùng bể xi măng có thể tích 300-500m3/bể; Bể lọc là bể xi măng, thể tích 15-25m3/bể; Bể nuôi giữ ghẹ mẹ: bể xi măng hoặc bể composit.

Bể xi măng phải bảm đảm khi sục khí không tạo ra các “góc chết”, thể tích 3-5m3/bể. Bể composit có dạng hình bán cầu, thể tích 1-2m3/bể. Bể nuôi artemia sinh khối: bể xi măng hoặc composit, thể tích 1-1,5m3/bể. Đảm bảo đủ máy bơm, máy sục khí, kính hiển vi, tủ lạnh, que đun điện xô, chậu, vợt các loại…

Thả và ương nuôi ghẹ

Khi thả ghẹ bột xuống đìa cần phải kiểm tra độ muối và nhiệt độ ở trong đìa và nước trong thùng vận chuyển ghẹ. Cấp nước từ từ trong đìa vào thùng vận chuyển trong khoảng 20 đến 40 phút để ghẹ bột làm quen với môi trường sống, sau đó thả ghẹ vào đìa. Mật độ thả là 5-6 con/m2.

Trong 20 ngày đầu: Thức ăn ương ghẹ bột gồm các loại cá, ruốc, tôm nhỏ hấp chín và cà qua rổ nhựa, sau đó hòa đều với nước tạt khắp đìa.

Quản lý và chăm sóc ghẹ nuôi

Trong 3 tháng nuôi, cần phải chú ý quản lý và chăm sóc đìa nuôi ghẹ theo các yêu cầu: Giữ đìa nuôi có màu tảo lục hoặc tảo khuê (độ trong khoảng 25 – 30 cm); Trong 1 tháng đầu ương ghẹ bột, chú ý không được cấp nước trực tiếp vào đìa nuôi; Trong 2 tháng nuôi tiếp theo, chú ý chọn con nước sạch khi thay nước cho đìa nuôi

Thức ăn cho ghẹ ăn phải tươi và phải được rửa sạch trước khi cho ăn. Kiểm tra khối lượng ghẹ nuôi 15 ngày/ lần bằng cân đĩa nh

Có nhật ký để ghi chép và theo dõi ghẹ nuôi hàng ngày (ghi chép các chi phí, lượng thức ăn hàng ngày, tình trạng sức khỏe của ghẹ nuôi, các sự cố và biện pháp xử lý)

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Lãi cao nhờ nuôi Cá Ngựa kết hợp Rong Sụn

Những năm gần đây nghề nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh gặp nhiều khó khăn do bệnh trên các đối tượng nuôi thường xuyên xảy ra, giá bán thương phẩm bấp bênh, không ổn định… Do đó, nhiều hộ đã có những hướng đi mới bằng việc nuôi kết hợp một số đối tượng trên cùng một diện tích và đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, điển hình như mô hình nuôi kết hợp cá ngựa với trồng rong sụn.

Anh Hoàng chế biến rong sụn khô

Hộ anh Lê Văn Hoàng là một trong những hộ ở phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh đã thực hiện thành công mô hình nói trên. Anh Hoàng cho biết, cá ngựa là loài thích đeo bám, rong sụn tạo giá thể và bóng mát cho cá nên anh quyết định kết hợp hai loại này nuôi với nhau.

Anh thiết kế ô nuôi với chiều ngang khung nuôi 9m, chiều dài 17m; mật độ 1.000 con cá ngựa và kết hợp thả nuôi 500 – 600 kg giống rong sụn; bên trong ô nuôi cá ngựa được bố trí các dây treo để trồng rong sụn.

Theo anh Hoàng, cá ngựa thường nuôi vào tháng 11 (Âm lịch), khoảng 4 – 6 tháng cho thu hoạch, một năm có thể nuôi được 2 vụ. Giá cá ngựa giống từ 8.000 – 10.000 đồng/con, khi đạt kích cỡ thành phẩm trên 14cm, giá bán 100.000 đồng/kg. Đối với rong sụn thường trồng từ tháng 10 (Âm lịch), khi thu hoạch thì thu rong sụn trước sau đó mới thu cá ngựa. Rong sụn tươi thương phẩm bán với giá hiện tại 20.000 đồng/kg, rong sụn khô 60.000 đồng/kg.

Anh Hoàng cho biết, thức ăn cho cá ngựa rất dễ kiếm, thường là cá tạp ngoài tự nhiên, băm nhỏ trước khi cho ăn.

Do hình thức nuôi này chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là tiền mua giống nên anh nuôi có lãi. Hàng năm, anh thu nhập hàng chục triệu đồng và đã xây được căn nhà khang trang.

Ông Trương Văn Sa Tăng – Chủ tịch Hội nông dân Cam Phúc Bắc cho biết, Hội đã đứng ra thành lập tổ liên kết với quy mô trên 7 hộ tham gia, chủ yếu là các hộ dân nuôi trồng theo mô hình kết hợp rong sụn với cá ngựa hoặc rong sụn với sò; mỗi hộ trung bình lãi trên 30 triệu đồng/vụ, riêng hộ anh Hoàng lãi 60 triệu đồng/vụ.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Khánh Hòa: Rong Sụn dễ trồng, đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao

Trước đây, người dân ở một số địa phương ở Ninh Thuận và Khánh Hòa chưa biết đến cây rong sụn. Tuy nhiên, qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn học tập kinh nghiệm do Hội Nông dân tổ chức, đến nay đã có hàng chục hộ ăn nên làm ra nhờ trồng rong.

Rong sụn Khánh Hòa

Rong sụn dễ trồng, hiệu quả cao

Trong 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Phước Diêm, xã Cà Ná (huyện Thuận Nam), xã Tri Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) và phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh (Khánh  Hòa) đã mạnh dạn trồng cây rong sụn bởi đây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và mang lại lợi nhuận cao.

Anh Lê Văn Hoàng (phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh) là người khởi đầu cho phong trào trồng rong sụn của địa phương. Anh Hoàng cho biết, trước đây người dân địa phương chưa biết đến giống cây này. Để có kiến thức, anh đã bỏ công đi học tập cách làm rong sụn của một số địa phương khác để về áp dụng trồng ngay tại địa phương.

Anh Hoàng kể: “Gia đình tôi bắt đầu trồng rong sụn từ năm 2001, khi thực hiện thành công, tôi đã hướng dẫn cho các hộ xung quanh trồng theo. Chính loài cây này đã giúp cho hàng chục hộ làm giàu, có thu nhập ổn định, con cái được học hành tử tế”. Anh Hoàng tính toán, 1ha rong sụn bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 80 – 100 tấn sản phẩm tươi, giá bán ngay tại địa phương 3.000 đồng/kg rong tươi, 21.000 – 22.000 đồng/kg rong khô, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng.

Theo anh Hoàng, cây rong sụn sinh trưởng phát triển rất nhanh, cứ 1 tấn giống ban đầu sau 1 tháng trồng nếu đúng kỹ thuật và gặp thời tiết thuận lợi sẽ đạt năng suất 4 tấn rong, tháng tiếp theo sẽ cho 16 tấn. Trong khi đó, rong sụn có thể làm được 2 vụ/năm. Thông thường, bà con bắt đầu thả giống trên biển từ tháng 7- 8 âm lịch, sau hơn 6 tháng chăm sóc đúng quy trình là sẽ đến vụ thu hoạch.

Thành lập tổ hợp tác trồng rong

Anh Hoàng cho biết mình trồng rong sụn theo phương pháp làm dây đơn trên biển, mỗi dây dài từ 10 – 20m, trên dây gắn giống rong để nuôi. Rong sụn sống hoàn toàn ngoài tự nhiên nên không tốn nhiều chi phí đầu tư, tuy nhiên, theo anh Hoàng, cần kiểm tra thường xuyên giai đoạn phát triển của rong sụn, đồng thời kết hợp làm vệ sinh, thả giống đúng thời điểm, nuôi đúng kỹ thuật thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.

Nhu cầu của thị trường đối với rong sụn rất cao nên anh Hoàng đã đề xuất chính quyền địa phương giúp đỡ thành lập tổ hợp tác do anh làm tổ trưởng. Theo đó, tổ hợp tác đã chính thức đi vào hoạt động tháng 10.2013, đến nay đã có 21 thành viên tham gia, tổng diện tích trồng rong sụn trên 15ha. Bình quân mỗi thành viên thu lãi từ 90 – 100 triệu đồng/năm từ cây rong sụn. Nhiều hộ còn kết hợp nuôi sò, thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba.

Anh Trương Văn Sa Tăng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phú Bắc cho biết, điều kiện ở địa phương rất thuận tiện để phát triển cây rong sụn, Mặt hàng này hiện không lo đầu ra, giá cả ổn định, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi trồng đơn giản nên người dân thu hồi vốn nhanh. Địa phương xác định đây là loại cây xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên người trồng rong sụn cần chú ý đến các yếu tố nhiệt độ, sự lưu thông dòng chảy và độ mặn để chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng Rong Sụn làm rau xanh ở đảo Trường Sa

Các nhà nghiên cứu mới đây đã trồng thành công loại rong biển này, khắc phục phần nào tình trạng thiếu rau xanh triền miên của bộ đội trên đảo Trường Sa. Quy trình nuôi trồng rong sụn rất đơn giản, cho năng suất khá.

Rong Sụn được sử dụng làm rau xanh tại Trường Sa

Đây là dự án hợp tác giữa Viện Công nghệ sinh học, phân viện Hải dương học Hải Phòng, phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang, ĐH quốc gia Hà Nội cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Rong biển là loại thực vật giàu dinh dưỡng, chứa hàm lượng cao protein, đường, chất khoáng, và nhiều loại vitamin (A, C, E…) cũng như các axit amin cần thiết cho cơ thể. Ở nước ta, rong sụn (tên khoa học là Kappaphycus alvarezii) đã được nuôi trồng tại nhiều địa phương như Kiên Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, và đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo.

Rong sụn thích hợp với các vực nước ven bờ, các bãi ngang vùng triều, các đìa đầm nuôi tôm… Quy trình trồng loại cây này rất đơn giản, chỉ cần đóng cọc, buộc dây, rồi treo giống. Trọng lượng ban đầu của búi giống từ 100-150g/bụi, được treo xuống cách mặt nước từ 0,6 đến 0,8 mét (mùa nắng nóng) và từ 0,2 đến 0,4 mét trong mùa mát. Sau hai đến ba tháng là có thể thu hoạch được, trọng lượng bụi trưởng thành từ 14 đến 16 kg.

Nghiên cứu cho thấy, nước biển tại vùng quần đảo Trường Sa rất sạch (hàm lượng tất cả các chất độc hại đều dưới giới hạn cho phép nhiều lần so với tiêu chuẩn Việt Nam), song lại rất nghèo chất dinh dưỡng (như các ion NO2, NO3, PO4 và NH4) so với nước biển ven bờ. Vì thế, việc nuôi trồng rong sụn ở quanh đảo là rất thuận lợi, tuy rằng phải bổ sung thêm những quy trình mới cho phù hợp với chất lượng nước ở đây.

Các nhà nghiên cứu cho biết có thể trồng theo kiểu giàn bè nổi ở những vũng sâu, hay kiểu dây đơn trên đáy các bãi ngang kín sóng gió. Kỹ thuật này tuy cho năng suất cao, song do sóng lớn và cá ăn nên không hiệu quả. Vì thế, có thể nuôi trồng trong bể ngay trên đảo, dễ chăm sóc, quản lý và khai thác cho từng bếp ăn nhỏ.

Cây rong sụn chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng

Qua 3 năm nuôi trồng thử nghiệm trong 6 bể nuôi bằng composit ở đảo Trường Sa lớn, rong sụn đạt tốc độ tăng trưởng 0,2-0,5%/ngày, thấp hơn so với nuôi trồng ven bờ, chủ yếu do ánh sáng và nhiệt độ trong bể cao. Để khắc phục tình trạng này, các nhà nghiên cứu đã tạo nên lớp cách nhiệt xung quanh bể (xếp đá san hô hoặc chèn xốp) và che bớt ánh sáng.

Nghiên cứu về rong sụn hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả nuôi trồng tại quần đảo Trường Sa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kinh nghiệm trồng Rong Sụn ở Khánh Hòa

Rong sun (Kappaphicus alvarezii) là nguyên liệu chủ yếu để chế biến Carrageenan – chế phẩm được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, y dược, mỹ phẩm. Đặc biệt, rong sụn có tính ưu việt về hàm lượng các nguyên tố vi lượng hữu ích như: Mg, Cu, Fe, Mn,… là một loại Polysacharide có tính nhũ hóa cao, có thể giải độc, chữa các bệnh mãn tính, làm nguyên liệu keo…

Rong nho – Món quà thiên nhiên ban tặng cho con người

Hiện nhiều nước trong khu vực như: Philippines, Indonesia, Tanzania… đã đầu tư nghiên cứu và sản xuất loài rong này. Rong sụn là loài rong biển nhiệt đới, có nguồn gốc từ Philippines. Tháng 2-1993, Phân Viện Khoa học vật liệu Nha Trang đã nhập từ Nhật Bản về Việt Nam thông qua chương trình hợp tác khoa học Việt Nam – Nhật Bản. Đến nay, rong sụn đã không ngừng phát triển và lan rộng ra một số tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang…

Một số kinh nghiệm trồng rong nho tại Khánh Hòa xin được chia sẻ cho bà con:

1. Vận chuyển rong giống

Dùng sọt tre hay bao để đựng rong giống (không nên nén chặt rong với nhau). Nếu vận chuyển lượng lớn, phải đi xa nên dùng xe tải có máy lạnh, nhớ định giờ để tưới nước biển giữ độ ẩm cho rong.

2. Mùa vụ trồng rong sụn (Áp dụng cho các tỉnh Trung và Nam Trung bộ)

Mùa chính: Thường từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, còn ở các tỉnh Nam bộ thường từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau.

Mùa phụ: Từ tháng 4 đến tháng 6

3. Thời gian trồng và cách sơ chế

Kể từ ngày ra giống, với trọng lượng giống ban đầu 80 – 100g/bụi, đến trọng lượng đạt từ 1kg trở lên và thu hoạch. Kinh nghiệm cho thấy, nếu trồng rong sụn ở các vùng nước cạn, dòng chảy và sự lưu chuyển của nước yếu, vào mùa nhiệt độ cao… thì sau 2 – 2,5 tháng mới cho thu hoạch. Nếu ở những vùng nước sâu, biển hở, sóng gió và sự lưu chuyển của nước tốt có thể sau 45 – 50 ngày là thu hoạch được.

Cách sơ chế: Phơi vài ngày nắng (tùy thuộc vào mức độ) cho đến khi rong khô và xuất hiện lớp muối trắng trên bề mặt rong là được. Gỡ bỏ rác, dây buộc còn sót, giũ sạch cát muối rồi cho vào bao, cất giữ nơi thoáng mát, tránh ẩm, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu.

4. Bệnh rong và biện pháp phòng ngừa

– Bệnh trắng lũn thân là một bệnh chủ yếu và phổ biến nhất đối với rong sụn, nó gây thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau về sản lượng cũng như chất lượng…

– Trồng rong ở những vùng có dòng nước chảy, không kín sóng gió, xa nguồn nước ngọt, tránh vùng nước quá cạn và quá kín sóng gió. Sự lưu chuyển tốt của nước luôn là nhân tố quan trọng nhất trong nghề trồng rong sụn.

– Các giàn trồng rong cần có kích thước nhỏ đến vừa, mỗi giàn chỉ nên có kích thước tối đa 2000 – 3000m2 để dễ dàng trong việc điều chỉnh độ sâu của giàn cũng như thuận lợi cho việc xử lý khi bệnh rong xuất hiện.

5. Biện pháp xử lý bệnh xảy ra

Bệnh xuất hiện phát triển nhanh và lây lan. Khi rong bệnh cần phải xử lý bằng cách:

– Thu và cắt bỏ các phần bị bệnh rồi buộc giống trở lại.

– Hạ giàn rong xuống sâu 0,6 – 0,8m cách mặt nước.

– Di chuyển giàn trồng đến vùng dòng nước chảy tốt, thường xuyên có gió và sóng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Rong Sụn

Rong sụn (Kappaphycus alvarezii Dotty) là loài rong biển nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Rong sụn có giá trị kinh tế cao

Chọn vùng nuôi

Rong sụn có thể trồng ở thủy vực, mặt nước ven biển và ở đảo chìm có độ sâu 0,5 – 10 m. Có thể trồng quanh năm hoặc theo mùa, tùy điều kiện từng vùng.
Vùng nuôi rong sụn cần đảm bảo một số yêu cầu: Nước biển có độ mặn từ 28 – 32‰, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước ngọt; Vùng nước yên tĩnh, ít chịu ảnh hưởng của sóng gió; Nước luôn được luân chuyển, với lưu tốc vừa phải, 20 – 40 m/phút.

Đối với các vùng bãi ngang cạn vùng triều, khi thủy triều xuống thấp nhất, mực nước phải còn lại ít nhất 0,5 m để đảm bảo rong không bị phơi ra ngoài không khí và biên độ thủy triều không > 2 m. Chất đáy thích hợp để trồng rong sụn tốt nhất là cát thô, san hô vụn. (Nền đáy là cát bùn hay bùn cát thì không thích hợp).

Giống và thời vụ

Để làm rong giống cần chọn đoạn rong bánh tẻ (không già không non), có nhiều nhánh nhỏ, trơn mướt, khỏe mạnh, mỗi đoạn dài 20 – 30 cm. Trọng lượng giống ban đầu bình quân 80 – 100 g/bụi, dùng dao sắc (không dùng tay bẻ) để cắt.

Rong giống sau khi cắt xong cần che đậy, tránh nắng gió trực tiếp, tránh nước ngọt ảnh hưởng. Không nên nén chặt rong với nhau. Cần đảm bảo cho rong luôn ẩm trong quá trình vận chuyển bằng cách tưới nước biển lên rong để giữ độ ẩm.

Mùa vụ

Căn cứ vào các yếu tố tự nhiên có thể nuôi rong sụn theo 2 mùa:

Mùa chính: Ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Thời điểm này nhiệt độ nước trung bình thường ổn định (< 300C), rong lớn nhanh và ít bị bệnh.

Mùa phụ: Ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ thường từ tháng 4 đến tháng 9; các tỉnh Nam bộ từ tháng 4 đến tháng 6. Các tháng mùa nắng – nóng của khu vực, nhiệt độ nước và không khí thường rất cao nên rong sụn phát triển chậm, dễ bị bệnh, năng suất thấp hơn. Vì vậy, cần phải chú ý đến kỹ thuật, quy mô diện tích, mật độ… để trồng rong hiệu quả nhất.

Hình thức nuôi trồng rong sụn

Dàn căng trên đáy

Hình thức này áp dụng cho việc trồng rong sụn ở các vùng bãi ngang vùng triều, ven các đầm phá, vũng vịnh, ven biển, ven đảo khi nước triều rút thấp nhất, mực nước còn khoảng  0,5 – 1,2 m.

Yêu cầu: Diện tích của một giàn tốt nhất có chiều ngang 20 – 25 m, chiều dài 50 – 100 m, tương đương diện tích 1.000 – 2.500 m2. Các giàn đặt cách nhau theo vị trí (phải, trái, trên, dưới) ít nhất 1 – 2 m, để đảm bảo nước lưu thông cho rong phát triển. Khoảng cách giữa các bụi rong giống ít nhất 20 cm, giữa các dây rong giống là 35 – 40 cm. Các dây rong giống đặt song song hướng gió.

Để hạn chế cá tạp ăn rong có thể dùng lưới (mắt lưới 1 – 1,5 cm) bao quanh giàn. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh lưới để nước lưu thông tốt hơn.

Trồng rong sụn trong lồng lưới (mỗi lồng cao 1 m, đường kính 50 cm, cách nhau 1 m và đặt trồng cách bờ 20 – 30 m) có tác dụng ngăn cá vào ăn rong, đồng thời người trồng dễ kiểm tra, vệ sinh lồng lưới hằng ngày.

Trồng rong sụn luân canh trong ao nuôi tôm sú ven biển

Hình thức này áp dụng trong thời gian nghỉ của ao tôm (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau).

Yêu cầu: Chọn ao tôm có thể thay nước theo thủy triều (ít nhất 15 – 20 ngày/tháng), đáy ít bùn. Giàn trồng rong được làm bằng cách đóng cọc căng dây trên đáy hoặc giàn trên đáy có phao. Diện tích giàn thường chiếm 60% tổng diện tích mặt nước ao, đầm. Rong được đặt cách đáy 30 – 40 cm tùy khả năng mức nước lấy vào và giữ trong ao cao hay thấp hoặc dây rong được giữ bằng phao cách mặt nước khoảng 30 cm.

Hằng ngày thay nước trong thời kỳ triều cường. Khi thủy triều xuống thấp, hạn chế thay nước mà chỉ tiến hành giũ dây rong để tránh bị huyền phù bám vào.

Chăm sóc và phòng bệnh

Địch hại lớn nhất của rong là cá. Có thể hạn chế việc cá ăn rong bằng cách: đặt gần mặt nước; mật độ rong trồng không quá thưa; thường xuyên dùng lưới đánh cá quanh giàn trồng; chăm sóc rong thường xuyên trong giàn trồng; trồng với diện rộng và phổ biến.

Bệnh phổ biến nhất ở rong sụn là bệnh trắng nhũn thân. Nếu thấy thân rong, chỗ buộc bụi rong vào dây, chỗ bị cá ăn xuất hiện một số vùng bị mất màu (sắc tố) và trở nên trắng, mềm nhũn, cây rong bị đứt gãy, nghĩa là rong bị bệnh trắng nhũn thân. Bệnh này lây lan nhanh. Cách phòng ngừa hiệu quả là tuân thủ đúng kỹ thuật và mùa vụ trong khi trồng rong. Khi rong bị bệnh cần thu, cắt bỏ phần bị bệnh và buộc giống trở lại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.