Trồng Xà Lách Xoăn hiệu quả

Cây xà lách hiện đã được nhiều nông dân lựa chọn trong cơ cấu rau màu ở các vụ vì hiệu quả kinh tế của nó mang lại.

Xà lách được nhiều người trồng vì dễ chăm bón và hiệu quả kinh tế khá

Có 2 loại xà lách: xoăn và cuốn. Trong đó, giống xà lách xoăn chịu nhiệt tốt hơn. Hiện đang là vụ xà lách cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong năm nhưng phải lưu ý và tác động kỹ thuật tích cực. Xin hướng dẫn nông dân một số biện pháp kỹ thuật khi thâm canh cây trồng này:

+ Giống và thời vụ: Các giống xà lách xoăn đang được trồng phổ biến hiện nay được nhập từ Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc. Ở nhiệt độ từ 25-300C cây vẫn sinh trưởng bình thường nên có thể trồng quanh năm, song thích hợp nhất từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.

+ Gieo và chăm sóc cây con:

Do bộ rễ của xà lách ăn nông và yếu chịu úng, hạn nên đất vườn ươm cần tơi xốp, giàu mùn, giữ ẩm và thoát nước tốt. Đất được làm nhỏ, lên luống cao từ 25-30 cm, mặt luống rộng từ 0,8-1 m. Mỗi m2 đất vườn ươm sử dụng từ 3- 4 kg phân chuồng mục kết hợp với một lượng nhỏ chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma đảo đều rồi bón lót vào luống, dùng cuốc đảo đều phân vào đất.

Hạt trước khi gieo cần được xử lý bằng nước ấm 540C (3 sôi, 2 lạnh) trong thời gian từ 1-2 giờ rồi để ráo. Gieo hạt trên mặt luống với lượng từ 0,6- 0,7g/m2. Gieo xong phủ một lớp rơm hoặc trấu mỏng rồi tưới ẩm bằng bình ô doa từ 3- 4 ngày đầu vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1-2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây trồng ngừng tưới 3- 4 ngày để huấn luyện cây con được cứng cáp và không bị chết chột sau trồng. Khi nhổ cây cần tưới nước trước 4-5 giờ để cây không bị đứt rễ.

Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây có từ 4-5 lá thật (sau gieo từ 15- 18 ngày).

+ Trồng và chăm sóc: Cần chọn đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, chủ động tưới tiêu, xa khu công nghiệp và các nguồn gây ô nhiễm. Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, xử lý bệnh bằng nấm đối kháng Trichodecma hoặc vôi tả (20kg/sào), diệt sâu xám bằng thuốc Diazan với lượng 0,5kg/sào. Lên luống cao 20-30cm, rộng 1-1,2m.

* Chú ý: Nếu có chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để xử lý đất tốt nhất nên trộn nấm với phân chuồng mục hoặc phân hữu cơ vi sinh rồi bón lót cho xà lách.

Lượng phân bón cho 1 sào rau gồm: phân chuồng 5- 7 tạ hoặc 25-30 kg phân hữu cơ vi sinh thay thế + 3-4kg u rê + 6- 7,5kg su pe lân + 2,5-3 kg kali sunphat. Có thể dùng các loại phân khác thay thế như NPK với liều lượng tương đương.

– Tưới nước: Ruộng rau xà lách cần được giữ ẩm thường xuyên với độ ẩm thích hợp là 70- 80%. Nguồn nước tưới cần bảo đảm an toàn cho rau vì xà lách là cây rau ăn tươi. Tốt nhất là áp dụng biện pháp tưới ngấm để rau được an toàn.

Chú ý:

+ Tháo nước khi gặp mưa to tránh để cây ngập nước sẽ dễ bị chết. Cần kết hợp xới xáo, làm cỏ cho rau vào những ngày nắng ráo.

+ Vì bộ lá xà lách rất mềm yếu nên những khi gặp thời tiết có mưa, nắng kéo dài tốt nhất nên làm khung (vòm) nilon trắng che chắn để bộ lá không bị giập nát thối hỏng hay dùng lưới đen che để giảm bức xạ mặt trời; đồng thời bổ sung thêm phân bón vi lượng và kali trắng bằng cách phun qua lá sẽ giúp cây sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn, năng suất cao hơn và tuân thủ thời gian cách ly của mỗi loại phân bón khi sử dụng.

+ Bảo vệ thực vật: Xà lách rất ít bị sâu bệnh hại, nhất là khi xử lý được đất trồng tốt lại là cây rau ăn tươi nên nông dân không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phun cho cây trồng này. Khi có hiện tượng một số cây bị chết rũ nên bổ sung tưới kịp thời chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma vào vùng rễ cây để giảm thiểu lượng cây bị chết.

+ Thu hoạch: Xà lách cho thu hoạch sau trồng từ 30-35 ngày.

Nguồn: Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau Xà Lách cho năng suất bội thu

Rau xà lách là loại cây thân thảo. Rau xà lách có nhiều loại như: xà lách mỡ, xà lách xoăn lá lớn, xà lách lô tô xanh, xà lách lô tô tím… Trong đó, loại rau xà lách mỡ với ưu điểm dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, tốn ít chi phí và cho năng suất thu hoạch cao.

Rau xà lách thích hợp với chu kỳ ngày dài. Từ lúc gieo hạt cho đến lúc cho thu hoạch trong khoảng từ 60 – 65 ngày.

Thời vụ gieo trồng rau xà lách

Rau xà lách có thể trồng quanh năm và tốt nhất trong khoảng thời gian từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 4 sang năm đối với loại xà lách trứng và từ tháng 7 đến thoáng 2 đối với loại xà lách li. Nếu gieo từ tháng 3-4 có thể ăn vào mùa hè.

Xử lý hạt giống trước khi gieo trồng

Sử dụng một số giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh tốt như xà lách dún, xà lách búp Mineto…

Xử lý hạt giống tr­ước khi gieo bằng Rorval, Aliette, Benlat C, Viben C. Lư­ợng giống gieo trồng (sau đó nhổ cấy lại) cho 500m2: 300g (600 g/1.000 m2). Sau khi gieo, phủ một lớp đất mỏng đã trộn phân chuồng hoai, phủ một lớp rơm mỏng. Mùa khô cần t­ới đủ ẩm.

Phư­ơng pháp tốt nhất: Xử lý hạt giống bằng chế phẩm Comcat (C.ty Lúa Vàng) sau đó gieo trên khay xốp hoặc khay nhựa, đặt trong vườn ­ươm, chăm bón khi cây đạt tiêu chuẩn cây giống thì chuyển qua ruộng sản xuất.

Chuẩn bị đất trồng rau xà lách

Có thể trồng cải trên nhiều loại đất khác nhau, chủ động t­ưới tiêu. Đất cần đ­ược cày xới, phơi ải 10 ngày- 15 ngày trước khi lên liếp.

Nên xử lý vôi hoặc bột Dolomite, Silibore trư­ớc khi gieo trồng. Lư­ợng bón từ 40kg – 70 kg/ 1.000m2.

Mùa mư­a cần che phủ đất bằng rơm hoặc bạt nilon để hạn chế cỏ dại và rửa trôi phân. Không nên trồng liên tục nhiều vụ rau xà lách trên cùng chân đất (cần luân canh với loại rau có củ hoặc có trái).

Lên luống: cao 15-20cm, rộng 90cm, rãnh 30cm, đất mặt luống phải bằng phẳng, tơi xốp không gồ ghề để dễ phủ bạt nylon và đục lỗ trồng.

Về công đoạn bón lót: Toàn bộ phân chuồng đã ủ hoai mục, bón với l­ượng 500 – 1.000 kg/ 1.000 m2 (hoặc phân hữu cơ chế biến với l­ượng 200kg-500 kg/1000m2). Phân hữu cơ + 50kg phân lân nội địa (lân nung chảy hoặc lân super) trộn đều và bón lót tr­ước khi trang bằng mạt luống.

Phủ bạt: Dùng bạt kích cỡ 90cm, kéo căng, dùng ghim tre ghim thật chặt, hoặc đắp đất cố định bạt.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau xà lách

Về mật độ, khoảng cách trồng thích hợp cho xà lách: Cây cách nhau khoảng 15-20cm; hàng cách hàng khoảng 15-20cm. Mật độ 16.000-17.000cây/ 500m2 (32.000 – 34.000 cây/1 .000 m2).

Khi cây có từ 2 – 3 lá thật, đem ra cấy, nên cấy vào lúc chiều mát. Cấy xong phun n­ước để cây chặt gốc.

Lưu ý: L­ượng cây cần dự trữ khoảng 10% với cây nhổ để cấy lại & và dự trữ khoảng 2 % với cây trồng trong khay để trồng dặm nhằm bảo đảm mật độ.

Trồng dặm: Tiến hành kiểm tra và trồng dặm ngay sau trồng khoảng 2-3ngày cho những cây chết, bị bệnh. Dặm vào lúc chiều mát, dặm xong phải t­ới n­ước ngay.

Kỹ thuật bón phân

Tổng lượng phân cho 1000m2. Phân chuồng ủ hoai 500- 1.000kg (hoặc phân hữu cơ chế biến bón với lư­ợng = 200kg-500kg/1.000 m2); Lân nội địa: 50kg; Ure:12kg; Kali: 12kg; Bánh dầu (nếu có): 30kg.

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ 100 % phân lân, Bánh dầu 3kg Ure và 3kg Kali.

Bón thúc:

Lần l: (khi cây có 2 – 3 lá thật): Bón phân ure với l­ượng 3,0 kg

Lần 2: 15 ngày sau gieo (NSG): 3kg ure pha với n­ước t­ưới đều

Lần 3 : (20-25NSG): pha loãng 3,0 kg Ure +3kg Ka li tư­ới đều

Chú ý: Tùy tình hình sinh tr­ưởng của cây có thể tăng hoặc giảm l­ượng phân cho phù hợp và sử dụng thêm phân bón lá NPK(30- 10- 10). Riêng lần thúc 3 thì xịt phân bón lá NPK(12-0-40+ 3ca) hoặc loại NPK(20-20-20).

Tuyệt đối ng­ưng sử dụng phân bón tr­ước khi thu hoạch 8-10 ngày

Biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho rau xà lách

Sâu hại chính trên nhóm cây xà lách chủ yếu là sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ, sâu xanh da láng. Với những loại sâu này nên sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh phòng trị như BT, VI-BT, Dipel, Delfin, Amectin, Acmenovate;Thiamectin, Centari . . .

Bệnh hại chủ yếu là chết cây con, thối nhũn, đốm vòng nên sử dụng Aliette, COC85, Ridomil, Monceren, Validacine, Physan, Norshel phun phòng trị. Chú ý quan sát sớm. Liều l­ượng phun có ghi trên bao bì sản phẩm, chú ý ngừng phun thuốc tr­ước khi thu hoạch 8 – 10 ngày.

Kỹ thuật thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch: Sau khi cấy ra ruộng trồng từ 35-40 ngày có thể thu hoạch, không để quá già làm giảm chất l­ượng sản phẩm, khi thu dùng dao cắt sát gốc.

Bảo quản: Bảo quản cẩn thận, tránh để sản phẩm bị dập nát và bụi bặm bám vào, nên đóng gói tr­ước khi vận chuyển; phải đảm bảo tư­ơi, sạch khi đ­ưa ra tiêu thụ.

Lưu ý: Sau trồng 1 – 2 lứa rau, cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây bằng phân hữu cơ vi sinh với lượng 350-400 g/m2 hoặc 80-100 g/ khay kích thước 40x 60cm. Đất trồng tiến hành xới xáo lại và phơi khô trong 2-3 nắng để diệt nấm bệnh sâu hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng thủy canh rau Xà Lách

Thủy canh là phương pháp “Trồng cây trong nước”. Tuy nhiên do có rất nhiều môi trường tổng hợp được sử dụng để trồng cây nên có thể mở rộng định nghĩa thủy canh là ” Trồng cây không sử dụng đất”.

Theo KS nông nghiệp Hà Sỹ Tân, thủy canh là một phương pháp trồng rau có từ lâu, dung dịch có thành phần dinh dưỡng giúp cây trồng hấp thu và chuyển hóa thành các vật chất hữu cơ cho cơ thể cây trồng: thân, lá, rễ, hoa, quả,… Ưu điểm của trồng rau thủy canh là không phải làm đất, không có cỏ dại; trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ, không cần tưới; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại, năng suất cao hơn từ 25% đến 50%; không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường. Các loại rau thích hợp với môi trường thuỷ canh: Rau xà lách, các loại rau cải, rau húng, rau muống, cà chua…
Trong Đông y, rau xà lách được biết đến là một loại rau có vị ngọt đắng, tính mát, tác dụng giải nhiệt, lọc máu, kích thích tiêu hóa, giảm đau, gây ngủ, chống ho… Và thường được sử dụng dưới dạng rau sống, rau trộn, nước ép rau. Vì sử dụng trực tiếp rau dạng tươi sống nên người tiêu dùng rất lo sợ mua phải rau tưới nhiều đạm, phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một hạn chế vô cùng lớn của rau trồng ngoài đồng ruộng mà rau trồng theo phương pháp thủy canh đã khắc phục được. Rau xà lách trồng thủy canh không có thuốc bảo vệ và phân bón hóa học nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá bán rau xà lách thủy canh này trên thị trường khoảng 35.000 – 45.000 đồng/kg. Năng suất của rau xà lách thủy canh đạt 28.2 tạ/1000 m2, thời gian sinh trưởng của cây từ 25 – 30 ngày. Với phương pháp trồng rau thủy canh, nhà vườn có thể trồng tối đa là 15 vụ, trong khi đó lối canh tác truyền thống chỉ sản xuất 3 – 4 vụ.

Hệ thống thủy canh trồng rau xà lách

1. Lắp đặt hệ thống thủy canh

Bà con cần lắp đặt một hệ thống thủy canh trước khi muốn trồng rau theo phương pháp này. Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ R.A.I xin giới thiệu đến bà con Hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu như hình dưới đây:

– Làm bằng nhựa PVC chịu nhiệt nên hệ thống này rất bền, có thể sử dụng được 10 năm.

– Sử dụng hệ thống bơm chìm có hẹn giờ bơm.

– Chiếm diện tích nhỏ trong sân nhà, ban công: Kích thước của hệ thống này: Dài x rộng x cao: 1.5 x 0.6 x 1.2 (mét).

2. Ươm giống

– Bà con có thể mua các loại giống rau trên thị trường.

– Ngâm hạt giống rau xà lách trong nước ấm khoảng 40 – 50 độ C, sau đó để vào rổ cho khô nước.

– Cho hạt giống đã ngâm vào bầu ươm: 1-2 hạt/ rọ bầu ươm.

– Thường xuyên giữ độ ẩm cho bầu ươm để hạt giống nảy mầm tốt.

Rọ trồng cây đồng thời là bầu ươm hạt giống

3. Cách pha dung dịch dinh dưỡng

Bà con tham khảo công thức pha dung dịch cho rau xà lách của GS. Hoagland (Đại học Washington).

3.1. Chuẩn bị chất pha dung dịch thủy canh

Bình A:

Tên chất Khối lượng (gram)
Calcium nitrate Ca(NO3)2 95,2

Bình B + C:

Tên chất Khối lượng (gram)
Potassium nitrate (KNO3) 3.9
Mono potassium phosphate (KH2PO4) 26.9
Potassium sulfate (K2SO4) 42.3
Magnesium sulfate (MgSO4) 30.8
Zinc sulfate (ZnSO4) 0.015
Boric acid (H3BO3) 0.02
Manganese sulfate (MnSO4) 0.115
Cooper sulfate (CuSO4) 0.01
Ammonium molybdate (NH4Mo7O24) 0.003
FeSO4 0.64
Na-EDTA 0.86

3.2. Chuẩn bị dụng cụ.

– Cân tiểu ly điện tử: Cân chính xác khối lượng hóa chất cần pha.

– Thùng đựng dung dịch.

– Tập giấy quỳ tím: Kiểm tra pH của môi trường.

– Ống đong 100ml.

3.3. Cách tiến hành

3.3.1. Pha bình A:

Bước 1: Cho 1 lít nước vào thùng đựng dung dịch.

Bước 2: Cân 95.2 gram Calcium Nitrat – Ca(NO3)2.

Bước 3: Sau đó cho 95.2 gram Ca(NO3)2 vào ca nước 1 lít ở trên và quậy/khuấy đều.

Bước 4: Rót dung dịch A vừa pha vào bình đựng, ghi nhãn (bình A).

3.3.2. Pha bình B + C:

Bước 1: Cho 1 lít nước vào thùng đựng dung dịch.

Bước 22: Cân lần lượt các hóa chất có ở bảng B .

Bước 3: Cho các hóa chất đã cân ở B2 vào cùng ca nước ở trên, quậy/khấy đều như hướng dẫn. Dung dịch cuối cùng có màu sắc như màu vàng nước trà/chè.

Bước 4: Rót vào bình đựng, ghi nhãn (bình B).

4. Cách trồng

4.1. Cách pha dung dịch thủy canh hoàn chỉnh

Sau khi pha xong 2 bình dung dịch bình A + B. Để dung dịch trồng rau có nồng độ mong muốn 1200 ppm bà con pha theo công thức sau:

STT Tên nguyên liệu Thể tích pha
1 Bình A 100 (ml)
2 Bình B 100 (ml)
3 Nước sạch 10 (lít)

Bước 1: Cho 10 lít nước sach vào 1 thùng đựng dung dịch.

Bước 2: Dùng ống/bình đong, rót 100 ml dung dịch bình A và cho vào thùng đựng dung dịch ở trên, quậy/khuấy đều.

Bước 3: Dùng tiếp ống đong, rót 100 ml dung dịch bình B và cho vào cùng thùng đựng dung dịch ở trên, khuấy đều.

Bước 4: Dùng giấy quỳ tím bỏ vào dung dịch đã pha ở B3 để đo pH. So sánh với bảng màu để biết pH thuộc khoảng nào. pH thuộc khoảng 5.5 – 7,0 thì không phải điều chỉnh. Khi pH > 7 bà con dùng axit H2SO4 hoặc H3PO4 0.5 – 1% để điều chỉnh. Khi pH< 5,5 bà con dùng nước vôi trong để điều chỉnh. Bà con nhỏ giọt từ từ để điều chỉnh. Môi trường dung dịch thủy canh có pH = 6,2 là thích hợp nhất với loại cây ăn lá.

Chú ý:

– pH<5.5 cây chỉ hấp thụ được trung lượng và vi lượng: Sắt, Mangan, Bo, Cu, Zn => Cây còi cọc do không hấp thụ được đa lượng N,P,K,Ca,Mg và Mo.

– pH>7 cây hấp thụ đa lượng nhưng lại kém tiêu hóa Sắt, Mangan, Bo, Cu, Zn => lá cây trở nên vàng vọt.

B5: Dùng bút đo nồng độ ppm (TDS) đo thử. Nếu chưa đạt đến nồng độ mong muốn thì tiếp tục đong dung dịch bình A + B và cho vào thùng đựng dung dịch.

Chú ý: Đánh dấu mực nước trong bồn dung dịch, khi nước cạn, ta bù thêm nước trắng cho bằng mức đánh dấu, không nên pha thêm dung dịch đổ vào.

Khi nồng độ giảm xuống từ 1200 ppm ban đầu xuống 800 ppm, tiến hành thay dung dịch mới hoặc châm thêm dung dịch dinh dưỡng.

4.2. Theo dõi quá trình sinh trưởng của cây.

– Khi cây con chưa nảy mầm, cần để các khay bầu trong ánh sánh nhẹ hoặc che ánh sáng trực tiếp vào cây con đang nảy mầm.

– Khi cây con nảy mầm đều khoảng 2 cm, đưa dần cây con ra ánh sáng. Lúc này, đưa cây con đang ươm giống lên hệ thống thủy canh đã có sẵn dung dịch dinh dưỡng pha loãng để tưới cây con hàng ngày (nồng độ dung dịch pha loãng bằng 1/2 nồng độ dung dịch trồng cây).

– Khi cây con được khoảng 2 tuần tuổi (tùy từng loại cây, thông thường cây cao khoảng 8 – 10 cm và có vài lá thật), tiến hành tỉa cây, mỗi rọ chỉ để 5 – 6 cây và chuyển rọ cây vào hệ thống thủy canh đã chứa sẵn dung dịch thủy canh.

Lưu ý: Bổ sung dung dịch dinh dưỡng: Trong quá trình cây sinh trưởng cây sẽ hút dung dịch, vì vậy dung dịch sẽ vơi dần, chú ý bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng thường xuyên cho cây (thông thường 1 lần/tuần) để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng.

Theo dõi nồng độ dung dịch thủy canh hàng ngày bằng cách: Đo nồng độ các cation trong dung dịch bằng bút đo TDS:

Giai đoạn cây Nồng độ ppm phù hợp
Cây non (3 – 5 lá thật) 600 – 800
Cây phát triển (> 5 lá thật) 900 – 1300
Cây trước thu hoạch 10 ngày 600

Chú ý: Nếu đo TDS của nước > 200 ppm thì bà con phải lọc trước khi đưa vào hệ thống thủy canh.

Bà con nên chuẩn bị sổ ghi chép để theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Nguồn: Khomay.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chi 3 tỷ đồng phát triển 2.000 m2 Xà Lách thủy canh

Để có đủ 3 tỷ đồng vốn đầu tư trồng rau thủy canh công nghệ cao, chị Nguyễn Thị Hoàn không ngần ngại thế chấp nhà cửa, tài sản, đồng thời vay mượn thêm bạn bè và người thân.

Khởi nghiệp từ năm 2012, chị Nguyễn Thị Hoàn – chủ Công ty cổ phần đầu tư Song Hành ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thu được thành công bước đầu với sản phẩm rau an toàn như rau ăn lá các loại, rau mầm, rau củ, dưa lưới… Khi sản lượng tiêu thụ của cơ sở ngày một tăng, chị bắt đầu thử nghiệm trồng xà lách thủy canh với mục đích đa dạng hóa sản phẩm rau củ quả của cơ sở, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế.

Xà lách tại cơ sở của chị Hoàn phát triển đồng đều. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Ban đầu, dù trồng thử nghiệm xà lách thủy canh trên một diện tích nhỏ nhưng chị Hoàn thu được kết quả khá khả quan. Từ đây, chị dự tính đầu tư thêm 2.000 m2 trồng các loại xà lách theo mô hình thủy canh. Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống của cơ sở, khoản chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn.

Theo tính toán của chị Hoàn thời điểm đó, với 1.000 m2 nhà trại, chị cần 1,2 đến 1,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, trong đó có cả trang thiết bị ngoại nhập. Do vậy, muốn mở rộng diện tích 2.000 m2 trồng rau thủy canh, chị cần tới 3 tỷ đồng tiền vốn đầu tư. “Không có vốn, không thể đầu tư công nghệ, không thể áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, vậy chúng tôi chẳng khác gì những người làm nông truyền thống trên những thửa ruộng cũ như trước đây”, chị Hoàn chia sẻ.

3 tỷ đồng là khoản chi phí lớn đối với một cơ sở sản xuất còn non trẻ và vốn chưa dày. Chị Hoàn tính tới chuyện vay ngân hàng để tiếp tục hiện thực hóa mô hình xà lách thủy canh. Tuy nhiên, dù “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng chị đều thất bại vì không có tài sản thế chấp để vay số tiền lớn như thế. Đề xuất vay vốn của chị với gói tín dụng 50.000 tỷ của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên cho phát triển nông nghiệp sạch cũng không gặp may mắn. Lý do là phần diện tích một ha làm trang trại rau an toàn mà chị định thế chấp là đất thuê 50 năm của địa phương; 20 ha còn lại lại là đất thuê của dân.

Theo chị Hoàn, muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, người nông dân phải có vốn để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Bước đầu gặp khó nhưng chị Hoàn vẫn không nản lòng. Sau khi bị các ngân hàng từ chối, chị xoay vốn bằng cách thế chấp nhà cửa và tài sản để vay mượn ngoài, đồng thời huy động thêm tài chính từ người thân, bạn bè. Có tiền trong tay, chị đầu tư mua sắm thiết bị cho vườn trại, trong đó, một số phải nhập từ Thái Lan. Hạt giống của các loại xà lách được chị mua từ một địa chỉ tin cậy tại Hà Nội.

Với mô hình này, toàn bộ xà lách được trồng trên giàn, với nguồn dinh dưỡng được chuyển trực tiếp qua nguồn nước. Theo chị Hoàn, so với các phương pháp canh tác khác, rau trồng thủy canh sẽ giảm sâu bệnh, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rau cũng được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, do không sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào trong quá trình trồng nên rau thành phẩm luôn được đảm bảo an toàn.

Trồng 2.000 m2 xà lách thủy canh vào cuối năm 2016, dự kiến vào giữa tháng 3 năm nay, cơ sở sẽ tiến hành thu hoạch lứa rau thủy canh đầu tiên. Theo tính toán, sản lượng có thể đạt tới một tạ xà lách các loại mỗi ngày.

Hiện tại, trang thiết bị của vườn thủy canh đã được đầu tư đầy đủ, bài bản. Do vậy, thời gian tới, cơ sở cần sát sao hơn trong việc chọn hạt giống và vận hành đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản lượng đề ra.

Chị Hoàn cho biết, chị may mắn vì nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về vốn của người thân, bạn bè để có được trang trại ngày hôm nay. Theo chị, vốn đầu tư cũng là một bài toán nan giải, cản trở không ít ước mơ của người dân giữa bối cảnh nông nghiệp đòi hỏi công nghệ cao.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người trồng Xà Lách Xoong thuỷ canh duy nhất ở Đà Lạt

Dòng sản phẩm rau thuỷ canh đã phát triển ở Đà Lạt hơn 2 năm nay với 20 giống rau xà lách khác nhau, nhưng riêng xà lách xoong thì hiện chỉ có tại vườn của anh Tô Quang Dũng.

Theo anh Dũng, xà lách xoong là loại rau phổ biến khắp vùng miền cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, trong nông nghiệp rau xà lách xoong chưa có khái niệm sạch vì chúng được canh tác ở những đầm lầy, bãi sình. Các bà nội trợ khi mua bó xà lách xoong về phải nhặt bỏ đến 50% và phải rửa thật kỹ, ngâm nước muối trước khi chế biến.

Khi bước vào lĩnh vực trồng rau thuỷ canh theo công nghệ châu Âu, Tô Quang Dũng nhận thấy các vườn rau thuỷ canh ở Đà Lạt đã sở hữu 20 loại rau xà lách và nguồn giống đều có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng lại không có giống xà lách xoong.

Để tìm cái mới cho riêng mình, anh Dũng dành 50m2 đất trong nhà kính được đầu tư đầy đủ thiết bị để trồng xà lách xoong thủy canh. Ban đầu anh ra chợ mua những bó xà lách xoong tươi nhất mang về cắt phần thân khoẻ mạnh cấy vào ly nhựa có ít giá thể và cho lên giàn canh tác theo qui trình thuỷ canh như 20 loại xà lách giống nhập từ Hà Lan đã có trong vườn của mình. Kết qua không như mong muốn vì nhiều thân bị thối, số sống được cho sản lượng không đáng kể và nấm bệnh nhiều, trong khi qui trình canh tác thuỷ canh không cho phép phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Không nản lòng, anh Dũng miệt mài vào các trang mạng tìm thông tin về cây xà lách xoong trồng thuỷ canh ở nước ngoài. Tình cờ, năm trước anh có việc đi nước ngoài và tìm được nguồn giống xà lách xoong của Italy. Khi đưa vào canh tác thử nghiệm, xà lách xoong giống này phát triển rất tốt, chỉ có chế độ hoà phân trong nước có khác đôi chút với dòng xà lách Hà Lan. Cách đây 6 tháng, chủ trang trại này mạnh dạn đưa 1.000m2 trong tổng số 5.000m2 đang canh tác rau thuỷ canh sang trồng xà lách xoong. Kết quả là sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, mỗi ngày vườn xà lách xoong của anh Dũng thu hoạch 100kg với giá bán tại trang trại là 35.000 đồng một kg, nhỉnh hơn giá các loại xà lách Hà Lan, trong khi sản lượng ngang bằng. Hiện xà lách xoong giống Italy của anh Dũng được các nhà hàng, cửa hàng rau sạch Đà Lạt tiêu thụ 50 kg một ngày, số còn lại gửi đi các hệ thống siêu thị. Từ 6 tháng nay, doanh thu của 1.000m2 xà lách xoong đều đặn cho doanh thu 100 triệu đồng mỗi tháng.

Theo anh Dũng, nếu một đợt trồng xà lách các loại giống Hà Lan mất 30 ngày, mật độ trồng 21.000 cây trên 1.000m2, và giống tính bằng từng hạt tốn trên 7 triệu đồng, thì hạt giống xà lách xoong lại nhỏ li ti và được tính theo gram nên rất lợi và giá cũng rẻ hơn nhiều. Theo qui trình, sau mỗi đợt trồng xà lách thuỷ canh thông thường, nhà vườn phải bỏ hết giá thể trong ly, vệ sinh ly nhựa trồng cây và máng dẫn nước, sau đó lại tiếp tục cho giá thể vào ly để trồng đợt mới. Riêng với cây xà lách xoong, đợt gieo hạt đầu tiên mỗi ly nhựa có cả chục cây con trong đó, bởi hạt giống quá nhỏ không thể rắc từng hạt vào ly.

Để cây xà lách xoong phát triển cao khoảng 3cm thì nhân công bắt đầu công đoạn tách bớt cây giống qua các ly nhựa khác, mật độ mỗi ly khoảng 5-6 cây. Sau 30 ngày, xà lách xoong đạt chiều cao 30cm là có thể thu hoạch. Ngoài yếu tố sạch thì xà lách xoong thuỷ canh rất bắt mắt do xanh đều từ gốc tới ngọn, không phải nhặt bỏ lá hư, thân mềm và dòn. Sau mỗi lần thu hoạch, các mầm non mới phát triển rất nhanh nên sau 20 ngày lại tiếp tục cắt đợt 2 và liên tục như thế đến hết đợt thứ tư mới phải thay giống.

“Xà lách xoong sau 90 ngày mới phải thay hạt giống và giá thể cũng như vệ sinh ly nhựa, máng nước. Trong khi cùng thời gian thì các giống xà lách Hà Lan đã phải đầu tư 3 lần giống cùng các qui trình khác”, anh Dũng so sánh.

Ngoài thị trường trong nước, sau Tết Nguyên đán, trang trại rau thuỷ canh của Tô Quang Dũng đã xuất thử hơn 5 tấn sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc bằng đường tàu biển, trong đó có mặt hàng xà lách xoong. Hiện anh đang chờ thông tin phản hồi vì sau 18 ngày rau mới có thể vào các siêu thị Hàn Quốc. Dũng cho biết nếu được thị trường chấp nhận, sắp tới anh sẽ chuyển diện tích trồng nhiều hơn qua xà lách xoong và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, nguồn giống cho những người khác để có đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Nguồn: Vnexpress.net được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giá tăng kỷ lục, ngành Điều vẫn khó

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 2,84 tỉ USD, đứng thứ 2 sau ngành cà phê.

Ngành điều VN dẫn đầu thế giới nhiều năm liền nhưng vẫn phát triển thiếu bền vững. Đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 3 tỉ USD trong năm nay nhưng ngành điều VN hưởng lợi không bao nhiêu do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trong nước mất mùa

Hiện tại đang vào vụ thu hoạch điều nhưng do năm nay mưa trái mùa phổ biến trên diện rộng với lượng lớn; thêm vào đó dịch bệnh phát triển nên năng suất và sản lượng ở các vùng nguyên liệu đều giảm. Ông Nguyễn Văn Quang ở xã Đak Ơ, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết: Giá bán điều giữa tháng 3 này lên tới 45.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Dù giá cao nhưng ông Quang cũng chẳng vui nổi vì mất mùa nặng. Năng suất năm nay chỉ đạt khoảng 60% so với mọi năm.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Hòa Hội, H.Xuyên Mộc cho biết: Giá điều ở mức chưa từng có với điều tươi 46.000 đồng/kg, điều khô 60.000 đồng/kg. Nhưng nhiều vườn điều ở địa phương bị sâu, bọ xít ùa vào chích hết từ lá non đến lá già, vườn chết khô y như bị cháy. Một số hộ kịp thời phun thuốc, kích thích trổ bông lại từ đầu nên có khả năng trong vòng 2 tháng nữa sẽ có thu hoạch nếu còn nắng. Trong khi đó, nhiều hộ bỏ mặc, thất thu đến 80%.

Kỹ sư Phạm Văn Đẩu, Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết mùa điều năm nay thu hoạch kém hơn các năm trước trong đó Lâm Đồng thiệt hại nặng nề nhất, mất mùa gần 80%. Một số tỉnh như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận cũng thiệt hại khá lớn. Nguyên nhân chủ yếu do sự bùng nổ của sâu róm đỏ và bọ xít muỗi. Toàn bộ hoa, chồi non đều bị bọ xít muỗi chích đến khô khốc, cháy đen, không thể thụ phấn, đậu quả. Các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Những năm trước mức giá cao nhất chỉ giao động trong khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg

Giá điều tăng đột biến cũng là do mất mùa, nguyên liệu khan hiếm. Những năm trước mức giá cao nhất chỉ giao động trong khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg. Giá thấp, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Người “khổng lồ” bị ép giá

Trong khoảng 10 năm qua, VN luôn dẫn đầu ngành điều thế giới ở cả khâu nhập và xuất khẩu. Năm 2016, VN chế biến 1,5 triệu tấn điều thô, tương đương 50% sản lượng toàn cầu. Cũng trong năm này, theo Bộ NN-PTNT, VN xuất khẩu đạt 347.000 tấn tương đương kim ngạch 2,84 tỉ USD; tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bỏ ra đến 1,6 tỉ USD để nhập 1 triệu tấn nguyên liệu chủ yếu từ châu Phi về sản xuất.

Dù dự báo sản lượng điều thế giới không giảm nhưng theo Vinacas, giá điều nhập khẩu không ngừng tăng khiến lợi nhuận thu về của ngành giảm mạnh. Cụ thể ngày 15.3, giá điều thô nhập khẩu tăng thêm 150 USD/tấn, đạt mức 2.000 USD/tấn. Lý giải về mức giá nguyên liệu điều tăng quá mạnh, ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều VN cho rằng, là do các doanh nghiệp (DN) của ta sợ thiếu nguyên liệu, tranh mua nên bị ép giá. “Chúng ta là nhà nhập khẩu điều lớn nhất thế giới mà vẫn bị ép giá là một sự thật hết sức vô lý. Sự tranh mua cũng bắt nguồn từ tranh bán, chỉ mạnh ai nấy làm nên dù là người “khổng lồ” trên thương trường thế giới nhưng chúng ta vẫn đang bị ép cả hai đầu” – ông Hồ Ngọc Cầm nói.

Nhưng mức giá 2.000 USD/tấn chưa phải là cao nhất. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay VN nhập khẩu 93.000 tấn tương đương 226 triệu USD, tăng gần 54% về khối lượng và tăng hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tính ra giá nhập khẩu bình quân đến 2.430 USD/tấn, tương đương khoảng 53.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm 2016, VN nhập khẩu 63.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tương đương 1.630 USD/tấn, rơi vào khoảng 35.000 đồng/kg. Nghĩa là chúng ta càng nhập nhiều thì giá càng cao, càng làm nhiều, lợi nhuận càng ít đi.

Giá trị gia tăng thấp

Theo ông Cầm, 4 kg điều thô sẽ cho ra 1 kg điều chế biến. Với giá điều nhập khẩu là 2,43 USD/tấn thì để có 1 kg điều xuất khẩu với giá 9,1 USD chúng ta tốn tới 9,72 USD (2,43 x 4) để nhập nguyên liệu. Năm 2016 VN nhập khẩu

1 triệu tấn điều với giá trị 1,6 tỉ USD. Với công thức trên, để có một ký điều xuất khẩu chúng ta mất giá vốn 6,4 USD. Với giá xuất khẩu bình quân năm 2016 là 8.118 USD/tấn (tương đương 8,1 USD/kg), mức chênh lệch giữa mua – bán là 1,7 USD/kg. Khoản chênh lệch 1,7 USD phải gánh hàng loạt chi phí như lãi vay ngân hàng, lương nhân công, điện, nước, thuế, khấu hao máy móc… nên lợi nhuận thu về là rất thấp, thậm chí không ít DN không khéo thu vén sẽ bị lỗ. Vậy họ sống nhờ cái gì? Ông Cầm giải thích, có 3 yếu tố giúp các DN tồn tại. Thứ nhất là DN sống nhờ vào nguồn thu từ phụ phẩm trong quá trình chế biến điều. Thứ hai là cố gắng kềm giá thu mua điều trong nước để bù vào giá nhập khẩu nguyên liệu. Thứ ba chính là có một số DN “lướt sóng” mua được nguyên liệu dự trữ lúc giá thấp. “Nhìn con số xuất khẩu 2 – 3 tỉ USD rất ấn tượng nhưng giá trị gia tăng mang lại rất khiêm tốn. Chúng ta cần nên tỉnh táo nhìn vào thực chất”, ông Cầm nói.

Điều – một ngành được đánh giá là tiềm năng và VN đang chiếm vị thế lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới

Không chỉ vậy, các DN còn đối mặt với rủi ro khi nhập khẩu nguyên liệu qua trung gian. Nhiều DN trong ngành thừa nhận, họ ít khi mua được nguyên liệu trực tiếp từ châu Phi mà chủ yếu qua các thương nhân Ấn Độ nên rủi ro về chất lượng hàng nhập khẩu rất lớn.

Vậy giải pháp nào cho ngành điều, một ngành được đánh giá là tiềm năng và VN đang chiếm vị thế lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành điều phát triển bền vững, cần chú trọng nguồn nguyên liệu trong nước, cải tạo giống để tăng sản lượng từ 2 tấn/ha lên 3 – 4 tấn/ha, áp dụng công nghệ cao trong cả trồng trọt, sản xuất, chế biến điều. Chỉ có như vậy, mới giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Đối với thị trường nhập khẩu cần có đàm phán cấp Chính phủ trong việc thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó các DN phải thật sự đồng lòng, đoàn kết để luôn có giá tốt trong cả mua và bán. Nếu không, câu chuyện của ngành sẽ giống như ngành cá tra – dù một mình một chợ vẫn thua thiệt.

Nguồn: tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Điều – Cây tỷ đô nguy cơ mất vị thế số 1 dù nhu cầu tăng, giá tăng

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, sản xuất hạt điều trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thị trường và đang có dấu hiệu giảm sản lượng, hiệu quả sản xuất thấp… Trong khi đó giá điều nguyên liệu nhập khẩu ngày càng tăng do nhu cầu chế biến tăng, điều này khiến cho giá trị kinh tế của ngành điều sụt giảm rõ rệt.

Ngành điều đang đứng trước nhiều đòi hỏi về đổi mới giống, tái canh, chế biến sâu…

Nghịch lý từ thị trường

Sau hơn 3 thập kỷ phát triển ngành điều, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu (XK) điều nhân số 1, chế biến đứng thứ 2 và giữ vị trí thứ 3 thế giới về năng suất và sản lượng điều. Năm 2016, ngành điều Việt Nam XK 347.000 tấn, đạt kim ngạch 2,84 tỷ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới. Ngành điều đem lại giá trị kinh tế lớn và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và công nhân.

“Chế biến sâu nếu không làm thì chúng ta sẽ thua. Làm sao 5-10 năm tới kim ngạch xuất khẩu điều đạt 5 tỷ USD? Chỉ cần giữ nguyên sản lượng, tập trung đầu tư chế biến sâu, tăng xuất khẩu là đạt được mục tiêu đề ra”. Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam

Đánh giá về ngành điều, ông Lê Văn Liền – chuyên gia phân tích thị trường cho biết: “Hiện nay nguồn cung điều thô tăng 3,5%/năm, song không thể đáp ứng nguồn cầu (tăng 6%/năm) do mất mùa, hạn hán, biến đổi khí hậu. Giá điều thô tăng cao do thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Ngành điều thế giới đang đối diện với rủi ro mất mùa gây tổn thất cho cả chuỗi giá trị, cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của hạt điều so với các loại hạt khác”.

Từ bức tranh cung cầu của ngành điều, ông Liền nhận định, ngành điều thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với tình trạng cầu vượt cung, dẫn đến giá điều tăng trong vài năm gần đây. Giá điều thô tăng làm giá điều thành phẩm tăng, khiến người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm thay thế khác. Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động tiêu cực của thị trường.

Sản xuất điều trong nước đang đối diện với nghịch lý, trong khi ngành điều mang lại giá trị kinh tế cao xấp xỉ 3 tỷ USD/năm, nhưng nguồn lực đầu tư cho ngành điều lại chưa tương xứng, khiến ngành điều chưa phát huy hết tiềm năng và đang đối diện với muôn vàn khó khăn: Sản lượng giảm, hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều không cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc bị chuyển đổi sang cây trồng khác.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Diện tích điều có xu hướng giảm, năm 2005 có trên 400.000ha, hiện nay chỉ còn khoảng 300.000ha, bên cạnh đó diện tích trồng mới cũng có xu hướng giảm. Diện tích điều già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp chiếm khoảng 80.000ha ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Ngành điều chưa đầu tư thâm canh phù hợp, sản xuất điều phân tán, trình độ thâm canh chưa cao, công tác chọn giống chưa phù hợp, hệ thống tưới tiêu còn nhiều hạn chế”.

Cũng theo ông Sơn, một trong những yếu tố tác động lớn đến cây điều là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, mưa trái mùa cùng với sự xuất hiện của sâu bệnh làm giảm năng suất.

Nông dân đang nhặt hạt điều

Cần đẩy mạnh tái canh, chế biến sâu

Lo lắng ngành điều sẽ sụt giảm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Thế giới đang cạnh tranh mạnh mẽ về hàng hóa nói chung. Cây điều được dự báo nhu cầu sẽ tăng 6%, nhưng cũng sẽ không đáp ứng được (chỉ 3-3,5%), điều này rất vô lý. Việt Nam đang chế biến trên 50% sản lượng điều thô thế giới. Vậy nhưng mỗi năm diện tích trồng điều trong nước đang thu hẹp, sản lượng thấp dần, chỉ tự đáp ứng được trên 30% nguyên liệu”.

Bộ trưởng Cường đặt câu hỏi: Phải chăng cây điều, ngành điều không còn hấp dẫn, hay tự chúng ta làm cho hạt điều không còn hấp dẫn. Vì vậy nếu không có sự vào cuộc của chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân, ngành điều sẽ đi xuống…

Nhiều chuyên gia cho rằng năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Ông Lê Văn Liền cho hay: “Nguồn cung điều thế giới tăng trưởng chậm là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được vùng nguyên liệu điều cho năng suất cao và ổn định, từ đó chủ động điều tiết giá và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu điều xuất khẩu. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu nhiều giống điều cho năng suất cao, năng suất cây điều có thể lên tới 2,5-3 tấn/ha”.

Bên cạnh nâng cao chất lượng giống, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng nhằm đổi mới vườn điều, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệ quả kinh tế. Mặt khác tái canh góp phần hạn chế thiệt hại do mưa trái mùa, ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Giáo sư-Viện sĩ Trần Đình Long – thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Pan cũng nhấn mạnh: “Ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống mà đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả. Tập đoàn Pan sẽ hình thành viện nghiên cứu giống điều, tự làm giống. Viện nghiên cứu này sẽ giải quyết vấn đề giống điều để tạo ra các giống cho chất lượng, năng suất cao”.

Nguồn: tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đổi đời nhờ Điều cao sản

Ông Nguyễn Trọng Sử (ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã trên 30 năm gắn bó với nắng mưa, bùn đất, cuối cùng bén duyên với cây điều.

Bà Giáp Thị Luyện (vợ ông Sử) bên vườn ươm giống điều cao sản

Nhờ tâm huyết và chịu khó lao động, cây điều đã cho gia đình ông sung túc…

Gian nan lập nghiệp

Năm  1981, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Sử và bà Giáp Thị Luyện rời quê Hà Tĩnh đến vùng đất Trảng Bom để bắt đầu một cuộc sống mới. Cả hai vợ chồng đều tay trắng, thứ họ sở hữu chỉ là sức khỏe và ước mơ có cuộc sống ổn định, bớt nhọc nhằn.

Trong những năm đầu tiên tại vùng đất này, cuộc sống của hai vợ chồng ông rất vất vả, làm lụng quanh năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, lý do vì điều kiện thổ nhưỡng không tốt, đất đai khô cằn dẫn đến năng suất cây trồng kém.

“Lúc đó chưa có điều kiện áp dụng kỹ thuật tiên tiến như hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ cho nông nghiệp còn thiếu thốn, đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn lắm!”, ông Sử nhớ lại.

Năm 2001 là một năm đáng nhớ trong quá trình vươn lên làm giàu của gia đình ông Sử. Trong một lần xem tivi về chương trình nông nghiệp có phát một phóng sự về cây điều, ngay lập tức, ông Sử nhận thấy tiềm năng lớn của loại cây này.

Một thời gian ngắn sau đó, ông quyết tâm trồng thử cây điều trên mảnh vườn 1 ha của mình. “Tôi cũng run lắm, lo cảnh “được ăn cả, ngã về không”, mà chuyện tìm mua được giống điều tốt lúc đó không đơn giản. Lúc đó chủ yếu là giống thực sinh, khả năng chống chọi với sâu bệnh hạn chế, chưa cho năng suất cao, hạt nhỏ nên thường bị thương lái chê và định giá thấp.

Nhưng cứ như bị mê hoặc bởi cây điều, tôi nung nấu quyết tìm bằng được giống điều tốt để “thay máu” vườn điều thực sinh. Ngày đêm tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu sâu hơn về cây điều, cứ thấy ở đâu có lớp học phổ biến cách trồng và chăm sóc điều là tôi bỏ thời gian đi học. Lớp học ở xa tôi cũng dành thời gian lặn lội đến tận nơi, đồng thời tìm thêm sách báo đọc, đúc kết kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả. Kiến thức về cây điều của tôi cứ vậy mà dày lên”, ông Sử kể lại.

Lý thuyết nắm vững, năm 2009, ông Sử mạnh dạn chặt bỏ giống điều cũ (điều thực sinh) và trồng 3 giống điều mới. Ông hể hả: “Giống điều mới cho năng suất cao hơn gấp 3 lần so với giống điều cũ, khoảng 4 tấn/ha, khả năng chống chọi với sâu bệnh cũng tốt hơn và cũng dễ chăm sóc hơn. Giống điều mới có ưu điểm hạt to (giống AB29 và AB05-08 khoảng 130 hạt/kg), thương lái cũng khen hơn, giá bán vụ rồi lên tới 29.000 đ/kg tươi”.

Nâng cấp vườn ươm

Sau khi trồng điều cao sản thành công, ông Sử nghĩ đến chuyện ươm giống điều. Ông tiếp tục tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu về cách thức nhân giống tại nhiều nguồn, nhiều nơi để thực hiện ước mơ của mình.

Bắt đầu chỉ từ 1.000 m2 đất trồng điều, đến nay cơ ngơi của ông Sử là một căn nhà khang trang ngay mặt tiền QL 1A; 1 cơ sở vườn ươm giống điều kỹ thuật cao mang tên Trung Thành chuyên cung cấp điều giống cao sản với tổng diện tích 3,5 ha; 1 vườn điều cao sản rộng 5 ha, một của hàng kinh doanh giống các loại nông sản như gạo, bắp, khoai…

Hiện cơ sở vườn ươm điều kỹ thuật cao của ông Sử đang SX trên 300.000 cây điều giống, xuất đi khắp nơi. Ông Sử chia sẻ: “Giống điều cao sản cho hạt to, đẹp, xuất khẩu giá trị cao. Khi cây đạt độ tuổi từ 7 năm trở lên, năng suất kỳ vọng có thể lên tới trên 5 tấn/ha”.

Không ngừng ở đó, ông Sử đang phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) để tiếp tục tìm hiểu các giống điều mới và nhân rộng phục vụ bà con nông dân.

Trái điều cao sản 

Vườn ươm giống điều kỹ thuật cao và vườn điều cao sản của ông cũng là điểm đến thường xuyên của các lớp tập huấn cải tạo vườn điều, là nơi ông chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Sự quyết tâm, tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm đã “biến” người nông dân nghèo Nguyễn Trọng Sử trở thành tỷ phú điều.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đặc điểm thực vật học của cây điều

Dưới đây là đặc điểm hình thái tiêu chuẩn của cây điều, căn cứ vào những đặc điểm thực vật học này bà con có thể nhận biết được những giống điều nào sẽ là giống điều tốt để xây dựng vườn điều có khả năng thích nghi cao và cho năng suất ổn định trong suốt thời kỳ sinh trưởng.

Điều là cây công nghiệp lâu năm có tuổi thọ lên tới 40 năm tuổi, cây thường cho năng suất ổn định trong giai đoạn từ 10 đến 20 năm sau khi trồng.

Rễ cây điều

Cây điều thuộc loại rễ cọc, các rễ ngang phát triển mạnh để tìm kiếm chất dinh dưỡng, cây điều có thể ăn sâu vào đất. Khi trồng nơi đất tơi xốp thì chỉ cần sau 2 đến 3 tháng cây đã có thể cắm sâu xuống 80 cm, sau khi trồng được 5 đến 6 tháng cây đã có thể ăn sâu vào đất tới 2m.

Tùy vào loại đất và khả năng sinh trưởng của cây, bộ rễ của cây điều có thể ăn sâu hàng chục mét và có thể lan rộng ra bán kín tán từ 50 đến 60 cm chính vì vậy mà cây có khả năng chịu hạn rất tốt, có thể sinh trưởng bình thường trong mùa khô, không có nước từ 5 đến 6 tháng.

Thân

Vì là cây lâu năm nên cây điều thường có thân cao từ 6 đến 8m, nếu sống trong điều kiện sinh trưởng tốt cây có thể cao tới 10 m. Trong thân cây và cành thường có nhiều mủ. Tán cây thường có dạng hình dù, cành thường phát sinh theo chiều ngang nên khi còn nhỏ cành thường hay mọc sà cong xuống đất.

Cây điều là cây ưa sáng nên thân có thể mọc tốt ở những nơi có ánh sáng mạnh, khi có đầy đủ ánh sáng, cành có thể vươn rộng nên bà con cần chú ý trong công đoạn tỉa cành tạo tán và trồng cây ở mật độ thích hợp để tăng khả năng vươn của cành.

Lá cây điều

Cây điều có bộ lá thường tập trung ở đầu cành, lá thường có chiều dài từ 10 đến 20 cm, chiều rộng từ 5 đến 10 cn, cuống lá ngắn. Phiến lá khá dày với những đường gân nổi rõ, đặc biệt là mặt dưới các đường gân nổi bật lên. Kho còn non lá điều thường có màu đỏ hoặc hơi xanh nhạt, khi già lá chuyển sang màu xanh đậm.

Bộ tán của cây điều thường rất rộng, khi cây trưởng thành và phát triển thành thục trong điều kiện sinh trưởng thuận lợi thì bộ tán có thẻ rộng đến 5m tính từ gốc, thông thường một cây điều trưởng thành thường có bộ tán chiếm diện tích lên tới 50 đến 60 mét vuông khi cây đạt 6 đến 7 tuổi.

Hoa cây điều

Cây điều thường ra hoa vào lúc kết thúc mùa mưa chuẩn bị chuyển sang mùa khô. Hoa điều có cả hoa đơn tính và hoa lưỡng tính. Hoa mọc thành từng chùm, mỗi chùm có khoảng từ vài chục hoặc hàng trăm hoa.

Hoa điều có màu vàn hoặc trắng có vằn đỏ, đôi kho hoa có màu hồng đẹp. Hoa điều có 5 cánh, đối với hoa đực chỉ có nhị đực còn hoa lưỡng tính thì có tới 8 đên 10 nhị đực và 1 nhụy cái. Thông thường thì chỉ có 1 nhị đực ở hoa lưỡng tính phát triển đầy đủ các chức năng và có khả năng tung phấn, các nhị khác thường không có khả năng thụ phấn.

Hoa điều

Hoa điều thường mọc ở đầu cành và bao gồm cả hoa đực lẫn hoa lưỡng tính. Hoa thường chỉ thụ phấn bằng côn trùng hoặc gió. Hoa thường nở vào buổi sáng, tuy nhiên nếu trong lúc hoa đang nở mà xuất hiện mưa thì bao phấn sẽ không thể nứt ra để phấn rớt vào nên quá trình thụ phấn sẽ không xảy ra khiến mất mùa.

Cây điều sau 3 năm trồng mới thì bắt đầu trổ hoa, thời gian ra hoa thường kéo dài khoảng 3 tháng và chia thành 3 pha rõ rệt gồm:

  • Thời điểm hoa đực thứ nhất nở thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày, lúc này có khoảng từ 19 đến 100% là hoa đực nở.
  • Thời điểm cả hai loại hoa lưỡng tính và hoa đực cùng nở thường kéo dài khoảng 70 ngày. Trong đó có khoảng từ 0 đến 60 % là hoa đực nở còn lại khoảng từ 0 đến 20% là hoa lưỡng tính nở.
  • Thời điểm hoa đực thứ hai nở thường chỉ kéo dài 13 ngày có khoảng từ 0 đến 67% là hoa đực nở.

Như vậy thời điểm hoa lưỡng tính và hoa đực nở thường chênh lệch nhau tới 1/6 nên  chùm hoa thường có nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 10,2%.

Trái cây điều

Điều hay còn được gọi là đào lộn hột bởi trái điều thật ra chỉ là một trái giả với phần cuống quả phình to tạo thành. Trái điều thật chính là hạt điều mà chúng ta sử dụng.

Sau khi thụ phấn thành công thì trái thật của quả điều (chính là hạt điều) sẽ phát triển kích thước rất nhanh. Trong vòng 1,5 tháng là có khả năng đạt kích thước tối đa. Từ đó quả không bắt đầu phát triển nữa mà chuyển sang phình to phần cuống quả thành quả giả. Như vậy trái điều thường có hai phần là trái thật và trái giả.

 

Trái điều

Trái giả thường chiếm trọng lượng rất lớn, tới 90% do phần cuống quả phình to có hình quả lê, khi chín quả điều thường có màu hồng hoặc màu vàng, trọng lượng quả giả thường từ 45 đến 60g. Trái điều vàng thường lớn hơn và có hàm lượng đường cao hơn điều đỏ.

Trái thật (hạt quả) thường chỉ chiếm 10% trọng lượng quả. Hạt điều thường có dạng hình hạt đậu lớn, lớp vỏ ngoài thường có màu xám xanh khi còn tươi và sau quá trình phơi khô sẽ chuyển sang màu nâu. Hạt điều thường nhẵn có trọng lượng thường từ 3-5 g một hạt.

Để lấy được nhân hạt điều bà con cần loại bỏ lớp vỏ hạt (lớp vỏ hạt này thường chiếm tới 70% trọng hạt và có vỏ dày đến 3mm), vỏ hạt cũng được chia làm 4 phần để bao bọc lấy nhân. Ngoài cùng là vỏ ngoài rất dai và cứng, tiếp đến là vỏ giữa khá xốp, vỏ giữa thường chiếm 30% trọng lượng vỏ, đây là phần chứa dầu của hạt điều. Để lấy được nhân điều chúng ta cần loại nỏ lớp vỏ này nhưng nó có chứa chất Urushion rất độc với da người. Cuối cùng là vỏ trong rất cứng sau đó mới đến lớp vỏ lụa mỏng bên ngoài bao bọc lấy phần nhân màu trắng.

Nhân điều

Nhân điều có chứa nhiều dầu, chất béo, có hương vị thơm ngon, vị bùi béo nên được sử dụng nhiều trong việc chế biến bánh kẹo.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Giới thiệu chung về cây Điều

Điều (Đào lộn hột) là một trong những cây công nghiệp lâu năm đang được trồng nhiều tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, một số ít có thể trồng ở các tỉnh miền Tây.

Trái điều

Điều thích hợp trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt là những vùng có đất cằn cỗi cây điều vẫn có thể sinh trưởng và phát triển tốt nên thường được chọn là cây “xóa đói giảm nghèo” có giá trị hiệu quả kinh tế cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp bà con tìm hiểu được nguồn gốc cũng như những giá trị kinh tế của cây điều.

Nguồn gốc và phân bố địa lý

Phân loại khoa học.

Giới: Plantae
Bộ: Sapindales
Họ: Anacardiaceae
Chi: Anacardium
Loài: A. Occidentale
Cây điều (Anacardium occidentale) có nguồn gốc xuất hiện ở vùng Đông Bắc Brazil, cây mọc hoang dại trên các bãi cát ven biển và một số vùng đất xung quanh. Sau khi phát hiện thấy giá trị của nó người ta bắt đầu trồng điều trên một diện tích và biến nó trở thành một cây công nghiệp.

Vào thế kỷ thứ 16 cây điều thường chỉ được sử dụng để che phủ và chống xói mòn cho đất. Một số người Bồ Đào Nha đã mang điều đến trồng ở Ấn Độ, Malaysia và một số nơi ở vùng bờ biển Đông Phi sau đó nó được nhiều người biết đến và trồng rộng rãi tại các nước nhiệt đới ở Châu Á.

Điều thường trồng ở những vùng có khí hậu nhiệt đới có vĩ tuyến từ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam. Điều được trồng phổ biến lên tới 50 quốc gia và nơi trồng nhiều điều nhất là Ấn độm Mozambich, Brazil, Malayxia, Srilanca, Philipines, Tanzania, Nigieria, Kênia.

Việt Nam đang là có sản lượng điều nhân xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới. Điều thường chỉ được trồng ở các tỉnh phía Nam nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và có một số ít trồng ở miền Tây. Hiện nay các tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất gồm Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Thuận và Bình Định.

Giá trị của cây điều

Giá trị kinh tế cao nhất của cây điều đến từ nhân hạt điều bởi nó có chứa đa dạng các chất dinh dưỡng khác nhau, trong đó hàm lượng chất béo chiếm tới 44.9 %, tinh bột chiếm 19,82%, đường là 13,48 %, ngoài ra còn có chứa 2,49% là canxi, photpho sắt và các loại vitamin như B1, B2, D, E, PP,…. Nhân hạt điều có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như điều rang, bánh kẹo nhân điều.

Hạt điều chứa nhiều dinh dưỡng

Ngoài công dụng để chế biến các món ăn thì điều cón có thể ép dầu, trong vỏ hạt điều thường có chứa từ 23 đến 28% dầu. Dầu vỏ điều thường rất dễ cháy, có màu đẹp nên thường được sử dụng để chế vecni cho đồ gỗ, sơn chống thấm hay sơn chịu nhiệt. Ngoài ra dầu điều còn được sử dụng trong một số loại thuốc nhuộm hay cả mỹ phẩm.

Thông thường nhiều người thường không sử dụng trái điều vì nó thường gây tưa lưỡi. Tuy nhiên trái điều có chứa hàm lượng vitamin C nhiều rất 5 lần quả cam, ngoài ra còn có vitamin B2 cùng các chất khoáng, đạm, đường và tanin rất tốt cho sức khỏe. Một số nơi đã sơ chế điều để làm rượu nhẹ hoặc nước giải khát lên men.

Điều là một trong những cây công nghiệp có dầu thích hợp trồng ở các tỉnh miền Nam nước ta, hiện nay để có tới 50 tỉnh trồng điều và diện tích điều sẽ còn tăng cao khi giá trị kinh tế của điều đang được khẳng định nhờ nhân hạt có giá trị xuất khẩu lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.