Kỹ thuật trồng thủy canh rau Xà Lách

Thủy canh là phương pháp “Trồng cây trong nước”. Tuy nhiên do có rất nhiều môi trường tổng hợp được sử dụng để trồng cây nên có thể mở rộng định nghĩa thủy canh là ” Trồng cây không sử dụng đất”.

Theo KS nông nghiệp Hà Sỹ Tân, thủy canh là một phương pháp trồng rau có từ lâu, dung dịch có thành phần dinh dưỡng giúp cây trồng hấp thu và chuyển hóa thành các vật chất hữu cơ cho cơ thể cây trồng: thân, lá, rễ, hoa, quả,… Ưu điểm của trồng rau thủy canh là không phải làm đất, không có cỏ dại; trồng được nhiều vụ, có thể trái vụ, không cần tưới; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại, năng suất cao hơn từ 25% đến 50%; không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường. Các loại rau thích hợp với môi trường thuỷ canh: Rau xà lách, các loại rau cải, rau húng, rau muống, cà chua…
Trong Đông y, rau xà lách được biết đến là một loại rau có vị ngọt đắng, tính mát, tác dụng giải nhiệt, lọc máu, kích thích tiêu hóa, giảm đau, gây ngủ, chống ho… Và thường được sử dụng dưới dạng rau sống, rau trộn, nước ép rau. Vì sử dụng trực tiếp rau dạng tươi sống nên người tiêu dùng rất lo sợ mua phải rau tưới nhiều đạm, phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một hạn chế vô cùng lớn của rau trồng ngoài đồng ruộng mà rau trồng theo phương pháp thủy canh đã khắc phục được. Rau xà lách trồng thủy canh không có thuốc bảo vệ và phân bón hóa học nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Giá bán rau xà lách thủy canh này trên thị trường khoảng 35.000 – 45.000 đồng/kg. Năng suất của rau xà lách thủy canh đạt 28.2 tạ/1000 m2, thời gian sinh trưởng của cây từ 25 – 30 ngày. Với phương pháp trồng rau thủy canh, nhà vườn có thể trồng tối đa là 15 vụ, trong khi đó lối canh tác truyền thống chỉ sản xuất 3 – 4 vụ.

Hệ thống thủy canh trồng rau xà lách

1. Lắp đặt hệ thống thủy canh

Bà con cần lắp đặt một hệ thống thủy canh trước khi muốn trồng rau theo phương pháp này. Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ R.A.I xin giới thiệu đến bà con Hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu như hình dưới đây:

– Làm bằng nhựa PVC chịu nhiệt nên hệ thống này rất bền, có thể sử dụng được 10 năm.

– Sử dụng hệ thống bơm chìm có hẹn giờ bơm.

– Chiếm diện tích nhỏ trong sân nhà, ban công: Kích thước của hệ thống này: Dài x rộng x cao: 1.5 x 0.6 x 1.2 (mét).

2. Ươm giống

– Bà con có thể mua các loại giống rau trên thị trường.

– Ngâm hạt giống rau xà lách trong nước ấm khoảng 40 – 50 độ C, sau đó để vào rổ cho khô nước.

– Cho hạt giống đã ngâm vào bầu ươm: 1-2 hạt/ rọ bầu ươm.

– Thường xuyên giữ độ ẩm cho bầu ươm để hạt giống nảy mầm tốt.

Rọ trồng cây đồng thời là bầu ươm hạt giống

3. Cách pha dung dịch dinh dưỡng

Bà con tham khảo công thức pha dung dịch cho rau xà lách của GS. Hoagland (Đại học Washington).

3.1. Chuẩn bị chất pha dung dịch thủy canh

Bình A:

Tên chất Khối lượng (gram)
Calcium nitrate Ca(NO3)2 95,2

Bình B + C:

Tên chất Khối lượng (gram)
Potassium nitrate (KNO3) 3.9
Mono potassium phosphate (KH2PO4) 26.9
Potassium sulfate (K2SO4) 42.3
Magnesium sulfate (MgSO4) 30.8
Zinc sulfate (ZnSO4) 0.015
Boric acid (H3BO3) 0.02
Manganese sulfate (MnSO4) 0.115
Cooper sulfate (CuSO4) 0.01
Ammonium molybdate (NH4Mo7O24) 0.003
FeSO4 0.64
Na-EDTA 0.86

3.2. Chuẩn bị dụng cụ.

– Cân tiểu ly điện tử: Cân chính xác khối lượng hóa chất cần pha.

– Thùng đựng dung dịch.

– Tập giấy quỳ tím: Kiểm tra pH của môi trường.

– Ống đong 100ml.

3.3. Cách tiến hành

3.3.1. Pha bình A:

Bước 1: Cho 1 lít nước vào thùng đựng dung dịch.

Bước 2: Cân 95.2 gram Calcium Nitrat – Ca(NO3)2.

Bước 3: Sau đó cho 95.2 gram Ca(NO3)2 vào ca nước 1 lít ở trên và quậy/khuấy đều.

Bước 4: Rót dung dịch A vừa pha vào bình đựng, ghi nhãn (bình A).

3.3.2. Pha bình B + C:

Bước 1: Cho 1 lít nước vào thùng đựng dung dịch.

Bước 22: Cân lần lượt các hóa chất có ở bảng B .

Bước 3: Cho các hóa chất đã cân ở B2 vào cùng ca nước ở trên, quậy/khấy đều như hướng dẫn. Dung dịch cuối cùng có màu sắc như màu vàng nước trà/chè.

Bước 4: Rót vào bình đựng, ghi nhãn (bình B).

4. Cách trồng

4.1. Cách pha dung dịch thủy canh hoàn chỉnh

Sau khi pha xong 2 bình dung dịch bình A + B. Để dung dịch trồng rau có nồng độ mong muốn 1200 ppm bà con pha theo công thức sau:

STT Tên nguyên liệu Thể tích pha
1 Bình A 100 (ml)
2 Bình B 100 (ml)
3 Nước sạch 10 (lít)

Bước 1: Cho 10 lít nước sach vào 1 thùng đựng dung dịch.

Bước 2: Dùng ống/bình đong, rót 100 ml dung dịch bình A và cho vào thùng đựng dung dịch ở trên, quậy/khuấy đều.

Bước 3: Dùng tiếp ống đong, rót 100 ml dung dịch bình B và cho vào cùng thùng đựng dung dịch ở trên, khuấy đều.

Bước 4: Dùng giấy quỳ tím bỏ vào dung dịch đã pha ở B3 để đo pH. So sánh với bảng màu để biết pH thuộc khoảng nào. pH thuộc khoảng 5.5 – 7,0 thì không phải điều chỉnh. Khi pH > 7 bà con dùng axit H2SO4 hoặc H3PO4 0.5 – 1% để điều chỉnh. Khi pH< 5,5 bà con dùng nước vôi trong để điều chỉnh. Bà con nhỏ giọt từ từ để điều chỉnh. Môi trường dung dịch thủy canh có pH = 6,2 là thích hợp nhất với loại cây ăn lá.

Chú ý:

– pH<5.5 cây chỉ hấp thụ được trung lượng và vi lượng: Sắt, Mangan, Bo, Cu, Zn => Cây còi cọc do không hấp thụ được đa lượng N,P,K,Ca,Mg và Mo.

– pH>7 cây hấp thụ đa lượng nhưng lại kém tiêu hóa Sắt, Mangan, Bo, Cu, Zn => lá cây trở nên vàng vọt.

B5: Dùng bút đo nồng độ ppm (TDS) đo thử. Nếu chưa đạt đến nồng độ mong muốn thì tiếp tục đong dung dịch bình A + B và cho vào thùng đựng dung dịch.

Chú ý: Đánh dấu mực nước trong bồn dung dịch, khi nước cạn, ta bù thêm nước trắng cho bằng mức đánh dấu, không nên pha thêm dung dịch đổ vào.

Khi nồng độ giảm xuống từ 1200 ppm ban đầu xuống 800 ppm, tiến hành thay dung dịch mới hoặc châm thêm dung dịch dinh dưỡng.

4.2. Theo dõi quá trình sinh trưởng của cây.

– Khi cây con chưa nảy mầm, cần để các khay bầu trong ánh sánh nhẹ hoặc che ánh sáng trực tiếp vào cây con đang nảy mầm.

– Khi cây con nảy mầm đều khoảng 2 cm, đưa dần cây con ra ánh sáng. Lúc này, đưa cây con đang ươm giống lên hệ thống thủy canh đã có sẵn dung dịch dinh dưỡng pha loãng để tưới cây con hàng ngày (nồng độ dung dịch pha loãng bằng 1/2 nồng độ dung dịch trồng cây).

– Khi cây con được khoảng 2 tuần tuổi (tùy từng loại cây, thông thường cây cao khoảng 8 – 10 cm và có vài lá thật), tiến hành tỉa cây, mỗi rọ chỉ để 5 – 6 cây và chuyển rọ cây vào hệ thống thủy canh đã chứa sẵn dung dịch thủy canh.

Lưu ý: Bổ sung dung dịch dinh dưỡng: Trong quá trình cây sinh trưởng cây sẽ hút dung dịch, vì vậy dung dịch sẽ vơi dần, chú ý bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng thường xuyên cho cây (thông thường 1 lần/tuần) để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây trồng.

Theo dõi nồng độ dung dịch thủy canh hàng ngày bằng cách: Đo nồng độ các cation trong dung dịch bằng bút đo TDS:

Giai đoạn cây Nồng độ ppm phù hợp
Cây non (3 – 5 lá thật) 600 – 800
Cây phát triển (> 5 lá thật) 900 – 1300
Cây trước thu hoạch 10 ngày 600

Chú ý: Nếu đo TDS của nước > 200 ppm thì bà con phải lọc trước khi đưa vào hệ thống thủy canh.

Bà con nên chuẩn bị sổ ghi chép để theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Nguồn: Khomay.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chi 3 tỷ đồng phát triển 2.000 m2 Xà Lách thủy canh

Để có đủ 3 tỷ đồng vốn đầu tư trồng rau thủy canh công nghệ cao, chị Nguyễn Thị Hoàn không ngần ngại thế chấp nhà cửa, tài sản, đồng thời vay mượn thêm bạn bè và người thân.

Khởi nghiệp từ năm 2012, chị Nguyễn Thị Hoàn – chủ Công ty cổ phần đầu tư Song Hành ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thu được thành công bước đầu với sản phẩm rau an toàn như rau ăn lá các loại, rau mầm, rau củ, dưa lưới… Khi sản lượng tiêu thụ của cơ sở ngày một tăng, chị bắt đầu thử nghiệm trồng xà lách thủy canh với mục đích đa dạng hóa sản phẩm rau củ quả của cơ sở, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế.

Xà lách tại cơ sở của chị Hoàn phát triển đồng đều. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Ban đầu, dù trồng thử nghiệm xà lách thủy canh trên một diện tích nhỏ nhưng chị Hoàn thu được kết quả khá khả quan. Từ đây, chị dự tính đầu tư thêm 2.000 m2 trồng các loại xà lách theo mô hình thủy canh. Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống của cơ sở, khoản chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn.

Theo tính toán của chị Hoàn thời điểm đó, với 1.000 m2 nhà trại, chị cần 1,2 đến 1,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, trong đó có cả trang thiết bị ngoại nhập. Do vậy, muốn mở rộng diện tích 2.000 m2 trồng rau thủy canh, chị cần tới 3 tỷ đồng tiền vốn đầu tư. “Không có vốn, không thể đầu tư công nghệ, không thể áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, vậy chúng tôi chẳng khác gì những người làm nông truyền thống trên những thửa ruộng cũ như trước đây”, chị Hoàn chia sẻ.

3 tỷ đồng là khoản chi phí lớn đối với một cơ sở sản xuất còn non trẻ và vốn chưa dày. Chị Hoàn tính tới chuyện vay ngân hàng để tiếp tục hiện thực hóa mô hình xà lách thủy canh. Tuy nhiên, dù “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng chị đều thất bại vì không có tài sản thế chấp để vay số tiền lớn như thế. Đề xuất vay vốn của chị với gói tín dụng 50.000 tỷ của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên cho phát triển nông nghiệp sạch cũng không gặp may mắn. Lý do là phần diện tích một ha làm trang trại rau an toàn mà chị định thế chấp là đất thuê 50 năm của địa phương; 20 ha còn lại lại là đất thuê của dân.

Theo chị Hoàn, muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, người nông dân phải có vốn để đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ảnh: Rau sạch Song Hành.
Bước đầu gặp khó nhưng chị Hoàn vẫn không nản lòng. Sau khi bị các ngân hàng từ chối, chị xoay vốn bằng cách thế chấp nhà cửa và tài sản để vay mượn ngoài, đồng thời huy động thêm tài chính từ người thân, bạn bè. Có tiền trong tay, chị đầu tư mua sắm thiết bị cho vườn trại, trong đó, một số phải nhập từ Thái Lan. Hạt giống của các loại xà lách được chị mua từ một địa chỉ tin cậy tại Hà Nội.

Với mô hình này, toàn bộ xà lách được trồng trên giàn, với nguồn dinh dưỡng được chuyển trực tiếp qua nguồn nước. Theo chị Hoàn, so với các phương pháp canh tác khác, rau trồng thủy canh sẽ giảm sâu bệnh, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rau cũng được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, do không sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào trong quá trình trồng nên rau thành phẩm luôn được đảm bảo an toàn.

Trồng 2.000 m2 xà lách thủy canh vào cuối năm 2016, dự kiến vào giữa tháng 3 năm nay, cơ sở sẽ tiến hành thu hoạch lứa rau thủy canh đầu tiên. Theo tính toán, sản lượng có thể đạt tới một tạ xà lách các loại mỗi ngày.

Hiện tại, trang thiết bị của vườn thủy canh đã được đầu tư đầy đủ, bài bản. Do vậy, thời gian tới, cơ sở cần sát sao hơn trong việc chọn hạt giống và vận hành đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản lượng đề ra.

Chị Hoàn cho biết, chị may mắn vì nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về vốn của người thân, bạn bè để có được trang trại ngày hôm nay. Theo chị, vốn đầu tư cũng là một bài toán nan giải, cản trở không ít ước mơ của người dân giữa bối cảnh nông nghiệp đòi hỏi công nghệ cao.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.