Hướng dẫn cách trồng mầm Củ Cải Trắng tại nhà

Làm sao bạn có thể bỏ qua được vị cay nồng từ mầm củ cải trắng với thịt bò ngọt thơm. Hôm nay mình chia sẻ cho bạn cách trồng rau mầm tại nhà mau có “mẻ” rau ngon.

Rau mầm củ cải trắng

Rau mầm củ cải trắng là mầm con của cây củ cải trắng. Rau mầm củ cải trắng có vị hăng nhẹ ở đầu mũi, cay nồng ở đầu lưỡi và vị ngọt khi bạn nuốt vào miệng. Ngoài những vị đặc trưng thì rau mầm củ cải trắng còn có giá trị dinh dưỡng gấp năm lần những loại rau thường. Là rau sạch nên không chứa những mầm bệnh, vi sinh vật gây hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, rau mầm củ cải  trắng còn cung cấp chất xơ, làm đẹp, chống lão hóa da, phòng ngừa ung thư và ngăn cản sự sơ cứng tế bào. Vậy còn chần chừ gì mà không áp dụng cách trồng rau mầm để bổ sung thực phẩm “đáng yêu” này vào bữa cơm gia đình bạn.

Cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà trải qua bốn giai đoạn

1. Chuẩn bị giá thể trồng mầm

Có nhiều bạn sẽ thắc mắc không biết “giá thể” là gì? Nhân đây mình sẽ giải thích một cách ngắn gọn: “Giá thể là môi trường rắn cho rễ cây đâm xuống mà không cần dùng đất”.

Giá thể có nhiều loại nhưng mình hay sử dụng nhất là giá thể mua ở cửa hàng cachtrongraumam.com vì tiết kiệm thời gian chuẩn bị, tiết kiệm chi phí vì giá thể này có thể tái sử dụng nhiều lần nhờ công nghệ vi sinh EM của Nhật. Nếu như bạn áp dụng cách trồng rau mầm, bạn có thể sử dụng giá thể mà bạn có sẵn miễn là giá thể có thể giữ ẩm và thoát nước tốt.

2. Xử lý hạt

Do vỏ hạt rau mầm củ cải khá cứng nên cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà thường phải ngâm nước để giúp vỏ mau nứt  và thời gian nảy mầm nhanh. Tốt nhất là bạn nên ngâm hạt giống từ 4h-6h trong môi trường nước ấm (pha 2 sôi 3 nguội)

Sau khi ngâm xong , bạn rửa sạch hạt rồi để ráo trong rổ 8h, đặt rổ nơi thoáng mát và tối . Trong quá trình để ráo bạn nên xốc hạt để hạt khô ráo đều.

3. Gieo hạt và chăm sóc

Cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà giai đoạn này có khá nhiều bước nên mình hướng dẫn thật chi tiết cho các bạn dễ thực hiện theo.

• Đầu tiên bạn cho lớp giá thể dày khoảng 2 cm -3 cm vào khay trồng. Độ dày này thích hợp cho việc rễ rau mầm bám vào giá thể , tránh đổ ngã

• Tiếp theo, các bạn gieo hạt đều lên khay trồng, hạt sát hạt,  nhưng không được để hạt chồng hạt. Như vậy, cây mầm mọc khó nhận được nước và chất dinh dưỡng từ giá thể.

• Tiếp theo, các bạn dùng 1 cái xẻng hay dụng cụ có mặt phẳng ép nhẹ cho hạt lún vào giá thể , lưu ý là bạn phải thật sự nhẹ tay và cẩn thận  trong giai đoạn này để tránh làm rễ của  mầm củ cải trắng bị gãy.

• Dùng bình xịt nhựa phun sương giá thể. Sau đó  các bạn dùng 1 tấm bìa hay báo che khay trồng lại. Để tránh ẩm mốc phát triển nên chừa khe hở nhỏ giữa tấm bìa & khay trồng cho không khí lưu thông. Che ngay lên miệng khay càng tốt. Các bạn luôn nhớ giữ cho bề mặt giá thể ẩm nhẹ để hạt nảy mầm tốt và đều. Tưới tối thiểu 2 lần/ ngày, nếu bề mặt giá thể khô bạn có thể tưới nhiều lần hơn

• Sau 3 ngày mầm cao khoảng 5-7cm. Lúc này các bạn có thể cho mầm ra nơi thoáng mát  và có ánh sáng chan hòa . Nên tránh không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào mầm vì mầm củ cải trắng còn non nớt nên không chịu được nhiệt độ quá nóng của mặt trời, điều này gây cản trở sự phát triển của cây. Đồng thời trong giai đoạn này bạn nên năng tưới nước cho cây tốt nhất là 3 lần/ ngày cho mùa nắng nóng ( phổ biến nhất là tưới sáng và chiều).

4. Thu hoạch

Sau 5 ngày thực hiện cách trồng rau mầm củ cải trắng tại nhà, bạn có thể thu hoạch . Đây là khoảng thời gian tốt nhất để thu hoạch vì mầm cao từ 13 cm – 15 cm, nếu thu hoạch trễ mầm già mất đi vị ngon của rau mầm củ cải

Các bạn dùng dao cắt rau sát gốc hay cách gốc 1cm đều được. Sau đó cho rau vào hộp nhựa đậy kín & cho vào ngăn mát tủ lạnh, khi nào dùng các bạn chỉ cần lấy ra rửa sơ qua với nước muối loãng. Với cách bảo quản trên rau vẫn giữ được màu sắc và mùi vị trong vòng một tuần sau thu hoạch lận đấy!

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Củ Cải Đỏ

Cải củ đỏ là loại rau thuộc họ thập tự, dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, củ cải đỏ là cây có giá trị dinh dưỡng cao, giàu Vitamin A, B, C, sử dụng làm salat, nấu canh hầm, nấu một cho trẻ sơ sinh…

Củ cải đỏ

1. Giống cây củ cải đỏ

Củ cải đỏ cherry là giống F1 nhập khẩu từ Hà lan, củ tròn, đường kính 3 – 4 cm, cỏ đỏ tươi, ruột trắng, cây cao 15 – 25 cm. Lượng hạt cần cho 1 sào Bắc bộ khoảng 500gr – 700 gr tùy theo cách gieo. Thời gian thu hoạch 23 – 35 ngày sau trồng.

2. Thời vụ trồng củ cải đỏ

Củ cải đỏ là giống ưa ẩm và mát, thời vụ gieo trồng từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.

3. Chuẩn bị đất và gieo hạt

Cây cải củ đỏ cho phần thu hoạch là củ, nên để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất. Chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, tơi xốp, nhiều mùn (cây cải củ đỏ trồng tốt nhất trên đất phù sa nhiều mùn), cách ly khu vực có chất thải, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100 m, không tồn dư hóa chất độc hại và kim loại nặng. Đất cày cuốc sâu, để phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó, làm tơi đất, nhặt sạch cỏ dại và các loại gạch vụn, sỏi, đá.

Lên luống: mặt luống rộng 1,2-1,5 m; rãnh 30-40 cm; độ cao của luống 20-25 cm. Gieo hạt: Nếu gieo theo luống thì rải phân bón lót trên mặt luống rồi trộn đều với đất, để 1-2 ngày mới gieo hạt. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm (đảm bảo độ ẩm đạt 75-80%) để hạt nảy mầm tốt. có thể gieo vãi và tỉa sau khi gieo 7 – 10 ngày với khoảng cách 5 x 5 cm, hoặc có thể rạch các rãnh nhỏ với khoảng cách 5 cm rồi bót từng hạt cách nhau 5 cm (cách này tiết kiệm hạt nhưng tốn thời gian gieo).

Để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất

4. Kỹ thuật chăm sóc củ cải đỏ

– Tưới nước: Cây cải củ đỏ ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng và khô hạn sẽ làm củ nứt. Mỗi ngày tưới 1 lần bằng nước sạch, chỉ tưới lướt chứ không cần tưới đẫm nước.

– Vun xới: Cây cải củ đỏ có đặc điểm là khi hình thành củ, củ thường trồi lên mặt luống làm cho vỏ củ sần sùi, không sáng mã. Để cây cải củ có củ to, sáng mã cần phủ rơm rạ ngay từ sau khi gieo để giữ ẩm thường xuyên và tiến hành vun xới cho cây. Khi xới phải nhẹ, nông tay, không xới sát gốc cây làm đứt rễ, cây long gốc kém phát triển hoặc bị chết.

6. Phòng trừ sâu bệnh cho cây củ cải đỏ

Cây cải củ đỏ rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hại, cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Có thể sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ. Nếu ruộng trồng cải củ kém thoát nước, bón thúc quá nhiều phân đạm hoặc để cây quá dày, sẽ xuất hiện bệnh thối nhũn. Ngoài ra, cây cải củ thường bị các bệnh lở cổ rễ, phấn trắng và cháy lá gây hại.

7. Thu hoạch củ cải đỏ

Sau 25 – 35 ngày sẽ cho thu hoạch.

 

Thu hoạch củ cải đỏ

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Cây Chôm Chôm cho sai quả

Chôm chôm là loại trái cây được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon. Thịt chôm chôm chứa rất nhiều chất xơ giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ chất thải, tiêu diệt ký sinh trùng, loại bỏ độc tố trong thận, bổ máu, giảm đau đầu, chữa lỵ, làm đẹp, giảm cân…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Đất trồng

Cây chôm chôm ưa phát triển trên đất không bị nhiễm mặn, đất thịt pha cát hay sét, tầng canh tác dày, thoát nước tốt và có độ pH từ 4,5 – 6,5.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Đào hố có kích thước 50cm x 50cm x 50cm, khi đào hố để riêng đất trên mặt ra một bên. Mỗi hố bón từ 10 – 15kg phân chuồng đã ủ hoai, 200 – 300g lân, trộn đều với đất mặt xung quanh.

2. Chọn giống và trồng cây

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống chôm chôm như chôm chôm tróc, chôm chôm thái, chôm chôm nhãn… Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể mua sẵn cây giống ở vựa giống.

Dùng cuốc đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng cây giống khoảng 2 – 3cm. Lấy dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2 – 3cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó mới đem cây đặt vào hố trồng.

Dùng tay lấp và ém chặt lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rể ngang với mặt đất xung quanh, không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng làm bồn đường kính 1 – 1,2 m, để khi tưới nước không chảy ra ngoài.

Trồng xong nhất thiết phải lấy cọc cắm, buộc cành vào cọc tránh gió lay gốc. Tưới nước giữ ẩm cho cây.

3. Chăm sóc

Tưới nước ngay sau khi trồng (trồng vào đầu hay giữa mùa mưa sẽ đỡ công tưới nước). Nếu trồng trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên cho chôm chôm ít nhất 1 tháng đầu. Tuy nhiên, trồng trong điều kiện ngập úng, đất đóng váng hay tưới quá nhiều nước dễ dẫn đến thoái hóa rễ do đó chúng ta nên xem xét tưới khi nào cần thiết.

Trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khỏe mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây. Sau khi trồng nên cắt ngọn ở độ cao 60 – 70cm. Sau khi ngọn bị cắt sẽ có những cành mọc ra từ gốc và thân cây, nên chọn để lại những cành khỏe mập mọc cách xa nhau vừa phải, khoảng từ 4 – 5 cành mọc đều quanh thân, cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 70cm. Khi các cành này mọc dài ra thì cắt ngọn chỉ chừa lại chiều dài khoảng 30 – 40 cm tính từ chỗ chạc lên.

Việc cắt tỉa được tiến hành đều đặn trong suốt 18 tháng đầu. Sau đó không cắt tỉa nữa mà để cây mọc tự nhiên và chỉ cắt tỉa những cành vô ích như: Cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh…

Bón phân:

Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1 – 1,5 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 50 – 100g NPK (15:15:15).

Năm thứ 2: Lượng bón cho một gốc là 100g N+50g K2O (200g urê+80g KCl). Chia làm 2 lần để bón vào đầu và cuối mùa mưa.

Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho quả, lượng bón cho một cây là 1,5 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2. Chia ra bón 2 lần vào trước ra hoa và sau khi thu hoạch.

Năm thứ 4: Lượng phân tăng so với năm trước 0,5-1,0 kg/cây. Giữ nguyên tỷ lệ NPK là 2:1:2. Chia thành 4 lần để bón:

+ Lần 1: sau khi thu hoạch quả tiến hành tỉa cành, bón toàn bộ lân, 1/3N và 1/3 K2O.

+ Lần 2: trước khi nở hoa: bón 1/3N.

+ Lần 3: khi quả có đường kính 1-2cm. Bón 1/3 N và 1/3 K2O.

+ Lần 4: trước khi thu hoạch 1 tháng: Bón 1/3 kali.

Những năm sau để đảm bảo cây cho quả ổn định, lượng phân bón được tăng dần lên:2-3 kg NPK cho một cây trong 1 năm và 10-30 kg phân chuồng.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chôm chôm cho quả sai trĩu trịt – Ảnh 4

Chôm chôm chín.

4. Thu hoạch

Tùy giống mà thời gian thu hoạch chôm chôm sẽ khác nhau. Thông thường khoảng 3 – 5 năm sau khi trồng là chôm chôm bắt đầu cho trái bói.

Sau thu hoạch đợt trước tỉa bỏ hoàn toàn các phát hoa đã cho trái, cắt bỏ cành khô, chồi vượt, bón phân hóa học, phân hữu cơ để cây nhanh phục hồi.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khu vườn 360 tỷ đồng của ‘đại gia’ Củ Cải Lâm Đồng

Phần lớn nông dân đạt danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2017” đều là những tỷ phú làm giàu từ nông nghiệp. Đáng chú ý, có những nông dân chỉ nhờ vào nuôi lợn, nuôi cá hay trồng củ cải, cà rốt,… mà doanh thu mỗi năm lên tới 100-360 tỷ đồng.

Những tỷ phú chân đất

Vượt qua những khó khăn về “bão” giảm giá lợn, gà, rau quả,… hay những tác động khôn lường của thời tiết do biến đổi khí hậu, nhiều nông dân vẫn tìm tòi sáng tạo, vươn lên, tìm cho mình hướng đi riêng để làm giàu từ nông nghiệp.

Tại cuộc Họp báo công bố 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, ban tổ chức cho biết, phần lớn đó là những tỷ phú nông dân. Đáng chú ý, trong số đó, có những người nhờ làm nông mà mỗi năm thu từ 100-360 tỷ đồng, lợi nhuận thu về đạt 10-20 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Đoàn đầu tư cho nông dân trồng củ cải, cà rốt.. thu 360 tỷ đồng/năm

Đơn cử, anh nông dân 46 tuổi Nguyễn Văn Đoàn ở Tổ 18, thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư cho nông dân trồng củ cải, cà rốt,… từ A đến Z, trên diện tích vài ngàn hecta, sau đó anh bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho họ, kể cả khi giá xuống thấp cũng mua. Nguyên tắc của anh là không bao giờ chối bỏ sản phẩm của các hộ dân mà anh đầu tư liên kết.

Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động trồng trọt của anh lên tới 360 tỷ đồng/năm. Trừ đi chi phí, mỗi năm anh lãi khoảng 18 tỷ đồng. Riêng các hộ dân liên kết với anh cũng lãi ròng 120 triệu đồng/ha/năm. Hàng trăm hộ nông dân ở Tây Nguyên vì thế đã thoát nghèo.

Hay cách làm giàu của lão nông 70 tuổi Nguyễn Đình Cây ở Long Thủy (Phước Long, Bình Phước) cũng khiến nhiều người thán phục. Chỉ nhờ cây hồ tiêu, cây cao su mà doanh thu của ông đạt 120 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 5-10 tỷ đồng/năm.

Ông Cây chia sẻ, vốn là cựu chiến binh, ông bắt đầu khởi nghiệp làm nông với đồng vốn vỏn vẹn 100 đồng (khoảng 3 chỉ vàng). Song, sau nhiều năm chăm chỉ, giờ ông đã có vườn tiêu rộng 20 ha và 5ha tiêu sạch. Đặc biệt, lão nông chân đất này cho rằng, là nông dân thì phải lấy nông nghiệp làm gốc, phải có niềm đam mê. Đấy là lý do quan trọng dẫn đến thành công của ông ngày hôm nay.

Nhờ trồng cao su và hồ tiêu mà ông Trịnh Đình Cây thu lợi nhuận từ 5-10 tỷ đồng/năm

Cũng đam mê với nghề, biết tìm hướng đi riêng nên giữa cơn “đại khủng hoảng lợn” diễn ra suốt gần một năm qua, ông Tô Hiến Thành ở Danh Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn trụ vững với trang trại lợn hữu cơ của riêng mình, thu về 10-12 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 3-3,5 tỷ đồng/năm.

Nhân rộng các điển hình nông dân sản xuất giỏi

Chia sẻ về những gương mặt nông dân đạt danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2017”, ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, cho hay, đây đều là những nông dân giỏi, có tinh thần trách nhiệm, có ý chí vươn lên. Nhiều người, ngoài sự cần cù chăm chỉ, còn có tinh thần ham học hỏi, chịu khó tìm tòi sáng tạo ra những cách làm hay để áp dụng vào công việc trồng trọt, chăn nuôi, giúp tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, để đạt được thành công, họ cũng phải trả giá nhiều lần, cũng phải chịu nhiều thất bại. Song, khi đạt được kết quả, họ lại duy trì rất tốt mô hình hoạt động của mình và giúp đỡ những người nông dân khác, ông Nam cho biết.

Thừa nhận điều này, ông Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay, dẫn chứng, “vua vịt trời” Bắc Ninh Nguyễn Đăng Cường là nông dân xuất sắc năm 2015. Khi ấy, anh Cường mới chỉ nuôi vịt trời trên diện tích 2ha, giờ diện tích trang trại đã lên tới 6ha. Ngoài nuôi vịt bán thịt, anh còn đã phát triển lên thành công ty, chế biến món vịt xông khói xuất khẩu vịt sang Nhật Bản.

Phát triển lợn theo hướng hữu cơ nên ông Tô Hiến Thành có thể lãi vài tỷ đồng/năm 

Hay như ông Tô Hiến Thành cũng có hướng đi riêng trong chăn nuôi lợn và đạt được nhiều thành công, bất chấp đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua.

Trước đó, ông Lương Quốc Đoàn, Phó chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, cũng cho biết, 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội phát động đã tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn. Mọi nông dân cùng hăng hái thi đua trong gia đình, trong xóm làng và cùng vươn lên làm giàu.

Thời gian tới, Hội sẽ giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, hợp tác, có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cụ thể để khắc phục những yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ nông sản và nâng cao hàm lượng khoa học trong từng loại nông sản.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Củ Cải trong thùng xốp

Cách trồng củ cải rất đơn giản, thời gian sinh trưởng nhanh nên sau khi trồng chẳng bao lâu là bạn đã có ngay những củ cải to, mập mạp để chiêu đãi cả nhà rồi.

Không chỉ được yêu thích bởi vị ngọt, củ cải còn được nhiều người ưa chuộng vì nguồn dinh dưỡng dồi dào và lợi ích mà loại củ này mang lại. Đây là loại củ giàu chất xơ giúp đẩy mạnh quá trình tiêu hóa.

Bên cạnh đó, củ cải còn giúp loại bỏ độc tố trong gan, dạ dày; ngăn chặn sự phá hủy của các tế bào hồng cầu. Hơn nữa, do hàm lượng vitamin C, flavonoid và axit folic trong củ cải tương đối cao nên loại củ này còn có thể hỗ trợ điều trị ung thư cũng như bệnh tim mạch.

Cách trồng củ cải cũng rất đơn giản, thời gian sinh trưởng nhanh nên sau khi trồng chẳng bao lâu là bạn đã có ngay những củ cải to, mập mạp để chiêu đãi cả nhà rồi. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không bắt tay ngay vào trồng củ cải.

Lựa chọn thời vụ thích hợp

Củ cải có 3 vụ mùa là vụ chính (tháng 8-9), vụ muộn (tháng 10-11) và vụ xuân hè (tháng 2-4). Lưu ý, củ cải trồng vụ xuân hè nhanh cho thu hoạch nhất (khoảng 25-35 ngày) nhưng cho năng suất thấp.

Cách trồng củ cải trong thùng xốp

1. Chuẩn bị

– Hạt giống: Bạn có thể mua ở chợ, siêu thị,…

– Thùng xốp: Thùng cao khoảng 15-20 cm và có đục lỗ để thoát nước.

– Đất trồng: Đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

– Phân bón: Phân chuồng hoai mục, lân, kali.

2. Các bước tiến hành

Đục lỗ thùng xốp trước khi trồng để cây thoát nước tốt

– Lấy đất trồng đã chuẩn bị sẵn trộn với phân chuồng hoai mục, lân, kali rồi cho vào thùng xốp. Tốt nhất nên chuẩn bị trước 3 ngày gieo hạt.

Trộn đất trồng với phân chuồng hoai mục, lân và kali.

– Ngâm hạt giống vào nước ấm khoảng 3 – 5 tiếng đồng hồ để chúng nhanh nảy mầm hơn.

– Lót 1 lớp bông gòn xuống đáy cốc, tưới nước cho bông ẩm và rải hạt lên trên. Sau đó phủ tiếp 1 lớp bông gòn khác lên trên, tưới ẩm, chờ đến khi hạt xuất hiện vết nứt nhỏ thì bắt đầu đem trồng ra đất.

– Khi gieo hạt vào thùng xốp, bạn hãy dùng que đục lỗ sâu 2 – 3cm sau đó gieo vào mỗi lổ từ 2 – 3 hạt rồi lấp đất lại. Lưu ý, hàng cách hàng 15 cm, cây cách cây 20 cm. Sau khi gieo, tưới ẩm toàn bộ thùng xốp đến khi đạt độ ẩm bão hòa.

Khoảng cách giữa hai cây là 20 cm.

– Khoảng 1 tuần sau, hạt sẽ nảy mầm và ra những chiếc lá đầu tiên.

3. Chăm sóc

– Tưới nước đều đặn 1-2 lần/ngày cho đến khi cây mọc. Chỉ tưới lướt để giữ ẩm chứ không cần tưới đẫm nước.

– Cây có 2 – 3 lá thật thì tỉa lần thứ nhất, rồi bón thúc lần đầu bằng nước phân pha loãng.

– Sau đó 5 – 7 ngày tỉa lần thứ hai kết hợp với nhặt cỏ, để lại khoảng cách 15 – 20 cm một cây rồi bón thúc lần thứ hai.

Những củ cải bắt đầu trồi lên mặt đất.

– Bón thúc lần ba khi cây đang phát triển.

– Sâu bệnh hại củ cải chủ yếu là rệp và sâu bọ. Khi gặp trường hợp này, bạn có thể sử dụng các loại thuốc sinh học để hỗ trợ phòng trừ.

Bên cạnh củ cải trắng, các chị em có thể áp dụng cách trồng tương tự với củ cải đỏ. Đồng thời, thùng xốp cũng có thể được thay thế bằng chậu.

4. Thu hoạch

Trung bình khoảng từ 60-70 ngày từ ngày gieo hạt là chúng ta có thể thu hoạch, tùy vào thời vụ thời điểm trong năm sẽ cho năng suất khác nhau.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn cách trồng Củ Cải Trắng

Củ cải là loại rau thuộc họ thập tự, dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Trồng củ cải trắng nhanh cho thu hoạch, năng suất từ 17-30 tấn/ha (tuỳ giống, thời vụ gieo trồng và điều kiện chăm sóc), bán vào các thời điểm giáp vụ rau cho thu nhập cao.

Củ cải trắng

1. Thời vụ

Củ cải trắng có thể trồng được nhiều vụ trong năm: vụ chính gieo hạt tháng 8-9; vụ muộn gieo hạt tháng 10-11; vụ xuân hè gieo hạt tháng 2-4. Củ cải trắng trồng vụ xuân hè nhanh cho thu hoạch nhất (khoảng 25-35 ngày) nhưng cho năng suất thấp.

2. Chuẩn bị đất và gieo hạt

Cây củ cải trắng cho phần thu hoạch là củ, nên để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất. Chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, tơi xốp, nhiều mùn (cây củ cải trắng trồng tốt nhất trên đất phù sa nhiều mùn), cách ly khu vực có chất thải, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100 m, không tồn dư hóa chất độc hại và kim loại nặng.

Đất cày cuốc sâu, để phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó, làm tơi đất, nhặt sạch cỏ dại và các loại gạch vụn, sỏi, đá. Lên luống: mặt luống rộng 1,2-1,5 m; rãnh 30-40 cm; độ cao của luống 20-25 cm đối với vụ xuân hè hoặc 15-20 cm đối với vụ thu đông.

Gieo hạt: Nếu gieo theo luống thì rải phân bón lót trên mặt luống rồi trộn đều với đất, để 1-2 ngày mới gieo hạt. Nếu gieo hàng thì tiến hành rạch hàng cách nhau 25-30 cm, bỏ phân vào rạch, lấp đất vài hôm rồi gieo. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm (đảm bảo độ ẩm đạt 75-80%) để hạt nảy mầm tốt.

3. Bón phân

Lượng phân bón cho 1 ha trồng củ cải trắng như sau: 12-15 tấn phân chuồng hoai mục, 30-50 kg lân Lâm Thao, 65-100 kg đạm urê, 50-65 kg kali. Không dùng phân chuồng chưa ủ kỹ để bón cho cây củ cải trắng vì phân chưa hoai sau này bám vào vỏ củ sẽ làm cho củ không được sáng mã.

Cách bón phân:

– Bón lót:

Trồng củ cải trắng bón phân lót là chính. Bón lót 100% phân chuồng hoai mục, 100% phân lân, 20% phân đạm và 40% phân kali. Phân lót được trộn đều vào đất trước khi gieo hạt 1-2 ngày. Bà con cũng có thể sử dụng phân NPK tổng hợp (loại chứa nhiều P2O5) để bón lót thay cho phân đơn.

– Bón thúc lần 1:

Khi cây có 2-3 lá thật, tiến hành tỉa thưa lần thứ nhất, rồi bón thúc. Lượng bón: 20% đạm + 20% kali. Cách bón: hoà tan phân với nước rồi tưới đều lên mặt luống.

– Bón thúc lần 2:

Sau lần 1 khoảng 5-7 ngày, tỉa cây để lại khoảng cách cây cách cây 15-20 cm, sau đó tiến hành bón phân thúc (30% đạm +20% kali). Rắc đều phân lên mặt luống rồi tưới nước rửa để không cho phân dính vào lá cây.

– Bón thúc lần 3:

Khi củ đang sinh trưởng mạnh (củ to bằng ngón tay cái), bón hết lượng phân còn lại. Cách bón như lần 2.

Lưu ý: Ngừng bón phân đạm ít nhất 21 ngày trước khi thu hoạch. Bà con nông dân cũng có thể dùng các loại phân bón vi sinh, phân bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tăng năng suất cây trồng.

4. Chăm sóc

– Tưới nước:

Cây củ cải trắng ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ và củ. Cứ 2 ngày tưới 1 lần bằng nước sạch, chỉ tưới lướt chứ không cần tưới đẫm nước.

Chăm sóc đúng cách để có được củ cải có chất lượng tốt nhất

– Vun xới:

Cây củ cải trắng có đặc điểm là khi hình thành củ, củ thường trồi lên mặt luống làm cho vỏ củ sần sùi, không sáng mã. Để cây củ cải trắng có củ to, sáng mã cần phủ rơm rạ ngay từ sau khi gieo để giữ ẩm thường xuyên và tiến hành vun luống kết hợp cới cá lần bón thúc cho cây. Nếu đất bí dí, có thế xới phá váng rồi vun. Khi xới phải nhẹ, nông tay, không xới sát gốc cây làm đứt rễ, cây long gốc kém phát triển hoặc bị chết.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Cây củ cải trắng rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hại, cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Có thể sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ.

Nếu ruộng trồng củ cải trắng kém thoát nước, bón thúc quá nhiều phân đạm hoặc để cây quá dày, sẽ xuất hiện bệnh thối nhũn. Ngoài ra, cây Củ cải trắng thường bị các bệnh lở cổ rễ, phấn trắng và cháy lá gây hại.

Để hạn chế sâu bệnh hại trên cây cải củ, cần chú ý: Không nên gieo 2- 3 đợt Củ cải trắngvà các cây họ cải khác liên tục trên cùng một diện tích; Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới để phòng trừ; Nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly thuốc dùng đúng hướng dẫn trên bao bì gói thuốc.

6. Thu hoạch

Vụ chính sau khi gieo 60 – 70 ngày cho thu hoạch, năng suất trung bình.

Vụ muộn phải 80 – 100 ngày mới được thu hoạch, năng suất thân, lá, củ cao nhất.

Vụ hè chỉ 25 – 35 ngày đã cho thu hoạch nhưng năng suất thấp, củ bé có vị hăng gắt. Củ cải trắng vụ này thường ăn cả lá và củ.

Những người có nhiều kinh nghiệm trồng củ cải trắng cho biết để có năng suất cao, vụ muộn nên trồng củ cải trắng lai F1, giống này cho củ rất to, trọng lượng củ đạt 300 – 500 g, chịu thâm canh. Về sâu bệnh, kinh nghiệm phòng trừ bọ nhảy hại củ và lá củ cải là trước khi gieo hạt dùng 1 kg thuốc Basudin 10 H cho mỗi sào, rắc và trộn đều trên mặt luống. Nhờ đó mà ấu trùng bọ nhảy sọc cong, sâu xám, dế trũi, mối, kiến hại rễ và củ đều bị tiêu diệt, đảm bảo năng suất cao và chất lượng củ cải khi thu hoạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Dinh dưỡng từ Cầu Gai – Nhân sâm biển

Gần đây, các quý ông thường rỉ tai nhau về loài hải sản có tác dụng thần kỳ làm tăng lượng “tinh binh” và bản lĩnh đàn ông với tên gọi lạ lùng: Con si đa (hay còn gọi là Nhum biển). Ít ai biết rằng nó được xem là “thần dược phòng the” của vua Minh Mạng từ thời xa xưa.

Nhum biển – nguồn gốc “Viagra thiên nhiên”

Nhum còn gọi là nhím biển, cầu gai hay con si đa (tên khoa học là sea urchin, sea chestnus). Đây là động vật thuộc loài nhuyễn thể có họ hàng với trai, sò. Nhum có nhiều loại như: Nhum mỡ, nhum bạc, nhum ta.

Tại Việt Nam, nhum là một món ăn thuộc loại đặc sản tại các vùng ven biển Phan thiết, Sa huỳnh, Cam Ranh, Phú Quốc. Thời vua Minh Mạng, mắm nhum là cống vật hằng năm mà triều đình bắt buộc người dân Quảng Ngãi phải cống bằng vật, không được dùng tiền để thay.

Vì vậy, nhiều người tin rằng vị vua này thường xuyên ăn mắm nhum để hỗ trợ chuyện phòng the và dệt nên giai thoại “nhất dạ lục giao” (một đêm ân ái 6 lần) nức tiếng một thời.

Công dụng hỗ trợ phòng the của nhum biển

Theo Đông y, loài Nhum có nhiều dưỡng chất, có tác dụng bổ dương, bồi bổ dùng cho những người có thể trạng yếu, tăng miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể.

Qua phân tích, khoa học hiện đại tìm thấy trong nhum có chứa nhiều protein, các loại vitamin A, B2, B1, chất béo và nhiều nguyên tố vi lượng khác, đặc biệt là kẽm vốn dễ hấp thụ, là “tác nhân” giúp cánh mày râu được cường tráng.

Tuy không có tài liệu sử học nào đề cập đến việc vua Minh Mạng ăn mắm nhum để tăng khả năng “chăn gối” nhưng từ sự ưa thích đặc biệt của ông với loài hải sản này, người ta tin rằng, bên cạnh phương thuốc “Minh Mạng thang” nổi tiếng, nhum biển cũng là một trong những “thần dược” giúp nhà vua cường tráng, sung mãn chốn phòng the.

Không chỉ gây sốt ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhum biển vào danh sách những sản vật quý giá của đại dương.

Theo nghiên cứu của nhóm khoa học Mỹ, nhum biển càng “già” thì khả năng sinh sản của chúng càng sung sức, càng tạo ra nhiều “tinh binh”. Vì thế, người ta càng có lý do tin tưởng về công dụng thần kỳ của sản vật nhiều dinh dưỡng này trong “chuyện ấy”.

Từ năm 1970, cơ quan sinh dục của nhum biển được Nhật Bản nhập khẩu với số lượng lớn để chế biến thành phương thuốc giúp tăng cường khả năng tình dục cho nam giới.

Chế biến món ngon từ nhum biển

Theo kinh nghiệm của những ngư dân vùng biển, nhum có rất nhiều cách chế biến để thành những món ăn ngon tuyệt vời. Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi bằng quả chanh. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt lẫn với trứng màu vàng đục bám dọc bên thành nó, đó là phần quý của loài hải sản này.

Ngoài cách ăn sống với cải bẹ xanh và mù tạt được giới mày râu ưa chuộng, ngư dân thường lấy thịt và trứng tẩm gia vị rồi xào lên trước khi cho vào nồi cháo. Để có món cháo nhum ngon như ý, nhất thiết phải chọn nhum sống, vừa mới lặn bắt lên từ biển.

Đặc biệt, người dân biển còn có cách chế biến khác là chẻ đôi con nhum rồi nuớng lửa hồng, cho vào một ít mỡ hành, khi thịt nhum vừa héo là hạ lửa. Nướng như vậy con nhum còn nguyên hương vị và tỏa mùi thơm đặc trưng giúp người ăn đến no bụng mà miệng vẫn thòm thèm.

Tuy nhiên, ngon nhất, độc đáo nhất chính là món mắm nhum thượng hạng – sản vật tiến vua Minh Mạng. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, sau đó đem vùi vào bếp tro hoặc phơi ngoài nắng từ 10-15 ngày. Mắm nhum chín, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm rưng rức. Mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành thứ mắm cực hấp dẫn, không thể cưỡng lại.

Nguồn: Sức khỏe đời sống được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thị trường Cầu Gai thế giới

Cầu gai là động vật không xương sống da gai ở biển, có họ hàng gần với hải sâm và sao biển . Chúng có thân hình cầu, nằm gọn trong một vỏ cứng , được bao bọc hoàn toàn bằng nhiều gai nhọn . Cầu gai di chuyển rất chậm trên thêm biển , sử dụng các chân giác hút và gai nhọn như những chiếc cà kheo.

Từ xa xưa, “trứng” cầu gai- thực tế là tuyến sinh dục của chúng – đã được những cư dân sống ven biển ở Nhật Bản, Chilê, các vùng Địa Trung Hải và Caribê dùng làm thực phẩm.

Tầm quan trọng về thương mại

Trong hàng chục loài cầu gai quan trọng, có hai loài là cầu gai đỏ và cầu gai xanh được thị trường săn lùng nhiều nhất.

Thị trường

Thị trường chính của trứng cầu gai là Nhật Bản, ở đây nó được gọi là “uni”, ăn tươi như sushi yếu từ Mỹ, Hàn Quốc, Chilê, Mêhicô và Canađa. Trứng cầu gai chất lượng cao có giá bán lẻ trên 100 USD/kg. Năm 2008, Nhật Bản đã nhập khoảng 1.453 tấn cầu gai.

Sản phẩm

Uni là bộ phận sản sinh tinh dịch hoặc trứng của cầu gai, có màu từ vàng đậm đến vàng nhạt, kết cấu như sữa, dạng hạt mảnh và chắc. Uni mịn và thơm nhẹ, ngọt và hơi mặn, thường được thưởng thức như loại sushi nigri hoặc sashimi.

Màu và chất lượng của uni phụ thuộc rất nhiều vào giới, chế độ ăn và thời gian thu hoạch. Kích cỡ cũng quan trọng vì một số thùy của uni có thể lớn hơn miếng sushi.

Trứng cầu gai không chỉ là cơ quan sinh sản mà còn là nơi dự trữ dinh dưỡng. Cầu gai được nuôi dưỡng tốt sẽ lưu giữ năng lượng dôi dư trong các tế bào trong trứng. Các tế bào này giàu hyđratcácbon nên có vị ngọt.

Thị trường có nhu cầu lớn nhất đối với uni dạng nguyên liệu tươi. Uni cũng có ở dạng đông lạnh. Nướng, đông lạnh, hấp và muối là cách bảo quản các loại uni phẩm cấp thấp hơn. Uni cũng có ở dạng chạo phối trộn và viên nhỏ. Sản phẩm đông lạnh được dùng trong các loại nước xốt hoặc tương tự, trong đó vị và kết cấu của chúng không phải là điều chú trọng chính. Uni được cấp đông trong túi hút chân không nặng 0,5kg hoặc ít hơn.

Phân loại uni

Từ lâu, uni được phân loại dựa theo màu sắc, kết cấu và độ tươi. Loại phẩm cấp cao nhất là màu vàng sáng (loại A) với kết cấu cơm chắc và hơi ngọt. Uni loại B thường vàng sậm hơn và có kết cơm uni mềm và ít ngọt. Uni loại C là loại bị vỡ trong quá trình chế biến hoặc xử lý.

Phẩm cấp càng cao thì giá càng đắt. Uni tươi được lấy trực tiếp từ cầu gai sống sẽ có giá cao nhất, loại này có vị khác hẳn với uni được chế biến 24 giờ sau đó.

Chất lượng phụ thuộc vào chế độ ăn và điều kiện đẻ trứng của cầu gai. Bốn hoặc năm ngày là thời hạn sử dụng tối đa của sản phẩm tươi. Các tuyến sinh dục của cầu gai tiết dịch lỏng là dấu hiệu sắp đẻ trứng.

Thu hoạch, đóng gói và vận chuyển

Cầu gai được thợ lặn dùng cào tay hoặc móc để thu hoạch từ đáy biển, sau đó cho vào giỏ hoặc túi lưới. Cầu gai cũng có thể thu hoạch bằng lưới vét nếu không thể lặn. Trọng lượng trứng chiếm từ 5-15% tổng trọng lượng cơ thể.

Người ta thường kéo túi cầu gai khi thu hoạch nhưng nếu kéo túi đầy quá lâu sẽ làm cầu gai mất phẩm cấp và gai của chúng cũng dễ làm hỏng lẫn nhau. Cầu gai cứng, có thể sống trên cạn trong 12 giờ và có thể sống lại nếu được đưa vào nước biển ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian trên.

Cầu gai cần được làm lạnh ở 60C trước khi vận chuyển sống bằng đường hàng không. Thông thường người ta đóng 12-15 kg cầu gai đã làm lạnh vào trong một hộp xốp 70 lít để vận chuyển bằng máy bay. Nếu vận chuyển bằng xe tải, nên dùng hộp xốp 5kg. Có thể dùng đá lỏng làm tác nhân lạnh trong hộp xốp khi vận chuyển.

Chế biến

Trứng cầu gai thường được bán tươi. Chỉ có một khối lượng nhỏ được muối, hấp, nướng hoặc đông lạnh. Mỗi con cầu gai có 5 túi trứng phân bố từ giữa vỏ theo hình sao năm cánh.

Cầu gai được tách vỏ ở nhà máy và trứng của chúng được trút nhẹ ra ngoài. Trứng lấy trực tiếp từ vỏ rất mềm và ướt, rất khó xử lý và vận chuyển, vì vậy sau khi lấy trứng ra cần rửa nhẹ nhàng, ngâm trong nước muối nhạt để chúng chắc lại, sau đó phơi trong không khí vài giờ nhằm tăng cường kết cấu trứng và làm các thùy kết lại thành dạng như quả cam.

Uni-wholeTiếp theo, đóng trứng trong khay nhựa hay gỗ nhỏ, hoặc đóng cả gói lớn. Trứng đã đóng gói được đặt vào một túi nylon và có thể rút bớt nước trong tủ lạnh. Trước khi giao hàng, đặt các khay trong thùng các tông cách nhiệt và bổ sung đá lỏng hoặc chất giữ lạnh nhân tạo.

Việc cải thiện chất lượng trứng sau thu hoạch cũng được nhiều nhà máy thực hiện. Đặt cầu gai sau thu hoạch trong thùng chứa có thiết kế đặc biệt và được nuôi trong khoảng 2-3 tháng với chế độ ăn theo công thức. Trong thời gian này khối lượng trứng sẽ tăng lên từ 5-15% và màu sắc của chúng cũng được cải thiện, có màu vàng cam sinh động hơn.Bao bì và trình bày sản phẩm

Theo cách truyền thống, người ta đóng 100g trứng trong các khay gỗ có kích cỡ bên trong 9cmx16cmx1,3cm và có nắp nhựa, các khay có thể xếp chồng lên nhau. Khay nhựa 50g có nắp trong và thấm nước là lựa chọn tối ưu cho các sản phẩm đông lạnh.

Nguồn: Infofish International được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cần khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi cầu gai sọ dừa ở huyện đảo Trường Sa

Tôi được vinh dự tham gia đoàn cán bộ của tỉnh và Bộ Tư lệnh Hải quân do đồng chí Mai Trực – Phú Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND dẫn đầu đó đến thăm và làm việc với quân và dân các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa và đảo Đá Tây.

Theo khảo sát, khi triều rút kiệt, tại xã Song Tử Tây, Sinh Tồn và đảo Đá Tây có thể nhận thấy những bãi san hô chết rộng lớn, nhiều cán bộ của đoàn, bộ đội, dân đi bắt bạch tuột, lượm hải sâm trắng, cầu gai sọ dừa. Trong đó, tụi quan tâm nhiều nhất là cầu gai sọ dừa. Đây là hải sản có giá trị kinh tế cao.

Thực trạng

– Theo tìm hiểu thông qua quân và dân ở các xã đảo của huyện đảo Trường Sa thì nguồn lợi cầu gai sọ dừa từ trước đến nay chưa được khai thác. Nguồn lợi cầu gai sọ dừa khá phong phú ở tất cả các đảo có rạn san hô bao bọc, nhiều nhất ở lòng hồ đảo Đá Tây (theo thông tin của Đ/c Phú Chủ tịch UBND huyện Trường Sa)

– Giá 1 con cầu gai ở các nhà hàng trên đất liền là 15.000đ/con. Những năm trước đây ngư dân khai thác cầu gai sọ dừa ở vùng ven bờ cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, nhưng do khai thác quá mức nên hiện nay không còn nguồn lợi này cho xuất khẩu mà chỉ đủ cho việc cung ứng cho một số nhà hàng với số lượng không lớn.

– Điều kiện sinh thái ở các đảo của huyện Trường Sa phù hợp với việc phát triển tự nhiên cầu gai sọ dừa.

Tìm hiểu về cầu gai sọ dừa

(theo Hội Nghề cá Việt Nam, Bách khoa Thủy sản, Nhà xuất bản Nông nghiệp năm 2007, Phạm Thược)

Tên khoa học: Tripneuster (Linnnaeus, 1758). Tên tiếng Anh: Edible Sea Urchin

Hình thái và cỡ

Vỏ cú dạng hình cầu, nhưng chiều cao nhỏ hơn đường kính ngang, mầu nâu thẫm. Màu sắc của gai thay đổi và xen lẫn nhau, màu trắng, màu cam và nâu không đều. Có thể phân biệt rõ sự sắp xếp của các gai trờn 5 mảnh trung gian, xen kẽ với 5 mảnh chân ống (màu nâu đậm). Miệng ở chính giữa mặt bụng, úp xuống đất; hậu môn ở trung tâm mặt lưng quay lên trời. Đường kính vỏ từ 60 – 80mm, con lớn có thể đến 110mm. Gai ngắn, khoảng 5 – 10mm.

Phân bố

Trên thế giới, loài này thường gặp ở vùng Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam có ở Phú Yên, Khánh Hoà (đặc biệt là ở huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận, Bình Thuận và Côn Đảo. Ở Khánh Hoà nhiều nhất là các xã đảo của huyện đảo Trường Sa, trong đó lòng hồ đảo Đá Tây có sản lượng khá cao (phát hiện của Ô. Lăng và Ô. Phú – Chủ tịch UBND huyện Trường Sa trong tháng 4/2008).

Đặc điểm môi trường sống

Thường gặp ở vùng dưới triều, độ sâu từ 2 – 10 m. Sống trong cỏ biển, rong mơ…trên nền đáy san hô chết.

Sinh trưởng

Thức ăn là các loại rong, tảo, cỏ biển và cả chất bẩn, bó hữu cơ.

Sinh sản

Là loại đơn tính. Con đực và cái không phân biệt rõ. Mùa sinh sản kéo dài nhưng rộ nhất từ tháng 10 – 12. Thụ tinh xảy ra trong nước biển.

Giá trị kinh tế

Tuyến sinh dục của sọ dừa là món ăn ngon và bổ. Từ năm 1990 -1994 ở vùng ven biển miền Trung, loại này đã bị khai thác quá mức để lấy trứng đóng hộp xuất khẩu, nên sau đó nguồn lợi bị cạn kiệt.

Tình hình nuôi

Chủ yếu khai thác tự nhiên, chưa nuôi nhân tạo.

Phát triển nuôi cầu gai sọ dừa ở các đảo của huyện đảo Trường Sa

– Cầu gai sọ dừa đó thích nghi với điều kiện sinh thái ở một số đảo có rạn san hộ bao bọc xung quanh, do vậy có thể nuôi tự nhiên.

– Nuôi cầu gai sọ dừa không phải cho ăn (đây là điều kiện tối ưu đối với các đảo của huyện Trường Sa cách xa đất liền vài trăm hải lý), do vậy không phải chi phí cho thức ăn chỉ chăm sóc và khai thác có chọn lọc (bắt những con có kích cỡ lớn để lại các con trưởng thành). Hoặc nghiên cứu nuôi nhân tạo bằng phương pháp giàn bè của Trung Quốc.

– Phương pháp khai thác là không quá 50% sản lượng tại vùng nuôi (thí dụ trong diện tớch 1m2 cú 10 thì chỉ khai thác 5 con, để lại 5 con. 5 con còn lại tiếp tục sinh sản tự nhiên tái tạo nguồn lợi). Khai thác theo kiểu này mang tính bền vững

– Có thể di chuyển cầu gai giống từ Đá Tây về các đảo như Song Tử Tây, Sinh Tồn…để nhân giống cầu gai. Coi đó là một biện pháp cải thiện đời sống của quân và dân trên các đảo có điều kiện nuôi.

Đề xuất

1/ Cần đánh giá trữ lượng cầu gai sọ dừa ở tất cả các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, đặc biệt đối với lòng hồ đảo Đá Tây.

2/ Quy hoạch vùng nuôi cầu gai cho toàn huyện Trường Sa.

3/ Lấy khu vực lòng hồ Đá Tây là trung tâm giống cầu gai, đồng thời di chuyển giống về nuôi ở các đảo khác.

4/ Bộ Tư lệnh Hải quân cần có quy định quản lý chặt chẽ nguồn lợi cầu gai trên nguyên tắc khai thác bền vững theo tỷ lệ 50/50%.

5/ Song song với việc tổ chức nuôi tự nhiên, cần nghiên cứu áp dụng nuôi công nghiệp theo phương pháp giàn bè của Trung Quốc.

6/ Nghiên cứu phương thức tiêu thụ sản phẩm ở 2 dạng đóng hộp xuất khẩu (liên kết với các công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu và ăn tươi (cho quân, dân trên đảo và bán cho các nhà hàng ở đất liền).

Nguồn: Hội nghề cá Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi nhím biển “Cầu gai sọ dừa”

Với chi phí tương đối thấp, nhím biển sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, ít mắc bệnh, dễ nuôi và phù hợp những vùng ven biển. Nhu cầu nhập khẩu nhím biển trên thị trường thế giới khá lớn, nhất là tại Nhật, Pháp, Mỹ, Úc…

Phần ăn được của nhím biển là tuyến sinh dục vì mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng phong phú. Miệng của nhím biển nằm ở mặt dưới do một lớp màng mỏng (gọi là màng bọc miệng) tạo thành và phồng lên tạo thành hình vòng cung. Thế giớ hiện có hơn 800 loài nhím biển, nhưng chỉ một số loài ăn được và thực sự có giá trị kinh tế như Hemicentrotus pulcherrimus, Authoeidaris erassispina…

Khoanh vùng nuôi

Đa số nhím biển sống ở đáy biển ấm, chỗ có đá và dưới san hô, thềm lục địa từ vùng giữa triều trở lại. Ban ngày chúng vùi trong cát bùn, ban đêm ra hoạt động nhờ vào chân ống và gai vận động, bắt mồi nhờ bộ phận nhai nuốt.

Nhím biển có mặt ở hầu hết các vùng biển trên thế giới và thường phân bố theo chiều thẳng đứng, từ vùng giữa triều đến vùng sâu 5000m. Nhím biển thường sống ở vùng biển có độ mặn tương đối cao, dòng triều lưu thông và điều kiện tránh gió tốt, nước biển trong sạch. Mực nước sâu trên 10m, độ mặn khoảng 28‰. Vùng nuôi phải có rong biển sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Tất cả các đòi hỏi trên rất phù hợp với vùng biển Nam Trung Bộ, nhất là Khánh Hòa.

Nhiệt độ

Bảo đảm 120C trở lên. Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp của nhím biển là 18 – 220C; do đó vào khoảng tháng 10 trở di. Khi nhiệt độ nước biển ổn định khoảng 200C thì bắt đầu thả nuôi, nếu nhiệt độ xuống dưới 00C thì nhím biển sẽ ngừng sinh trưởng.

Chọn và thả giống

Chọn những con giống cở nhỏ (2-3cm). Trên mỗi lồng nuôi hoặc bể nuôi nên thả 50-80 con. Sau khi nuôi 1-2 tháng, theo giỏi sinh trưởng của nhím biển và tiến hành san thưa, mật độ thả không nên quá 50 con trong một lồng hoặc bể nuôi.

Thức ăn

Nhím biển là loài ăn thực vật, chủ yếu là rong tảo biển (rong bẹ, rong đuôi ngựa…). Trong quá trình nuôi, dựa vào các điều kiện của vùng nuôi để lựa chọn thực ăn phù hợp. Khi thả thức ăn phải dựa vào lượng thức ăn còn sót lại cũng như điều kiện khí hậu để quyết định lượng thức ăn định thả và số lần cho ăn. Khi nhiệt độ nước ở mức 200C, có thể 2-3 ngày cho ăn một lần. Mỗi lồng nuôi hoặc bể nuôi chỉ nên thả khoảng 0,5kg rong bẹ, hệ số thức ăn của nhím biển là 10-15:1.

Lưu ý

Nhím biển khi đói cũng ăn các loại rong tảo tạp khác, thậm chia ăn cả vẹm, động vật dạng rêu. Có thể lợi dụng đặc điểm này của nhím biển để triển khai nuôi ghép nhím và bào ngư. Cách nuôi này có thể làm sạch nước và loại trừ các sinh vật có hại bám trên bề mặt cơ thể bào ngư và trên các dụng cụ, thiết bị nuôi. Cho đến nay, ở Việt Nam người nuôi vẫn mua giống ngoài tự nhiên và giống nhập từ Trung Quốc về nuôi do chưa tìm ra phương pháp sinh sản nhân tạo giống nhím biển này.

Nguồn: Tạp chí thủy sản được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.