Nuôi Baba trong bể xi măng và những điều cần chú ý

Nuôi baba trong bể xi măng là một giải pháp hợp lý cho nhiều hộ gia đình và ở nhiều địa phương, do điều kiện hạn chế về ao hồ đồng thời tăng khả năng kiểm soát ba ba. Sau đây, Trang Trại Bình Minh sẽ hướng dẫn bà con cách xây dựng mô hình nuôi baba trong bể xi măng.

Nuôi baba trong bể xi măng dần trở nên phổ biến

I. Tại sao phải nuôi baba trong bể xi măng?

Thứ nhất, Ba ba là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập để phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh đó việc đầu tư để nuôi ba ba cũng là một bài toán đặt ra cho bà con đầu tư về giống về chỗ nuôi, thức ăn cho con ba ba cũng vô cùng lớn. Vì vậy, muốn nuôi ba ba có được hiệu quả kinh tế cao người nuôi cũng cần nắm vững những kiến thức cơ bản, nhất là các kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, xây dựng bể nuôi ba ba phù hợp và các kinh nghiệm nuôi ba ba hiệu quả.

Thứ hai, để ba ba phát triển nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao cần một môi trường chăm sóc ba ba tốt, không mất vệ sinh và cũng hạn chế được những sinh vật gây hại đến baba. Bể xi măng là một trong những giải pháp tốt nhất thỏa mãn hết những yếu tố đó.

Thứ ba là nuôi baba trong bể xi măng đỡ tốn diện tích, chi phí cũng không tốn kém,dễ dàng thu hồi lại vốn.

II. Quy trình xây bể xi măng nuôi baba

1. Bể nuôi baba cần xây như thế nào?

Bể nuôi ba ba cần được xây bằng gạch và láng xi măng. Mực nước sâu 0,6 – 1m. Có cống tràn (miệng cống ngang bằng lưới sắt) để giữ mức nước cố định có diện tích trên 10m ở mức cao nhất và có cống tháo nước ở đáy bể. Quanh bể nên để khoảng đất có bóng mát và bắc cầu cho ba ba từ bể lên bờ.

Bể nuôi baba được xây dựng bằng gạch và xi măng

2. Thả giống:

Trước khi thả giống phải dọn bể. Cần chọn những con giống khỏe, ngoại hình hoàn chỉnh, không bị xây xát… Con giống tốt nhất có trọng lượng 100g/con trở lên. Nên thả con giống có cùng cỡ và thả vào khoảng thời gian từ tháng 2 – 3 dương lịch.

3. Mật độ nuôi:

Con giống có trọng lượng từ 50 – 100g, thả 10 – 15 con/m2. Con giống có trọng luợng khoảng 200g thì chỉ thả 4 – 7 con/m2.

4.Thức ăn:

Bệ, máng đựng thức ăn phải được đặt ổn định, chìm dưới nước 20 cm. Trước khi cho ba ba ăn phải dọn bệ, máng sạch sẽ. Thức ăn phải vừa cỡ miệng ba ba, chủ yếu là động vật như giun, ốc, hến… Lượng thức ăn hàng ngày cung cấp cho ba ba khoảng từ 5 – 8% trọng lượng ba ba có trong bể.

5. Chăm sóc:

Phải đảm bảo yên tĩnh, hạn chế việc tháo nước và đánh bắt gây hoảng sợ cho ba ba. Nước bể phải luôn sạch, không để bị thối bẩn. Nuôi vào mùa đông cần có biện pháp chống rét cho ba ba như dâng cao mực nước, thả bèo tây (lục bình)…

III, Một số chú ý khi nuôi baba trong bể xi măng

Khi nuôi baba trong bể xi măng bà con cần chú ý những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng sau:

– Thức ăn của ba ba chủ yếu là động vật (sống hay đã chết) như: giun, ốc, hến, chua, cá, mỡ trâu bò, ruột, sà lách… phế phẩm các lò mổ…

– Thức ăn phải vừa cỡ miệng ba ba, cho ăn đều. Có thể chủ động gây thức ăn bằng cách nuôi cách nuôi cá mè, rô phi, ốc vặn v.v…

– Chế biến thức ăn tổng hợp từ chất bột, cám bột cá,bột đậu tương sao cho đạm tổng số 40 – 43%.

– Không dùng bột cá mặn hay cá tép đã ướp mặn.

– Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5 – 8% trọng lượng ba ba có trong bể. Trước khi cho ăn phải dọn sạch sàn bệ, máng cho ăn.

– Điều chỉnh thức ăn theo thời tiết để tránh bị lãng phí ảnh hưởng đến chất nước. Ba ba ăn khỏe, hoạt động mạnh khi nhiệt độ nước từ 22 – 32 độ C, trên 35 độ C ít ăn hoặc ngừng ăn, dưới 12 độ C ngừng ăn.

– Nuôi ba ba ở miền Bắc cần chú ý, trước khi vào mùa đông cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và có độ béo cao như mỡ trâu, mỡ bò… để nó tích lũy mỡ dùng trong mùa đông.

Với các hộ nuôi ba ba để kinh doanh thì việc nuôi ba ba trong bể xi măng là một lựa chọn tối ưu giúp việc kinh doanh đạt hiệu quả và năng suất cao.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Lên Cao Phong ăn cam tận vườn

Huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đang trong vụ cam với những cây sai trĩu, nhìn thích mắt, ăn đã miệng.

Vào chính vụ, đâu đâu ở Cao Phong cũng tràn trong sắc vàng, đỏ của cam

Nằm cách Hà Nội 100 km, dọc theo quốc lộ 6, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) nức tiếng khắp cả nước với các giống cam tươi mát, ngon ngọt. Mất chưa đầy hai tiếng đi ôtô từ Hà Nội, bạn đã có mặt ở vùng đất điểm sắc vàng ngọt lịm của cam. Dọc hai bên đường ở thị trấn Cao Phong có rất nhiều sạp bán cam cho khách đi đường, tuy nhiên cam không được tươi và có thể đã bị trộn các giống cam khác. Vì thế chỉ cần chịu khó đi vào các đường nhánh bên trong, bạn sẽ tìm được các vườn cam bạt ngàn được trồng trên sườn đồi, tha hồ thưởng thức ngay tại vườn cũng như mua mang về làm quà.

Không phải đến bây giờ cam Cao Phong mới xuất hiện nhưng người tiêu dùng Việt ngày càng mất niềm tin vào các loại hoa quả nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc nên trái cây rõ nguồn gốc xuất xứ trở nên được ưa chuộng. Các vùng trồng cam nổi tiếng ở miền Bắc như Hà Giang, Từ Liêm (Hà Nội), Cao Phong (Hòa Bình), Văn Giang (Hưng Yên) mấy năm trở lại đây còn không đủ hàng để cung ứng cho thị trường trong nước. Các giống cam cũng được trồng chọn lựa và chất lượng hơn để đáp ứng nhu cầu cao của các khách hàng khó tính.

Cam lòng vàng ít hạt, mọng nước, ăn một lần là mê

Anh Chiến, chủ của một vườn cam ở khu 6, thị trấn Cao Phong cho biết, vườn nhà anh có hơn 200 gốc cam, mỗi năm thu hoạch trung bình từ 12 đến 15 tấn quả. Cam Cao Phong bắt đầu chín từ tháng 8 âm lịch và kéo dài tới sau Tết mới hết vụ.

Có tới 6-7 giống cam được trồng ở đây, bao gồm cam Canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam Xã Đoài… Trong đó cam lòng vàng và cam Canh được ưa chuộng hơn cả vì mọng nước và có vị ngọt đậm đà, đồng thời giá cũng cao hơn so với các loại khác từ 5.000 đến 15.000 đồng mỗi kg.

Trung bình một cân cam mua ngay tại vườn có giá khoảng 35.000 – 50.000 đồng, tùy loại. Về Hà Nội, cộng thêm phí vận chuyển, dịch vụ, giá sẽ độn lên khoảng 45.000 – 70.000 đồng mỗi kg. Vậy nên nếu vừa muốn đi chơi một chuyến, vừa muốn mua được cam giá hợp lý, tươi, sạch, nhiều người đã chọn lên tận vườn. Chỉ cần mua từ chục cân trở lên là có nhiều chủ vườn niềm nở, dễ tính sẽ tiếp đón bạn.

Nhiều bạn trẻ ham du lịch lại “máu” kinh doanh đã chọn Cao Phong là địa điểm thường xuyên lui tới. Ở đây vừa có đồng mía vừa có vườn cam, đi lại không tốn nhiều thời gian, di chuyển và chơi trong ngày thoải mái. Tuy nhiên, lưu ý là đường từ Hà Đông lên Hòa Bình nhiều đoạn đang làm, đi bằng ô tô sẽ an toàn và đỡ bụi hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thương hiệu cam Cao Phong tạo nên giá ổn định cho thị trường

Đã vài năm trở lại đây, nhắc tới thương hiệu “cam Cao Phong”, người tiêu dùng đều tin tưởng về chất lượng bởi quả cam ngọt, có vị riêng và thương hiệu này đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cam lòng vàng tại thị trấn Cao Phong

Cam vàng quốc lộ 6

Chúng tôi đi dọc tuyến đường từ thành phố Hòa Bình vào địa bàn huyện Cao Phong, bắt đầu từ đỉnh dốc Cun (xã Thu Phong) cho đến xã Bắc Phong, thị trấn Cao Phong, Tây Phong… trải vàng 2 bên đường là màu cam chín vàng rực.

Ngay tại thị trấn Cao Phong sầm uất, từ quốc lộ 6 rẽ các tuyến đường vào các xã của huyện, chỉ chưa đầy 100 m đã thấy trước mắt là bạt ngàn cam. Có lẽ vì thế mà khách du lịch và người qua đường vẫn gọi vui đây là “phố cam”. Cảm giác dễ chịu, thích thú đầu tiên của du khách khi vào vùng cam đó là các tuyến đường đã được đầu tư cứng hóa, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại cũng như thăm quan, du lịch.

Theo ông Khương Xuân Lịch (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), toàn bộ thị trấn Cao Phong có khoảng 800ha diện tích trồng cây có múi, chủ yếu là trồng cam. Năm 2017, diện tích cho quả khoảng 15.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái do diện tích thu hoạch và trống mới đã tăng lên. Theo ông Lịch, năng suất cam tại thị trấn khoảng 30 tấn/ha.

“Mặc dù năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, thị trấn giảm khoảng 20 tấn nhưng nhìn chung sản lượng vẫn ổn định, đặc biệt là giá không có nhiều chênh lệch lớn. Giá cam canh khoảng 25-30.000 đồng/kg, trong khi giá cam lòng vàng cắt tại vườn cũng ổn định ở mức trên 20.000 đồng/kg. Tính trung bình, mức thu nhập của người dân trồng cam năm nay khoảng 51 triệu đồng/người”, ông Lịch nói.

Về thông tin hiện nay việc tiêu thụ cam đang chậm hơn so với mọi năm, chất lượng quả cam không được như những năm trước. Ông Lịch cho biết: “Đúng là năm nay sản lượng cam lớn hơn năm ngoái, nhiều hơn khoảng 3.000 tấn nhưng không có chuyện cam Cao Phong “vỡ trận” hay giá thấp mà trái lại, vẫn ổn định bởi thương hiệu cam Cao Phong đã được người tiêu dùng tin tưởng”.

Minh chúng cho điều này, ông Lịch đưa ra dẫn chứng còn tới 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán cổ truyền nên cơ hội bứt phá và đầu ra cho trái cam vẫn còn nhiều cơ hội. Hơn nữa, các nhà vườn mới chỉ thu hoạch khoảng 40% sản lượng, nhiều giống cam vẫn còn chưa thu hoạch. Đặc biệt, sau 1 năm thực hiện tiêu chuẩn Vietgap, quả cam được dán nhãn QR truy xuất nguồn gốc và được kiểm định chất lượng nên người tiêu dùng hoàn toàn tiếp tục tin tưởng vào chất lượng của quả cam Cao Phong năm nay.

Thương hiệu tạo nên giá ổn định

Chúng tôi tới hàng cam Hương Đồng của chị Lê Thị Hương (có địa chỉ tại  số 136, tiểu khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) khi cửa hàng đang tấp nập đón các đoàn thăm quan vườn cam, vừa kết hợp du lịch trải nghiệm, vừa mua sản phẩm cam Cao Phong.

Chị Hương cho biết, trung bình một ngày gia đình chị bán được khoảng 2-3 tấn cam. Dù mới trải qua một tháng thu hoạch nhưng gia đình chị đã bán được khoảng 100 tấn, nhiều hơn hẳn so với các gia đình khác.

Người mua cam có thể mua tại cửa hàng của gia đình hoặc cắt trực tiếp tại vườn cam. “Gia đình tôi có khoảng 10ha, trong đó 8ha đang thu hoạch, chủ yếu tập trung là cam lòng vàng và V2. Giá bán tại cửa hàng là 30-35.000 đồng/kg. Một số khách hàng bảo tại sao tôi bán giá cao hơn so với các nơi khác, tôi giải thích việc cam Cao Phong đã có thương hiệu, giá cam ổn định qua các năm và không chấp nhận việc bán thấp hơn giá đã niêm yết. Chúng tôi cam kết nếu chất lượng quả cam không đúng sẽ đền bù cho khách hàng”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, quả cam Cao Phong ngon là cam có sắc màu đỏ thẫm hoặc vàng tươi, mọng nước. Quả cam ăn ngon, ngọt còn bởi gia đình đã chú trọng đầu tư từ nhiều năm nay như bón cam bằng đậu tương nghiền nhỏ, tưới cam bằng nước ủ cá sông Đà từ 6-8 tháng…

Chị Hương nói thêm: “Gia đình tôi bán và trồng cam đã nhiều năm tại khu vực đã có chỉ dẫn địa lý về cam Cao Phong nên người mua hoàn toàn tin tưởng về chất lượng và nguồn gốc. Giá cả là một phần chứ chất lượng quả cam mà không đúng như cam kết thì người mua sẽ không quay lại với mình nữa”.

Phát triển lâu dài

Trước việc sản lượng cũng như diện tích trồng cam tăng nhanh tại Cao Phong, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cương (Giám đốc Hợp tác xã Hà Phong) về hướng phát triển lâu dài cho quả cam tại địa phương.

Cam lòng vàng nặng trĩu phủ đầy thị trấn Cao Phong

Ông Cương cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản cam, dự kiến khoảng tháng 8/2018 sẽ đưa vào hoạt động, sẽ thu mua khoảng 20-25.000 tấn cam để phục vụ dây chuyền hoạt động, chiếm khoảng 1/2 sản lượng cam toàn huyện Cao Phong”.

Ông Cương cho biết, mục tiêu của nhà máy chế biến và bảo quản cam Cao Phong là có nhiều sản phẩm từ quả cam như hoa quả khô, tinh dầu, thậm chí rượu cam sau khi Hợp tác xã đã có quá trình học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương đã thành công. Ngoài ra,  quá trình bảo quản hoàn toàn nguyên sơ quả cam tại các kho đông lạnh sẽ giúp việc bán cam quanh năm sau khi đã kết thúc niên vụ.

“Hiện chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thành công việc bảo quản cam và thúc đẩy tiến độ hoàn thành nhà máy sớm hơn dự kiến để đưa vào hoạt động. Trong tương lai không xa, việc tiêu thụ cam tại Cao Phong sẽ được tập trung và có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ người nông dân trồng cam yên tâm đầu ra cho nông sản này”, ông Cương nói.

Trao đổi với PLVN , ông Hồ Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong) cho biết: “Thương hiệu cam Cao Phong vài ba năm trở lại đây đã có chỗ đứng trên thị trường và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Thành quả đó là nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân huyện Cao Phong đã nhiều năm. Dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cam nhưng cam Cao Phong vẫn có giá bán ổn định, chất lượng bảo đảm là điều kiện tiên quyết giữ vững thị trường”.

Theo ông Dũng, người mua cam nên mua sản phẩm cam Cao Phong tại các khu vực có chỉ dẫn địa lý gồm thị trấn Cao Phong, các xã Thu Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Tây Phong cho 4 giống cam gồm CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh để có thể an tâm về chất lượng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mùa vàng cam Cao Phong

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), mặc dù đợt mưa lũ làm ngập một số diện tích cam, quýt ở ven suối, vùng trũng nhưng niên vụ 2017 – 2018 sản lượng tăng, giá ổn định.

Cam Cao Phong tiếp tục giữ uy tín và thương hiệu trên thị trường

Toàn huyện hiện có 2.835,6 ha cây ăn quả có múi, trong đó cây cam 1.652,84 ha, cây quýt 814,86 ha. Diện tích cây trong thời kỳ kinh doanh 1.234,6 ha, năng suất bình quân đạt 25 – 30 tấn/ha, dự kiến sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. So với niên vụ 2016 – 2017, tăng cả diện tích cam, quýt thời kỳ kinh doanh và sản lượng, giá cả giữ ổn định. Tính đến đầu tháng 11/2017, nhân dân trong huyện đã thu hoạch khoảng 105 ha các loại, với giá bình quân từ 20.000 – 22.000 đồng/kg tại vườn.

Để đảm bảo giữ vững thương hiệu, uy tín, chất lượng cam Cao Phong, huyện đã phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp tổ chức 20 cuộc hội thảo về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả cho các nhà vườn. Là người vừa trực tiếp trồng, kinh doanh cam, chị Nguyễn Thị Loan ở khu 2, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Chúng tôi ý thức được rằng chỉ có chất lượng ngon, sạch mới giữ được thương hiệu và uy tín cam Cao Phong. Điều này quan trọng hơn khi ngày càng có nhiều loại quả có múi ở các vùng khác trên thị trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, chúng tôi áp dụng đúng quy trình sản xuất đã ban hành.

Áp dụng cách chăm sóc cam hoàn toàn tự nhiên như ngâm ủ đậu nành, dùng viên ép cá con để tưới đã đem đến cho sản phẩm cam Cao Phong những uy tín trên thị trường. Hiện cam, quýt Cao Phong đã được trồng rải vụ, mỗi loại chín vào thời điểm khác nhau, từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau. Nhiều cửa hàng đã thực hiện niêm yết cụ thể về giá, thời gian thu hoạch, khách có thể mua trực tiếp, đặt cam qua điện thoại.

Để bảo vệ, phát huy chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. BCĐ đã tham mưu UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp. Ông Phạm Văn Thụy, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng, Phó BCĐ cho biết: Huyện đã ban hành mẫu bao bì cam Cao Phong chuẩn áp dụng chung trong toàn huyện từ niên vụ 2017 – 2018. Các nhà vườn sử dụng và ghi tên để truy xuất nguồn gốc. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho một số cá nhân và tập thể sản xuất cam trên địa bàn.

Phát động thực hiện phương châm “Người Cao Phong chỉ bán cam Cao Phong”, BCĐ đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về việc sử dụng bao bì sản phẩm, ý nghĩa của việc giữ vững, phát huy chỉ dẫn địa lý. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hộ kinh doanh cam, kiên quyết đấu tranh chống gian lận cam nơi khác trà trộn. Tổ chức cho các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết sản xuất cam an toàn và kinh doanh đúng cam, quýt Cao Phong. Khi hết vụ, UBND huyện ban hành văn bản thông báo để nhân dân và người tiêu dùng nắm rõ. Huyện cũng tổ chức lễ hội cam Cao Phong lần thứ 3 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2017 để tiếp tục quảng bá cho sản phẩm đặc trưng của huyện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Lòng vàng – giống cam đệ nhất thủ phủ cam Hòa Bình ngon ra sao?

Cao Phong (Hòa Bình) được coi là thị trấn có nhiều tỷ phú nhất ở đất Tây Bắc nhờ phát triển nghề trồng cam Cao Phong.

Cây cam đã mang lại sự đổi đời cho người dân nơi đây, đặc biệt là giống cam lòng vàng đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong nổi tiếng khắp cả nước.

Màu nám đặc trưng của cam lòng vàng

Cam lòng vàng là giống cam chín sớm. Vào khoảng từ giữa tháng 9, khi các giống cam khác ở huyện Cao Phong mới ngả sang màu vàng nhạt thì cam lòng vàng đã được thu hoạch. Không chỉ cho thu hoạch rất sớm – thời điểm bán được giá mà cam lòng vàng còn là giống cam có sức sống khỏe nhất, chống chịu được được sâu bệnh, giữ được quả trên cây lâu mà không bị khô, hay mất nhiều nước.
Cam lòng vàng chất lượng thơm, ngon được người tiêu dùng ưa chuộng nên nó luôn là giống cam được bà con nông dân ở Cao Phong lựa chọn trồng. So với các vùng cùng trồng giống cam lòng vàng khác ở miền Bắc, cam lòng vàng trồng trên đất Cao Phong luôn cho chất lượng hảo hạng. Năm nay, giá cam có xuống đôi chút so với năm ngoái nhưng nhà nào trồng cam lòng vàng thì vẫn cầm chắc phần thắng.
Gia đình bà Ngô Thị Na ở xóm Dệ 2, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có vườn cam lòng vàng đẹp nhất xứ Mường. Trên diện tích 5.000m2 mà bà trồng được 300 cây cam. Mỗi cây cam cho thu từ 2-3 tạ quả. Với giá bán thấp nhất từ 20-23 nghìn đồng/1kg, dự kiến vụ cam năm nay bà Na thu được tỷ đồng.
Cam lòng vàng có màu sắc bắt mắt, khi chín ăn ngọt đậm đà
Gặp ông Tạ Đình Đào – vua cam đất Mường hỏi về chuyện này, ông Đào cười tủm và nói đầy ẩn ý: Đúng là người trồng cam bây giờ thu tiền rất nhiều nhưng để có được vùng cam mở rộng như ngày nay, những người đặt nền móng trồng cam ở đất Cao Phong đã trải qua bao gian nan. Thế hệ ông Đào là những công dân miền xuôi đầu tiên đặt chân lên khai phá nông trường cam này vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Khi đó cả vùng đất rộng lớn này là rừng lau, rừng luồng. Các công nhân nông trường đã hy sinh cả tuổi đời thanh xuân của mình mới tạo nên được một vùng cam đẹp và giàu có như ngày nay.
Một điều mà ông Đào tâm đắc là giống cam lòng vàng luôn đạt năng suất cao từ 50-70 tấn/ha, thời vụ thu dài 3 tháng (10 -12). Giống cam này luôn giữ giá và góp phần đưa cam Cao Phong đi xa hơn.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Đua nhau trồng, cam Cao Phong mất giá mạnh

Giá cam sành ở ĐBSCL có loại chỉ còn 4.000-6.000 đồng/kg, giảm 1/3 giá so với năm ngoái. Trong khi đó, tại thủ phủ cam Cao Phong, các chủ vườn cho biết giá cam cũng đang giảm mạnh do người dân ồ ạt trồng, cam lại được mùa khiến cung vượt cầu.

Giá cam Cao Phong đang giảm do nguồn cung dồi dào

Theo Bộ NN-PTNT, nửa cuối tháng 11, người dân ĐBSCL đang thất thu lớn vì giá cam sành tại các tỉnh này giảm 1/3 so với năm ngoái. Cụ thể, giá cam loại 1 thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg; các loại còn lại dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg, tức giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước.

Các nhà vườn ở ĐBSCL cho biết, chi phí trồng mỗi 1ha cam sành hết khoảng 500-700 triệu đồng. Trong khi, với mức giá bán hiện tại, họ đang thua lỗ nặng, đặc biệt là những vườn mới cho quả trong năm nay.

Nguyên nhân khiến giá cam sành giảm, theo các thương lái và nhà vườn, là do sản lượng cam sành quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu nên giá giảm thê thảm.

Tương tự, tại thủ phủ cam Cao Phong (Hòa Bình), sau mấy năm được mùa, nông dân trồng cam trúng lớn thì năm nay, giá cam tại địa phương này lại quay đầu giảm mạnh.

Anh Bùi Văn Khánh, ở thị trấn Cao Phong, chia sẻ, mùa cam năm nay, số lượng thương lái đến tận vườn cắt không giảm, nhưng giá cam lại hạ xuống đôi chút. Nếu cuối năm ngoái, giá cam lòng vàng cắt tại vườn có giá 28.000-30.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 20.000 đồng/kg. Giá cam bán lẻ trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với mức 40.000-50.000 đồng/kg của năm ngoái.

Một số nhà vườn chia sẻ, nguồn cung đang vượt cầu do người dân ồ ạt mở rộng diện tích khiến giá cam giảm.

Ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết, mặc dù trải qua trận lũ lịch sử nhưng cam năm nay ở huyện Cao Phong vẫn được mùa và có chất lượng ổn định. Theo đó, giống cam lòng vàng cho thu hoạch sớm nhất trong các giống cam trồng ở Cao Phong. Đây cũng là giống cam ngon đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong nổi tiếng.

Ngoài cam ở Cao Phong, năm nay, ở Hòa Bình còn có thêm diện tích cam được trồng tại huyện Lạc Thủy và Kim Bôi. Với sản lượng khá dồi dào, giá cam có giảm chút ít. “Nhưng không có chuyện cam Cao Phong sắp ‘vỡ trận’ vì sản lượng quá cao, không tiêu thụ hết”, ông Tiệp khẳng định.

Theo thống kê của UBND huyện Cao Phong, tổng diện tích cây có múi của toàn huyện là trên 2.800ha, trong đó riêng cây cam là 1.652ha, ước tính cho 33.000 tấn quả. So với năm 2010, diện tích cam ở Cao Phong đã tăng gấp 4 lần.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các đặc tính chung của cam Cao Phong

Cam Cao Phong là các giống cam có nguồn gen quý, phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù nên có chất lượng tốt. Được trồng tại khu vực sản xuất chủ yếu ở dạng đồi núi thấp với độ cao khoảng 300m so với mực nước biển.

Đặc tính của sản phẩm

Cam là loại cây ăn quả có cùng họ với bưởi, có tên khoa học là Citrus sinensis. Nó có quả nhỏ hơn quả bưởi, vỏ mỏng, khi chín thường có màu da cam, có vị ngọt hoặc hơi chua. Quả cam có vị biến đổi từ ngọt đến chua, chứa vitamin A, canxi và chất xơ.

Cam Cao Phong là các giống cam có nguồn gen quý, phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù nên có chất lượng tốt. Được trồng tại khu vực sản xuất chủ yếu ở dạng đồi núi thấp với độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, tầng đất canh tác dày, thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng cao, cùng với đó là khí hậu ôn hòa, nhiệt độ thấp hơn các nơi khác từ 3 – 4 độ C.

Đặc tính cảm quan của quả cam Cao Phong

Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm quả cam bao gồm 4 giống cam là cam CS1 (cam lòng vàng), cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh.

Các đặc tính của cam

Cam CS1 Cao Phong có hình dáng là hình cầu đều, vỏ quả nhẵn, màu vàng đậm, túi tinh dầu lộ rõ, tép quả màu vàng đậm và mọng nước, vị ngọt đậm và thơm đặc trưng.

Cam Xã Đoài lùn Cao Phong có quả hình cầu đều, mọng nước, màu vàng cam, vỏ nhẵn và túi tinh dầu lộ rõ, tép múi mày vàng nhạt, vị ngọt và mùi thơm.

Cam Xã Đoài cao Cao Phong có quả hình cầu đều hơi lồi về cuối, màu vàng cam, nhẵn, túi tinh dầu nhìn rõ, tép màu vàng nhạt, vị ngọt, mọng nước và thơm.

Cam Canh Cao Phong có quả hình cầu dẹt, vỏ nhẵn, mỏng và mọng nước, vỏ quả màu vàng, túi tinh dầu nhìn không rõ, ít hạt, vách múi dai nhưng dễ tan và ít xơ bã, vị ngọt mát.

Các đặc điểm cụ thể khác của cam Cao Phong

Một số đặc tính cảnh quan của cam Cao Phong

Đặc tính hóa lý của quả cam Cao Phong

Cam Cao Phong có độ Brix cao thể hiện ở đặc điểm cảm quan mọng nước, ít xơ bã hơn, mùi thơm mạnh, ngoài ra các chỉ tiêu khác cũng thể hiện rất cụ thể, bao gồm:

Đặc tính hóa lý của quả cam Cao Phong

Đặc tính sinh học về giống cam Cao Phong

Cam là cây được trồng rộng rãi ở những nơi có khí hậu ấm áp. Các loại cam nói chung không chịu được điều kiện giá rét. Citrus reticulata là loài chịu rét tốt nhất tới -10 độ C trong thời gian ngắn, nhưng cần nhiệt độ không dưới -2 độ C để có thể phát triển được. Một số giống lai ghép có thể chịu được nhiệt độ dưới 0 °C nhưng không thể tạo ra quả có chất lượng. Loài cam đắng Trung Quốc (Poncirus trifoliata) có thể chịu được nhiệt độ dưới -20 độ C nhưng quả rất đắng.

Đa số các loài cam ưa các điều kiện môi trường nhiều nắng, ẩm ướt với đất tốt và lượng mưa hay lượng nước tưới đủ lớn. Mặc dù có tán lá rộng, nhưng cam là cây thường xanh và không rụng lá theo mùa, ngoại trừ khi bị ép. Cam nở hoa vào mùa xuân và tạo quả chỉ một thời gian ngắn sau đó. Quả bắt đầu chín vào mùa thu hay đầu mùa đông, phụ thuộc vào các giống được trồng, cũng như gia tăng độ ngọt sau đó.

Đặc tính sinh học của các giống cao Cao Phong được cụ thể như sau:

Đặc tính sinh vật học của các giống Xã Đoài cao, Xã Đoài lùn và CS1

Giống cam Xã Đoài được di thực và trồng tại Cao Phong từ trước năm 1963, trong quá trình sinh trưởng và phát triển đã phân hóa thành các kiểu dòng khác nhau: CS1, Xã Đoài lùn và Xã Đoài cao.

Cam CS1 “Cao Phong” được sản xuất từ cây giống cam Xã Đoài phục tráng và lai tạo lại, có tính trạng mới hoàn toàn so với giống gốc: Ngọt hơn, vỏ quả và tép màu vàng đậm (giống gốc màu vàng cam) và chín sớm hơn. Vì vậy, cam CS1 còn có tên gọi khác là cam lòng vàng.

Lá là đặc điểm sinh học đặc thù để phân biệt các giống cam Cao Phong với giống gốc. Đặc trưng lá của các giống Xã Đoài như sau: dài 8,5 – 8,7 cm, rộng 3,9 – 4,2 cm, có 5 – 7 đôi gân lá, cuống dài trung bình 1,0 – 1,3 cm, phiến không có eo, mép có răng cưa, mút sắc nhọn, lá non màu xanh nhạt và khi trưởng thành có màu xanh đậm.

Lá của giống CS1 mỏng hơn 2 giống trên (bảng sau)

Đặc điểm lá của các giống cam Xã Đoài “Cao Phong”

Thân cây có dạng thẳng đứng, không có gai, góc phân cành rộng, tán cây hình chỏm cầu, mật độ cành dày. Chiều cao cây của các giống như sau: CS1 (4,69 ± 0,15m); Xã Đoài lùn (4,45 ± 0,11m) và Xã Đoài cao (5,01 ± 0,22). Chu vi gốc, đường kính tán giữa các giống trên không có sự khác nhau.

Hoa của cam dạng đơn và chùm, mọc ở nách lá và cuối ngọn cành. Hoa có 5 cánh, màu trắng, cánh dạng phẳng. Bao phấn hình elip, màu vàng (trên 4 nhị/hoa). Hoa dài 2,3cm, rộng 0,8cm, cuống hoa dài 1,3cm.

Chu kỳ sinh trưởng của các giống cam có sự khác nhau, đặc biệt là thời vụ thu hoạch quả, cụ thể như sau:

Chu kỳ sinh trưởng của các giống cam Cao Phong

Đặc tính sinh vật học của giống cam đường canh

Sản phẩm cam Canh “Cao Phong” được sản xuất từ giống cam Canh, một giống tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam, có nguồn gốc tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ngày xưa, cam canh còn có tên gọi khác là cam ngự hay cam vua. Giống cam canh được trồng tại huyện Cao Phong từ năm 1963.

Lá của cam canh Cao Phong có mép gợn sóng dài, đuôi nhọn và dài (gần như không có eo lá). Thân cây có đặc điểm ít gai hoặc không gai, phân cành mạnh, cành nhỏ.

Cam Canh ra hoa vào tháng 2 đến tháng 3, mùa vụ thu hoạch từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 2 năm sau.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Công nghệ tưới mới cho vùng cam Cao Phong

Giải pháp tưới cam đang được áp dụng phổ biến là tưới nước dí vào gốc và một số diện tích tưới phun mưa kết hợp áp lực cao.

Công nghệ tưới mới cho vùng cam Cao Phong

Công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ tạo đà thúc đẩy sự phát triển của vùng cam Cao Phong
Trước thực trạng khan hiếm nước tưới cho vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), đặc biệt là những ngày nắng hạn, công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ là một trong những cứu cánh quan trọng để phát triển vùng cam nổi tiếng khắp cả nước này.

Vùng cam hồi sinh

Từng làm việc tại nông trường cam Cao Phong một thời gian dài, ông Vũ Đình Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Cao Phong, chia sẻ: Cách đây 60 năm, cây cam đã thống trị vùng đất Cao Phong. Không chỉ người Việt tấm tắc, mà dân Liên Xô cũ cũng xuýt xoa.

Năm 1976, cả huyện gom được 3.000 tấn cam (chủ yếu do nông trường Cao Phong trồng) thì nước ngoài đã nhập một nửa. Một thời huy hoàng thế, nhưng cam là “cây nhà giàu”, thiếu đạm ít hoa, thiếu canxi nứt quả, thiếu kali vỏ dày, múi kẹ…

Có năm, một trận mưa lớn đã phá tan tuông những vườn cam trĩu quả sắp cho thu hoạch chỉ vì người trồng không bón phân cân đối dưỡng chất. Cơ chế quan liêu bao cấp, thị trường dần bị thu hẹp, giá cả bấp bênh đã từng bước “đẽo gọt” diện tích và sản lượng cam Cao Phong.

Song song với đó, việc thờ ơ đầu tư bảo dưỡng, tu bổ và phát triển hệ thống thủy lợi đã khiến những tuyến kênh dẫn nước của vùng Cao Phong bị băm nát. Nước không đủ tưới, vào những ngày nắng hạn, cây khô héo như tàu lá chuối, nhẹ thì giảm năng suất, chất lượng. Nặng thì chết vì khát. Từ đó, diện tích cam giảm đi đáng kể.

Hơn 2 thập kỷ trở lại đây, đi kèm với những tiến bộ về giống, đầu tư thủy lợi, nhu cầu thị trường lớn, công tác tập huấn khuyến nông được đẩy mạnh… vùng cam Cao Phong hồi sinh và phát triển mạnh. Đến năm 2014, diện tích cam, quýt đã lên tới 1.200 ha, trong đó trồng mới gần 200 ha, sản lượng dự kiến đạt 17.000 tấn.

Vườn cam đã trở thành “cây ATM” của nhiều hộ trên địa bàn. Thống kê cho thấy, bình quân 1 ha cam thu gần 600 triệu đồng, trừ chi phí nông dân lãi ròng khoảng 400 triệu. Riêng năm 2013, toàn huyện có trên 160 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Diện tích cam đang ngày càng tăng lên với tốc độ trung bình 10 – 15%/năm.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng cam Cao Phong vẫn chưa thực sự bền vững. Theo Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, do điều kiện địa hình, địa chất của khu vực Cao Phong nằm trên độ cao khoảng 339 m, với địa hình là các quả đồi bát úp chia cắt mạnh. Độ dốc địa hình trung bình 10 – 15o. Điều kiện địa chất chủ yếu là tầng đất đỏ bazan nằm trên nền đá vôi. Vì thế, khả năng giữ nước của đất kém, trữ lượng nguồn nước ngầm tại đây rất thấp, phân bổ ở tầng sâu khó khai thác.

Bên cạnh đó, hệ thống công trình thủy lợi chưa theo kịp với nhu cầu. Nguồn nước tưới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước của hồ Đắc Tra và một số khe suối tự nhiên trong khu vực. Nhu cầu nước tưới cho cam đã vượt quá năng lực của hồ Đắc Tra. Nhiều năm chỉ vào giữa mùa khô trữ lượng nước trong hồ hoàn toàn cạn kiệt. Hệ thống thủy lợi mặt ruộng thì chưa đồng bộ, hầu hết do người dân đầu tư hệ thống máy bơm lấy nguồn cách vườn 1 – 2 km với chi phí rất cao.

Tưới nhỏ giọt, bước chuyển nhảy vọt

Giải pháp tưới cam đang được áp dụng phổ biến là tưới nước dí vào gốc và một số diện tích tưới phun mưa kết hợp áp lực cao. Hai giải pháp tưới này không chỉ gây lãng phí nước mà còn tốn nhân công tưới, khả năng chủ động cấp nước cho cây thấp, gây rửa trôi xói mòn và thất thoát phân bón ra môi trường ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cam.

Từ thực tiễn đó, năm 2005, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nghiên cứu áp dụng tại Cao Phong giải pháp kết hợp giữa công nghệ tưới nhỏ giọt giúp giảm lượng nước cần tưới cho cam và công nghệ thu trữ nước mưa tại các vườn, từ đó giảm được 50 – 60% lượng nước cần thiết phải khai thác từ nguồn thủy lợi hoặc nước mặt tự nhiên.

Nguyên lý cơ bản của công nghệ là sử dụng lợi thế về địa hình của khu vực đất đồi dốc, sử dụng công nghệ xi măng vỏ mỏng xây dựng các bể thu trữ nước mưa. Với giải pháp này, người trồng cam có thể tạo nguồn nước chủ động tại vườn, phù hợp với mọi quy mô canh tác (vài chục m2 đến hàng trăm ngàn ha), quy mô của bể có thể xây dựng từ vài chục đến hàng trăm ngàn m3 nước tùy thuộc vào quy mô canh tác. Bên cạnh đó còn dễ thi công, có thể sử dụng các đội thợ tại địa phương.

Nghiên cứu cho thấy, nhờ hệ thống rãnh thu nước bố trí theo đường đồng mức sẽ giúp giảm 30 – 50% khả năng xói mòn, rửa trôi đất khi có mưa lớn. Trong khi đó, giá thành chỉ rẻ bằng 18 – 25% giá bể truyền thống. Tại Việt Nam, công nghệ tưới nhỏ giọt cũng đã được áp dụng thành công đối với nhiều loại cây trồng trên cả nước.

Vừa tưới cây, vừa bón phân

Hiện nay, một hệ thống đường ống dẫn nước từ trạm bơm ở các hồ chứa tại Cao Phong thường xuyên phải phục vụ cho rất nhiều hộ khác nhau. Vào ban ngày, hộ nào cũng tranh thủ tưới nên phải xếp hàng chờ. Tuy nhiên với hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần vặn mở van, nhà vườn có thể tưới bất kỳ lúc nào, kể cả ngày hay đêm…

Nguyên lý cơ bản của công nghệ là thông qua hệ thống điều khiển trung tâm và cả vòi tưới có điều áp nước được đưa vào từng gốc cây với cùng 1 lưu lượng. Người sử dụng có thể hoàn toàn chủ động lượng nước tưới cho cây cam từ vài lít/gốc đến hàng nghìn lít/gốc trong một lần tưới. Đồng thời thông qua hệ thống tưới có thể bón phân và thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Thu Phong là một trong những khu vực khan hiếm nước nhất của thị trấn Cao Phong. Trước đây, những gia đình trồng cam như ông Đinh Trọng Toàn không dám mở rộng diện tích bởi không lo đủ nước tưới. Từ năm 2007, khi được Viện Khoa học Thủy lợi chuyển giao thử nghiệm 10 công trình thu trữ nước tại khu vực Thu Phong, ông Toàn mừng lắm.

Ông cho biết: Quy mô ban đầu của công trình chỉ có dung tích 50 m3, sau quá trình sử dụng, thấy được hiệu quả của công nghệ, năm 2012 tôi đã đầu tư thêm 90 triệu đồng xây dựng hệ thống trữ nước với quy mô lớn gấp 10 lần để mở rộng diện tích trồng cam. Hiện nay, nguồn nước của hệ thống này đã đảm bảo tưới ổn định cho 4,5 ha cam của gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, một trong những hộ dân đang sở hữu vườn cam rộng nhất thị trấn Cao Phong, sau khi đầu tư xây dựng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam, ông đã chủ động kiểm soát được độ ẩm và chủ động thời điểm tưới cho cây cam. Tiết kiệm được 80% công tưới so với tưới dí gốc. Tiết kiệm được công bón và 50% lượng phân vô cơ cần bón cho cây cam.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cam áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chuyển giao công nghệ, anh Lý Đình Hưng (đội 7, nông trường Cao Phong) đánh giá, điều dễ nhận thấy nhất giữa vườn cam của anh với các vườn tưới tràn sau 1 năm áp dụng tưới nhỏ giọt là cam phát triển đều, mọc chồi khỏe, ít sâu bệnh và ít bị sốc hơn do thường xuyên được giữ ẩm. Tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm 50% lượng nước, mà còn giảm chi phí nhân công, giúp chủ động tưới.

Theo anh Hưng, cam cần rất nhiều nước tưới. Đối với cam trưởng thành đã cho thu hoạch, thời gian tưới vào mùa khô phải kéo dài liên tục từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, cam non chưa cho thu hoạch thường phải tưới dài hơn, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cam Cao Phong được giá, nông dân “nửa mừng nửa lo”

Dù mới vào mùa thu hái nhưng cam Cao Phong năm nay có giá bán khá cao – 40.000 đồng/kg. Theo nhiều người nông dân trồng cam cho biết, giá cam năm nay tăng so với những năm trước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giá thu mua đầu mùa.

Cam Cao Phong đầu mùa đang được bán với mức giá 40.000 đồng/kg

Cam Cao Phong được trồng nhiều tại một số xã vùng núi giáp danh với thị trấn Cao Phong. Những năm trước, cam Cao Phong thường bị thương lái ép giá và thu mua tại vườn ở mức khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên năm nay, giá cam Cao Phong đã tăng lên mức 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, cam loại 1 quả chọn được bán tại vườn với mức giá 50.000 đồng/kg.

Theo những người trồng cam, đợt mưa lũ vừa qua cũng ảnh hưởng đến sản lượng cam Cam Phong. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không lớn, nhìn chung năm nay cao Cao Phong vẫn được mùa.

Tuy nhiên, thời điểm này cam Cao Phong sẽ phải cạnh tranh với cam Hà Giang, cam Tuyên Quang, cam Vinh. So về mức giá, hiện nay, cam Tuyên Quang và cam Hà Giang đang có giá bán chừng 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, cam Vinh cũng là một loại cam đặc sản có mức giá bán tương đương với cam Cao Phong.

Theo ông Nguyễn Văn Chất, xã Dũng Phong (Cao Phong – Hòa Bình) cho biết: Hiện nay, cam Cao Phong đang được quy hoạch, phân vùng để tập trung cho chất lượng cũng như tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

“Từ khi được đăng kí Chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong đã trở thành một trong những nông sản xuất khẩu. Người dân hiện nay phần lớn đã ưu tiên những khu vực đất canh tác thích hợp nhất để trồng cam thay vì trồng mía như trước đây. Nhờ trồng cam, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu”, ông Chất cho biết.

Được biết trước đó, phần lớn người dân của huyện Cao Phong chủ yếu sống nhờ vào cây mía. Từ khi chuyển đổi sang trồng cam kinh tế của người dân đã có phần khởi sắc hơn rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Lan, xã Dũng Phong chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi trồng mía, tuy thu nhập từ cây mía bình quân mỗi năm cũng mang về khoảng vài chục triệu đồng. Nhưng nhà ít người, trồng mía thường đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Và trồng mía phụ thuộc rất nhiều vào việc thu mua từ các nhà máy đường. Từ ngày chuyển đổi sang trồng cam, kinh tế gia đình tôi đã khá hơn. So với trồng mía thì trồng cam một năm cũng mang về cho thu nhập của gia đình hơn 200 triệu đồng”.

Theo bà Lan, năm nay đầu mùa cam Cao Phong thu mua tại vườn đang có mức giá khá cao so với những năm trước – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức giá thu mua đầu mùa. Bởi, giá cam đến khi thu hái chính vụ rất có thể sẽ giảm mạnh vì năm nay sản lượng cam tăng cao.

“Mặc dù đầu mùa giá cao đấy nhưng cũng lo lắm, vì đầu mùa lượng cam chín chưa nhiều, sợ rằng vài ngày nữa thôi cam xuống giá, lúc đó thu hái ồ ạt thì tính ra cũng không ăn thua là mấy. Năm trước, đầu mùa giá cam thương lái họ mua 35.000 đồng/kg. Nhưng sau đó lại xuống mức 25.000 đồng/kg”, bà Lan nói thêm.

Không như những loại cam khác, nếu như vùng đất đồi núi càng cằn, cây cam già đi quả cam sẽ pha vị chua và màu vàng nhạt. Thì Cam Cao Phong khi cây càng về già độ ngọt càng đậm và màu vàng thì không thay đổi. Tép cam to, mọng nước, đều, quả cam tròn mọng.

Tuy nhiên, cam Cao Phong tại thị trường Hà Nội hiện nay cũng đang bị nhái khá nhiều. Theo đó, để chọn được cam Cao Phong chính hãng, anh Phạm Văn Tài (Thị trấn Cao Phong – Hòa Bình), chủ một đại lý thu mua cam cho biết: “Cam Cao Phong so với những loại cam khác có vỏ dày, khi bổ ra có màu vàng đậm, có hạt, mùi rất hấp dẫn, riêng biệt. Trong lòng quả có nhiều các gân trắng chia đều các múi”.

Năm nay, sản lượng cam được mùa và giá bán cao hơn mọi năm

“Chỉ cần lấy móng tay bấm vào vỏ cam, nếu thấy mùi thơm tỏa ra không pha mùi hăng thì đó là cam Cao Phong. Nếu khi bấm móng tay vào quả cam Cao Phong mà móng tay bị ngập sâu thì người dùng không nên mua vì đó là cam còn non, nhiều người thấy đầu mùa được giá nên cam chưa chín đã hái bán”, anh Tài nhấn mạnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

4 giống cam Cao Phong

Ngày 5/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Giống cam chín sớm CS1

Theo đó, 4 giống cam được bảo hộ gồm CS1, cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh. Khu vực địa lý được bảo hộ là thị trấn Cao Phong, các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Thu Phong thuộc huyện Cao Phong.

Hai giống cam Xã Đoài cao và Xã Đoài lùn thực chất là 2 dòng của giống cam Xã Đoài được một linh mục người Pháp quản hạt địa phận xã Nghi Diên (tên nôm là Xã Đoài), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nhập nội vào trồng trong khu nhà thờ của địa phương từ khoảng năm 1920-1930. Tại cuộc thi đấu xảo trái ngon do triều đình Huế tổ chức năm 1937, cam Xã Đoài đã đoạt giải Nhất.

Nhận thấy giống cam Xã Đoài có khả năng thích ứng rộng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái các tỉnh miền Bắc Việt Nam, từ năm 1960 – 1980 Bộ Nông trường (nay là Bộ NN-PTNT) đã đưa giống cam này cùng với 2 giống cam khác là Sông Con và Vân Du vào trồng tập trung với diện tích lớn trong các nông trường quốc doanh, trong đó có Nông trường Cao Phong (Hòa Bình). Sau này Viện Nghiên cứu rau quả đã tuyển chọn và phục tráng 2 dòng Xã Đoài cao thành (quả hình trứng) và Xã Đoài thấp thành (quả hình cầu, thấp thành).

Cam Xã Đoài cao Cao Phong mọng nước, thơm, quả hình cầu đều hơi lồi về cuối. Vỏ quả khi chín có màu vàng cam và nhẵn, túi tinh dầu nhìn rõ. Tép màu vàng nhạt, vị ngọt.

Cam Xã Đoài lùn Cao Phong mọng nước, thơm. Quả có hình cầu đều, màu vàng cam, vỏ nhẵn, túi tinh dầu lộ rõ. Tép múi màu vàng nhạt, vị ngọt.

Cam Canh Cao Phong được di thực từ xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có vỏ nhẵn và mỏng, mọng nước. Quả có hình cầu dẹt, vỏ quả khi chín có màu đỏ gấc, túi tinh dầu nhìn không rõ. Múi ít hạt, vách múi dai nhưng dễ tan, ít xơ bã. Vị ngọt mát.

Cam CS1 Cao Phong là giống cam chín sớm do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi Xuân Mai (Viện Nghiên cứu rau quả) tuyển chọn và trồng khảo nghiệm thành công từ một dòng đột biến của giống cam Xã Đoài trồng tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép phát triển trên diện rộng.

Cam CS1 có vỏ quả màu vàng đậm, tép màu vàng đậm; mùi thơm đặc trưng, mọng nước, vị ngọt đậm. Hình cầu đều, vỏ quả nhẵn, túi tinh dầu lộ rõ.

Ông Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong nhấn mạnh: “Cùng với chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong, huyện đang tập trung chỉ đạo quy hoạch lại vùng trồng để mở rộng diện tích, xây dựng quy trình SX cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thương hiệu “cam Cao Phong” nhằm đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa ra các thị trường trong và ngoài nước”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.