Hòa Bình mở rộng diện tích trồng cây có múi

Với lợi thế về điều kiện tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, thời gian gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng, bước đầu hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác của người dân.

Hòa Bình thúc đẩy phát triển cây có múi

“Thủ phủ” cam Cao Phong

Có thể nói, thời gian gần đây, cây có múi, nhất là cây cam đã và đang khẳng định được thương hiệu, hiệu quả trên đồng đất Hòa Bình. Trong đó, huyện Cao Phong được biết đến là một trong những “thủ phủ” cam ở các tỉnh phía bắc. Riêng năm 2016, sản lượng cam đạt hơn 23.000 tấn, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 25 đến 30 tấn quả, với giá bán từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg người dân thu lãi từ 400 đến 600 triệu đồng/ha.

Là một trong những gia đình trồng cam lâu năm và có kinh nghiệm sản xuất, hiện nay, gia đình anh Nguyễn Đức Thủy (khu 3 thị trấn Cao Phong) nổi tiếng là một trong những tỷ phú nhờ trồng cam. Anh Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cam từ năm 1996, đến nay, đang trồng 10 ha cam, trong đó có 7 ha ở thời kỳ thu hoạch, còn lại 3 ha chuẩn bị cho quả. Vụ cam năm 2016, với 7 ha, gia đình thu khoảng 210 tấn quả, bình quân thu khoảng 780 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về 500 triệu đồng/ha”.

Cũng như nhiều hộ khác, anh Bùi Văn Đồng ở thị trấn Cao Phong, đang mở rộng diện tích trồng cam sau một thời gian canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đồng cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ trồng 1 ha cam, sau một thời gian thấy hiệu quả, nên đã thuê thêm 2 ha để trồng. Hiện nay, 2 ha cam đã bước vào năm thứ 5 và cho bói năm trước được hai tấn quả. Dự kiến năm nay, 2 ha cam sẽ thu khoảng 20 tấn, với giá bán như hiện nay, chắc chắn sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, đến nay diện tích cây có múi trên địa bàn khoảng 6.300 ha, trong đó, diện tích cam là 3.600 ha, bưởi 2.700 ha. Đặc biệt, cây cam hiện có mặt ở hầu khắp các huyện, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều nhất ở Cao Phong. Qua thống kê, bình quân mỗi héc-ta cam đạt năng suất 30 tấn quả, thu nhập từ 650 đến 700 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hiện nay cây bưởi, chủ lực là cây bưởi đỏ cũng đang phát triển mạnh ở huyện Tân Lạc, với thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có những gia đình trồng bưởi đỏ hơn 10 năm, có cây cho thu hoạch khoảng 700 đến 800 quả, giá bán 25.000 đồng/quả, bình quân thu nhập hơn 18 triệu đồng/cây. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 117 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả chủ lực. Đặc biệt, tỉnh triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn… Từ các vùng sản xuất tập trung hình thành các hình thức liên kết sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhằm mục đích trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Điều đáng mừng là hiện nay cây cam, bưởi trên địa bàn Hòa Bình đang được tiêu thụ tốt do nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, về lâu dài cây cam cần có giải pháp thúc đẩy chế biến tại chỗ cũng như tìm hướng xuất khẩu, tránh trường hợp phát triển nhiều sẽ gây bão hòa, cung nhiều hơn cầu gây khó khăn cho tiêu thụ.

Cũng như cam, mặc dù diện tích bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng nhìn chung hầu hết người dân đều trồng tự phát, chưa được tập huấn kỹ thuật; diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giống chưa bảo đảm, kỹ thuật trồng trọt chưa cao, ít có sự hỗ trợ để áp dụng sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP).

Bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây

Bên cạnh đó, việc bảo quản hoàn toàn bằng thủ công; thời gian bảo quản ngắn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao; việc tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp do chất lượng không ổn định, số lượng còn ít, giá trị sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, theo mục tiêu tại Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 29-4-2016 của UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, tỉnh xây dựng vùng sản xuất bưởi đỏ ổn định, tập trung quy mô 2.000 ha; phấn đấu giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm.

Vì vậy để khắc phục tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Đắc Hùng, cần có bộ quy chuẩn quốc gia về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, trong đó chú trọng giống cây ăn quả lâu năm để có cơ sở quản lý giống. Triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt trong sản xuất quả an toàn; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng khu sơ chế sản phẩm có công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm bảo đảm lợi ích người sản xuất, chú trọng liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây ăn quả an toàn, nhất là cây có múi; hỗ trợ, xây dựng mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô tập trung để tạo sản phẩm lớn thu hút thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cao Phong (Hòa Bình): Niềm vui sau mùa quả ngọt

Thời điểm này, các nhà vườn ở huyện miền núi Cao Phong (Hòa Bình) đã bắt đầu bước vào vụ chăm sóc cam mới. Niên vụ 2016 – 2017 vừa qua, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng cam, quýt của toàn huyện đã tăng hơn so với niên vụ trước.

Cam Cao Phong

Cùng với đó, giá thu mua của thương lái trong toàn bộ thời gian thu hoạch cũng tương đối cao và ổn định… Tất cả những điều đó đã mang đến cho người trồng cam ở Cao Phong một mùa quả ngọt với niềm vui no ấm, mạnh giàu…

Nằm ở trung tâm huyện Cao Phong, thị trấn Cao Phong hiện có khoảng trên 700 ha cam, quýt các loại, chiếm hơn 40% tổng diện tích cam, quýt của toàn huyện Cao Phong. Những năm qua, thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình, thị trấn Cao Phong đã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong cho biết: “Để nâng cao sản lượng và chất lượng cây ăn quả, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển diện tích cây ăn quả có múi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc để nâng cao chất lượng. Cùng với việc phát triển cây cam đúng theo quy hoạch, việc giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Hàng năm, 100% số hộ trồng và kinh doanh cam đều được tham gia ký cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh cam, quýt”.

Là hộ có thâm niên trồng cam, ông Tạ Đình Đào, Trưởng khu 5, thị trấn Cao Phong được nhiều người biết đến như là hộ tiên phong trong gắn bó và làm giàu cùng cây cam. Với tổng diện tích trồng cam gần 7 ha, niên vụ quả 2016 – 2017 vừa qua, gia đình ông Đào thu lãi được trên 3 tỷ đồng từ tiền bán cam. Bằng kinh nghiệm nhiều năm với cây cam trên vùng đất này, ông Tạ Đình Đào khẳng định, trồng cam không khó. Nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khi lựa chọn vị trí trồng, lựa chọn cây giống cho đến việc sử dụng phân bón, phòng trừ dịch bệnh…, có như vậy cây cam mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong Nguyễn Hồng Thủy, để có những cây mới, năng suất và hiệu quả cao đưa vào sản xuất đại trà, UBND thị trấn đã phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong liên kết với nhiều viện nghiên cứu, ứng dụng thành công các giống cam, quýt mới có chất lượng quả tốt, năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng Cao Phong. Điển hình như các giống: quýt ôn châu, cam CS1, chanh đào, bưởi đỏ, cam canh, cam V2,… Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý. Từ đó đến nay, giá trị kinh tế từ cây cam mang lại cho người nông dân Cao Phong đã ngày càng tăng lên. Theo thống kê sơ bộ, niên vụ cam 2016 – 2017 vừa qua, thị trấn Cao Phong có khoảng trên 200 hộ đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng, hơn 70 hộ đạt từ một tỷ đồng đến mười tỷ đồng từ việc bán cam, quýt. Thu nhập bình quân của thị trấn đạt 42 triệu đồng/người. Nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, liên kết mở rộng diện tích trồng cam, quýt.

Không chỉ ở riêng thị trấn Cao Phong mà từ khoảng gần chục năm lại đây, diện tích cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung đã được người dân đầu tư phát triển mạnh ra nhiều xã khác của huyện Cao Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết: Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với các biện pháp đồng bộ, cây cam ở Cao Phong đã và đang cho hiệu quả, năng suất chất lượng tương đối cao. Diện tích, sản lượng cam của huyện liên tục tăng qua các năm.

Năm 2010, diện tích cam, quýt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn; năm 2013, diện tích 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn; năm 2014, diện tích 1.200 ha, sản lượng đạt hơn 17.000 tấn; năm 2015, diện tích là 1.500 ha, sản lượng 20.000 tấn. Năm 2016, với diện tich cam, quýt trên 1.700 ha, trong đó khoảng 900 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng trái cây có múi của Cao Phong đã đạt hơn 23.000 tấn. Cây cam đã trở thành cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa; đồng thời cũng là “cây làm giàu” của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn toàn huyện.

Theo thống kê, hiện tại bình quân 1 ha cam, quýt có sản lượng từ 20 – 30 tấn, giá trung bình 25.000 – 30.000 đồng/kg thì giá trị thu nhập của người trồng cam ở Cao Phong cũng vào khoảng từ 600 – 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí các loại, người nông dân vẫn có thể thu lãi khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha/năm. Hàng năm, nguồn thu từ cam của toàn huyện Cao Phong ước đạt khoảng 600 tỷ đồng, con số đáng mơ ước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở một huyện vùng cao.

Được biết, thời gian qua, huyện Cao Phong đã đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa, tổ chức liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng trồng cam. Đồng thời, để nâng tầm giá trị của cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, quýt, các cơ quan chức năng trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa như: cam lòng vàng, cam đường canh, cam V2, cam CS1, bưởi đỏ… gắn với xây dựng các vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một mùa cam mới đang về với những người nông dân ở huyện miền núi Cao Phong. Với định hướng đúng đắn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin tưởng việc đẩy mạnh phát triển cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung sẽ thực sự là hướng đi hiệu quả, giúp nông dân Cao Phong tăng thu nhập, phát triển đời sống.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tỷ phú từ cây cam

Những năm gần đây, Cam Cao Phong (Hòa Bình) đã trở thành thương hiệu lớn trên toàn quốc và là hình mẫu của nhiều địa phương về cách làm giàu từ nông nghiệp, cụ thể là trồng cây ăn quả.

Cam Cao Phong có giá trị dinh dưỡng rất cao

Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, cam trồng càng lâu năm chất lượng càng ngon ngọt. Một hộ gia đình có Vườn cam 300 gốc có tuổi đời trên 10 năm cho biết, với vườn cam này, mỗi năm gia đình này lãi chừng 700 triệu đồng. Có nhiều thương lái đến mua đều phải tự tay cắt từng quả cam trong vườn, do số lượng quả nhiều.

Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Điệp, khu 3, thị trấn Cao Phong (Hòa Bình). Với diện tích 3 ha cam canh, cam V2 và cam lòng vàng, đồng thời tận dùng phần hàng rào trồng chanh đào. Nhờ trồng cam mà đời sống gia đình khấm khá hơn nhiều. Là khách hàng nhiều năm Trung tâm Cây giống Thôn Trang với nguồn giống chất lượng, được tư vấn quy trình chăm sóc hiệu quả, đến nay gia đình anh đã có thu nhập ổn định mỗi năm gần trên 1 tỷ đồng từ cam và chanh.

Dẫn chúng tôi thăm vườn đồi cam mới thấy hết được công sức anh chị trong việc tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật qua thông tin từ Trung tâm Thôn Trang và theo các chương trình khuyến nông, học hỏi từ bà con xung quanh, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm kết hợp với đầu tư cải tạo phân bón, chăm sóc đúng kỹ thuật giúp cây phát triển tốt. Thấm thoát chẳng bao lâu sau vườn cam của gia đình cũng cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Đến nay vườn cam của gia đình chị cũng vào năm thứ 5, chủ yếu là cam canh, cam V2 và cam lòng vàng. Năm 2015 gia đình anh thu khoảng hơn 30 tấn quả cam canh, 30 tấn quả cam lòng vàng với giá 20.000 – 25.000đồng/1kg giá buôn, trừ chi phí cho thu nhập gần 2 tỷ và ngoài ra còn thu được 200 triệu từ chanh đào. Là vùng có thương hiệu nên sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Mỗi vụ thu hoạch là thương lái khắp các tỉnh thành tìm về các vườn để thu mua.

Để vườn cây được xanh tốt anh chị đã đầu tư phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây. Đồng thời giống cây này cũng hay bị bệnh nên chị thường xuyên cập nhất những loại thuốc đặc trị trên thị trường như sản phẩm chất lượng của Apolo, Biovina, Agriseeds mà Trung tâm Thôn Trang để phun nhằm phòng và trị bệnh.

Với sự chịu thương chịu khó, cùng tinh thần luôn học hỏi kèm theo sự tư vấn nhiệt tình, hiệu quả, khoa học của Trung tâm Cây giống Thôn Trang, bước đi của a Điệp là bước đi vững chắc cho việc làm giàu từ cây ăn quả.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thương hiệu cam Cao Phong tạo nên giá ổn định cho thị trường

Đã vài năm trở lại đây, nhắc tới thương hiệu “cam Cao Phong”, người tiêu dùng đều tin tưởng về chất lượng bởi quả cam ngọt, có vị riêng và thương hiệu này đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cam lòng vàng tại thị trấn Cao Phong

Cam vàng quốc lộ 6

Chúng tôi đi dọc tuyến đường từ thành phố Hòa Bình vào địa bàn huyện Cao Phong, bắt đầu từ đỉnh dốc Cun (xã Thu Phong) cho đến xã Bắc Phong, thị trấn Cao Phong, Tây Phong… trải vàng 2 bên đường là màu cam chín vàng rực.

Ngay tại thị trấn Cao Phong sầm uất, từ quốc lộ 6 rẽ các tuyến đường vào các xã của huyện, chỉ chưa đầy 100 m đã thấy trước mắt là bạt ngàn cam. Có lẽ vì thế mà khách du lịch và người qua đường vẫn gọi vui đây là “phố cam”. Cảm giác dễ chịu, thích thú đầu tiên của du khách khi vào vùng cam đó là các tuyến đường đã được đầu tư cứng hóa, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại cũng như thăm quan, du lịch.

Theo ông Khương Xuân Lịch (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), toàn bộ thị trấn Cao Phong có khoảng 800ha diện tích trồng cây có múi, chủ yếu là trồng cam. Năm 2017, diện tích cho quả khoảng 15.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái do diện tích thu hoạch và trống mới đã tăng lên. Theo ông Lịch, năng suất cam tại thị trấn khoảng 30 tấn/ha.

“Mặc dù năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, thị trấn giảm khoảng 20 tấn nhưng nhìn chung sản lượng vẫn ổn định, đặc biệt là giá không có nhiều chênh lệch lớn. Giá cam canh khoảng 25-30.000 đồng/kg, trong khi giá cam lòng vàng cắt tại vườn cũng ổn định ở mức trên 20.000 đồng/kg. Tính trung bình, mức thu nhập của người dân trồng cam năm nay khoảng 51 triệu đồng/người”, ông Lịch nói.

Về thông tin hiện nay việc tiêu thụ cam đang chậm hơn so với mọi năm, chất lượng quả cam không được như những năm trước. Ông Lịch cho biết: “Đúng là năm nay sản lượng cam lớn hơn năm ngoái, nhiều hơn khoảng 3.000 tấn nhưng không có chuyện cam Cao Phong “vỡ trận” hay giá thấp mà trái lại, vẫn ổn định bởi thương hiệu cam Cao Phong đã được người tiêu dùng tin tưởng”.

Minh chúng cho điều này, ông Lịch đưa ra dẫn chứng còn tới 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán cổ truyền nên cơ hội bứt phá và đầu ra cho trái cam vẫn còn nhiều cơ hội. Hơn nữa, các nhà vườn mới chỉ thu hoạch khoảng 40% sản lượng, nhiều giống cam vẫn còn chưa thu hoạch. Đặc biệt, sau 1 năm thực hiện tiêu chuẩn Vietgap, quả cam được dán nhãn QR truy xuất nguồn gốc và được kiểm định chất lượng nên người tiêu dùng hoàn toàn tiếp tục tin tưởng vào chất lượng của quả cam Cao Phong năm nay.

Thương hiệu tạo nên giá ổn định

Chúng tôi tới hàng cam Hương Đồng của chị Lê Thị Hương (có địa chỉ tại  số 136, tiểu khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) khi cửa hàng đang tấp nập đón các đoàn thăm quan vườn cam, vừa kết hợp du lịch trải nghiệm, vừa mua sản phẩm cam Cao Phong.

Chị Hương cho biết, trung bình một ngày gia đình chị bán được khoảng 2-3 tấn cam. Dù mới trải qua một tháng thu hoạch nhưng gia đình chị đã bán được khoảng 100 tấn, nhiều hơn hẳn so với các gia đình khác.

Người mua cam có thể mua tại cửa hàng của gia đình hoặc cắt trực tiếp tại vườn cam. “Gia đình tôi có khoảng 10ha, trong đó 8ha đang thu hoạch, chủ yếu tập trung là cam lòng vàng và V2. Giá bán tại cửa hàng là 30-35.000 đồng/kg. Một số khách hàng bảo tại sao tôi bán giá cao hơn so với các nơi khác, tôi giải thích việc cam Cao Phong đã có thương hiệu, giá cam ổn định qua các năm và không chấp nhận việc bán thấp hơn giá đã niêm yết. Chúng tôi cam kết nếu chất lượng quả cam không đúng sẽ đền bù cho khách hàng”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, quả cam Cao Phong ngon là cam có sắc màu đỏ thẫm hoặc vàng tươi, mọng nước. Quả cam ăn ngon, ngọt còn bởi gia đình đã chú trọng đầu tư từ nhiều năm nay như bón cam bằng đậu tương nghiền nhỏ, tưới cam bằng nước ủ cá sông Đà từ 6-8 tháng…

Chị Hương nói thêm: “Gia đình tôi bán và trồng cam đã nhiều năm tại khu vực đã có chỉ dẫn địa lý về cam Cao Phong nên người mua hoàn toàn tin tưởng về chất lượng và nguồn gốc. Giá cả là một phần chứ chất lượng quả cam mà không đúng như cam kết thì người mua sẽ không quay lại với mình nữa”.

Phát triển lâu dài

Trước việc sản lượng cũng như diện tích trồng cam tăng nhanh tại Cao Phong, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cương (Giám đốc Hợp tác xã Hà Phong) về hướng phát triển lâu dài cho quả cam tại địa phương.

Cam lòng vàng nặng trĩu phủ đầy thị trấn Cao Phong

Ông Cương cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản cam, dự kiến khoảng tháng 8/2018 sẽ đưa vào hoạt động, sẽ thu mua khoảng 20-25.000 tấn cam để phục vụ dây chuyền hoạt động, chiếm khoảng 1/2 sản lượng cam toàn huyện Cao Phong”.

Ông Cương cho biết, mục tiêu của nhà máy chế biến và bảo quản cam Cao Phong là có nhiều sản phẩm từ quả cam như hoa quả khô, tinh dầu, thậm chí rượu cam sau khi Hợp tác xã đã có quá trình học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương đã thành công. Ngoài ra,  quá trình bảo quản hoàn toàn nguyên sơ quả cam tại các kho đông lạnh sẽ giúp việc bán cam quanh năm sau khi đã kết thúc niên vụ.

“Hiện chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thành công việc bảo quản cam và thúc đẩy tiến độ hoàn thành nhà máy sớm hơn dự kiến để đưa vào hoạt động. Trong tương lai không xa, việc tiêu thụ cam tại Cao Phong sẽ được tập trung và có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ người nông dân trồng cam yên tâm đầu ra cho nông sản này”, ông Cương nói.

Trao đổi với PLVN , ông Hồ Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong) cho biết: “Thương hiệu cam Cao Phong vài ba năm trở lại đây đã có chỗ đứng trên thị trường và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Thành quả đó là nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân huyện Cao Phong đã nhiều năm. Dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cam nhưng cam Cao Phong vẫn có giá bán ổn định, chất lượng bảo đảm là điều kiện tiên quyết giữ vững thị trường”.

Theo ông Dũng, người mua cam nên mua sản phẩm cam Cao Phong tại các khu vực có chỉ dẫn địa lý gồm thị trấn Cao Phong, các xã Thu Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Tây Phong cho 4 giống cam gồm CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh để có thể an tâm về chất lượng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Lòng vàng – giống cam đệ nhất thủ phủ cam Hòa Bình ngon ra sao?

Cao Phong (Hòa Bình) được coi là thị trấn có nhiều tỷ phú nhất ở đất Tây Bắc nhờ phát triển nghề trồng cam Cao Phong.

Cây cam đã mang lại sự đổi đời cho người dân nơi đây, đặc biệt là giống cam lòng vàng đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong nổi tiếng khắp cả nước.

Màu nám đặc trưng của cam lòng vàng

Cam lòng vàng là giống cam chín sớm. Vào khoảng từ giữa tháng 9, khi các giống cam khác ở huyện Cao Phong mới ngả sang màu vàng nhạt thì cam lòng vàng đã được thu hoạch. Không chỉ cho thu hoạch rất sớm – thời điểm bán được giá mà cam lòng vàng còn là giống cam có sức sống khỏe nhất, chống chịu được được sâu bệnh, giữ được quả trên cây lâu mà không bị khô, hay mất nhiều nước.
Cam lòng vàng chất lượng thơm, ngon được người tiêu dùng ưa chuộng nên nó luôn là giống cam được bà con nông dân ở Cao Phong lựa chọn trồng. So với các vùng cùng trồng giống cam lòng vàng khác ở miền Bắc, cam lòng vàng trồng trên đất Cao Phong luôn cho chất lượng hảo hạng. Năm nay, giá cam có xuống đôi chút so với năm ngoái nhưng nhà nào trồng cam lòng vàng thì vẫn cầm chắc phần thắng.
Gia đình bà Ngô Thị Na ở xóm Dệ 2, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có vườn cam lòng vàng đẹp nhất xứ Mường. Trên diện tích 5.000m2 mà bà trồng được 300 cây cam. Mỗi cây cam cho thu từ 2-3 tạ quả. Với giá bán thấp nhất từ 20-23 nghìn đồng/1kg, dự kiến vụ cam năm nay bà Na thu được tỷ đồng.
Cam lòng vàng có màu sắc bắt mắt, khi chín ăn ngọt đậm đà
Gặp ông Tạ Đình Đào – vua cam đất Mường hỏi về chuyện này, ông Đào cười tủm và nói đầy ẩn ý: Đúng là người trồng cam bây giờ thu tiền rất nhiều nhưng để có được vùng cam mở rộng như ngày nay, những người đặt nền móng trồng cam ở đất Cao Phong đã trải qua bao gian nan. Thế hệ ông Đào là những công dân miền xuôi đầu tiên đặt chân lên khai phá nông trường cam này vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Khi đó cả vùng đất rộng lớn này là rừng lau, rừng luồng. Các công nhân nông trường đã hy sinh cả tuổi đời thanh xuân của mình mới tạo nên được một vùng cam đẹp và giàu có như ngày nay.
Một điều mà ông Đào tâm đắc là giống cam lòng vàng luôn đạt năng suất cao từ 50-70 tấn/ha, thời vụ thu dài 3 tháng (10 -12). Giống cam này luôn giữ giá và góp phần đưa cam Cao Phong đi xa hơn.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.