Chế phẩm sinh học và thảo dược là tương lai của chăn nuôi

Những sản phẩm này không chỉ giúp tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch.

Giữa bối cảnh có nhiều bê bối về dư lượng hóa chất trong thực phẩm khiến cho con người ngày càng có biểu hiện kháng kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây có thể chữa trị trở nên kháng trị và lây lan thì việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược là tương lai của ngành chăn nuôi, thủy sản.

Đi theo xu hướng ấy, mới đây tại huyện Ứng Hòa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong Chăn nuôi, Thủy sản trên địa bàn Hà Nội”.

 

Các mô hình nổi bật

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, năm 2019, đơn vị đã triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn và 3 dạng mô hình thủy sản là nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, áp dụng công nghệ sông trong ao và nuôi chạch thương phẩm.

Phát biểu của Bà Vũ Thị Hương– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

 

Các mô hình đều hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, Trung tâm đã cấp 50.000 con gà mía 1 ngày tuổi (trong đó ngân sách Thành phố hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% thảo dược (250 lít). Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách dùng thảo dược cho các hộ chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng nuôi, đàn gà khỏe mạnh, lông mượt, mã đẹp, tỷ lệ nuôi sống trung bình 95%, trọng lượng 1,7 – 1,8 kg/con, dự kiến đến lúc xuất bán gà đạt trọng lượng từ 2,1 – 2,2 kg/con. Với giá bán gà thảo dược từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân của 1.000 con gà đạt khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP có quy mô 25ha với số lượng 375.000 con cá chép giống (trong đó hỗ trợ 50%, 50% người dân đối ứng), hỗ trợ 50% thức ăn và 50% chế phẩm sinh học (Aquaclear – S). Sau 5 tháng nuôi, cá trung bình đạt từ 0,7 – 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 81%. Năng suất dự kiến khi thu hoạch đạt hơn 12 tấn/ha, cho lãi 80 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với nuôi thông thường.

Đại diện cho các hộ nuôi thủy sản theo mô hình “Ứng dụng công nghệ sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa, ông Đặng Văn Duân cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi các loài cá truyền thống nhưng năng suất không cao. Môi trường ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi, cá nuôi xuất hiện nhiều bệnh, thậm chí chết hàng loạt gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Với quy mô 1 ha, chúng tôi được hỗ trợ 50% con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học. Đặc biệt, gia đình đã sử dụng chế phẩm sinh học vào việc xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ nhờ đó chúng ăn khỏe, lớn nhanh, đều con và hệ số tiêu tốn thức ăn ít hơn…”.

Bà Vũ Thị Hương khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược góp phần phát triển nền nông nghiệp sạch, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục nhu cầu tiêu dùng.

“Nông nghiệp sạch giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học và thảo dược vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sử dụng chưa đồng bộ và triệt để, giá cả chưa cao, chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng…

Vì vậy, người nuôi cần chú trọng đầu tư chuồng trại, ao nuôi đảm bảo. Các hộ cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về môi trường nuôi, cách kiểm tra các chỉ số môi trường, kỹ thuật nuôi hiện đại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học và thảo dược trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, bà Hương khuyến cáo.

 

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại buổi hội thảo, bàn về giải pháp chăn nuôi bền vững, TS. Vũ Ngọc Sơn – nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn vật nuôi – Viện Chăn nuôi khẳng định, chăn nuôi bền vững là chăn nuôi an toàn sinh học đi đôi với sử dụng hợp lý chế phẩm sinh học.

Nuôi lợn an toàn sinh học

 

Chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi cũng như sự lây lan mầm bệnh của ổ dịch. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giảm lượng kháng sinh, cải thiện môi trường chuồng nuôi sạch sẽ. Từ đó, tạo ra nguồn thực phẩm sạch và an toàn.

Hiện nay, tổng giá trị GDP của ngành nông nghiệp ở Hà Nội chiếm 2,5%. Thu nhập mỗi năm hơn 40 nghìn tỷ. Nông nghiệp có sự chuyển dần sang chăn nuôi với tỷ lệ chiếm 55%. Trên cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi.

Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, còn nhiều vấn đề cần giải quyết như các dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tả châu Phi ở lơn, dịch cúm ở gia cầm… Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Lý giải cụ thể về việc sử dụng chế phẩm sinh học giải quyết các vấn đề không an toàn trong chăn nuôi, TS. Vũ Ngọc Sơn cho rằng: Căn nguyên cơ bản nhất làm vật nuôi giảm sức đề kháng là ô nhiễm tiểu khí hậu chuồng nuôi khiến con vật ngạt thở, dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chuồng nuôi.

Đồng thời, việc sử dụng thuốc thú ý để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi cũng trở thành nguy cơ gây mất an toàn. Theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi chiếm 8 – 10%, trong khi chăn nuôi an toàn chỉ được phép chiếm 2 – 3%. Điều này gây ra sự tồn dư các chất kháng sinh trong thịt vượt mức cho phép. Do đó, sử dụng các hoạt chất sinh học sẽ thay thế dần kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, nếu muốn chăn nuôi sản phẩm hữu cơ, các hộ dân không được sử thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi không sử dụng sản phẩm biến đổi gen, thức ăn có nguồn đạm động vật như bột xương, bột thịt cá…

Hội thảo còn có tham luận của TS. Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Việt Nam về vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học.

TS. Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Chế phẩm sinh học chứa các họa chất tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp vật nuôi khỏe mạnh. Các kháng sinh thảo dược có nguồn gốc tự nhiên như Curcumin (chiết xuất nghệ), Allicin (chiết xuất tỏi, Berberin (cây Hoàng Liên, Hoàng Đằng) có tác dụng ức chế nhiều loại virus. Thay vì áp dụng các phương pháp mạnh như tiêu độc khử trùng bằng hóa chất, kháng sinh thì sử dụng chế phẩm sinh học hướng đến nền chăn nuôi và tiêu dùng an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Danh mục công nghệ hạn chế và cấm chuyển giao trong lĩnh vực nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành công văn đề xuất danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao trong nông nghiệp.

Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao:

I.  Công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

–  Sản xuất các giống cây trồng nhiễm sinh vật gây hại (sậu, bệnh) nặng trong sản xuất.

–  Công nghệ, quy trình sản xuất sử dụng nhiều hóa chất (phân bón, thuốc BVTV hóa học)

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

–  Các giống vật nuôi bản địa.

c) Lĩnh vực Thủy sản

–  Công nghệ máy móc, thiết bị kèm công nghệ sản xuất các loại ngư cụ có tính chọn lọc thấp, có khả năng gây hại môi trường.

–  Công nghệ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản và bảo quản thủy sản.

–  Công nghệ tạo giống thủy sản bằng phương pháp biến đổi gien.

–  Công nghệ chế biến bột cá dạng hở.

d) Lĩnh vực Lâm nghiệp

–  Công nghệ sản xuất ván sợi theo phương pháp ướt.

–  Công nghệ sản xuất trang sức đồ gỗ, lâm sản chứa lưu huỳnh hoặc tồn dư hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hàm lượng cao.

–  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa thạch tín (arsenic).

đ) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật và các lĩnh vực khác.

–  Công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gien trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

–  Công nghệ nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm sử dụng chất bảo quản thực phẩm, chất kích thích tăng trưởng chưa được thử nghiệm độ an toàn.

II. Công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài

a) Lĩnh vực Thủy sản

–  Công nghệ sản xuất giống, nuôi, trồng thủy sản thuộc sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế

b) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sản xuất, nhân giống các loại cây trồng thuộc danh mục quý hiểm hạn chế xuất khẩu

Danh mục công nghệ cấm chuyển giao

a) Lĩnh vực Bảo vệ thực vật:

– Công nghệ nhân, nuôi sinh vật gây hại cây trồng.

– Công nghệ sản xuất phân bón, thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

b) Lĩnh vực Chăn nuôi

–   Các giống vật nuôi, nguồn gien quý hiếm (cấm xuất khẩu).

c) Lĩnh vực Lâm nghiệp

–  Công nghệ sản xuất keo dán gỗ Urea-Formaldehyhe (UF), Melamine Urea-Formaldehyhe (MUF) và Phenol-Formaldehyde có hàm lượng Formaldehyde tự do vượt quá giới hạn (Formaldehyde class > E2).

–  Công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT.

–  Công nghệ sử dụng các loài sinh vật ngoại lai (động vật, thực vật và vi sinh vật) thuộc danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

d) Lĩnh vực Trồng trọt

–  Công nghệ sử dụng các loài vi sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

–  Công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô).

Nguồn: Khuyennongvn.gov.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Cải thiện năng lượng trong trang trại chăn nuôi

Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ năng lượng với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khiến không ít chủ trang trại chăn nuôi tỏ ra lo lắng trước hóa đơn tiền điện hàng tháng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tuy vậy, cũng có không ít cách giải quyết vấn đề này. Dưới đây là 5 biện pháp đơn giản có thể đem lại những lợi ích thiết thực về hiệu quả năng lượng cho các chủ hộ chăn nuôi.

1. Hệ thống thông gió chuồng trại:

Chuồng của các loại vật nuôi khác nhau có những yêu cầu về thông gió rất khác biệt. Một hệ thống thông gió có thiết kế hợp lý và hoạt động ổn định là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng.

– Trước hết, cần lựa chọn những loại quạt có hiệu suất cao, dựa trên tỷ lệ giữa thể tích không gian có gió với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng một điều kiện áp suất. Mặt khác, thay vì phải huy động một số lượng lớn quạt ở mọi vị trí trong chuồng trại, việc sắp xếp vị trí quạt theo kiểu dây chuyền sẽ giúp các chủ trang trại tận dụng được sức gió ở vị trí này cho vị trí khác. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí dành cho việc mua quá nhiều quạt một cách không cần thiết, mở rộng không gian chuồng trại và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số quạt có bệ đỡ xung quanh trang trại cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng quạt.

– Thứ hai, cần nhận thức được rằng, thông gió tự nhiên vẫn là cách hiệu quả nhất để tối thiểu hóa chi phí điện năng hàng tháng. Các chủ trang trại cần tận dụng tối đa lợi thế từ quy hoạch của mình, tránh những tốn kém cho việc lắp đặt sau này, ví dụ như quan tâm hơn đến độ dày và vật liệu xây tường, vị trí các mái hắt, cửa sổ, cửa ra vào,… Các đường ống thông gió cũng cần được làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, đối với những khu chuồng có thiết kế mở (không đủ 4 bức tường), phần không có tường cần hướng về phía mặt trời để quá trình thông gió được diễn ra dễ dàng, đồng thời ánh sáng mặt trời sẽ giúp loại bỏ nhiều vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

– Cuối cùng, các chủ hộ cũng có thể thiết kế thêm hệ thống thông gió trên mái nhằm giảm bớt chi phí năng lượng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

2. Hệ thống chiếu sáng:

Tương tự như hệ thống thông gió, đối với hệ thống chiếu sáng, việc lựa chọn các loại đèn có hiệu suất cao, ví trí lắp đặt hợp lý và kế hoạch sử dụng tối ưu là điều vô cùng quan trọng. Về loại đèn, LED là lựa chọn lý tưởng khi tiết kiệm 40-70% so với các loại đèn khác. Trong khi đó, một kế hoạch sử dụng tối ưu có thể được tạo ra thông qua việc kết hợp giữa pin quang điện, công-tơ thông minh và một số thiết bị điều khiển khác. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc sử dụng đèn điện chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng linh hoạt công tắc tổng và công tắc riêng cho từng khu vực của trang trại cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

3. Lò sưởi hồng ngoại:

Lò sưởi hồng ngoại là một thiết bị hữu dụng để cung cấp nhiệt tự động đến những nơi có nhu cầu (theo thiết lập của người sử dụng) thay vì phải cung cấp nhiệt liên tục cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các bộ điều nhiệt sẽ giúp hiệu quả năng lượng của trang trại được nâng cao.

4. Hệ thống nước:

Ở một số nước xứ lạnh, hệ thống nước không chỉ có tác dụng làm sạch chuồng trại mà còn kiêm luôn việc cản trở hiện tượng đóng băng mùa Đông gây trở ngại cho vật nuôi. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến một lượng lớn điện năng bị lãng phí dành cho việc bơm nước và có thể là cả đun nóng. Các phương thức đơn giản để hạn chế hiện tượng này bao gồm tăng độ dày tường hoặc bổ sung thêm lớp cách nhiệt vào mùa Đông, sơn đen toàn bộ tường và các thiết bị để cải thiện mức độ hấp thụ nhiệt, sử dụng các đường ống có kích thước lớn để giảm áp suất nước do hiện tượng đóng băng, thường xuyên kiểm tra tình trạng đường ống nhằm hạn chế rò rỉ,… Riêng đối với các trang trại có dây chuyền sản xuất sữa, chủ hộ có thể tận dụng ngay nguồn nước ấm thu được sau quá trình làm lạnh sữa để hạn chế tình trạng kết băng chuồng trại.

5. Hệ thống xử lý chất thải vật nuôi:

Chủ hộ cần tính toán chính xác quy mô trang trại của mình, về kích thước cũng như số lượng vật nuôi tối đa để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải có kích thước phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh các hệ thống xử lý hiện nay chủ yếu dùng sức nước để xả sạch chuồng trại, việc tích hợp với hệ thống nước và cài đặt nhiệt độ, tốc độ nước thích hợp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch còn cho phép các chủ trang trại tận dụng nguồn chất thải hữu cơ phong phú từ vật nuôi làm nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, họ có thể thu được một hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan – một loại nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi lợn trên đệm lót – cách để bảo vệ môi trường

Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn đang là nỗi bức xúc đối với các cơ quan chức năng và cả người chăn nuôi. Để xử lý vấn đề này, Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót lên men tại huyện Đức Linh. Mô hình này bước đầu được người dân quan tâm thực hiện vì hiệu quả thiết thực của nó.

Ông Trương Văn Hòa, xã Đức Hạnh, Đức Linh, Bình Thuận, hộ đầu tiên thực hiện mô hình cho biết trước đây, với đàn lợn khoảng 100 con, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải. Nhiều biện pháp xử lý đã được thực hiện nhưng hiệu quả không như mong muốn. Từ khi sử dụng nền chuồng lợn là đệm lót lên men, mùi hôi không còn, tiết kiệm được nước do không phải rửa chuồng và giảm đáng kể công quét dọn phân lợn. Đệm lót từ 1-2 ngày mới đảo một lần để vi sinh vật phân hủy phân và nước tiểu gia súc…

Với cách làm này, chi phí cho mỗi con lợn nuôi thịt giảm khoảng 400.000 đồng. Lứa lợn đầu tiên khi áp dụng mô hình khiến gia đình rất phấn khởi vì xử lý được vấn đề quan trọng nhất là chất thải và công quét dọn.

Chăn nuôi lợn

Làm đệm lót rất đơn giản, nguyên liệu là bột bắp, mùn cưa, trấu… thay cho ximăng. Người nuôi chỉ cần tưới nước cho nền ướt, tưới dịch men và rắc phấn cám trộn với men vi sinh, sau đó trộn cho đều, dùng nilon đậy lại; sau 2-3 ngày, lấy tấm nylon ra và xới lên, để 1 giờ sau thì thả lợn vào nuôi.

Với diện tích chuồng nuôi khoảng 20m2, chi phí làm đệm lót khoảng 3 triệu đồng.

Đệm lót có thời gian sử dụng khoảng 4 năm cho nhiều lứa lợn. Sau giai đoạn nuôi, đệm lót trở thành phân bón cho cây trồng.

Cách làm này còn giúp giữ ấm cho vật nuôi do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men vi sinh.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận cho biết chăn nuôi lợn trên đệm lót là giải pháp hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho chăn nuôi do tận dụng được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp như mùn cưa, vỏ trấu, thân cây bắp…

Đây là lần đầu tiên ngành chăn nuôi Bình Thuận áp dụng một phương pháp mới. Cách làm này đơn giản, chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại cao, đặc biệt là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, trung tâm sẽ hỗ trợ để nhân rộng mô hình này cho đông đảo người chăn nuôi trong tỉnh thực hiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi vịt siêu thịt cho lãi cao

Vịt siêu thịt lớn rất nhanh, nhanh hơn vịt ta nhiều lần. Từ vịt mới nở, chỉ cần nuôi 2 tháng rưỡi là đã nặng tới 3 cân. Nếu trong một gia đình chỉ cần một lao động chăn khoảng 30 con vịt siêu thịt thì sau 3 tháng đã có ngót ngét một tạ thịt vịt. Chỉ 75 ngày tuổi, vịt nặng khoảng 2,8 – 3,2kg.

Vịt siêu thịt có thể đẻ được 200 trứng/năm, nhiều hơn vịt ta khoảng 80 trứng. Vừa nuôi để lấy thịt vừa nuôi để lấy trứng đều tốt. ở đồng bằng, người ta thường nuôi theo phương thức tập trung thâm canh, nhưng ở miền núi, nên tổ chức nuôi chăn thả. Nuôi chăn thả năng suất 80 ngày vịt nặng khoảng 3kg.

                                                            Mô hình nuôi vịt

Muốn nuôi vịt hiệu quả nên tổ chức nuôi theo 2 giai đoạn: Giai đoạn gột vịt con và giai đoạn thả chạy đồng.

  • Giai đoạn gột vịt: từ lúc một ngày tuổi tới lúc 20 ngày tuổi. Giai đoạn này cần chuẩn bị thức ăn cho chu đáo và chúng ở trong chuồng là chính. Thức ăn của chúng là cơm, bún, ngô mảnh nấu trộn với tôm, tép, cua, cá hoặc giun đất. Lúc đầu cho chúng ăn từ 5 – 6 bữa/ngày. Từ ngày thứ 11, cho ăn thưa hơn, khoảng 3 – 4 bữa/ngày.

Chú ý: phải cho chúng ăn đủ lượng và đủ chất, đặc biệt là chất đạm, thiếu đạm vịt chậm lớn. Lúc đầu cho vịt ăn những thức ăn mềm. Dần dần, có thể cho chúng tập ăn cơm, ăn gạo ngâm rồi ăn thóc ngâm. Lúc 7 – 8 ngày tuổi, cho vịt làm quen dần với nước để tập bơi. Chỉ vào hôm sau có thể bơi tốt.

  •  Sau 20 ngày cho vịt ra khỏi chuồng để đi kiếm ăn trên đồng. Nên tính toán để làm sao sau khi gặt xong là có thể lùa vịt ra đồng mót lúa. Nếu vịt chưa no, ta có thể cho ăn thêm thóc và các thức ăn giàu đạm. Dọc các sông, ngòi và các bãi sình là chỗ chăn thích hợp. Tôm, tép, ốc, giun, dế và các loại côn trùng là thức ăn hấp dẫn của vịt. Nếu muốn nuôi để lấy trứng thì lâu hơn nuôi lấy thịt. Khoảng tuần thứ 26 thì vịt bắt đầu đẻ tới tuần thứ 66 thì nghỉ.

Nuôi vịt đẻ cần lưu ý, không nên để quá béo, cũng không nên để vịt còi cọc. Lúc vịt bắt đầu đẻ ta phải duy trì được thời gian chiếu sáng là 17 giờ/ngày. Phải đảm bảo nghiêm ngặt điều kiện này thì vịt mới đẻ tốt.

Vịt con cần giữ chân khô khi vào tới ổ. Có thể cho chúng đi qua mùn cưa, qua trấu hoặc cát khô. Chân vịt khô phòng nhiễm bệnh cho vịt con.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phụ gia chứa zeolit, hiệu quả cao trong chăn nuôi

Các nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công quy trình chế tạo các chất tạo phức có tên thương mại là BK-DO015 và BK-DO017 từ cao lanh.

Đây là những loại hợp chất đáp ứng tốt cho việc kết tinh tạo ra các hỗn hợp zeolit X, Y trong dung dịch. Trộn hai thành phần zeolit X, Y và đất sét (được khai thác tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vào hợp phần thức ăn chăn nuôi và phân bón sẽ tạo thành các sản phẩm BK-ZCR2, BK-ZAF2a, BK-ZAF3 sử dụng trong chăn nuôi lợn thịt và trồng các cây lúa, lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua thử nghiệm trong chăn nuôi lợn thịt quy mô trang trại ở huyện Lạng Giang và trồng lúa, lạc tại huyện Hiệp Hòa từ năm 2007 đến nay cho thấy lạc vụ xuân thu lãi tăng thêm trên 2,6 triệu đồng/ha, lạc vụ đông thu lãi trên 1,3 triệu đồng/ha, năng suất thực thu tăng từ 4 – 6%; lúa xuân thu lãi tăng thêm trên 4,7 triệu đồng/ha, lúa mùa tăng thêm trên 1,4 triệu đồng/ha, năng suất tăng khoảng 2,6% so với khi chưa sử dụng sản phẩm công nghệ trên.

                          Phụ gia chứa zeolit, hiệu quả cao trong chăn nuôi

Đối với lợn thịt, sử dụng BK-ZCR2 như một chất phụ gia trong thức ăn đã làm tăng thêm lợi nhuận từ trên 100.000 đồng đến hơn 330.000 đồng/đầu lợn, tiết kiệm được khoảng 4% tổng lượng thức ăn và điều quan trọng nhất là chất lượng thịt lợn tốt hơn, sạch hơn, an toàn hơn.

Thời gian tới tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong chăn nuôi, trồng trọt bằng việc quy hoạch vùng nguyên liệu khoáng sét tại chỗ và xây dựng các dây chuyền sản xuất zeolit và các chất phụ gia chứa zeolit đạt công suất khoảng 3.000 tấn/năm./.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà nòi lai theo mô hình sinh học

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Kiên Giang vừa phối hợp với các tổ kinh tế kỹ thuật và nông dân xây dựng mô hình nuôi gà nòi lai theo hướng an toàn sinh học với tổng số 3.000 con.

Mô hình triển khai tại 2 huyện Châu Thành, An Biên và TX.Hà Tiên từ tháng 5/2014. 15 hộ nuôi thử nghiệm áp dụng phương thức nuôi trong chuồng bao lưới kết hợp với thả vườn để giảm chi phí đầu tư thức ăn. Nông dân tham gia được Trung tâm KNKN Kiên Giang hỗ trợ 60% tiền giống, 30% tiền thức ăn.

Nuôi gà nòi lai theo mô hình sinh họcGà nòi lai nuôi theo hướng an toàn sinh học ở Kiên Giang.

Theo kỹ sư Lê Thị Lượt – Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm KNKN Kiên Giang – các hộ sử dụng thức ăn công nghiệp giai đoạn đầu (nuôi trong chuồng), sau chuyển ra thả vườn và cho ăn kết hợp với lúa. Quá trình nuôi, đến nay chưa xảy ra dịch bệnh do thực hiện đúng quy trình, tiêm phòng theo lịch hướng dẫn. Kết quả ở một số điểm nuôi ban đầu cho thấy, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 96%, khi xuất chuồng (2,5 – 3 tháng tuổi) đạt bình quần 1,4 – 1,5kg/con. Ứớc tính sau khi trừ chi phí, mỗi hộ nuôi lãi 3,2 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thơm – ngụ ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên – cho biết, bước đầu cho thấy nuôi gà nòi lai theo hướng an toàn sinh học dễ nuôi, thích ứng với môi trường. Đàn gà thả nuôi đợt đầu (200 con), gia đình đã thu về gần 6 triệu đồng tiền lãi. Nhận thấy nuôi gà nòi lai theo hướng an toàn sinh học dễ nuôi, hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều nông dân tiếp tục nuôi đợt hai với số lượng gấp nhiều lần đợt nuôi đầu.

Theo kỹ sư Lê Thị Lượt, mô hình này sử dụng chế phẩm Balasa trong xử lý môi trường. Nuôi bình thường như mọi khi, nếu không sử dụng chế phẩm này, người nuôi phải thay đệm lót trong vòng từ 2 – 3 tuần vì chuồng sẽ bốc mùi hôi khó chịu. Khi sử dụng Balasa trong đệm lót, gần 3 tháng vẫn không cần phải thay đệm lót, nhưng không hề thấy mùi hôi. Sử dụng Balasa còn giảm được chi phí vì không cần phải thay đệm lót thường xuyên.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái trong chăn nuôi

Dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Nhân rộng mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bắc Giang triển khai từ tháng 4/2011 đến nay trên địa bàn các huyện Yên Thế và Tân Yên đã mang lại nhiều lợi ích.

279 hộ gia đình ở các xã Đồng Tâm, Phồn Xương, Tân Hiệp của huyện Yên Thế và các xã Liên Chung, Liên Sơn của huyện Tân Yên được lựa chọn tham gia mô hình chăn nuôi lợn, gà sử dụng công nghệ đệm lót sinh thái.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì dự án còn tổ chức tập huấn kỹ thuật làm đệm lót sinh thái, cấp chứng chỉ cho 30 cán bộ khuyến nông, thú y và các hộ nông dân; tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao công nghệ đệm lót sinh thái cho 750 lượt người tham gia dự án.

Tại các xã Liên Chung và Liên Sơn Sơn của huyện Tân Yên, có 50 hộ dân đã tham gia mô hình chăn nuôi lợn thịt bằng đệm lót sinh thái với quy mô 1.000m2 chuồng nuôi.

Qua theo dõi, phân tích cho thấy, lợn nuôi trên đệm lót sinh thái tăng trọng tốt hơn, ít bị mắc bệnh và ít bị tái phát bệnh hơn so với lợn nuôi trên nền chuồng láng xi măng.

Nguyên nhân là do chăn nuôi trên đệm lót sinh thái đã tạo một môi trường có tiểu khí hậu tốt, trong sạch, không ô nhiễm; sự tác động của các vi sinh vật có ích trong đệm lót lên men đã gây ra sự ức chế và tiêu diệt đối với các vi trùng gây bệnh trong chuồng nuôi.

Chăn nuôi lợnChăn nuôi lợn

So sánh cụ thể với đàn lợn đối chứng, đàn lợn nuôi trên nền đệm lót sinh thái đã giảm hơn 1/2 số con bị mắc bệnh tiêu chảy, hầu như không có con nào bị mắc bệnh hô hấp, khả năng tăng trọng cũng tốt hơn.

Trong khi đó, mô hình chăn nuôi gà thịt, gà đẻ bằng đệm lót sinh thái tại các xã Tân Hiệp, Đồng Tâm, Phồn Xương của huyện Yên Thế với quy mô 12.500m2 chuồng nuôi của 229 hộ tham gia cũng cho những kết quả khả quan.

Khi sử dụng nền độn lót lên men vi sinh vật, phân và chất thải được phân hủy thường xuyên, làm cho không khí chuồng nuôi sạch sẽ và khô ráo hơn, từ đó nâng cao tỷ lệ nuôi sống của gà.

So với đối chứng, đàn gà chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái đã giảm khoảng 1/3 mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và một số bệnh khác.

Đánh giá về một số chỉ tiêu kỹ thuật và môi trường cũng cho thấy, hàm lượng khí thải NH3, H2S tại các chuồng nuôi gà, lợn bằng đệm lót sinh thái thấp hơn 2,67-3 lần so với chuồng nuôi không sử dụng nền đệm lót sinh thái, nhờ đó đã giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Ngoài những ưu điểm trên, chăn nuôi công nghệ đệm lót sinh thái còn giúp giảm khoảng 80% công lao động do trong suốt quá trình nuôi người chăn nuôi không phải dọn chuồng; giảm chi phí tiền điện, tiền mua thuốc thú y; không gây ô nhiễm môi trường chuồng nuôi cũng như môi trường xung quanh.

Chăn nuôi đệm lót sinh thái còn giúp giữ ấm cho vật nuôi vào mùa đông do vậy sẽ giảm chi phí tiền điện do phải sưởi ấm cho vật nuôi vào mùa đông; phân và nước tiểu của vật nuôi được xử lí ngay tại chuồng nuôi nên không phải xử lí phân mà sử dụng trực tiếp bón cho cây trồng.

Hiện tỉnh Bắc Giang có đàn lợn khoảng 1,2 triệu con và đàn gia cầm gần 16 triệu con.

Từ những kết quả đạt được của mô hình, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục ứng dụng rộng rãi công nghệ đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy truyền phôi động vật trong việc nhân giống bò thịt, bò sữa cao sản

Trước nhu cầu ngày càng cao về nguồn sữa bò của thị trường trong nước và quốc tế, từ tháng 1 – 20016, Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Nai đã bắt tay vào thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy truyền phôi động vật trong việc nhân giống bò thịt, bò sữa cao sản” tại 2 điểm là: Công ty cổ phần bò sữa Đồng Nai và xã Lộc An, huyện Long Thành. Đến nay, đề tài đã cơ bản đạt được các mục tiêu đặt ra và báo cáo sơ kết trước Hội đồng khoa học tỉnh

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cấy truyền phôi động vật trong việc nhân giống bò thịt, bò sữa cao sản

Cấy truyền phôi (CTP) được xem là biện pháp đặc biệt, áp dụng công nghệ cao trong việc sớm tạo ra những con giống tốt làm hạt nhân của đàn bò sữa. Công nghệ CTP giúp nâng cao khả năng chống bệnh cho bò, nhân nhanh các giống tốt, quý hiếm ra thực tế sản xuất trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng di truyền của những cá thể cái cao sản; nâng cao khả năng sinh sản, tăng năng suất sữa, thịt, làm ngắn thời gian tuyển chọn giống vì một con bò cho phôi có thể tạo ra nhiều bê chất lượng cao trong một năm, dành kinh phí đầu tư chuồng trại, thức ăn và nhân công. Thực tế, CTP bò đã được nghiên cứu, ứng dụng vào Việt Nam từ những năm 1980 tại Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, tuy nhiên số lượng còn hạn chế. Hơn nữa ở Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, việc nhập nhiều bò sữa ngoại làm bò nền rất khó thực hiện, một phần vì tốn kém, một phần vì bò ngoại rất khó thích nghi với khí hậu nước ta.

Vì vậy, việc lựa chọn những con bò cái có năng suất sữa, thịt cao sẵn có tại địa phương để làm bò cho phôi và sử dụng bò nền Lai Sind hoặc bò cái sữa lai Hà Lan F1, F2 năng suất thấp để làm bò nhận phôi bằng cách gây động dục đồng pha với bò cho phôi là rất cần thiết để tăng nhanh số lượng bò sữa, bò thịt có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau quá trình thử nghiệm, cho thấy: Qui trình gây rụng trứng nhiều trên bò cho phôi có 2 công thức đạt kết quả cao và các loại hoocmon sử dụng dễ tìm trên thị trường, giá thành thấp. Để gây động dục đồng loạt và động dục đồng pha cho bò nhận phôi thì thực hiện quy trình 2 (tiêm PMSG + PG-F2α) là hiệu quả nhất. Kết quả ựanghiên cứu của đề tài cũng cho biết, thời gian thu phôi tốt nhất được chọn vào ngày thứ 7 sau khi phối giống. Ở thời điểm này, phôi ở giai đoạn phôi dâu, phôi nang khá bền vững. Nếu thu sau ngày thứ 8 thì có khả năng phôi đã phát triển tới giai đoạn phôi nang già, chui ra khỏi màng trong suốt, sẽ khó tìm phôi và khả năng phôi bị tổn thương cũng rất cao.

Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn phương pháp thu phôi không phẫu thuật để tiến hành lấy phôi từ bò cho; dung dịch sau khi dội rửa được soi dưới kính hiển vi soi nổi để tìm phôi; sau đó nâng độ phóng đại lên để phân loại. Những phôi điển hình cho giai đoạn phát triển, không có khuyết điểm gì, hoặc phôi đúng với giai đoạn phát triển, màu sắc tế bào đẹp, có một vài tế bào tách rời được chọn để cấy cho bò nhận hoặc đông lạnh bảo quản phôi ở dung dịch Nitơ lỏng – 196oC.

Các sản phẩm đề tài đã thu được là: Phôi bò sữ cao sản từ thu phôi siêu bào noãn là 237 phôi; phôi bò sữa cao sản dông lạnh từ thu phôi siêu bào noãn là 107 phôi; bê con cấy hợp tử tươi cho bò Lai Sind hoặc bò lai F1 là 28 con; bê con từ cấy hợp tử đông lạnh là 25 con.

Hội đồng khoa học cũng đánh giá tính ứng dụng cao cũng như hiệu quả kinh tế mà đề tài sẽ mang lại khi nghiên cứu thành công, đồng thời đóng góp ý kiến cho nhóm tác giả đề tài đó là cần tiếp tục theo dõi bệnh của bò sau khi CTP và sức khoẻ của bê con sinh ra, nhanh chóng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật CTP cho các cán bộ kỹ thuật để kết quả nghiên cứu nhanh chóng được ứng dụng, thực hiện được các mục tiêu mà đề tài mong muốn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chăn nuôi gà ” mặt quỷ”

Gà “mặt quỷ” có xuất xứ từ đảo Java, Indonesia, được đánh giá là giống gà đắt nhất thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, loài này đang mở ra triển vọng về doanh thu và lợi nhuận cao trong chăn nuôi.

Xuất phát từ niềm đam mê “sưu tập” các loài gà quý, năm 2014, anh Phan Minh Hồng (P. Tân Bình, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã đưa giống gà này về Việt Nam với 14 con gồm 6 con trống và 8 con mái, giá nhập 20 triệu đồng/con.

gà ” mặt quỷ”

Gà “mặt quỷ” có đặc điểm là toàn bộ thân hình từ nội tạng tới lông cánh đều có màu đen. Theo các nhà khoa học, chất Fibromelanosis trong cơ thể gà đã thúc đẩy sự phát triển của tế bào sắc tố đen. Gen tạo ra chất này là gen đột biến. Loài gà này được coi là vật nuôi may mắn, còn thịt gà giàu dinh dưỡng, rất tốt cho phụ nữ trước và sau sinh.

Với kinh nghiệm chăm sóc các loại gà trước đó, anh Hồng đã nhanh chóng thuần dưỡng được loài gà này, tập dần cho chúng ăn uống theo cách nuôi truyền thống. Thức ăn chính cho gà là bắp và cám viên. Đến nay, trại của anh đã ấp nở thành công gần 100 con, đang phát triển ổn định. Anh Hồng cho biết, tỷ lệ ấp và sống sót trong thời gian đầu không cao, chỉ đạt 70 – 80%, tỷ lệ hao hụt tới 20 – 30%. Tuy nhiên, giá loại gà này rất cao, một con giống anh cung cấp đến 1,5 triệu đồng, còn một cặp gà trưởng thành giá 50 triệu đồng. Hiện tại, gà mặt quỷ ở trang trại của anh Hồng vẫn đang tiêu thụ tốt, hứa hẹn mang về nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam