Tham gia chuỗi sản xuất trứng cút sạch XK sang Nhật, thu 40 – 50 triệu đồng/tháng

Những người nuôi chim cút liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm sạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đó là Tổ hợp tác nuôi chim cút Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Thu gom phân loại trứng cút xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Long An cho biết, ông Trần Nguyễn Hồ là người đầu tiên trong xã nuôi chim cút và sáng chế chuồng nuôi bằng sắt. Đặc biệt ông trực tiếp liên kết với một Cty Nhật Bản để tiêu thụ sản phẩm trứng sạch cho nông dân. Những cố gắng nỗ lực của ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013…

Nhằm phát triển nghề nuôi chim cút, tháng 10/2014, UBND xã Long An đã thành lập THT nuôi chim cút Nguyễn Hồ do ông Trần Nguyễn Hồ làm Tổ trưởng. Qua quá trình hoạt động cho thấy, đây là một mô hình liên kết làm ăn rất ổn định và hiệu quả, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, từ khi có THT bà con được tập huấn kỹ thuật nuôi chim cút, dùng thức ăn tự trộn theo công thức riêng, có sự giám sát chặt chẽ của DN. Không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng và chất bảo quản. Thức ăn trộn cho ăn trong ngày, không để thừa sang ngày hôm sau.

Ông Trần Nguyễn Hồ chia sẻ, thức ăn cho vật nuôi rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của cả THT, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trứng. THT đã đầu tư 1 xe tải nhỏ chuyên thu gom trứng và 2 máy trộn thức ăn phục vụ các hộ nuôi, trứng sản xuất ra phải đảm bảo sạch. Hàng ngày THT cho xe tải nhỏ gom trứng của các hội viên về phân loại rồi xuất cho nhà máy đóng hộp trứng cút của Nhật. Sản lượng trứng xuất đạt 300.000 quả/ngày, với giá dao động từ 300 – 500 đ/quả.

“Để đảm bảo đủ sản lượng trứng cút cho thị trường XK, tôi đã mua thêm 2ha đất để làm nhà xưởng cho công nhân ở và xây chuồng trại. Tính tới thời điểm này gia đình đã nuôi 200.000 con chim cút”, ông Hồ chia sẻ.

Anh Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Long Thạnh, xã Long An cho biết: “Trước đây gia đình anh làm rẫy trồng mía, trồng xoài. Do đất xấu nên SX không có hiệu quả. Năm 2005, ông Hồ chỉ cho cách làm chuồng trại và hỗ trợ vốn đầu tư nuôi 3.000 con. Khi có trứng bán thì ông trừ nợ dần. Ông Hồ không chỉ giúp anh mà còn giúp rất nhiều người ở trong xã. Đến nay họ đều tham gia THT tạo thành chuỗi sản phẩm sạch.

Hội viên tổ hợp tác đang thu hoạch trứng cút

“Bây giờ người nuôi không phải lo thị trường tiêu thụ như trước nữa. Cứ sáng sớm có xe của THT tới gom trứng, chiều là họ có tiền. Gia đình tôi đã phát triển được 30.000 con, mỗi tháng thu nhập 40 – 50 triệu đồng. Nhờ đó gia đình có của ăn của để”, anh Tuấn chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi chim cút

1. Chọn chim cút giống

Hiện nay có rất nhiều trang trại cung cấp chim cút giống nên việc tìm ra địa chỉ mua là điều không quá khó. Mấu chốt của vấn đề nằm ở cách chọn giống. Sau đây là một số lưu ý cho bà con khi chọn mua chim cút giống.

Con trống: Ở loài chim cút thì con trống nhỏ hơn con mái, chọn mua con giống 25-30 ngày tuổi và nặng khoảng 70-90g/con. Khi chọn giống cần chọn những chim nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, lông ngực vàng hoặc vàng nâu và ngực nở.

Con mái: Chọn con mái >100g, cổ nhỏ, lông mượt, lông ngực đốm trắng đen, xương chậu rộng sẽ đẻ tốt, hậu môn nở, đỏ hồng

Hiện nay tại Việt Nam nuôi chủ yếu là chim cút Nhật Bản. Đây là giống chim rất dễ nuôi, sức đề kháng mạnh, sinh sản tốt (đẻ 260 – 300 trứng/năm) trong thời gian dài.

Cút giống

2. Chuồng nuôi chim cút

Có rất nhiều cách làm chuồng nuôi chim cút với kích thước rất đa dạng. Chim cút rất dễ nuôi nên có thể nuôi trong lồng hoặc vây lưới thép nuôi dưới nền đều được. Sau đây là quy cách chuồng tham khảo được khuyến nghị cho bà con:

  • Kích thước chuồng: 1×0.5x2m làm bằng khung thép hoặc gỗ và lưới vuông 1x1cm để chim dễ di chuyển và tiện vệ sinh. Mỗi chuồng như vậy có thể nuôi 20 – 25 chim cút mái.

Nuôi chim cút trong lồng

  • Nền chuồng nên làm có độ dốc khoảng 3 độ để trứng lăn ra mà không bị bể.
  • Nóc chuồng làm bằng vật liệu mềm vì chim cút hay nhảy nên dễ bị tổn thương phần đầu
  • Khi nuôi số lượng lớn thì các chuồng có thể xếp lên nhau và để khoảng trống 10cm để vỉ hứng phân chim và vệ sinh.
  • Máng thức ăn, nước uống: Làm bằng vật liệu dẻo, dài 0.5m, rộng 5cm, cao 5cm. Đối với chim non có thể nhỏ hơn.

Chuồng nuôi chim cút

3. Thức ăn cho chim cút

Mỗi cá thể chim cút trưởng thành ăn khoảng 20g/ngày và uống 50-80ml nước/ngày. Lưu ý là mỗi ngày chim mái sẽ đẻ 1 trứng nên thức ăn phải luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và nước luôn là nước sạch.

Thức ăn cho chim cút

Thức ăn chủ yếu cho chim cút là cám viên. Người nuôi có thể bổ sung các loại hạt như đậu, kê, cao lương, lúa để vỗ béo. Ngoài ra, cần bổ sung các vitamin và khoáng chất bằng cách trộn vào thức ăn hoặc pha với nước uống để tăng sức đề kháng và duy trì khả năng sinh sản tốt.

Chim cút ăn khá nhiều, mội ngày nên cho ăn 3-4 lần và tập cho đàn chim ăn đúng giờ giấc từ khi mới nở.

4. Chăm sóc đàn chim

Quá trình chăm sóc chim cút được chia làm 3 giai đoạn:

  • Cút con (1-25 ngày): Chim cút nở ra phải được sưởi ấm ngay để duy trì thân nhiệt. Nhiệt độ sưởi trong tuần đầu là 34 độ và giảm dần mỗi tuần 3 độ đến tuần thứ 4 thì kết thúc. Môi trường nuôi luôn đảm bảo khô thoáng và ấm áp. Thức ăn trong giai đoạn này cần giàu đạm và vitamin.
  • Cút thịt (25-30 ngày): Khẩu phần giai đoạn này hướng đến mục tiêu vỗ béo nên sẽ giàu tinh bột và ít đạm, để chim ăn tự do cả ngày lẫn đêm đến 40 ngày có thể bắt đầu xuất bán.
  • Cút sinh sản: khẩu phần của cút sinh sản cần đảm bảo đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng để chim đẻ đều. Mỗi ngày cút mái đẻ 1 trứng nên cần phải ăn bù lại khối lượng đó. Cút mái ăn khoảng 25g/ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tìm hiểu về chim cút

Chim cút (Chim cay) là một tên gọi chung cho một số chi chim có kích thước trung bình trong họ Trĩ (Phasianidae), hoặc trong họ Odontophoridae (chim cút Tân thế giới). Bài này chúng tôi chỉ giới thiệu về các loài sinh sống trong khu vực thuộc họ Trĩ. Các loài chim cút hiện nay không có quan hệ họ hàng gần, nhưng chúng cũng được gọi là chim cút do bề ngoài và các hành vi tập tính gần giống với các loài chim cút ngày trước.

Chim cút

Các loài cút trước kia cũng đã được gọi là chim cút, nhưng chúng thuộc về họ Turnicidae và chúng không phải là chim cút thật sự, chúng chưa được con người nuôi chúng với mục đích lấy thịt hay trứng ở quy mô thương mại như các loài chim cút thực sự. Chúng có các đặc điểm như:

– Chim cút là các loài chim nhỏ, mập mạp sống trên đất liền. Chúng là các loai chim ăn hạt, nhưng cũng ăn cả sâu bọ và các con mồi nhỏ tương tự. Chúng làm tổ trên mặt đất. Một số loài chim cút được nuôi với số lượng lớn trong các trang trại. Chúng bao gồm chim cút Nhật Bản, chúng cũng được biết đến như là chim cút coturnix, được nuôi giữ chủ yếu để sản xuất trứng và được bán rộng trên khắp thế giới.

Chim cút được nuôi tại nhà

– Chim cút có thị giác rất phát triển nên có khả năng nhận biết và chọn lọc thức ăn cao, nhưng vị giác và khứu giác của chúng lại kém phát triển nên khó nhận biết mùi vị thức ăn. Vì vậy, chim cút rất dễ bị ngộ độc thức ăn do ăn phải thức ăn ôi, mốc.

– Chim cút mặc dù đã được thuần hóa nuôi dưỡng từ lâu nhưng còn mang nhiều đặc tính hoang dã. Đáng chú ý là chúng vẫn sợ tiếng động, tiếng ồn nên thường bay lên va vào thành lồng mà chết. Ngày nay, chim cút nuôi nhốt được cho ăn đầy đủ, chăm sóc tốt cho sản lượng trứng 300 – 360 trứng/năm, có con đến 400 trứng/năm. Tỷ lệ đẻ trung bình đến 80 – 90%, khối lượng trứng trung bình 10 – 15 g/quả. Tuổi bắt đầu đẻ trứng của chim cút khoảng 40 ngày, thời gian chim cút đẻ trứng từ 14 – 18 tháng.

Nuôi chim cút đẻ không đòi hỏi nhiều diện tích chuồng nuôi, thức ăn chi phí không nhiều mà hiệu quả chăn nuôi lại cao. Mỗi ngày cho chim cút ăn 20 – 25gr thức ăn thì sẽ thu được một quả trứng nặng 10 – 11g cho thấy chim cút là loài gia cầm có năng suất tạo trứng cao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Chọn và phối giống ở chim cút

Với phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt chương trình 3 sạch: ở sạch, ăn sạch, uống sạch. Bà con cần lưu ý khâu chọn và phối giống cho chim cút

Chim cút

                                                              Chim Cút

* Chọn giống: Chọn mua cút ở những cơ sở sản xuất giống bố mẹ.

Cút giống phải khỏe mạnh, không dịch bệnh, dị tật, nhanh nhẹn, háu ăn…

Tỷ lệ đẻ, ấp nở, nuôi sống cao, tăng trọng nhanh, ổn định và đồng đều…

Tránh đồng huyết, dòng bố, dòng mẹ nuôi tách riêng để chọn lọc và ghép đôi giao phối…

Từ ngày 25 chọn lọc những con đủ tiêu chuẩn làm giống nuôi riêng.

Cút trống, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, thân hình gọn, nhỏ hơn con cái, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, ngực nở, lông ngực vàng, 25 ngày tuổi nặng 70-90gr.

Cút mái, đầu thanh, cổ nhỏ, lông da bóng mượt, lông ngực có đốm trắng đen, xương chậu rộng, hậu môn nở, đỏ hồng và mềm mại…

Trọng lượng lớn hơn cút trống.

* Phối giống: Phải trên 3 tháng mới cho phối giống, phối giống sớm quá sẽ làm cho bầy cút mau tàn….

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

5 lưu ý vàng trong chăn nuôi cút

Với nguồn lợi kinh tế cao, chăn nuôi cút là lựa chọn được nhiều hộ gia đình ở nông thôn tìm đến trong thời gian qua. Tuy nhiên, ít người biết rằng môi trường sống giữ một vai trò vô cùng quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của chim. Do đó, trước khi bắt tay vào chăn nuôi, bà con hãy tìm hiểu 5 lưu ý dưới đây để đạt được hiệu quả cao nhất.

chim cút

1.    Nhiệt độ thích hợp

Trong chăn nuôi cút, mỗi một giai đoạn phát triển khác nhau đòi hỏi cần có mức nhiệt khác nhau sao cho phù hợp với thân nhiệt của chim.

Thông thường, nhiệt độ phù hợp với chim cút non là 35-24o C, chim cút đẻ là 18-25oC. Trong điều kiện nóng quá hay lạnh quá sẽ khiến chim chậm phát triển, đẻ không đều ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhiệt độ cũng sẽ khiến ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm xáo trộn chu kỳ đẻ trứng bình thường của chim. Vì vậy trong chăn nuôi, bà con cần giữ chuồng nuôi với nhiệt độ ổn định là tốt nhất.

2.    Không gian thoáng mát

Tương tự như những loại gia cầm khác, chăn nuôi cút đòi hỏi bà con cần chú ý đến việc giữ sạch môi trường sống cho chim. Tốt nhất chuồng nuôi nên được đặt ở nơi có vị trí cao, thoáng mát. Trong điều kiện này, không khí cần phải trong lành với các khí độc hại như NH3, H2S… không được vượt quá 0,3%.

3.    Giữ yên tĩnh

Đặc tính của chim cút là khá nhút nhát nhưng thính giác và thị giác rất phát triển nên chúng dễ bị kích động bởi các tác động của môi trường, đặc biệt là các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, người lạ. Do đó, để tạo điều kiện môi trường sinh trưởng, sinh sản tốt, bà con cần giữ một môi trường yên tĩnh tối đa. Trong trường hợp phát hiện nhiều tiếng động lạ hay người lạ, chim có thể bay lên đột ngột dẫn đến đập đầu vào chuồng. Trong trường hợp thường xuyên xuất hiện tiếng ồn, chim có thể bị stress dẫn đến mặc bệnh.

4.    Vệ sinh

Tình hình thời tiết biến động thất thường, dịch bệnh dễ dàng phát triển và lây lan có thể khiến việc chăn nuôi cút của bà con gặp nhiều kho khăn. Do đó, bà con cầu chú ý đến khâu giữ gìn vệ sinh chuồng trại

, xây dựng một môi trường chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hợp vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi để cho cút phát triển.

Trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng chế phẩm sinh học “Vườn Sinh Thái” cho chim cút khá phổ biến trong các hộ chăn nuôi. Đây là cách giảm ô nhiễm môi trường giảm chi phí thức ăn hiệu quả, giúp chăn nuôi cút có độ an toàn cao, rủi ro thấp. Vì vậy, bà con có thể tìm hiểu phương pháp này để áp dụng hiệu quả cho mô hình của gia đình mình.

5.    Đề phòng mèo chuột

Chim cút là một trong những món ăn béo bở của cả chuột và mèo. Do đó, khi xây dựng chuồng trại, bà con cần lưu ý đến thiết kế sao cho có thể chống các động vật nguy hại và nguy hiểm này. Tốt nhất bà con nên bố trí chuồng nuôi ở vị trí cao, xây kín đáo cũng như đặt bẫy chuột ở những vị trí cần thiết.

Ngoài những lưu ý cơ bản trên, để chăn nuôi cút hiệu quả đòi hỏi bà con chú ý đến rất nhiều yếu tố khác như lựa chọn con giống, chế độ ăn cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh cho chim. Khi có được những kiến thức cơ bản nhất, chắc chắn việc chăn nuôi sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam