Nông dân Lục Yên nuôi gà sống thiến phục vụ Tết

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gà sống thiến tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng “đặc sản” để cung cấp cho thị trường Tết.

Gà sống thiến được lựa chọn và chăm sóc kỹ càng phục vụ Tết Nguyên đán.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết đang tới gần, gia đình ông Hoàng Văn Sao- thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn đã tích cực chăm sóc đàn gà sống thiến của gia đình.

Để đàn gà sống thiến gần 100 con khỏe mạnh không mắc các dịch bệnh thì ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ, gia đình ông Sao còn tăng cường nguồn thức ăn cho gà như ngô, thóc…, bổ sung vitamin và thường xuyên khử trùng chuồng trại.

Để đảm bảo có nguồn thực phẩm “đặc sản” phục vụ Tết Nguyên đán gia đình đã nuôi từ đầu năm, hiện nay đàn gà sống thiến của ông đang chuẩn bị cho bán ra thị trường.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp cuối năm thường mua gà sống thiến để làm quà biếu Tết, gia đình bà Hoàng Thị Ất, thôn Sơn Bắc đã chuẩn bị trên 100 con gà sống thiến xuất bán dịp Tết.

Để có nguồn gà ngon, bán được giá ngoài việc cung cấp thức ăn bằng thóc, ngô và rau xanh cho đàn gà, gia đình bà thường xuyên vệ sinh chuồng trại không để đàn gà bị đói rét hoặc bị nhiễm bệnh.

Gà đủ tiêu chuẩn bán là gà có đuôi dài, mã đẹp, lông cổ gà phải xổ đủ và đạt trọng lượng từ 1,8 đến 2kg một con, giá bán vào dịp Tết thường đạt 180 đến 200 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, gà sống thiến khó nuôi do sức đề kháng kém, không ưa ăn thức ăn công nghiệp nên để có gà xuất bán vào đúng dịp Tết gia đình bà Ất đã áp dụng nhiều biện pháp chăn nuôi để chăm sóc đàn gà.

Để tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi gà sống thiến và các thương lái mua bán gà phục vụ dịp tết được thuận lợi, huyện Lục Yên tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan như Đội Quản lý thị trường, Công an, … giám sát việc vận chuyển, ra vào; đối với gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu gà sống thiến Lục Yên. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến các hộ dân, nhất là các hộ nuôi quy mô lớn triển khai đầy đủ các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, do vậy các hộ chăn nuôi gà sống thiến trên địa bàn huyện Lục Yên cần tiếp tục tập trung chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh để gà phát triển tốt và có chất lượng phục vụ cho khách hàng trong và ngoài huyện.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Vĩnh Long: hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học.

Để tăng thêm thu nhập cho nông dân các xã thuộc vùng khó khăn của tỉnh giai đoạn 2017-2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã xây dựng dự án nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả.

Gà giai đoạn 3 tháng tuổi.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại 02 xã khó khăn: xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) và xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) với qui mô 3.900 con/13 hộ. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% con giống gà nòi lai (gà lông màu) 1 ngày tuổi (300 con/mô hình), 30% thức ăn và 2 kg chế phẩm sinh học/mô hình.

Trong quá trình nuôi, các hộ tham gia mô hình nhận thấy gà thích nghi tốt với chất đệm chuồng, đặc biệt gà con trong giai đoạn úm luôn ấm nhờ đệm lót sinh học lên men sinh nhiệt làm cho gà con khỏe mạnh, tỉ lệ nuôi sống đến xuất bán 94% (yêu cầu mô hình là 90%), tiêu tốn thức ăn trên kg tăng trọng là 2,7 kg, khối lượng cơ thể bình quân đạt 1,5 kg/con sau 3,5 tháng nuôi. Với giá bán 80.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi mô hình thu lãi 8,7 triệu đồng. Như vậy, ước tổng lợi nhuận thu được từ 13 hộ khoảng 113.100.000 đồng.

So với các hộ nuôi thả tự nhiên thì mô hình nuôi gà an toàn sinh học hạn chế được dịch bệnh do mô hình đáp ứng đủ các điều kiện từ khâu chọn giống tốt, tiêm ngừa dịch bệnh, chăm sóc. Sau 02 năm thực hiện mô hình đã có khoảng 10 hộ ngoài mô hình áp dụng nuôi với quy mô 100-500 con. Nhiều và con nông dân cũng chia sẻ sẽ chọn lựa nuôi gà an toàn sinh học là hướng sản xuất nông nghiệp của gia đình .

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Cách làm giàu từ chăn nuôi do Bill Gates khuyến cáo

Sáng lập gia của hãng Microsoft, tỷ phú hàng đầu thế giới Bill Gates với khối tài sản lên tới 92,1 tỷ USD đặt ra giả định rằng nếu một ngày phải sống dưới 2 USD thì ông sẽ nuôi gà để thoát nghèo.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học 

Sống dưới 2 USD mỗi ngày ấy là chuẩn của mức nghèo và cùng cực, hiện trên thế giới có gần 1 tỷ người như vậy. Vị tỷ phú nổi tiếng tin rằng nuôi gà có thể giúp cho gần 1 tỷ người này thoát nghèo.

Ông lập luận gà và trứng là nguồn dinh dưỡng quan trọng với các gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đồng thời cũng là loại thực phẩm có nhu cầu cao ở mọi vùng miền nên có thể tiêu thụ sản phẩm một cách khá dễ dàng. Với giá trung bình của một con gà được 5 USD, bán một vài con là người dân có thể đủ để sinh hoạt hằng ngày hay phòng thân trong những trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, vị tỷ phú chỉ chuyên kiếm tiền từ lĩnh vực tin học không hề biết những ngóc ngách của nghề nuôi gia cầm vốn rủi ro khá cao.

Thứ nhất là tiêu tốn nhiều tiền cho thức ăn. Khác với các gia súc như trâu, bò, dê, cừu hay nhiều loại thủy sản ăn cỏ, ăn lá nếu không có tiền mua thức ăn thì người dân đi kiếm cỏ, lá cây cho ăn, nuôi gia cầm ở nhiều thời điểm thị trường xuống thấp sẽ là “Một tiền gà ba tiền thóc”.

Không chỉ có thế, gia cầm còn có thể dễ dàng bị mắc những bệnh truyền nhiễm gây chết một cách rất nhanh chóng. Bởi vậy, muốn thành công từ vật nuôi mà Bill Gates khuyến cáo, ngoài nhanh nhạy về thị trường còn phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc an toàn sinh học theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

1. Quy định về việc cách ly

Người và phương tiện nếu không có nhiệm vụ không được vào khu chuồng trại chăn nuôi. Cán bộ kỹ thuật, công nhân vào làm việc trong khu chuồng nuôi phải tắm gội, thay quần áo bảo hộ đã được giặt sạch và xông khử trùng. Tất cả mọi người đều phải đi ủng qua hố sát trùng trước khi vào chuồng nuôi. Cán bộ kỹ thuật, công nhân không được đi từ khu chuồng này sang khu chuồng khác khi chưa tắm gội thay bảo hộ mới hoặc sát trùng. Chuồng trại chăn nuôi gà cần được xây dựng biệt lập cách xa khu dân cư, nhà kho, trạm ấp trứng… và xử lý phân phải cách xa chuồng nuôi và phải ở cuối hướng gió, xa nguồn nước.

Có hàng rào hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi, cổng ra vào có hố sát trùng, có nhà tắm thay quần áo bảo hộ trước khi vào khu chăn nuôi. Xe chuyên chở dụng cụ chăn nuôi, xe chở thức ăn và nguyên liệu thức ăn từ bên ngoài vào phải được phun thuốc sát trùng bên ngoài và bên trong toàn bộ phương tiện trước khi vào khu chăn nuôi.

2. Vệ sinh khử trùng và để trống chuồng

Vệ sinh khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi là rất cần thiết để đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho đàn giống, làm giảm sự lây nhiễm chéo và khả năng phát sinh bệnh tật, giúp tăng năng suất. Chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Khi kết thúc một chu kỳ nuôi, để đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng cho đàn được nuôi tiếp theo cần phải thực hiện những bước sau đây:

– Phun sát trùng bằng dung dịch thuốc sát trùng lên chất độn chuồng, khu vực xung quanh chuồng và dụng cụ chăn nuôi ngay sau khi chuyển hoặc loại thải đàn.

– Đưa toàn bộ dụng cụ chăn nuôi máng ăn, máng uống, ổ đẻ và các vật dụng khác ra ngoài và được xử lý ngâm trong dung dịch chất tẩy rửa sạch vài giờ, cọ rửa tráng nước sạch và để ráo trước khi cho vào kho.

– Chuyển toàn bộ chất độn chuồng ra ngoài khu chứa phân để xử lý theo quy định.

– Vệ sinh phun rửa toàn bộ nền, tường, trần nhà bằng vòi phun cao áp. Sát trùng bằng nước nóng hoặc dung dịch thuốc sát trùng với nồng độ phù hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Thực hiện chương trình diệt chuột, côn trùng theo kế hoạch bên trong và bên ngoài khu chuồng nuôi.

– Vệ sinh xung quanh chuồng nuôi, dọn cỏ, phát quang cây cối bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, hành lang, rắc vôi bột định kỳ. Phun khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh chuồng nuôi.

Thời gian để chống chuồng tối thiểu 2 – 3 tuần sau khi hoàn tất các bước trên mới đưa đàn gà khác vào nuôi.

3. Vệ sinh thú y trước mỗi đợt nuôi

Trước khi nuôi gà phải tẩy rửa vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng (có thể dùng: formol 2%, Virkon 0,5%, BKA 0,3%…) quét vôi tường, nền và hành lang chuồng nuôi. Để khô và phun thuốc sát trùng trước khi thả gà vào nuôi 1 ngày. Phải có thời gian để trống chuồng ít nhất là 2 tuần (Sau khi đã dọn rửa phun khử trùng và quét vôi) mới đưa gà vào nuôi.

Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quay… phải được rửa lại, phun thuốc sát trùng và phơi nắng. Chất độn chuồng phải khô, không mốc được phun hoặc xông sát trùng bằng thuốc tím và formol.

Chuẩn bị quây úm: Rải chất độn chuồng, bật thiết bị sưởi, đặt máng ăn, máng uống có nước ấm ở trong quay trước khi thả đàn mới nở vào nuôi. Xung quanh chuồng cần chuẩn bị hệ thống bạt che, các bạt này cũng phải được phun khử trùng hoặc xông thuốc tím và formol trước khi đưa vào sử dụng.

Lối ra vào chuồng nuôi phải có hố hoặc khay đựng thuốc sát trùng như Crezin 3%, formol 2% hoặc vôi bột để sát trùng phương tiện trước khi vào chuồng nuôi.

Phát quang cây cối xung quanh khu vực chăn nuôi để hạn chế sự tập trung chim hoang dã, vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh và rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi.

4. Vệ sinh thú y

Nước cho gà uống phải là nước sạch, không cho uống nước ao hồ chưa qua lọc. Không được cho gà ăn những thức ăn ôi mốc, không đạt tiêu chuẩn về vi sinh vật, nấm mốc, kim loại nặng. Làm sạch máng ăn trước khi cho gà ăn.

Định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi và các khu vực xung quanh. Thường xuyên quét mạng nhện, bụi bẩn bám vào chuồng nuôi. Có kế hoạch diệt chuột, côn trùng ở khu vực chăn nuôi, làm cỏ, phát quang cây cối quanh khu vực chuồng nuôi để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài vào cho đàn gia cầm.

Định kỳ dọn phân và bổ sung chất độn mới, nếu chuồng trại ẩm ướt thì phải dọn phân ngay, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo. Cuốc đất, phun sát trùng, rắc vôi các khu vực xung quanh trại định kỳ 2 – 3 tháng 1 lần.

Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người chăn nuôi, vật nuôi sẽ đạt được năng suất đúng bản chất của giống, giảm chi phí sản xuất, đồng thời cũng giảm thiểu những rủi ro dịch bệnh, hạn chế việc lây lan bệnh từ vùng này sang vùng khác, từ trại này sang trại khác và cuối cùng là tạo ra được những sản phẩm từ chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng.

5. Kiểm tra sức khỏe đàn gà

Thường xuyên kiểm tra đàn gà vào đầu giờ sáng hàng ngày, quan sát dáng đi, tiếng kêu, mắt, mũi, trạng thái phân dưới nền chuồng, tình trạng ăn uống. Cách ly kịp thời những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết. Thực hiện nghiêm túc lịch phòng bệnh bằng vaccine cho đàn gà. Phải có sổ ghi chép đầy đủ về đầu con, thức ăn, các loại thuốc và vaccine đã sử dụng, thời gian, ngày, giờ sử dụng các loại vaccine.

6. Xử lý gia cầm ốm, chết

Nếu có gà bị ốm, chết không được bán hoặc ăn thịt mà phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở. Khi chôn gà chết phải vùi sâu, trước khi lấp đất phải rắc vôi bột lên trên. Thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực này, không được sử dụng thức ăn thừa của những đàn gà bị bệnh cho đàn gà khác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi

Ngành chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi tập trung với quy mô phù hợp và phát huy những lợi thế của từng vùng, miền, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân.

Nuôi gà thịt lông màu an toàn sinh học

Hàng năm, bằng nguồn kinh phí trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 – 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng tổ chức hàng trăm điểm trình diễn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Dưới đây là một số mô hình tiêu biểu có hiệu quả, sức lan tỏa tốt góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

1.  Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”

Dự án chuyển giao với quy mô 1.025 bò được vỗ béo và 616 bò cái nền được thụ tinh nhân tạo (TTNT). Địa bàn triển khai tại 8 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật TTNT: Phương pháp nhân giống bằng TTNT đã cải thiện được năng suất, chất lượng con lai. Dự án đã góp phần tăng tỷ lệ bò lai trong cả nước nói chung và tại các địa phương triển khai mô hình dự án nói riêng lên 10,25%.

Do đã lựa chọn bò cái nền ở độ tuổi từ 3 – 5 lứa đẻ và chọn tinh bò nhập ngoại có năng suất chất lượng cao (BBB, Drouhtmaster, Brahman), hướng dẫn các hộ cách phát hiện bò động dục để cho tỷ lệ thụ thai cao nên tỷ lệ phối chửa lần 1 khá cao, bình quân đạt 75,3%, khối lượng bê sơ sinh 22,1kg/con. Mỗi con bò lai có giá trị cao hơn bò nội khoảng 3 – 5 triệu đồng. Mặt khác, do không phải chi phí nuôi bò đực giống nên hiệu quả mang lại so với chăn nuôi bò địa phương đạt trên 15%.

Mô hình bò vỗ béo: Bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên có khả năng tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740 gram/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40 gram/con/ngày (tương ứng 5,7%). Bò tăng trọng nhanh, lại có giá bán cao hơn bò nội nên hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 14,8% so với chăn nuôi truyền thống. Đến tháng 12/2017 dự án đã có sự tham gia của 184 hộ với quy mô 674 con.

2. Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên”

Dự án đã chuyển giao với quy mô 1.640 đàn ong, trong đó 600 đàn ong ngoại và 1.040 đàn ong nội tại Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La. Năng suất ong ngoại đạt bình quân 41,5kg/đàn, ong nội đạt bình quân 18,3kg/đàn. Sản phẩm mật ong có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 13,8%. Đến nay, dự án đã nhân rộng được trên 1.000 đàn ong mới, thu nhập bán giống và mật đạt doanh thu ban đầu từ 15 – 35 triệu đồng/hộ.

3. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”

Năm 2017 đã có 72 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận, trong đó 14 cơ sở chăn nuôi lợn và 58 cơ sở chăn nuôi gà với quy mô 1.167.000 con gia súc, gia cầm.

Kết quả của dự án đã góp phần hình thành nên các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nam Định và Thái Bình.

Dự án đã kiện toàn và thành lập mới 10 tổ hợp tác chăn nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng tại các cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình đạt 100%. Mô hình của dự án đã trở thành những điểm tham quan học tập của người chăn nuôi trên địa bàn.

4. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ”

Dự án đã xây dựng 6 mô hình với 12 điểm trình diễn tại Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long với quy mô 24 lợn đực giống và 120 lợn nái. Dự án chuyển giao lợn đực giống có năng suất cao như giống Duroc, YL, Pidu… thông qua công tác TTNT, tỷ lệ thụ tinh đạt từ 80 – 86% đã tạo ra đàn lợn có năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, năng suất các mô hình trong dự án cao hơn lợn nái đang chăn nuôi tại địa phương.

Số con sơ sinh/nái lứa đầu đạt 11,28 – 12 con. Khối lượng lợn con sơ sinh đạt 1,23 – 1,25kg/con. Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng từ 15 – 18%. Dự án đã góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.

5. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu có năng suất, chất lượng, an toàn sinh học”

Dự án đã xây dựng được 6 mô hình trình diễn với quy mô 40.740 con gà Lương Phượng lai, gà Ri vàng rơm lai thương phẩm. Đây là các giống được công nhận tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gà thịt trong chăn nuôi nông hộ. Tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng đạt 94,5%, khối lượng cơ thể 2kg/con.Dự án đã giúp nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và các hộ trong địa bàn triển khai.

Thông qua hoạt động của các dự án khuyến nông chăn nuôi, hàng nghìn nông dân đã được học tập kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm,… góp phần phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nguồn: nognghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Một số lưu ý khi úm gia cầm trong mùa lạnh

Gia cầm non dễ bị tổn thương, đặc biệt thời tiết lạnh làm chậm hoặc không tiêu túi lòng đỏ, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, kế phát nhiều bệnh gây tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Vì vậy để hạn chế các tác động có hại đến gia cầm non, khi úm cần chú ý một số vấn đề sau đây:

1. Quây úm

Để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa, trong thời gian úm nên sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, thường quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 1,5 – 2 (m) nuôi úm 120 – 200 con. Chất độn chuồng nên đổ dày đều 5 – 7 cm để giữ ấm cho gia cầm. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích quây để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng, phân bổ số lượng gia cầm đồng đều vào các quây úm.

Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng

2. Nhiệt độ chuồng nuôi úm

Việc giữ ấm cho gia cầm con theo nhu cầu sinh lý trong các tuần tuổi đầu (đặc biệt là 2 tuần đầu) mới xuống chuồng rất quan trọng. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng các bệnh hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh.

Từ ngày 22 – 28 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở gia cầm để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ:

+ Nếu gia cầm tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh.

+ Nếu gia cầm tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

+ Nếu gia cầm tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.

+ Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.

Cần quan sát kỹ các biểu hiện của gia cầm trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý.

Thiết bị sưởi ấm: có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng, lò ủ trấu, đốt củi khô ở vùng sâu vùng xa (có ống thoát khói cao, không để khói ảnh hưởng đến gia cầm). Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn.Chú ý khi dùng bóng hồng ngoại để sưởi ấm, nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao dễ gây khô chân, khô niêm mạc của gia cầm.

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với gà:

Ngày tuổi

Nhiệt độ tại quây úm

Nhiệt độ chuồng nuôi

0-3

37

31 – 32

4-7

35

31 – 32

8-14

32

29 – 30

15-21

29

28 – 29

22-35

21 – 28

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với vịt, ngan:

+ Ngày tuổi 1 – 3: 32 – 33oC

+ Ngày tuổi 4 – 5: 29 – 31oC

+ Ngày tuổi 6 – 14: 25 – 28oC

+ Từ 15 ngày tuổi: 24 – 25oC

3. Độ thông thoáng

Gia cầm non cần phải được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ phù hợp có đủ không khí sạch. Tuy nhiên chuồng úm gia cầm 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không nhưng vần đủ không khí cung cấp cho gà.

Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gia cầm chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt, ẩm thấp có thể làm cho bệnh tật phát sinh, các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng và nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh. Gia cầm càng lớn, lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ càng nhiều, lượng chất thải lớn do đó không khí chuồng nuôi chứa nhiều khí độc như NH3, H2S, nếu không đủ thông thoáng dễ phát sinh các bệnh đường hô hấp….

4. Mật độ

Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, thời tiết, khí hậu mà quyết định mật độ nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ phù hợp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp.

Mật độ nuôi vận dụng cho nuôi nền sử dụng chất độn:

Gà lông màu: 20 – 40 con/ m2

Mật độ nuôi vận dụng trên sàn:

Gà lông màu: 25-50 con/ m2

Ngan, vịt siêu thịt 1 tuần tuổi: 15 – 20 con/m2 nền chuồng, 2 tuần tuổi: 8 – 10 con/m2 nền chuồng, từ 3 – 8 tuần tuổi: 6 – 8 con/m2 nền chuồng. Từ 9 – 25 tuần tuổi: 5 – 6 con/m2 nền chuồng.

5. Chăm sóc nuôi dưỡng:

– Kỹ thuật cho uống:

Nước là nhu cầu đầu tiên của gia cầm khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gia cầm uống phải đảm bảo vệ sinh, không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước vitamin C hoặc vitamin tổng hợp, liều theo hướng dẫn sử dụng.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gia cầm con dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất.

Chú ý đặt máng uống cân và độ cao phù hợp để gia cầm non dễ uống nhưng không nhảy vào máng hoặc vảy nước làm ướt nền chuồng sẽ gây ướt lông làm gia cầm bị lạnh.

– Thức ăn và kỹ thuật cho ăn:

Thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống gia cầm.

+ Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để gia cầm dễ ăn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gia cầm con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh.

Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai gia cầm để ăn dễ dàng và tránh bị rơi vãi thức ăn.

+ Kiểm soát thức ăn

Thức ăn nuôi gia cầm con phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Sử dụng các nguyên liệu mới, chất lượng tốt, không nấm mốc.

+ Kỹ thuật cho ăn

Sau khi gia cầm đã được uống nước thì cho chúng ăn.

Đối với gia cầm con: Cần cho gia cầm ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gia cầm. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Chỉ nên cung cấp một lượng thức ăn nhỏ và sẽ cấp bổ sung khi gia cầm ăn hết thức ăn. Tránh cấp lượng thức ăn lớn gia cầm không ăn hết dẫn đến ẩm, hôi làm mất tính thèm ăn của gia cầm. Hơn nữa thức ăn cho nhiều dẫn đến rơi vãi lẫn với chất độn chuồng, gây nấm mốc, khi gia cầm ăn vào sẽ độc hại, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng hoặc hít bào tử nấm vào phổi sẽ gây nấm phổi.

6. Thú y phòng bệnh

+ Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: đảm bảo yếu tố cách ly, vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe đàn gia cầm.

+ Dùng vắc-xin phòng bệnh: Thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho gia cầm bằng vắc-xin, tuy nhiên, với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vắc-xin 2-3 ngày, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho gia cầm và đáp ứng miễn dịch tốt hơn.

Với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cầu kỳ trang trại nuôi Gà hướng tới đẻ trứng Omega 3

Cơ thể con người không thể tự sản xuất ra Omega 3 mà phải nhờ nguồn thực phẩm bên ngoài bổ sung vào. Đây cũng chính là lý do và mục tiêu mà HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến hướng tới nuôi gà đẻ trứng Omega 3.

Chuồng nuôi giống gà Brown Nick đẻ trứng Omega 3

Được thành lập năm 2015, HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích đất SX 4.500 m2 được quy hoạch 3 khu chuồng trại nuôi gà tập trung.

Đến cuối năm 2015, HTX nuôi tổng cộng 19.000 con gà, trong đó có gần 10.000 gà Ai Cập đẻ trứng, còn lại là gà ri lai thương phẩm và gà con. Mỗi ngày HTX thu được 6.000 – 7.000 quả trứng, đưa về nguồn thu gần 10 triệu đồng/ngày, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Có được kết quả đó, HTX đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn VietGAP đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ thuật, công nhân bài bản.

Không chỉ dừng lại ở đó, giữa năm 2016, sau khi tìm hiểu thị trường về trứng gà Omega 3, chị Lê Thị Hiền, Giám đốc HTX quyết định đầu tư nuôi 5.000 con gà Brown Nick, là giống có nguồn gốc từ dòng gà trứng cao sản của Mỹ được nhập về Việt Nam từ năm 1993. Bằng việc bổ sung thêm các chất dinh dưỡng qua đường thức ăn của gà mái kết hợp công nghệ nuôi tiên tiến chính là cách mà HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến đã áp dụng đối với gà Brown Nick để hướng tới gà đẻ trứng Omega 3.

Đầu tiên phải kể đến chế độ dinh dưỡng của gà đẻ trứng Omega 3, khá cầu kỳ và tốn kém. Khẩu phần thức ăn của gà chứa loại axit béo này gồm những nguyên liệu cơ bản được phối trộn với nhau theo tỷ lệ thích hợp, có thêm thảo dược, tảo biển, dầu cá…

Điều khác biệt nữa là HTX không sử dụng chất kháng sinh, thay vào đó là cho gà uống vitamin C để tăng sức đề kháng. Ngoài chế độ ăn cám như gà đẻ trứng thông thường, chị Hiền cho công nhân đi lấy bèo tây về, xay nhỏ, trộn thêm mật mía và men vi sinh. Sau khi trộn đều, đem ủ hỗn hợp trên 4 – 5 ngày rồi mới cho gà ăn.

Xay bèo tây ủ mềm làm thức ăn cho gà

Khi cho gà ăn, trộn thêm dầu cá biển, tảo biển vào để mùi vị hấp dẫn. Với thức ăn chế biến thêm này, gà được ăn 1 ngày 1 lần vào buổi trưa. Cho ăn như vậy để vừa tăng thêm chất xơ cho gà, tiêu hóa tốt, phân không hôi và quan trọng nhất là tăng thêm hàm lượng Omega 3 trong trứng gà.

Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trứng cũng quyết định bởi điều kiện sinh sống của gà mái. Để đảm bảo cho đàn gà khỏe mạnh, dãy chuồng được HTX thiết kế hệ thống hút đẩy không khí tuần hoàn luân chuyển khiến chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát, nhiệt độ giữ ổn định ở mức 25 – 26 độ C, sử dụng bóng điện thắp sáng thường xuyên. Phân gà thải ra được tưới thêm men vi sinh, mỗi tuần dọn một lần nên phân khô và không hôi thối.

Theo anh Nguyễn Thái Học, kỹ sư phụ trách kỹ thuật của HTX: “Một tháng trung bình một con gà đẻ khoảng 20 – 24 trứng gà. Thông thường, gà đẻ suốt một năm khoảng hơn 250 quả, có sổ ghi chép theo dõi vì nếu con nào một tuần đẻ từ 5 – 6 trứng nhưng giảm còn khoảng 3 – 4 trứng sẽ bị loại”.

Sau khi thu hoạch, trứng gà Omega 3 được làm sạch, đóng dấu và đóng vỉ. Do cách bảo quản phải theo đúng quy trình kỹ thuật như vậy nên HTX chỉ sản xuất cung cấp cho siêu thị Metro tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và một số cửa hàng thực phẩm sạch chứ không bán ra thị trường chợ, tránh tình trạng bị trứng thường trà trộn hoặc không bảo đảm chất lượng do cách bảo quản kém.

Thu hoạch trứng gà

Vì áp dụng quy trình chăn nuôi phức tạp và chi phí đầu vào cao nên giá trứng gà Omega 3 bán đắt hơn so với trứng thường, trứng gà bình thường được nhập với giá 3.000 – 3.500đ/quả, trứng gà Omega 3 nhập với giá 4.500 – 5.000đ/quả. Tuy nhiên, nếu so về giá trị dinh dưỡng thì trứng gà Omega 3 không quá đắt vì hàm lượng của nó mang lại gấp 2 – 3 lần so với trứng gà ta. Và chỉ bằng cách đem xét nghiệm mới phân biệt được trứng gà Omega 3 và trứng thường cũng như để biết hàm lượng chất dinh dưỡng trong quả trứng. Theo cảm quan, người mua có thể cảm nhận trứng gà này qua mùi vị ăn thơm, ngon, béo và lượng lòng đỏ trong trứng gà Omega 3 nhiều hơn trứng thường, đặc biệt là khi bể trứng cũng không tanh.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng theo hướng Omega 3 của HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến đã làm phong phú, đa dạng các mô hình sản xuất ở nông thôn, kích thích cho nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư tìm hướng làm ăn mới, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho số lao động nông nhàn.

Là HTX nuôi gà tập trung lớn nhất ở Hà Tĩnh áp dụng công nghệ cao để sản xuất ra sản phẩm tiên tiến, trong thời gian tới HTX sẽ không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật hơn nữa để nâng cao hàm lượng Omega3 trong trứng gà, đảm bảo chất lượng, số lượng cung cấp cho thị trường.

Nguồn: Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bái phục lão nông làm trang trại tổng hợp trên vùng đất cát, thu 3 tỷ đồng/năm

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Thuận (58 tuổi) đã gây dựng thành công trang trại quy mô trên vùng cát ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, TT-Huế), cho doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.

Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Thuận dựa vào sản xuất lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Luôn trăn trở để tìm hướng phát triển sản xuất nhằm làm giàu cho gia đình và đóng góp xã hội, cuối năm 2006 ông cùng vợ làm đơn, phác thảo dự án rồi xin huyện cấp đất xây dựng trang trại ở xã Quảng Vinh.

Ông Thuận hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà

Vùng đất nơi gia đình ông đến lập nghiệp thời gian đó chỉ toàn sỏi và cát, nắng nóng khắc nghiệt. Để bắt tay thực hiện giấc mơ làm giàu, ông dùng số vốn eo hẹp đầu tư nuôi khoảng vài trăm con gà, mấy con heo và trồng thêm nấm rơm.

“Cuối năm 2006 tôi chuyển vào Rú Cát xây chòi để ở và chăn nuôi. Lúc ấy có đồng nào tôi đầu tư đồng đó, nuôi khoảng 500 con gà, vài con heo. Thời điểm đó tôi cũng chưa có nhiều kiến thức cần thiết về sản xuất theo hướng trang trại nên việc phát triển mô hình gặp khó khăn. Ngoài ra do cây trồng và vật nuôi không chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt nên bị thua lỗ nặng”, ông Thuận tâm sự.

Sau thất bại đó, ông được đi tập huấn và tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu những mô hình trang trại hiệu quả. Trở về nhà, ông bắt tay cải tạo môi trường vùng cát bằng việc trồng cây xanh, phát triển trang trại theo hướng đa ngành nghề, phối hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Năm 2012 trang trại của ông đạt tiêu chí trang trại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2016 đến nay, ông Thuận đã chủ động liên kết với Cty CP Greenfeed nuôi lợn theo công nghệ cao. Ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất và trang thiết bị hiện đại như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn và máng uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas; áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trên diện tích 2ha, mỗi năm trang trại nuôi hơn 30.000 con gà lai ri, 500 ngan Pháp, 400 con lợn thịt, 40 con lợn nái. Ngoài nuôi gà, heo ông còn nuôi 3 ao cá và 1,3 ha rừng tràm.

Theo ông Thuận, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, trước hết phải xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học. Nắm chắc các kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống đạt chất lượng tốt đên khâu chăm sóc. Đặc biệt, chủ động ổn định nhiệt độ trong khu chuồng trại để tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo trọng lượng xuất chuồng.

Lão nông chia sẻ: “So với mặt bằng chung trong nông nghiệp thì chăn nuôi mang lại nguồn kinh tế cao, doanh thu trung bình năm trên 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tính ra mỗi năm có lãi khoảng 1 tỷ. Làm trang trại phải có đam mê, năng động, chịu khó thì thành công sẽ đến, khi thấy lỗ đừng nản mà phải chủ động tìm giải pháp”.

Hơn 10 năm lao động vất vả trên vùng đất cát khô nóng, ông Thuận đã miệt mài không ngừng để có được trang trại quy mô, hiện đại như hiện nay. Nhờ trang trại mà 5 người con của ông được ăn học đến nơi đến chốn, ông còn xây dựng được ngôi nhà khang trang và tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trang trại của ông hằng năm còn nhận sinh viên vào thực tập, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, chế độ ăn uống của gà, heo…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi gà an toàn để xuất khẩu

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gà sạch để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.

Chúng tôi đến trại gà của ông Lê Văn Nghĩa (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) để tìm hiểu. Đây là một trong số các trang trại gà nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu, do Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai triển khai thời gian qua.

Cơ hội

Theo ông Nghĩa, từ ngày tham gia chương trình, trang trại của ông gần như phải thay đổi toàn bộ quy trình nuôi gà truyền thống nhằm đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Trước hết, hệ thống chuồng trại được ông đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Ngoài trại nuôi gà thịt thương phẩm, ông còn phải xây dựng thêm trại nuôi gà giống. Trong đó, từ con giống, thức ăn, thuốc thú y tất cả đều phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Nhiều trang trại nuôi gà sạch rất mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà xuất khẩu

Đặc biệt, 1 tháng trước khi xuất bán gà, theo qui định ông phải ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc thú y. Mặc dù quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, gà thịt đạt tiêu chuẩn sạch theo quy định nhưng hiện tại ông Nghĩa vẫn phải bán gà qua thương lái.

“Cứ 2 ngày lại có xe của thương lái vào bắt gà, mỗi lần bắt vài ngàn con. Giá bán theo giá thị trường, lúc cao họ mua cao, lúc giá xuống họ mua thấp”, ông cho biết.

Do đầu ra không chủ động lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên trại gà của ông Nghĩa dù chăn nuôi theo quy trình sạch, nhưng giá cả cũng không khác so với gà thường. Bởi vậy, khi nghe thông tin về việc một doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu được thịt gà sang thị trường Nhật Bản, ông rất muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà nguyên liệu.

“Tham gia vào chuỗi chăn nuôi xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua đảm bảo sản lượng và giá gà ổn định, chắc chắn người nuôi sẽ yên tâm hơn rất nhiều. Theo quy trình của doanh nghiệp đưa ra, gà nguyên liệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhưng nếu có mô hình chăn nuôi cụ thể, được hỗ trợ kỹ thuật thì chúng tôi sẽ đáp ứng tốt”, ông Nghĩa cam kết

Tương tự, ông Lâm Đình Tới, chủ trại gà 20 ngàn con tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cũng cho rằng, chỉ cần có đầu ra, giá cả ổn định thì người chăn nuôi sẽ tham gia. “Quy trình nuôi, chúng tôi chỉ cần có mô hình cụ thể cộng thêm đó là sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì làm được hết, chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm chăn nuôi hàng chục năm rồi”, ông Tới cho hay.

An toàn dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, để đáp ứng nhu cầu chế biến thịt gà xuất khẩu sang Nhật, Cty Koyu & Unitek đang cần nguồn gà nguyên liệu rất lớn. Trong khi đó, số trang trại đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là chưa nhiều, do đó cơ hội để người chăn nuôi gà tham gia vào chuỗi có biên độ rất rộng.

Tuy nhiên, để được tham gia vào chuỗi, trại nuôi cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với các trại gà để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu chính là vấn đề an toàn dịch bệnh.

“Vừa rồi Cty Koyu & Unitek có tổ chức các đoàn kiểm tra các trại nuôi gà, trong đó có trại nuôi của gia đình tôi. Dù trại đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra nhưng do nằm gần với các trại chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực nên họ còn lo ngại đối về vấn đề an toàn dịch bệnh”, ông Ngọc chia sẻ

Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, rất khó để thực hiện quy định về khoảng cách trại nuôi. Bởi, phần lớn người chăn nuôi hiện đang ở dạng nhỏ lẻ, nếu thực hiện việc giữ khoảng cách 1 m có một trại nuôi như yêu cầu thì Đồng Nai sẽ không còn bao nhiêu trại nuôi gà nữa.

Vì thế, nhằm gỡ khó cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp địa phương đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Theo đó, tại đây đã xây dựng và chứng nhận an toàn dịch bệnh cấp xã đối với 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom. Ngoài ra, 10 xã quanh trại gà của Cty Koyu & Unitek cũng đã được công nhận an toàn dịch bệnh. Tức là, tất cả các khu vực nói trên đều đã đủ tiêu chuẩn để nuôi gà xuất khẩu.

“Chúng tôi đang tập trung mở rộng xây dựng thêm các xã an toàn dịch bệnh nằm trên địa bàn huyện Xuân Lộc và TX Long Khánh. Mục tiêu những năm tới là sẽ xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu gà nguyên liệu”, ông Báu nhấn mạnh

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi thỏ, gà kết hợp trồng trọt, thu 30 triệu đồng/tháng

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao…

Thành ngữ Việt Nam có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Câu nói đó thật đúng với trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc và ông Nguyễn Quốc Kim ngụ tại Kp7, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, hai vợ chồng vẫn ngày đêm cần mẫn phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ mô hình kết hợp này, mỗi tháng gia đình ông bà thu nhập được hơn 30 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ và gà thả vườn của gia đình bà Lộc

Hơn 2 sào lúa đang trổ bông, 1 sào rau muống xanh mướt, một mô hình nuôi thỏ ta với hơn 100 con và hơn 350 con gà ta được nuôi theo cách thả vườn là điều ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Chừng ấy công việc, mà chỉ có 2 người làm là điều không hề đơn giản, nhưng với sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, vợ chồng bà Lộc đã bố trí thời gian vừa trồng trọt vừa chăn nuôi hợp lý để vừa chăm sóc tốt cho đàn thỏ và gà cũng như chăm bón tốt cho lúa và rau muống, khiến cho ai nhìn vào vào cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: “Khởi đầu ngày mới của gia đình bà thường bắt đầu với công việc đầu tiên là vệ sinh chuồng thỏ để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ được chăm sóc tốt nên tỷ lệ thỏ lớn khỏe mạnh hầu như lúc nào cũng tuyệt đối, trọng lượng mỗi con thỏ ta nuôi khoảng từ 3 đến 4 tháng, xuất bán cho thương lái và các mối hàng kinh doanh lúc nào cũng trên 2 ký rưỡi. Với giá bán lẻ và bán sỉ đều như nhau: Khoảng 65 ngàn đồng/kg nên người mua khá ưa chuộng”

Chất lượng thịt thỏ của gia đình bà Lộc nuôi được nhiều người mua đánh giá là thơm ngon, chắc thịt… vì thỏ nhà bà Lộc nuôi được cho ăn chủ yếu là rau muống mà gia đình tự trồng, chỉ bổ sung một ít thức ăn tinh vào buổi trưa là từ thức ăn gia súc để đảm bảo dinh dưỡng cho thỏ. Với 20 con thỏ giống, mỗi tháng chúng sinh sản phát triển trung bình trên 50 con thỏ con, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao, sau khi gà nở và trong quá trình chăn nuôi sau bà đều cho chúng uống vắc xin phòng bệnh theo từng giai đoạn, nên rất hiếm khi xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ xuất bán mỗi tháng trên 100 con với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên Đán, gà nhà bà Lộc nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Lộc trồng thêm lúa và rau muống để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà
Ngoài ra để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bà Lộc còn trồng thêm 2 sào lúa và 1 sào rau muống. Một mặt là phát triển thêm kinh tế, mặt khác là để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà, không những tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn ban đầu, mà còn còn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Ông Đỗ Bách Việt – PCT Hội Nông Dân phường Tân An cho biết: “Với mô hình vừa kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia đình bà Lộc thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng vitamin C cho gà

Vitamin C tham gia quá trình hô hấp tế bào, tăng cường các phản ứng oxy hóa khử, kích thích sự sinh trưởng và đổi mới tổ chức tế bào, tăng cường khả năng tạo huyết sắc tố, thúc đẩy sự đông máu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất và phẩm chất trứng, tinh trùng, có tính chất chống ôxy hóa trong cơ thể.

Vitamin C được tổng hợp trong cơ thể nhưng trong những trường hợp gia cầm bị bệnh hoặc trong tình trạng stress thì nên cung cấp Vitamin C qua thức ăn hoặc nước uống cho gia cầm với liều 100 – 500 mg/ kg thức ăn.

Vitamin C giúp gà chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất

Khi thời tiết nóng, chủng ngừa, cân gà hoặc đàn gà bị bệnh truyền nhiễm thì dùng Vitamin C liều cao giúp cho đàn gà mau chóng ổn định và vượt qua những yếu tố bất lợi. Vitamin C (acid Ascorbic) có vai trò quan trọng  trong quá trình phòng chống stress, giúp cơ thể tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường.

Vì vậy, trong chăn nuôi gà sẽ thường xuyên sử dụng vitamin C điển hình như sau: Trước và sau khi chủng ngừa: trước khi chủng ngừa 1 2 ngày và sau khi chủng ngừa 3 5 ngày cần cung cấp Vitamin C để giúp gà tạo kháng thể tốt, hạn chế bị sốc do chủng ngừa. Trong mùa nắng nóng: Thường xuyên cung cấp Vitamin C trong thức ăn hoặc nước uống để giúp gà ổn định năng suất và tăng sức chịu đựng.

Trong những tháng chuyển mùa cần cung cấp Vitamin C thường xuyên để giúp gà tăng sức kháng bệnh. Trước khi và sau khi chuyển gà sang chuồng mới (như chuyển từ chuồng gà sang chuồng gà hậu bị, chuyển từ chuồng gà hậu bị sang chuồng gà đẻ,…): Cung cấp vitamin C để hạn chế những sốc do rượt đuổi, dồn ép gà,… Khi thấy chất lượng vỏ trứng không tốt (nhiều trứng non, trứng sần sùi, vỏ trứng mỏng,..). Khi sử dụng kháng sinh,…cũng cần sử dụng Vitamin C.

Chú ý là muốn sử dụng Vitamin C đạt hiệu quả cao, nên cho gà sử dụng Vitamin C trước khi xảy ra stress từ 12 14 giờ. Bên cạnh đó,Vitamin C rất dễ bị hư và bị giảm tác dụng trong điều kiện sản xuất và bảo quản không tốt, như: ánh sáng, độ ẩm cao, nhiệt độ cao.

Một số biểu hiện khi gà bị thiếu vitamin:

  • Gà thiếu vitamin A sẽ chậm phát triển, giảm đẻ tỷ lệ nở phôi thấp.Mắt mờ, chân, da, mào khô, sừng hóa.
  • Gà thiếu vitamin B1 chân yếu, đầu nghẹo, không đi được, ăn kém, gầy còm.
  • Thiếu vitamin B2 hấp thụ thức ăn kém, gà chậm lớn.
  • Thiếu vitamin PP (axít Nicotinic hay Nicotinamid) miệng loét, viêm khớp, viêm ruột.
  • Thiếu vitamin B12 gà thiếu máu, chậm lớn.
  • Thiếu vitamin C sức đề kháng gà yếu, kém chịu nóng.
  • Thiếu vitamin D xương mềm, gà đi tập tễnh, khớp xương biến dạng, gà đẻ xượng rỗng, vỏ trứng mỏng, giảm tỷ lệ đẻ.
  • Thiếu vitamin E gà phù đầu, sưng xuất huyết não, gà con đi lại khó khăn, đi hay ngã hoặc đầu hay cúi giữa 2 bàn chân. Gà trống kém hoạt động, tỷ lệ nở thấp.

Khắc phục: Bổ sung vitamin vào thức ăn, cho uống liên tục 3 5 ngày hay Multivit 1g/1lít nước hoặc 0,5 kg thức ăn,Vitamin ADE, B-complex,…

Theo nhanong.com,vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.